biết về kinh doanh và có khả năng quản lý. Vậy thì chất lượng hoạt động của Hội đồng thành viên có được bảo đảm không?
Thứ ba, những quy định của Luật doanh nghiệp hạn chế quyền tham gia Hội đồng thành viên của người góp vốn là người nước ngoài, tổ chức nước ngoài chưa hợp lý, không bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi giữa những người góp vốn. Theo quy định của Luật doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài) cũng có quyền góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, vì Điều 9.8 Luật doanh nghiệp quy định: tổ chức nước ngoài, người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, nên Nghị định 125/2004/NĐ-CP (đã dẫn) đã quy định: tổ chức nước ngoài, người nước ngoài góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn có quyền uỷ quyền cho công dân Việt Nam làm thành viên Hội đồng thành viên tương ứng với phần vốn góp.
Quy định này đã tạo ra sự bất bình đẳng về quyền giữa những người góp vốn vào công ty. Lẽ thường tình, bất kể một nhà đầu tư nào, dù là nhà đầu tư Việt Nam hay nhà đầu tư nước ngoài đều có nhu cầu chính đáng là nắm được đường đi, nước bước của đồng vốn mình đã góp vào công ty. Vì vậy, không có lý do gì mà Luật doanh nghiệp lại tước đi một quyền cơ bản này của nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn. Quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty cổ phần được tham gia Đại hội đồng cổ đông để quyết định các vấn đề quan trọng của công ty cùng với các cổ đông khác nhưng lại không cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào Hội đồng thành viên để cùng với các thành viên khác tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của công ty trách nhiệm hữu hạn, quy định hạn chế người nước ngoài lại không được trực tiếp tham gia Hội đồng thành viên mà phải uỷ quyền tham gia
Hội đồng thành viên cho một công dân Việt Nam nhưng lại để cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài) lại được tham gia Hội đồng thành viên đã thể hiện một sự “khập khiễng” trong tư duy của các nhà làm luật. Theo chúng tôi, đây là những vấn đề cần được giải quyết thấu đáo trong quá trình hoàn thiện Luật doanh nghiệp.
2.2.2. Còn nhiều điểm chưa hợp lý trong các quy định của Luật doanh nghiệp về chế độ làm việc của Hội đồng thành viên
Theo quy định của Luật doanh nghiệp, cuộc họp định kỳ của Hội đồng thành viên được tiến hành ít nhất mỗi năm một lần theo triệu tập của Chủ tịch Hội đồng thành viên. Chương trình và các tài liệu họp phải được gửi cho thành viên công ty trước ngày khai mạc cuộc họp. Thời hạn gửi trước do Điều lệ công ty quy định. Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp đại diện cho ít nhất 65% vốn điều lệ. Điều lệ công ty có thể quy định một tỷ lệ cao hơn. Nếu cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định trên thì cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ hai được tiến hành khi có số thành viên dự họp đại diện cho ít nhất 50% vốn điều lệ. Nếu cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định này thì cuộc họp Hội đồng thành viên lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào số thành viên dự họp [1, Đ.38].
Như vậy, tiến bộ hơn Luật công ty (1990), Luật doanh nghiệp đã quy định cụ thể về điều kiện để cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành. Song, theo chúng tôi, những quy định của Luật doanh nghiệp về điều kiện tiến hành cuộc họp Hội đồng thành viên vẫn có nhiều điểm bất hợp lý.
Thứ nhất, với quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng thành viên theo quy định hiện tại của Luật doanh nghiệp thì số lần họp định kỳ của Hội đồng thành
Có thể bạn quan tâm!
- Tổ Chức Bộ Máy Quản Lý Nội Bộ Và Sự Phân Chia Quyền Lực Giữa Các Cơ Quan Quản Lý, Điều Hành Trong Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên
- Nghĩa Vụ Và Trách Nhiệm Của Người Quản Lý Công Ty
- Một Số Nhận Xét Về Những Quy Định Của Luật Doanh Nghiệp Về Quản Lý Nội Bộ Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn
- Luật Doanh Nghiệp Còn Thiếu Các Quy Định Về Nghĩa Vụ Trung Thành, Trung Thực, Mẫn Cán, Cẩn Trọng Của Các Chức Danh Quản Lý Trong Công Ty Trách Nhiệm Hữu
- Những Yêu Cầu Và Định Hướng Chung Cho Việc Hoàn Thiện Pháp Luật Về Quản Lý Nội Bộ Của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn
- Một Số Kiến Nghị Cụ Thể Nhằm Hoàn Thiện Chế Độ Pháp Lý Về Quản Lý Nội Bộ Của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn
Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.
viên mỗi năm ít nhất một lần là quá ít. Điều này khiến cho nhiều vấn đề quan trọng của công ty nảy sinh nhưng lại không được giải quyết kịp thời, và quyền lực trong công ty dễ bị chi phối bởi một người là Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tập thể thành viên công ty, đặc biệt là khi mà trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thành viên khi không triệu tập họp Hội đồng thành viên theo quy định chưa được Luật doanh nghiệp đề cập tới.
Thứ hai, việc Luật doanh nghiệp không quy định cụ thể về thời hạn gửi trước chương trình và tài liệu họp cho thành viên mà lại dành quyền này cho Điều lệ công ty quy định không phải là cách tối ưu. Tham khảo luật của nhiều quốc gia trên thế giới, chúng tôi thấy thời hạn gửi trước thông báo, chương trình, tài liệu cuộc họp được quy định rất cụ thể trong luật. Chẳng hạn như Luật công ty trách nhiệm hữu hạn 1892 của Đức quy định thời hạn này tối thiểu là một tuần [24], theo luật của Thái Lan thời hạn này là 7 ngày, luật của Singapore, Philippine, Malaysia quy định thời hạn này là 14 ngày [30], Luật công ty của Anh quy định thời hạn này là 21 ngày [37]. Quy định không cụ thể của Luật doanh nghiệp có thể không bảo vệ được quyền thông tin của các thành viên, đặc biệt là đối với các thành viên thiểu số.
Thứ ba, những quy định hiện hành của Luật doanh nghiệp về giới hạn tối thiểu để tiến hành họp Hội đồng thành viên là thấp. Với quy định cuộc họp lần thứ nhất được tiến hành khi có số thành viên đại diện ít nhất 65% vốn điều lệ tham dự và quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua với điều kiện được số phiếu đại diện ít nhất 51% số vốn của các thành viên dự họp chấp thuận thì như vậy quyết định của Hội đồng thành viên có thể được thông qua mà chỉ cần có sự chấp thuận của số thành viên đại diện cho 33,15% (= 51%x65%) vốn điều lệ của công ty. Theo tôi, tỷ lệ này là thấp, và cùng với việc không quy định cụ thể về thời hạn thông báo cuộc họp Hội đồng thành viên thì
trong nhiều trường hợp những quy định như thế này có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của rất nhiều thành viên khác trong công ty. Đành rằng, những quy định của Luật doanh nghiệp được thiết kế theo hướng mở, tức là chủ yếu dành quyền quyết định cho doanh nghiệp trong khuôn khổ những quy định của Luật, song trong trường hợp này độ mở dành cho Điều lệ là quá rộng, khi mà trên thực tế hiện nay do nhiều lý do (như người góp vốn đầu tư ở Việt Nam chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của những quy định này, hoặc không có khả năng đàm phán để đạt được tỷ lệ tối thiểu có lợi hơn…) nên Điều lệ của các công ty rất ít khi quy định một tỷ lệ tối thiểu cao hơn Luật. Vì vậy, quy định này chưa bảo vệ được các thành viên thiểu số của công ty.
2.2.3. Cơ chế bảo vệ quyền lợi của thành viên thiểu số trong Luật doanh nghiệp còn yếu, chưa đầy đủ và không hiệu quả
Xây dựng được cơ chế hữu hiệu để bảo vệ lợi ích của thành viên, cổ đông thiểu số trong công ty là một chuẩn mực cơ bản mà pháp luật về quản lý nội bộ công ty phải đạt được. Mặc dù đã tiến bộ hơn Luật công ty 1990 trong việc xây dựng cơ chế bảo vệ lợi ích của thành viên thiểu số, nhưng những quy định của Luật doanh nghiệp về vấn đề này vẫn chưa đầy đủ, nên quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên thiểu số chưa được thực hiện và bảo vệ ở mức cần thiết. Chúng ta có thể thấy bóng dáng các quy định bảo vệ quyền lợi của thành viên thiểu số trong Luật doanh nghiệp tại các điều như Điều 29.2 (Quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên), Điều 31 (Quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp).
Theo quy định tại Điều 29.2, thành viên hoặc nhóm thành viên sở hữu trên 35% vốn điều lệ hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định có quyền yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên để giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền. Có nghĩa là Luật doanh nghiệp đã dành quyền tuỳ ý lựa chọn tỷ lệ trên 35% vốn điều lệ hoặc một tỷ lệ thấp hơn cho Điều lệ công ty. Đây là quy
định mềm dẻo, linh hoạt, nhằm bảo vệ quyền lợi của thành viên thiểu số. Song có một vướng mắc là trên thực tế, rất hiếm có trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ thấp hơn Luật định, trong khi đó kết quả khảo sát hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn cho thấy rất nhiều công ty có thành viên thiểu số sở hữu vốn điều lệ với tỷ lệ nhỏ hơn 35%. Vì vậy, quy định này trên thực tế rất ít có giá trị thực tiễn mà chỉ mang tính hình thức, quyền lợi chính đáng của thành viên thiểu số trong công ty không được bảo đảm thực sự. Tham khảo luật của nhiều quốc gia trên thế giới về công ty trách nhiệm hữu hạn, chúng tôi thấy điều kiện triệu tập họp Hội đồng thành viên của thành viên, nhóm thành viên thiểu số được quy định thấp hơn so với Luật doanh nghiệp. Ví dụ: Luật công ty trách nhiệm hữu hạn của Đức quy định các thành viên công ty mà phần vốn góp tổng cộng của họ bằng 1/10 vốn pháp định thì có quyền yêu cầu triệu tập đại hội thành viên nhưng phải đưa ra mục đích và lý do [24]; Luật về Private Company của Anh quy định các thành viên sở hữu 1/10 vốn điều lệ có quyền yêu cầu triệu tập họp hội đồng thành viên, trong thời hạn 21 ngày nếu cuộc họp không được triệu tập thì những thành viên này có quyền tự triệu tập [37]. Đây cũng là những thông tin chúng ta có thể tham khảo khi hoàn thiện Luật doanh nghiệp.
Theo Điều 31, thành viên công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó bỏ phiếu chống hoặc phản đối bằng văn bản đối với quyết định của Hội đồng thành viên về các vấn đề sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, quyền và nhiệm vụ của Hội đồng thành viên, việc tổ chức lại công ty… Đây cũng là một công cụ để bảo vệ lợi ích của thành viên thiểu số. Tuy nhiên, Luật lại quy định là giá mua lại phần vốn góp được xác định theo nguyên tắc thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì công ty phải mua lại theo giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Tuy nhiên trên thực tế,
giá thị trường để tham khảo cho việc định giá mua lại phần vốn góp chưa có, và Điều lệ của các công ty thường không quy định nguyên tắc tính giá mua lại phần vốn góp. Kết quả là trên thực tế, nếu trường hợp này xảy ra, thành viên công ty một là phải chấp nhận tiếp tục ở lại công ty với các quyền và lợi ích có thể thay đổi có bản so với trước, hai là phải chấp nhận bán rẻ phần vốn góp của mình cho công ty để rút khỏi công ty. Như vậy, quy định về yêu cầu mua lại phần vốn góp của thành viên để bảo vệ quyền lợi của thành viên thiểu số vẫn chỉ mang tính hình thức chứ chưa thực sự hiệu quả.
2.2.4. Luật doanh nghiệp thiếu chặt chẽ khi quy định về Ban kiểm soát trong công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên
Trước đây, theo Luật công ty (1990), quyền hạn, nhiệm vụ và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn cũng giống như công ty cổ phần. Nhưng đến Luật doanh nghiệp thì quyền, nghĩa vụ và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng ban kiểm soát hoàn toàn do Điều lệ công ty quy định [1, Đ.34]. Có nghĩa là Luật doanh nghiệp đã dành quyền rộng rãi cho các thành viên, Hội đồng thành viên trong việc quyết định cơ cấu, quyền, nghĩa vụ, chế độ làm việc của Ban kiểm soát căn cứ vào tình hình cụ thể của công ty mình. Tuy nhiên, trên thực tiễn áp dụng Luật doanh nghiệp cho thấy, nếu dành quyền rộng rãi và thông thoáng cho công ty trong việc tổ chức hoạt động Ban kiểm soát như quy định của Luật doanh nghiệp không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả tối ưu.
Ban kiểm soát là một cơ quan được lập ra để giám sát hoạt động quản lý, điều hành, kế toán, tài chính của công ty, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công ty và của các thành viên, ngăn chặn sự lạm quyền của người quản lý, điều hành trong công ty. Để hoạt động tốt, nó phải thực sự là thiết chế độc lập với các thiết chế quản lý, điều hành trong công ty, thay mặt cho chủ sở hữu để kiểm tra, giám sát các hoạt động của công ty. Nhưng nếu Luật doanh nghiệp dành toàn
quyền cho các thành viên, thông qua Hội đồng thành viên để thành lập Ban kiểm soát mà không có những quy định tối thiểu về quyền và nghĩa vụ, điều kiện tiêu chuẩn đối với thành viên Ban kiểm soát thì có thể là kẽ hở để cho các thành viên đa số (nắm giữ phần vốn lớn) lợi dụng khả năng chi phối lớn của mình trong Hội đồng thành viên để thành lập Ban kiểm soát theo hướng phục vụ cho mục đích riêng của mình, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các thành viên nắm giữ phần vốn góp thiểu số trong công ty. Khi đó thì sự tồn tại của Ban kiểm soát trong công ty chỉ còn mang tính hình thức.
Một điểm thiếu chặt chẽ nữa của Luật doanh nghiệp khi quy định về Ban kiểm soát là luật đã không quy định cụ thể thời hạn phải thành lập Ban kiểm soát trong trường hợp công ty kết nạp thêm thành viên mới thứ 12. Trong quá trình hoạt động, công ty trách nhiệm hữu hạn có thể có thêm thành viên mới. Chẳng hạn khi một thành viên muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình, nhưng các thành viên còn lại của công ty không mua nên người chuyển nhượng đã chuyển nhượng cho hai người khác làm số lượng thành viên của công ty tăng lên, hoặc công ty tăng vốn điều lệ bằng việc kết nạp thêm những thành viên mới. Như vậy, giả dụ trên thực tế có một công ty trách nhiệm hữu hạn có 11 thành viên, khi công ty này kết nạp thêm một thành viên mới thì phải thành lập thêm Ban kiểm soát (nếu trước đó công ty không có Ban kiểm soát). Đó là điều bắt buộc đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có số lượng thành viên là từ 12 người trở lên. Nhưng việc thành lập thêm Ban kiểm soát trong công ty cần phải có một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp lại không ấn định một khoảng thời gian cụ thể cho việc thành lập thêm Ban kiểm soát trong trường hợp này là bao nhiêu. Theo chúng tôi, đây là một thiếu sót, chưa bảo đảm tính chặt chẽ và hợp lý của Luật doanh nghiệp. Việc không quy định một khoảng thời gian cho việc thành lập thêm Ban kiểm soát khi số lượng thành viên tăng lên có thể tạo điều kiện cho nhiều công ty lợi dụng “kẽ hở” này
để dây dưa, kéo dài thời gian thành lập Ban kiểm soát mà không trái quy định của pháp luật.
Mặc dù, Luật doanh nghiệp được xây dựng theo tư tưởng mới là cởi trói cho doanh nghiệp, chủ yếu đặt ra các quy định mang tính chất định khung, còn các vấn đề cụ thể dành quyền cho các thành viên công ty quy định. Nhưng những quy định của Luật doanh nghiệp về Ban kiểm soát trong công ty trách nhiệm hữu hạn như ở trên rõ ràng là chưa hợp lý, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.
2.2.5. Luật doanh nghiệp chưa rõ ràng khi quy định về việc lựa chọn mô hình quản lý điều hành trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Luật doanh nghiệp đã đưa ra hai mô hình quản lý điều hành dành cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đó là mô hình Hội đồng quản trị và mô hình Chủ tịch công ty và quy định là trong trường hợp quy mô kinh doanh lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng thì lựa chọn mô hình Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng những quy định này của Luật doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy Luật doanh nghiệp đã không rõ ràng ở chỗ không quy định việc lựa chọn mô hình Hội đồng quản trị trong trường hợp quy mô kinh doanh lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng có bắt buộc hay không? Luật cũng không xác định rõ thế nào là “quy mô kinh doanh lớn” và “ngành nghề kinh doanh đa dạng”. Vậy, nếu một công ty không thoả mãn điều kiện “quy mô kinh doanh lớn, ngành nghề kinh doanh đa dạng” thì có được lựa chọn mô hình Hội đồng quản trị hay không? Những quy định không rõ ràng này của Luật doanh nghiệp đã khiến cho rất nhiều công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập thông qua việc chuyển đổi theo Nghị định 63/2001/NĐ-CP trong thời gian qua lúng túng trong việc lựa chọn mô hình tổ chức cho công ty mình. Thiết nghĩ đây cũng là một vấn đề cần được làm rõ trong Luật doanh nghiệp.