Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX dưới góc độ giới - 2

Thứ hai, từ việc xác lập lý thuyết, chúng tôi triển khai phân tích diễn ngôn nam tính, diễn ngôn nữ tính và sự hoán vị, dịch chuyển giữa hai loại diễn ngôn này trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX với các đặc điểm cụ thể.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Trong luận án này, chúng tôi tập trung tìm hiểu văn học trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX dưới góc độ giới nhằm tìm hiểu các diễn ngôn về giới tính – phái tính cũng như các tác động của những diễn ngôn quyền lực chi phối tư tưởng nghệ thuật, xây dựng hình tượng.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu của đề tài là văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ

XIX. Về phạm vi tư liệu, do số lượng tác giả và tác phẩm lớn, chúng tôi sẽ không thể đi sâu toàn bộ các hiện tượng tác giả, tác phẩm mà sẽ tập trung hơn vào khảo sát các trước tác và tác giả tiêu biểu của giai đoạn này như: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Phạm Thái… Các sáng tác của các tác giả khác sẽ là nguồn tư liệu để chúng tôi tiến hành khảo sát, so sánh, đối chiếu, phân tích khi cần thiết.

4. Phương pháp nghiên cứu

4.1. Phương pháp tiếp cận liên ngành

Trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, tiếp cận liên ngành là một phương pháp có nhiều ưu điểm so với các phương pháp nghiên cứu khác. Trong luận án này, phương pháp nghiên cứu liên ngành được vận dụng để tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa. Phương pháp này sẽ giúp chúng tôi thấy được những nền tảng hình thành và quá trình vận động, phát triển của những quan niệm về giới trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX trong mối liên hệ với các bối cảnh, thiết chế văn hóa; giúp soi chiếu mối liên hệ giữa văn hóa và văn học.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.

4.2. Phương pháp lịch sử

Đề tài được lựa chọn là nghiên cứu về một giai đoạn văn học, nên chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử để thấy được sự phát triển, những tiến bộ hoặc hạn chế của vấn đề trong chiều dài lịch sử và các bối cảnh xã hội cụ thể.

Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX dưới góc độ giới - 2

4.3. Phương pháp loại hình

Luận án khảo sát, tiếp cận văn học Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX từ diễn ngôn về giới và các lý thuyết có liên quan. Phương pháp loại hình được sử dụng để tìm hiểu các loại hình diễn ngôn, đến việc phân loại kiểu tác giả và hình tượng, các cấu trúc nam tính - nữ tính… trong văn học giai đoạn này.

Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX là giai đoạn có mức độ kết tinh đặc biệt cả về lượng và chất. Do vậy, với phạm vi tư liệu khá bề bộn và có những tư liệu nằm ngoài khả năng tiếp cận của chúng tôi nên luận án chọn lối nghiên cứu trường hợp, thông qua các tác phẩm tiêu biểu đã được dịch thuật và công bố. Ngoài ra, luận án sử dụng một số thao tác nghiên cứu như giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, hệ thống hóa, mô hình hóa,… để hỗ trợ cho các phương pháp nghiên cứu trên.

5. Đóng góp mới của luận án

- Luận án bước đầu giới thiệu các vấn đề lý luận cơ bản về lý thuyết giới và hướng nghiên cứu, tiếp cận văn học từ diễn ngôn giới tính, phái tính; từ đó đặt vấn đề nghiên cứu có tính hệ thống về giới trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu XIX dưới sự soi sáng của lý thuyết diễn ngôn.

- Tìm hiểu văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu XIX từ diễn ngôn về giới tính/ phái tính, luận án khám phá những bình diện quan trọng như: quan niệm và hình dung về nam giới/ nữ giới, nam tính/ nữ tính; những đặc trưng về diễn ngôn giới, một số hiện tượng văn hóa tính dục và thủ pháp biểu hiện diễn ngôn giới đặc thù, từ đó làm nổi bật quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, giải thích sự khác biệt trong quan niệm nghệ thuật về con người của giai đoạn này so với các giai đoạn văn học trung đại khác.

- Luận án góp phần khẳng định triển vọng nghiên cứu của hướng tiếp cận văn học từ lí thuyết giới. Theo hướng nghiên cứu này, nhiều hiện tượng văn học, trong đó có văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX sẽ được phân tích, khai thác thêm nhiều tầng vỉa ý nghĩa mới.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn

Về mặt lý luận: Thông qua nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX từ góc độ giới, luận án chỉ ra sự cần thiết của việc tiếp cận một giai

đoạn nhiều thành tựu của văn học trung đại Việt Nam từ các lý thuyết hiện đại, từ đó chỉ ra những điểm nhìn mới mẻ, đa chiều trong quan niệm nghệ thuật về con người.

Về mặt thực tiễn:

- Kết quả nghiên cứu của luận án khẳng định triển vọng nghiên cứu của hướng tiếp cận văn học từ lý thuyết giới nói riêng và các lý thuyết hiện đại nói chung, cung cấp cơ sở khoa học cho các nghiên cứu liên ngành khác.

- Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp các phương pháp nghiên cứu từ lý thuyết giới trong việc nghiên cứu, giảng dạy các tác giả, tác phẩm thuộc giai đoạn văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX.

7. Cấu trúc luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục các công trình nghiên cứu của các tác giả có liên quan đến đề tài, Tài liệu tham khảo, nội dung chính được triển khai trên 4 chương:

- Chương 1: Tổng quan các vấn đề liên quan đến đề tài.

- Chương 2: Quan niệm về nam giới và nam tính trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX.

- Chương 3: Quan niệm về nữ giới và nữ tính trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX.

- Chương 4: Một số hiện tượng văn hóa tính dục đặc biệt và thủ pháp biểu đạt giới đặc thù.

Chương 1

TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI


1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu

1.1.1. Các tư liệu tiếng Việt nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX từ lý thuyết giới

1.1.1.1. Tiếp cận từ góc độ hình tượng người phụ nữ và tính nữ

Có thể thấy một thực tế là khi nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, các nhà nghiên cứu có xu hướng dành phần ưu ái những đối tượng có địa vị thấp kém, số phận bất hạnh, là đối tượng của bất công và áp bức xã hội trong thời đoạn loạn lạc rối ren của chế độ phong kiến. Mà trong số ấy, đối tượng bị đè nén, trấn áp, chịu bất hạnh nhiều nhất chính là người phụ nữ. Do đó, nghiên cứu về chủ nghĩa nhân đạo, truyền thống cảm thương của văn học giai đoạn này, khó lòng bỏ qua việc phân tích hình tượng người nữ như là một đối tượng cơ bản. Tuy nhiên, việc dùng hình tượng người nữ như một biểu hành để chứng minh cho luận đề về lòng nhân ái và chủ nghĩa nhân đạo của các tác giả nam giới lại là một câu chuyện khác, mà chúng tôi sẽ bàn tới ở phần sau. Ở đây, việc trưng dụng hình ảnh phụ nữ như một đối tượng nhị nguyên trong suốt trong những cặp phân chia đối lập về tính cách, thân phận, chức năng... làm cho hình tượng phụ nữ dần dần bị đánh rỗng, trở thành thứ hình tượng được tồn tại qua sự tri nhận và làm đầy của đối tượng làm chủ. Nghiên cứu văn học từ góc độ giới ở giai đoạn này chưa phải là ý thức tự giác, mà mới chỉ dừng lại ở việc “phục dựng” các hình mẫu, các cặp đối lập, chỉ ra sự vênh lệch trong cấu trúc giới tính, vạch ra sự bất công mà thế giới hình tượng nhỏ yếu bên lề như phụ nữ phải gánh chịu; đồng thời khẳng định địa vị “huy hoàng” của phụ nữ trong thời đại nhà Nho – nam giới “mất giá”, đạo đức phong kiến “mất thiêng”. Điều đáng chú ý là một phương hướng tiếp cận từ quan điểm giới như vậy vẫn còn kéo dài đến hiện nay, khi lịch sử nghiên cứu văn học từ lý thuyết giới thực chất vẫn chỉ là lịch sử nghiên cứu hình tượng phụ nữ, sáng tác nữ hoặc theo hướng đề cao ca ngợi vẻ đẹp, phẩm chất của người phụ nữ. Nó cũng chứng minh một điều rằng, phụ nữ luôn là đối tượng chịu sự quan sát và phán xét (dù bằng bất cứ thái độ nào); là đối tượng nhỏ yếu, ngoại vi như một tất yếu (nên cần bênh vực, chiêu tuyết, ngợi ca); là hiện thân của một thứ thang đo tiến hóa/tiến bộ xã hội nghiệt ngã mà ở đó sự thay đổi địa vị

chưa chắc đã vì chính quyền lợi của họ mà trước mắt, để khẳng định các trật tự mới, thiết chế mới, những tiến bộ của một xã hội khác xưa.

Phan Ngọc trong công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều xuất bản lần đầu năm 1965 đã đưa ra nhận định về một hiện tượng vừa “hiển nhiên” nhưng lại vừa “ít được chú ý” trong văn học Việt Nam trước thời Lê mạt là trong những tác phẩm được quy định niên đại chính xác, trừ Truyền kỳ mạn lục, ―hầu như không có đàn bà” [79, tr.29]. Phan Ngọc đã chỉ ra tính chất bị trấn áp, bị quy định, vô âm sắc của hình tượng người nữ trước thời Lê mạt, dưới tác động của thiết chế nam quyền. Muốn được công nhận, được xuất hiện, người phụ nữ phải thủ tiêu bản sắc, thỏa hiệp với các diễn ngôn về phẩm hạnh mà nam giới và xã hội phong kiến đặt ra. Như thế, người phụ nữ dễ dàng được phân chia đơn tuyến, biệt lập vào các vai, các nhóm, các tính cách điển hình nhằm thỏa mãn việc trình bày một luận đề đạo đức nào đó. Các nét riêng, thuộc về bản sắc bị tẩy xóa; thay thế bằng các nhóm, kiểu, dạng phận vị chức năng. Tuy thế, “tình hình vào thời Lê mạt khác hẳn. Cái đối tượng mà nền văn học cũ không dám nhắc đến, thì nay trở thành thần tượng của nền văn học mới. Người đàn bà xuất hiện mọi nơi, trở thành vị nữ hoàng mà hào quang và uy tín lấn át mọi thần tượng khác. Đây là người đàn bà―nghiêng nước nghiêng thành‖, khao khát tình yêu, có một cơ thể ―trong ngọc trắng ngà‖. Người đàn bà mà Nho giáo sợ hãi, Phật giáo xua đuổi, lúc này thống trị toàn bộ văn học [79, tr.29]. Phan Ngọc đã đặt đối sánh địa vị “huy hoàng” của người phụ nữ bên cạnh sự biến mất khỏi sân khấu của những hình tượng nam nhi truyền thống như một kết luận về sự thay đổi, tái lập thời đại mới; mà trên đó, các vấn đề về cá nhân và quyền con người sẽ được đặt lại, nhìn nhận lại xác đáng hơn, nhân văn hơn.

Tính đa dạng của thế giới hình tượng nhân vật nữ được tác giả Trần Thị Băng Thanh chỉ ra trong bài viết Nhìn qua những tác phẩm viết về đề tài phụ nữ trong văn học chữ Hán thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX trên Tạp chí Văn học số 1 năm 1978: “Mặt khác, những nhân vật phụ nữ xuất hiện trong tác phẩm cũng rất nhiều loại: có các hoàng hậu, phu nhân, công chúa, tiểu thư khuê các và cũng có chị em phụ nữ cần lao; có các nữ sĩ, ni cô, những nhân vật trong lịch sử, trong truyền thuyết và cả những con người thực trong cuộc đời. Thế giới nhân vật này rất đa dạng về tính cách và cũng rất khác nhau về số phận” [114, tr.68]. Tuy vậy, sự xuất hiện đa dạng với biên độ rộng khắp của hình tượng phụ nữ trong văn học giai đoạn này mới là mặt hiện tượng. Ẩn sâu

sau lớp hình tượng ấy là thế giới tư tưởng tình cảm của các tác giả trung đại, với sự thay đổi nhãn quan và bút pháp miêu tả khác xa so với các giai đoạn trước đó. Tinh thần nhân văn của văn học giai đoạn này bộc lộ rõ rệt qua những trường hợp “xét lại”, vốn chỉ thường thấy trong văn học hiện đại với sự phát triển của các trào lưu đấu tranh xã hội. Theo Trần Thị Băng Thanh, những nhân vật nữ trong lịch sử như Huyền Trân, Điểm Bích từng chịu sự chê bai của nhiều thế hệ thì đến giai đoạn này đã được các văn nhân “xét lại”. Lê Quý Đôn là người đầu tiên đưa tư liệu chứng tỏ Huyền Quang và Điểm Bích đều không có lỗi [114, tr.49].

Ở lĩnh vực văn xuôi tự sự, tác giả Phạm Tú Châu trong bài viết Những nhân vật nữ trong Hoàng Lê nhất thống chí trên Tạp chí Văn học số 1 năm 1978 nhận định về địa vị thấp kém của các nhân vật nữ trong tác phẩm, chỉ ra tình trạng phụ thuộc, không thể làm chủ cuộc đời của họ, là con bài trên ván cờ của nam giới, trở thành công cụ tùy ý sử dụng của đấng bậc: “Người đẹp trong sách chỉ luẩn quẩn trong cuộc sống đài các chật hẹp để rồi cũng bị cuốn hút vào vòng tranh giành ngai vua, sập chúa nhỏ nhen, ích kỷ. Nếu họ có quyền hành gì thì cũng là nhờ sự che chở, thiên ái của người đàn ông; nếu họ có được công nhận là sáng suốt thì cũng là ngoài ý định của nam tác giả. Nhìn chung, người phụ nữ là con bài trên ván cờ của nam giới (người con dâu cả của Nguyễn Huy Bá, vợ Nguyễn Viết Tuyển, con gái Nguyễn Đình Giản...), là đồ dùng họ mua về, sử dụng thế nào tùy thích (Ngọc Lan) [11, tr.4].

Luận án Hình tượng nhân vật phụ nữ trong truyện Nôm tài tử giai nhân năm 1993 của tác giả Nguyễn Thị Chiến đã tìm hiểu sự phát triển của hình tượng người phụ nữ trong suốt chiều dài mười thế kỉ của nền văn học viết, đã có những nhận định về sự phát triển mờ nhạt của hình tượng người phụ nữ trong sáng tác văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XV. Cho đến thế kỉ XVI – XVII, gương mặt người phụ nữ mới được thể hiện và bước đầu tạo được ấn tượng với độc giả. Đó là Túy Tiêu, Nhị Khanh, Đào Hàn Than (Truyền kì mạn lục), Vương Tường (Truyện Vương Tường), Viên Thị (Lâm tuyền kì ngộ). Những hình tượng người phụ nữ tiêu biểu kể trên đã được văn học miêu tả không phải là những anh hùng liệt nữ như Bà Trưng, Bà Triệu, nàng Mỵ Ê mà là “những số phận cụ thể, đời thường, có cuộc sống éo le, phức tạp, có khát vọng tình yêu và phẩm chất trung hậu. Đây là những biểu hiện mới mẻ của văn học viết trong việc thể hiện cuộc sống là những dấu hiệu khởi đầu cho một sự chuyển biến của văn học thời kì này” [17, tr.25]. Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh đặc điểm của hình tượng phụ nữ trong truyện

Nôm, với những thay đổi mạnh mẽ so với các thể loại khác của thời kì khác mà nói như tác giả Kiều Thu Hoạch trong công trình Truyện Nôm – nguồn gốc và bản chất thể loại: “Trong bối cảnh của trào lưu nhân văn, truyện Nôm như là sinh ra để nói về người phụ nữ, truyện Nôm như là thể loại thể hiện tốt nhất, đầy đủ nhất về đề tài người phụ nữ trong mọi quan hệ xã hội rộng lớn” [17, tr.25].

Bên cạnh đó, hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của một tác giả cụ thể, tiêu biểu là Hồ Xuân Hương cũng trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều công trình. Trước năm 1975, nhiều bài viết của các tác giả như Văn Tân, Xuân Diệu, Thanh Lãng, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Văn Trung, Đỗ Long Vân… đã khai thác các vấn đề quan trọng trong thơ Hồ Xuân Hương, đặc biệt là vấn đề dâm và tục. Sau năm 1975, các công trình của các tác giả như Nguyễn Lộc, Lê Trí Viễn, Đỗ Đức Hiểu, Đỗ Lai Thúy, Đoàn Lê Giang… đã lựa chọn điểm tựa phê bình khác nhau từ thi pháp học, phân tâm học, hậu hiện đại..v.v. để chỉ ra ngọn nguồn của vấn đề dâm tục, thế giới carnival đầy màu sắc trào tiếu, giễu nhại trong thơ Hồ Xuân Hương và tiếng nói đấu tranh đòi quyền sống cho phụ nữ trong thơ bà.

Hướng nghiên cứu hình tượng người phụ nữ và nữ tính vận dụng các quan điểm giới có thể kể đến bài viết Nữ tính trong thơ Bà Huyện Thanh Quan của tác giả Đặng Tiến, công trình Tự sự của trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X – XIX của tác giả Phạm Văn Hưng...

Theo Đặng Tiến, những cảm giác dồi dào nữ tính trong thơ Bà Huyện được diễn tả bằng: 1. lời lẽ trang nhã đến khách sáo với nhiều chữ nho xa cách, khách sáo; nhà thơ luôn ở vị trí kẻ lữ thứ, kẻ dừng chân, khách. 2. nữ tính còn phát ra trong cách chọn vật liệu của thi ca (biểu tượng cây cối trong thơ bà: tàu chuối, ngàn mai và dặm liễu, – ba thứ cây tượng trưng cho nữ tính; hình tượng ngọn cỏ yếu đuối, cánh chim chiều) [134]. Tác giả Phạm Văn Hưng trong công trình Tự sự của trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X – XIX đã nhận định về việc trong nghiên cứu văn học nói chung, nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại nói riêng, việc nhìn người phụ nữ, nhân vật phụ nữ trong văn học từ quan điểm giới không còn là một chuyện xa lạ nhưng vẫn là một hướng đi khá mới mẻ. Do vậy, chuyên luận đã nghiên cứu diễn trình của kiểu nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại từ thế kỷ X – XIX nhằm bổ sung một góc nhìn về con người nói chung, về người phụ nữ nói riêng từ góc nhìn giới, quan tâm đến nữ tính của họ, bên cạnh những góc nhìn truyền thống đặt họ trong vai trò công dân, vai trò xã hội quen thuộc.

1.1.1.2. Tiếp cận từ lý thuyết nữ quyền (nữ quyền luận)

Ứng dụng nữ quyền luận trong việc tiếp cận các hiện tượng văn học hiện đại không còn quá xa lạ với các nhà nghiên cứu Việt Nam, nhưng với các tác phẩm, tác giả trung đại thì số lượng công trình nghiên cứu còn hạn chế.

Bùi Thị Thiên Thai trong bài viết Đoàn Thị Điểm và Truyền kỳ tân phả đã chỉ ra nét đặc sắc của tác phẩm Truyền kì tân phả từ một góc nhìn nữ quyền : “Nếu nhìn dưới góc độ văn học nữ quyền hay là giá trị nhân đạo của tác phẩm, đặc biệt là góc độ tương tác giữa văn học trung đại và văn hóa dân gian, Truyền kỳ tân phả lại cho ta thấy những nét đẹp và giá trị riêng. Ra đời trong môi trường văn học đặc biệt của thế kỷ XVIII – thế kỷ vàng của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa với địa vị thống trị của hình tượng nữ, lại được viết bởi chính một tác giả nữ, Truyền kỳ tân phả do vậy đã trở thành thứ vật dẫn biểu hiện cho việc đề cao nữ quyền” [113, tr.60].

Nguyễn Thị Hưởng với luận án Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay (qua một số trường hợp tiêu biểu) (Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, năm 2016) khi nhận định về ý thức nữ quyền trong thơ nữ cổ điển đã chỉ ra tình trạng người phụ nữ bị hạn chế học hành, không được tham gia chính sự trở thành phổ biến. Trên lĩnh vực văn học, tình trạng này bộc lộ ở sự thưa vắng của người phụ nữ trong đội ngũ sáng tác. Người phụ nữ làm thơ, viết văn là những hiện tượng mang tính đặc biệt trong văn học. Hành trạng cuộc đời của những “kỳ nữ” làm thơ hoặc bị dân gian hóa, hoặc tồn nghi dưới dạng những “nghi án văn chương” (…) Việc người phụ nữ thể hiện quan điểm của mình về giới nữ trong sáng tác văn học thời trung đại có thể xem là những “dòng chảy nghịch” của xã hội nam quyền” [52, tr.43]. Cuối cùng, tác giả luận án khẳng định: “Tuy ý thức nữ quyền trong thơ nữ giai đoạn này mới dừng lại ở các hiện tượng đơn lẻ tự phát và không đồng đều ở các tác giả, nhưng nó ở một khía cạnh nào đó đã trở thành tiếng nói khẳng định giá trị cũng như những khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ” [52, tr.54].

Tác giả Trần Ngọc Hiếu trong bài viết: Tự sự học nữ quyền luận và khả năng ứng dụng đối với thực tiễn văn học Việt Nam đã chỉ ra khả năng ứng dụng lý thuyết phương Tây và độ vênh lệch của ứng dụng vào thực tiễn văn học Việt Nam, cụ thể trong bài viết là việc ứng dụng tự sự học nữ quyền luận với đại diện Susan Lanser. Tác giả đã nhận thấy khả năng tiềm tàng của việc ứng dụng tự sự học nữ quyền luận vào thực tiễn văn học Việt Nam, đặc biệt trong văn học trung đại, nơi các diễn ngôn

Xem tất cả 193 trang.

Ngày đăng: 03/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí