Chế độ pháp lý về quản lý nội bộ của công ty trách nhiệm hữu hạn theo Luật doanh nghiệp - 8


yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên để giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền” [4, Đ.1].

Trường hợp có yêu cầu của thành viên, nhóm thành viên nói trên, nếu thấy yêu cầu đó là hợp pháp, Chủ tịch Hội đồng thành viên phải triệu tập họp Hội đồng thành viên trong thời hạn 15 ngày; nếu không, phải thông báo bằng văn bản cho thành viên, nhóm thành viên có yêu cầu và các thành viên khác biết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Còn nếu yêu cầu có đủ điều kiện theo quy định mà Chủ tịch Hội đồng thành viên không triệu tập họp Hội đồng thành viên thì thành viên, nhóm thành viên yêu cầu có quyền triệu tập họp Hội đồng thành viên. Trong trường hợp này, tất cả các chi phí hợp lý cho việc triệu tập và tiến hành họp Hội đồng thành viên sẽ được công ty hoàn lại. Việc triệu tập họp Hội đồng thành viên phải được tiến hành công khai bằng thông báo mời họp. Mời họp có thể được thực hiện bằng thư bưu chính, fax, thư điện tử hoặc điện thoại, nhưng phải thông báo rõ chương trình họp, thời gian, địa điểm họp. Các tài liệu họp phải được gửi cho các thành viên công ty trước ngày khai mạc cuộc họp [4, Đ.1].

* Điều kiện và thể thức tiến hành họp Hội đồng thành viên


Cuộc họp Hội đồng thành viên là hoạt động quan trọng nhất của Hội đồng thành viên, bởi vì tại đây những vấn đề quan trọng nhất của công ty sẽ được đưa ra trước các thành viên công ty để cùng thảo luận và thông qua. Về nguyên tắc, cuộc họp Hội đồng thành viên là cuộc họp của các thành viên, tham dự cuộc họp Hội đồng thành viên là quyền của các thành viên Hội đồng thành viên, nên cuộc họp không thể tiến hành nếu thành viên không tham dự. Tuy nhiên, trên thực tế đôi khi vì một lý do nào đó, một hoặc một số thành viên không thể tham dự hoặc từ chối tham dự cuộc họp Hội đồng thành viên. Vậy khi đó, cuộc họp có được tiến hành hay không? Việc quyết định các vấn đề của công ty được thực hiện như thế nào? Giả dụ pháp luật quy định vắng một hoặc


một số thành viên thì cuộc họp vẫn được tiến hành, thì những thành viên vì một lý do bất khả kháng không thể tham dự cuộc họp Hội đồng thành viên được sẽ mất đi quyền lợi chính đáng của mình. Nhưng nếu pháp luật quy định cuộc họp Hội đồng thành viên chỉ được tiến hành khi có sự tham dự của tất cả các thành viên, thì một thành viên nào đó có thể vì lợi ích cá nhân sẽ lợi dụng điều này để ngăn cản cuộc họp, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của công ty và các thành viên, pháp luật của các nước thường quy định cuộc họp Hội đồng thành viên được và chỉ được tiến hành khi có sự tham dự của các thành viên đại diện cho ít nhất một tỷ lệ vốn nhất định (thông thường là vốn đa số) trong công ty, mỗi nước quy định một tỷ lệ cụ thể khác nhau. Sở dĩ pháp luật không quy định điều kiện có hiệu lực của cuộc họp Hội đồng thành viên dựa trên tỷ lệ nhất định các thành viên tham dự mà dựa trên một tỷ lệ vốn nhất định mà các thành viên tham dự nắm giữ, bởi vì trong công ty trách nhiệm hữu hạn, mỗi thành viên có quyền sở hữu công ty và quyết định các vấn đề quan trọng của công ty tương ứng với phần vốn góp của mình.

Điều 38 Luật doanh nghiệp và Điều 12 Nghị định 03/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật doanh nghiệp đã quy định cụ thể điều kiện có hiệu lực của các cuộc họp Hội đồng thành viên. Theo đó, cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên tham dự đại diện cho ít nhất 65% vốn điều lệ, nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác cao hơn 65%. Nếu Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn, thì áp dụng tỷ lệ tối thiểu phải có theo quy định của Điều lệ công ty.

Trường hợp cuộc họp thứ nhất không đủ điều kiện để tiến hành thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày cuộc họp lần thứ nhất dự định khai mạc. Cuộc họp Hội đồng thành viên triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số thành viên tham dự đại diện cho ít nhất 50% vốn điều lệ, nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác cao hơn. Còn nếu Điều lệ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.


công ty quy định tỷ lệ khác cao hơn thì áp dụng tỷ lệ tối thiểu phải có theo quy định của Điều lệ công ty.

Chế độ pháp lý về quản lý nội bộ của công ty trách nhiệm hữu hạn theo Luật doanh nghiệp - 8

Trường hợp cuộc họp thứ hai không đủ điều kiện để tiến hành thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày cuộc họp lần thứ hai dự định khai mạc. Lúc này, cuộc họp lần thứ ba của Hội đồng thành viên được tiến hành không phụ thuộc vào số thành viên tham dự. [1, Đ.38].

Cuộc họp nào của Hội đồng thành viên được tiến hành khi không hội đủ những điều kiện nêu trên thì những quyết định được đưa ra tại cuộc họp không có giá trị pháp lý.

* Phương thức thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên


Về nguyên tắc, các quyết định của Hội đồng thành viên phải được thông qua theo phương thức quyết định tập thể. Không chỉ riêng pháp luật Việt Nam mà pháp luật các nước đều quy định phương thức quyết định như vậy. Bởi vì các quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên là các quyết định tác động trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của công ty, cho nên quyền quyết định không thể thuộc về một cá nhân nhất định mà phải thuộc về toàn thể những thành viên - chủ sở hữu công ty. Có hai hình thức thông qua quyết định của Hội đồng thành viên, đó là biểu quyết tại cuộc họp lấy ý kiến của các thành viên bằng văn bản [1, Đ.39].

Tuy nhiên, việc biểu quyết thông qua quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên không giống như cách thức biểu quyết thông thường trong xã hội để bầu ra các cơ quan hoặc các chức danh quy định trong bộ máy nhà nước. Quyền biểu quyết để bầu ra các cơ quan hoặc các chức danh trong bộ máy nhà nước thông thường theo nguyên tắc bình đẳng, mỗi người đi bầu đều có quyền biểu quyết như nhau. Nhưng trong công ty trách nhiệm hữu hạn, “cánh tay” biểu quyết của mỗi thành viên không có giá trị như nhau mà có giá


trị tương ứng với phần vốn góp của mỗi người trong công ty. Bởi vì sở hữu chung trong công ty là sở hữu chung theo phần, ai góp nhiều vốn hơn sẽ có quyền sở hữu lớn hơn đối với công ty và đương nhiên cũng có quyền định đoạt lớn hơn đối với các vấn đề của công ty. Đây là phương thức đảm bảo sự bình đẳng về mặt kinh tế và chính trị cho các thành viên trong công ty.

Điều kiện để quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp và hình thức lấy ý kiến bằng văn bản được quy định cụ thể trong Điều 39 Luật doanh nghiệp và Điều 13 Nghị định 03/2000/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật doanh nghiệp. Tuỳ tầm quan trọng của từng vấn đề cần đưa ra biểu quyết để quyết định khác nhau mà tỉ lệ biểu quyết được quy định khác nhau. Về cơ bản, các quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp khi được số phiếu đại diện cho ít nhất 51% số vốn của các thành viên dự họp chấp thuận. Trừ những quyết định về những vấn đề quan trọng nhất của công ty như: quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản của công ty được ghi trong sổ kế toán của công ty (hoặc tỷ lệ nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định); quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, tổ chức lại công ty, giải thể công ty thì quyết định của Hội đồng thành viên sẽ được thông qua tại cuộc họp khi được số phiếu đại diện cho ít nhất 75% số vốn của các thành viên dự họp chấp thuận. Lưu ý rằng, các tỷ lệ 51% và 75% là những tỷ lệ tối thiểu mà Luật doanh nghiệp quy định. Công ty có quyền quy định một tỷ lệ khác cao hơn, và trong trường hợp đó thì sẽ áp dụng tỷ lệ tối thiểu phải có theo quy định của Điều lệ công ty.

Trường hợp thông qua quyết định của Hội đồng thành viên bằng hình thức lấy ý kiến của các thành viên bằng văn bản, thì quyết định của Hội đồng thành viên về tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền được thông qua khi được số thành viên đại diện cho ít nhất 65% vốn điều lệ công ty chấp thuận, nếu Điều lệ


công ty không quy định một tỷ lệ khác cao hơn 65%; nếu Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn 65% thì áp dụng tỷ lệ tối thiểu phải có theo quy định của Điều lệ công ty.

Như vậy, trong công ty trách nhiệm hữu hạn, mức độ tham gia quản lý công ty của từng thành viên hoàn toàn phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp của thành viên đó vào công ty, thành viên có phần vốn góp trong công ty càng lớn thì càng có khả năng chi phối mạnh mẽ đến hoạt động của công ty. Đây chính là sự bình đẳng về mặt kinh tế và chính trị của các thành viên trong công ty, và nguyên tắc chung là pháp luật phải đảm bảo được sự bình đẳng đó. Tuy nhiên, nếu pháp luật tuyệt đối hoá sự bình đẳng này trong mọi hoạt động của công ty, thì sẽ dễ dàng dẫn đến tình trạng không đảm bảo được quyền lợi cho các thành viên có phần vốn góp thiểu số. Vai trò của pháp luật là phải làm sao điều hoà được quyền lợi giữa các thành viên, cả thành viên có phần vốn góp đa số và thành viên có phần vốn góp thiểu số (thành viên thiểu số) trong công ty.

b. Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty

Bên cạnh chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, trong bộ máy quản lý nội bộ công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên còn có một chức danh quản lý khác cũng do một cá nhân đảm nhiệm, đó là Giám đốc (Tổng giám đốc). Nếu như Hội đồng thành viên là cơ quan “quyền lực” cao nhất trong công ty, nắm quyền quyết định các vấn đề quan trọng của công ty, thì Giám đốc (Tổng giám đốc) là cơ quan có chức năng “thực thi quyền lực” bằng việc tổ chức thực hiện các quyết định đó và thực hiện các nhiệm vụ được giao theo sự phân công của Hội đồng thành viên.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp, Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty. Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty do Hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách


chức. Chính vì vậy, Giám đốc (Tổng giám đốc) chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Nếu như Chủ tịch Hội đồng thành viên là người được lựa chọn bầu ra trong số các thành viên Hội đồng thành viên, thì Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty không nhất thiết phải là thành viên của Hội đồng thành viên. Cơ chế bổ nhiệm Giám đốc (Tổng giám đốc) là cơ chế “động”: Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty có thể do Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm nhiệm, có thể được bổ nhiệm từ một thành viên khác trong công ty hoặc có thể được thuê từ những người ngoài công ty. Bởi vì, thực tế cho thấy năng lực của công ty phụ thuộc rất lớn vào năng lực của người điều hành. Giám đốc (Tổng giám đốc) không nhất thiết là người có vốn góp trong công ty mà phải là một người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm điều hành kinh doanh. Hội đồng thành viên và Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng như các thiết chế khác trong công ty có thể kiểm soát công việc điều hành của Giám đốc (Tổng giám đốc) thông qua những quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và các văn bản có liên quan khác.

Luật doanh nghiệp quy định là trong trường hợp Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty thì Giám đốc (Tổng giám đốc) là người đại diện theo pháp luật của công ty. Như vậy, trong công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên, chỉ có một trong hai người có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty, đó là: Chủ tịch Hội đồng thành viên (nếu như trong Điều lệ công ty có quy định rõ), hoặc Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty (nếu Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty).

Với tư cách là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày trong công ty, Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên có các quyền sau đây [1, Đ.41]:


- Tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng thành viên;


- Quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động hàng ngày của công ty;

- Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và kế hoặc đầu tư của công ty;


- Ban hành quy chế quản lý nội bộ công ty;


- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;

- Ký kết hợp đồng nhân danh công ty nếu là người đại diện theo pháp luật của công ty;

- Kiến nghị phương án bố trí cơ cấu tổ chức công ty;


- Trình báo cáo quyết toán tài chính hàng năm lên Hội đồng thành viên;


- Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý các khoản lỗ trong kinh doanh;

- Tuyển dụng lao động.


Đây là những quyền được pháp luật ghi nhận cụ thể nhằm tạo điều kiện cho Giám đốc (Tổng giám đốc) thực thi tốt công việc điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty.

Như vậy, cùng là những chức danh quản lý trong công ty do cá nhân đảm nhiệm, nhưng vai trò của Chủ tịch Hội đồng thành viên và Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty rất khác nhau. Giám đốc (Tổng giám đốc) là người triển khai việc thực thi “quyền lực” của Hội đồng thành viên trong công ty, còn Chủ tịch Hội đồng thành viên là người có trách nhiệm giám sát việc thực thi quyền lực đó. Mối quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng thành viên và Giám đốc (Tổng giám đốc) trong công ty là mỗi quan hệ khá độc lập. Giám đốc (Tổng giám đốc) chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình trước cơ quan bổ nhiệm, đó là Hội


đồng thành viên, chứ không chịu trách nhiệm trước cá nhân Chủ tịch Hội đồng thành viên. Chính vì vậy, thiết nghĩ chức năng “giám sát việc tổ chức thực hiện quyết định của Hội đồng thành viên” của Chủ tịch Hội đồng thành viên được quy định trong Luật doanh nghiệp trên thực tế phần nào trở thành một quy định mang tính hình thức, nhất là khi mà Luật doanh nghiệp không quy định hậu quả của việc giám sát này là như thế nào. Theo quy định của Luật doanh nghiệp, dường như quyền giám sát của chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên không khác gì mấy với quyền giám sát của các thành viên khác trong công ty.

c. Ban kiểm soát

Chế định về cơ quan kiểm soát trong công ty là một sản phẩm bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn. Thực tiễn thành lập và hoạt động của các công ty, đặc biệt là những công ty có quy mô và số lượng thành viên lớn cho thấy không hiếm trường hợp những người giữ vai trò lãnh đạo, điều hành trong công ty lợi dụng vị thế, quyền hạn mình có để bằng nhiều cách thu lợi bất chính cho mình, xâm hại đến lợi ích hợp pháp của công ty và những người khác. Xuất phát từ việc ngăn chặn và chống lại sự lạm dụng quyền lực, gây hại cho công ty của những người nắm quyền lãnh đạo công ty, chế định về cơ quan kiểm soát đã ra đời nhằm thiết lập một cơ quan có vị trí độc lập trong công ty, chế ước quyền hành của những người lãnh đạo đó.

Ở Việt Nam, theo quy định của Luật công ty trước đây cũng như của Luật doanh nghiệp hiện hành, cơ quan kiểm soát được thành lập ở hai loại hình công ty, đó là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần với tên gọi là Ban kiểm soát. Dù là được thành lập và hoạt động trong công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn, thì Ban kiểm soát bao giờ cũng giữ chức năng cơ bản là kiểm tra và giám sát toàn bộ hoạt động trong công ty, đặc biệt là kiểm tra và giám sát hoạt động quản lý, điều hành, tài chính, kế toán của công ty, nhằm

Xem tất cả 145 trang.

Ngày đăng: 26/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí