Sự Khác Biệt, Mối Quan Hệ Giữa Kiểm Toán Nội Bộ Và Kiểm Toán Độc Lập


nữa, Chuẩn mực sử dụng từ “phải” để chỉ rõ yêu cầu tuân thủ vô điều kiện và từ “nên” khi có kỳ vọng về sự tuân thủ, trừ các trường hợp cho phép thực hiện khác với Chuẩn mực, sau khi áp dụng các đánh giá chuyên môn.

Chuẩn mực Hướng dẫn Thực hiện nhằm làm rõ Chuẩn mực Thuộc tính và Chuẩn mực Hoạt động, đưa ra các yêu cầu áp dụng cho dịch vụ đảm bảo (A) và dịch vụ tư vấn (.C).

Chuẩn mực được áp dụng cho các cá nhân kiểm toán viên nội bộ và bộ phận kiểm toán nội bộ. Tất cả kiểm toán viên nội bộ phải chịu trách nhiệm tuân thủ các chuẩn mực liên quan đến tính khách quan cá nhân, thành thạo chuyên môn, thận trọng nghề nghiệp và các chuẩn mực liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm công việc của mình. Trưởng kiểm toán nội bộ phải chịu thêm trách nhiệm về việc đảm bảo bộ phận kiểm toán nội bộ tuân thủ Chuẩn mực một cách tổng thể. Nếu kiểm toán viên nội bộ hoặc bộ phận kiểm toán nội bộ không thể tuân thủ với một số phần nhất định của Chuẩn mực do bị cấm bởi pháp luật hoặc quy định pháp lý, thì vẫn cần phải tuân thủ với các phần còn lại của Chuẩn mực và phải có những giải trình phù hợp. Nếu Chuẩn mực được sử dụng kết hợp với các yêu cầu khác của các cơ quan thẩm quyền thì báo cáo của kiểm toán nội bộ có thể phải trích dẫn việc sử dụng các yêu cầu khác đó, khi phù hợp. Trong trường hợp như vậy, khi bộ phận kiểm toán nội bộ tuân thủ với Chuẩn mực và nhận thấy có sự thiếu nhất quán giữa Chuẩn mực và các yêu cầu khác, kiểm toán viên nội bộ và bộ phận kiểm toán nội bộ phải tuân thủ với Chuẩn mực và có thể tuân thủ với các yêu cầu khác, nếu yêu cầu đó chặt chẽ hơn Chuẩn mực. Việc thực hiện rà soát và phát triển Chuẩn mực là một quá trình liên tục. Ủy ban Chuẩn mực Kiểm toán Nội bộ Quốc tế (IIASB) thực hiện thảo luận và tham vấn kỹ lưỡng trước khi ban hành Chuẩn mực. Điều này bao gồm cả việc công khai các bản dự thảo để lấy ý kiến đóng góp trên phạm vi toàn cầu. Tất cả các dự thảo đều được trình bày tại website của IIA cũng như được gửi đến cho tổ chức IIA tại các quốc gia.

2.1.6. Sự khác biệt, mối quan hệ giữa Kiểm toán nội bộ và Kiểm toán độc lập

2.1.6.1. Phân biệt giữa Kiểm toán nội bộ và Kiểm toán độc lập

Kiểm toán nội bộ là một hoạt động đảm bảo và tư vấn độc lập, khách quan được thiết kế nhằm gia tăng giá trị và cải thiện các hoạt động của tổ chức. Kiểm toán nội bộ giúp cho tổ chức đạt được các mục tiêu của mình bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận có tính nguyên tắc và hệ thống nhằm đánh giá và nâng cao hiệu quả của các quy trình quản lý rủi ro, kiểm soát và quản trị.


Kiểm toán Độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán đưa ra ý kiến độc lập của mình về báo cáo tài chính và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán.

Căn cứ vào các định nghĩa ở trên, kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập được phân biệt ở những điểm chính yếu như sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.

Về đối tượng chính tiếp nhận và sử dụng báo cáo kiểm toán:

- Đối với kiểm toán nội bộ: là các cấp lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp, những người có nhu cầu muốn cải thiện các hoạt động và tạo thêm giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Các nhân tố ảnh hưởng đến tính hiệu lực của kiểm toán nội bộ tại các ngân hàng thương mại Việt Nam - 7

- Đối với kiểm toán độc lập: là những bên liên quan bên ngoài doanh nghiệp, gồm nhà đầu tư, đối tác, ngân hàng, cơ quan quản lý,… những người có nhu cầu cần có ý kiến bảo đảm của bên thứ ba (được cấp phép hành nghề bởi cơ quan quản lý) về báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Về đối tượng kiểm toán:

- Đối với kiểm toán nội bộ: chủ yếu là các hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ được triển khai trong doanh nghiệp, ngoài ra có thể bao gồm các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp nếu được các bên liên quan đồng ý.

- Đối với kiểm toán độc lập: chủ yếu là các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Về chức năng công việc:

- Đối với kiểm toán nội bộ: gồm cả hoạt động đảm bảo và hoạt động tư vấn.

- Đối với kiểm toán độc lập: chỉ bao gồm hoạt động đảm bảo, kiểm toán độc lập có đưa ra các khuyến nghị cho doanh nghiệp nhưng chỉ mang tính giá trị gia tăng thêm trong quá trình thực hiện công việc kiểm toán, chứ không phải là chức năng chính.

Trong đó, theo chuẩn mực quốc tế về kiểm toán nội bộ: Dịch vụ đảm bảo là việc kiểm toán viên nội bộ thực hiện đánh giá các bằng chứng một cách khách quan để đưa ra ý kiến hoặc kết luận về một tổ chức, một hoạt động, một chức năng, một quy trình, một hệ thống hay những vấn đề cụ thể. Bản chất và phạm vi của một cuộc kiểm toán do kiểm toán viên nội bộ xác định. Thông thường, có ba bên tham gia vào cuộc kiểm toán: (1) cá nhân hoặc nhóm người trực tiếp liên quan đến tổ chức, hoạt động, chức năng, quy trình, hệ thống hoặc vấn đề cụ thể - chủ quy trình, (2) cá nhân hoặc nhóm người thực hiện đánh giá - kiểm toán viên nội bộ, và (3) cá nhân hoặc nhóm người sử dụng kết quả đánh giá - người sử dụng.


Dịch vụ tư vấn có bản chất là tư vấn và thường được thực hiện theo yêu cầu cụ thể của khách hàng. Bản chất và phạm vi của cuộc tư vấn được thỏa thuận với khách hàng. Hoạt động tư vấn thường có hai bên tham gia: (1) cá nhân hoặc nhóm người cung cấp tư vấn – (kiểm toán viên nội bộ), và (2) cá nhân hoặc nhóm người tìm kiếm và nhận tư vấn - khách hàng. Khi thực hiện dịch vụ tư vấn, kiểm toán viên nội bộ nên duy trì tính khách quan và không nên đảm nhận trách nhiệm quản lý với hoạt động được tư vấn.

2.1.6.2. Mối quan hệ giữa Kiểm toán nội bộ và Kiểm toán độc lập

Do phạm vi công việc và chức năng của Kiểm toán nội bộ và Kiểm toán độc lập có sự giao thoa nên mối quan hệ giữa chúng được quy định một cách chính thức ở chuẩn mực hành nghề của kiểm toán viên và có thể được văn bản hóa tại công ty có sử dụng 2 loại hình kiểm toán này.

Hội đồng quản trị/Ban kiểm soát có trách nhiệm đảm bảo phối hợp có hiệu quả giữa kiểm toán nội bộ với kiểm toán độc lập.

Kiểm toán độc lập có thể sử dụng kết quả công việc của kiểm toán nội bộ trong việc tìm hiểu môi trường kiểm soát để đánh giá rủi ro dẫn đến sai sót trong báo cáo cũng như xác định các yếu tố có thể ảnh hưởng tới hoạt động kiểm toán độc lập của mình.

Ngược lại, các doanh nghiệp có thể có được đảm bảo về một số hoạt động nhất

định thuộc phạm vi của kiểm toán nội bộ từ kết quả của kiểm toán độc lập.

Phương thức trao đổi và phối hợp giữa hoạt động kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập có thể khác nhau giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù thực hiện theo phương thức nào thì việc duy trì trao đổi thường xuyên với tổ chức kiểm toán độc lập của doanh nghiệp cũng cần hướng tới một mối quan hệ hợp tác có hiệu quả, cụ thể như đảm bảo tối ưu hóa phạm vi kiểm toán và giảm thiểu sự trùng lặp công việc kiểm toán dẫn đến lãng phí nguồn lực.

(i) Kiểm toán độc lập có thể dựa vào/ sử dụng kết quả của KTNB trong việc kiểm toán BCTC của doanh nghiệp:

Khi đơn vị được kiểm toán có kiểm toán nội bộ và kiểm toán viên độc lập xác định rằng kiểm toán nội bộ có thể liên quan đến cuộc kiểm toán thì mục tiêu của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán là:

- Xác định sự cần thiết, phạm vi sử dụng những công việc cụ thể của kiểm toán viên nội bộ;


- Xác định sự đầy đủ, thích hợp của công việc cụ thể của kiểm toán viên nội bộ đối với mục đích của cuộc kiểm toán.

Để sử dụng công việc cụ thể của kiểm toán viên nội bộ, kiểm toán viên độc lập phải đánh giá và thực hiện các thủ tục kiểm toán đối với công việc đó nhằm khẳng định tính đầy đủ, thích hợp đối với các mục tiêu của kiểm toán viên độc lập.

Khi sử dụng công việc cụ thể của kiểm toán viên nội bộ, kiểm toán viên độc lập phải lưu trong hồ sơ kiểm toán các kết luận rút ra từ việc đánh giá tính đầy đủ, thích hợp của công việc của kiểm toán viên nội bộ và các thủ tục kiểm toán mà kiểm toán viên độc lập đã thực hiện đối với các công việc đó.

(ii) Kiểm toán độc lập có được quyền xem xét các báo cáo KTNB và đánh giá

độc lập về chất lượng hoạt động của chức năng KTNB.

Kiểm toán độc lập được quyền xem xét bất kỳ báo cáo nào của KTNB để nhận diện ra các kiểm soát và đánh giá các lỗ hổng trong kiểm soát có liên quan đến công việc kiểm toán của mình. Đồng thời, kiểm toán độc lập cũng có thể trở thành đơn vị độc lập đánh giá chất lượng hoạt động của chức năng KTNB theo yêu cầu và thỏa thuận của lãnh đạo đơn vị, thường là từ HĐQT

(iii) Doanh nghiệp có thể sử dụng tổ chức Kiểm toán độc lập để thực hiện

KTNB

Doanh nghiệp có thể thuê tổ chức Kiểm toán độc lập để cung cấp dịch vụ

KTNB nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của KTNB về tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật và các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của KTNB. Ví dụ, tổ chức kiểm toán độc lập hiện đang cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập tại doanh nghiệp sẽ phải xem xét việc đồng thời cung cấp dịch vụ KTNB nhằm đảm bảo tính độc lập và khách quan trong kiểm toán. Doanh nghiệp có thể sẽ phải lựa chọn một tổ chức kiểm toán độc lập khác để cung cấp dịch vụ KTNB.

2.1.7. Điều lệ (Quy chế) Kiểm toán nội bộ (IA charter)

Theo hướng dẫn của IIA, 2020, Điều lệ Kiểm toán nội bộ có những nội dung cơ bản sau:

Điều lệ kiểm toán nội bộ là một văn bản chính thức xác định mục đích, quyền hạn của kiểm toán nội bộ, trách nhiệm và vị trí trong một tổ chức. Nó cũng có thể được gọi là điều khoản tham chiếu.

Mục đích, quyền hạn và trách nhiệm của KTNB phải nhất quán với sứ mệnh của KTNB và các thành phần bắt buộc trong khung thực hành chuyên môn quốc tế


IPPF (Các nguyên tắc cốt lõi của thực hành KTNB, quy tắc đạo đức, chuẩn mực và

định nghĩa về KTNB).

Mỗi tổ chức đều có sự khác biệt về mục tiêu, thách thức và rủi ro đặc thù. Điều lệ kiểm toán nội bộ là cách tốt nhất để thống nhất và mô tả cách kiểm toán nội bộ sẽ cung cấp giá trị cho tổ chức, bản chất của các dịch vụ mà KTNB sẽ cung cấp và trọng tâm hoặc điểm nhấn cụ thể cần thiết của KTNB để giúp tổ chức đạt được các mục tiêu của mình. Việc có điều lệ kiểm toán nội bộ cũng thiết lập vị trí của hoạt động kiểm toán nội bộ trong tổ chức, bao gồm người đứng đầu các kênh báo cáo của kiểm toán nội bộ (Trưởng KTNB), cho phép tiếp cận hồ sơ, nhân sự và các tài sản vật chất liên quan đến việc thực hiện các cuộc kiểm toán; đồng thời xác định phạm vi hoạt động của kiểm toán nội bộ. Do đó, nó là một tham chiếu để đo lường tính hữu hiệu của kiểm toán nội bộ.

Trưởng KTNB chịu trách nhiệm soạn thảo điều lệ, thảo luận chi tiết với quản lý cấp cao và hội đồng quản trị để xác nhận rằng điều lệ đã mô tả chính xác vai trò và kỳ vọng đã thống nhất và sau đó Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm phê duyệt cuối cùng đối với bản điều lệ (thông qua ủy ban kiểm toán).

Điều lệ cần được rà soát định kỳ để đảm bảo rằng nó vẫn phù hợp với nhu cầu của tổ chức. Trong quá trình rà soát, Trưởng KTNB nên thảo luận với quản lý cấp cao và hội đồng quản trị. Điều này nên bao gồm mọi thay đổi về vai trò và trách nhiệm có thể ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán nội bộ, đặc biệt là những hoạt động có khả năng làm giảm tính độc lập và khách quan của Trưởng KTNB trên thực tế hoặc hình thức bên ngoài.

Mặc dù điều lệ KTNB có thể khác nhau ở mỗi tổ chức, nhưng theo gợi ý hướng dẫn của IIA, điều lệ KTNB bao gồm những phần cơ bản như: Giới thiệu (Introduction); Quyền (Authority); Cấu trúc tổ chức và báo cáo (Organization and reporting structure); Tính độc lập và khách quan (Independence and objectivity); Trách nhiệm (responsibilities); Đảm bảo chất lượng và cải tiến liên tục (Quality assurance and improvement) và Chữ ký (Signature).

2.2. Tính hiệu lực của Kiểm toán nội bộ

2.2.1. Khái niệm tính hiệu lực của kiểm toán nội bộ

Tính hiệu lực, theo từ điển tiếng Việt, được hiểu là có tác dụng thực tế, có giá trị thi hành, tác dụng tốt đưa đến kết quả mỹ mãn (https://vi.wiktionary.org).


Theo IPPF - Hướng dẫn thực hành đo lường hiệu suất và tính hiệu lực của kiểm toán nội bộ do IIA ban hành vào 12/2010, tính hiệu lực là “mức độ đạt được (bao gồm cả chất lượng) các mục tiêu đã thiết lập”. Theo các khái niệm cơ bản trong ISO 9000 thì “tính hiệu lực” (Effectiveness) là mức độ thực hiện các hoạt động đã hoạch định và đạt được kết quả đã hoạch định. Như vậy, tính hiệu lực bao gồm hai phần: mức độ tuân thủ các quy định và kết quả đạt được.

Có nhiều nghiên cứu đã bàn đến việc đánh giá và đo lường tính hiệu lực của KTNB. Theo tổng quan nghiên cứu Aaron Cohen & Gabriel Sayag (2010), có hai cách tiếp cận chính khi xem xét về khái niệm tính hiệu lực của kiểm toán nội bộ. Cách tiếp cận đầu tiên, tính hiệu lực của kiểm toán nội bộ được xác định bởi sự phù hợp giữa thực hành kiểm toán và một số bộ chuẩn mực nghề nghiệp quy định về đặc điểm của KTNB (White, 1976). Cách tiếp cận này đã được Sawyer (1988) trình bày, tác giả đã phát triển 5 chuẩn mực của kiểm toán nội bộ: sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bộ phận trong tổ chức, tính chuyên nghiệp của kiểm toán viên, phạm vi công việc, hiệu suất hoạt động kiểm toán và quản lý bộ phận kiểm toán nội bộ. Tuy vậy, cách đánh giá này phù hợp với cho việc đánh giá nội bộ, và chủ thể đánh giá là các nhà quản lý với mục tiêu cải thiện hệ thống quản trị nội bộ của doanh nghiệp. Điều này dễ lý giải vì các nhà quản lý có sự hiểu biết sâu sắc về quy trình nội bộ cũng như những nguồn lực nội bộ của họ, từ đó có thể nhìn thấy khoảng cách giữa thực tế và chuẩn mực nghề nghiệp đặt ra.

Cách tiếp cận thứ hai, theo các lập luận của Ransan (1955), Albrecht và cộng sự (1988), tính hiệu lực của kiểm toán nội bộ không phải là một thực trạng có thể tính toán, mà được xác định bởi đánh giá chủ quan của các nhà quản lý với chức năng này. Nói cách khác, khái quát hơn, sự thành công của kiểm toán nội bộ chỉ có thể được đo lường khi so với những kỳ vọng của các bên liên quan (Albrecht và cộng sự 1988) trong đó, nhà quản lý là chủ thể đặt nhiều kỳ vọng với chức năng kiểm toán nội bộ hơn cả. Cách tiếp cận này đòi hỏi phát triển các thang đo có hệ thống và toàn diện để đo lường tính hiệu lực của KTNB (Schneider 1984; Dittenhofer 2001). Một trong những nỗ lực ban đầu trong vấn đề này là của Hoag (1981), người đã thiết kế một bảng câu hỏi để thu thập phản hồi của nhà quản lý cho từng hoạt động kiểm toán nội bộ trong một tổ chức. Bảng câu hỏi bao gồm bốn vấn đề: lập kế hoạch và chuẩn bị; chất lượng của báo cáo kiểm toán; thời điểm kiểm toán; và chất lượng giao tiếp giữa các chủ thể liên quan. Dựa trên câu trả lời của người quản lý, điểm trung bình được tính cho tính hiệu lực của một nhiệm vụ kiểm toán cụ thể.


Một kết quả khá tương tự từ bài tổng quan nghiên cứu của 2 tác giả Rainer Lenz & Ulrich Hahn (2015) tổng hợp các nghiên cứu thực nghiệm về tính hiệu lực của KTNB. Luồng 1, các bài nghiên cứu đề cập đến quan điểm từ phía cung, trong đó kiểm toán viên nội bộ, chủ yếu là trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ (CAE), tự đánh giá về mức độ hiệu lực, hiệu quả trong công việc của họ và mô tả cách họ đánh giá các nội dung đó. Luồng 2 đề cập đến quan điểm “bên cầu”, những bài nghiên cứu thảo luận và phân tích cách khách hàng và người thụ hưởng các dịch vụ do Kiểm toán nội bộ cung cấp, cảm nhận giá trị của nó như thế nào. “KTNB là một dịch vụ cho doanh nghiệp và điều cần thiết là doanh nghiệp phải xác định loại hình kiểm toán nội bộ mà nó sẽ thiết lập”, như Chambers (1992, trang 24) đã chỉ ra. Thống nhất với quan điểm này, Drucker (1985, trang 172) cho rằng “chất lượng trong một sản phẩm hoặc dịch vụ không phải là những gì nhà cung cấp đặt vào. Nó là những gì khách hàng nhận ra và sẵn sàng trả tiền để sở hữu hoặc sử dụng”.

Điều dễ nhận thấy cách tiếp cận thứ 2 trong tổng quan của Aaron Cohen & Gabriel Sayag (2010) và luồng thứ 2 trong tổng quan của Rainer Lenz & Ulrich Hahn (2015) là nhất quán với nhau, đều đánh giá tính hiệu lực từ phía cầu, từ phía các bên liên quan được hưởng lợi từ dịch vụ KTNB của tổ chức. Đây cũng là quan điểm tiếp cận của luận án về tính hiệu lực của KTNB, vì cách tiếp cận này nhấn mạnh quan điểm thị trường và nhấn mạnh vai trò mới của Kiểm toán nội bộ là tạo giá trị gia tăng cho tổ chức. Như vậy, tính hiệu lực của kiểm toán nội bộ, trong nghiên cứu này là mức độ đạt được các mục tiêu và kỳ vọng đã thiết lập, được xác định bởi đánh giá của các chủ thể hưởng lợi từ dịch vụ KTNB của tổ chức, đặc biệt là các nhà quản lý, đối với chức năng KTNB. Tính hiệu lực của kiểm toán nội bộ đạt được khi chức năng kiểm toán nội bộ thỏa mãn những mục tiêu và kỳ vọng của các nhà quản lý đặt ra trong bối cảnh cụ thể của tổ chức.

2.2.2. Đo lường và đánh giá tính hiệu lực của KTNB

Xuất phát từ 2 quan điểm đánh giá về tính hiệu lực (phía cung và phía cầu), cho đến nay, các công trình nghiên cứu chỉ ra 2 cách tiếp cận chính để đo lường và đánh giá tính hiệu lực của KTNB. Theo phương pháp tiếp cận thứ nhất, tính hiệu lực của KTNB được xác định bởi sự phù hợp giữa kiểm toán và một số tiêu chuẩn phổ quát ngoại suy từ các đặc tính của nó (White, 1976). Từ cách tiếp cận này, Sawyer (1988) đã đưa ra năm tiêu chuẩn KTNB: sự phụ thuộc lẫn nhau, trình độ chuyên môn, phạm vi công việc, việc thực hiện công việc kiểm toán và quản lý của bộ phận KTNB. Cùng cách tiếp cận này còn có Anderson (1983) và Glazer và Jaenike (1980).


Cách tiếp cận thứ hai, theo các lập luận của Ransan (1955) và Albrecht và các cộng sự (1988), tính hiệu lực của KTNB không phải là vấn đề có thể tính toán, nhưng được xác định bởi các đánh giá chủ quan của ban quản lý. Cách tiếp cận này đòi hỏi sự phát triển các thang đo một cách có hệ thống và hợp lý để đánh giá hiệu lực của KTNB (Schneider 1984, Dittenhofer 2001).

Kế thừa từ các công trình nghiên cứu thực nghiệm được lựa chọn để tìm hiểu về cách thức đo lường tính hiệu lực và các nhân tố ảnh hưởng đến tính hiệu lực của KTNB (được trình bày ở phần tổng quan), kết hợp với phỏng vấn sâu một số chuyên gia trong lĩnh vực KTNB ngân hàng (Danh sách đính kém phần phụ lục), luận án đưa ra một số chỉ tiêu sau nhằm đo lường đánh giá tính hiệu lực của KTNB trong Ngân hàng thương mại Việt Nam:

(i) KTNB đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ chính trong cuộc kiểm toán:

Tiêu chí này phản ánh đúng định nghĩa về tính hiệu lực trong Hướng dẫn đo lường về tính hiệu lực của KTNB của IPPF do IIA ban hành vào 12/2010, tính hiệu lực là “mức độ đạt được (bao gồm cả chất lượng) các mục tiêu đã thiết lập”.

(ii) KTNB đạt được kết quả mong muốn trong việc đưa ra những ý kiến tư vấn xác

đáng nhằm nâng cao hiệu quả của các quy trình quản lý, kiểm soát và quản trị rủi ro.

Tiêu chí này đo lường và đánh giá chức năng chuyển đổi của KTNB: thay vì tập trung vào chức năng bảo đảm tính tuân thủ như trước đây, KTNB cần đưa ra được ý kiến tư vấn nhằm cải thiện các hoạt động của tổ chức.

(iii) Chất lượng kiểm toán nội bộ đạt kỳ vọng của các nhà quản lý và Ban lãnh đạo cấp cao.

Tiêu chí này thể hiện cách tiếp cận của luận án, đánh giá tính hiệu lực từ phía cầu, từ phía chủ thể được hưởng lợi từ dịch vụ KTNB của tổ chức, chính là các nhà quản lý và ban lãnh đạo cấp cao.

(iv) KTNB tạo được giá trị gia tăng cho ngân hàng. Tiêu chí này thể hiện rõ nét nhất và tổng quát nhất đối với chức năng chuyển đổi KTNB là tạo giá trị gia tăng cho tổ chức. Các khía cạnh tạo giá trị gia tăng được đề cập như: tăng uy tín ngân hàng, tăng hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí…

Xem tất cả 208 trang.

Ngày đăng: 14/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí