Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 16


thể hiện rất rõ trong quá trình biến đổi các hoạt động sinh kế, phương thức kiếm sống, cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội của cộng đồng cư dân trong vùng di sản QTDT Tràng An.

4.1.2.2. Những yếu tố trực tiếp

a. Chính sách, cơ chế: Tỉnh Ninh Bình được tái lập vào tháng 4/1992, đứng trước những bối cảnh khó khăn, thiếu thốn về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất: Kinh tế chậm phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa chưa đảm bảo chất lượng và không đồng bộ về cơ cấu, cơ sở vật chất nghèo nàn. Thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh còn rất thấp. Chủ yếu thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp, mặc dù tỉnh Ninh Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng chưa kịp cụ thể hóa bằng những chủ trương đường lối như hiện nay.

Sinh kế truyền thống của cư dân trong vùng Tràng An bị tác động nhiều bởi quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã từng bước có những cơ chế chính sách khai thác, phát triển tiềm năng của vùng đất Tràng An. Khi tái lập tỉnh, Ninh Bình chỉ có 1 đơn vị làm du lịch, đó là Công ty Du lịch Ninh Bình. Đến năm 1995 mới có quyết định thành lập Sở Du lịch với gần 10 cán bộ, nhân viên. Để có những bước đi đúng, ngay những năm đầu thành lập Sở đã triển khai nghiên cứu thực tiễn phát triển du lịch trong nước và quốc tế, những tiềm năng, lợi thế của Ninh Bình từ đó tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch Ninh Bình.

Đầu những năm 2000, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 18/12/2001 về phát triển du lịch đến năm 2010; đến năm 2007, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến 2010 định hướng đến 2015. Đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 07/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ninh Bình là một trong những địa phương sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế. Nhận thức được những giá trị tiềm năng to lớn đó, ngay từ đầu những năm 1990, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Bộ Văn hóa


Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư vào Danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ Di sản thế giới (Tentative List). Được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, ngày 29/4/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 82/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư. Đây chính là cơ sở quan trọng cho tỉnh Ninh Bình triển khai hàng loạt các dự án nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch tại các khu vực trọng điểm như: Khu di tích Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An và Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính.

Các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển du lịch được hoạch định và ban hành đã tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển du lịch Ninh Bình. Nhiều dự án như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương, Khu du lịch hồ Yên Thắng (sân gôn Hoàng Gia)... được triển khai, đầu tư.

Ngay sau khi QTDT Tràng An công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, UBND tỉnh Ninh Bình đã kịp thời ban hành các văn bản pháp lý về quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, trong đó nổi bật nhất phải kể đến Nghị quyết 05-NQ/BCS ngày 21/01/2015 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới QTDT Tràng An; Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới QTDT Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 và các quy định, quy chế, kế hoạch phối hợp bảo vệ di tích khảo cổ học, bảo vệ cảnh quan môi trường… Hệ thống các chính sách, kế hoạch quản lý di sản ban hành đã xác định toàn diện về tầm nhìn, nguyên tắc, định hướng cơ bản việc quản lý và bảo vệ di sản; giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói chung và phát triển du lịch nói riêng, có giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề phát sinh. Do đó việc gắn hoạt động bảo tồn và phát huy giá

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 213 trang tài liệu này.


trị di sản với phát triển kinh tế xã hội và phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Những kết quả đó đã khẳng định Nghị quyết, Kế hoạch bảo tồn phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch cùng các văn bản quy định cụ thể về quản lý, bảo tồn di sản được triển khai nghiêm túc, đồng bộ thực sự đi vào cuộc sống của cộng đồng địa phương. Đây cũng là cơ sở pháp lý và khoa học để các cơ quan quản lý, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân thực hiện tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong tỉnh về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, đặc biệt là đối với cộng đồng dân cư trong vùng di sản.

Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch - 16

Quá trình chuyển đổi khai thác vật liệu xây dựng (đá vôi, xi măng) sang phát triển du lịch đã có những tác động không nhỏ tới chuyển đổi cơ cấu kinh tế, việc làm của lao động địa phương trong vùng. Đối với những khu vực nằm trong vùng lõi của di sản nơi xen kẽ với khu dân cư sinh sống gặp nhiều khó khăn hơn trong công tác quản lý và bảo vệ di sản. Theo Quyết định số 83/QĐ-UBND ngày 21/1/2015 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy định tạm thời về quản lý xây dựng trong vùng bảo vệ Quần thể danh thắng Tràng An đã quy định rõ hoạt động xây dựng nhà ở dân sinh của các hộ dân đang sinh sống trong vùng lõi như sau: “Công trình xây dựng mới không quá 2 tầng, chiều cao không quá 8m (tính từ cao trình tim đường giao thông của khu vực phía trước công trình đến đỉnh mái)”. Đối với hoạt động xây dựng trong vùng đệm cũng quy định: “chỉ được xây dựng công trình không quá 03 tầng, chiều cao dưới 12 m (tính từ cao trình tim đường giao thông phía trước công trình đến đỉnh mái); hình thức kiến trúc công trình mái dốc, lợp ngói (hoặc dán ngói), lợp tôn, màu sắc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên khu vực”. Quy định này được xây dựng và thực hiện theo yêu cầu, tư vấn của các chuyên gia UNESCO để hạn chế những tác động của con người đến các giá trị nổi bật toàn cầu, tính nguyên vẹn của di sản.

Ngày 4/2/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 230/QĐ- TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng QTDT Tràng An, tỉnh Ninh Bình [80]. Theo Quyết định này, quy hoạch vòng lõi của di sản Tràng An được chia làm 2 vùng: 1) Vùng cấm mọi hoạt động xây dựng, được bảo vệ đặc biệt


nghiêm ngặt; và 2) Vùng hạn chế xây dựng, cần kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt có diện tích 2.766 ha bao gồm các khu vực dành cho phát triển du lịch, các khu vực làng xã có dân cư sinh sống và cảnh quan nông nghiệp xung quanh. Là vùng bảo vệ nghiêm ngặt có dân cư sinh sống và cho phép các hoạt động du lịch (không lưu trú), các hoạt động xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tạo nhà ở được phép tiến hành, nhưng ở mức độ hạn chế và phải được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt để không ảnh hưởng đến di sản.

Tất cả các hoạt động phát triển, kinh doanh, sản xuất trong khu vực di sản đều bị chi phối bởi những quy chế, quy định quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với di sản thế giới. Hoạt động sinh kế hàng ngày của cộng đồng dân cư được giám sát chặt chẽ của Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, Sở Du lịch, các Sở, ban ngành và chính quyền địa phương trong việc chấp hành các quy chế quản lý nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan môi trường trong khu vực di sản. Di sản Tràng An được bảo vệ và phát huy giá trị trên cơ sở Công ước quốc tế, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của Việt Nam. Luật Di sản văn hóa và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý các hoạt động kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng, nghiên cứu, trùng tu, tu bổ di tích, tôn tạo cảnh quan và phát triển du lịch trong vùng di sản nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, xác thực của khu di sản thế giới Tràng An và cũng là tiền đề để chuyển đổi sinh kế của cư dân trong vùng QTDT Tràng An sang hướng phát triển mới.

b. Sự phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương: Từ một nền kinh tế lạc hậu khi tái lập tỉnh, kinh tế Ninh Bình trong những năm gần đây đã có mức tăng trưởng khá cao. Qua báo cáo tổng kết tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 [83] cho thấy: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cả nhiệm kỳ đạt 11,7%/năm; so với năm 2010, quy mô GRDP gấp 2,1 lần. Cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, gắn với thị trường. Sản xuất công nghiệp có bước chuyển biến tích cực cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Các khu, cụm công nghiệp tiếp tục thu hút được các doanh nghiệp lớn


vào đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đã và đang phát huy tác dụng, nhiều doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài, các thành phần kinh tế đến đầu tư. Sản xuất nông nghiệp Ninh Bình tiếp tục phát triển toàn diện, xuất hiện một số mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả rõ rệt như: Mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình kinh tế tập thể, mô hình trang trại, gia trại tổng hợp và những mô hình kinh tế hợp tác, liên kết, gắn giữa sản xuất với tiêu thụ hàng hóa đảm bảo ổn định và tăng thu nhập cho nông dân. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đời sống nhân dân ổn định, nhiều mặt được cải thiện.

Sự thay đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ đã có đóng góp tích cực vào quá trình phát triển KTXH của tỉnh. Các ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế kỹ thuật, xã hội đã tập trung nghiên cứu đề xuất những định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, quản lý sản xuất kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế, quản lý xã hội trong thời kỳ đổi mới, sưu tầm, nghiên cứu khẳng định những giá trị truyền thống tốt đẹp của Ninh Bình. Đồng thời đã tích cực tham gia đóng góp cho các văn kiện của Đại hội tỉnh Đảng bộ, của Đại hội Đảng toàn quốc và các nhiệm vụ lớn về phát triển KTXH của tỉnh.

Ý thức được vai trò của du lịch đối với phát triển KTXH của tỉnh, Ninh Bình là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thời kỳ 1995 - 2010”. Tiếp theo đó, trên cơ sở nội dung của quy hoạch này, Ninh Bình tiếp tục xây dựng đề án điều chỉnh “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thời kỳ 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2015”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý và phát triển ngành kinh tế du lịch đầy tiềm năng này. Những năm qua, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới QTDT Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020.


Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ đã luôn được tỉnh chú trọng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, kết nối tất cả các khu, điểm du lịch tạo nên các tour, tuyến du lịch liên hoàn. Tính đến nay, đã có 06 dự án CSHT được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước được triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư 9.145 tỷ đồng như khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc Bích Động, Thung Nham, Động Thiên Hà, Thạch Bích – Thung Nắng… Tỉnh đã kêu gọi và phê duyệt 36 dự án đầu tư các khu du lịch và cơ sở dịch vụ khách sạn, nhà hàng với tổng giá trị đăng ký đầu gần 18.000 tỷ đồng, đến nay nhiều dự án đã hoàn thành và đi vào phục vụ khách du lịch tiêu biểu như: khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch sinh thái động Thiên Hà, Thung Nham, khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính và các khách sạn cao cấp: khách sạn Legend, The Reed, Emeralda resort, the Hidden Charm, Hoang Son Peace… Hoạt động kinh doanh lữ hành đã có sự đóng góp tích cực trong việc đưa khách đến Ninh Bình. Toàn tỉnh hiện có 28 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế.

Nhờ đó, trong những năm qua, ngành Du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ, duy trì tộc độ tăng trưởng khá, nổi lên là điểm sáng về du lịch của cả nước. Du lịch phát triển đã tạo động lực cho các ngành thương mại, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xây dựng, nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng phát triển. Mặt khác, phát triển du lịch góp phần tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống,… Lượng khách du lịch đến Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng bình quân 11%/năm; tổng thu từ du lịch tăng trưởng bình quân 37,72%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân cơ sở lưu trú du lịch 17,69%; lao động du lịch tăng trưởng bình quân 8,27% [65].

Dự kiến năm 2020, ngành Du lịch Ninh Bình đón được 7,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 3.900 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra 2,7% về lượt khách và 30% doanh thu; tạo công ăn việc làm cho 22.600 lao động, trong đó có

6.000 lao động trực tiếp; toàn tỉnh đến năm 2020 dự kiến có 680 cơ sở lưu trú du lịch trong đó số khách sạn 3 sao trở lên và tương đương là 17 cơ sở [65].



Kết quả kinh doanh du lịch luôn tăng trưởng ở mức cao, đóng góp ngày càng tăng cho ngân sách địa phương. Sức lan tỏa mạnh của ngành Du lịch đã và đang thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển văn hóa, xã hội; thu hút ngày càng nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho dân cư địa phương… Du lịch đã tạo được tiền đề vững chắc để phát triển ở mức cao hơn trong những năm tiếp theo.

c. Các giá trị văn hoá truyền thống: Ninh Bình là vùng đất có truyền thống

lịch sử lâu đời, có 1.499 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt 79 di tích cấp quốc gia, 01 di sản thế giới và 226 lễ hội văn hóa dân gian, làng nghề truyền thống và ẩm thực độc đáo, tinh tế. Các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Tràng An được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn của lịch sử, đã tìm thấy dấu viết của người tiền sử cách đây hàng chục nghìn năm… Đây là nguồn lực, nền tảng văn hóa quan trọng nuôi dưỡng và tạo cho người Ninh Bình những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Người dân có truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động, đoàn kết tương trợ nhau trong mưu cầu cuộc sống, trong ứng phó, chống lại thiên tai, địch họa cùng nhau giữ gìn và xây dựng mảnh đất cố đô Hoa Lư lịch sử phát triển như ngày nay.

Những phong tục tập quán, bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo của mảnh đất Ninh Bình vừa có nét chung của vùng đồng bằng Châu thổ sông Hồng, vừa có những nét văn hóa đặc trưng, thanh lịch của người Tràng An, mảnh đất kinh kỳ xưa. Đặc biệt là những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên của QTDT Tràng An đã được UNESCO vinh danh ở tầm nhân loại như lịch sử chiếm cư và thích ứng sự thay đổi to lớn của người tiền sử ở vùng đất Tràng An. Các giá trị di sản thế giới cùng với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của Nình Bình chính là những nguồn lực văn hóa quan trọng để tạo sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu điểm đến tạo thế và lực cho du lịch Ninh Bình cất cánh và phát triển bền vững.

4.2.2. Những xu hướng phát triển du lịch tác động đến biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An

a. Xu hướng khai thác các đặc điểm văn hóa sinh kế truyền thống để phát triển du lịch: Vị trí địa lý của Ninh Bình đã tạo ra những điều kiện tự nhiên vừa


thuận lợi vừa hết sức khắc nghiệt cho cuộc sống của cộng đồng dân cư. Ninh Bình là địa phương có địa hình đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng. Nhưng mặt khác, Ninh Bình cũng nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều vừa có lũ lụt vừa hạn hán. Vì vậy, các thế hệ cư trú tại vùng đất Tràng An đã phải bỏ rất nhiều công sức để có thể trụ lại trên mảnh đất này. Để có thể trồng cấy, chăn nuôi trong các thung, người dân đã phải chèo thuyền và cải tạo đất, nạo vét cải tạo ao đầm. Khi di chuyển tại các khu vực này rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Chính vì vậy sự lao động cần cù và sáng tạo là phẩm chất quan trọng đầu tiên được hình thành và dần trở thành truyền thống quý báu của cư dân nơi đây. Thích nghi với điều kiện tự nhiên này là một tâm lý và lối sống truyền thống thích ổn định, cầu an và trọng tĩnh, đặc trưng của cư dân nông nghiệp vùng Châu Thổ sông Hồng.

Đặc trưng của địa hình vùng đất Tràng An có nhiều sông ngòi, thung nước bao quanh những dải đá vôi đã tạo ra một truyền thống văn hóa sông - nước, có tư duy của cư dân vùng sông nước. Hoàn cảnh sống trên sông nước, gần sông nước tạo cho cư dân nơi đây có khả năng đối phó rất linh hoạt với mọi tình thế và có lối ứng xử mềm dẻo. Cư dân trong vùng Tràng An đặc biệt là dọc hệ thống sông Hoàng Long, Sào Khê, Ngô Đồng có kĩ năng bơi lội và chèo thuyền rất giỏi.

Trong sự hình thành và phát triển của cộng đồng dân tộc đi đôi với sự phát triển của lực lượng sản xuất, trong vùng Tràng An từ các điểm quần cư cư trú rời rạc, phụ thuộc vào thiên nhiên và mang nặng tính chất xã hội truyền thống ban đầu, đã từng bước hình thành một hệ thống quần cư quốc gia, phản ánh sâu sắc đặc điểm môi trường xung quanh, đặc điểm KTXH, tâm lý và tập quán sinh hoạt của từng khu vực và bản sắc văn hóa chung.

Trong môi trường tự nhiên nhiệt đới đa dạng có cả những những cánh đồng bằng phẳng trải dài, những vùng giáp chân núi và hệ thống sông ngòi dày đặc đã tạo ra một cộng đồng cư dân nhiều thành phần và trình độ phát triển khác nhau, ở Tràng An đã hình thành các loại hình cư trú đan xen, hòa nhập vào nhau trên các địa vực có diện tích không lớn nhưng rất khác nhau về địa hình, khí hậu và điều kiện giao thông. Nền sản xuất nhỏ, chủ yếu là nông nghiệp nhiệt đới, đã làm cho hệ thống quần cư trong vùng Tràng An càng thêm đa dạng.

Xem tất cả 213 trang.

Ngày đăng: 02/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí