Những Đóng Góp Về Lý Luận Và Thực Tiễn Của Luận Án 1.6.1.những Đóng Góp Về Lý Luận Của Luận Án‌


1.3. CÂU HỎI NGHIÊN CỨU

Từ các mục tiêu cụ thể trên, các câu hỏi nghiên cứu được đề ra như sau:

Một là thực trạng về dự trữ ngoại hối, đô la hóa và tình hình sử dụng các công cụ can thiệp trung hòa của NHNN như thế nào ?

Hai là tích lũy dự trữ ngoại hối có tác động trong ngắn hạn và dài hạn đến lạm phát tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế có đô la hóa hay không ?

Ba là mức độ hiệu quả của hoạt động can thiệp trung hòa của NHNN trong bối cảnh nền kinh tế đô la hóa như thế nào và đô la hóa, khủng hoảng tài chính toàn cầu có làm thay đổi mức độ can thiệp trung hòa của NHNN hay không ?

Bốn là can thiệp trung hòa của các nước trên thế giới như thế nào ?

1.4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu của luận án là ảnh hưởng của tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát và hoạt động can thiệp trung hòa của NHNN.

Phạm vi nghiên cứu của luận án giới hạn ở phạm vi về không gian và thời gian.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.

-Về không gian : Luận án nghiên cứu tác động tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát và hoạt động can thiệp trung hòa tại Việt Nam.

-Về thời gian : Luận án nghiên cứu tại Việt Nam giai đoạn từ quý I năm 2004 đến quý II năm 2017.

Ảnh hưởng tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát và hoạt động can thiệp trung hòa của ngân hàng nhà nước Việt Nam - 3

1.5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu của đề tài, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng và một số phương pháp khác. Từng câu hỏi cụ thể sẽ tương ứng với các phương pháp nghiên cứu dưới đây.

Với câu hỏi nghiên cứu thứ nhất, tác giả sử dụng phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp để đánh giá thực trạng dự trữ ngoại hối, đô la hóa và các công cụ can thiệp trung hòa sử dụng tại Việt Nam.

Với câu hỏi nghiên cứu thứ hai, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với mô hình được xây dựng trên cơ sở học thuyết tiền tệ cổ điển của Irving Fisher.


Bên cạnh đó, tác động của tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát cũng được xem xét trong điều kiện nền kinh tế có đô la hóa vì từ khi chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường đến nay, Việt Nam vẫn còn trong tình trạng đô la hóa. Mô hình Tự hồi quy phân phối trễ có đường bao (Autoregressive Distributed Lag Bound Test - ARDL Bounds Test) được sử dụng để đánh giá tác động trong ngắn hạn và dài hạn của tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát thông qua phương trình hiệu chỉnh sai số (Error Correction Model - ECM).

Với câu hỏi nghiên cứu thứ ba, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để tính hệ số can thiệp trung hòa và hệ số bù đắp. Các hệ số này được xác định trên cơ sở hệ phương trình đồng thời được xây dựng từ hàm tổn thất của NHTW, trong đó có xem xét đến yếu tố đô la hóa nền kinh tế. Uớc lượng Bình phương tối thiểu hai giai đoạn (Two Stage Least Square – 2SLS) được sử dụng để tính hệ số can thiệp trung hòa và hệ số bù đắp từ hệ phương trình đồng thời. Bên cạnh đó, tác giả lần lượt sử dụng các biến tương tác trong mô hình để xem xét xem đô la hóa và khủng hoảng có làm thay đổi mức độ can thiệp trung hòa của NHNN Việt Nam hay không.

Để trả lời cho câu hỏi thứ tư, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống (Case Studies) nhằm nêu lên thực trạng hoạt động can thiệp trung hòa một số nước tiêu biểu trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để NHNN Việt Nam thực hiện can thiệp trung hòa trong quá trình tích lũy dự trữ ngoại hối

Các bước nghiên cứu định lượng được tiến hành như sau:

Bước 1: Xác định vấn đề nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu

Bước 2 : Xây dựng tổng quan cơ sở lý thuyết từ việc khảo lược các nghiên cứu trước tại Việt Nam và trên thế giới và đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết.

Bước 3: Thu thập dữ liệu nghiên cứu.

Bước 4: Xây dựng phương pháp xử lý và mô hình nghiên cứu thực nghiệm.

Bước 5: Trình bày và thảo luận kết quả nghiên cứu.

Bước 6: Đưa ra kết luận và hàm ý chính sách.



Bước 3

Thu thập dữ liệu nghiên cứu

Quy trình nghiên cứu định lượng được tóm tắt theo hình 1.3 dưới đây:


Bước 1

Xác định vấn đề nghiên cứu

Bước 2

Xây dựng tổng quan cơ sở lý thuyết và đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết

Bước 4

Xây dựng phương pháp xử lý và mô hình thực nghiệm

Bước 5

Trình bày và thảo luận kết quả nghiên cứu

Bước 6

Kết luận và hàm ý chính sách


Ghi chú : Tiếp tục thực hiện. Thực hiện lại.

Hình 1.3 Quy trình nghiên cứu định lượng

Nguồn: Tác giả tổng hợp


1.6. NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA LUẬN ÁN 1.6.1.Những đóng góp về lý luận của luận án‌

Trước hết, luận án đã cung cấp một cơ sở lý thuyết toàn diện về cơ chế tác động tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát qua hai kênh : Kênh tiền tệ là kênh phổ biến nhất và kênh nhận SDRs từ IMF. Ngoài ra, luận án cũng đã hệ thống hóa những lý luận cơ bản về hoạt động can thiệp trung hòa của NHTW.

Kế đến, luận án nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam trong bối cảnh cụ thể là nền kinh tế có đô la hóa. Các nghiên cứu về tác động tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát đã có nhiều trên thế giới và cũng đã có tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên chỉ xem xét thuần túy chủ yếu mối quan hệ giữa tích lũy dự ngoại hối đến lạm phát mà không xét trong bối cảnh một nền kinh tế cụ thể, là nền kinh tế có đô la hóa. Luận án lần đầu tiên nghiên cứu ảnh hưởng tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế có đô la hóa. Tương tự như vậy, về hiệu quả hoạt động can thiệp trung hòa, đã có nhiều nghiên cứu về hiệu quả can thiệp trung hòa ở Việt Nam và trên thế giới, nhưng chưa có nghiên cứu nào đánh giá hiệu quả can thiệp trung hòa trên cơ sở xem xét đặc trưng nền kinh tế có đô la hóa. Việc nghiên cứu trong bối cảnh cụ thể nền kinh tế có đô la hóa làm sáng tỏ các lý luận khoa học về tác động tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát và hiệu quả can thiệp trung hòa của NHTW khi vận dụng vào một quốc gia với bối cảnh đặc trưng cụ thể.

Cuối cùng, luận án lần đầu tiên phân tích theo chiều sâu, xem xét yếu tố đô la hóa và khủng hoảng có làm thay đổi hiệu quả hoạt động can thiệp trung hòa của NHTW hay không. Các nghiên cứu trước chỉ dừng lại ở việc ước lượng hệ số can thiệp trung hòa và hệ số bù đắp. Luận án không chỉ ước lượng các hệ số này mà còn đánh giá các nguyên nhân có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả can thiệp trung hòa của NHTW, trong đó đô la hóa và khủng hoảng tài chính toàn cầu là các yếu tố chưa được nhắc tới trong các nghiên cứu trước. Như vậy, kết quả nghiên cứu của luận án bổ sung một cơ sở lý luận về nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả can thiệp trung hòa của NHTW.


1.6.2.Những đóng góp về thực tiễn của luận án

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thực nghiệm về tác động tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế có đô la hóa, kết hợp với nghiên cứu thực trạng dự trữ ngoại hối, đô la hóa và công cụ can thiệp trung hòa của NHNN, cộng với phân tích hoạt động can thiệp trung hòa ở một số nước trên thế giới, luận án đề xuất một số hàm ý chính sách nhằm trung hòa những tác động không mong muốn đến nền kinh tế khi NHNN tích lũy dự trữ ngoại hối. Qua đó, góp phần giảm thiểu rủi ro do hội nhập tài chính, giúp ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô. Kết quả đóng góp cụ thể của luận án được thể hiện rõ qua các kết quả nghiên cứu và hàm ý chính sách như sau:

Một là về thực trạng dự trữ ngoại hối, đô la hóa và công cụ can thiệp trung hòa tại Việt Nam. Lượng dự trữ ngoại hối của nước ta vẫn còn khá mỏng so với các tiêu chí an toàn của IFM, xu hướng tiếp tục tích lũy hơn nữa dự trữ ngoại hối ở Việt Nam trong thời gian tới là điều tất yếu. Tỷ lệ đô la hóa nền kinh tế đã có xu hướng giảm xuống trong giai đoạn nghiên cứu. Công cụ can thiệp trung hòa được sử dụng chủ yếu ở Việt Nam là nghiệp vụ thị trường mở. Các công cụ khác rất ít khi được sử dụng.

Hai là về tác động tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát. Khi đánh giá tác động tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát trong điều kiện nền kinh tế có đô la hóa, kết quả cho thấy tích lũy dự trữ ngoại hối có tác động ngắn hạn đến lạm phát. Xét trong dài hạn, tích lũy dự trữ ngoại hối có tác động cùng chiều đến lạm phát. Như vậy, quá trình tích tăng lũy dự trữ ngoại hối ở nước ta làm tăng lạm phát cả trong dài hạn và có ảnh hưởng trong ngắn hạn. Đây là một bằng chứng thực nghiệm thể hiện rõ hơn ảnh hưởng của tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát so với các nghiên cứu trước ở Việt Nam và trên thế giới.

Ba là về hiệu quả can thiệp trung hòa. Kết quả ước lượng hiệu quả can thiệp trung hòa tại Việt Nam trong điều kiện nền kinh tế có đô la hóa từ quý I năm 2004 đến quý II năm 2007 cho thấy hiệu quả can thiệp trung hòa thời gian vừa qua đã được cải thiện so với các giai đoạn trước đó, nhưng NHNN vẫn chưa đạt hiệu quả cao với hệ số can thiệp


trung hòa là 68% và hệ số bù đắp là 88%. Điều đó chứng tỏ NHNN đã không kiểm soát tốt dòng vốn vào bằng các công cụ chính sách tiền tệ. Kết quả ước lượng cuốn chiếu cho thấy mặc dù diễn biến phức tạp nhưng hệ số can thiệp trung hòa có xu hướng giảm, còn hệ số bù đắp có xu hướng tăng trong thời gian từ quý III năm 2016 trở lại đây. Điều đó cho thấy một dấu hiệu không tốt của hiệu quả hoạt động can thiệp trung hòa của NHNN, cảnh báo hoạt động tích lũy dự trữ ngoại hối của NHNN có thể gây ra lạm phát trong thời gian tới. Khủng hoảng tài chính thế giới đã ảnh hưởng đến hệ số bù đắp của NHNN

. Và do đó, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả can thiệp trung hòa của NHNN theo chiều hướng làm giảm hiệu quả . Về đô la hóa, mặc dù đô la hóa chưa ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động can thiệp trung hòa của NHNN nhưng đô la hóa lại tác động ngược chiều với tích lũy dự trữ ngoại hối.

Bốn là về bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Khi nghiên cứu tại một số quốc gia có nét tương đồng trong chế độ tỷ giá hối đoái với Việt Nam, luận án rút ra được một số bài học kinh nghiệm như sau: Ưu tiên sử dụng nghiệp vụ thị trường mở là công cụ chỉ yếu; giảm thiểu chi phí tài chính nhằm duy trì tính bền vững hoạt động can thiệp trung hòa và kiểm soát tốt dòng vốn từ nước ngoài chảy vào quốc gia.

Với kết quả nghiên cứu như trên, luận án đã đề xuất được năm hàm ý chính sách bao gồm : Tăng cường tích lũy dự trữ ngoại hối và tiếp tục chống đô la hóa nền kinh tế; Sử dụng linh hoạt, phát huy tối đa hiệu quả can thiệp trung hòa; Giảm chi phí nhằm nâng cao tính bền vững của hoạt động can thiệp trung hòa; Tăng cường dự báo, phân tích thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế, đề phòng xử lý khi khủng hoảng xảy ra và kiểm soát tốt dòng vốn vào và ra quốc gia trong quá trình hội nhập.

Như vậy, luận án đã chỉ ra được những vấn đề liên quan đến tác động tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát tại và hiệu quả hoạt động can thiệp trung hòa của NHNN trong bối cảnh nền kinh tế có đô la hóa, đề xuất ra giải pháp thích hợp để NHNN điều hành tiền tệ trong quá trình tích lũy dự trữ ngoại hối với đặc trưng cụ thể nền kinh tế quốc gia có đô la hóa.


1.7. KẾT CẤU LUẬN ÁN

Luận án gồm có 5 chương:

Chương 1: Tổng quan về luận án. Trong chương này tác giả trình bày những vấn đề chung về luận án

Chương 2: Cơ sở lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm. Nội dung chương này của luận án sẽ tìm hiểu những lý thuyết nền tảng về mối liên hệ giữa tích lũy dự trữ ngoại hối và lạm phát và hoạt động can thiệp trung hòa, cũng như những nghiên cứu lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm có liên quan để xác định khe hổng nghiên cứu.

Chương 3: Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu. Trong chương này, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, phương pháp tính toán và thu thập số liệu, phương pháp xử lý dữ liệu nghiên cứu.

Chương 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận. Nội dung chương này trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận liên quan.

Chương 5: Kết luận và hàm ý chính sách. Nội dung chương này trình bày kết luận vấn đề nghiên cứu và những đóng góp chính của đề tài, đề xuất hàm ý chính sách cho NHNN Việt Nam thực hiện can thiệp trung hòa khi tích lũy dự trữ ngoại hối.

Tóm tắt chương 1

Chương 1 đã trình bày tóm tắt những nội dung chính của vấn đề nghiên cứu, bao gồm : Mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, đóng góp và kết cấu đề tài nghiên cứu. Từ đó cho thấy một cái nhìn toàn diện về vấn đề nghiên cứu để tiếp cận các phần nghiên cứu ở các chương tiếp theo.


CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ BẰNG CHỨNG THỰC NGHIỆM VỀ TÁC ĐỘNG CỦA TÍCH LŨY DỰ TRỮ NGOẠI HỐI ĐẾN LẠM PHÁT VÀ HIỆU QUẢ CAN THIỆP TRUNG HÒA CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG


2.1.MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN

2.1.1. Lạm phát

2.1.1.1. Khái niệm lạm phát

Lạm phát là tỷ lệ tăng giá cả trong một khoản thời gian nhất định. Theo cách đo lường mở rộng, lạm phát là sự gia tăng tổng thể về giá hoặc chi phí sống của một đất nước. Theo cách tính toán hẹp hơn, sự tăng giá này có thể tính cho một số mặt hàng nhất định như thực phẩm hoặc dịch vụ. Cho dù trong bối cảnh nào, lạm phát thể hiện mức giá đắt hơn của tập hợp có liên quan và/hoặc hàng hóa trong một khoản thời gian nhất định, thường là một năm (Oner, 2010).

2.1.1.2. Các quan điểm về lạm phát

Lý thuyết số lượng tiền tệ

Theo Totonchi (2011), lý thuyết số lượng tiền tệ là học thuyết kinh tế tồn tại lâu đời nhất liên quan đến mức giá chung để thay đổi số lượng tiền trong lưu thông. Điều này có nghĩa là mức cung tiền quyết định mức độ lạm phát của một nền kinh tế. Các nhà kinh tế học cổ điển và một số nhà kinh tế học tân cổ điển đã xem xét phân tích lạm phát về lý thuyết này. Những người đóng góp cho lý thuyết này bao gồm David Hume (1711

- 1776), David Ricardo (1772-1823) và Irving Fisher (1876 - 1947). Fisher đã đưa ra phương trình trao đổi nổi tiếng giữa giá cả và sản lượng nền kinh tế.

Lý thuyết của học thuyết hiện đại về lạm phát

Có nhiều trường phái nghiên cứu và đưa ra các khái niệm khác nhau về lạm phát. Trường phái Keynes cho rằng việc tăng nhanh cung tiền tệ sẽ làm cho mức giá cả tăng


kéo dài với tỷ lệ cao, do vậy gây nên lạm phát (Mishkin & Eakins, 2006). Theo quan điểm này, một nhân tố nào khác ngoài tiền tệ không thể gây nên lạm phát cao được.

Ngược lại, Samuelson & Nordhaus (1976) lại cho rằng lạm phát biểu thị một sự tăng lên trong mức giá chung, tỷ lệ lạm phát là tỷ lệ thay đổi của mức giá chung. Trái với quan điểm của trường phái Keynes, quan điểm này cho rằng lạm phát có thể do nguyên nhân cầu kéo hoặc nguyên nhân chi phí đẩy, nghĩa là lạm phát có thể xảy ra ngoài nguyên nhân tiền tệ.

Vào những năm 70 của thế kỷ 20, Milton Friedman đã tuyên bố “ Lạm phát dù lúc nào và ở đâu cũng là một hiện tượng tiền tệ (Mishkin & Eakins, 2006). Như vậy, theo ông, một sự tăng giá cả tạm thời có thể do nhiều nguyên nhân nhưng không thể xảy ra lạm phát cao mà không có một tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ nhanh được.

Một khái niệm được nhiều nhà kinh tế chấp nhận như sau: Lạm phát là hiện tượng xảy ra khi mức giá chung trong nền kinh tế tăng kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Mức chung của giá hàng hóa tức là mức trung bình của giá cả các hàng hóa trong nền kinh tế nó thể hiện được xu thế biến động chung của mức giá cả, biểu thị sức mua của tiền tệ đối với các hàng hóa khác. Nhưng mức giá chung phải tăng một cách vững chắc và kéo dài trong một thời gian nhất định, thường là từ vài tháng trở lên mới có thể coi là đã xảy ra lạm phát (Lê Thị Tuyết Hoa & Nguyễn Thị Nhung, 2011).

2.1.1.3.Các phép đo lường lạm phát

Lạm phát có thể được đo lường qua các chị tiêu sau:

Chỉ số giá tiêu dùng xã hội ( Consumer Prices Index – CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đo lường mức giá mà hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đang thay đổi theo thời gian (Espejo, 2005). CPI đo lường mức giá bình quân của một nhóm hàng hóa và dịch vụ cần cho tiêu dùng của các hộ gia đình được lựa chọn của một giai đoạn như tỷ lệ phần trăm của mức giá giai đoạn trước được gọi là năm gốc. Người ta thường lựa chọn một rổ hàng tiêu dùng có chia thành các nhóm và xác định mức độ quan trọng của từng nhóm hàng trong tổng chỉ tiêu để làm cơ sở tính chỉ số bình quân.


Chỉ số CPI được tính bằng cách so sánh giá trị hiện tại và giá trị gốc của rổ hàng hóa, dịch vụ được chọn. Đây là chỉ số được sử dụng rộng rãi nhất trong đo lường lạm phát.

Chỉ số giảm phát tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product Deflator – GDP Deflator)

Theo Stiglitz & ctg (2009), chỉ số giảm phát GDP là thước đo mức giá tính theo tỷ lệ GDP danh nghĩa so với GDP thực, công thức tính như sau :

𝐶ℎỉ 𝑠ố 𝑔𝑖ả𝑚 𝑝ℎá𝑡 𝐺𝐷𝑃 = 𝐺𝐷𝑃 𝑑𝑎𝑛ℎ 𝑛𝑔ℎĩ𝑎 𝑥100 (2.1)

𝐺𝐷𝑃 𝑡ℎự𝑐 𝑡ế

GDP danh nghĩa sử dụng giá hiện hành để tính toán tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ trong khi GDP thực sử dụng giá cơ sở (hằng số) để tính toán tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ trong nền kinh tế. Tỷ lệ GDP danh nghĩa so với GDP thực tế do đó đo lường những thay đổi về mức giá trong năm đó.

 Chỉ số giá sản xuất ( Producer price Index – PPI )

Chỉ số giá sản xuất là tổng thể đo lường sự thay đổi giá mà các nhà sản xuất nhận được cho sản lượng của họ, được định giá theo giá cơ bản. Đây cũng là chỉ số về biến động giá phản ánh lạm phát. Chỉ số này đo lường sự thay đổi trung bình về giá cả của hàng hóa và dịch vụ từ kỳ này sang kỳ khác ( Manua, 2004).

2.1.1.4. Nguyên nhân gây ra lạm phát

Nghiên cứu về nguyên nhân gây ra lạm phát được đưa ra làm tăng một trong những tranh luận có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực kinh tế (Totonchi, 2011). Có nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát. Dưới đây là các nguyên nhân chính gây ra lạm phát :

Thứ nhất lạm phát là do cung tiền. Các đợt lạm phát cao và kéo dài là kết quả của chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Nếu nguồn tăng trưởng cung tiền quá lớn so với quy mô nền kinh tế, đơn vị giá trị tiền tệ giảm dần. Hay nói một cách khác, sức mua của nó giảm và làm cho giá tăng.

Thứ hai, áp lực về cung hoặc cầu của nền kinh tế cũng có thể gây ra lạm phát. Các cú sốc về cung làm gián đoạn sản xuất chẳng hạn như thiên tai, hoặc tăng chi phí sản xuất chẳng hạn như giá dầu cao, có thể làm giảm tổng cung và dẫn tới lạm phát chi phí


đẩy, trong đó áp lực tăng giá xuất phát từ sự gián đoạn cung cấp. Ngược lại, cú sốc về cầu , chẳng hạn như khi NHTW hạ thấp lãi suất hoặc chính phủ tăng chi tiêu, có thể tạm thời tăng nhu cầu tổng thể và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu nhu cầu này vượt quá khả năng sản xuất của nền kinh tế làm căng thẳng nguồn lực sẽ dẫn đến lạm phát cầu kéo.

Thứ ba, các kỳ vọng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra lạm phát. Nếu doanh nghiệp hoặc con người dự đoán giá cao hơn, họ sẽ kỳ vọng vào thỏa thuận tiền lương và điều chỉnh giá hợp đồng. Hành vi này một phần xác định lạm phát kỳ tới, một khi hợp đồng được thực hiện và tiền lương được tăng như thỏa thuận, kỳ vọng đã trở thành tự hoàn thành. Và khi kỳ vọng của mọi người dựa vào quá khứ gần, lạm phát sẽ theo các mô hình tương tự theo thời gian, dẫn đến lạm phát quán tính.

2.1.1.5. Ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế

Lạm phát gây ra ảnh hưởng cả tiêu cực và tích cực đối với nền kinh tế.

Nếu như thu nhập danh nghĩa của hộ gia đình ở hiện tại không tăng nhiều như giá cả tăng thì hộ gia đình sẽ ở trong tình trạng tồi tệ hơn, vì họ không mua được lượng hàng hóa bình thường như trước mà sẽ chỉ mua được ít hơn. Hay nói cách khác, sức mua của họ giảm hoặc lạm phát thực tế điều chỉnh thu nhập theo hướng giảm. Thu nhập thực tế là một sự đại diện cho tiêu chuẩn sống. Khi thu nhập thực tế tăng lên, thì mức sống tăng lên và ngược lại ( Owner, 2010) . Trong thực tế, giá cả thay đổi theo các hướng khác nhau. Chẳng hạn như giá cả hàng hóa tiêu dùng thay đổi thương xuyên, nhưng tiền lương phải mất nhiều thời gian để điều chỉnh. Trong một môi trường lạm phát, sự tăng giá không đồng đều chắc chắn sẽ giảm sức mua của một số người tiêu dùng và sự làm mòn này của thu nhập thực tế là chi phí lạm phát lớn nhất .

Ngoài ra, lạm phát cũng bóp méo sức mua theo thời gian đối với người nhận và người trả lãi suất cố định. Người đi vay trả lãi suất cố định sẽ hưởng lợi từ lạm phát bởi vì lãi suất thực sẽ giảm, ngược lại, người cho vay sẽ bị giảm thu nhập thực do lạm phát gây ra. Trong thực tế, nhiều quốc gia đã phải vật lộn với tình trạng lạm phát cao, khi mà


sức mua đồng tiền giảm, đồng tiền mất giá, giá cả leo thang, nền kinh tế rơi vào trạng thái khủng hoảng nghiêm trọng.

Mặc dù lạm phát cao gây tổn thương cho nền kinh tế, giảm phát hay tình trạng giá cả giảm cũng không phải là điều mong muốn. Khi giá giảm, nền kinh tế sẽ bị trì trệ, chậm tiến. Vì người tiêu dùng sẽ chậm trễ mua hàng đến mức có thể nếu họ dự đoán mức giá thấp hơn trong tương lai. Đối với nền kinh tế, điều này có nghĩa là ít hoạt động kinh tế hơn, ít thu nhập do người sản xuất tạo ra và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Ngược lại, khi giá tăng trong tầm kiểm soát, người ta sẽ có xu hướng tiêu dùng tốt hơn và cố gắng làm việc để tăng thu nhập thực tế cho phù hợp với mức tăng giá trong nền kinh tế. Nhờ đó, kích thích sản xuất và tiêu dùng phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế ( Owner, 2010) .

2.1.1.6. Các biện pháp kiềm chế và kiểm soát lạm phát của NHTW

Theo Owner (2012), để chống đỡ với lạm phát, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra lạm phát mà NHTW có giải pháp thích hợp.

Nếu lạm phát mà do cung tiền tăng, NHTW sẽ thực hiện các biện pháp liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt để giảm cung tiền trong nền kinh tế. Cung tiền có thể được giảm bằng cách giảm tiền cơ sở, hoặc giảm số nhân tiền tệ.

Khi nền kinh tế đang ở mức tăng trưởng nóng, các NHTW nếu đã cam kết ổn định giá cả, họ sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế tổng cầu. Biện pháp này thường đi kèm với động thái tăng lãi suất. Ngược lại, để giảm chi phí đầu vào do lạm phát chi phí đẩy xuất phát từ các cú sốc của tổng cung, NHTW sẽ thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng, giảm lãi suất cho vay.

Một số NHTW đã lựa chọn, với mức độ thành công khác nhau, áp đặt kỷ luật tiền tệ bằng cách cố định tỷ giá đồng tiền của họ theo một đồng tiền khác. Và do đó, chính sách tiền tệ của họ được liên kết với chính sách tiền tệ của quốc gia mà họ lựa chọn đồng tiền để yết tỷ giá theo.

Xem tất cả 184 trang.

Ngày đăng: 23/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí