- Với đặc thù chính quyền địa phương cấp xã là cấp thi hành, hoạt động công vụ của CCCX khá đa dạng, phức tạp. Bên cạnh việc thực hiện công tác chuyên môn, đội ngũ CCCX còn kiêm thêm rất nhiều công việc khác. Họ phải trực tiếp tiếp xúc với nhiều đối tượng, giải quyết mọi công việc trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị cho đến văn hóa, xã hội, đất đai, hộ tịch, tư pháp; đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự - an toàn xã hội, thực hiện các chính sách của Nhà nước, các mục tiêu phát triển ở địa phương… Tuy vậy, so với công chức cấp huyện, cấp tỉnh thì tính chuyên nghiệp, mức độ chuyên môn hóa của CCCX có phần thấp hơn.
- Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ CCCX ở nhiều địa bàn (nhất là ở vùng sâu, vùng xa và các địa bàn khó khăn khác) có sự không đồng đều; xét dưới góc độ nào đó, so với yêu cầu vẫn còn thiếu sự đồng bộ; không ít công chức chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ. CCCX mặc dù đã được bố trí theo chức danh cụ thể trong các tổ chức của hệ thống chí nh trị cơ sở nhưng so với yêu cầu của vị trí việc làm, năng lực của một bộ phận CCCX hiện nay, nhất là ở các xã vùng nông thôn, miền núi… còn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập.
- Xét về mặt quan hệ công vụ cũng như quan hệ đời thường, phần lớn CCCX là người địa phương, một bộ phận có các mối quan hệ họ tộc đan xen vào các mối quan hệ công việc, lại thêm phải kiêm nhiệm các công việc khác nhau. Mặt khác, họ vừa trực tiếp tham gia lao động sản xuất, kinh doanh của gia đình vừa là người thực hiện chức năng QLNN, giải quyết các công việc của Nhà nước tại cơ sở.
Do đó, trong hoạt động thi hành công vụ, CCCX sẽ ít nhiều bị chi phối bởi các mối quan hệ đời thường, quan hệ bà con hoặc lối xóm nên việc nể nang, không nghiêm minh hoặc những biểu hiện cục bộ là điều khó có thể tránh khỏi.
1.1.3. Vị trí, vai trò của công chức cấp xã
1.1.3.1. Vị trí của công chức cấp xã
Trong hệ thống QLNN địa phương, chính quyền cấp xã có vị trí rất quan trọng, thông qua đội ngũ CBCC ở cơ sở, chính quyền cấp xã là cầu nối trực tiếp giữa nhà nước với nhân dân. Mặt khác, thông qua hoạt động của đội ngũ CCCX, nhân dân thể hiện được quyền làm chủ và trực tiếp thực hiện quyền tự quản của mình.
1.1.3.2. Vai trò của công chức cấp xã
CCCX có vai trò quan trọng trong quản lý và tổ chức công việc của chính quyền cơ sở. Hiệu lực, hiệu quả QLNN của chính quyền cấp xã nói riêng và hệ thống chính trị nói chung, xét đến cùng được quyết định bởi phẩm chất, năng lực và hiệu quả công tác của đội ngũ CCCX.
Thứ nhất, đội ngũ CCCX là những người đại diện công quyền ở cơ sở, có vai trò là cầu nối giữa cấp xã với cấp huyện và cấp tỉnh trong việc thực thi nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời bảo đảm kỷ cương phép nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được thực thi tại cơ sở.
Có thể bạn quan tâm!
- Chất lượng công chức cấp xã huyện Đắk Mil, tỉnh Đắc Nông - 1
- Chất lượng công chức cấp xã huyện Đắk Mil, tỉnh Đắc Nông - 2
- Cơ Sở Khoa Học Về Chất Lượng Công Chức Cấp Xã
- Một Số Tiêu Chí Về Sức Khỏe, Năng Khiếu Hoặc Tố Chất Bẩm Sinh; Thâm Niên Và Kinh Nghiệm Công Tác
- Động Lực Làm Việc Góp Phần Nâng Cao Chất Lượng Công Chức
- Giá Trị Tham Khảo Rút Ra Từ Thực Tiễn Có Thể Vận Dụng Cho Huyện Đắk Mil, Tỉnh Đắk Nông
Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.
Thứ hai, đội ngũ CCCX có vai trò quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp.
Thứ ba, đội ngũ CCCX góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; có vai trò then chốt trong triển khai - thực hiện các mục tiêu phát triển của địa phương và toàn xã hội, là nhân tố quyết định đến hiệu quả QLNN cấp xã. Thực tế cho thấy, CCCX hàng ngày cọ xát với thực tiễn rất đa dạng, phức tạp nên cần phải có bản lĩnh, kinh nghiệm và hiểu biết nhiều lĩnh vực công tác. Với vị trí và vai trò của CCCX như trên, càng khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ CCCX.
1.1.4. Tiêu chuẩn của công chức cấp xã
1.1.4.1. Tiêu chuẩn chung của công chức cấp xã
Theo Điều 3, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ “về công chức xã, phường, thị trấn”, CCCX phải có các tiêu chuẩn chung như sau:
Nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổ chức vận động nhân dân ở địa phương; có trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm; có đủ năng lực và sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; am hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư trên địa bàn công tác. [14]
Ngoài những tiêu chuẩn quy định trên đây, riêng đối với công chức Chỉ huy trưởng Quân sự cấp xã và Trưởng Công an xã: phải có khả năng phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thực hiện một số nhiệm vụ phòng thủ dân sự; giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự - an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước. [14]
1.1.4.2. Tiêu chuẩn cụ thể của công chức cấp xã theo quy định trong Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ
Tiêu chuẩn cụ thể đối với CCCX theo từng chức danh do Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định. Ngày 06/11/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BNV “hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố”. Trong đó, tiêu chuẩn của CCCX được quy định cụ thể hơn như sau [7]:
- Tiêu chuẩn về độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;
- Tiêu chuẩn về trình độ văn hóa: Tốt nghiệp trung học phổ thông;
- Tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh CCCX.
Đối với công chức làm việc tại các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn thì UBND cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có thể thấp hơn một cấp trình độ (Chuyên môn, nghiệp vụ có thể từ trình độ từ trung cấp trở lên).
- Tiêu chuẩn về trình độ tin học: Được cấp chứng chỉ theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và truyền thông.
Ngoài ra, Thông tư số 13/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ còn quy định: căn cứ tiêu chuẩn của CCCX nêu trên, tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định:
- Ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh CCCX trong từng kỳ tuyển dụng;
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh CCCX về QLNN, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tiếng DTTS (đối với địa bàn công tác phải sử dụng tiếng DTTS trong hoạt động công vụ) [7].
Đồng thời, các quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 13/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ là căn cứ để UBND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức thực hiện việc quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, thực hiện chế độ - chính sách hoặc thực hiện tinh giản biên chế.
1.1.5. Nhiệm vụ chủ yếu của công chức cấp xã theo các chức danh
Nhiệm vụ của CCCX hiện nay đã được Bộ Nội vụ quy định cụ thể tại Điều 2, Thông tư số 13/2019/TT-BNV ban hành ngày 06/11/2019. Có thể khái quát những nhiệm vụ chính của CCCX theo các chức danh như sau [7]:
1.1.5.1. Trưởng Công an xã
Tham mưu, giúp UBND xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã trong các lĩnh vực: an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về công an xã và các văn bản có liên quan của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với thị trấn chưa bố trí lực lượng công an chính quy thì Trưởng Công an thị trấn thực hiện nhiệm vụ như quy định đối với Trưởng Công an xã. Đối với xã, thị trấn bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã thì nhiệm vụ thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
1.1.5.2. Chỉ huy trưởng Quân sự xã
Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về Quốc phòng và các quy định khác có liên quan.
1.1.5.3. Công chức Văn phòng - Thống kê
Tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của UBND cấp xã trong các lĩnh vực: Văn phòng, thống kê, cải cách hành chính (CCHC), thi đua, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.
1.1.5.4. Công chức Địa chính - xây dựng - đô thị (đối với thị trấn) - nông nghiệp (đối với xã) và môi trường
Tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong các lĩnh vực: Đất đai, địa giới hành chính, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
1.1.5.5. Công chức Tài chính - Kế toán
Tham mưu giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong các lĩnh vực: Tài chính, kế toán trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
1.1.5.6. Công chức Tư pháp - Hộ tịch
Tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong các lĩnh vực: Tư pháp và hộ tịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
1.1.5.7. Công chức Văn hóa - Xã hội
Tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực: Văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, lao động, thương binh, xã hội, y tế, giáo dục, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, gia đình, trẻ em và thanh niên theo quy định của pháp luật.
Ngoài các nhiệm vụ chính nêu trên, CCCX các chức danh còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và do Chủ tịch UBND cấp xã giao.
1.2. Chất lượng công chức cấp xã
1.2.1. Khái niệm chất lượng, chất lượng công chức cấp xã
1.2.1.1. Khái niệm chất lượng
Chất lượng là một khái niệm quen thuộc được sử dụng trong nhiều lĩnh vực cũng như trong đời sống thường ngày. Có thể nói, chất lượng là một phạm trù phức tạp, tùy theo đối tượng sử dụng trong mỗi lĩnh vực nên cũng có những quan niệm về chất lượng có phần khác nhau.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa “Chất lượng là một phạm trù triết học biểu thị những thuộc tính bản chất của sự vật, chỉ rõ nó là cái gì, tính ổn định tương đối của sự vật và phân biệt nó với sự vật khác. Chất lượng là đặc
tính khách quan của sự vật, biểu thị ra bên ngoài qua các thuộc tính. Chất lượng của sự vật, hiện tượng biểu thị trình độ phát triển của nó, chất lượng càng cao thì mức độ phát triển của sự vật, hiện tượng càng lớn” [41, tr. 419].
Theo Đại từ điển Tiếng Việt do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007 thì chất lượng là “cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một con người, sự vật, sự việc” [47, tr 248].
Đây là cách đánh giá một con người, một sự việc, một sự vật trong cái đơn nhất, cái tính độc lập của nó. Chất lượng của một con người được hiểu là tổng hợp những phẩm chất nhất định về sức khỏe, trí tuệ, chuyên môn nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, ý chí, niềm tin, năng lực.
Ở góc độ kỹ thuật, TCVN 5814-1994 (ISO 8402: 2000) trên cơ sở tiêu chuẩn ISO-9000 của Tổ chức Quốc tế về tiêu chuẩn hóa đã đưa ra định nghĩa: “Chất lượng là tập hợp các đặc tính của một thực thể (đối tượng) tạo cho thực thể đó có khả năng thỏa mãn những yêu cầu đã nêu ra hoặc tiềm ẩn”.
Tuy nhiên, con người là một thực thể phức tạp. Nói đến chất lượng là nói đến phẩm chất, giá trị, là tính chất tốt đẹp của con người. Chất lượng của cá nhân được hiểu là tổng hợp những phẩm chất nhất định về sức khỏe, trí tuệ và tư duy, chuyên môn nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, ý chí, niềm tin, năng lực; luôn gắn bó tập thể, với cộng đồng.
Để xác định chất lượng của một cá nhân trong lĩnh vực công vụ thì ngoài phẩm chất, giá trị của chính bản thân con người đó, còn cần một yếu tố nữa đó là sự đánh giá của xã hội. Hay nói cách khác, phẩm chất, giá trị đó có đáp ứng nhu cầu của xã hội hay không. Chính vì vậy, khi nói đến chất lượng công chức là nói đến tổng thể những phẩm chất và năng lực thể hiện khả năng và kết quả hoàn thành nhiệm vụ họ được cấp có thẩm quyền phân công theo luật định.
1.2.1.2. Chất lượng công chức cấp xã
Khi nghiên cứu về chất lượng CCCX, có thể xét hai yếu tố chủ yếu:
Một là, phẩm chất, giá trị của CCCX bao gồm: phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, sức khỏe. Đó là tổng hợp các yếu tố chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm làm việc, năng khiếu cá nhân, yếu tố tiềm năng hoặc thiên bẩm để nâng cao khả năng làm việc của công chức .
Hai là, khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Ở khía cạnh này, đó là sự đánh giá về kết quả thực thi công vụ của cơ quan quản lý và nhân dân địa phương nơi CCCX làm việc.
Thực tiễn cho thấy chất lượng của cá nhân là tổng hợp những phẩm chất nhất định về tư tưởng, đạo đức, sức khỏe, trí tuệ, trình độ văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp, ý chí, niềm tin, năng lực; sự thích nghi và gắn bó với tập thể, với cộng đồng; mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như sự tham gia vào quá trình tổ chức thực hiện chức năng - nhiệm vụ của tổ chức.
Từ những phân tích trên đây, có thể quan niệm: Chất lượng công chức cấp xã là một hệ thống tổng hợp những giá trị được thể hiện qua các yếu tố về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, tình trạng sức khỏe, kinh nghiệm, tinh thần - thái độ công tác và khả năng cũng như kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao của người công chức thuộc UBND cấp xã.
1.2.2. Các tiêu chí đánh giá chất lượng công chức cấp xã
Qua việc phân tích và tiếp cận nội hàm các khái niệm nêu trên, việc đánh giá chất lượng công chức nói chung và CCCX nói riêng cần dựa vào các tiêu chí thể hiện: Phẩm chất chính trị, đạo đức; năng lực thực thi công vụ (bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc), sức khỏe, kinh nghiệm; năng suất và hiệu quả công tác (thể hiện qua kết quả đánh giá - xếp loại thực hiện nhiệm vụ và mức độ hài lòng của người dân). Có các tiêu chí đánh giá chủ yếu sau: