Rủi Ro Trong Nước Và Chi Phí Tích Lũy Dự Trữ Ngoại Hối


Các NHTW đang ngày càng dựa vào khả năng của họ để tác động đến kỳ vọng lạm phát giống như một công cụ chống lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách tuyên bố ý định giữ hoạt động nền kinh tế thấp tạm thời để làm giảm lạm phát, hi vọng để ảnh hưởng đến kỳ vọng. Các NHTW càng có uy tín, ảnh hưởng tuyên bố của họ đến lạm phát càng lớn.

2.1.2. Tích lũy dự trữ ngoại hối

2.1.2.1. Khái niệm tích lũy dự trữ ngoại hối

Dự trữ ngoại hối

IMF đưa ra khái niệm dự trữ ngoại hối trong Cẩm nang cán cân thanh toán và vị thế đầu tư quốc tế như sau: “Dự trữ ngoại hối (International reserves ) của một quốc gia được định nghĩa là những tài sản nước ngoài đang sẳn có và được kiểm soát bởi cơ quan tiền tệ3 nhằm đáp ứng nhu cầu cân bằng cán cân thanh toán, can thiệp trên thị trường ngoại hối để tác động đến tỷ giá và cho các mục đích liên quan khác như duy trì niềm tin vào tiền tệ và nền kinh tế và làm cơ sở cho vay nợ nước ngoài.” (IMF, 2009). Như vậy, theo IMF, để đáp ứng là dự trữ ngoại hối thì tài sản đó phải thỏa mãn 3 điều kiện. Một là phải là tài sản có nước ngoài. Hai là tài sản đó phải đang sẳn có và được kiểm soát bởi cơ quan quản lý tiền tệ. Ba là tài sản đó được sử dụng cho mục đích điều hành tiền tệ của cơ quan quản lý tiền tệ.

Thành phần của dự trữ ngoại hối theo IMF gồm có: Vàng tiền tệ, quyền rút vốn đặc biệt (SDRs), vị thế dự trữ tại IMF, ngoại tệ và tiền gửi, chứng khoán, các công cụ tài chính phái sinh, các loại tài sản có khác (IMF, 2009). Vàng tiền tệ, quyền rút vốn đặc biệt và vị thế dự trữ tại IMF được gọi là dự trữ ngoại hối vì là những tài sản sở hữu bởi cơ quan tiền tệ của quốc gia và sẵn sàng được sử dụng vô điều kiện. Ngoại tệ, tiền gửi,


3 Theo IMF (2009), cơ quan tiền tệ bao gồm NHTW hoặc các tổ chức khác mà hoạt động thường quy cho NHTW như các tổ chức chính phủ khác hoặc NHTM sở hữu nhà nước.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.

chứng khoán và tài sản có khác trong nhiều trường hợp cũng ở trạng thái sẵn sàng sử dụng và do đó hội đủ điều kiện của dự trữ ngoại hối.

Tại Việt Nam không có khái niệm “dự trữ ngoại hối” mà có khái niệm “Dự trữ ngoại hối nhà nước” được thể hiện ở Luật Ngân hàng Nhà nước (2010) và Nghị định số 50/2014/NĐ-CP về “Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước”. Theo đó có khái niệm sau: “Dự trữ ngoại hối nhà nước là tài sản bằng ngoại hối được thể hiện trong Bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước” (Khoản 4 điều 6 Luật NHNN 2010). Trong đó, ngoại hối bao gồm: Ngoại tệ; Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ; Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ; Vàng thuộc Dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế (Khoản 2 điều 6 Luật NHNN 2010).

Ảnh hưởng tích lũy dự trữ ngoại hối đến lạm phát và hoạt động can thiệp trung hòa của ngân hàng nhà nước Việt Nam - 4

Bên cạnh đó, khái niệm khác chi tiết hơn được thể hiện trong Nghị định Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước : “Dự trữ ngoại hối nhà nước là tài sản bằng ngoại hối được thể hiện trong bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bao gồm: Dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức là phần tài sản bằng ngoại hối thuộc sở hữu Nhà nước được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý; Tiền gửi ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước gửi tại Ngân hàng Nhà nước; Các nguồn ngoại hối khác.” (Khoản 1 điều 3 Nghị định 50/2014/NĐ- CP).

Theo IMF, dự trữ ngoại hối trước hết phải thật sự tồn tại, những tài sản tiềm năng bị loại trừ. Và khái niệm cũng nêu rõ tài sản này phải được cơ quan tiền tệ “kiểm soát” và “sẳn sàng để sử dụng”. Như vậy, gắn với khái niệm dự trữ ngoại hối do IMF đưa ra thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam là dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức, còn các thành phần khác của dự trữ ngoại hối Nhà nước không phải là tài sản dự trữ quốc tế, chúng chỉ là khoản nợ của NHNN với các đơn vị thể chế khác. Bởi lẽ dự trữ ngoại hối Nhà nước


chính thức được quản lý và sử dụng bởi NHNN Việt Nam là cơ quan quản lý tiền tệ ở Việt Nam, khoản này được sử dụng để can thiệp trên thị trường ngoại hối trong nước và giao dịch trên thị trường quốc tế nhằm bình ổn tỷ giá và ổn định thị trường, hoặc để đáp ứng các nhu cầu ngoại hối đột xuất, cấp bách của Nhà nước. Dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức tương đương với chỉ tiêu Tài sản có nước ngoài ròng trên Bảng cân đối tiền tệ của NHNN Việt Nam.

Thành phần của dự trữ nhà nước ở Việt Nam bao gồm: Ngoại tệ tiền mặt, tiền gửi bằng ngoại tệ ở nước ngoài; Chứng khoán và các giấy tờ có giá khác bằng ngoại tệ do Chính phủ, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế phát hành;Quyền rút vốn đặc biệt, dự trữ tại Quỹ tiền tệ quốc tế;Vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý;Các loại ngoại hối khác của Nhà nước. (Điều 4 Nghị định 50/2014/NĐ-CP). Như vậy, nhìn chung, thành phần dự trữ ngoại hối tại Việt Nam và IMF là thống nhất.

Tích lũy dự trữ ngoại hối

Tích lũy dự trữ ngoại hối của một quốc gia là hoạt động làm tăng dần lên dự trữ ngoại hối của quốc gia đó qua một giai đoạn. Trong đó, dự trữ ngoại hối là những tài sản nước ngoài đang sẳn có và được kiểm soát bởi cơ quan tiền tệ (NHTW) của nước đó nhằm đáp ứng nhu cầu cân bằng cán cân thanh toán, can thiệp trên thị trường ngoại hối để tác động đến tỷ giá và cho các mục đích liên quan khác.

Dự trữ ngoại hối của một quốc gia có thể được tích lũy bằng hai cách. Một là thông qua hoạt động can thiệp mua trực tiếp ngoại hối của NHTW trên thị trường ngoại hối. Hai là nhận phân bổ trực tiếp SDRs từ IMF. Bởi lẽ SDRs là một thành phần của dự trữ ngoại hối, khi một quốc gia thành viên của IMF được nhận phân bổ SDRs, dự trữ ngoại hối của quốc gia đó sẽ tăng lên, nghĩa là được tích lũy thêm.

2.1.2.2. Vai trò của dự trữ ngoại hối

Dự trữ ngoại hối đóng một vai trò rất quan trọng trong mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Vai trò của dự trữ ngoại hối được thể hiện cụ thể dưới đây.


Dự trữ ngoại hối là một phương tiện được trang bị để các quốc gia tự bảo hiểm (self – insurance), ngăn chặn lây nhiễm khủng hoảng và làm trơn ảnh hưởng của các cú sốc bất lợi cũng như phòng ngừa khủng hoảng (Moghadam & ctg, 2010). Sự tích lũy dự trữ ngoại hối của các nước đang phát triển như là một hình thức tự bảo hiểm trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự bất ổn tài chính và sự thiếu vắng một hệ thống quản lý quốc tế khủng hoảng đầy đủ. Cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997 là một ví dụ điển hình về vấn đề này (Stiglitz, 2006). Các quốc gia Đông Á đã học được những bài học về sự bất ổn trong giai đoạn khủng hoảng và đã tăng cường dự trữ ngoại hối của họ.

Trong quản lý tỷ giá, dự trữ ngoại hối có vai trò khác nhau tùy theo cơ chế tỷ giá của mỗi quốc gia. Đối với các quốc gia theo chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn, NHTW không can thiệp vào tỷ giá thì dự trữ ngoại hối không giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đối với các quốc gia theo chế độ tỷ giá cố định hoặc tỷ giá thả nổi có kiểm soát, dự trữ ngoại hối đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát tỷ giá của NHTW. Tùy theo nhu cầu quản lý, NHTW sẽ can thiệp mua hoặc bán trên thị trường ngoại hối để tác động vào tỷ giá. Hơn nữa, nhiều quốc gia nhận thấy tích lũy dự trữ ngoại hối không chỉ là phương tiện hiệu quả để quản lý tỷ giá, mà còn là một công cụ để duy trì tỷ giá hối đoái thấp theo thứ tự thúc đẩy thương mại và cạnh tranh quốc tế. Tỷ giá hối đoái thấp thúc đẩy xuất khẩu, và một quốc gia có thể giữ tỷ giá thấp bằng cách bán đồng nội tệ và mua ngoại tệ. Động cơ tích lũy dự trữ ngoại hối như vậy được gọi là động cơ thương mại (Aizenman & Lee, 2005).

Theo Elhiraika & Ndikumana (2007), các quốc gia duy trì dự trữ ngoại hối để quản lý hiệu quả chi phí và giảm chi phí điều chỉnh liên quan đến biến động trong thanh toán quốc tế. Theo đó, nhu cầu tích lũy dự trữ ngoại hối gia tăng với thương mại toàn cầu. Cán cân vãng lai, độ mở thương mại hoặc xu hướng nhập khẩu là những yếu tố quan trọng quyết định xu hướng dự trữ. Bên cạnh đó, các quốc gia đều tuân thủ nguyên tắc chung trong việc duy trì mức dự trữ tối ưu, bao gồm duy trì trữ lượng tương đương với ba tháng nhập khẩu.


Dự trữ ngoại hối đầy đủ giúp tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, từ đó giúp tăng đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Dự trữ ngoại hối là một biểu trưng sức khỏe tài chính, giúp các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi xâm nhập thị trường quốc tế bằng cách tăng độ tin cậy của quốc gia và niềm tin của nhà đầu tư (Drummond &ctg, 2009; Hviding &ctg, 2004).

2.1.2.3. Rủi ro trong nước và chi phí tích lũy dự trữ ngoại hối

Mặc dù dự trữ ngoại hối có vai trò rất quan trọng như đã phân tích ở trên nhưng tích lũy dự trữ ngoại hối cũng ẩn chứa những rủi ro và chi phí cho việc thực hiện chính sách tiền tệ (ECB, 2006). Những rủi ro và chi phí này phát sinh tùy thuộc vào mức độ can thiệp trung hòa của NHTW.

Trước tiên là phát sinh mâu thuẫn giữa mục tiêu ổn định tỷ giá và giá cả của chính sách tiền tệ. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong bối cảnh dòng vốn vào ròng liên tục xuất hiện. Việc can thiệp vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn sự biến động tỷ giá có thể dẫn tới việc nới lỏng quá mức của những điều kiện tiền tệ trong nước, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của giá cả. Một lý do cơ bản là nếu NHTW không thực hiện can thiệp trung hòa toàn bộ những tác động trên thị trường tiền tệ, tiền cơ sở sẽ tăng và kết quả của việc gia tăng thanh khoản này là các ngân hàng thương mại sẽ tăng khả năng và sự sẵn sàng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Hơn nữa, việc can thiệp trung hòa liên tục để ngăn cản sự tăng giá của đồng nội tệ có thể làm gia tăng kỳ vọng tăng tỷ giá đối với nước ngoài và tiếp tục khuyến khích dòng vốn vào. Theo Takagi & Esaka (2001), hoạt động can thiệp trung hòa cũng làm cho lãi suất trong nước tăng lên, qua đó làm thu hút dòng vốn vào nhiều hơn. Trong điều kiện như vậy, NHTW càng phải tích lũy nhiều hơn nữa dự trữ ngoại hối để bù đắp áp lực lên tỷ giá hối đoái.

Thứ hai, tích lũy dự trữ ngoại hối cũng có thể gây ra rủi ro cho ngành tài chính và ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trung hạn của nền kinh tế (ECB, 2006). Tích lũy dự trữ ngoại hối cũng có thể làm xuất hiện sự mất cân bằng trong nước khi mà hoạt động can thiệp trung hòa không thực hiện đầy đủ và thanh khoản quá mức được tạo ra. Về


phía cung tín dụng, với nguồn thanh khoản dồi dào, các trung gian tài chính sẽ được khuyến khích cấp tín dụng dễ dàng hơn và nới lỏng những đánh giá của họ về mức độ tín nhiệm của người vay. Về phía cầu tín dụng, với điều kiện tín dụng nới lỏng có thể khuyến khích đầu tư trong nước quá mức. Trong bối cảnh này, sự mất cân bằng trong nước có thể xảy ra và hàm ý cho tăng trưởng trung hạn là khó thực hiện, đặc ra thách thức đáng kể cho nhà hoạch định chính sách tiền tệ.

Cuối cùng, các nước tích lũy dự trữ ngoại hối phải đối mặt với chi phí tài chính (Moghadam, 2010). Chi phí này rất khó để đo lường và thường được tính bằng chênh lệch giữa lợi tức nhận được do việc nắm giữ dự trữ ngoại hối với lợi tức phải trả cho các tài sản nợ trong nước được sử dụng cho hoạt động can thiệp trung hòa. Chi phí này có thể dẫn đến tổn thất cho các NHTW tích lũy dự trữ ngoại hối nếu xuất hiện mức chênh lệch lãi suất không thuận lợi giữa trong nước và nước ngoài.

Những rủi ro và chi phí trên có thể thay đổi đáng kể từ nước này sang nước khác và theo thời gian, trong mỗi quốc gia. Do đó, sự cân bằng của các ưu đãi và khuyến khích để tích lũy dự trữ ngoại hối cũng có thể thay đổi.Tại Trung Quốc, sự gia tăng liên quan đến tiền cơ sở đã được can thiệp trung hòa vào năm 2002. Tuy nhiên, hệ số can thiệp trung hòa năm 2003 và 2004 đã bị hạn chế hơn nhiều, một phần là do khó thực hiện. Kết quả một phần này là chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng từ -0.8% năm 2002 lên 3.9% năm 2004, cùng với dấu hiệu đầu tư quá mức và bong bóng bất động sản địa phương. Tại Hàn Quốc, năm 2004, lãi suất trả cho trái phiếu ổn định tiền tệ phát hành bởi NHTW Hàn Quốc để điều tiết cung tiền cao hơn lãi suất ở Mỹ hiện hành. Điều này đã làm tổn thất lợi nhuận của NHTW. Hơn nữa, mặc dù đã can thiệp đáng kể trên thị trường ngoại hối, nhưng Hàn Quốc vẫn không thể ngăn chặn sự tăng giá của đồng Won so với USD từ năm 2002. Và điều này đã dẫn đến một số căng thẳng giữa mục tiêu duy trì ổn định tỷ giá và lạm phát mục tiêu mà NHTW Hàn Quốc theo đuổi từ năm 1998. Tại Ấn Độ, năm 2004 , bộ tài chính đồng ý cho phép NHTW Ấn Độ được phát hành chứng khoán để thực hiện can thiệp trung hòa. So với việc phát hành tài sản nợ của chính NHTW Ấn Độ, biện


pháp này đã chứng minh thành công trong việc cho phép thực hiện can thiệp trung hòa mà không làm phân khúc thị trường trái phiếu có chủ quyền. Tuy nhiên, Ấn Độ đã trải qua một sự khác biệt rất bất lợi giữa lãi suất nước ngoài và trong nước, gây ra chi phí can thiệp trung hòa.

2.1.2.4. Nguyên tắc quản lý dự trữ ngoại hối

Quản lý dự trữ ngoại hối phải tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản theo thứ tự ưu tiên: An toàn, thanh khoản và sinh lời ( Nguyễn Văn Tiến, 2013).

Nguyên tắc an toàn

Trong quản lý dự trữ ngoại hối, nguyên tắc an toàn phải được đặc lên hàng đầu. Nguyên tắc an toàn phải được thực hiện theo hướng đầu tư dự trữ vào các tổ chức có hệ số tín nhiệm cao, mà không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, không theo chiều hướng biến động của thị trường ngoại hối trong ngắn hạn và không bảo toàn theo giá trị quy ra đồng nội tệ. Do được bảo đảm an toàn nên mức sinh lời từ đầu tư dự trữ ngoại hối của các NHTW là rất thấp.

Nguyên tắc thanh khoản

Dự trữ ngoại hối quốc gia phải thỏa mãn được các tiêu chí thanh khoản gồm : Một là luôn sẵn có số tiền cần thiết. Hai là tại địa điểm cần có. Ba là tại thời điểm cần có nhu cầu. Bốn là bằng đồng tiền cần có. Năm là với chi phí hợp lý.

Cần duy trì mức dự trữ tối ưu vừa đủ, đó là đáp ứng các nhu cầu thanh toán quốc tế, đủ để can thiệp khi có ồ ạt chạy ra nước ngoài và đảm bảo được sự ổn định tài chính.

Nguyên tắc sinh lời

Dự trữ ngoại hối là tài sản quốc gia, có giá trị lớn chủ yếu ở dạng ngoại tệ, nên ngoài nguyên tắc quản lý an toàn và thanh khoản, thì nguyên tắc sinh lời cũng được quan tâm thích đáng. Để đạt được nguyên tắc sinh lời, người ta thường quan tâm đến hai yếu tố cơ bản của ngoại tệ đó là : tỷ giá và lãi suất.

Đối với các quốc gia có mức dự trữ ngoại hối vượt mức, để nâng cao hiệu quả quản lý dự trữ ngoại hối theo hướng ưu tiên mục tiêu sinh lời, thì Chính phủ có thể tách


phần dự trữ ngoại hối vượt mức giao cho một công ty hoặc quỹ đầu tư nhà nước để đầu tư sinh lời một cách thuần túy.

2.1.2.5. Tiêu chí đánh giá quy mô dự trữ ngoại hối

Theo Debt (2000), các chỉ tiêu để đánh giá ngưỡng an toàn của dự trữ ngoại hối gồm có :

Tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nợ ngắn hạn (Ratio of Reserves to Short-Term External Debt)

Đây là chỉ số quan trọng nhất về mức độ dự trữ đầy đủ ở các nước có khả năng tiếp cận thị trường vốn lớn nhưng không chắc chắn. Một quốc gia có tỷ lệ này thấp thì dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công đầu cơ hoặc các cú sốc từ bên ngoài. Theo khuyến nghị của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ này tối thiểu phái trên 200%.

Tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với nhập khẩu (Ratio of Reserves to Imports)

Chỉ số này đo lường tổng dự trữ ngoại hối của một quốc gia so với giá trị nhập khẩu. Đây là một chỉ tiêu đo lường nhu cầu dự trữ ngoại hối hữu ích cho các quốc gia hạn chế tiếp cận thị trường vốn, và so sánh ở nhiều quốc gia khác nhau. Theo khuyến nghị của IMF, chỉ tiêu này tối thiểu là tương đương 2 đến 3 tháng nhập khẩu.

Tỷ lệ dự trữ ngoại hối so với cung tiền (Ratio of Reserves to Broad Money):

Chỉ tiêu này dùng để đo lường tác động tiềm ẩn của sự mất niềm tin vào đồng nội tệ, rất hữu ích nếu ngành ngân hàng yếu và xuất hiện rủi ro thất thoát vốn. Tỷ lệ này theo chuẩn quốc tế là từ 10% đến 20% ( Nguyễn Văn Tiến, 2013).

2.1.3. Đô la hóa

2.1.3.1. Khái niệm đô la hóa

Thuật ngữ “đô la hóa” có nhiều ý nghĩa khác nhau và được sử dụng bởi các học giả khác nhau để giải thích trong các nghiên cứu của họ ở các thời điểm khác nhau. Ortiz (1983) nghiên cứu về vấn đề đô la hóa ở Mexico cho rằng đô la hóa là việc sử dụng đồng đô la bên trong quốc gia. Theo Zoryan (2005), đô la hóa là việc sử dụng ngoại tệ bên trong nền kinh tế nội địa.


Trong 2 thập kỷ trước những năm 1990, đô la hóa nền kinh tế thực chất là việc công dân trong nước nắm giữ ngoại tệ hoặc tài sản tài chính có giá trị ngoại tệ giống như một phần trong danh mục đầu tư của họ (Reinhart & ctg, 2003). Sau khủng hoảng Châu Á cuối những năm 1990, khái niệm “đô la hóa” bắt đầu được sử dụng nhiều để chỉ những quốc gia không phát hành tiền tệ hoặc chọn ngoại tệ khác thay thế đồng tiền quốc gia của mình.

Đô la hóa cũng được định nghĩa theo dạng là đô la hóa chính thức (full dollarization hay de jure dollarization) hay đô la hóa một phần (partial dollarization hay de facto dollarization), đô la hóa tài chính (finacial dollarization), đô la hóa thực (real dollarization) và đô la hóa tài sản nợ ( liabilaty dollarization). Đô la hóa chính thức là việc đồng tiền của quốc gia khác được sử dụng hợp pháp trong nước. Đô la hóa một phần xảy ra khi nội tệ là đồng tiền giao dịch chính thức nhưng ngoại tệ cũng được sử dụng cho một số giao dịch có hoặc không có sự chấp thuận của pháp lý (Reinhart & ctg, 2003). Đô la hóa tài chính đề cập đến việc người dân trong nước nắm giữ tài sản tài chính và nợ phải trả dưới dạng ngoại tệ. Đô la hóa thực là việc lập chỉ số giá cả và tiền lương theo đồng đô la (Mengesha & Holmes ,2015). Đô la hóa tài sản nợ, nhấn mạnh việc vay ngoại tệ của khu vực tư và công cộng của những nền kinh tế mới nổi để chống lại những cú sốc từ bên ngoài.

Tóm lại, cho dù có nhiều khái niệm khác nhau, thuật ngữ “đô la hóa” đều thể hiện là việc sử dụng tiền tệ của nước khác trong nền kinh tế trong nước.

Chỉ có một số ít nền kinh tế có tình trạng đô la hóa chính thức trên thế giới bao gồm Ecuador, El Salvador, và Panama. Nhưng đô la hóa không chính thức thì phổ biến rộng rãi (Heysen, 2005). Tại Việt Nam, từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường đến nay nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng đô la hóa. Tuy nhiên, đô la hóa ở Việt Nam chỉ là đô la hóa không chính thức (Goujon, 2006). Vì vậy, luận án sẽ nghiên cứu về đô la hóa theo hướng đô la hóa không chính thức tại Việt Nam.


2.1.3.2. Các phương pháp đo lường mức độ đô la hóa

Đô la hóa có thể có nhiều hình thức khác nhau, bao gồm giao dịch, lưu trữ tài sản tài chính, nợ phải trả. Vì cơ quan quản lý tiền tệ không thể theo dõi toàn bộ ngoại tệ lưu thông trong nền kinh tế của họ, nên rất khó để có được một thước đo chính xác về các giao dịch bằng ngoại tệ.

Để đo lường mức độ đô la hóa nền kinh tế, các nhà nghiên cứu thường sử dụng chỉ tiêu căn bản để tính là tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ chia cho tổng phương tiện thanh toán (Sahay & Vegh, 1995; Baliđo & ctg, 1999; Reinhart & ctg, 2003; Mwase & Kumah, 2015;… ). Tỷ lệ này được gọi là tỷ lệ đô la hóa tiền gửi. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô la hóa nền kinh tế còn được tính bằng cách lấy tổng dư nợ tín dụng ngoại tệ chia cho tổng phương tiện thanh toán hoặc tổng dư nợ tín dụng (Bednařík, 2007; Gulde & ctg, 2004; Mecagni & ctg, 2015;…). Tỷ lệ này này được gọi là tỷ lệ đô la hóa tiền vay. Tại một số quốc gia có thể tính được tổng tiền mặt ngoại tệ do công chúng nắm giữ, tỷ lệ đô la hóa còn được tính bằng tỷ lệ tổng tiền mặt ngoại tệ được nắm giữ bởi công chúng trong nước chia cho tổng phương tiện thanh toán (Baliđo & ctg, 1999; Nguyễn Thị Hồng, 2012;…). Tỷ lệ này được gọi là tỷ lệ đô la hóa tiền mặt.

2.1.3.3. Nguyên nhân gây ra tình trạng đô la hóa nền kinh tế

Đô la hóa thường phản ánh lịch sử kinh tế vĩ mô bất ổn (Heysen, 2005). Mọi người thường thích nắm giữ tiền của họ để có sức mua ổn định. Đó là lý do tại sao người dân của các quốc gia có tiền sử lạm phát trong nước cao có thể ủng hộ một ngoại tệ có giá trị ổn định.

Các yếu tố thể chế đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định lý do tại sao một số quốc gia có lịch sử kinh tế vĩ mô bất ổn bị đô la hóa và các nước khác thì không. Một số quốc gia có thể tìm cách chứa sự sụt giảm về tiết kiệm có thể phát sinh từ lạm phát bằng cách cho phép sử dụng ngoại tệ. Một số quốc gia khác có thể cố gắng chống lại sự đô la hóa bằng cách thúc đẩy lập kế hoạch chỉ mục tài chính hoặc hướng đến việc kiểm soát vốn. Điều đó thể hiện, sự thiếu hụt một thị trường tài chính sâu rộng để hỗ trợ


thanh khoản từ các công cụ được lập chỉ mục và sự đơn giản, minh bạch và độ tin cậy của các công cụ đô la có thể thiên về hướng có lợi của những quốc gia đô la hóa một phần. Chính vì vậy mà đô la hóa xuất hiện tại các quốc gia này.

Đô la hóa thành công xuất hiện ở Bosnia-Herzegovina, Israel, Mexico, Phần Lan và Slovenia sau khi chính sách chống lạm phát đáng tin cậy đã được thực hiện. Ở một số quốc gia này, đô la hóa được hỗ trợ bởi việc điều khiển và thậm chí là bắt buộc phải chuyển đổi tài sản hoặc nợ phải trả bằng đô la vào trong nước. Tuy nhiên, đô la hóa đã tồn tại thậm chí tăng ở nhiều quốc gia sau khi đã ổn định đồng nội tệ.

2.1.3.4. Đô la hóa và thách thức đối với việc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ của NHTW

Đô la hóa gây ra những thách thức chủ yếu đối với việc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ của NHTW như sau:

Một là là việc thống kê tiền tệ sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là khi còn đô la hóa tiền mặt, việc đo lường tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế sẽ bị hạn chế ( Nguyễn Thị Hồng, 2012). Bởi vì NHTW chỉ có thể thống kê được lượng tiền mặt do NHTW chính nước đó phát hành, còn lượng tiền mặt ngoại tệ vào và ra quốc gia với nhiều nguồn khác nhau, khó tập trung dữ liệu. Và một khi việc tính tổng phương tiện thanh toán bị hạn chế, thì việc xác định lượng tiền cung ứng tăng thêm hàng năm cho phù hợp với tăng trưởng kinh tế và lạm phát gặp khó khăn.

Hai là trong một nền kinh tế đô la hóa một phần, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với thách thức về điều hành tỷ giá hối đoái (Quispe-Agnoli, 2002). Bởi vì nguồn cung tiền trong nền kinh tế sẽ bao gồm một phần ngoại tệ, điều này đặt ra các câu hỏi về một tỷ giá hối đoái thích hợp. Đô la hóa làm cho tỷ giá biến động nhiều hơn và cầu tiền trong nền kinh tế mất ổn định nhiều hơn (Havrylyshyn & Beddies, 2003).

Ba là trong điều kiện nền kinh tế còn bị đô la hóa, hiệu quả của các công cụ chính sách tiền tệ hạn chế và tác động rất phức tạp, làm cho việc thiết lập cơ chế chuyển tải chính sách tiền tệ khó khăn hơn. Đôi khi tác động của chính sách không đạt được mục


tiêu như mong muốn vì đô la hóa là môi trường dễ phát sinh những biến động và khó có thể đo lường tác động của chính sách (Nguyễn Thị Hồng, 2012). Chẳng hạn Quispe- Agnoli (2002) cho rằng đô la hóa làm suy yếu vị trí của NHTW với tư cách là người cho vay cuối cùng. Balino & ctg (1999) và Alvarez-Plata & Gracia-Herrero (2008) cũng đã lập luận rằng việc theo đuổi chính sách tiền tệ thống nhất và độc lập là một thách thức do kết quả của việc đô la hóa. Ize & Yeyati (2006) cũng chỉ ra rằng truyền dẫn chính sách tiền tệ qua kênh lãi suất ít hiệu quả hơn nếu có đô la hóa.

Nói tóm lại, đô la hóa cũng gây ra khó khăn, thách thức cho việc điều hành tiền tệ của NHTW. Để có thể chủ động điều hành, quản lý tiền tệ, NHTW các nước phải tiến hành chống đô la hóa nền kinh tế.

2.1.3.5. Các chính sách chống đô la hóa nền kinh tế

Một số nhà hoạch định chính sách trong các nền kinh tế có đô la hóa đang theo đuổi các chính sách bổ sung để giảm tính dễ bị tổn thương của hệ thống tài chính. Các chính sách thận trọng nhằm kiểm soát khả năng thanh toán của ngoại tệ được kết hợp với các biện pháp làm cho đồng nội tệ hấp dẫn hơn và giảm đô la hóa (Heysen, 2005).

Các chính sách nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản là phổ biến ở các nền kinh tế có đô la hóa cao, nhưng mức độ và bản chất của chúng khác nhau. Những tài sản ngoại tệ có tính lỏng cao như tiền mặt hoặc tiền gửi ở nước ngoài thường hoạt động như một tấm đệm. Điều này làm giảm khả năng cạn kiệt thanh khoản. Ở một số quốc gia, phần lớn tài sản thanh khoản này tương ứng với dự trữ quốc tế của NHTW. Ở một số quốc gia khác, các định chế tài chính cũng duy trì tài sản ngoại tệ có tính lỏng cao dưới dạng gửi ở nước ngoài do tự nguyện hoặc do kết quả của các yêu cầu an toàn dưới hình thức thanh khoản hoặc dự trữ bắt buộc theo quy định.

Chính sách kiểm soát rủi ro tiền tệ tín dụng trở nên phổ biến. Mục tiêu chính là khuyến khích người cho vay và người đi vay trong hệ thống tài chính nội bộ hóa các chi phí hoạt động trong môi trường đô la hóa. Một loạt các biện pháp có thể thực hiện. Các biện pháp này thay đổi từ cấm hoặc hạn chế cho vay ngoại tệ đến những người đi vay

Xem tất cả 184 trang.

Ngày đăng: 23/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí