Cái tôi trữ tình trong thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, hoàng Việt Hằng - 9

Chị thản nhiên mối tình đầu

Thản nhiên em nhặt bã trầu về têm

(Chồng chị, chồng em)

Khao khát sống và yêu đương đến vậy, mà may mắn đâu có mỉm cười với chị, khi hai lần lỡ dở trong tình duyên. Dường như số phận đa đoan luôn gắn với người đàn bà khát yêu này. Thái độ thản nhiên sao mà đau xót biết bao, tận cùng nỗi đau ấy là thế sao? Miếng trầu mà nước cốt của nó, cái vị thơm cay, cái say mê của nó đã thuộc về người đàn bà trước đó rồi còn đâu. Anh chỉ còn là bã trầu mà thôi. Một sự so sánh chua xót biết bao, cũng là thân phận người phụ nữ, cũng có quyền được sống và yêu, sao lại phải chịu nhiều đắng cay, tủi hờn đến thế? Phải chăng đó là duyên số, là định mệnh của chị? Dù sao thì thái độ thản nhiên của Lam Luyến là sẵn sàng chấp nhận? Vui và buồn, buâng khuâng và tỉnh táo chấp nhận. Dẫu muộn màng nhưng nó là duyên nợ của chị, phận của chị đã xong, giờ đến duyên của em – dẫu không bằng người khác nhưng đó là cách em chọn lựa. Đó phải chăng là cái nhìn rất mới, hiện đại về cuộc sống hôn nhân sao? Với Lam Luyến thơ cũng là một cách để chị “tự nghiệm” về cuộc đời không ít xót xa. Người phụ nữ hiện đại này đã dám đạp lên truyền thống mà “lẳng lơ” theo kiểu mặc kệ đời “cứ” như thế đấy – một thái độ bất cần và quyết liệt “Em cứ lẳng lơ Thị Mầu” (Hát theo Thị Mầu).

Những ảo tưởng có thể đem lại ít nhiều thi vị, ngọt ngào trong cảm xúc nhưng chính nó lại là nguyên nhân dễ đến sự đổ vỡ tất yếu khi con người buộc phải đối diện với thực tế. Việc thể hiện các cung bậc cảm xúc của tình yêu được biểu hiện rõ trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến, bởi tình yêu vốn dĩ luôn phức tạp và rất khó lý giải đó có thể là niềm tin mãnh liệt, có nhung nhớ mãnh liệt, hờn giận ghen tuông, trách móc, cưng nựng, khát khao đến cháy lòng….nó đều được thể hiện rõ ràng và sắc nét ở cái tôi trữ tình trong thơ của Lam Luyến – nó như là một nỗi khao khát cho một tình yêu viên mãn.

Đầu tiên là cảm xúc hờn ghen trong tình yêu. Có yêu mới có ghen, bởi ghen là một cảm xúc hết sức tự nhiên, ghen để giữ gìn và bảo vệ cái thuộc về mình. Cũng giống như Nguyễn Bính (Ghen) Lam Luyến đã ghen đến tột cùng dù biết là ghen tuông chứa nhiều sự tự ái hơn là tình ái:

Ghen như sôi và giận như điên

Người đàn bà với trái chín trên tay vừa bị lăn xuống đất Ghen như sôi và giận như điên

Người đàn bà với ước mơ chưa thành sự thật

(Chiến tranh)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

Nguyễn Bính chỉ muốn “cô nhân tình bé nhỏ” của mình chỉ được phép cười với mình mà thôi, không được cười trước mặt người khác, nhưng với Lam Luyến thì hoàn toàn khác, chị táo bạo và quyết liệt khi thể hiện cảm xúc bằng cách dùng ngôn từ mạnh “sôi” và “điên” để chứng minh tình yêu của người đàn bà. Yêu mãnh liệt và ghen cũng phải mãnh liệt. Đó mới là cá tính của Lam Luyến.

Đã ghen như “sôi” như “điên” rồi đấy, yêu thì mới ghen, ghen xong rồi thì giận dỗi, đôi khi đó là chỉ là những giận dỗi hết sức vu vơ, trẻ con nhưng đằng sau những giận hờn ấy là tình yêu cháy bỏng của chị dành cho người yêu, giận mà chỉ mong ai là người sẽ làm lành trước:

Cái tôi trữ tình trong thơ Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, hoàng Việt Hằng - 9

Mới giận nhau một ngày Xem ai làm lành trước? Mặt chưa kịp quay đi Dạ đã thầm đếm bước

(Nào thì giận nhau)

Đó chỉ là những cái cớ hờn giận vu vơ, và sau những phút giây đó mới chợt ngộ rằng “hạnh phúc có dễ đâu”, bởi hạnh phúc vốn mong manh và rất khó nắm bắt nên biết giận hờn vừa đủ để nêm nếm thêm gia vị cho tình yêu chứ đừng khiến nó thành sự xa cách dẫn đến những đổ vỡ không đáng có. Và khi đã thành vợ thành chồng thì tình yêu chuyển sang một giai đoạn khác. Cuộc sống vợ chồng không hề đơn giản nên phải biết chín bỏ làm mười thì tình yêu mới bền vững được. Biết đủ để giữ gìn và vun đắp nhưng mấy ai làm được như thế, vốn dĩ cuộc sống có quá nhiều phức tạp rồi.Nếu đã là vợ chồng – như là một lời nhắc nhở, một bài học cho đôi lứa khi tiến tới hôn nhân. Ngoài tình yêu, sự tôn trọng với nhau thì phải có niềm tin ở nhau thì hôn nhân mới bền vững được:

Nếu đã là vợ chồng

Xin chín bỏ làm mười Dẫu không lại duyên trời Âu cũng là ý mẹ

Đừng một lần lầm lỡ Đừng một ngộ hai tin…

Không hề tính toán, chị dành tặng tất cả cho người mình yêu. Đến khi mất mát chị thấy mình gần như trắng tay, chị quay ra oán hận đối với người tình phụ bạc:

Em như con tầu lạc bến Có đi mà chẳng tới bờ

Em như cây cầu bắc trượt Một mình bên đá chơ vơ

(Chuyện về anh)

Với chị tình yêu phải trọn vẹn, không có sự chia sẻ nào ở đây, anh đã phụ bạc, anh lưu luyến một bóng hình không còn trước mắt mà lỡ quên em – người vợ trẻ ngay trước mắt – như thế có phải anh vô tình lắm chăng? Lam Luyến hờn trách đấy nhưng không như cái cách mà chị ghen, chị nhẹ nhàng hờn trách, trách mà như lời tâm tình, thủ thỉ, trách mà đầy lòng vị tha bởi “Em chấp nhận lời nói dối”.

Đôi lúc nhìn lại cuộc đời mình, nhìn lại những thăng trầm, đau khổ và mất mát mà mình đã trải qua, Lam Luyến đã có sự liên hệ, so sánh số phận mình với những nhận vật tiêu biểu của các tác phẩm văn học giai đoạn trước. Sự so sánh ấy dù tương đồng hay khác biệt thì đó cũng là tiếng than cho những gì chị trải qua, là lời trách nhẹ nhàng, tinh tế tới ông trời, tới số mệnh mà chị phải chịu. Đó là sự so sánh với Hồ Xuân Hương, với Kiều, với Xúy Vân, Thị Mầu, Tố Tâm…

Em đứng giữa Đông, Tây, Kim, Cổ Sao vẫn cứ là Kiều dang dở tình anh

(Kiều có ở trong em)

Em không muốn như Xúy Vân cả một đời trót dại Em không muốn như Thúy Kiều biết tình yêu

là vật báu mà nỡ lấy hiếu làm trinh

Em không muốn Sao cứ là tất cả?

(Gọi Thúy Kiều) Anh không một lần quyết đoán Lỡ để em là Tố Tâm

(Cây hồng)

Thậm chí chị chẳng cần phải nói bóng nói gió nữa, mọi thứ rõ ràng như tự nó vốn thế. Lời trách nghe cay đắng, xót xa đau đớn đến tột cùng. Nó như một tiếng nấc nghẹn ngào:

Em ở hiền

Em có ác chi đâu

Mà trời lại xui anh bắt đầu tình yêu

với người con gái khác?

(Huyền thoại)

Và rồi sau tất cả những yêu, ghen, giận hờn và trách móc ấy Lam Luyến đã tỏ ra mạnh mẽ hơn. Chị đòi trả tất cả, trả lại tình yêu, trả lại con tim, trả lại ánh mắt…bởi nhận thấy tủi hờn khi tình yêu mình trao quá nhiều còn anh dành lại cho mình là quá ít. Đó cũng là một cách chị phản kháng lại cho dù sự phản kháng ấy có hơi muộn màng nhưng chưa hẳn là vô nghĩa mà trái tim yêu vẫn còn nhận ra sự thật đắng đót:

Trả lại cho em linh hồn Mà anh đang nắm giữ Trả em con tim lửa

Đã vì anh khát khao? Trả lại cho em tình yêu Để sau đừng đau khổ Trả cho em niềm tin Để thôi đừng đổ vỡ!

(Trả cho em)

Lam Luyến đã yêu bằng cả trái tim, linh hồn chị hoàn toàn thuộc về người mình yêu, tình yêu đó nồng nàn và rực lửa bởi mọi niềm tin đều gửi cả ở đó:

Ta trao cả cho anh

Một tình yêu cháy bỏng

Ta gửi cho anh

Một con tim dào dạt

(Gửi tình yêu)

Thế nhưng cuộc đời ai biết trước được chữ “ngờ”, tình duyên đổ vỡ, mọi cảm xúc nhòa tan trong cay đắng, từ ánh mắt thủa nào trao nhau tình tứ, từ giọng nói ngọt ngào thủa mặn nồng, từ niềm tin, khát vọng ái ân… tất cả giờ đã nhuốm màu điêu tàn và xót xa cay đắng.

Và anh trả cho ta

Nỗi buồn đau tan nát!

Khát vọng to lớn vượt quá sức của một con người bình thường đã khiến em cay đắng nhận ra:

Ta muốn ôm cả đất Ta muốn ôm cả trời

Mà sao không yêu trọn Trái tim một con người?

(Gửi tình yêu)

Tình yêu không còn níu kéo chỉ làm con tim tan nát thêm mà thôi.

2.2.2. Cái tôi cô đơn, khắc khoải

Sinh thời nhà thơ Thúy Bắc đã từng nói về Đoàn Thị Lam Luyến: “Sao em tự đặt cho mình cái tên lạ thế: Đã Đoàn Thị lại còn Lam Luyến nữa. Yêu thì đắm đuối hết mình nhưng toàn gặp những mối tình ngang trái, sống thì thật với mọi người đến ngây thơ, dại dột…”. Có lẽ thế mà những vần thơ đau đớn, xót xa về thân phận người đàn bà nhỏ bé, yếu đuối hay gặp trắc trở trong tình yêu lại xuất hiện với một tần số dày đặc bao phủ hết trong toàn bộ các sáng tác của Lam Luyến. Hằng số

chung trong thơ của Lam Luyến là một trái tim đau đáu đi tìm kiếm tình yêu, dù cho đó chỉ là những mối tình không trọn vẹn, chị luôn hướng về một tình yêu hoàn mỹ, khước từ mọi sự lưng chừng. Nhưng ở đời mấy ai được may mắn có được sự hoàn mỹ đó, ngoài niềm vui, hạnh phúc còn có khổ đau và bất hạnh. Chị hiểu hơn ai hết những nỗi niềm đó, vì thế mà trong thơ chị không chỉ xuất hiện hạnh phúc viên mãn mà còn chan chứa những mất mát, cô đơn của tình yêu. Đặc biệt là người phụ nữ - bao giờ cũng chịu nhiều thiệt thòi và đau đớn hơn cả.

Tình yêu là thế, khi không viên mãn đủ đầy nó sẽ khiến cho tâm trạng của kẻ trong cuộc tan nát và đau đớn, tận cùng nỗi đau ấy là cảm giác cô đơn, lạc lõng bởi không tìm thấy sự đồng điệu, không tìm thấy hạnh phúc thực sự trong tình yêu . Với Lam Luyến cô đơn – chính là cái xác không hồn:

Anh đã đem đi cả cõi hồn

Em còn lại cái xác – xác chưa chôn

Xác không khâm liệm không thành xác Dật dờ trôi dạt bến cô đơn…

(Gọi hồn)

Càng yêu nhiều thì khi xa cách, khi đổ vỡ khi trống trải đối diện với thực tế thì càng cảm thấy cô đơn, trống vắng. Lam Luyến cũng vậy, cuộc đời chị nếm trải bao đau đớn, xót xa nhiều hơn là nếm trải hạnh phúc thế nên nỗi cô đơn như thấm vào hồn thơ của chị. Chị rơi vào khoảng trống cô đơn khủng khiếp, cô đơn nằm kẹt giữa âm ty cõi người:

Khi thôi yêu tự chia ra thành bóng Sống vật vờ hai nửa ở hai nơi

Bóng từ mình, một mảnh vỡ ra thôi Nhưng từ bóng không trở về ta nữa Và đơn côi chiếc bóng mãi trên đời

Sự cô đơn như ăn mòn sức sống của chị khiến chị mệt mỏi, chán nản. Và bật lên thành những tiếng thốt nghẹn ngào:

Ta nào phải người mau nước mắt Trước éo le cay đắng cuộc đời

Cũng không thể là gang là sắt

Hỡi những hồn đồng điệu của ta ơi!

Đôi khi chị thèm khát cảm giác bình yên, hạnh phúc giản đơn như thủa ấu thơ thế nhưng chị vẫn cô đơn giữa bể đời:

Giữa bể người ta vẫn đơn côi

Hẫng hụt nhân duyên ta gửi vào nơi bạn

(Bạn mình ơi)

Giãi bày và chia sẻ là một nhu cầu tất yếu của một trái tim nặng trĩu những nỗi niềm và nó biến thành nỗi sầu khó lòng xóa bỏ. Chị rơi vào trạng thái sầu khổ và không thể chia sẻ cùng ai:

Chia ly nào chẳng đớn đau

Đa mang một chốc để sầu vạn niên Vạn lần thao thiết gọi tên

Vạn ngày chí dị, vạn đêm khứ hồi

(Đa mang)

Lam Luyến tự dằn vặt bản thân mình, có một chút nỗi niềm xót xa và hối tiếc. Giá như mình biết trước sẽ đau, sẽ buồn, sẽ cô đơn thì sẽ không lao vào tình yêu dại khờ ấy:

Nếu biết trước tình yêu là bánh vẽ

Ăn không no, chẳng thỏa mắt say nhìn

(Nếu biết trước)

Cuộc sống cũng như tình yêu đâu ai có thể biết trước được để mà lựa chọn và tránh né, âu đó như là duyên phận. Có lẽ bởi “Chẳng dễ gì gây dựng được niềm tin/ Ở hai kẻ cô đơn – hai trái tim mệt mỏi/ Quá khứ sình lầy những lời nói dối/Hạnh phúc ngỡ trôi vào lãng quên” (Hai người cô đơn). Bởi thế mà Lam Luyến “chấp nhận lời nói dối”, phải chăng có những lời khi nói thật không đủ niềm tin, và lời nói dối trở thành vĩ đại:

Có những lời nói thật chẳng ai tin Câu nói dối lên ngôi mà vĩ đại

(Em chấp nhận lời nói dối)

Em dễ dàng chấp nhận những lời nói dối như là một đòn đánh lừa tâm lý tạm thời để bấu víu và đứng lên sau những vấp ngã đổ vỡ. Nhưng không có nghĩa là Lam Luyến quên những vết thương lòng mà sự dối lừa ấy gây ra:

Thời gian không ta vẫn cháy Cuộc đời không ta vẫn vui Còn đây vết thương rỉ máu Lành da, vẫn sẹo muôn đời

(Vết thương)

Liệu pháp thời gian chỉ là tạm thời để chữa lành những vết thương đang rỉ máu chứ nó không thể làm mờ những vết sẹo đã hằn sâu vào trong tiềm thức và trái tim bị dối lừa. Bởi em đâu phải là “thánh thần”, em chỉ là em yếu đuối và mong manh – như bản tính vốn có của đàn bà mà thôi.

Em không là thánh thần Mới nhiều phen nông nổi Khi đã dấn thân yêu

Biết đâu mà lọc lõi!

(Em không là thánh thần)

Bởi vì em “khao khát một tình yêu’ nên có những lúc thấy cô đơn đến tột cùng thì sự nhớ nhung trào lên trong tiềm thức. Lam Luyến nhớ về một thời yêu say đắm, nồng nàn với lời hứa “yêu em nhất”:

Anh yêu em như yêu gió, yêu mây, yêu trời, yêu đất Như yêu ruộng, yêu đồng, yêu nhạc, yêu thơ…

Với một loạt sự ví von về một tình yêu mãnh liệt và điên cuồng như thế để đến lúc rơi vào chia lìa thì nỗi cô đơn khắc khoải cứ bám víu lấy Lam Luyến. Bằng câu chuyện về sự tích hòn núi Vọng Phu, chị đã khéo léo lồng mình vào câu chuyện thủa nào để diễn tả hoàn cảnh của mình, diễn tả tâm trạng và nỗi nhớ của mình. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, con người vẫn tồn tại nhưng thời gian kéo theo cả tuổi già, sức sống và nhiệt huyết con tim như lá trên cây từ khi xanh đến khi héo úa, nhưng mọi sự mong đợi đều chưa có kết quả, nó làm cho chị kiệt sức, làm mòn mỏi con tim yêu:

Mấy hôm nay rồi anh Chiều nào cũng thế

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/02/2023