Lý Thuyết Về Diễn Ngôn Giới Và Diễn Ngôn Tính Dục

dấu vết của cái nhìn nữ quyền luận trong nghiên cứu văn học cổ nhìn từ một trường hợp (case study) cụ thể. Nathalie Uyen với bài viết Nữ chính kinh điển và hóa thân thời hiện đại: Truyện Kiều và những tương đồng trong Printemps Inachevé đã nhấn mạnh ở các khả thể mà Truyện Kiều có thể gợi ra từ góc độ tiếp cận so sánh: “Đọc Truyện Kiều trong mối quan hệ với một văn bản Việt Nam hiện đại viết bằng tiếng Pháp, người ta không chỉ có thể nhấn mạnh vai trò của nàng trong tư cách một mẫu hình phụ nữ, mà còn chất nghi những cách diễn giải truyền thống đối với chính Truyện Kiều” [147]. Đây đều là những gợi dẫn và nguồn tư liệu tham khảo thú vị, ý nghĩa, gợi nhiều khám phá đối với luận án.

1.2. Cơ sở lý thuyết

1.2.1. Khái niệm giới và nghiên cứu giới

Trong phạm vi của luận án, chúng tôi bước đầu giới thuyết một số khái niệm cơ bản bao gồm: giới tính, giới hay phái tính. Giới tính (sex) hay còn được gọi là giới tính sinh học bao gồm các đặc điểm sinh học khác biệt của nam và nữ (bao gồm khác biệt về cơ quan sinh dục và khả năng sinh sản) được hình thành từ khi sinh ra và không thể thay đổi được. Khái niệm giới (gender) mới xuất hiện trong thời gian gần đây (vào thập niên 50-60 của thế kỷ XX) [182, tr.1-2]. Vào thời cổ đại, khái niệm giới chưa được hình thành hay “gọi tên” dù trong các nền văn minh cổ đại như Hy Lạp hay La Mã có tồn tại các phạm trù nam - nữ, nam tính/ nữ tính... Giới (gender) hay còn được gọi là giới tính xã hội là các đặc điểm liên quan đến sự khác biệt giữa nam tính và nữ tính. Khái niệm này do John Money đề xuất vào năm 1955, đề cập tới giới tính xã hội để phân biệt với giới tính sinh học. Tuy nhiên, định nghĩa của Money không được biết tới rộng rãi cho tới những năm 70 của thế kỷ XX, khi mà thuyết nữ quyền phát triển khái niệm về sự khác biệt giữa giới tính sinh học và giới tính xã hội.

Trong luận án, chúng tôi thống nhất cách sử dụng khái niệm “giới” hoặc “phái tính” (gender). Giới/ phái tính (gender) là khái niệm dùng để phân biệt nam và nữ dựa trên các đặc điểm về văn hóa - xã hội. Theo đó, mỗi xã hội với đặc trưng văn hóa riêng biệt sẽ hình thành quan điểm mang tính đặc thù về nam tính nữ tính. Như thế, phái tính là sản phẩm được kiến tạo trên nền tảng của văn hóa - xã hội. Nó không phải là khái niệm đóng cứng có tính “nhất thành bất biến” mà có thể biến đổi theo sự vận động của nền văn hóa - xã hội và bối cảnh lịch sử. Nói khác đi,

mỗi không gian văn hóa - xã hội, ở vào những thời điểm lịch sử cụ thể lại có thể hình thành những diễn ngôn khác nhau về phạm trù phái tính. Trong khi đó, khái niệm giới tính (sex) thường được sử dụng nhằm phân biệt nam giới nữ giới về mặt đặc trưng giải phẫu sinh học. Khác với phái tính, giới tính (được xem) là những đặc điểm sinh học bẩm sinh, mang tính phổ quát và không thay đổi ở cả hai giới. Tuy nhiên, ngay cả khái niệm giới tính với ý nghĩa này cũng đang bị phản bác bởi việc phóng đại những khác biệt rạch ròi được xem là tự nhiên, không thể thay đổi về đặc trưng sinh học của hai giới thực chất nhằm phục vụ cho mục đích duy trì hệ thống quyền lực gia trưởng và giảm nhẹ vai trò của nữ giới (và các giới khác). Giới tính phái tính là những khái niệm khác biệt nhưng chúng có mối liên hệ rất mật thiết. Chúng vừa là những qui ước xã hội về giới áp đặt lên cá nhân từ bên ngoài vừa là ý thức tự áp dụng, tự điều chỉnh những qui ước đó của chính họ. Vì vậy, xem xét diễn ngôn về giới (gender discourse) trong văn học thực chất là việc phân tích, lí giải cơ chế hình thành phát ngôn và tri thức về các mặt phái tính giới tính (mặt xã hội và mặt sinh học) của con người.

Nghiên cứu về giới là một bộ môn liên ngành bao hàm các nghiên cứu về phụ nữ, đàn ông, nam tính - nữ tính, các bản dạng giới, tính dục… được đặt trong tương quan mật thiết với các bộ môn như văn học, ngôn ngữ, lịch sử, tâm lý học, chính trị học, xã hội học, nhân học, điện ảnh, truyền thông, luật pháp, y học… Nghiên cứu giới là ngành nghiên cứu tuy ra đời muộn nhưng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Cần phải lưu tâm rằng nghiên cứu giới không đồng nhất với nghiên cứu về phụ nữ và đã dần được các nhà khoa học xã hội, các nhà nữ quyền chuyển hướng trong những năm gần đây để đạt được các mục tiêu nghiên cứu toàn diện [123, tr.33]. Một số nhà nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực này có thể kể đến Jacques Lacan, Julia Kristeva, Luce Irigaray, và tiêu biểu là nhà nữ quyền Mỹ Judith Butler. Các công trình của Judith Butler như Gender Trouble: Feminism and the Subversion of Identity (1990) and Bodies That Matter: On the Discursive Limits of Sex (1993)… có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong ngành nghiên cứu giới.

1.2.2. Lý thuyết về diễn ngôn giới và diễn ngôn tính dục

“Diễn ngôn” (discourse) là lĩnh vực nghiên cứu năng động và có lịch sử phát triển lâu dài trên thế giới từ những năm sáu mươi của thế kỉ XX, nhưng lại mới chỉ được tiếp nhận và ứng dụng phổ biến ở Việt Nam trong khoảng chục năm trở lại đây.

Theo dòng phát triển, các lớp ý nghĩa và quan niệm về diễn ngôn ngày càng phức tạp, chồng chéo và vẫn tiếp tục tạo sinh trong các lĩnh vực chuyên ngành cũng như liên ngành; tạo nên một bức “tường thành” ngăn trở con đường duy danh. Diễn ngôn được sử dụng trong ngôn ngữ học, nghiên cứu văn học, nghiên cứu văn hóa, xã hội học... nhưng ở mỗi một lĩnh vực, nó lại mang những hàm nghĩa và cách vận dụng khác nhau. Hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang tồn tại nhiều cách phân loại diễn ngôn theo những tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, dựa vào thực tiễn vận dụng khái niệm diễn ngôn trong các lĩnh vực, có thể khái quát thành ba xu hướng nghiên cứu diễn ngôn cơ bản đó là: ngôn ngữ học, lí luận văn học và xã hội học. Nghiên cứu về giới từ góc độ diễn ngôn đang trở thành một hướng tiếp cận phổ biến và hiệu quả hiện nay, khi nó giúp khắc phục các nhược điểm của cách tiếp cận xã hội học lịch sử trước đây; chỉ ra được bản chất của các thực hành giới và cấu trúc giới ở mỗi nền văn hóa cùng các thiết chế quyền lực chi phối đến việc vận hành tri thức về giới và sự kiến tạo ngôn ngữ giới.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.

Theo Sara Mills trong Discourse, có thể thấy ba cách định nghĩa khác nhau về diễn ngôn trong các trước tác của Foucault. Thứ nhất, diễn ngôn được coi là tất cả các nhận định nói chung, đó là tất cả các phát ngôn hoặc văn bản có nghĩa và có một hiệu lực nào đó trong thế giới thực. Thứ hai, diễn ngôn là một nhóm các diễn ngôn cụ thể, được qui ước theo một cách thức nào đó và có một mạch lạc hoặc một hiệu lực nói chung, được nhóm lại với nhau bởi một áp lực mang tính thiết chế nào đó, bởi sự tương tự giữa xuất xứ và bối cảnh hay bởi chúng cùng hành động theo một cách gần giống nhau. Thứ ba, diễn ngôn là một thực tiễn sản sinh ra vô số các nhận định và chi phối việc vận hành của chúng. Ở đây, diễn ngôn không chỉ được coi như “một cái gì tồn tại cố hữu, tự thân và có thể được phân tích một cách cô lập mà là những qui tắc và cấu trúc nhằm tạo ra những phát ngôn và những văn bản cụ thể. Đó là một hệ thống của “những tư tưởng, quan điểm, khái niệm, cách thức tư duy và hành xử, những cái được hình thành trong một bối cảnh xã hội cụ thể” [78] Do đó, diễn ngôn chịu sự chi phối mạnh mẽ của thiết chế và quyền lực.

M. Foucault cho rằng: thực tại dù có trước, song, hiện thực ấy chỉ sau khi được tái tạo thành diễn ngôn thì mới trở thành ý thức của con người và rồi sau đó, con người sẽ hành xử với thế giới theo nội dung của diễn ngôn chứ không phải với bản chất “tự nhiên” vốn có của nó. Nói khác đi, thế giới khách quan vẫn tồn tại nhưng

Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX dưới góc độ giới - 4

chúng chỉ có được một nội dung, ý nghĩa cụ thể thông qua diễn ngôn. Bên cạnh đó,

M. Foucault cũng chỉ ra những yếu tố tham gia vào cơ chế kiến tạo diễn ngôn đó là hình thái ý thức xã hội, trạng thái tri thức cơ chế quyền lực trong xã hội. Theo ông, diễn ngôn là hệ thống các hạn chế, giới hạn đối với hoạt động ngôn ngữ của con người. Ba yếu tố kể trên chính là những áp chế tạo ra sự ràng buộc, cho phép người ta ở vào những thời điểm lịch sử - xã hội cụ thể sẽ được nói gì, không được nói gì và nói như thế nào. Mối quan hệ phức tạp giữa diễn ngôn và quyền lực được Foucault chỉ ra: “Diễn ngôn có thể vừa là một công cụ, vừa là hệ quả của quyền lực; đồng thời, cũng là một vật cản, một khối chướng ngại vật, một mũi kháng cự và một điểm bắt đầu cho chiến lược đấu tranh. Diễn ngôn làm lan truyền và sản sinh quyền lực, nó củng cố chính nó, nhưng cũng hủy hoại nó và phơi bày nó, làm cho nó yếu đi và khiến nó có thể gây trở ngại cho chính nó” [78]. Bên cạnh đó, trong cơ chế kiến tạo nên diễn ngôn, tri thức không phải là cái bất biến, được xác lập mãi mãi mà luôn luôn có sự thay đổi, chuyển di. Tuy nhiên, dù tri thức được hình thành như thế nào, trong nền văn hóa nào, nó cũng đều chịu sự vận hành, chi phối của quyền lực, phục vụ cho mục đích của chủ thể diễn ngôn. Những luận điểm này của Foucault đặt ra vấn đề cần “xét lại” các hiện tượng thiểu số, ngoại vi, phi chính thống,... vốn xưa nay được coi như cái hiển nhiên, một thứ căn tính trong các nền văn hóa; đưa những diễn ngôn bên lề về đúng quỹ đạo của nó sau những thời gian dài chịu trấn áp. Sự phát triển của những lý thuyết về phụ nữ, tính dục, thuộc địa, chủng tộc, đồng tính... trên thế giới những năm gần đây là minh chứng rõ nét cho điều đó.

Diễn ngôn về giới (gender discourse) có lẽ là một trong những loại diễn ngôn nhạy cảm và phức tạp nhất bởi các biểu hiện và sự chồng chéo của nó trong đời sống, với các lĩnh vực giao cắt phong phú. Giới tính khi được soi chiếu dưới lăng kính của lý thuyết diễn ngôn sẽ trở thành một khái niệm lỏng và chất vấn những định kiến cũng như khuôn mẫu giới truyền thống. Theo đó, giới tính không đơn thuần chỉ là sự tạo thành hay khác biệt về mặt sinh học, không chỉ là một hệ thống nhị nguyên chỉ bao gồm hai giới là nam và nữ. Bản dạng giới của con người (gender identity) được hình thành, phát triển dưới sự tác động của văn hóa, xã hội và các thiết chế quyền lực. Là giới này hay giới kia không còn đơn thuần chỉ là vấn đề về giới tính sinh học mà là sự mong đợi về việc tuân thủ các chuẩn mực trong một nền văn hóa được củng cố liên tục và nhiều lần. Việc tuân thủ các bộ khung tiêu chuẩn mà xã hội/ thiết chế

quyền lực tạo ra, thực hiện các kỳ vọng về khuôn mẫu giới nhằm xác lập nam tính/ nữ tính. Như vậy, giới tính không phải là cái được tạo thành trước và có tính cố định, không thể thay đổi.

Trong quá khứ, bằng cách nào mà diễn ngôn về giới được tạo lập, bằng cách nào mà nam giới trở thành chủ thể của các diễn ngôn thống trị? Pierre Bourdieu trong Sự thống trị của nam giới cho rằng: “Sức mạnh của nam giới lộ rõ ở chỗ nó chẳng cần biện minh: cách nhìn lấy nam giới làm trung tâm tự áp đặt như là trung tính và không cần tự phát biểu trong những diễn ngôn nhằm hợp thức hóa cách nhìn đó. Trật tự xã hội vận hành như một cỗ máy tượng trưng vô cùng lớn lao nhằm phê chuẩn sự thống trị của nam giới là cơ sở trên đó trật tự này được thiết lập: đó là sự phân chia lao động theo giới, sự phân phối rất nghiêm ngặt các hoạt động được thuận cho mỗi giới, phân phối các nơi chốn, các thời điểm, các phương tiện của họ; đó là cấu trúc không gian, với sự đối lập giữa nơi nghị hội hoặc thương trường, dành cho đàn ông, và ngôi nhà, dành cho đàn bà, hoặc, ở bên trong nhà, giữa phần của nam giới, với bếp lò, và phần của phụ nữ, với chuồng bò, nước và thảo mộc; đó là cấu trúc thời gian, ngày, năm nông nghiệp, hoặc chu kỳ cuộc sống, với những thời điểm đứt đoạn, của nam giới, và những thời kì hoài thai dài, của nữ giới” [7, tr.8-9]. Diễn ngôn giới, do đó không đơn thuần chỉ là các quan niệm, phát biểu, nhận định, bình luận..., nó còn là sự thực hành/biểu diễn (perfomance) trong mọi hoạt động xã hội của con người.

Dưới sức mạnh thống trị của nam giới, nữ giới được xem như “đối tượng tượng trưng mà thực thể (esse) là một thực-thể-được-tri-giác (percipi), có hiệu quả là đặt phụ nữ vào một trạng thái thường trực bất an toàn về thể chất hoặc hơn nữa, vào tình trạng phụ thuộc tượng trưng: họ tồn tại trước hết nhờ vào và để cho cái nhìn của kẻ khác, nghĩa là với tư cách những đối tượng niềm nở, hấp dẫn, có thể tùy nghi sử dụng. Người ta chờ đợi ở họ rằng họ “có nữ tính”, nghĩa là tươi cười, dễ mến, ân cần, phục tùng, kín đáo, thận trọng, thậm chí ẩn mình đi. Và cái mạo nhận là “nữ tính” thường chẳng là gì khác ngoài một hình thái chiều lòng những trông chờ, có thực hay giả định, ở nam giới, nhất là vấn đề phóng đại cái ego (tự ngã). Vì vậy, mối quan hệ phụ thuộc vào những người khác (và không chỉ đàn ông) có khuynh hướng trở nên bộ phận cấu thành thực thể của họ” [7, tr.116]. Như thế, nữ giới đã bị cấu trúc hóa, trở thành một đối tượng mang tính công cụ, một cấu trúc phụ thuộc dễ bị nhào nặn và những khái niệm như nữ tính thực chất chính là sự mong chờ, trông đợi của nam giới

về một thực thể nữ đã được cấu trúc lại theo các nội hàm mà họ kiến tạo. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu đã phủ nhận sự tồn tại của những khái niệm như nam tính/ nữ tính và coi đó chỉ như những quá trình biểu hành; không thể định lượng và cố kết các phẩm chất, đặc điểm nam tính/nữ tính vào một khuôn khổ nhất định.

Diễn ngôn về tính dục có thể được tìm thấy trên nhiều lĩnh vực mà ở đó, tri thức về giới tính và hành vi tính giao đã được nhào nặn theo một khung khổ được ấn định và kiểm soát; nhằm hình thành các chuẩn mực, điều khiển nhận thức của con người. Những gì đi lệch khỏi các hệ khái niệm này đều bị coi là kì dị, sai lệch, cần phải điều chỉnh. Trong suốt nhiều thế kỉ, các hiện tượng như đồng tính nam/nữ bị trấn áp trong vòng các diễn ngôn sinh học, trở thành hiện tượng bị kì thị, xa lánh, đối tượng của sự chối bỏ và che giấu. Những khái niệm như tình dục đồng giới và tình dục dị giới được xem như những minh chứng rõ rệt cho việc tính dục đã được tạo ra như thế nào dưới tác động của quyền lực và diễn ngôn. Theo Trần Đình Sử: “Foucault cũng vứt bỏ quan niệm xem diễn ngôn chỉ là phương tiện phản ánh hiện thực. Ông không phủ nhận sự tồn tại của hành vi tính dục cụ thể, cũng không phủ nhận con người có sự phân biệt giới tính về sinh lí, con người có khí quan tính dục. Điều ông muốn khăng định là cái gọi là “tính dục” là kết quả của các loại diễn ngôn phân tích, miêu tả, và nhằm mục đích quy phạm nó, chứ không phải là nguyên nhân. Nó chẳng phải là bí mật bản chất của cá nhân hay của nhân loại. Cái gọi là sự áp chế là do quyền lực xã hội, nhưng không phải là do ai thao túng, mà là quyền lực và tri thức, quyền lực dưới hình thức tri thức, tức là dưới các hình thức diễn ngôn đó tạo ra gọi là tính dục. Như thế muốn hiểu các hiện tượng trong đời sống xã hội còn cần phải khảo cổ học tri thức trong diễn ngôn để giải mã chúng [105]. Tính dục là mối quan tâm đặc biệt của Foucault. Theo Foucault, tính dục không phải là cái được phát hiện ra, được tìm thấy mà là cái được tạo ra. Tính dục được tạo ra trong các diễn ngôn chứ không phải một cái gì đó tồn tại khách quan, mang bản chất của một thiết chế văn hóa, có tính tạo tác nhằm hợp thức hóa các quan hệ quyền lực: “Không nên nghĩ về tính dục như một cái gì đó tồn tại khách quan mà quyền lực cố gắng kiềm chế hoặc như một lĩnh vực mờ tối mà tri thức cố gắng từng bước khám phá ra. Tính dục là một tạo tác mang tính lịch sử (historical construct)” [135].

Và theo tác giả Trần Văn Toàn, “như thế, thay thế cho câu hỏi: tính dục là gì, chúng ta phải hướng đến câu hỏi: tính dục được tạo ra như thế nào từ những diễn

ngôn, ai là chủ thể của diễn ngôn ấy, nó diễn ra ở thời điểm nào và hướng đến mục đích gì? Một cách khái quát, tính dục có nguồn gốc từ những thiết chế văn hóa hơn là từ những cơ chế sinh học. Chính điều này khiến cho quan niệm về tính dục là rất đa dạng trong trục không gian và khả biến trong trục thời gian” [135]. Việc nghiên cứu văn hóa/ văn học từ góc độ giới cần phải gắn bó mật thiết với nghiên cứu tính dục và các thiết chế văn hóa của thời đại tác động đến những diễn ngôn tính dục đó. Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX là giai đoạn mà diễn ngôn giới đã có sự song hành cùng với diễn ngôn tính dục, tiếng nói về tính dục cho thấy những vai nói/ vai phát ngôn mới về quyền sống của con người, thức tỉnh ý thức về con người cá nhân trong bối cảnh hậu kỳ trung đại.

1.2.3. Quan niệm về nam tính

Nghiên cứu về giới lâu nay thường quá tập trung vào sự đối lập giữa nam tính và nữ tính, hướng trọng tâm nghiên cứu vào nữ giới để chỉ ra những bất bình đẳng và thua thiệt mà giới này phải gánh chịu cũng như các cơ chế “đàn áp” nữ giới, đồng thời khuyến khích nữ giới tìm con đường lật đổ các trật tự bất công để giải phóng mình. Nam giới thường được cho là nguyên nhân gây nên tình trạng thua thiệt ở nữ giới, và do vậy thường ít được nghiên cứu độc lập, mà thường được gộp chung trong một tập hợp được gọi chung là nghiên cứu giới. Tại sao cần nhấn mạnh vào việc cần có một lĩnh vực nghiên cứu về nam tính trong (hoặc bên cạnh, song song với) nghiên cứu giới? Đó là vì trong nhiều năm qua, nam giới và nam tính chưa được nhìn nhận đầy đủ về tính đa dạng của nó, và những thua thiệt ở nữ giới không nhất thiết do đàn ông gây ra. Tương tự như nữ giới, đàn ông cũng bị ấn định nam tính trong một (hoặc một vài) khuôn mẫu ít ỏi; tạo nên cái nhìn định kiến và phiến diện. Và thực trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Cần có một cách nhìn toàn diện về nam tính, về những cách làm đàn ông trong các nền văn hóa khác nhau và những thiết chế quy định những cách thức ấy. Nghiên cứu về nam tính và nam giới cũng mang lại chìa khóa để tìm hiểu những khuất khúc trong diễn ngôn quyền lực.

Nam tính là một tập hợp những thuộc tính, cách ứng xử và vai trò thường được gán cho những chàng trai hay những người đàn ông. Nam tính được xây dựng từ những quan điểm xã hội và những cấu tạo về mặt sinh học, phân biệt với định nghĩa “đàn ông” trong khái niệm “Giới” của sinh học. Cả đàn ông và phụ nữ đều có thể thể hiện những đặc điểm và cách ứng xử nam tính. Theo khung phân tích về nam tính do Connell (1995)

phát triển thì nam tính là một cách để làm đàn ông. Cách làm đàn ông thực chất là những giá trị, chuẩn mực xã hội quy định thái độ và hành vi của nam giới. Các giá trị và chuẩn mực này không tĩnh tại mà luôn thay đổi, tùy theo các đặc thù kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia, khu vực, vùng miền, nhóm người, hay thời đoạn lịch sử. Giống như quan niệm về giới, quan niệm về nam tính nhấn mạnh việc không nên hiểu nam tính như một đặc điểm sinh học, sẵn có từ khi sinh ra, mà nó có tính xã hội.

Trên thế giới, nam tính được nghiên cứu manh nha vào khoảng giữa thập kỉ 80 và đặc biệt là đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX; chính thức trở thành một xu hướng nghiên cứu vào khoảng những năm 1992 với công trình của Jeff Hearn Men in the public eye (Đàn ông trong con mắt công chúng), và đặc biệt sau đó là R.W. Connell năm 1995 với Masculinities (Nam tính). Công việc của Connell, đúng với mong muốn của bà, đã đưa nam tính và thực hành giới tính của nam giới trở thành một lĩnh vực nghiên cứu độc lập và liên tục được phát triển, bồi đắp trong các công trình của các tác giả khác sau đó ở nhiều vùng và quốc gia. Nam tính không còn bị xem xét ở trạng thái tĩnh, số ít (masculinity) mà phải được đặt trong trạng thái liên tục biến đổi, tái tạo, số nhiều (masculinities).

Thuật ngữ “nam tính bá quyền” (hegemonic masculinity), được Connell đề xuất, giới thiệu lần đầu trong những năm 1980 và công bố chính thức trong công trình Masculinity xuất bản lần đầu năm 1995 là một trong những khái niệm quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu nam tính. Nam tính bá quyền được Connell định nghĩa như sau: “Là những thuộc tính liên quan đến các thực hành giới, hiện thân của việc thực hành hệ tư tưởng gia trưởng đang được xã hội chấp nhận, và hệ tư tưởng gia trưởng này chính là cơ sở để duy trì (hoặc được sử dụng để duy trì) cho vị thế bá quyền của nam giới và sự phục tùng, lệ thuộc của nữ giới” [173, tr.77]. Ở đây, tính gia trưởng được xem như điều kiện quan trọng cho sự hình thành và thay đổi cấu trúc của nam tính bá quyền: khi điều kiện cho việc bảo vệ chế độ gia trưởng thay đổi thì các căn cứ cho sự thống trị của nam tính cũng sẽ bị xói mòn. Các hình thức của nam tính bá quyền được thể hiện rất khác nhau trong nhiều bối cảnh khác nhau, nhưng thường liên quan đến các đặc tính như quyết đoán, kiểm soát, tự tin, hung hăng, tham vọng, thích cạnh tranh và mạnh mẽ.

Hai giả thuyết/giả định trung tâm của thuyết nam tính bá quyền là: 1. Có tồn tại một nam tính ở số nhiều (masculinities); 2. Các nam tính được tổ chức theo thứ bậc.

.....

⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/09/2022