quyền lực và các thiết chế văn hóa luôn thống trị, trấn áp diễn giải, đè nén những dấu hiệu lệch pha, ngoại biên vốn nằm ở các lĩnh vực giao cắt để tạo ra một bộ khung tri thức chính thống đậm đặc nam quyền. Những hiện tượng như mượn giọng nữ trong các khúc ngâm, quyền tác giả bản dịch Chinh phụ ngâm được xem như “trường hợp để ta nghiên cứu quá trình phái tính hóa tác giả, chứng minh cho luận điểm của phê bình nữ quyền, rằng phái tính được hình thành, được kiến tạo trong hoạt động diễn giải” [38, tr.40]. Hình tượng người kể chuyện dị sự từ điểm nhìn đàn ông vào số phận nữ giới cũng là một điểm đáng lưu tâm khi nó phổ biến ở hầu hết các tác phẩm trung đại, đặc biệt như ở Truyện Kiều.
Một số luận văn, luận án bước đầu tìm hiểu văn học Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX từ lý thuyết nữ quyền luận (feminism) như: luận án tiến sĩ Thơ Nôm Hồ Xuân Hương nhìn từ lý thuyết nữ quyền (Học viện Khoa học xã hội, năm 2014) của Phạm Thị Thuận… Ngoài ra, có thể kể đến công trình Văn học và giới nữ (Một sô vấn đề lý luận và lịch sử) (Nxb Thế giới, 2016) do Phùng Gia Thế, Trần Thiện Khanh biên soạn. Đây là công trình tuyển tập các nghiên cứu về giới nữ và nữ quyền trong văn học Việt Nam từ cổ trung đại đến hiện đại. Một số bài viết đáng chú ý là: Từ thực tiễn văn học Việt Nam, góp thêm một tiếng nói phương pháp luận vào cuộc thảo luận quốc tế về vấn đề Nho giáo và nữ quyền của tác giả Trần Nho Thìn, Ý thức phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam của tác giả Nguyễn Đăng Điệp, Kháng cự tình trạng mất tiếng nói: tiếng nói như một thân phận và như một hành động của tác giả Trần Thiện Khanh… Tác giả Trần Nho Thìn khi tìm hiểu mối quan hệ giữa Nho giáo và nữ quyền đã khẳng định: bên cạnh hạn chế của Nho giáo đối với phụ nữ, thì Nho giáo còn có tiềm năng của một học thuyết nữ quyền và văn học thế kỷ XVIII – XIX có một dòng văn học nữ quyền. Hồ Xuân Hương với thân phận lẽ mọn đã bộc bạch nỗi khao khát tình yêu gắn liền với dục tính, đã đề cập đến quyền sống của người phụ nữ và những nhu cầu bản năng của phụ nữ, có ý nghĩa quan trọng trong việc khơi dậy ý thức nữ quyền trong văn học. Tiếp nối mạch nghiên cứu này là luận án Thơ Nôm Hồ Xuân Hương nhìn từ lý thuyết nữ quyền của tác giả Phạm Thị Thuận, với góc nhìn về thân phận nữ giới và hành trình đi tìm bản ngã người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương.
Các công trình này đã chỉ ra những dấu vết và biểu hiện sơ khởi của ý thức nữ quyền trong văn học trung đại, đặc biệt trong giai đoạn thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ
XIX, coi đây là những điểm tiến bộ, mới mẻ, có tính đột phá so với các giai đoạn trước đó; đồng thời đặt ra những hướng tiếp cận mới từ lý thuyết diễn ngôn, tự sự học, thuyết lệch pha… để có cái nhìn đa chiều về một giai đoạn văn học đa thanh.
1.1.1.3. Tiếp cận từ quan niệm về cấu trúc nam tính – nữ tính
Phát triển kém năng động hơn xu hướng nghiên cứu giới từ lý thuyết nữ quyền là hướng nghiên cứu cấu trúc nam tính - nữ tính. Không nên đánh đồng hoặc đưa cấu trúc nam tính - nữ tính trở thành một bộ phận của nghiên cứu lý thuyết nữ quyền. Các quan niệm về nam tính - nữ tính xâm nhập vào mọi nền văn hóa, hình thành các bộ khung về những cách làm đàn ông và phụ nữ khác nhau, được ghi dấu trong các tác phẩm văn học. Một số công trình tiếp cận từ hướng nghiên cứu này của các tác giả Trần Văn Toàn, Mai Thu Huyền… đã khai thác khoảng trống trong nghiên cứu, ứng dụng lý thuyết giới, đó là nghiên cứu về nam tính. Các công trình nghiên cứu văn học từ góc độ hình tượng người phụ nữ, tính nữ và lý thuyết nữ quyền chiếm số lượng áp đảo, trong khi chưa có một công trình nghiên cứu chuyên biệt và đầy đủ về nam tính.
Tác giả Trần Văn Toàn khi nghiên cứu về quan niệm và cấu trúc nam tính trong văn học Việt Nam đã dẫn giải những nghiên cứu về nam tính Trung Quốc của Kam Louie với những gợi ý quan trọng. Theo Louie, nam tính Trung quốc truyền thống được đặc trưng bởi hai thuộc tính: văn (wen) – võ (wu): “Theo nghĩa đen, cặp khái niệm này có nghĩa là tính văn chương – thượng võ, và nó bao hàm sự lưỡng phân giữa những thành tựu văn hóa – võ lực, tinh thần và thể chất và v..v. Bởi vì bao chứa cả những nhân tố thể chất (physcical) và tinh thần (mental) của người đàn ông lí tưởng (ideal man), nên văn – võ được kiến tạo cả về phương diện sinh học và văn hóa” [137, tr.43-44]. Tác giả đã chỉ ra cấu trúc nam tính thiên về văn của văn hóa Trung Quốc cũng như Việt Nam, khác hoàn toàn với mẫu hình nam tính cơ bắp của văn hóa Anh – Mỹ; đồng thời chỉ ra vị trí quan trọng của mẫu hình kẻ sĩ và truyền thống ―năng văn‖ trong văn hóa, văn học Việt Nam: “Cho dù đã có những thời điểm bị khinh miệt bởi những kẻ võ biền thì trong toàn bộ lịch sử (với ảnh hưởng kéo dài của Nho giáo) văn nhân, kẻ sĩ vẫn luôn có một vị trí được trọng vọng đặc biệt. Một nhân vật với những võ công hiển hách như Nguyễn Công Trứ cũng vẫn dành cho văn một vị thế vượt trội so với võ nhất là trong khả năng duy trì trật tự và ổn định xã hội (...) Nguyễn Công Trứ là một danh tướng nhưng hơn thế, “năng văn” thậm chí còn là tiêu chí để xác lập hình ảnh của một hoàng đế lí tưởng (…) Sở hữu năng lực văn ở
đây là biểu hiện cho nam tính lí tưởng, là tiêu chí quan trọng cho thấy sự chính đáng và hợp thức để ngồi ở ngôi vị hoàng đế” [137, tr.43-44]. Tác giả Mai Thu Huyền với bài viết Lý thuyết hóa nam tính Trung Quốc: Xã hội và giới tính ở Trung Quốc của Kam Louie và những gợi ý cho việc nghiên cứu các hình mẫu nam nhân trong văn học Việt Nam đã có khái lược về lý thuyết nam tính của Kam Louie đồng thời đưa ra một vài gợi ý về việc khám phá văn học Việt Nam từ lý thuyết này. Đây cũng là những gợi dẫn cho luận án tiến hành hướng nghiên cứu.
Hướng nghiên cứu về cấu trúc nam tính tuy không còn xa lạ trong các nền văn học ngoại lai nhưng ở Việt Nam, đặc biệt trong văn học trung đại, cấu trúc nam tính thường được hiểu đơn giản là hình tượng nam nhi cùng các phẩm chất mang nặng tính quy định của đạo đức Nho giáo; tương tự như nghiên cứu về nữ tính được đánh đồng với sự tái hiện và phân nhóm hình tượng phụ nữ. Cho nên, rất cần một hướng khai phá nghiêm túc và sâu sắc về đề tài còn nhiều tiềm năng này.
1.1.1.4. Tiếp cận từ văn hóa tính dục
Có thể bạn quan tâm!
- Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX dưới góc độ giới - 1
- Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX dưới góc độ giới - 2
- Lý Thuyết Về Diễn Ngôn Giới Và Diễn Ngôn Tính Dục
- Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX dưới góc độ giới - 5
- Bối Cảnh Lịch Sử, Văn Hóa, Tư Tưởng Hình Thành Diễn Ngôn Giới Trong Văn Học Việt Nam Thế Kỷ Xviii – Nửa Đầu Thế Kỷ Xix
Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.
Trước năm 1975, nhiều nhà nghiên cứu miền Nam ảnh hưởng từ thuyết phân tâm học của Freud đã vận dụng học thuyết này để nghiên cứu các tác phẩm văn học trung đại. Cụ thể là Trương Tửu và Nguyễn Văn Hanh áp dụng phân tâm học để giải thích hiện tượng Hồ Xuân Hương, xem thơ bà là sự thăng hoa của “con dục” [127, tr.61]. Nguyễn Đăng Thục, Đàm Quang Thiện cũng ứng dụng lý thuyết của Freud để tìm hiểu Truyện Kiều. Tiếp đến là hướng ứng dụng phê bình văn hóa – lịch sử của Taine với tác phẩm Nguyễn Du và Truyện Kiều (Văn Mới, 1942) của Trương Tửu: “Vượt qua cái tâm sự của con người xã hội và cách tiếp cận nhân-quả đơn tuyến, Trương Tửu tìm hiểu cá tính của Nguyễn Du” [127, tr.61], dựa trên các phương diện huyết thống, quê quán, thời đại. Đến những năm 90, khi tìm cách lý giải cái dâm cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương, Đỗ Lai Thúy đi tìm một lối tiếp cận khác theo lý thuyết của Jung để đưa cái dâm tục trong thơ Hồ Xuân Hương trở về với ngọn nguồn tín ngưỡng phồn thực dân tộc.
Tác giả Phạm Văn Hưng với công trình Văn hóa tính dục ở Việt Nam thế kỷ X – XIX (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018) đã chỉ ra sự khó khăn khi nghiên cứu cả một giai đoạn phát triển, nảy nở của văn hóa tính dục ở Việt Nam suốt mười thế kỷ do sự thiếu thốn về tư liệu; đồng thời đưa ra giải pháp phục dựng văn hóa tính dục Việt Nam thế kỷ X – XIX chủ yếu qua hai mảng tư liệu lịch sử và văn học. Công trình đã có
sự khảo cứu công phu về một số phương diện của văn hóa tính dục thời trung đại ở Việt Nam như: bản năng tính dục dưới sự “quản lý” của lễ và luật ; sự định vị và lưu thông những hàng hóa tính dục; những tưởng tượng và những ngã rẽ tính dục; câu chuyện về “đại sự phòng the”. Đây là công trình nghiên cứu sâu rộng và tương đối toàn diện về mười thế kỷ văn hóa tính dục của Việt Nam với phạm vi khảo sát tư liệu rộng lớn, bao trùm từ văn học, lịch sử, hội họa…
1.1.1.5. Tiếp cận từ lý thuyết lệch pha (queer theory)
Tác giả Trần Ngọc Hiếu trong bài viết: Tự sự học nữ quyền luận và khả năng ứng dụng đối với thực tiễn văn học Việt Nam đã lần đầu đề xuất sử dụng khái niệm “queer” của thuyết lệch pha/thuyết đồng tính (queer theory) để tiếp cận những hiện tượng như mượn giọng trong các khúc ngâm, vấn đề mặt nạ tác giả… nhằm tìm ra các mã giới tính ẩn giấu sau các tác phẩm. Với cách tiếp cận này, giới tính/ phái tính phải được nhìn nhận trong quá trình diễn giải, từ các diễn ngôn chồng lấn. Nội hàm của diễn ngôn liên tục được di chuyển, kiến tạo và tái lập trong những bối cảnh văn hóa và dưới những thiết chế quyền lực xác định. Văn học trung đại Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn văn học từ thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX là giai đoạn của các hiện tượng chồng lấn, nhòa nhiễu, sự chuyển di liên tục của các biểu hành về giới tính, văn hóa... dẫn đến sự phức tạp của hệ thống diễn ngôn. Như thế, một hiện tượng văn học (tác phẩm, tác giả, nhân vật...) không nên và không thể bị gò cứng vào một vài cách diễn giải, ấn định nhằm tìm ra các giá trị nội tại về nội dung nghệ thuật mà sâu hơn, cần tìm kiếm các thiết chế quyền lực, các lớp tư tưởng ngầm ẩn dưới lớp áo ngôn từ giàu tính điển phạm.
Trong một bài viết khác: Văn học đồng tính ở Việt Nam – từ những hình thức ngụy trang đến các tự thuật thú nhận, tác giả Trần Ngọc Hiếu đã chỉ ra hiện tượng phụ nữ “bị làm rỗng, bị công cụ hóa để tôn vinh đạo lý tình bạn giữa những người đàn ông trong xã hội phong kiến” [37, tr.110] trong tích truyện Lưu Bình – Dương Lễ. Nó đã tiến hành vô hình hóa, ngoại vi hóa các giới tính khác ngoài nam giới, biến những thực thể thành những công cụ đạo lý phục vụ cho mục đích truyền tải đạo đức. Ứng dụng lý thuyết queer, tác giả đặt ra vấn đề sự cần thiết phải khảo sát từ trong văn học dân gian, nơi văn học tồn tại trong trạng thái nguyên hợp với các hình thái folklore khác như tín ngưỡng, hội hè, sân khấu dân gian,... – những hình thái mang tính chất trình diễn rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi bộc lộ, đảo trang hay vượt rào giới tính. Đặt vấn
đề về văn học đồng tính Việt Nam trong thời trung đại, tác giả Trần Ngọc Hiếu đưa ra hai phương diện chính: kiểu tác giả và sự thể hiện hình ảnh người đồng tính, chuyển giới, bị thiến hoạn.
Như vậy, nếu như xem giới tính/ phái tính được tạo ra trong quá trình trình diễn/ diễn giải (perfomance), những hiện tượng như mượn giọng, mặt nạ tác giả, đảo trang, hoán vị… có thể được xem xét như những thủ pháp biểu hiện diễn ngôn giới đặc thù hoặc như những biểu hiện/ thủ pháp cụ thể của queer. Một số công trình tiêu biểu đi theo hướng nghiên cứu này là chuyên luận “Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX‖ do PGS. TS Trần Nho Thìn biên soạn, ―Mặt nạ tác giả‖ - một gợi ý cho việc tiếp cận một vài hiện tượng văn học sử Việt Nam‖ của tác giả Lại Nguyên Ân (Tạp chí Sông Hương, số 252 tháng 2-2010), luận văn thạc sĩ Người phụ nữ trong Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm nhìn từ quan điểm giới (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, 2012) của tác giả Tạ Thị Thanh Huyền…
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận xét, có không ít hiện tượng văn học sử Việt Nam có thể được soi rọi dưới ánh sáng của các quan niệm về “mê hoặc văn chương” và “mặt nạ tác giả”, đặc biệt là hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương. Những sáng tác mà nay đang được gọi chung là thơ Hồ Xuân Hương có lẽ cần được xem xét như là tập hợp loạt sáng tác có chung quy tắc cách điệu hóa [3].
Công trình Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX do PGS. TS Trần Nho Thìn biên soạn đã có những nghiên cứu công phu và nhiều gợi ý nghiên cứu mới mẻ về vấn đề nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam từ góc độ giới. Với Chinh phụ ngâm, tác giả đào sâu vào việc phân tích giọng nữ và đặt ra vấn đề: Tại sao một tác giả nam giới lại thấy cần thiết phải hư cấu giọng nói của người khác giới? Mặc dù công nhận việc thay lời không còn xa lạ trong văn học trung đại nhưng tác giả cũng chỉ ra rằng đặc trưng minh bạch, đồng giới tính của hành động viết thay tạo cho nó tính hợp quy, trong khi việc hư cấu giọng nữ lại mang tính bất thường, vượt rào.
Và để lý giải hiện tượng mượn giọng này, tác giả Trần Nho Thìn viện dẫn khái niệm ventriloquism (được tác giả dịch là hư cấu giọng) để lý giải và cho đây là một hiện tượng có ý nghĩa bởi từ trước đến nay, người phụ nữ vốn chịu nhiều hạn chế trong phát ngôn và tự biểu hiện [121, tr.426]. Trong phần lý giải và đánh giá hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương, phần “Thơ của người phụ nữ mang tên Hồ Xuân Hương và thơ của nam giới gán cho Hồ Xuân Hương trong bối cảnh văn hóa tính dục truyền
thống‖, tác giả từ việc phân tích tính chất táo bạo trong tư tưởng của Hồ Xuân Hương đã chỉ ra xu hướng bị trấn áp, đè nén của diễn ngôn tính dục dưới áp lực của môi trường văn hóa thanh giáo sẽ làm nảy sinh hình thức đối phó phổ biến trong các nền văn hóa trung đại là cấm kỵ: “Một khi việc nói trực tiếp về dục tính bị coi như hành động cấm kỵ thì sẽ nảy sinh các hình thức đối phó với cấm kỵ” [121, tr.479]. Hình thức đối phó này còn tìm thấy ở sáng tác của Nguyễn Du. Nguyễn Du không thể, không dám trực diện nêu hình tượng thân thể và dục tính trong thơ chữ Hán nhưng chỉ riêng trong Truyện Kiều, ông rất mạnh dạn về mảng đề tài cấm kỵ này. “Nhưng để nói lên tiếng nói táo bạo, trực tiếp như thế, Nguyễn Du đã phải mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện, một tác phẩm nước ngoài. Để có thể tả thân thể cô Kiều tắm, để có thể bênh vực, cảm thông với thân phận của một kỹ nữ thanh lâu như nàng Kiều
– một thân phận bị không ít Nho gia sau ông kể cả một số Nho gia ở đầu thế kỷ XX – công kích là dâm, là đĩ – Nguyễn Du phải mượn giọng kể của một tác giả nước ngoài để che giấu tư tưởng về con người nhân bản, con người có quyền sống thân xác, có dục tính. Và ngay cả Kim Vân Kiều truyện cũng khuyết danh tác giả: tác giả Trung Quốc đã phải ẩn danh để dễ bề nói lên các dục vọng thân xác của con người” [121, tr.480-481]. Theo tác giả, hình thức hư cấu giọng nữ để chuyển tải tư tưởng đề cao thân thể và dục tính trong Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm khúc cũng là một biểu hiện khác của việc đối phó cấm kỵ về giới và đến Hồ Xuân Hương, vấn đề nhân thân cũng là một biểu hiện của đối phó cấm kỵ khi các nam nhân, những nhà thơ nam giới để tránh tiếng dâm tục, tránh sức ép của đạo đức Nho giáo, đã không cho phép họ ký tên mình sau mỗi sáng tác mà gán các sáng tác này cho người phụ nữ nổi tiếng phóng túng.
Theo tác giả Tạ Thị Thanh Huyền trong luận văn thạc sĩ Người phụ nữ trong Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm nhìn từ quan điểm giới (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, 2012) thì hiện tượng nhà thơ nam giới mượn giọng một nhân vật nữ vốn đã có từ rất lâu trong lịch sử văn học Trung Quốc, trong đó các nhà thơ nam giới mượn giọng nhân vật nữ như một hình thức ngụy trang để nói tới những vấn đề chính trị hoặc những điều cấm kỵ về tình dục: “Như vậy việc mượn giọng nữ giới chính là cơ hội để tác giả nam giới thoát ra khỏi những ranh giới gò bó về nam tính – nữ tính mà xã hội áp đặt lên họ, để họ được bày tỏ những gì mà họ bị cấm với tư cách là một người đàn ông” [48, tr.17].
Trở lên, có thể nhận thấy việc ứng dụng lý thuyết giới trong nghiên cứu văn chương nói chung và văn học Việt Nam nói riêng tuy đã đạt được một số thành tựu, nhưng chủ yếu tập trung ở giai đoạn văn học hiện đại và hướng tiếp cận phần lớn từ chủ nghĩa nữ quyền hoặc hình tượng người phụ nữ. Văn học Việt Nam trung đại thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX là giai đoạn văn học đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Các nhà nghiên cứu đã bước đầu đi sâu nghiên cứu một số vấn đề giới tính/ phái tính ở văn học giai đoạn này như: văn hóa tính dục, âm hưởng nữ quyền, hình tượng người phụ nữ, diễn ngôn về nam tính – nữ tính… Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa được triển khai tập trung, xu hướng nghiên cứu nghiêng nhiều về thế giới hình tượng phụ nữ trong khi hướng nghiên cứu về nam giới – nam tính còn bỏ ngỏ. Hướng tiếp cận từ diễn ngôn giới tuy không mới đối với giai đoạn văn học hiện đại nhưng lại chưa được triển khai liền mạch, chuyên sâu ở giai đoạn này. Đây là những tiền đề để chúng tôi tiến hành nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX từ góc độ diễn ngôn giới tính/ phái tính.
* Ngoài ra, một số luận văn, luận án bước đầu nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại giai đoạn thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX từ lý thuyết/ góc độ giới (gender studies) có thể kể đến: luận văn thạc sĩ Người phụ nữ trong ―Cung oán ngâm‖ và ―Chinh phụ ngâm‖ nhìn từ quan điểm giới (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, năm 2011) của Tạ Thị Thanh Huyền, luận văn thạc sĩ Sáng tác Nôm của Đoàn Thị Điểm và Hồ Xuân Hương nhìn từ quan điểm giới (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, năm 2014) của Hoàng Thị Kim Dung … Các công trình đã bước đầu vận dụng các khái niệm cơ bản của lý thuyết giới để phân tích, đánh giá các tác giả, tác phẩm của văn học thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX. Đây là cơ sở để chúng tôi tiến hành nghiên cứu với đề tài Văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX dưới góc độ giới. Tuy nhiên, đây là các công trình nghiên cứu từ các trường hợp tác phẩm cụ thể (case study) nên chưa đề xuất được phương pháp tiếp cận khái quát cho hướng nghiên cứu vận dụng lý thuyết giới.
1.1.2. Các tư liệu nước ngoài nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX từ lý thuyết giới
Bên cạnh đó, văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX là giai đoạn nhận được nhiều sự quan tâm nghiên cứu của các học giả nước ngoài. Có thể kể đến một số công trình nghiên cứu của Cong Huyen Ton Nu Nha Trang (The
traditonal roles of women as reflected in oral and written Vietnamese literature (1973), The Makings of the National Heroine A Prescriptive Reconstruction), Wendy
N. Duong, (Gender Equality and Women's Issues in Vietnam: The Vietnamese Woman—Warrior and Poet), Wynn Wilcox với bài viết về Hồ Xuân Hương và Lê Ngọc Hân (Women and Mythology in Vietnamese History: Le Ngoc Han, Ho Xuan Huong, and the Production of Historical Continuity in Vietnam); Olga Dror (Cult, Culture, and Authority: Princess Lieu Hanh in Vietnamese History (Southeast Asia: Politics, Meaning, and Memory) với những nghiên cứu về hình tượng Liễu Hạnh trong văn hóa, văn học Việt Nam; Mariam B.Lam với bài viết Truyện Kiều dưới góc nhìn văn học nữ quyền (Phạm Chi dịch); Nathalie Uyen (Nữ chính kinh điển và hóa thân thời hiện đại: Truyện Kiều và những tương đồng trong Printemps Inachevé), Rachel Carpenter (Heroinification: Constructing the Heroine, P erspectives from Vietnam and China)…
Các công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài hầu hết đều đi sâu khám phá các tác phẩm, tác giả cụ thể (Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương, Lê Ngọc Hân, Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm…) và chủ yếu hướng đến hình tượng người phụ nữ. Mariam B. Lam “khám phá ba chủ đề văn học hay truyền thống văn học: lòng tự hào dân tộc và chủ nghĩa yêu nước, quyền lực của ngôn ngữ dân tộc và các xu hướng đạo đức tôn giáo bằng cách xem xét cách nghệ thuật xây dựng nhân vật phụ nữ trong tác phẩm kinh điển của Truyện Kiều. Nhấn mạnh tác phẩm này là để xem các giá trị và truyền thống dân tộc được lưu giữ, chuyển hóa (chuyển nhập) và viết lại trên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như thế nào” [60]. Wynn Wilcox trong bài viết Phụ nữ và huyền thoại trong lịch sử Việt Nam: Lê Ngọc Hân, Hồ Xuân Hương và việc tạo ra tính liên tục về lịch sử tại Việt Nam (Women and Mythology in Vietnamese History: Le Ngoc Han, Ho Xuan Huong, and the Production of Historical Continuity in Vietnam) đã bước đầu đưa ra những kết luận về phái tính và tính chất liên tục của những huyền thoại mà tiêu biểu ở đây là huyền thoại về công chúa Ngọc Hân và Hồ Xuân Hương trong việc xây dựng căn cước dân tộc và tạo ra tính liên tục của lịch sử. Olga Dror với bài viết gây nhiều tranh cãi khi giải thiêng hình tượng mẫu Liễu Hạnh, cấp cho hình tượng thiêng liêng này những đặc điểm tự do, phóng khoáng hoàn toàn khác biệt với đặc điểm cần-phải-có của một hình tượng dân tộc, đã tạo ra những chiều dư luận mới mẻ và gợi dẫn đến