Xây dựng tập đoàn tài chính ngân hàng từ ngân hàng thương mại cổ phần tại thành phố Hồ Chí Minh - 25


hàng, giải pháp ổn định nên bắt đầu từ tái cấu trúc toàn diện hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay trong thời gian nhanh nhất, tức là về cơ bản nên hoàn thiện vào năm 2013 vì để càng lâu càng ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội.

- Ba là, NHNN nên yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm tỷ lệ nợ xấu xuống một mức nào đó trong một khoảng thời gian nhất định so với hiện nay, nếu không sẽ đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Đồng thời thanh tra, kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm khắc với các trường hợp phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro không đúng quy định. Theo tác giả thì các NHTM CP cần giảm tỷ lệ nợ xấu dưới 5% vào cuối năm 2013 bằng mọi biện pháp trước khi có sự can thiệp trực tiếp khác của nhà nước.

Vấn đề đặt ra là NHNN cần thanh tra toàn diện tất cả các NHTM để xác định số nợ xấu thật sự đang tồn tại tại các ngân hàng để có hướng xử lý thích hợp. Vấn đề này phải làm thật nhanh để tránh những thất thoát hoặc những đổ vỡ tiếp theo có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn, tốt nhất là phải hoàn tất thanh tra các tồn tại của NHTM cuối năm 2013 để kịp thời có những sách lược phù hợp.

NHNN cũng có thể bơm vốn cho các tổ chức tín dụng có khả năng phục hồi nhanh với một số yêu cầu chặt chẽ như không chia cổ tức trong một thời gian nhất định, cắt giảm lương, thưởng của lãnh đạo, hạn chế các hoạt động phái sinh

Giải pháp cho việc bơm vốn là thông qua hình thức mua cổ phần ưu đãi của các tổ chức tín dụng đó, được hưởng cổ tức kể cả trong trường hợp tổ chức tín dụng bị lỗ và có quyền mua cổ phiếu phổ thông, giống như khoản đầu tư này vừa có tính chất một khoản vay và có tính chất sở hữu vốn.

- Bốn là, phân loại và phân biệt đối xử với các NHTM CP hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng phát triển thành những định chế tài chính lớn, có tính cạnh tranh cao.

Giải pháp là một số chính sách không cào bằng đối với tất cả các ngân hàng, phải có chính sách ưu tiên để khuyến khích và thúc đẩy từng nhóm ngân


hàng. Ví dụ như tăng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, khác biệt về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, ưu đãi chính sách lãi suất tái cấp vốn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 227 trang tài liệu này.

3.4.3.4. Một số đề xuất khác

Bên cạnh các giải pháp mang tính cơ bản và cụ thể, tác giả cũng mạnh dạn đề xuất một số giải pháp bổ trợ sau:

Xây dựng tập đoàn tài chính ngân hàng từ ngân hàng thương mại cổ phần tại thành phố Hồ Chí Minh - 25

- Một là, thực hiện việc phân loại và xếp hạng tín nhiệm công khai, định kỳ các tổ chức tín dụng để giúp khách hàng có sự lựa chọn thích hợp khi giao dịch tiền tệ và qua đó thúc đẩy bản thân ngân hàng phấn đấu hoàn thiện hơn.

Giải pháp thực hiện là NHNN cần đưa ra tiêu chí rỏ ràng về phân loại NHTM (mạnh/yếu, tốt/xấu…) và minh bạch thông tin nợ xấu NHTM định kỳ.

- Hai là, nâng cao chất lượng phân tích và dự báo kinh tế, tiền tệ giúp NHTM CP hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh phù hợp để đảm bảo an toàn hoạt động.

Giải pháp thực hiện vấn đề này là, có thể giao nhiệm vụ cho Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia hoặc tổ chức xếp hạng tín nhiệm định kỳ đưa ra các dự báo, song song với dự báo của một số tổ chức nước ngoài hoặc của các NHNNg tại Việt Nam (HSBC, Fitch Rating…) để có phản ánh trung thực, minh bạch.

- Ba là, nghiên cứu cho phép thành lập Ngân hàng Đầu tư để chuyên nghiệp hóa hoạt động đầu tư, góp phần phát triển thị trường thứ cấp. Có sự tách biệt giữa đầu tư trong NHTM sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro đồng thời giúp các doanh nghiệp huy động vốn trực tiếp từ thị trường chứng khoán, tạo lập thị trường thứ cấp để tăng thanh khoản và phân tán rủi ro cho các loại sản phẩm tài chính. Bao gồm các nghiệp vụ như: dịch vụ phát hành-IPO, tư vấn mua bán, sáp nhập (M&A), nghiệp vụ đầu tư (principal trading), nghiên cứu (research), quản lí đầu tư (investment management), môi giới (prime brokerage).


KẾT LUẬN CHƯƠNG 3


Từ những lý luận ở chương 1 và qua phân tích thực tiễn quá trình phát triển của hệ thống NHTM CP Việt Nam ở chương 2, trong chương 3 luận án đã đúc kết các vấn đề cơ bản sau:

Tóm tắt chiến lược phát triển kinh tế cũng như của riêng ngành ngân hàng đến năm 2020, xem như đó là cơ sở pháp lý để các đề xuất mang tính giải pháp bám sát thực tiễn, không lệch quỹ đạo đã được chính phủ và NHNN định hướng.

Từ nghiên cứu tập đoàn TC-NH trên thế giới, luận án đã mạnh dạn đề xuất mô hình tập đoàn TC-NH tại Việt Nam trong bối cảnh các NHTM nói chung đang đối mặt với những rủi ro, nguy cơ và lòng tin bị suy giảm, nhà nước đang quyết tâm tái cấu trúc toàn diện lại nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng sau khủng hoảng.

Về mô hình tập đoàn TC-NH luận án đề xuất sơ đồ tổ chức và đi sâu phân tích cơ cấu tổ chức tập đoàn và năng lực cần thiết để phù hợp mô hình tập đoàn TC-NH. Ở mô hình tập đoàn tác giả giới thiệu cơ cấu nhân sự và chức năng nhiệm vụ của các Ủy ban, Hội đồng trực thuộc tập đoàn để làm cơ sở tham khảo. Cơ cấu tổ chức này có thể thu nhỏ áp dụng cho riêng NHTM CP chứ không nhất thiết phải áp dụng cho cả tập đoàn TC-NH.

Luận án cũng đưa ra giải pháp chủ yếu hình thành tập đoàn TC-NH trên địa bàn TP. HCM và cũng lưu ý việc gia tăng quy mô tài chính thông qua hợp nhất, sáp nhật hay mua lại chỉ làm tăng quy mô về mặt cơ học chứ không làm thay đổi chất lượng hoạt động, vì vậy vấn đề là NHTM cần nâng cao năng lực hoạt động dựa trên sự thay đổi về “chất” mới có thể tiếp tục phát triển lâu dài.

Một vấn đề khác là luận án cũng đề nghị là các NHTM CP trên địa bàn bên cạnh việc sáp nhập, mua lại lẫn nhau cũng nên mạnh dạn sát nhập, mua lại với các định chế tài chính khác, trong nước lẫn nước ngoài để hình thành một tập


đoàn TC-NH lớn mạnh. Tuy nhiên để làm được việc đó thì trước hết các NHTM CP phải củng cố hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ cơ cấu tổ chức quản lý, nhân sự đến năng lực tài chính, sản phẩm dịch vụ, công nghệ…mà đặc biệt là cơ chế kiểm soát và phòng ngừa rủi ro phải được hoàn thiện trước tiên. Cơ chế kiểm soát rủi ro là bất kỳ quan hệ giao dịch nào, bất kỳ khâu nào, mắc xích nào trong hệ thống đều được giả định, mô phỏng tình huống rủi ro và biện pháp xử lý thích hợp. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát như phân tích cơ chế giám sát của HSBC ở chương 1 luận án.

Trong phân tích và đề xuất ở chương 3 luận án luôn dựa trên cơ sở lý luận ở chương 1 và thực trạng ở chương 2 nên nội dung được kết nối chặt chẽ. Trong từng đề xuất tác giả đều đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm tăng tính thuyết phục. Ví dụ như liên quan đề xuất về nâng cao năng lực cạnh tranh, bên cạnh các giải pháp cơ bản như: tăng vốn, nâng cao khả năng sinh lời, khả năng thanh toán…thì tác giả cũng mạnh dạn đề nghị hạn chế các lĩnh vực đầu tư của NHTM CP mặc dù luật không cấm. Luận án vận dụng các bài học kinh nghiệm ở Mỹ, Trung Quốc để giúp ngân hàng xử lý nợ xấu, hay đề xuất lộ trình áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế vào hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Đặc biệt để nâng cao năng lực hoạt động và thúc đẩy hình thành tập đoàn TC-NH, luận án đề nghị giải pháp vừa thừa nhận mô hình tập đoàn nhưng đồng thời đề nghị xây dựng lộ trình tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế như hiệp ước Basel 3, qua đó có thể giảm bớt số lượng ngân hàng yếu kém, từng bước cũng cố hệ thống ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hay trong các giải pháp của mình, luận án đã mạnh dạn kiến nghị hình thành Ngân hàng Đầu tư nhằm tăng tính chuyên môn hóa và đẩy mạnh các hoạt động tài chính tiền tệ trên thị trường thứ cấp, góp phần tăng huy động vốn và tăng thanh khoản cho nền kinh tế nói chung.


KẾT LUẬN

Trên cơ sở tập hợp, lý giải, phân tích và chứng minh với các dữ liệu, thông tin một cách khoa học, kết hợp với thực tiễn luận án đã hoàn thành một số nội dung sau:

Thứ nhất, hệ thống hóa những vấn đề mang tính lý luận về TĐKT và tập đoàn TC-NH. Luận án cũng đề cập đến những điều kiện kinh tế xã hội tác động đến sự ra đời của một số tập đoàn TC-NH trên thế giới để làm cơ sở lý luận cho nội dung nghiên cứu. Luận án cũng đề cập đến những mặt tích cực cũng như hạn chế của tập đoàn để rút ra các bài học kinh nghiệm cần thiết. Xét về tổng thể, những nội dung được đề cập trong luận án phù hợp với mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu đã được xác định, là cơ sở lý thuyết khá hoàn chính để đi sâu vào các nội dung tiếp theo.

Thứ hai, trên cơ sở khái quát quá trình hình thành và phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam tác giả đã chỉ ra những mặt đạt được cũng như chưa được, những điểm mạnh, điểm yếu của các Ngân hàng Việt Nam mà tập trung chủ yếu vào NHTM CP tại thành phố Hồ Chí Minh, có so sánh đối chiếu với chương lý luận để chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân hạn chế để NHTM CP điều chỉnh nếu muốn rút ngắn khoảng cách với các ngân hàng trong khu vực hay trên thế giới. Trong đó tác giả cũng phân tích những hạn chế từ cơ chế quản lý của cơ quan chức năng cũng như sự vi phạm chủ quan nghiêm trọng chính sách tiền tệ của NHTM CP gần đây, gây mất lòng tin với khách hàng, nhà đầu tư, cổ đông cũng như ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung.

Thứ ba, với chiến lược và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, mục tiêu phát triển của NHNN Việt Nam đến năm 2020, tác giả cho rằng xu hướng phát triển theo mô hình tập đoàn TC-NH trên địa bàn là xu hướng tất yếu khách quan nên mạnh dạn đề xuất mô hình tập đoàn TC-NH, đề xuất năng lực cần thiết của chính bản thân NHTM CP để phù hợp với mô hình đó. Đồng thời kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước cải thiện hoặc bổ sung những chính


sách cần thiết nhằm thúc đẩy sự hình thành các tập đoàn TC-NH, mà trước mắt là chấn chỉnh, cũng cố và lành mạnh hoạt động các NHTM CP trên địa bàn.

Tóm lại, xét về tổng thể luận án đã có những đóng góp mới như sau:

Một là, hệ thống hóa các vấn đề lý luận về tập đoàn tài chính ngân hàng cũng như các điều kiện kinh tế xã hội cần thiết để hình thành tập đoàn tài chính ngân hàng ở Việt Nam.

Hai là, tiếp cận phân tích một số tập đoàn tài chính ngân hàng trên thế giới, chỉ ra những mặt đạt được cũng như các hạn chế, dù đó là “megabank” hay “too big to fail”, nhằm rút ra các bài học cần thiết về quản lý nhà nước và quản trị ngân hàng thương mại.

Ba là, phân tích thực trạng hoạt động của NHTM CP Việt Nam nói chung và ở TP. HCM nói riêng. Trên cơ sở thống kê dữ liệu và phân tích với các chỉ số cụ thể, luận án chỉ ra điểm yếu cũng như đề cập các vi phạm của NHTM CP cần phải chấn chỉnh.

Bốn là, đề xuất đẩy nhanh quá trình sáp nhập, hợp nhất các NHTM CP yếu kém, thậm chí cho phá sản để lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng cũng như sớm hình thành tập đoàn TC-NH theo lộ trình đã đề nghị nhằm tạo điều kiện cho các NHTM CP hoạt động an toàn, cạnh tranh và hiệu quả

Năm là, luận án đưa ra các kiến nghị chủ yếu và giải pháp cụ thể để tăng tính thực tế, tính khoa học trong nghiên cứu. Bên cạnh các để xuất với cơ quan quản lý nhà nước, là tập trung một số đề xuất, giải pháp cho bản thân NHTM CP để năng cao năng lực hoạt động, có cả đề xuất thực hiện theo lộ trình của Hiệp ước Basel 3 đến năm 2019 nhằm hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng Việt nam.

Sáu là, đề xuất xử lý nợ xấu NHTM CP phải có sự tham gia của nhà nước theo bài học kinh nghiệm từ các nước như: Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Bên cạnh đó việc xử lý nợ xấu trước hết phải bắt đầu từ tài sản của


chính NHTM CP nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm các chủ sở hữu ngân hàng.

Bảy là, củng cố năng lực hoạt động NHTM CP thông qua việc chú ý xây dựng chuẩn mực nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức của cán bộ nhân viên ngân hàng vì rủi ro từ đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng ngày một tăng cao và gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhìn chung luận án có phạm vi nghiên cứu khá rộng và còn nhiều nội dung cần nghiên cứu sâu hơn, nhưng qua phân tích tác giả hy vọng những đề xuất kiến nghị có tính thiết thực cho NHTM CP trên địa bàn cũng như các nhà quản lý có thêm cơ sở trước khi quyết đoán về mô hình tập đoàn TC-NH.

Bên cạnh các mặt đạt được, tác giả cũng nhận thấy đề tài còn có những hạn chế nhất định như tham khảo HSBC, OCBC Group hay Sacombank nên chưa thể đại diện đầy đủ nhất về tập đoàn TC-NH. Hay giải pháp để hình thành tập đoàn TC-NH thông qua việc kết hợp với NHNNg, tập đoàn TC-NH nước ngoài cũng chưa được phân tích sâu. Một vấn đề khác cũng có thể xem như hạn chế là chưa sử dụng phương pháp định lượng bởi lẻ định lượng sự tác động của một mô hình chưa có đến tăng trưởng kinh tế cần rất nhiều dữ liệu, thông tin và thời gian để có một kết quả thuyết phục hơn.

Mặc dù hiện nay mô hình tập đoàn kinh tế ở Việt Nam chưa thành công và mô hình tập đoàn TC-NH từ NHTM CP cũng chưa đặt làm trọng tâm trong tái cấu trúc ngân hàng, nhưng tác giả tin tưởng vào sự phát triển tất yếu của mô hình này trong tương lai, dù dưới hình thức hay tên gọi khác.

Trong quá trình nghiên cứu có rất nhiều ý kiến, nhận định, đánh giá, báo cáo về NHTM hay tập đoàn TC-NH và cùng dựa trên những thông tin chung, những lý luận mang tính kinh điển nên sẽ có những chồng chéo, trùng lắp là khó tránh khỏi. Tuy nhiên tác giả khẳng định đó không phải là những sao chép mà là những gì tác giả nắm bắt và trình bày với phong cách riêng.


Tác giả chân thành cám ơn quý Thầy Cô, các nhà khoa học, cán bộ quản lý nhà nước, đồng nghiệp đã quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện để luận án được hoàn thành. Tuy nhiên do còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện nên rất mong nhận được sự góp ý, giúp đỡ của quý Thầy Cô và bạn đọc quan tâm đến đề tài này.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/12/2022