Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái - 12


tác giả, tác giả với người đọc đã đem lại cho tiểu thuyết tính đa nghĩa, đa giọng.Tất cả những gì “đang biến chuyển và chưa định hình” đó đòi hỏi tiểu thuyết phải có một hình thức - kết cấu năng động, vượt ra khỏi mọi gò bó về giới hạn và khuôn mẫu. Không thể có một kiểu kết cấu chuẩn hay cố định nào cho mọi tiểu thuyết bởi mỗi kiểu kết cấu chỉ có ý nghĩa khi phục vụ cho việc biểu hiện một nội dung nhất định, từ đó thể hiện năng lực sáng tạo của nhà văn. Vì thế, Hồ Anh Thái đã thể hiện thành công những hình thức kết cấu phân mảnh, lắp ghép, bên cạnh đó là sự pha trộn các thể loại khác vào kết cấu tiểu thuyết: báo chí, âm nhạc, mỹ thuật, lịch sử, thơ ca, triết học, du ký, ký sự...Điều này nằm trong quỹ đạo chung của tiểu thuyết đương đại.

3.2. Yếu tố kì ảo trong ngôn ngữ

Là chất liệu tạo nên tác phẩm văn học, ngôn ngữ “là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn” [24, tr.215]. Ngôn ngữ không chỉ có giá trị tự thân, tồn tại độc lập mà nằm trong chỉnh thể nghệ thuật, bị chi phối bởi nội dung phản ánh cũng như những yếu tố khác bên ngoài văn học. Đến lượt mình, ngôn ngữ đã trở thành một biến số quan trọng để đo sự vận động, phát triển của một giai đoạn văn học nhất định. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Hồ Anh Thái cho rằng: “Người viết văn không phải là người vật vã lao động trên từng chữ, mà là sáng tạo chữ. Nếu không thì nhiều nghề khác cũng viết được ra chữ, đâu cần đến nghề văn” [76, tr. 226]. Với tinh thần lao động nghiêm túc trong nghề văn, Hồ Anh Thái đã không ngừng sáng tạo, đổi mới trên từng con chữ. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của ông in đậm dấu vết chuyển mình của một giai đoạn văn học đầy sôi động và mang những nét đặc trưng riêng do tác động của yếu tố kì ảo.

3.2.1. Ngôn ngữ đời thường

Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái trước hết rất gần gũi với đời sống hàng ngày, không bằng phẳng mà lổn nhổn một cách cố ý. Điều đó khiến cho


hiện thực trong các sáng tác của ông không phải là “cuộc sống ở trạng thái chưng cất giống như rượu cồn pha tinh dầu lúa nếp” [87, tr.360] mà bề bộn, ồn tạp như chính cuộc đời ngoài kia. Cùng với rất nhiều nhà văn đương đại khác, Hồ Anh Thái từ chối sự trong sáng, “sạch sẽ” của ngôn ngữ văn chương theo quan niệm truyền thống, nỗ lực tìm đến những cách thể hiện mới mẻ để chuyển tải thông tin đa chiều về cuộc sống và con người đương đại.

Đọc tiểu thuyết Hồ Anh Thái, người đọc được tiếp xúc với một hệ lời thông thường, bình dị, dân dã như chính cuộc sống hàng ngày, với những khẩu ngữ, tiếng lóng, tiếng nước ngoài phiên âm theo cách đọc của người bình dân, những kết hợp từ độc đáo...Nếu như ở Trong sương rồng hiện ra, lớp ngôn ngữ gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của con người những năm 1987, 1867, vẫn giản dị chưa có sự xô bồ hỗn tạp thì đến Mười lẻ một đêm, Cõi người rung chuông tận thế và đặc biệt là SBC là săn bắt chuột, ngôn ngữ đời thường đã trở nên phong phú, mang đậm phong cách khẩu ngữ của những con người đương đại. Xuất hiện trong Mười lẻ một đêm là ngôn ngữ đời thường, chứa đựng nhiều thông tin xã hội mang tính thời sự: ôkê, quá đơn giản, môbai, báibai haini, ní nuận ní sự, “Chuyện ấy ngày nay hơi bị dễ. Khách sạn nhà nghỉ mọc lên như nấm. Điều kiện cho thuê hơi bị dễ”, “đời nàng giai hơi bị sẵn”, bọn kiu kui choai choai, có chó mới hiểu, giá áo lên cao giá quần tụt xuống, điện thoại để chế độ rung, quần để chế độ treo, xin nhau tí tiết, trang bị tận răng, rợn tóc gáy, nhẩn nha tỉ mỉ dần dà, dạt vòm, chơi bời cho nát nước nát cái, dăm bữa nửa tháng, “thằng nọ hai phai mà vẫn tăm tia con kia”.Tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế viết về những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống đương đại, Hồ Anh Thái không ngại đưa vào lớp từ mang tính thông tục và bình dân như: Khốn kiếp, con khốn nạn, tay lái lụa, con đường xù xì bao tải, lũ thanh niên choai choai, đàn bà ăn sương, đi đứt, cáo già, ôn con, ông bô bà bô, hớn hở tí tởn...hay những tiếng lóng như áo


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

mưa, dụng cụ bảo vệ, tất, thềm lụa địa, khiến cho ngôn ngữ không trau chuốt trong “bầu không khí vô trùng” mà xù xì, gai góc, thô nhám...như chính cuộc sống nhiều góc khuất. Lớp ngôn ngữ đời sống được Hồ Anh Thái sử dụng nhuần nhuyễn, tự nhiên làm cho câu chuyện trở nên sống động, chân thực, gần gũi hơn với cái đương đại suồng sã. Đến SBC là săn bắt chuột ngôn ngữ đời sống đã xâm nhập với một tần suất cao..Nhiều câu khó quy về vị trí chuẩn, vượt ra khỏi quy tắc chuẩn mực về câu: “Trước đó, họ chưa có chàng nào để so sánh. Không so sánh được cho nên tưởng không ai có thể đem đến cho Nàng như cảm giác Chàng mới đem đến. Nhớ quay nhớ quắt. Nghiện cay nghiện quắt.Người ta gọi đấy là bùa mê thuốc lú” [86, tr.35]...Có nhiều thành ngữ, tục ngữ được sử dụng nguyên dạng, nhưng cũng có hiện tượng biến đổi thêm bớt thành tố:“Tại sao chỉ có bốn người bị mất trọng lượng vì nhòm mặt đại gia qua tấm kính quan tài. Chỉ có bốn.Bởi vì chính là bốn người trước đây hai ngày đã tụ tập trong bệnh viện chờ moi lấy mấy câu. Cùng hội cùng thuyền. Chung mưu chung kế chung quyền lợi” [86, tr.150] hay “Vùng quê ông vừa núi vừa biển. Đầu những năm 1980 rộ lên phong trào vượt biển đến vùng đất hứa.Phần nhiều gặp sóng to gió cả, tàu đắm làm mồi cho cá” [86, tr.126]. Đặc biệt, Hồ Anh Thái đã rất hay tạo ra một số kết cấu mới nhại theo lối mô phỏng kết cấu của thành ngữ, tục ngữ. Có thể liệt kê các kết hợp như: chia loan rẽ phượng, chia uyên rẽ thuý, chia sim rẽ dế; Chàng đã nuôi ong trong tay áo, nuôi cáo trong nhà, nuôi ma trong máy tính; Cưa đứt đục suốt, bước chân đi cấm kì trở lại... Một số lối nói vần vè, sáng chế nhại theo lời thơ, lời bài hát cũng được triệt để vận dụng. Đó là những câu thiên về giễu nhại, hài hước: “Cô chủ trương thân này ví xẻ làm trăm được, sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu. Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm.Ở vậy và chơi xuân kẻo hết xuân đi.Bướm lượn rồi bướm ối a nó bay” [86, tr.21].Một số tổ hợp từ hoạt động tự do nhưng được phối hợp theo một quy tắc nhất định để tạo ra từ


Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái - 12

mới: “Người đi viếng thì vô tư hồn nhiên gọi tắt là vô hồn”[86, tr.65], “Ngày đầu tiên mưa to nước ngập, dân Hà Nội vẫn còn vô tư hồn nhiên, gọi là vô hồn[86, tr.11], “Một ông chú thiếu sáng suốt, thậm chí dốt nát, lại vô tư duyên dáng, gọi tắt là vô duyên” [86, tr.158]. Ngôn ngữ đời sống trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái dù đôi lúc được ông lạm dụng thái quá, khiến người đọc cảm thấy trúc trắc, khó chịu, song không thể phủ nhận những nỗ lực cách tân của ông trong việc tìm ra thứ ngôn ngữ phù hợp với hiện thực phản ánh. Bằng thứ ngôn ngữ bụi bặm, chợ búa, đường phố đầu thế kỉ XXI, Hồ Anh Thái đã kéo độc giả về gần với mình hơn. Những câu, những chữ mà ông sử dụng gần gũi tối đa với cuộc sống đương đại, nhiều câu trong tiểu thuyết của ông đã trở thành câu “cửa miệng” đang “thịnh hành” của nhiều người.

Ở tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, một tác phẩm với đề tài tôn giáo, Hồ Anh Thái lại sử dụng khá nhiều biệt ngữ, sử dụng nguyên bản nhiều danh từ từ riêng: tên nhân vật: Budha, Savitri, Siddhatha, Rudrakhsha,Mukha, Saglarama...và các địa danh: Lumbini, Kosala, Magadha, Videha, Licchavi, Moriya, Koliya, Vama, Jetavana, Kapilavathu, Nepal, Vajji...tất cả đều không được phiên âm từ tiếng Phạn sang Việt ngữ. Nếu như Phạm Thị Hoài sử dụng nhiều tiếng nước ngoài để khiêu khích độc giả và tỏ sự bất tín sâu sắc với khả năng biểu đạt của tiếng Việt trong việc diễn đạt các tư duy trừu tượng, Phạm Thị Hoài giành nhiều nỗ lực làm mới ngôn từ, gia tăng cho nó sự năng động, sức ôm chứa thông tin, phẩm chất dân chủ thì với Hồ Anh Thái là một thái độ tôn trọng lịch sử, tác giả muốn giữ nguyên một Ấn Độ linh thiêng và huyền bí, đồng thời tạo dựng được không khí cổ xưa cho tác phẩm. Người đọc được thưởng thức lịch sử và văn hóa Ấn với kiến thức về đạo Bà La Môn, kinh Veda, kinh Upanishad, Ramayana, Mahbarata, Kama Sutra, đạo Hinhdu, kinh Vệ đà, đồng thời bổ sung tri thức về hệ thống thần linh: Ngọc Hoàng Indra, Thần Mặt trời Surya, Thần Mặt trăng Soma, Thần Tình yêu Kama, Thần Độc hại Mangal, Thần Sáng tạo Brahma, Thần Lửa Agni…Thêm nữa,


tác phẩm còn được bao trùm bởi bầu không khí tôn giáo đầy uy nghiêm với những câu thần chú: Om mani padme hum (Úm ma ni bát mê hồng), lời nguyện cầu: Om shanti, Om shanti, Omshanti (ôi bình yên, ôi bình yên, ôi bình yên), Svaha, savaha, svaha (kính mừng, kính mừng, kính mừng)…cùng những biệt ngữ tôn giáo như: Hành hương, thánh địa, phật tử, sám hối, hiền triết, giáo sĩ, ẩn sĩ, thần học, luân hồi, bất tử…tất cả đã làm cho chân dung Ấn Độ hiên lên một cách chân thực, gần gũi, cổ kính, trang nghiêm.

Sử dụng ngôn ngữ đời sống, các biệt ngữ vào tiểu thuyết, Hồ Anh Thái không phải là nhà văn duy nhất, bên cạnh ông có rất nhiều nhà văn đương đại khác như Phạm Thị Hoài, Thuận, Nguyễn Việt Hà…Thuận là một trong số những nhà tiểu thuyết đương đại từ chối sự thuần khiết của ngôn ngữ. Đọc văn của tác giả này, người đọc sẽ vô cùng ngạc nhiên với những tiếng lóng, khẩu ngữ, cách kết hợp từ độc đáo…được cập nhật từ cuộc sống đương đại của một nhà văn định cư ở Pháp lâu năm. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái đã tạo nên sự phá cách, mới lạ, “vượt chuẩn” những quan niệm về ngôn ngữ văn chương truyền thống.Ngôn ngữ của ông “thật như đời”, lôi cuốn người đọc cùng hòa vào câu chuyện, thấy mình như người trong cuộc, cùng chia sẻ những cảm nhận và suy nghĩ với tác giả. Điều này cho thấy ngôn ngữ tiểu thuyết Hồ Anh Thái nói riêng, ngôn ngữ tiểu thuyết các nhà văn đương đại nói chung đang hòa vào dòng chảy cuộc sống, đáp ứng mong muốn, nhu cầu của độc giả văn chương đương đại. Chính ngôn ngữ đời thường này, là một nền tảng làm bật lên chất thơ – thứ đặc trưng quan trọng trong ngôn ngữ văn chương Hồ Anh Thái như một sự cân bằng lại, từ đó, ranh giới giữa thực

- ảo trở nên mờ nhòe, mở rộng biên độ phản ánh và trường liên tưởng.

3.2.2. Ngôn ngữ giàu chất thơ

Với văn xuôi có yếu tố kì ảo, ngôn ngữ thể hiện rõ cảm quan thế giới bằng huyền thoại. “Cảm quan này được xem như là sự cảm nhận hồn nhiên, thứ “ngữ pháp ánh trăng” (theo cách nói của Mann, để đối lập với sự sáng rõ ban


ngày, dưới ánh mặt trời của tư duy duy lí nghiêm ngặt) đầy chất thơ huyền thoại. Sự kết hợp giữa thơ và văn xuôi khiến truyện mang dáng dấp thể tài biến văn của văn học trung đại. Nếu chất văn xuôi góp phần thể hiện chất liệu tự sự, là sợi dây kết nối văn học với thực tại, thì chất thơ nâng chất liệu này lên hình thức tinh luyện, mở rộng biên độ tưởng tượng ở độc giả” [101, tr.179]. Cường độ tưởng tượng trong ngôn ngữ truyện không làm nó xa rời hiện thực, ngược lại, càng góp phần thể hiện hiện thực chân xác hơn, bởi nói như Charles Simie: “Đôi khi chỉ có trí tưởng tượng hoang dại nhất mới có thể bắc được cây cầu qua hai bờ vực của từ và sự thật” [101, tr.179]. Làm mờ đường biên ranh giới thể loại, ngôn ngữ thơ ca đã du nhập vào thể loại tiểu thuyết đương đại, khiến cho thể loại này không chỉ lôi cuốn người đọc bởi những cốt truyện li kì, hấp dẫn, tình tiết đầy kịch tính mà còn mềm mại, uyển chuyển, dung dị như một bài thơ trữ tình. “Ngôn ngữ đầy chất thơ trở thành phương tiện hữu hiệu để khám phá cái hiện thực tâm linh “bất khả tri” và là chất men xúc tác cho những cảm xúc thăng hoa” [101, tr.182].

Trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, nguyên lý “lặp lại” của thơ ca đã tạo nên tính nhịp điệu cho tiểu thuyết. Đó là nhịp điệu trục lợi, xô bồ trong Mười lẻ một đêm, của những nỗ lực mưu cầu hạnh phúc trong Đức Phật nàng Savitri và tôi, những hoài vọng trên đường hành hương về quá khứ Trong sương hồng hiện ra, những biến chất, mất trọng lượng của những con người tha hóa trong SBC là săn bắt chuột và đặc biệt là trong Cõi người rung chuông tận thế với ám ảnh về tội ác và trừng phạt. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái đã nhận xét: “Có thể khẳng định rằng thi pháp thơ trữ tình đã chi phối tác giả này đến mức, dường như Cõi người rung chuông tận thế đã được cấu trúc theo cách cấu tứ của thơ trữ tình, với một ý tưởng cảnh báo về cái ác xuyên suốt như một tứ thơ chính: liệu con người ta có thể đẩy được cái ác ra khỏi cõi người không, khi cái ác bao giờ cũng mọc như cỏ dại trong vườn


nhân thế? Liệu có nên ai đó đang thời thiếu nữ xuân sắc cứ mãi phải đơn độc gánh vác sứ mệnh diệt trừ cái ác? Và phải chăng, nếu ai cũng ý thức được bản chất của cái ác, có khả năng nhận diện được cái ác trong cả những biến thể li ti nhỏ nhất của nó, để có những ứng xử thích hợp, thì cõi người sẽ tránh được ngày tận thế?” [82, tr. 286]. Chín chương của tiểu thuyết nhưchín khổ thơ trên nền một cốt truyện giản dị. Ở bốn chương đầu, ba cái chết, giọng điệu của những “khổ thơ” này không hề nhẹ nhàng, êm ái mà đậm chất “hình sự”. Từ cái chết liên tiếp, thảm khốc và đầy bí ẩn của ba thanh niên Cốc, Bóp, Phũ, Đông đã quyết định điều tra và lên đường báo thù. Nhưng chính hành trình lần theo dấu thủ phạm, Đông lại bắt đầu một khám phá khác, mở ra một hành trình sám hối, để thấy rõ hơn về những cảnh đời, những bi kịch nhân sinh trong cõi người. Cõi người rung chuông tận thế có sự dữ dội, gay cấn của một tiểu thuyết trinh thám, lại trữ tình như một bài thơ và bàng bạc triết lý “ác giả ác báo” của một câu chuyện cổ tích. Điều đó đã làm nên sức hút đặc biệt cho tác phẩm này. Đồng thời, trong tác phẩm cũng xuất hiện rất nhiều sự lặp lại của cấu trúc câu, từ vựng, tạo nên âm hưởng như nhịp điệu những câu thơ vắt dòng: “Đến bây giờ rừng dương mới thành nơi nhóm họp của từng cặp từng đôi. Đôi đứng, đứngrun giật cả cây dương.Cặp ngồi, ngồiđộng thấu cả ngọn dươnggiẫy giụa.Cặp nằm, nằmquằn quại cả gốc cây, khoảng cát.Phải ý tứ lắm mới không giẫm phải những hình thù ngổn ngang trên nền cát” [81, tr.20]. Sự lặp lại của từ vựng, cấu trúc câu đã tạo ra tính nhịp điệu cho câu văn. Các động từ và những tính từ tượng hình đã khiến câu văn giàu hình ảnh, phác họa khung cảnh nên thơ của trai gái nơi bãi biển. Chất thơ trong văn Hồ Anh Thái còn toát ra từ những câu văn giàu nhạc tính, với rất nhiều âm sắc, thể hiện sự thống thiết trước cõi người: “Tiếngchuông chùa rung. Một tiếng chuông lớn và những tiếng chuông con. Một bản hòa âm những tiếng chuôngxôn xao, phấp phỏng, vang động những lời cảnh báo. Tiếng chuông


đổ tràn từ trên đỉnh núi xuống, vung vãi khắp bờ cát xung quanh, rơi vỡ vụn khắp trên mặt đất như những mảnh thủy tinh. Không gian chật đầy những mảnh vỡ lanh canh, loang choang, loảng xoảng” [81, tr.237]. Tiếng chuông được hữu hình hóa bằng một loạt các từ láy tượng thanh, tượng hình, đã tạo ra sự chuyển đổi cảm giác cho các câu văn – một đặc trưng vốn quen thuộc với thơ ca. Tiếng chuông không chỉ cảm nhận được bằng thính giác (“lanh canh”, “loang choang”, “loảng xoảng”) mà còn cảm nhận được bằng thị giác (“vung vãi”, “vỡ vụn”) và được nhân hóa như một lời cảnh báo mang tâm trạng thống thiết, da diết của con người (“xôn xao”, “phấp phỏng”). Tất cả đã tạo nên âm điệu da diết, nhanh, mạnh như những câu thơ cao trào và đoạn điệp khúc của một bản nhạc.

Chất thơ trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái còn được thể hiện qua hiện tượng “lạ hóa” các motif (quả báo, lời nguyền, tội ác và trừng phạt, người chết đi sống lại,...) và hình tượng (ánh trăng, tiếng chuông báo ngày tận thế, nữ đồng trinh trong vai trò của thiên sứ cứu rỗi, con tàu tương lai ẩn hiện giữa màn sương huyền ảo, Đức Phật và người đẹp, phòng tiệc và những căn hộ cao cấp

- biểu trưng của lối sống hiện đại,...). Người và xe chạy dưới ánh trăng là tiểu thuyết tiêu biểu cho sự lặp motif. Toàn là nhân vật trung tâm của tác phẩm, mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ, vì thế anh luôn khao khát cháy bỏng tình yêu của người mẹ, luôn mong ước được bù đắp tuổi thơ đã mất, tìm lại thời gian đã qua. Motif kiểu nhân vật thiếu thôn tình thương của người mẹ được lặp lại ở nhân vật thằng cu Đức. Sống với bố, Đức luôn khao khát tình yêu của mẹ, vì thế mà khi con sáo biết nói tiếng mẹ chết đi, Đức đã lao xuống dòng nước lũ như hóa dại, Toàn đã nhảy xuống cứu Đức và vớt xác con áo: “Anh thấy sóng mũi mình cay cay, như muốn khóc theo. Ôi chú bé đi lạc, phải chăng Toàn đã tìm thấy em, đã ôm trọn em trong tay mình?” [75, tr.355]. Đồng cảm với nỗi

Xem tất cả 118 trang.

Ngày đăng: 28/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí