Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 17


Chính điều kiện tự nhiên đã tác động và làm thay đổi văn hóa sinh kế theo từng loại hình cư trú cụ thể. Qua khảo sát nghiên cứu bước đầu về đặc điểm phân hóa tự nhiên, lịch sử văn hóa xã hội và những đặc tính riêng biệt trong vùng di sản QTDT Tràng An, về cơ bản có một số loại hình sau đây:

- Loại hình cư trú vùng trồng lúa nước: Loại hình này đặc trưng cho vùng trồng lúa hai hoặc ba vụ. Làng mạc ở đây vừa dày, vừa có quy mô lớn và chiếm ưu thế về số lượng trong vùng. Loại hình này tập trung chủ yếu ở các thôn: Đam Khê Trong, Đam Khê Ngoài (xã Ninh Hải); Chi Phong, Trường An (xã Trường Yên)...

- Loại hình cư trú kết hợp nông nghiệp với thủ công nghiệp: Đây là loại hình cư trú phổ biến ở những vùng quanh đô thị và các thị trấn với hoạt động sản xuất có tỷ trọng hàng hóa cao hơn nơi khác. Hoạt động thủ công nghiệp quanh năm hoặc theo thời vụ. Quy mô làng xóm thường lớn, nhà cửa khang trang, trật tự quần cư dày đặc, đường làng, ngõ xóm lát gạch hoặc đổ bê tông. Loại hình tập trung chủ yếu ở các làng nghề thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải, làng đá mỹ nghệ ở Ninh Vân.

- Loại hình cư trú kết hợp nông nghiệp với ngư nghiệp: Loại hình này phổ biến hình thành ở ven sông. Nam giới thường ra sông đánh cá và khai thác thủy sản, nữ giới thường trồng trọt và chăn nuôi, tham gia đánh bắt thủy sản. Các điểm dân cư này thường không lớn, phân bố theo tuyến dài, ven bờ sông hoặc các gò cao gần sông, vừa tiện cho khai thác thủy sản, vừa tiện cho công việc trên đồng ruộng.

b. Xu hướng thay đổi các yếu tố văn hóa sinh kế truyền thống trong quá trình phát triển du lịch: Dưới sự tác động của quá trình phát triển du lịch đã có những thay đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ góp phần tích cực vào quá trình phát triển KTXH của tỉnh. Các ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế kỹ thuật, xã hội đã tập trung nghiên cứu đề xuất những định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, quản lý sản xuất kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế, quản lý xã hội trong thời kỳ đổi mới, sưu tầm, nghiên cứu khẳng định những giá trị truyền thống tốt đẹp của Ninh Bình.

Quần thể danh thắng Tràng An là một trọng điểm du lịch Ninh Bình, với lượng khách đến ngày càng tăng, tập trung đông nhất vào 3 tháng đầu năm. Sự


phát triển du lịch đã có những tác động đến sinh kế của người dân địa phương, thay đổi ngành nghề truyền thống và tạo ra ngành nghề mới như: nông nghiệp sạch, phát triển trang trại, gia trại kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du lịch làng nghề và nhiều nghề mới như: chèo đò chở khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh cơ sở lưu trú, homestay, lễ tân, phục vụ buồng, bàn, bar và nấu bếp, chụp ảnh, bán hàng, bảo vệ….

Với các hoạt động du lịch thường xuyên trong khu di sản đã đem lại công việc và thu nhập ổn định cho hàng ngàn người dân địa phương, chính nhờ sự phát triển của du lịch và chính sách ưu đãi của tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch góp phần tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất Cố đô Hoa Lư ngày nay.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đã xác định QTDT Tràng An làm trung tâm, động lực quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển, trong đó ưu tiên và chỉ cho phép phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch trải nghiệm nông nghiệp và văn hóa địa phuơng. Đặc biệt từ khi Tràng An trở thành di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới đã thu hút ngày càng nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế. Lượng khách tăng khá nhanh, bình quân trên 11%. Dự báo sẽ lượng khách đến khu di sản sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Hiện nay, việc du khách đi tham quan trong khu vực di sản thường sử dụng phương tiện đi thuyền ngắm cảnh núi non, hang động trên các dòng suối và thung lũng, hoặc đi bằng ôtô tới thăm Cố đô Hoa Lư và một số hang động đẹp như Bích Động, động Thiên Hà… Hiện nay trong khu di sản, 6 khu du lịch có tổng số 3.930 chiếc thuyền chở khách du lịch và khoảng 4.582 người chèo đò. Tuy nhiên vào mùa cao điểm lễ hội vẫn xảy ra tình trạng thiếu thuyền phục vụ du khách. Vì vậy, với tốc tăng trưởng khách như hiện nay, đến năm 2020, khu di sản cần bổ sung thêm 200-300 thuyền. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, BQLDTTA đang phối hợp với các chuyên gia UNESCO và các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu mở thêm các tuyến du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu (khám phá) du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực khác nhau trong khu di sản nhằm kéo giãn sự tập trung của du khách vào một vài điểm chính như hiện nay. Ngoài ra, cũng cần tính tới việc dàn đều lượng


Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 17

khách đến tham quan trong suốt cả năm. Chú ý tới việc xúc tiến quảng bá ở các thị trường khách quốc tế để thu hút nhiều hơn nữa lượng du khách nước ngoài, bởi khách nước ngoài thường đi du lịch quanh năm.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình còn quan tâm thu hút các dự án đầu tư cho hệ thống nhà hàng, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp như: Nhà hàng Ngọc Minh, nhà hàng Paradise, nhà hàng chợ Quê, Công viên Khủng Long, Sân golf Hoàng Gia, Sân golf Tràng An, siêu thị Big C, siêu thị PICO và phát triển loại hình du lịch nghỉ tại nhà dân (Homestay) để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Hệ thống các khách sạn, nhà hàng, trung tâm hội nghị, khu mua sắm, vui chơi giải trí cao cấp đi vào hoạt động đã góp phần tích cực thu hút khách du lịch đến Ninh Bình, đặc biệt khách du lịch có khả năng chi trả cao, hạn chế tính thời vụ trong hoạt động du lịch, đồng thời phát triển loại hình du lịch hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan (du lịch MICE). Hiện nay tỉnh đang tích cực triển khai một số dự án lớn: Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình, công viên động vật hoang dã quốc gia, khu du lịch ven biển cồn nổi Kim Sơn, tuyến đường hành hương kết nối di sản Tràng An – Bái Đính – Tam Chúc…. Những dự án này đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng đưa du lịch Ninh Bình phát triển nhanh hơn. Đặc biệt cơ sở hạ tầng của địa phương như đường xá kết nối các khu, điểm du lịch, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc được đầu tư xây dựng rất thuận lợi cho hoạt động du lịch.

Hoạt động du lịch phát triển, tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh từ các khoản trích nộp phí, vé thăm quan của các đơn vị quản lý khu, điểm du lịch và từ các khoản thuế phải nộp của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn. Đặc biệt ở Ninh Bình có nhiều làng nghề truyền thống như: thêu ren Văn Lâm, chiếu cói Kim Sơn, mộc Phúc Lộc, gốm sứ Bồ Bát, đá Ninh Vân… đã tận dụng thế mạnh của mình để phát triển kinh tế bằng việc trình diễn, giới thiệu bán các sản phẩm thủ công, không chỉ bán cho các khách du lịch đến tham quan mà đây còn là cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương bằng hình thức xuất khẩu tại chỗ. Bên cạnh đó khi du lịch phát triển thì nhiều lĩnh vực khác cũng được hưởng lợi thông qua tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương, mua sắm và các lĩnh vực dịch vụ khác như xây dựng, in ấn và xuất bản, sản xuất, bảo hiểm, vận tải, lưu trú, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, dịch vụ tài chính…


Bên cạnh những lợi ích kinh tế mà du lịch đem lại, phát triển du lịch còn góp phần tích cực tuyên truyền, nâng cao hình ảnh về đất và người Ninh Bình cùng với những tiềm năng, thế mạnh về du lịch tới bè bạn trong nước và quốc tế. Đến với Ninh Bình du khách được tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, khám phá lịch sử cội nguồn của dân tộc, các món ăn đặc sắc, riêng có của vùng đất cố đô Hoa Lư, các làng nghề, lễ hội truyền thống. Hình ảnh nét văn hóa, lịch sử, du lịch đặc sắc của Ninh Bình được tuyên truyền, quảng bá sâu rộng thu hút đông đảo du khách thập phương, cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà làm phim trong nước và quốc tế đến thực hiện nhiều bộ phim, phóng sự, tiêu biểu như bộ phim Kong - Đảo Sọ người, Người Mỹ thầm lặng, Đông Dương…

Đặc biệt, việc phát triển du lịch đã đem lại cho Ninh Bình nhiều lợi ích về mặt xã hội như tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Nếu như năm 2010 tổng số lao động là 8.550 lao động cả trực tiếp và gián tiếp, đến năm 2017 con số này tăng lên 19.420 người, tốc độ tăng trưởng trung bình trong 7 năm qua là 12,45%/năm [60]. Nhiều khu du lịch sinh thái như Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, Vân Long, Cúc Phương, Bái Đính… nếu trước đây nhiều gia đình chỉ sống bằng nông nghiệp, nguồn thu nhập nhờ vào trồng trọt và chăn nuôi, còn nghề thủ công chỉ đóng vai trò phụ nên cuộc sống khá thiếu thốn, khó khăn. Điều kiện trồng trọt lại khó khăn, các vùng này lại không có điều kiện phát triển các ngành công nghiệp nhưng lại có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, các hang động xuyên thủy, lịch sử lâu đời, giữ được bản sắc làng quê truyền thống trở thành những điểm du lịch hấp dẫn. Vì thế khi du lịch phát triển thì kinh tế của người dân địa phương ở các vùng này được cải thiện, thay vì làm nông nghiệp như trước đây họ chuyển sang làm dịch vụ du lịch qua các nghề như: chèo thuyền, mở nhà hàng, khách sạn, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh… Thu nhập của người dân địa phương tại các khu, điểm du lịch tăng lên rõ rệt, bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Người dân địa phương còn được giao lưu văn hóa với du khách thập phương, mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức, kiến thức về du lịch và văn hóa các nước trên thế giới và có ý thức, trách nhiệm hơn với công tác bảo vệ di sản, cảnh quan môi trường tự nhiên và môi trường sống. Việc phát triển du lịch cũng góp phần khôi phục lại nhiều nghề


truyền thống như đóng thuyền ở Thôn Đam Khê, thêu ren ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải.

Thông qua phát triển du lịch đã thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch. Du lịch phát triển giúp tăng cường hiểu biết của cộng đồng địa phương thông qua việc tham gia các lớp tập, huấn bồi dưỡng kiến thức về giao tiếp, văn hóa, văn minh du lịch, đồng thời qua trao đổi, nói chuyện trực tiếp với du khách nhận thức về bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường trong vùng di sản thế giới QTDT Tràng An ngày càng nâng cao.

Sức lan tỏa của du lịch đã và đang thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển văn hóa, xã hội; thu hút ngày càng nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương… tạo được tiền đề vững chắc để phát triển ở mức cao hơn trong những năm tiếp theo. Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 và các quy định, quy chế về quản lý, bảo vệ di sản.

c. Xu hướng bảo tồn các giá trị văn hóa sinh kế truyền thống trong quá trình phát triển du lịch: Là vùng đất giao thoa giữa các khu vực Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ, cũng là vùng đất phù sa cổ ven chân núi, với những dấu tích cư trú của con người ngay từ các giai đoạn tiền sơ sử cách ngày nay từ 30.000 năm đến 4.000 năm, những đặc điểm đó đã tạo cho Ninh Bình nền tảng, ưu thế tự nhiên trong việc hình thành nền văn hóa đa dạng, thể hiện và là kết quả của quá trình kết tinh các giá trị tự nhiên, con người và lịch sử. Ở vào vị trí giao thoa, cũng là vị trí chiến lược ra Bắc vào Nam, vùng đất Ninh Bình, đặc biệt khu vực Tràng An sớm chứng kiến, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích còn để lại dày đặc trong các di tích kiến trúc vật thể đình, chùa, đền, miếu.., các truyền thuyết, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế gần đây, vai trò của việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong sự phát triển kinh tế và hội


nhập quốc tế ngày càng được nhìn nhận rõ hơn, hình thành nên bức tranh toàn diện về văn hóa sinh kế và các tác động của sinh kế đối với phát triển du lịch tại địa phương đó. Nếu như trong thời gian trước đây, tại khu vực di sản Tràng An chỉ tập trung phát triển kinh tế để đưa địa phương thoát khỏi nghèo đói và lạc hậu nên có phần lơ là trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống nói chung và văn hóa sinh kế nói riêng, coi văn hóa sinh kế truyền thống chỉ là sản phẩm của phát triển kinh tế. Thậm chí có lúc đơn giản cho là kinh tế phát triển rồi sẽ kéo theo sự phát triển của văn hóa sinh kế truyền thống và có thể giải quyết dễ dàng các vấn đề xã hội khác. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy kinh tế phát triển, song văn hóa truyền thống nói chung và các giá trị văn hóa sinh kế hay đạo đức kinh doanh đã có những bước lùi, đặc biệt là đạo đức xã hội, lối sống, các di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể xuống cấp một cách nghiêm trọng. Biết bao nhiêu hệ lụy của kinh tế phát triển mà văn hóa thụt lùi đã diễn ra phải quan tâm hơn.

Chính vì vậy, trong xu hướng phát triển chung của thế giới thì văn hóa và du lịch không thể tách rời. Đặc biệt xu hướng bảo tồn các giá trị văn hóa sinh kế truyền thống đã trở thành nguồn lực tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của điểm đến và chính hoạt động du lịch ở nơi này tác động trở lại, tiếp tục vun đắp, hun đúc lên truyền thống, bản sắc con người Tràng An. Và từ đó, người dân bản địa trong vùng Tràng An lại tiếp tục mạch nguồn văn hóa truyền thống, trao truyền lại những giá trị văn hóa tốt đẹp cho các thế hệ kế tiếp.

4.2. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA DO TÁC ĐỘNG CỦA PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Có thể khẳng định sự phát triển của du lịch đã làm thay đổi mạnh mẽ đời sống văn hóa và các giá trị văn hóa sinh kế truyền thống của cư dân khu vực di sản Tràng An khiến các ngành nghề trở nên đa dạng hơn, phù hợp với xu thế của thời đại. Tuy nhiên bên cạnh những tác động tích cực, thì việc biến đổi này đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho việc đảm bảo sinh kế bền vững và các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư trong khu di sản. Trong quá trình phát triển thời cơ và thách thức đan xen, chuyển hóa rất mau lẹ, khó lường. Vì vậy phải nhìn rõ và đầy đủ những vấn đề đặt ra, trước tiên là thấy rõ thách thức và cơ hội để có những giải phải phù hợp,


4.2.1. Thời cơ

Quá trình thay đổi sinh kế từ khi có sự tác động của phát triển du lịch đã làm thay đổi các ngành nghề truyền thống của cư dân tại Tràng An, khiến cho ngành nghề trong khu vực này trở nên đa dạng hơn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cư dân địa phương. Theo khảo sát của nghiên cứu sinh khi thực hiện nghiên cứu tại khu vực di sản Tràng An thì sự biến đổi sinh kế đã có những tác động tích cực sau:

Thứ nhất, biến đổi sinh kế đã góp phần đa dạng hóa các ngành nghề góp phần to lớn trong quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp chuyển sang một nền kinh tế dựa vào dịch vụ: Nhiều gia đình trong khu vực Tràng An trước đây rất nghèo, cuộc sống khó khăn, chỉ sống bằng nông nghiệp, nay cuộc sống đã được cải thiện nhiều nhờ du lịch. Các gia đình chủ yếu phát triển kinh tế thuần nông. Cơ cấu kinh tế truyền thống gồm: Trồng trọt, hái lượm và nghề thủ công, trong đó chủ yếu là trồng trọt. Hầu hết mức sống, nguồn thu nhập của người dân địa phương nhờ vào trồng trọt và chăn nuôi, còn nghề thủ công chỉ đóng vai trò phụ và luôn phụ thuộc vào trồng trọt nên cuộc sống thiếu thốn, nghèo khổ. Điều kiện trồng trọt lại khó khăn, đòi hỏi phải có nhiều lao động. Trong khu vực di sản Tràng An lại không có điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp. Nhưng chính những nguồn lực tự nhiên và văn hóa lịch sử đó lại là điều kiện thuận lợi để du lịch phát triển, toàn bộ khu vực di sản có cảnh quan đẹp, giữ được bản sắc văn hóa trở thành những điểm du lịch hấp dẫn. Do đó, đời sống kinh tế của người dân được cải thiện. Hiện nay trong khu vực này đã có sự chuyển đổi từ ngành nghề truyền thống sang các loại ngành nghề mới cụ thể như sau:

- Dịch vụ đưa đón khách tại các điểm du lịch: Trên các tuyến đường thủy trong khu vực QTDT Tràng An có 3930 chiếc thuyền phục phụ đưa đón khách. Trên các tuyến du lịch đường bộ được kết nối liên hoàn, thuận tiện cho xe khách lớn, xe con, taxi và xe ôm đưa đón khách tới các điểm. Ngoài ra những người dân trong khu vực cũng đã chuyển đổi sang nghề xe ôm, lái taxi chủ yếu là nam giới.

- Dịch vụ mua bán hàng lưu niệm: Tại các điểm tham quan và ở các khu vực làng nghề, du khách tham quan có thể mua sắm các đồ lưu niệm với nhiều sản phẩm thêu ren và đồ thủ công mỹ nghệ do chính người dân địa phương làm ra.


- Dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng: Hệ thống các khách sạn, nhà hàng tại khu vực quần thể danh thắng Tràng An tương đối đa dạng và phong phú. Hiện nay trong khu vực Di sản có 236 cơ sở lưu trú, nhà hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu ăn nghỉ của du khách. Hầu hết các khách sạn đều có cơ sở ăn uống. Bên cạnh hệ thống các cơ sở dịch vụ ăn uống trong khách sạn, phải kể đến các quán ăn đặc sản của người dân địa phương mở (thịt dê cơm cháy và các món ăn đồng quê). Hệ thống các cơ sở dịch vụ này bước đầu đã đáp ứng nhu cầu ăn uống của người dân và khách du lịch. Tuy nhiên, một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu là vệ sinh thực phẩm, chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên và vấn đề giá cả. Hiện nay loại hình lưu trú homestay đang thu hút số lượng lớn khách du lịch đến với Ninh Bình đặc biệt là du khách nước ngoài. Việc phát triển loại hình du lịch nghỉ tại nhà dân đã tạo điều kiện cho người dân kiếm thêm thu nhập, bên cạnh đó du khách có thể tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống làng quê, tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương.

- Dịch vụ thông tin hướng dẫn: Việc cung cấp thông tin, thuyết minh, hướng dẫn cho khách du lịch hiện nay tại khu quần thể danh thắng Tràng An chủ yếu là do Hướng dẫn viên theo đoàn đảm nhiệm. Hiện nay trong khu Quần thể danh thắng Tràng An có 70 hướng dẫn viên tại điểm. Đội ngũ này đã đảm nhiệm tương đối tốt vai trò thuyết minh giới thiệu cho du khách. Bên cạnh đó, nhiều lái đò cũng đã đảm nhiệm được phần nào vai trò hướng dẫn, giới thiệu cho du khách về cảnh quan, lịch sử của khu du lịch. Ban Quản lý và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, giao tiếp, giá trị văn hóa, lịch sử của khu di sản và vùng đất cố đô Hoa Lư để người dân có thể tự hào thông tin, giới thiệu cho khách du lịch tốt hơn về mảnh đất, văn hóa và di sản của mình.

- Dịch vụ chụp ảnh lưu niệm: Trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An hiện nay có khoảng 65 thợ ảnh đã được cấp chứng chỉ hành nghề, tại một số khu, điểm du lịch, tuyến du lịch đường thủy nghề chụp ảnh dạo đã góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa độc đáo và góp phần quảng bá hỉnh ảnh, cảnh đẹp của di sản. Tuy nhiên đôi khi việc mời chào chụp ảnh nhiệt tình hoặc chụp ảnh mà chưa được sự đồng ý của khách cũng làm cho du khách khó chịu, phản ứng lại.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/06/2023