Giọng Điệu Dân Dã Mộc Mạc, Pha Chút Hài Hước Nhẹ Nhàng


ngày ông được nhìn thấy đào Hồng đi ra đi vô, đào Hồng hát” [83, tr.95]; là hình ảnh Sáu Tâm hi sinh cả tính mạng mình cho người mình yêu: “Điệp lớn hơn Sáu Tâm tròn con giáp… Vậy mà yêu, yêu tréo cẳng ngỗng, cũng không biết để lòng thương lúc nào, ghê lắm cái lối thương thầm, thấy đầm đầm vậy chứ rứt không ra… Cho tới cái bữa về hát Vàm Lẽo, nửa đêm trải chiếu nằm ngủ dưới khán đài, sàn diễn đổ sập xuống, Sáu Tâm đẩy Điệp ra, chỉ anh là còn kẹp lại trong đống đổ nát” [84, tr.10]. Người kể chuyện còn ngợi ca, đề cao nhân phẩm của những con người lao động nghèo. Họ thiếu thốn tiền bạc, nhưng lại giàu nhân cách, trách nhiệm: Tư Nhớ (Đau gì như thể); ông Năm (Cải ơi!).

Ta còn bắt gặp giọng điệu trân trọng, ngợi ca của người kể chuyện khi nói về những người nghệ sĩ. Họ là những con người yêu nghề, say mê với nghề, dành cả cuộc đời mình sống trọn với kiếp cầm ca. Ở Cuối mùa nhan sắc tác giả cho ta thấy lòng yêu nghề tha thiết, mãnh liệt của những người đã “một thời vang bóng”, nay còn lại chút hơi tàn, họ cũng cố dành trọn cho nghề. Vì vậy, cả nhóm nghệ sĩ “cuối mùa” đã tập hợp lại cất một cái nhà, đặt tên là “Buổi chiều”, mỗi người một việc, người thì bán chè, người thì bán vé số… để kiếm từng đồng tiền mà sống qua ngày, và nhất là để được cất lên lời ca tiếng hát vào mỗi đêm cho thỏa lòng nhớ mong sân khấu. Mặc dù nơi họ hát chỉ là một khoảng sân rộng, khán giả chỉ là những người quẩn quanh ở xóm “sân khấu là cái hàng ba trông ra sân rộng, luống nào trồng bông sao nhái, bông mười giờ thì trồng, chỗ trống dành cho bà con ngồi. Dàn đờn gồm cây ghi ta thùng, cây nhị cũ mèm. Không micrô, nghệ sĩ ca bằng giọng của trời cho, nghiệp đãi. Đào Phỉ tám mươi chín tuổi, đứng không nổi, diễn vai gì cũng ngồi trên ghế, ngồi trên ghế mà lẫy roi sãy ngựa coi lạ hết biết” [83, tr.94]. Họ yêu nghề, say mê nghiệp hát đến mức bản thân mang trọng bệnh nhưng vẫn nhất mực muốn ra hát, đến khi ngã gục trên sân khấu mới thôi:


“Đào Hồng ốm sát chiếu nhưng vẫn đòi ra hát (…). Đào Hồng hát đến lịm tiếng đi. Bà ngồi trên sân khấu, gục đầu. Cái gánh nặng tâm tư này, không mang nỗi nữa rồi. Khi ông Chín dìu bà xuống giường, bà đã hôn mê. Người ta hát vở cuối cho bà, cho một người nghệ sĩ chân chính” [83, tr.101-103]. Cũng chính vì yêu nghề nên San trong Bởi yêu thương dù rất thích cải lương, rất muốn trở thành nghệ sĩ nhưng lại không dám đi hát. Cô không dám đi hát chỉ vì một lí do đơn giản - đơn giản nhưng vô cùng hệ trọng đối với cô, đối với những người yêu nghệ thuật cải lương chân chính, đó là vì trước đây San từng làm tiếp viên ở quán bia. Cô sợ khi hát, lỡ như mình nổi tiếng, người ta nhận ra mình trước đây từng làm tiếp viên ở quán bia thì làm hoen ố đi nền nghệ thuật cải lương nước nhà. “Hỏi về giấc mơ trở thành đào hát, nó cười đã bỏ lâu rồi. Đi hát lỡ nổi tiếng, thí dụ thôi nghen, người ta biết lúc trước tôi từng làm tiếp viên quán bia thì nhơ danh cả một giới nghệ sỹ, làm người ta mất cảm tình với cải lương, vậy khác nào hại cả nền sân khấu nước nhà” [84, tr.14]. Giọng điệu nghe dí dỏm như pha trò nhưng lại cực kỳ nghiêm túc thể hiện được lòng say mê cải lương vô hạn. San sẵn sàng hi sinh ước mơ của mình, chứ nhất quyết không làm nhơ danh nghệ sĩ. Hình tượng người nghệ sĩ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thật đáng được trân trọng, ngợi ca, tôn vinh. Họ là những con người sống trọn vẹn với nghề, dù phải trả giá bằng cả cuộc đời mà vẫn chấp nhận.

Cùng với giọng điệu xót xa, thương cảm trước những nỗi đau và bất hạnh của con người, giọng ngợi ca cũng là giọng điệu nổi bật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Nhà văn ngợi ca vẻ đẹp của những con người bình dị quanh ta, vẻ đẹp của họ được xây cất lên từ nhân cách, phẩm chất cao đẹp, từ tình yêu thương, đức hi sinh, từ sự ấm áp của tình nghĩa mà họ dành cho nhau. Đúng như lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư, những con người lam lũ, giản dị, bộc trực ấy chứa bên trong


cả một tâm hồn vừa nhân hậu vừa tinh tế qua cách đối nhân xử thế…” [60, tr.1]. Qua việc thể hiện giọng điệu ngợi ca trong các tác phẩm, ta thấy Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn có niềm tin sâu sắc vào bản chất tốt đẹp của con người. Đó chính là niềm tin thể hiện tinh thần lạc quan và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc của tác giả.

3.2.3. Giọng điệu dân dã mộc mạc, pha chút hài hước nhẹ nhàng

Những câu chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư là những câu chuyện của cuộc sống đời thường giản dị nơi thôn xóm: chuyện về gia đình, về ông bà, cha mẹ, anh em. Với tình yêu quê hương chị đã viết lên những trang văn đậm chất giọng dân dã mộc mạc. Văn của chị là văn của thôn quê bình dị, hồn hậu: “Cái lạ ở cô là tài khui mở những sinh hoạt thân thuộc trước mắt… Cô chỉ đưa ra một tấm gương rất trong, thật sáng, để chúng ta nhìn thấy những sinh hoạt tình tự rất thường. Qua đó, lạ thay, như một tiếng đàn cộng hưởng, ta khám phá cái phong phú của chính đời ta” [11, tr.4].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Giọng điệu dân dã mộc mạc trước hết được thể hiện trong những lời kể của người kể chuyện khi tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh cuộc sống sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Đó là hình ảnh dòng sông như một người bạn tâm tình, gần gũi, thân thương: “Đêm sáng trăng, ngồi trên nhà có thể thấy một dòng chảy líu ríu, sáng loáng. Ban đêm, con sông trước nhà tôi không ngủ, nó thức theo những chiếc tàu rầm rì chảy qua, theo tiếng mái chèo quẫy chách bụp rất đều” [83, tr.132]. Những dòng sông của cuộc đời lam lũ, những dòng sông thời gian thấm thía tình người, niềm đau và nỗi buồn. Những dòng sông cứ thênh thang chảy mãi từ ngôn ngữ mộc mạc, đơn sơ, dân dã của người kể chuyện. Cảnh sắc miền quê Nam Bộ tràn ngập trong tác phẩm cứ gần gũi tự nhiên như chính vùng đất ấy: “Những chiều phai, nhìn ra sông thấy lục bình trôi, lơ phơ mấy cái bông lục bình quá thì, cũng phai như chiều gió. Ngó ra sau nhà thấy một vạt đồng trũng sâu, ngoi lên mặt lúa những bông lúa thưa


Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - 13

thớt, xanh xao. Vườn cũ có vài cây vú sữa, mù u rụng trái đầy mặt đất, mấy bụi tre bụi trúc vút lên trời một chòm xanh ngắt…” [85, tr.84]. Giọng điệu dân dã mộc mạc xuất hiện với tần số cao trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, đôi khi lắng đọng trong những câu văn kể hòa trộn với tả: “Bây giờ, gió chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng Bất Tận. Ven các bờ ruộng, bông cỏ mực như những đường viền nhỏ liu riu làm dịu lại mảng rực vàng của lúa” [83, tr.213]. Câu văn có chất thơ, nó là khúc nhạc lòng của thiên nhiên Nam Bộ tự nhiên, dân dã nhưng cũng mang vẻ đẹp quyến rũ.

Nói về cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân Nam Bộ, người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đã chọn cho mình giọng điệu dân dã, mộc mạc tự nhiên chảy ra từ vốn sống, gắn bó với mảnh đất Nam Bộ cùng với niềm đồng cảm, sẻ chia: “Mút Cà Tha nằm hiu hắt (…). Từ mé rừng mắm chống lở đất phía bên nầy, đi hết vườn cây nầy gặp được một căn nhà thì lại tiếp đến vườn cây trái khác. Cuối cùng là bãi bồi, dây khoai lang bò xùm xòa phủ kín đất. Bóng người ẩn hiện dọn cỏ dước các gốc cây. Bên đường thấp thoáng nhiều nấm đất con con của những đứa trẻ kiệt sức vì bị đẹn mà chỉ được rơ miệng bằng cỏ mực; những đứa trẻ bệnh số xuất huyết chỉ chữa bằng cạo gió, uống nước mía, rễ tranh; những đứa trẻ mắc thương hàn bị thủng ruột vì tự do chạy ra vườn ăn ổi chua, ổi chát” [83, tr.18-19]. Giọng mộc mạc dân dã này xuất phát từ cảm hứng cảm thương của nhà văn về cuộc sống và số phận của những nhân vật nhỏ bé – những người nông dân quanh năm lấm lem bùn đất.

Giọng điệu dân dã mộc mạc được bộc lộ trong cách nói giản dị, dễ hiểu, không màu mè triết lí hay rao giảng về đạo đức cao sang. Trong lời kể về câu chuyện ba má Phi, chất dân quê trong giọng điệu được bộc lộ rất tự nhiên, nó như lời nói thường ngày: “Cũng như nhiều người ở Rạch Vàm Mắm này, ông ngờ rằng má Phi chắc không phải bị tên đồn trưởng ấy làm nhục, hắn lui tới ve vãn hoài, lâu ngày phải có tình ý với nhau, nếu không thì giữ cái thai ấy


làm gì, sinh ra thằng Phi làm gì. [88, tr.145]. Còn đây là suy nghĩ của một người con gái quê về việc làm của mình: “Nó sẵn sàng lau một căn nhà ba tầng với mười bảy cái cửa kiếng, bốn mươi hai bậc cầu thang chỉ với mười ngàn tiền công. Nó gánh chục đôi nước vòng vèo qua hai con hẻm có khi chỉ được đãi một bữa cơm canh. Nó nghĩ như vầy, thí dụ như mình cho người bằng ấy, người lại trả ta cũng bằng ấy thì huề rồi, thì làm sao cảm thấy duyên dẻ, nợ nần mà gắn bó với nhau” [88, tr.66]. Suy nghĩ của cô gái mới đơn giản, hiền hậu làm sao. Nhưng nó có ý nghĩa như một bài học ý nghĩa về cách sống chân thật và nhân hậu. Bản tính của người dân quê giản dị, mộc mạc, đơn sơ là vậy nhưng đằm sâu trong đó là tình người sâu nặng.

Giọng điệu dân dã mộc mạc trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư còn thể hiện ở sự xuất hiện của khẩu ngữ, tạo bối cảnh cho truyện mang hơi thở của mảnh đất Nam Bộ từ cảnh sắc thiên nhiên tới cuộc sống sinh hoạt và tạo cho nhà văn một phong cách trần thuật độc đáo. Vì điều này mà người ta gọi Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của miệt vườn Nam Bộ. Rất nhiều những câu chữ dùng khẩu ngữ như vừa được ghi lại trong một cuộc chuyện trò thoải mái giữ những người thân, bạn bè: “Ở xóm nầy, người biết tụi nó thương nhau đầu tiên là con Điềm, nhỏ bạn thân nhất của Huệ, người thứ nhì, thứ ba biết là chú thím Mười Ba. Chú Mười Ba bán quán cà phê cặp bờ kinh xáng. Quán chú buổi sáng toàn đàn ông, buổi trưa của mấy thím đàn bà ôm đứa con nẹo một bên vú nói chuyện làng trên xóm dưới. Buổi chiều, tụi con nít tụ lại quán chạy lòng vòng trong sân chơi (…). Chuyện Thi thế là thôi rồi, mấy thím buổi trưa ngồi quán chú Mười Ba cong miệng nói với nhau, nghe phong thanh Thi đi lại với con gái trưởng phòng giáo dục huyện, cô nọ mang thai, chuẩn bị cưới. Đâu nè, thầy Thi đâu có tệ như vậy. Ừ, nhưng nghe nói thầy Thi bị “gài” như trong Lan và Điệp. Tội nghiệp. Tội nghiệp ai? Thì Thi chớ ai, ở đời ngược ngạo vậy đó” [83, tr. 47].


Có khi giọng điệu này được tạo nên từ cách so sánh ví von rất giản dị, dân dã nhưng lại hết sức sinh động: “tuồng thì giễu nhau ong óng như gà kêu đẻ” (Một mối tình); “tủi cực trào lên như người ta nhận cái thùng vô lu nước đầy (…), mặt mũi đầu tóc Đậm lúc nào cũng nham nhám như hột me rang cát” (Giao thừa); “ốp trầu chắc nụi, hai đầu cong cong như mái đình làng (…), quyền lực đối với tôi càng giống cục mỡ rệu trong veo trong nồi thịt kho tàu ngày Tết” (Người năm cũ); “giọng chú ngày càng khan, nghe khen khét như nồi cơm quá lửa (…), có lúc giọng ca chú lật bật như hai hàm răng đánh vào nhau” (Đời như ý); “Chị ốm, mỏng như hột cốm dẹp” (Bởi yêu thương); “đêm giống như một bà cụ còm chống gậy chậm rãi đi qua” (Chuyện của Điệp)

Bên cạnh chất dân dã mộc mạc trong giọng điệu, người kể chuyện còn rất khéo léo đưa vào trong lời kể của mình những chi tiết hài hước hóm hỉnh khiến cho câu chuyện thêm độc đáo, lôi cuốn, những câu chuyện buồn thì bớt đi cảm giác xót xa. Đây là một chi tiết được kể rất dí dỏm đã tạo nên tiếng cười nhẹ nhàng cho người đọc: “Trưởng ấp tà tà dài theo xóm, thấy ai rảnh rỗi là kêu, đứng đó làm gì, sao hổng lại trạm xá cho bác sĩ người ta khám. Trời đất, bệnh gì mà khám chú Tư. Ông nói tỉnh bơ, khều khều bộ râu, “Có chứ sao không, hễ mầy nhậu xỉn là ói, để vậy không tốt, lại kiếm thằng Văn đi”. Mới đầu thì Văn không biết, nên thấy có bà cụ chống gậy lại bảo bác sĩ coi bệnh giùm, Văn hỏi bà bị gì, bà cười, tui suy nghĩ chưa ra. Thuốc hết, huyện chưa kịp gởi, Văn áy náy, tần ngần đưa mấy thứ B1, B6 cho con bệnh đau bao tử, uống xong, ông nầy phởn phơ đứng dậy, tươi rói bảo, trời đất ơi, thuốc chú mầy quá chừng hay. Văn đâm ra lạ. Cho tới bữa đám con nít khiêng một thằng bé ở truồng lại, nhao nhác nói chim của thằng Út Chót bị còng kẹp rồi, nó sưng chù vù nè chú bác sĩ ơi, Văn mắc cười quá, hỏi sao tới nông nỗi nầy, thằng Út Chót khọm rọm lấy tay bụm chỗ đau, phều phào nói trong nước mắt, “Tại bác Tư biểu ai cũng phải đi khám cho chú bác sĩ vui, chú không bỏ về thành phố. Con đâu có bịnh, tính bắp còng kẹp chơi…” [83, tr.20-21].


Có những chi tiết buồn nhưng được kể một cách dí dỏm, hóm hỉnh khiến cho câu chuyện bớt đi sự ngậm ngùi, xót xa: “Lương không giận, cái thân nhỏ mồ côi mồ cút, nghèo xác xơ mà bày đặt giận cuộc đời thì làm sao sống nổi. Suốt ngày anh hệch miệng ra cười, làm như vui, làm như không, khó nắm bắt. Lương khoái cặp mắt mất đoàn kết của mình lắm, người ta nhìn anh biết, chứ anh mà nhìn lại, người ta tưởng anh ngó đâu đâu” [88, tr.85]; “Ngày dì Út Thu Lý tròn bốn mươi bảy tuổi, dì từ giã thêm một lượt ba cái răng. Buồn quá trời đất, dì lại chùa Phấn, than với sư Huệ bây giờ không biết làm sao giáp mặt anh Tư Nhớ, răng cỏ trống hơ trống hốc vầy… Bà sư già nghe xong niệm Phật mà không nén được cười” [88, tr.40]; “Hai năm, ông già đã chỏng đầu cây xuống đất, tựa vào đó để bước đi, tên tuổi Thàn mờ mịt. Thàn bùi ngùi, người ta Quách Phú Thành nổi tiếng Hồng Kông, tui thiếu có chữ h, lẹt đẹt bên hông Chợ Lớn” [83, tr.8-9].

Kiểu câu với thành phần phụ chú cũng là cách người kể chuyện tạo tính hài hước cho câu chuyện, tạo nên giọng điệu dân dã mộc mạc hóm hỉnh: “Bảy năm trước, lúc ông Mười đem hết thảy bốn chín cái thư của Nguyễn Thọ gửi dì Thấm đem đốt hết, cũng không ai cản được. Mấy ông viết sử của tỉnh kêu trời, đồng đội đồng chí của Nguyễn Thọ cũng kêu trời, phải chi còn, đem in vô tập những bức thư tình hay nhất (mặc dù chưa ai được xem Nguyễn Thọ viết ra làm sao) (…). Về Mỹ Hưng với dì Thấm từ sau Giải phóng, ông chưa cãi cọ, mếch lòng ai, suốt ngày chăm chút cho mảng ruộng miếng vườn, cho bốn đứa con vừa riêng vừa chung nhưng đất quê vợ mãi mãi không yêu ông như một đứa con ruột thịt. Vì ông lấy người yêu duy nhất của Nguyễn Thọ làm vợ (đáng lẽ phải để dành), rồi sau đó không cho vợ đi dự những cuộc họp mặt, hội thảo về Nguyễn Thọ (làm vậy không phải là quay lưng với quá khứ sao?) và cũng vì cách ông dạy thằng Thảo (đáng lẽ con của Nguyễn Thọ phải được nâng niu chìu chuộng)” [83, tr.81-83].


Có thể nói với giọng điệu dân dã mộc mạc, pha chút hài hước nhẹ nhàng truyện của Nguyễn Ngọc Tư là hơi thở, tiếng nói, là tâm hồn của những người dân nơi miền đất Mũi. Chính lối kể chuyện hóm hỉnh hài hước nên dù trong hoàn cảnh nào thì những câu chuyện buồn trong truyện ngắn của chị không quá bi lụy, không làm cho người đọc thấy thương xót, day dứt cho thân phận con người mà nó luôn gieo trong lòng người đọc niềm tin vào con người, vào cuộc đời. Đó là giá trị nhân văn của tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư.

3.2.4. Giọng điệu giàu tính triết lí, chiêm nghiệm

Trong hệ thống giọng điệu đa dạng, phức hợp của truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư có thể nói giọng điệu triết lí, chiêm nghiệm là giọng kể chuyện chủ đạo, nó chi phối hầu hết các giọng điệu khác. Nói cách khác, tất cả các giọng điệu khác đều có xu hướng triết lí hóa. Mang chiều sâu của triết luận nhân bản về đời sống, nội dung của truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng vượt ra ngoài ý nghĩa đề tài, chất liệu.

Với Nguyễn Ngọc Tư, những vấn đề nhân sinh thế sự như mối quan hệ giữa con người với con người, sự lựa chọn cách sống, vấn đề lương tâm, đạo đức thường được luận bàn trao đổi. Giọng điệu triết lí, chiêm nghiệm của Nguyễn Ngọc Tư mang nét đặc sắc riêng, xuyên suốt những trang văn của chị là một triết luận đời sống hết sức nhất quán. Triết luận ấy lấy tình người làm mẫu số để nhà văn kể chuyện về con người và cuộc đời.

Nhu cầu được chia sẻ, bàn luận, được khám phá cái bề sâu, cái bản chất của cuộc sống đầy ngổn ngang, phức tạp này luôn luôn là một trong những nhu cầu quan trọng của người kể chuyện trong truyện Nguyễn Ngọc Tư. Người kể chuyện suy ngẫm về thế thái nhân tình và thể hiện quan điểm cách nhìn của mình dưới dạng những triết lí có tính khái quát cao. Trong Bởi yêu thương, giọng điệu triết lí được thể hiện thật sâu sắc mà cũng thật tự nhiên. Đó là những triết lí về đời người, về tình yêu: “cuộc đời người ta ngoài ăn với ngủ,

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 08/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí