Xuân Diệu trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930 - 1945 - 2

PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1

DÒNG TRUYỆN NGẮN TRỮ TÌNH VIỆT NAM 1930-1945 VÀ CON ĐƯỜNG SÁNG TÁC CỦA XUÂN DIỆU

1.1 Dòng truyện ngắn trữ tình Việt Nam 1930-1945

1.1.1 Quan niệm về truyện ngắn và truyện ngắn trữ tình

1.1.1.1 Quan niệm về truyện ngắn

Truyện ngắn vốn là một thể loại phổ biến của nền văn học hiện đại. Đã từ lâu, quan niệm về “truyện ngắn” đã được đề cập đến trong nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Như theo Ruby V. Redinger trong Bách khoa toàn thư Mỹ (Encyclopedya American) xác định: “Truyện ngắn là một hình thức văn học, bản chất của nó bao hàm trong những từ làm thành phần cấu tạo nên tên gọi của nó. Với tư cách là một câu chuyện, nó kể lại một chuỗi sự kiện hoặc một biến có liên quan đến con người trong hoạt động thể chất hoặc tinh thần. Vì thế, giống mọi hình thức văn xuôi hư cấu khác, nó mô tả bằng ngôn ngữ, và hành động của nó phụ thuộc vào sự tiếp xúc trực tiếp đạt được giữa người đọc và đối tượng miêu tả. Với tư cách là truyện ngắn, dĩ nhiên, nó không thể thực hiện mối tiếp xúc trực tiếp này bởi các phương tiện phổ biến đối với tiểu thuyết, như là xây dựng nhân vật chậm rãi, miêu tả thật chi tiết và lặp lại. Đặc biệt là nó phải miêu tả với độ nhanh nhạy và trọn vẹn giống như một tấm gương” [10,19].

Trong Từ điển thuật ngữ văn học của các tác giả Trần Đình Sử, Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi viết: “…truyện ngắn thường hướng tới việc khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống của tâm hồn con người…Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một thời gian, không hạn chế, chức năng của nó nói chung là nhận ra một điều gì đó sâu sắc về cuộc đời và tình người…Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết.” [24,37]

Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê (chủ biên) cho rằng: truyện ngắn là “ truyện bằng văn xuôi, có dung lượng nhỏ, số trang ít, miêu tả một khía cạnh tính cách, một mẩu trong cuộc đời của nhân vật” [54,1034] ; trữ tình là: “ có nội dung phản ánh hiện thực bằng cách biểu hiện những ý nghĩ, xúc cảm, tâm trạng riêng của con người, kể cả bản thân người nghệ sĩ, trước cuộc sống”. [54,1035]

Nói tóm lại, dù đề cập đến như thế nào nhưng nhìn chung đã có những điểm thống nhất trong khái niệm của các nhà nghiên cứu được đề cập đến trong những điểm như sau:

Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung truyện ngắn bao trùm gần hết các phương diện của cuộc sống con người và xã hội.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Nét độc đáo của nó là ngắn. Nên cốt truyện của truyện ngắn thường giới hạn về thời gian, không gian. Nó thường là yếu tố để nhân vật trong truyện nhận ra một điều gì đó sâu sắc về cuộc đời, về con người. Kết cấu của truyện ngắn thường không nhiều tuyến, nhiều tầng mà thường được xây dựng theo hai chiều; liên tưởng và tương phản.

Truyện ngắn thường có ít nhân vật và sự kiện phức tạp. Nhân vật truyện ngắn thường là hiện thân của một ý thức xã hội, một trạng thái tồn tại của con người hoặc một trạng thái quan hệ xã hội, ít khi tạo thành một thế giới hoàn chỉnh, một tính cách đầy đặn như trong tiểu thuyết, dù ít nhiều nó có mang những đặc tính của tư duy tiểu thuyết. Có lẽ vì thế mà truyện ngắn mang những đặc điểm thể tài riêng biệt, chỉ thực sự phát triển gắn với nền văn học hiện đại; gắn với sự xuất hiện và phát triển của báo chí.

Xuân Diệu trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930 - 1945 - 2

Yếu tố ngôn ngữ; lời kể và cách kể chuyện và chi tiết là một trong những yếu tố được đánh giá rất cao nhằm đem lại cho người viết truyện ngắn những điều mình mong muốn.

1.1.1.2.Quan niệm về truyện ngắn trữ tình

Truyện ngắn trữ tình không phải là một cái tên xa lạ đối với những nhà nghiên cứu văn học và đối với bạn đọc. Mặc dù chưa có khái niệm chính thức

về “truyện ngắn trữ tình” song nó đã được các tác giả đề cập đến với những tên gọi, định nghĩa khác nhau. Truyện ngắn trữ tình cũng là tên gọi quen thuộc trong nhiều bài viết, công trình nghiên cứu bàn về vấn đề này. Có thể kể đến là: Truyện ngắn một số vấn đề nghề nghiệp – Vương Trí Nhàn ( Sổ tay truyện ngắn, Nxb Tác phẩm mới, 1980), Về chất thơ trong truyện ngắn – Nguyễn Kiên ( 03/1996), Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại – Bùi Việt Thắng ( Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000), Luận án tiến sĩ Ba phong cách truyện ngắn trữ tình trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 : Thạch Lam – Thanh Tịnh – Hồ Dzếnh của Phạm Thị Thu Hương (1945), Luận án tiến sĩ Các loại hình cơ bản của truyện ngắn hiện đại (Trên cơ sở tư liệu truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945) của Nguyễn Văn Đấu (2001)…

Về thuật ngữ “trữ tình”, trong Từ điển thuật ngữ văn học viết: “Nếu tự sự thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả bằng con đường tái hiện lại một cách khách quan các hiện tượng đời sống, thì trữ tình lại phản ánh đời sống bằng cách bộc lộ trực tiếp thức của con người, nghĩa là con người tự thấy mình qua những ấn tượng, ý nghĩ, cảm xúc chủ quan của mình đối với thế giới và nhân sinh. Phương thức trữ tình cũng tái hiện các hiện tượng của đời sống, như trực tiếp miêu tả phong cảnh thiên nhiên hoặc thuật lại ít nhiều sự kiện tương đối liên tục…nhưng sự tái hiện này không mang mục đích tự thân, mà tạo điều kiện để chủ thể bộc lộ cảm xúc, chiêm nghiệm, suy tưởng của mình. Tác phẩm trữ tình thể hiện tâm trạng. Do đó nó thường không có cốt truyện, hiểu theo nghĩa chặt chẽ của từ này và dung lượng của nó thường ngắn (vì một trạng thái tâm trạng không thể kéo dài)…”[24,373]

Trong Từ điển Tiếng Việt viết về thuật ngữ “trữ tình”: “có nội dung phản ánh hiện thực bằng cách biểu hiện ý nghĩa, xúc cảm, tâm trạng riêng của con người, kể cả bản thân người nghệ sĩ, trước cuộc sống.”

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã đề cập đến trong bài viết của mình về loại hình truyện ngắn trữ tình khi ông phân chia truyện ngắn thành hai dạng “Nhìn vào thực tế: có truyện có cốt truyện thật đầy đủ, các khâu thắt nút, cao

trào, mở nút. Ngược lại, có truyện gần như thơ, rất khó tóm tắt được cốt truyện” [43,147]. “…Nhưng có một tiêu chuẩn nữa đáng chú ý hơn, tạo nên hai cực của truyện ngắn – như Antônốp mệnh danh. Một, đó là loại truyện kể về một trường hợp đặc biệt nào đó, và một loại kể về những sự kiện đơn giản, bình thường”, loại truyện thứ hai “xuất hiện muộn hơn, khi mà yêu cầu đặt ra đối với văn học không phải chỉ là việc miêu tả những cái kì dị, lạ lùng, mà cả những cái bình thường” [43,148]. Tác giả cũng khẳng định “một xu hướng của truyện ngắn hiện đại là đi vào tâm lý, dựng lên những “ca” tâm lý gây ấn tượng mạnh mẽ - lối viết này vẫn bị buộc tội là lảng tránh cốt truyện, tuy xét về một mặt nào đó, đây là một sự lảng tránh cần thiết, mà cũng là cách lảng tránh thông minh bậc nhất [43,149]. Như vậy, Vương Trí Nhàn đã nêu ra những nét khác biệt giữa truyện ngắn trữ tình và truyện ngắn truyền thống (truyện có cốt truyện nổi bật). Ông đã chỉ ra rằng truyện ngắn trữ tình là một xu hướng phát triển của truyện ngắn hiện đại: “Thêm nhiều truyện ngắn trữ tình, bên cạnh những truyện ngắn có cốt truyện sắc nhọn như đã quen biết” [43,154]. Đồng thời, ông nhấn mạnh đó là “loại truyện ngắn gần với thơ, chỉ cốt tạo ấn tượng, ngoài ra không quan tâm gì tới nhân vật, cốt truyện gì hết” [43,150].

Năm 1996, Nguyễn Kiên cũng có những lời bàn gián tiếp về truyện ngắn trữ tình trong bài Về chất thơ trong truyện ngắn. Sau khi khẳng định: “Sự thâm nhập của thơ vào truyện ngắn là một yếu tố tự nhiên, gây kích thích, thuộc quy luật vận động nội tại của nghệ thuật”, nhà văn đã nhắc đến loại truyện ngắn “Từ ý tưởng nghệ thuật đến giọng điệu, hơi văn…đều hòa hợp và cùng mang cái phẩm chất trữ tình gần với thơ” [33,297]. Tác giả bài viết nhận thấy “truyện ngắn hiện đại gần với thơ, vì trong sự phá cách của nó, nó sử dụng những thao tác nghề nghiệp gần gũi với cách tư duy nghệ thuật của thơ”[33,300].

Một công trình nghiên cứu tương đối công phu và quy mô truyện ngắn từ định nghĩa, nguồn gốc, đặc trưng thể loại, sự phát triển…đến các kiểu truyện ngắn đáng ghi nhận là cuốn Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại của Bùi Việt Thắng. Trong công trình nghiên cứu này, tác

giả sau khi chia truyện ngắn thành năm loại hình cơ bản đã đi vào một số nét khái quát của từng loại hình, chú ý là phần viết về truyện ngắn trữ tình mà tác giả gọi là “truyện ngắn tâm tình”, ông gọi và cho rằng: “Truyện ngắn tâm tình là truyện ngắn thiên về tính trữ tình, gần với thơ, trong truyện ta cảm nhận được tâm thức hoặc nhân cách nhân vật hơn là ý nghĩa của câu truyện” [65,136], hay “ Truyện – tâm tình còn được gọi là truyện ngắn gần với thơ vì trong đó có sự phối hợp giữa sự diễn tả cảm xúc trữ tình với kể chuyện” Truyện ngắn trong bản chất của nó là một thể loại tự sự - trữ tình cô đúc, ý ngoài chữ, tạo ấn tượng và liên tưởng [65,138]… “Trong kiểu truyện ngắn – tâm tình, sự cảm thụ thiên nhiên trong toàn bộ các giác quan là một đặc điểm trong cách miêu tả của nhà văn” [65,140].

Tác giả Bùi Việt Thắng cũng nêu lên những đặc điểm cơ bản của truyện ngắn tâm tình là tính tự sự giảm dần, tính trữ tình tăng lên “Tính phi cốt truyện: truyện ngắn trữ tình không kể lại được vì cốt truyện không tiêu biểu, nếu có thì đó lại là cốt truyện bên trong – tức cốt truyện tâm lý diễn tả những tâm trạng điển hình của nhân vật…Cấu trúc của truyện rất lỏng lẻo – sự lỏng lẻo cố ý để làm cho truyện co dãn linh hoạt phù hợp vớ việc thể hiện các sắc thái tâm lý, tình cảm của con người” [65,136-137].

Nhà văn Nguyễn Minh Châu lại lý giải về bản chất của loại truyện này: “Có những người viết truyện ngắn sau khi đã diễn tả cái diễn biến bên ngoài, hoặc tả hết sức tiết kiệm mà chỉ chuyên chú vào cái bên ngoài, vào cái mà nhân vật thu nhận được ở bên trong tâm hồn họ, bằng những câu đối thoại, bằng những phản ứng tâm lý rất tinh tế. Vì thế đã đẻ ra một loại truyện ngắn mà ta thường gọi là truyện không có cốt truyện. Chẳng qua chỉ là một thủ đoạn văn học cốt để nhân vật và phần nội tâm của nhân vật trực tiếp tiếp xúc với người đọc” [65,138].

Ngoài những bài viết, những công trình nghiên cứu vừa nêu còn có những luận án, luận văn, khóa luận đề cập tới truyện ngắn trữ tình. Đầu tiên phải kể đến luận án của tiến sĩ Phạm Thị Thu Hương: Ba phong cách truyện ngắn trữ tình trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 (Thạch Lam –

Thanh Tịnh – Hồ Dzếnh). Tuy mục tiêu của luận án tập trung vào nghiên cứu phong cách sáng tác của ba nhà văn nhưng trong quá trình tiến hành đề tài, tác giả đã nêu lên được những ý kiến có giá trị về loại hình truyện ngắn trữ tình: “Trong tác phẩm trữ tình, yếu tố chủ quan của nhà văn bao giờ cũng rất đậm nét, và nó được thể hiện ở tất cả các phương diện nghệ thuật: Dù tả cảnh, tả ngoại hình nhân vật hay tả nội tâm nhân vật…Truyện ngắn trữ tình thường không có cốt truyện. Nó có kết cấu gần với câu thơ trữ tình. Truyện ngắn trữ tình thường đi sâu miêu tả một cách tinh tế những phản ứng của tâm thức đối với “kinh nghiệm sống” (chữ dùng của Nguyễn Tuân). Ý nghĩa của truyện thường gắn với không khí, tâm trạng…bàng bạc trong tác phẩm” [27,7]. Theo tác giả luận án, “Truyện ngắn trữ tình đã đưa vào văn xuôi nghệ thuật Việt Nam một chất thơ man mác, bàng bạc rất riêng. Truyện ngắn trữ tình mang lại cho người đọc một cảm giác nhẹ nhàng, sâu lắng, sau những trang viết tràn trề hiện thực của các nhà văn hiện thực”.

Năm 2001, với luận án “Các loại hình cơ bản của truyện ngắn hiện đại (Trên cơ sở cứ liệu truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945)” tiến sĩ Nguyễn Văn Đấu đã chứng minh được có ba loại hình truyện ngắn hiện đại cơ bản là: “Truyện ngắn – kịch hóa, truyện ngắn – trữ tình hóa, truyện ngắn – tiểu thuyết hóa”. Trong chương viết về truyện ngắn – trữ tình hóa, người viết đã phát hiện nhiều điểm độc đáo trong tổ chức cốt truyện, xây dựng nhân vật, tổ chức trần thuật của loại hình truyện ngắn này. Theo luận án “Truyện ngắn – trữ tình hóa về cơ bản không phải là truyện về quan hệ xã hội, truyện về cuộc đời cùng với những sự thay đổi khôn lường của nó. Nó là truyện về thế giới đời sống đã được nội cảm hóa đậm nét, là truyện tâm hồn, tình cảm, truyện về sự giác ngộ, thức tỉnh niềm vui, nỗi buồn của con người trước cuộc sống…Chức năng chủ yếu của cốt truyện là thể hiện trạng thái tâm tưởng của con người trước đời sống” [17,107]. Sự kiện nội tâm là chất liệu cơ bản của truyện: “Ở truyện ngắn – trữ tình hóa, sự kiện hành động thường chỉ giống như cái mắc áo để sự kiện nội tâm như chiếc áo trùm lên” [17,113]. Xét về cấu trúc – chức năng, nhân vật văn học có bốn loại nhưng “loại nhân vật tiêu

biểu của truyện ngắn – trữ tình hóa thường là nhân vật loại hình và nhân vật tư tưởng. Qua nhân vật, các cây bút trữ tình chủ yếu không nhằm khái quát tính cách, khái quát bản chất xã hội – lịch sử của con người mà nhằm bộc lộ một tư tưởng có ý nghĩa nhân sinh sâu rộng” [17,121]. “Chi tiết nội tâm là chất liệu chủ yếu trong xây dựng nhân vật” [17,126]. Trần thuật trong truyện ngắn – trữ tình hóa có “Chức năng cơ bản là chức năng gợi cảm” [17,135]. Như vậy, có thể coi đây là công trình đầu tiên có nhiều đề xuất mới mẻ, có những nhận định về đặc trưng loại hình truyện ngắn trữ tình khá sâu sắc.

Khi tìm hiểu đặc trưng truyện ngắn trữ tình, Nguyễn Thị Duyên cho rằng đối tượng của truyện ngắn trữ tình là “thiên nhiên gợi cảm xúc, cảm giác nhẹ nhàng” [16,10] và “con người với cảm xúc, tâm tư biến chuyển nhẹ nhàng” [16,15]. Trong truyện ngắn trữ tình, “cốt truyện không có nhiệm vụ tạo kịch tính, gây căng thẳng. Cốt truyện trong truyện ngắn trữ tình không tái hiện các xung đột xã hội, mà hướng tới tạo ra các tình huống khơi gợi trạng thái tâm tưởng, cảm xúc, suy tư của con người. Hướng tới nhiệm vụ như vậy nên truyện ngắn trữ tình thường tạo nên những cốt truyện giảm nhẹ kịch tính, những truyện dường như “không có chuyện” và sử dụng cốt truyện tâm lý”. Theo tác giả, truyện ngắn trữ tình có ba kiểu kết cấu thường gặp là: kết cấu hồi tưởng, kết cấu cảnh tình tương ứng, kết cấu lắp ghép. Về trần thuật, “Truyện ngắn trữ tình khá tiêu biểu cho loại truyện để đọc – tức là chỉ thấy thú vị khi đọc, còn khi kể thì sự hấp dẫn của nó không còn nữa” [17,36], điểm nhìn trần thuật mang đậm dấu ấn chủ quan, nhịp điệu trần thuật khoan thai, giọng điệu trần thuật sâu lắng thiết tha và biểu cảm…

Như vậy, qua các công trình nghiên cứu, ta đã có thể xác định đặc trưng của truyện ngắn trữ tình và bước đầu khẳng định được vị trí và vai trò quan trọng của loại hình truyện ngắn này trong lịch sử phát triển truyện ngắn nói riêng và các thể tài văn học nói chung.

Song, qua các công trình nghiên cứu, chúng tôi cũng nhận thấy:

Thứ nhất, không phải mọi truyện ngắn trữ tình đều có chất thơ và cũng không phải chỉ riêng truyện ngắn trữ tình mới có chất thơ. Thực tế, nhiều

truyện ngắn – kịch hóa, truyện ngắn – tiểu thuyết hóa thấm đẫm chất thơ (Chẳng hạn, truyện ngắn của Nam Cao). Trong khi đó, một số truyện ngắn trữ tình hiện thực lại không hề có chất thơ. Ví như truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp tạo nhiều sức gợi, có trữ tình nhưng không có chất thơ. Kết luận chất thơ chỉ phù hợp với truyện ngắn trữ tình lãng mạn.

Thứ hai, vấn đề có cốt truyện hay không có cốt truyện (hiểu theo quan niệm truyền thống) phụ thuộc vào phong cách sáng tác của nhà văn. Chẳng hạn, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao thích tạo dựng những cốt truyện sắc nhọn còn Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu lại không lựa chọn kiểu cốt truyện đó. Nhưng đặc điểm cấu trúc của truyện ngắn trữ tình không nằm ở các thành phần mà nó có, không hề phụ thuộc vào việc nó có cái này mà thiếu cái kia. Đặc điểm cấu trúc của nó nằm ở khuynh hướng giải cấu trúc, tái cấu trúc các hình thức thể loại truyền thống.

Do những hạn chế trong nghiên cứu, nhiều tác phẩm truyện ngắn trữ tình chưa hoàn toàn được lý giải đúng đắn. Nhược điểm này thể hiện rõ nét trong những công trình phân tích sáng tác của những nhà văn cụ thể như Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh. Chẳng hạn, Vũ Ngọc Phan đã từng cho rằng truyện của Thạch Lam “ Nhiều truyện không được đậm đà, làm cho người đọc dễ chán”, Thạch Lam “cố ý làm cho đơn giản, đơn giản cả về văn lẫn cốt truyện, nên làm mất cả hứng thú” [11,49]…Hay như Vũ Ngọc Phan cho rằng văn xuôi Xuân Diệu rất chú trọng vào việc phô diễn ý nghĩ và tình cảm con người nên không quá chú ý đến lời, bởi thế, bất luận là lời thanh hay lời thô ông đều không đắn đo khi sử dụng, miễn sao nói được hết ý nghĩ và tình cảm của mình: “Có lẽ Xuân Diệu chú trọng về ý nghĩ về tình cảm thái quá nên không nghĩ đến sự lựa lời, dùng chữ [11,209]. Tuy nhiên, những nhận xét này không hoàn toàn chính xác.

Vì thế, hiểu đúng cấu trúc thể loại truyện ngắn trữ tình chính là khẳng định giá trị nghệ thuật đích thực của các tác phẩm này, đồng thời khẳng định được tài năng, sáng tạo độc đáo của các nhà văn.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/02/2024