học, trung học cơ sở trong đội ngũ cán bộ chủ chốt là 6,4 %, trưởng các đoàn thể là 24%.
* Về trình độ CBCC cấp xã
Nhìn chung, trình độ chuyên môn, trình độ lí luận chính trị hiện nay của đội ngũ CBCC cấp xã hiện nay đã được tỉnh quan tâm và đầu tư. Song trình độ chuyên môn của đội ngũ CBCC cấp xã hiện tại còn chưa đáp ứng thỏa đáng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Toàn tỉnh chưa có cán bộ, công chức xã có trình độ sau đại học (theo thống kê đến nay có 2 CBCC phường có trình độ sau đại học), hầu hết số còn lại có trình độ chuyên môn trung cấp, cao đẳng.
Bên cạnh đó còn tình trạng không đồng đều về trình độ của đội ngũ CBCC cấp xã ở các địa phương, đặc biệt giữa đội ngũ CBCC xã với đội ngũ CBCC phường và thị trấn, giữa đội ngũ CBCC xã ở vùng trung du với các xã miền núi, các xã được xếp vào đối tượng đặc biệt khó khăn. Trong những năm gần đây, tỉnh quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ CBCC cấp xã, do đó số lượng lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ này ngày càng đa dạng, phong phú, trình độ của CBCC cấp xã đã được nâng lên theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của công việc thời kỳ mới.
Có thể khẳng định bên cạnh những đặc điểm chung của đội ngũ CBCC cấp xã của cả nước, đội ngũ CBCC cấp xã tỉnh Bắc Giang có nhiều nét riêng biệt, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, điều kiện khác biệt của tỉnh Bắc Giang. Những đặc trưng đó vừa đặt ra cho tỉnh Bắc Giang điều kiện thuận lợi đồng thời cũng là những thách thức đòi hỏi phải có cơ chế hợp lý trong việc kiện toàn đội ngũ CBCC cấp xã của mình.
1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Bắc Giang
Thứ nhất, cơ chế hình thành đội ngũ CBCC là yếu tố đầu tiên có sự ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu, chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã của tỉnh hiện
nay. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy việc lựa chọn cán bộ, tuyển dụng công chức đúng tiêu chuẩn, khách quan thì sẽ hình thành được đội ngũ CBCC cấp xã chất lượng, đảm bảo cơ cấu đáp ứng được yêu cầu của công việc và ngược lại. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì có hai hình thức hình thành đội ngũ CBCC cấp xã. Đối với cán bộ cấp xã thì được hình thành bằng cơ chế bầu, đối với công chức chuyên môn thì hình thành bằng cơ chế tuyển dụng, các tiêu chuẩn đặt ra cho các đối tượng này là khác nhau.
Cơ chế bầu đội ngũ cán bộ cấp xã:
Theo quy định của Luật tổ chức HĐND và UBND (năm 2003) thì có hai phương thức tham gia ứng cử đại biểu HĐND:
Có thể bạn quan tâm!
- Cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay - 1
- Cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay - 2
- Khái Niệm Cán Bộ, Công Chức; Cán Bộ, Công Chức Cấp Xã Và Hệ Thống Chức Danh Cán Bộ, Công Chức Cấp Xã Theo Quy Định Của Pháp Luật Hiện Hành
- Hệ Thống, Cơ Cấu Cán Bộ, Công Chức Cấp Xã Ở Tỉnh Bắc Giang Hiện Nay
- Cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay - 6
- Chất Lượng Cán Bộ, Công Chức Cấp Xã Ở Tỉnh Bắc Giang
Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.
Một là, công dân Việt Nam từ đủ 21 tuổi trở lên có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật có quyền tự ứng cử đại biểu HĐND được Mặt trận tổ quốc hiệp thương đưa vào danh sách bầu cử.
Hai là, công dân Việt Nam được các tổ chức ở cơ sở giới thiệu ứng cử và cũng được Mặt trận tổ quốc hiệp thương để đưa vào danh sách để bầu cử.
Theo đó công dân ở địa phương từ đủ 18 tuổi có có năng lực chủ thể có quyền bầu cử để lựa chọn người ưu tú nhất, đại diện cho ý chí nguyện vọng của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. HĐND trong kỳ họp đầu tiên tiến hành bầu chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, các Phó chủ tịch UBND và thành viên UBND.
Như vậy qua phương thức bầu cán bộ cấp xã như trên có thể thấy việc hình thành đội ngũ cán bộ cấp xã, đặc biệt là đối với cán bộ chủ chốt ở cơ sở bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Yếu tố trình độ dân trí của nhân dân trên địa bàn:
Hầu hết nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung hiện nay có mặt bằng dân trí còn hạn chế. Đặc biệt, đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhận thức của người dân rất thấp, họ chưa ý thức sâu sắc được ý
nghĩa của việc bầu đại biểu HĐND địa phương. Việc đi bầu cử còn qua loa cho xong việc. Do đó dẫn đến chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã ở các địa phương này còn hạn chế.
- Yếu tố chất lượng của công tác lựa chọn ứng cử viên và hiệp thương để đưa vào danh sách bầu cử những đại biểu có đủ tiêu chuẩn để bầu cử. Nhìn chung công tác hiệp thương ở các địa phương được tiến hành khách quan, có trách nhiệm. Song bên cạnh đó cũng có địa phương trong quá trình hiệp thương còn chưa thực sự khách quan trong việc đưa ra khỏi danh sách bầu cử những đại biểu có năng lực, uy tín, dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã.
- Yếu tố lựa chọn sáng suốt của nhân dân địa phương: Khi bầu cử đòi hỏi cử tri phải khách quan, sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú để đảm bảo chất lượng của đội ngũ cán bộ cấp xã - đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của người dân. Song thực tế hiện nay việc lựa chọn đại biểu lại phụ thuộc quá nhiều vào việc đánh giá của cử tri đối với ứng cử viên và chất lượng tiếp xúc cử tri. Đôi khi xuất phát từ cảm tính dây chuyền (số đông nhân dân dị ứng với cử tri có trình độ đại học tại chức, chuyên tu, từ xa, người có khả năng diễn thuyết thiếu trôi chảy…, thậm chí còn đánh giá hình thức của ứng cử viên).
- Yếu tố sáng suốt lựa chọn của đại biểu HĐND đối với các chức danh do HĐND bầu.
Ngoài ra đối với các cán bộ là trưởng các đoàn thể cũng phụ thuộc rất lớn vào sự lựa chọn của các hội viên. Như vậy để có một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, chất lượng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Cơ chế tuyển dụng đối với công chức cấp xã:
Theo quy định Điều 63 Luật cán bộ, công chức đối với công chức cấp xã có hai phương thức tuyển dụng: "Việc tuyển dụng công chức cấp xã phải thông qua thi tuyển; đối với các xã miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu,
vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể được tuyển dụng thông qua xét tuyển ". Để có đội ngũ công chức chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ địa phương thì phụ thuộc nhiều vào hội đồng tuyển dụng các tiêu chuẩn đối với người được tuyển dụng. Các kỳ thi tuyển phụ thuộc phần lớn vào quy trình, nội dung thi tuyển và hình thức tổ chức kỳ thi. Đặc biệt đối với các địa phương xét tuyển vấn đề này đòi hỏi càng phải nghiêm túc và khách quan đảm bảo lựa chọn được đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức công chức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, văn hóa địa phương là yếu tố ảnh hưởng gián tiếp có thể tích cực hoặc tiêu cực đến việc hình thành đội ngũ CBCC cấp xã. Nền văn hóa địa phương được hình thành từ giá trị tinh thần, những thói quen, cách ứng xử, quan niệm, truyền thống tốt đẹp, đặc biệt là truyền thống đoàn kết, hiếu học của các dòng họ. Ở các xã nông thôn tỉnh Bắc Giang hiện nay các dòng họ có xu hướng ngày càng phát triển. Khi kinh tế ngày càng khá dần lên, các dòng họ lớn càng muốn khẳng định uy danh của mình qua việc cạnh tranh, phấn đấu của những người giữa các dòng họ khác nhau, điều đó đã tạo cho mỗi thành viên ý chí phấn đấu, rèn luyện vươn lên trên con đường sự nghiệp, công danh, đảm trách các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị ở địa phương. Vấn đề đặt ra, nếu việc phấn đấu, cạnh tranh đó là lành mạnh chính là yếu tố tác động tích cực đến việc hình thành đội ngũ CBCC cấp xã có trình độ, năng lực, đạo đức tạo ra được nguồn nhân lực đáng quý cho địa phương. Ngược lại, nếu việc cạnh tranh đó thiếu lành mạnh, dùng mọi thủ đoạn, mọi cách, mọi giá để "chiến thắng" nhau thì sẽ tạo ra một hệ thống chính quyền bè phái, tranh giành quyền lực, cục bộ, kìm hãm sự phát triển của địa phương. Hiện tượng này vẫn diễn ra ở một số địa phương hiện nay, khi bầu cử, những ứng cử viên có dòng họ lớn thường được trúng cử, hoặc nếu không trúng cử thì những người trong dòng họ gây khó khăn cho những người dòng họ khác khi nắm quyền. Đặc biệt nhân dân trong xã rất khó chấp nhận những người ngoài
địa phương giữ các chức vụ lãnh đạo, làm việc trên địa bàn của mình. Điều này tạo nên sự trì trệ, bảo thủ của chính quyền địa phương, chậm tiếp thu cái mới, cái tích cực của địa phương khác, đồng thời là nguyên nhân tích cực cho sự lục đục, chia rẽ, mất đoàn kết hình thành. Những yếu tố tiêu cực đó là nền tảng tạo nên đội ngũ CBCC cấp xã quan liêu, xa dân, hách dịch, chủ nghĩa cá nhân, dòng họ mà quên đi mất vị trí, vai trò, sứ mệnh của mình đối với cộng đồng.
Thứ ba, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với CBCC cấp xã là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và thực thi nhiệm vụ.
Để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng thì đào tạo, bồi dưỡng để bù đắp những thiếu hụt kiến thức và kỹ năng là phương thức hữu hiệu nhất. Có thể nói CBCC cấp xã của tỉnh hiện nay có xuất phát điểm về trình độ tương đối thấp đặc biệt đối với cán bộ. Hiện nay vẫn còn tồn tại cán bộ có trình độ văn hóa tiểu học, trung học cơ sở, trong đó cán bộ chủ chốt là 86/1316 (chiếm 8%); trưởng các đoàn thể là 263/1144 (chiếm 25%).
Mặc dù tỉnh đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã song số lượng CBCC cấp xã đạt chuẩn hiện nay vẫn chưa cao. Về chuyên môn: cán bộ chủ chốt có trình độ sơ cấp là 76/1316 (chiếm 5,78%), trình độ trung cấp 796/1316 (chiếm 60,5%), trình độ cao đẳng, đại học là 260/1316 (chiếm 19,8%); trưởng các đoàn thể có trình độ sơ cấp là 119/1144 (chiếm 10,4%), trình độ trung cấp 525/1144 (chiếm 45,9%), trình độ cao đẳng, đại học là 143/1144 (chiếm 12,5%). Do đó việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đảm bảo khắc phục những thiếu hụt đối với CBCC cấp xã hiện nay là rất cần thiết. Song việc bồi dưỡng, đào tạo cần tính đến:
- Chất lượng như giáo trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng đòi hỏi phải phù hợp với các chức danh, công việc ở cơ sở, tập trung vào kỹ năng giải quyết công việc (kỹ năng thực tế), tránh nặng về lí luận…
- Việc cử người đi học, đi tập huấn phải đúng với mục đích đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay ở nhiều địa phương cử cán bộ đi học không đúng đối tượng (cử cán bộ làm công tác văn phòng đi học các lớp đào tạo kiến thức tài chính, kế toán, hoặc công chức tư pháp đi học các lớp đào tạo kiến thức quản trị kinh doanh…) ảnh hưởng đến việc sử dụng cán bộ sau này, gây tình trạng lãng phí thời gian, tiền của, nhân lực.
- Chất lượng giảng viên, báo cáo viên: việc giảng dạy cho CBCC cấp xã đòi hỏi phải sát thực, "cầm tay chỉ việc", không quá nặng về lí luận, bởi họ khó tiếp thu cũng như khó vận dụng vào thực tế quản lý. Do đó việc sắp xếp, bố trí giảng viên, báo cáo viên phù hợp với trình độ của đối tượng và yêu cầu của người học là yếu tố quan trọng trong việc có đạt được hay không mục đích đề ra.
Hơn nữa, đối với CBCC cấp xã hiện nay là đối tượng có mức thu nhập thấp hơn so với cán bộ, công chức nhà nước, do đó việc quan tâm từ phía nhà nước, hỗ trợ kinh phí, thời gian đảm bảo cho CBCC cấp xã yên tâm học tập để cống hiến đòi hỏi phải thường xuyên và hợp lý hơn nữa để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay tồn tại hiện tượng học viên là CBCC cấp xã học theo kiểu "đánh trống ghi tên", học chống chế để lấy bằng cấp hoàn thiện tiêu chuẩn, do nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên nhân chủ yếu nhất là họ chưa được tạo điều kiện về thời gian đi học.
Thứ tư, quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với CBCC cấp xã là yếu tố quyết định đến việc hình thành đội ngũ CBCC cấp xã. Nếu Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư đến đội ngũ CBCC cấp xã thì sẽ hình thành nên đội ngũ CBCC cấp xã có năng lực, đủ phẩm chất "vừa hồng", "vừa chuyên". Nghị quyết trung ương và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và XVII đều nhấn mạnh vai trò, vị trí của chính quyền cơ sở, đồng thời có chủ trương cụ thể trong việc cải cách hệ thống chính trị ở cơ sở và xác định vai trò trọng tâm là đội ngũ CBCC cơ sở. Song hiện nay CBCC cấp xã trên
địa bàn tỉnh còn có "tâm trạng" trong việc "phân biệt, đối xử" trong quan niệm của Nhà nước về cán bộ, công chức nhà nước và CBCC cấp xã. CBCC cấp xã được xếp riêng, không nằm trong hệ thống cán bộ, công chức nhà nước, có những quy định cụ thể, quản lý riêng biệt và chưa được quan tâm đúng mức, chưa tôn trọng công việc của một cấp, một cơ quan có thẩm quyền, chưa bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ công chức, tính thống nhất trong tổ chức để đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, đặc biệt là ở cấp chính quyền gần dân nhất. Do đó rất cần thiết có sự nhìn nhận đúng đắn về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực chính quyền cấp xã từ phía Đảng và Nhà nước để đảm bảo phát huy hết sự cống hiến từ phía đội ngũ này.
Thứ năm, Chế độ chính sách bảo đảm cơ sở vật chất cho CBCC cấp xã. Thực tế chứng minh, chỉ khi con người được đảm bảo về nhu cầu tối thiểu thì người ta mới nghĩ tới nhu cầu cao hơn. Chế độ chính sách bảo đảm cơ sở vật chất cho CBCC cấp xã bao gồm: tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền thưởng… đây là động lực thúc đẩy CBCC cấp xã tận tâm, tận lực, phấn đấu rèn luyện, nâng cao trình độ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công việc, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó với tinh thần trách nhiệm cao. Bởi chỉ khi CBCC cấp xã được đảm bảo về điều kiện vật chất cần thiết cho bản thân và gia đình thì họ mới tận tâm cống hiến, yên tâm công tác; phấn đấu rèn luyện, thúc đẩy học tập, nâng cao trình độ.
Thứ sáu, yếu tố nhận thức của CBCC cấp xã là yếu tố chủ quan, nội tại, quyết định đến chất lượng của đội ngũ. Nhận thức đúng đắn là kim chỉ nam cho hành động, là tiền đề cho những việc làm đúng đắn, tận tâm, trách nhiệm với công việc, ý thức được nhiệm vụ của CBCC và ngược lại nhận thức lệch lạc sẽ dẫn đến những việc làm thiếu nghiêm túc, tư lợi, bè phái, sách nhiễu nhân dân…Nhìn chung, hiện nay đội ngũ CBCC cấp xã của tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt đa phần có lập trường tư tưởng vững vàng, ý
thức tốt trong vấn đề rèn luyện, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng lãnh đạo quản lý, đạo đức công vụ. Do đó uy tín của chính quyền địa phương ngày càng được nâng lên, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý và chấp hành chủ trương chính sách một cách tự nguyện. Song bên cạnh đó một số CBCC cấp xã còn có biểu hiện lệch lạc trong nhận thức, xem thường chuẩn mực đạo đức, nhân cách, thiếu nghiêm khắc với bản thân, không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng dẫn đến quan liêu, thực dụng, tư lợi, mất cảnh giác, phai nhạt lí tưởng, gây bè phái, tha hóa đạo đức lối sống làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Một số cán bộ công chức bị kỷ luật, đưa ra xét xử như ở xã Cao Thượng huyện Tân Yên, xã Yên Sơn huyện Lục Nam…
Do đó chú trọng đến nâng cao nhận thức của CBCC cấp xã là yếu tố cần thiết trong việc xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã chất lượng của tỉnh.