Người Nghệ Sĩ Là Người Có Tâm Hồn Thành Thật, Trái Tim Đa Tình

CHƯƠNG 2 TRUYỆN NGẮN XUÂN DIỆU

NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG TRỮ TÌNH

2.1 Những quan điểm về nghệ thuật

Ban đọc đã biết đến quan điểm nghệ thuật rất rõ ràng của Xuân Diệu được gửi gắm một cách trực tiếp và gián tiếp qua nhiều bài thơ, đặc biệt là bài Là thi sĩ. Đây có thể nói là bài thơ vừa thể hiện rõ quan niệm cá nhân của người thi sĩ trẻ về thơ ca và nghệ thuật vừa chứa đựng trong nó quan điểm khá tiêu biểu của những nhà Thơ Mới lãng mạn. Và trong những tác phẩm văn xuôi trữ tình của mình, Xuân Diệu đã thể hiện một cách hệ thống và tập trung những suy nghĩ của ông về nghệ thuật. Có thể nêu ra đây những tác phẩm tiêu biểu như: Người lệ ngọc, Chú lái khờ, Phấn thông vàng…

Khảo sát các tác phẩm văn xuôi trữ tình của Xuân Diệu chúng ta có thể nhận thấy, những tư tưởng nghệ thuật tươi mới và độc đáo rất đáng được lưu ý của ông. Có thể nói, Xuân Diệu đã trang trải trên những trang văn của mình rất nhiều tư tưởng, cảm xúc mà ông không thể chuyển tải trong thơ.

2.1.1 Người nghệ sĩ là người có tâm hồn thành thật, trái tim đa tình

Với Xuân Diệu, thiên tài của nghệ sĩ là ở trái tim - một trái tim đắm say giầu tình cảm biết rung động trước cuộc đời. Là nhà thơ của niềm giao cảm với đời, Xuân Diệu cũng là một nhà văn trữ tình. Linh hồn của mọi tác phẩm Xuân Diệu thực chất là trữ tình. Phương thức trữ tình là chủ đạo, là đặc trưng sáng tác của Xuân Diệu. Dù làm thơ hay viết văn xuôi, bút ký, tùy bút…ông đều thâm nhập vào đối tượng bằng con tim nóng hổi giàu cảm xúc của mình, sáng tạo nó, chuyển hóa nó để cho nguồn mạch trữ tình tuôn trào. “Có thể nói trên đời này có bao nhiêu cách để tiếp xúc với đời: Xuân Diệu đều không bỏ qua và đều khai thác triệt để... cả một đời lao động miệt mài cật lực cho đến hơi thở cuối cùng. Vì động cơ nào vậy? Vì đấy là một trái tim nóng bỏng, trái tim của một con người sinh ra để mà yêu thương, để ca ngợi sự giao cảm đầy tính nhân bản kia”. Ta dễ dàng nhận thấy tính đặc trưng trong văn xuôi Xuân Diệu là ở nội tâm, là sự giãi bày của chủ thể sáng tạo. Mọi biến cố và chi tiết

bên ngoài chỉ là duyên cớ, nguồn cơn cho khả năng tự biểu hiện của mình Xuân Diệu đã cho biết: “Trong phần nhiều truyện của tôi, vai chính không phải là một người mà là một nỗi lòng, một tình ý hay một con vật, một đồ dùng..., nói vật, nói đồ dùng nhưng chẳng qua lấy nó làm cái giá, cái giàn để mắc, để cài vào đó nỗi lòng của mình”[2,9].

Môi trường và hoàn cảnh xuất thân cũng là một yếu tố tác động làm ảnh hưởng cảm quan sáng tác của người nghệ sĩ. Với Xuân Diệu, dòng máu giao hòa giữa “cha đàng ngoài” “mẹ ở đàng trong” phần nào ảnh hưởng đến tâm hồn ông: ông Đồ Nghệ “cha đàng ngoài” đã truyền cho ông dòng máu cần cù và nghị lực khác thường, truyền cho ông lòng nhiệt huyết với sự nghiệp để có thể sống mãi với đời. Còn cô hàng nước mắm ở Vạn Gò Bồi, "mẹ ở đàng trong" đã đem đến cho ông những nồng nàn của gió, sóng biển Quy Nhơn, góp phần làm phong phú tâm hồn ông. Lại là thân phận con vợ lẽ, phải xa mẹ từ nhỏ, thiếu tình thương, nên ông càng khao khát tình thương. Điều ấy giúp ta hiểu ở Xuân Diệu một trái tim thiết tha vồ vập bám lấy cuộc sống giao cảm hết mình đối với mọi người chia sẻ với mọi người và mong mọi người hãy chia sẻ với mình. Vì thế đọc những trang văn của ông, ta thấy được cuộc đời thực của chính tác giả.

Tình người nghệ sĩ cũng như phấn thông vàng, mở rộng, tung bay để dâng hiến cho đời món ăn tinh thần vô giá mà không hề mưu lợi. Nếu người đời coi những gì nhận được là hạnh phúc thì người nghệ sĩ lại lấy sự cho đi, sự ban tặng làm hạnh phúc. Thi sĩ cứ hãy đắm say trong sáng tạo để phát hiện đến cùng những tinh túy nhất của cuộc đời người nghệ sỹ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Trong truyện ngắnChú Lái Khờ, Xuân Diệu đã đưa hình tượng chú lái khờ lên thành biểu tượng của thi nhân, của người nghệ sĩ nói chung. Người nghệ sĩ tâm hồn giàu có thành thật, khác nào chú lái khờ. Đó là người có số thiên kim, có khả năng làm giàu nơi "mười ngón tay" tài hoa của mình: "Ngọc vàng sai khiến ở mười ngón tay. Một bước chân đi có thể rơi từng mớ châu báu". Chú đi khắp bốn phương, càng đi, của cải càng chạy về tay chú lái. Chú giàu có gồm huyền, ngọc trai, vàng, bạch kim...nhưng chú chẳng hề ham hố

giữ gìn tiếc gì nó. Chú ghé vào chốn Hồng - Lâu uống rượu, "chú say, hay chú tự say chứ rượu làm sao say được chú. Chú vẫn tỉnh nhưng chú muốn khờ". Tính phong lưu, tấm lòng rộng mở chú đã tạo cơ hội cho mỹ nữ, người đời lấy hết vàng bạc châu báu lụa là gấm vóc. Người đời chưa chịu lấy hết chú tự tay lấy để dâng người đời vậy. Mọi người được vàng bạc một cách dễ dàng, lại bảo chú là khờ, khúc khích cười chế nhạo. "Chú Lái thực sự là một anh khờ, không biết phòng ngừa, không chịu cẩn thận: ngọc trai đã mất, bao giờ về Hợp Phố nữa đâu". Nhưng chú chẳng khờ đâu, chỉ là giả vờ khờ mà thôi vì "khách có phải là lái buôn đâu: khách là một tấm lòng thơ, trời đem đạo giữa phong trần, cho đầy thêm cái chất sầu não”3. (Chú lái khờ)

Xuân Diệu trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930 - 1945 - 5

Thông qua hình tượng Chú Lái Khờ, Xuân Diệu muốn phát biểu quan điểm nghệ thuật của mình, nói lên thiên chức, nghệ thuật của người nghệ sĩ: Tài năng thiên bẩm trời cho của người nghệ sĩ là hết sức quí giá là bao châu báu ngọc ngà. Để dâng hiến thứ châu báu ấy một cách vô tư và hào hiệp cho cuộc đời, người nghệ sĩ phải “ghé vào nhân gian, trọ một vài đêm, tìm đôi an ủi. Người đời tìm đến chàng, ai cũng lấy được ngọc châu. Và họ lấy chưa vừa ư? , thì người thi sĩ tự tay lấy vào cái lõi sống của mình để mà phân phát”.

Bên cạnh đó, qua hình tượng Chú Lái Khờ, Xuân Diệu bày tỏ quan điểm về thiên chức nghệ thuật của nghệ sĩ. Công việc sáng tác của người nghệ sĩ là phải làm sao được thể hiện hết mình, được nói thực lòng, vì sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng đòi hỏi sự chân thực. Nội tâm giàu có của người nghệ sĩ không phải tự nhiên mà có. Nó phải được tích lũy bằng vốn sống từ cuộc đời. Người nghệ sĩ phải gắn bó với cuộc đời mới có được. Và chỉ có cuộc đời trần tục mới là nơi nuôi dưỡng tâm hồn cao quí của người nghệ sĩ. Tài năng, đức độ thiên bẩm của người nghệ sĩ là quí giá vô ngần.

Chính lòng người, chính tâm hồn là cái căn bản, là điều cốt yếu mà Xuân Diệu mong muốn khám phá. Phải chăng Xuân Diệu đã gửi gắm, đã hóa thân vào nhân vật chàng họa sĩ để tự bạch tâm hồn mình: Ờ sao chàng không phung phí như thông? Sao chàng nghĩ chi đến sự thiên hạ nhận?” (Phấn thông vàng). Tình người nghệ sĩ cũng như phấn thông vàng, mơ mộng, tung

bay để dâng hiến cho đời món ăn tinh thần vô giá không hề mưu cầu lợi lộc. Nếu người đời coi những gì “nhận được” là hạnh phúc thì người nghệ sĩ lại lấy sự “cho đi, sự ban tặng” làm hạnh phúc. Cái đích vươn tới của người thi sĩ là sự đắm say trong sáng tạo để phát hiện đến cùng những tinh túy nhất trong cuộc đời. Đó là thiên chức của người nghệ sĩ.

Xuân Diệu quan niệm công việc sáng tác của người nghệ sĩ là lấy từ lõi sống của mình những giá trị quý báu và bởi thế là được thể hiện hết mình. Được nói thực lòng, nói từ nội tâm của chính mình là một ước nguyện đồng thời cũng là một quan niệm đúng đắn của người nghệ sĩ, vì sáng tạo nghệ thuật bao giờ cũng đòi hỏi sự chân thực, cho rằng nội tâm giầu có của người nghệ sĩ có được là nhờ chất liệu cuộc đời, nhờ sự gắn bó của người nghệ sĩ với cuộc đời. Chỉ có cuộc đời trần tục mới là nơi nuôi dưỡng tâm hồn cao quý của người nghệ sĩ. Văn chương là của người, thơ cũng là của người và nhà nghệ sĩ đừng mơ tưởng một thế giới nào khác ngoài cuộc đời này ngay ở trần gian này. Trong bài tiểu luận Thơ của người Xuân Diệu nhấn mạnh đến những nghệ sĩ có ảo tưởng thoát ly cuộc đời “Muốn ra ngoài cuộc đời, họ xây nên những cung điện bằng sương mù, những đền đài bằng xương máu, họ trèo lên ở trên những bọt xà phòng ngũ sắc và bảo: Đây là quả đất của chúng tôi. Nhưng thiên hạ tọc mạch nhìn xem, thì hỡi ôi! Những vật liệu những gạch đá họ dùng đều ở trong cuộc đời cả”.

Như vậy để được nói thực người nghệ sĩ không được tách rời đời sống, phải luôn gắn bó với đời, đặt mình trong quan hệ với đời, giao hòa, gắn kết chặt chẽ với nó. Ông thủ thỉ khuyên dặn: “Cứ việc ở trong đời và tạo nên những cung điện thực, vô cùng đẹp đẽ, bằng những vật liệu của trần gian”. Lời kết của thiên tùy bút Thơ của người cũng chính là lời nhắn nhủ của Xuân Diệu với mình, với mọi người nghệ sĩ: “Đi ra ngoài đời, lại hóa vẫn ở trong đời”. Vậy là có gần đời, có “ở trong đời” mới được nói thực nói đúng những gì cuộc đời đã có, để người đời hiểu được tâm can người nghệ sĩ, hiểu được điều mình viết và cần nó cho cuộc đời này. Đó cũng chính là tiền đề tạo nên ở

xuân Diệu thứ văn xuôi mượt mà, ý vị say mà tỉnh, ảo mà thực, mơ hồ mà không kém phần rõ nét.

Với trái tim sôi nổi ham sống yêu người, yêu đời cùng với cặp mắt “xanh non”, tâm hồn người nghệ sĩ luôn rộng mở nhạy cảm trước mọi bước đi của thời đại, con người, thiên nhiên, vạn vật. Trước cuộc đời, trái tim Xuân Diệu vô cùng nhạy cảm và trí tuệ giàu sức liên tưởng, mọi vật đều có thể giúp ông nảy sinh cảm xúc bật ra ý thơ, tứ truyện. Không phải bỗng dưng ông đem chuyện cái giường ra để mà nói, mà kể lể trong một truyện ngắn. Truyện cái giường chính là chuyện về thân phận con người đang tàn tạ với thời gian “Tôi càng cũ đi. Sự hư hỏng càng gấp; cũng như một người càng già những sự yếu đuối càng rủ nhau đến thật nhanh. Đoạn sau này, mỗi tháng đem đến một sự siêu vẹo, mỗi ngày một sự mòn mỏi, rồi bỗng chốc hiện ra nào mộng hư, nào chốt gẫy, nào là vần thủng, chân què. Rồi tôi run lên như một kẻ già, gỗ kêu răng rắc như một ông cụ rũ xương; tôi lòng khòng, mọt đến ăn tôi, cọt kẹt suốt đêm ngày”. (Truyện cái giường)

Lời của cái giường là lời của một kiếp người chìm nổi mòn mỏi theo tháng năm. Nếu không phải là người có trái tim đa cảm, dễ xúc động, cảm thương với số phận bất hạnh của con người thì không thể viết nên những dòng nhân tình như thế.

Trong truyện Tỏa nhị kiều ta lại bắt gặp ở ông một trái tim đa cảm, dễ xúc động, trước một hoàn cảnh một lối sống rất khác với nhịp sống dạt dào trong lòng ông. Chỉ vài lần đến thăm anh bạn trên gác phải đi qua nhà chủ, thấy hai cô con gái nhà chủ ngồi buồn thiu ở mép giường, ông đã từ cảnh và người ở đây viết nên thiên truyện. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời buồn tẻ của hai cô gái Hà thành có cách sống mờ mờ nhạt nhạt khiến tác giả phải thốt lên một cách chua chát: “Tôi thương hai cô gái như hai con vật ngẩn ngơ trong rừng lạnh, khi chiều giăng lưới qua muôn gốc cây. Buổi chiều của hai cô mờ nhạt và kéo dài, hai cô lẫn trong mù sương”. (Tỏa nhị kiều )

Với một trái tim dễ xúc động, Xuân Diệu cho rằng người nghệ sĩ luôn rộng mở tâm hồn để được đón nhận mọi tình cảm tốt đẹp của con người và cuộc

đời. Người nghệ sĩ phải có một trái tim lớn và những cảm xúc của họ phải mạnh mẽ, dâng trào. Xuân Diệu diễn đạt cái bất thường, phi thường ấy trong một cách nói ấn tượng : “Người nghệ sĩ bao giờ cũng điên. Nhưng điên trong cuộc đời thú vị gấp ngàn lần ngoài cuộc đời…cái điên của người nghệ sĩ phải là sự si mê, sự say đắm, sự cảm xúc quá mức thường” (Thơ của người). Hơn nữa, cái gọi là cảm xúc quá mức thường ấy lại được chắt lọc qua một trái tim đa tình, đa cảm, dễ rung động như một sợi tơ ắt sẽ tạo nên một tác phẩm văn chương đích thực. Nó chính là sản phẩm tinh thần của nhà văn ghi lại cuộc đời và những con người hiện tại trong cuộc đời này làm phong phú thêm cho tâm hồn độc giả, góp phần khẳng định thiên chức của một người nghệ sĩ chân chính.

2.1.2 Nghệ thuật là sự ban tặng. Nghệ sĩ là kẻ hiến dâng

Sáng tạo nên hình tượng nhân vật chàng họa sĩ trong Phấn thông vàng cũng là cách để nhà thơ gửi gắm những khát vọng về nghệ thuật. Trong tác phẩm, chàng họa sĩ nhìn thấy phấn thông vàng bay rợp không gian, chàng nghĩ, mình phải “tìm lại cuộc đời, ăn vào sự sống mà yêu, yêu... mà cho, cho tất cả lòng tươi thắm của chàng, ba năm dòng chàng tưởng đã cạn rồi, nhưng kỳ thực vẫn là một nguồn vô tận”. Xuân Diệu không phải chỉ yêu cuộc sống mà ông còn muốn “lấy lửa chuyển những lòng giá đúc”, muốn truyền nhiệt tình sống của mình cho mọi người.

Cả tập truyện Phấn thông vàng là sự lan tỏa tâm hồn, một nỗi niềm khao khát, một ngọn sóng triều dâng, yêu thương vỗ mãi vào đời: “chỉ sợ ta nghèo không đủ tình để mà vung phí, ta không thêm thiên hạ cho lại, nhưng ta cứ cho, tự khắc thiên hạ cũng đem đến cho ta”.

Đây giống như một tuyên ngôn nghệ thuật về sự dâng hiến của đời người nghệ sĩ, suốt đời lo lắng trăn trở, sợ “không đủ tình” để chia cho thiên hạ. Cho mà không mong được nhận lại. Xuất phát từ ý tưởng trên Xuân Diệu cứ hồn nhiên mà viết, viết theo tâm tưởng của chính mình để được thả sức hiến dâng, giãi bày mọi tâm sự từ cõi lòng mình, tâm hồn mình. Ta hãy nghe tác giả tự nói về ý đồ sáng tác trong tập truyện ngắn trữ tình của mình:

“Các bạn đừng tìm ở đây chuyện chàng này và cô kia. Tâm hồn người có biết bao là chuyện! Các bạn vào đây sẽ thấy một giàn thiên lý và mấy con ong và một trái tim đang đập theo những nhịp đời. Thương vay: Một buổi chiều len lỏi vào một tâm hồn người. Tỏa nhị Kiều: Cái nhạt tẻ của cuộc đời, một buổi chiều trong nhà và trong tâm lý. Và Phấn thông vàng tình yêu độ lượng giữa cuộc đời bát ngát. Và Truyện cái giường bài ca của sự sống”.

Đúng là một trái tim đang đập theo những nhịp đời để thấu hiểu ngóc ngách của cuộc đời. Và như con ong chăm chỉ hút nhụy hoa về làm mật, con tằm cần mẫn nhả tơ làm đẹp cho đời, người nghệ sĩ như ông quan niệm phải dâng trọn cuộc đời mình cho công việc sáng tạo nghệ thuật, tạo nên: “một chiếc cầu nối giữa tác giả và bạn đọc, một chiếc cầu bằng tơ, bằng ánh trăng, bằng những rung động tinh tế của lòng người và những làn sóng dặt dìu của tạo vật nữa”.

Với Xuân Diệu, làm thơ viết văn thực sự là một nghề, đã là nghề thì phải sống chết với nó, phải vất vả vì nó. Để những cảnh đời, cảnh vật được lên trang giấy, người nghệ sĩ phải dồn tâm lực, thậm chí phải đau đớn mới có được. Nó được sinh ra từ những rung động thật sự, từ những say mê sáng tạo đích thực, từ tình cảm nhiệt thành cháy bỏng chứ không phải nông cạn hời hợt.

Người lệ ngọc, một câu chuyện có mầu sắc hoang đường của Xuân Diệu được thai nghén trong một thời gian khá dài 1937 – 1943 chứng tỏ sự chiêm nghiệm và nghĩ ngợi kỹ lưỡng điều mà tác giả muốn gửi gắm. Ông xây dựng hình ảnh người lệ ngọc, hình ảnh ẩn dụ của thi nhân như một con người đặc biệt, kỳ dị. Người đó sinh ra không biết khóc, “trong hai mươi năm người không khóc, vẫn có đôi mắt ráo khô. Nhưng đôi mắt xanh sâu đẹp chưa từng có trên đời, mà trong sao! Veo veo như tỏa ra ánh sáng”. Có lẽ bao nhiêu cảm xúc đã được tích tụ trong chàng, để rồi bỗng một hôm “cả người chàng đùn đùn như chứa một cơn giông, xương thịt chuyển như có bão, một ngọn gió thần chạy đi các ngả, chàng run và tái đi, chàng cảm thấy một cái gì vẫn đùn tới như mây, ngập lên như lụt. Ngực chàng tức như sắp tung sương”. Phải

chăng đó là nguồn sống là xúc cảm đã chín trong tâm hồn thi nhân chờ đợi bao lâu. Và chàng đã khóc ra những giọt lệ bằng ngọc: “ người – không – khóc đã thành người – lệ - ngọc”. Những giọt nước mắt chính là những hạt ngọc long lanh trong sáng, vừa vô giá vừa quý giá vô ngần. Đó chính là hình ảnh của sự kết tinh cảm xúc, là sự thai nghén để sản sinh cho đời những tác phẩm văn chương có giá trị đích thực.

Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải có quá trình nung nấu, phải dày công vun đắp khó nhọc mới có được. Không phải ngẫu nhiên người lệ ngọc với đôi mắt xanh sâu đẹp chưa từng có trên đời phải hai mươi năm sau mới khóc, mới vọt trào thành lệ ngọc. Điều đó chính là nhờ chàng qua “Hai mươi năm mục kích bao nhiêu cảnh tượng, chàng chỉ nín lại để kết tinh cảm xúc, và con mắt ráo chỉ để chờ khóc một lần cho xứng đáng; cả người chàng thu vén; tâm hồn vật vã mới bật lên thành những hạt lệ châu”. Như vậy, muốn có một tác phẩm nghệ thuật xứng đáng người nghệ sĩ phải toàn tâm, toàn ý để tạo ra nó, cuối cùng chẳng qua cũng chỉ là làm đẹp cho đời, cho phong phú tâm hồn người đời và người nghệ sĩ lấy đó làm niềm vui lớn nhất của họ. Giống như Chú Lái Khờ sau khi đã mở rương hòm ban phát cho mọi người tất cả tài sản của mình, người thi sĩ cũng khờ như chú lái. Sau khi đã ban phát hết châu báu, chú “ mỉm miệng cười hân hoan như một vị phật. Hòm rương tuy nhẹ nhưng tài chí không vơi thì chú lái còn buồn nỗi chi”.(Chú lái khờ)

Có thể nói Xuân Diệu là người hiểu hơn ai hết: Tình cho đi không lấy lại bao giờ, nhưng ông vẫn nguyện dâng cho đời khát khao được cống hiến được lan tỏa thanh âm và hương sắc cho muôn đời sau. Xuân Diệu cho đó là điều an ủi lớn đối với người nghệ sĩ. Trong bài An ủi giữa loài người ông viết: “Tấm lòng thơ của tôi chỉ thấy an ủi khi nghĩ đến người ta. Người ta sẽ không nghĩ đến tôi, nhưng tôi cũng không cần họ nghĩ, tôi chỉ thấy bớt buồn đành sống vui yên. Vì có triệu người ngoài kia… trước biển loài người tôi quên nghĩ đến thân mình”.

Đây chính là nỗi niềm tâm sự về cuộc đời người nghệ sĩ cũng có ý nghĩa như một thông điệp về tư tưởng nghệ thuật mà Xuân Diệu muốn gửi

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/02/2024