Đôi Nét Về Tiểu Sử Của Xuân Diệu

huyền bí, xa xôi, lơ lửng: “Fin đắm chìm trong công việc, trong lòng trẻ nhỏ thốt nổi dậy một thứ rung động thầm kín, cái cảm giác đẹp đẽ mà tôi không tìm thấy được nữa trên đường đời…Nhiều lúc Fin nghiêng đầu, lắng tai và không khí, tựa hồ như nghe ngóng một tiếng gì huyền bí, trong cái dáng điệu lơ đãng rất đáng yêu ”(Trong bóng rừng). Đây là đoạn tả cảm giác của tác giả trước cái đẹp của Fin, một bông hoa rừng thật đẹp nhưng xa lạ, một thứ hương thơm mà kẻ nhìn ngắm nó không thể cầm nắm được trong tay. Văn xuôi của Hồ Dzếnh đã thật sự mở rộng khả năng của truyện ngắn trữ tình. Phá bỏ cái khung chật hẹp của thể loại, đưa vào đó cái kích thích tối ưu của sự tự biểu hiện, ông đã tạo nên sự giao thoa, nối tiếp giữa truyện và thơ, không cần cốt truyện hấp dẫn, không cần nhân vật có tính cách độc đáo. Truyện ngắn Hồ Dzếnh thường bao trùm dung lượng của cả một đời người, của cả một kiếp người. Ông không kể và tả tỉ mỉ các biến cố bất hạnh đẩy nhân vật đến tình trạng trôi dạt, bi đát mà thường dùng bút pháp tự sự khái quát. Cái quan trọng chính là thái độ riêng tư, niềm thương cảm xót xa của ông trước những cảnh ngộ, biến cố ấy. Vì vậy dấu ấn của tình cảm, cảm xúc và trạng thái tinh thần của người trần thuật thường lấn lướt hơn, được tô đậm hơn so với biến cố và sự kiện bên ngoài. Cốt truyện trong Chị Yên được kiến tạo bởi sự liên kết các trạng thái tâm lý gồm sự ân hận vì hành vi bất công, thô bạo đối với Yên trong quá khứ; nỗi căm phẫn nghẹn ngào trước người cậu khốn nạn đã làm tan nát cả đời chị; lòng đau xót cho cái chết bi thảm của chị và của chồng chị. So với Thạch Lam, Hồ Dzếnh bộc lộ mình qua những dòng độc thoại rộng rãi, chủ quan và thống thiết hơn. Do vậy, truyện ngắn của ông giống như tuỳ bút thơ.

Thanh Châu, Ngọc Giao là những cây bút mà tên tuổi gắn liền với tờ

Tiểu thuyết thứ bảy trong suốt thời gian dài.

Thanh Châu tên thật là Ngô Hoan, sinh năm 1912, quê tại huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ngòi bút Thanh Châu trước năm 1945 nhẹ nhõm, trong trẻo, trong những truyện tình thoáng qua, chỉ còn lại như một kỉ niệm đẹp không phai mờ. Chất lãng mạn ở Thanh Châu không phải là thứ lãng mạn phóng đãng “vui vẻ, trẻ trung”, mà thường là những rung cảm nghệ sĩ trước cái đẹp,

cái thiện, ít nhiều mang màu sắc lí tưởng. Nhân vật trong truyện ngắn Thanh Châu thường xuất hiện nhiều giới công chức sang trọng, nghệ sĩ, dân trung lưu thị xã, thị trấn, dân nghèo cư ngụ ven thành phố. Cốt truyện của Thanh Châu đơn giản, tình huống nhẹ nhàng, tình tứ mơ màng buồn thương như Hoa ti gôn, Tà áo lụa,…Truyện của ông thường chứa đựng những yếu tố tinh thần: tâm trạng xót xa trước kiếp người bất hạnh; thái độ tán thành đức hy sinh, lòng thuỷ chung; sự trân trọng đối với những tình cảm trong sáng: “ Cả đêm, Bình mơ thấy một tà áo mỏng như sương bay trong ánh trăng thanh” (Tà áo lụa). Truyện của Thanh Châu có khả năng giúp con người hướng thiện, có khi làm thức dậy trong con người những cảm nhận nhẹ nhàng nhưng nhuốm ý vị triết lí hướng thượng: “Vô ích cả, vô ích cả. Lại bên bờ ta đây mà nghe ngóng một vài điều huyền bí về cõi đời này và cõi đời bên kia. Như thế còn hơn…” (Ở Tây Hồ, một chiều sang xuân). Thanh Châu chuyên đi vào những trạng thái tâm hồn nhân vật, ông đi tìm và thể hiện những vẻ đẹp tâm hồn, lắng nghe, rượt đuổi, cố nắm bắt và thể hiện cho bằng được những cung bậc tinh tế của tâm hồn. Các sự việc, tình tiết thuộc đời sống sinh hoạt hằng ngày của nhân vật chỉ còn là nguyên cớ để bộc lộ thế giới nội tâm. Lời văn của Thanh Châu rất đẹp, thanh lịch và sang trọng: “Trong thư, một dây hoa ti gôn nhỏ ép rơi ra. Những nụ hoa chúm chím hình như quả tim vỡ làm mấy mảnh, đỏ hồng như nhuộm máu đào” (Hoa ti gôn), “Ban đêm, đó mới là lúc các loài thảo mộc đua nhau sống. Một trận gió nhẹ thổi qua làm run rẩy và rời rụng những cánh hoa trên đám lá đen. Tôi chợt hiểu tại sao đến cây cỏ cũng sống vội vàng, mãnh liệt” (Vườn chanh).

Ngọc Giao

Ngọc Giao (1911-1997), cũng như Thanh Châu, được coi là nhà văn” chuyên về tình cảm” (lời Phùng Tất Đắc), thường đi vào những cảnh ngộ ngang trái, đượm buồn. Trước 1945, truyện ngắn của Ngọc Giao thường nghiêng về đề tài đời sống tình cảm, đó là thứ tình cảm bi thương sầu uất. Ngọc Giao đã tái hiện trong tác phẩm những cảnh đời ngang trái: thân phận thảm thương đặc biệt của những người làm nghề “ xướng ca” (Yên hoa, Đời

tư Lã Bố), những ông già bà già bất hạnh và con cái bất hiếu (Đời nó thế, Thời gian),…Giữa những vùng nhân thế tối tăm, Ngọc Giao nhận thấy không ít con người vẫn giữ được trái tim trong sáng, lòng nhân ái, đức hy sinh…Một số truyện ngắn của ông còn bày tỏ dấu ấn tình cảm gắn bó với quê hương đất nước, gắn bó với nơi “ chôn rau cắt rốn”, với phong tục tập quán cổ truyền, danh lam thắng cảnh, tinh thần thượng võ và nghĩa hiệp( Bến đò Rừng, Cô gái làng Sơn Hạ,…)

Đỗ Tốn

Đỗ Tốn (2920- ?). Quê gốc ở Hà Nội. Truyện ngắn của ông thường là những truyện không có truyện, trong đó tác giả sử dụng bút pháp gợi nhiều hơn tả, viết bằng cảm giác hơn là nghĩ. Tâm hồn nhạy cảm đã giúp nhà văn cảm nhận thật tinh tế những màu sắc, mùi vị của đồng quê cùng những biến đổi mơ hồ, khó nắm bắt trong thế giới nội tâm của con người. Tình quê hương, Duyên số, Hoa vông vang kể về những tình yêu trong sáng, ngập ngừng cùng những rung động mong manh đầu tiên trong đời của con người, một thứ tình yêu vừa khờ dại, vừa ngây thơ mà bất cứ ai cũng từng có. Tâm lí nhân vật trong Định mệnh được khắc hoạ khá tỉ mỉ và sâu sắc : biết là trái đạo nhưng Phong không thể trốn chạy tình yêu, chàng yêu chính em họ của mình, và Lan – em họ chàng - thoạt đầu chỉ nhận lời yêu anh vì thương hại, nhưng rồi cũng bị cuốn theo cơn lốc tình ái đó, đến khi nhận ra mối nguy hiểm đang chờ đợi ở phía trước, Lan đã chủ động rời xa Phong và đẩy anh chàng đến kết cục bi thảm. Với cái già dặn của một người đã sống nhiều, trải nhiều, ông đã viết về những cảnh đời, kiếp người mòn mỏi, tàn lụi đi theo thời gian (Chú tôi, Một kiếp người). Ông gửi gắm những chiêm nghiệm độc đáo về cuộc đời, tình yêu qua những chi tiết ngỡ như không có gì, như hình ảnh “cây na bên vại nước trước căn bếp mà khói đang nặng nề chui ra mái rạ” (Một kiếp sống), hay hình ảnh loài hoa vông vang “đương kín đáo cúp lại trong gió chiều êm đềm…để sớm mai trở ra” (Hoa vông vang).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Một nhà văn tiêu biểu không thể không nhắc đến của dòng truyện ngắn trữ tình này là Xuân Diệu - đồng thời cũng là đối tượng chính luận của luận văn – do đó chúng tôi không đề cập ở phần này.

1.2. Sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu

Xuân Diệu trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930 - 1945 - 4

1.2.1 Đôi nét về tiểu sử của Xuân Diệu

Nói đến Xuân Diệu (1916-1985), trước hết phải nói đến cuộc đời của ông. Xuân Diệu là bút danh, tên thật là Ngô Xuân Diệu. Cha ông là Ngô Xuân Thọ, vốn quê ở xã Trảo Nha, nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ tú tài kép Hán học, vào Bình Định dạy học, lấy vợ là Nguyễn Thị Hiệp, sinh ra Xuân Diệu tại Gò Bồi, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Xuân Diệu thuở nhỏ sống ở quê mẹ, đến năm mười tuổi sống với cha.

Xuân Diệu trải qua quá trình đào tạo quy củ. Thuở nhỏ học chữ Nho và chữ Quốc ngữ với cha. Năm 1927, ông học trường Cao đẳng tiểu học Quy Nhơn, được cấp học bổng và nội trú tại trường. Năm 1934, Xuân Diệu đỗ Thành chung tại trường Quy Nhơn sau đó học ở trường Bưởi (Hà Nội) (1936- 1937) và trường trung học Khải Định (Huế) vào năm 1938-1939.

Năm 1940, Xuân Diệu đỗ tham tá nha Thương chính, được bổ vào Sở Đoan Mỹ Tho và vào làm ở ti Thương chính Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Sau 4 năm làm công chức, ông thôi việc, ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn. Xuân Diệu là người thứ hai sau Tản Đà, một con người dám sống hết mình với nghiệp văn chương cao đẹp.

Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày Nay và Tiền Phong. Ông là một trong những người sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, “ông hoàng của thơ tình”.

Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938-1940) và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào Thơ Mới. Tác phẩm tiêu biểu

của ông ở giai đoạn này: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), tập truyện ngắn Phấn thông vàng (1939).

Hai tập Thơ thơ Gửi hương cho gió được giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề của tình yêu là ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống. Và ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu. Và Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn nỗi thời gian trôi chảy, sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh.

Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Xuân Diệu hăng hái hoạt động văn nghệ phục vụ hai cuộc kháng chiến. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc.

Năm 1948, Xuân Diệu được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam. Sau đó, ông là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III (1957-1985). Xuân Diệu đã tham gia Ban chấp hành và nhiều năm là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam. Từ đó, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng, một “dòng thơ công dân”. Bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình. Tiêu biểu là: Ngọn Quốc Kỳ (1945), Một Khối Hồng (1964), Thanh Ca (1982), Tuyển Tập Xuân Diệu (1983)…

Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996). Tên của ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội

1.2.2 Sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu

Xuân Diệu, đã để lại cho đời một sự nghiệp sáng tác thật lớn lao và rất có giá trị. Hơn năm mươi năm lao động miệt mài trong thế giới nghệ thuật ấy, con người và thơ văn của Xuân Diệu đã có sự chuyển biến rõ nét từ một nhà thơ lãng mạn thành nhà thơ cách mạng. Đó là bước chuyển tất yếu của một trí thức yêu nước, một tài năng nghệ sĩ. Thơ văn Xuân Diệu có đóng góp lớn vào quá trình phát triển của văn học Việt Nam. Có thể tìm hiểu sự nghiệp văn học của nhà thơ qua thơ và văn xuôi:

Về lĩnh vực thơ ca, chúng ta có thể tìm hiểu qua hai giai đoạn chính trước và sau Cách mạng Tháng Tám.

Trước Cách mạng Tháng Tám, Xuân Diệu là một nhà thơ lãng mạn. Các tác phẩm chính tập thơ Thơ thơ (1938) Gửi hương cho gió (1945). Nội dung của thơ Xuân Diệu trong thời kỳ này là:

Niềm say mê ngoại giới, khát khao giao cảm trực tiếp, cháy bỏng, mãnh liệt với cuộc đời ; Nỗi cô đơn rợn ngợp của cái Tôi bé nhỏ giữa dòng thời gian vô biên, giữa không gian vô tận; Nỗi ám ảnh về thời gian khiến nhà thơ nảy sinh một triết lý về nhân sinh: lẽ sống vội vàng; nỗi khát khao đến cháy bỏng được đắm mình trọn vẹn giữa cuộc đời đầy những hương sắc và thể hiện nỗi đau đớn, xót xa trước khát vọng bị lãng quên thật phũ phàng trước cuộc đời…

Sau cách mạng, thơ Xuân Diệu đã vươn tới chân trời nghệ thuật mới, nhà thơ đã đi từ "cái tôi bé nhỏ đến cái ta chung của mọi người" (P.Eluya). Xuân Diệu giờ đây đã trở thành một nhà thơ cách mạng say mê, hăng say hoạt động và ông đã có thơ ngay trong giai đoạn đầu. Xuân Diệu chào mừng cách mạng với Ngọn quốc kì (1945) Hội nghị non sông (1946) với tấm lòng tràn đầy hân hoan trước lẽ sống lớn, niềm vui lớn của cách mạng.

Cùng với sự đổi mới của đất nước, Xuân Diệu có nhiều biến chuyển trong tâm hồn và thơ ca. Ý thức của cái Tôi công dân, của một nghệ sĩ, một trí thức yêu nước trước thực tế cuộc sống, đất nước đã đem đến cho ông những

nguồn mạch mới trong cảm hứng sáng tác. Nhà thơ hăng say viết về Đảng, về Bác Hồ, về Tổ quốc Việt Nam, về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc và công cuộc thống nhất nước nhà. Các tác phẩm tiêu biểu: tập Riêng chung (1960), Hai đợt sóng (1967), tập Hồn tôi đôi cánh (1976).

Từ những năm sáu mươi trở đi, Xuân Diệu tiếp tục viết thơ tình. Thơ tình Xuân Diệu lúc này không vơi cạn mà lại có những nguồn mạch, cảm hứng mới. Trước cách mạng, tình yêu trong thơ ông hầu hết là những cuộc tình xa cách, cô đơn, chia ly, tan vỡ... nhưng sau cách mạng, tình yêu của hai con người ấy không còn là hai vũ trụ bé nhỏ nữa mà đã có sự hòa điệu cùng mọi người. Tình cảm lứa đôi đã hòa quyện cùng tình yêu Tổ quốc. Xuân Diệu đã nhắc nhiều đến tình cảm thủy chung gắn bó, hạnh phúc, sum vầy chứ không lẻ loi đơn côi nữa (Dấu nằm, Biển, Giọng nói, Đứng chờ em). Nhiều tập thơ được ông xuất bản trong thời gian này: Một khối hồng (1964), Tôi giàu đôi mắt (1970), Thanh ca (1982)…

Bên cạnh tố chất thơ ca bẩm sinh như thế, Xuân Diệu còn rất thành công trong lĩnh vực văn xuôi. Các tác phẩm chính Trường ca (1939) và Phấn thông vàng (1945). Các tác phẩm này Xuân Diệu viết theo bút pháp lãng mạn nhưng đôi khi ngòi bút lại hướng sang chủ nghĩa hiện thực (Cái hỏa lò, Tỏa nhị Kiều)….

Ngoài ra Xuân Diệu còn có đóng góp trong việc phê bình văn học, dịch thuật thơ nước ngoài. Các tác phẩm tiêu biểu Ký sự thăm nước Hung, Triều lên, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập thơ dịch Vây giữa tình yêu( dịch thơ của Blaga Đimitơrôva (1968) và Việt Nam hồn tôi (1974).... Một loạt các tiểu luận, bút kí, tráng ca có giá trị được ông xuất bản trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình gồm: Tập tiểu luận Thanh niên với quốc văn (1945). Đây cũng là tập tiểu luận đầu tiên đươc ông xuất bản. Từ đó, một loạt các tập tiểu luận, bút kí, khác đã được ông giới thiệu đến bạn đọc: tập bút kí Việt Nam nghìn dặm (1946), tiểu luận Ba thi hào dân tộc (1959), tiểu luận Phê bình và giới thiệu thơ (1960), tiểu luận Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm và tập kinh nghiệm sáng tác Trò chuyện với các bạn trẻ làm thơ (1961), tập tiểu luận Dao có mài

mới sắc (1963), tập tiểu luận Thi hào dân tộc Nguyễn Du (1966), Đi trên đường lớn (1968), Thơ Trần Tế Xương (1970), tập tiểu luận Đọc thơ Nguyễn Khuyến (1971 )Cây đời mãi mãi xanh tươi (1971), Mài sắt nên kim (1977), Lượng thông tin và những kĩ sư tâm hồn ấy (1978). Tập tiểu luận Thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, Công việc làm thơ (1984).

Dù ở phương diện nào, Xuân Diệu cũng có đóng góp rất to lớn với sự nghiệp văn học Việt Nam. Vũ Ngọc Phan từng nhận xét “Xuân Diệu là người đem nhiều cái mới nhất cho thơ ca hiện đại Việt Nam”. Sự đóng góp của Xuân Diệu diễn ra đều đặn và trọn vẹn trong các thể loại và các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Chính vì thế có thể nói rằng, Xuân Diệu xứng đáng là một nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn.

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 18/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí