Tình Hình Báo Chí Phật Giáo Việt Nam Trước 1945


hưng đạo Phật. Chính Hòa thượng là người sáng lập Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học và quy tụ nhiều vị cao tăng, nhân sĩ Phật giáo có tiếng tăm lúc bấy giờ.

Từ năm 1930, Hòa thượng được bầu làm Hội trưởng Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học, chủ bút tạp chí Từ bi âm kiêm Giám đốc Phật học tùng thư và là người lãnh đạo tinh thần có uy tín lớn đối với Phật tử Nam Kỳ và Trung Kỳ. Cũng trong khoảng thời gian này, Hòa thượng đã đi đến nhiều nơi để vận động đổi mới hoạt động của đạo Phật. Về Trà Vinh, Hòa thượng cùng HT. Huệ Quang thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học và xuất bản tạp chí Duy tâm Phật học.

Khi Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, Hòa thượng kêu gọi các Phật tử trong tỉnh và trong miền ủng hộ chính quyền cách mạng, tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong buổi đầu độc lập. Cũng trong thời gian này, do tuổi cao sức yếu, Hòa thượng ở hẳn tại chùa Tiên Linh, ít đi đâu xa. Năm Đinh Hợi (1947), Hòa thượng lâm bệnh nặng, biết mình không qua khỏi, nên đã cẩn thận sắp xếp lại những tổ chức trong Phật giáo, căn dặn học trò, tín đồ tham gia phục vụ đạo pháp và dân tộc rồi từ giã cõi đời ngày 19 tháng 6 năm Đinh Hợi.

Với lòng kính trọng một vị cao tăng uyên thâm về mặt triết học Phật giáo, có công xây dựng Giáo hội, giàu lòng yêu nước, năm 1951, Hội Tăng già Giáo hội và Lục hòa Phật tử suy tôn HT. Khánh Hòa làm Tổ của Phật giáo Nam Kỳ. Sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, HT. Khánh Hòa đã tiếp thu và phát huy tinh thần đó trong việc tu thân hành đạo một cách tích cực và sáng tạo. Cuộc đời của Hòa thượng là một tấm gương cao đẹp về tinh thần yêu nước, lòng vị tha cho hàng vạn tín đồ Phật giáo noi theo.

Ở Nam Kỳ, ngoài HT. Khánh Hòa còn có những Hòa thượng đầy nhiệt huyết và đã đóng góp công sức không nhỏ cho phong trào Chấn hưng Phật giáo như: HT. Liên Tôn, Bích Liên, Trí Thiền…

Người tiêu biểu trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Trung Kỳ là HT. Giác Tiên. Hòa thượng thế danh là Nguyễn Duy Quyển, sinh năm Canh Thìn, niên hiệu Tự Ðức đời thứ 33 (1879). Chính quán thuộc làng Giạ Lệ Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.


Năm 1883, khi Hòa thượng được bốn tuổi thì song thân đều qua đời. Ngài được ông bà bác đồng tộc đem về nuôi dưỡng. Thấy Hòa thượng có bẩm chất thông minh nên ông bà cho theo Nho học. Sau một thời gian, nhận thấy giáo lý Phật đà mới là con đường hướng đến cảnh giải thoát, ngài xin hai bác đi xuất gia đầu Phật.

Năm 11 tuổi, ngài cầu thọ giáo với Tổ Tâm Tịnh và đến tu học tại Tổ đình Từ Hiếu. Nơi đây, ngài Hải Thiệu đang là trú trì và ngài Tâm Tịnh làm Giám tự.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 270 trang tài liệu này.

Năm 14 tuổi, ngài được Tổ Tâm Tịnh cho thọ Sa di. Năm 28 tuổi (1907), ngài được bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới và đỗ Thủ khoa. Sau khi đắc giới, ngài vừa chuyên tinh hành trì giới luật và nghiên cứu những bộ kinh cao sâu, vừa hầu cận bên cạnh sư phụ.

Năm 1913, sư bà Diên Trường xây dựng xong chùa Trúc Lâm ở làng Dương Xuân Thượng và mời HT. Giác Tiên làm trú trì. Năm 1920, khi HT. Huệ Pháp mở giảng đường tại chùa Thiên Hưng, HT. Giác Tiên đã cùng các đệ tử đến cầu học. Năm Giáp tý (1924), đời vua Ðồng Khánh thứ 9, ngài vân tập đại tăng và tổ chức an cư kiết hạ.

Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 6

Năm 1925, Hòa thượng nhận được chiếu chỉ của triều đình phong làm trú trì chùa Diệu Đế. Năm 1928, sau khi trùng tu Phật điện và tăng xá chùa Trúc Lâm, Hòa thượng mở Phật học đường tại đây. Từ đó, Trúc Lâm thành nơi đào tạo tăng tài và cũng là khởi điểm đầu tiên cho Ðại học Phật giáo tại cố đô Huế nói riêng và Trung Kỳ nói chung. Năm Canh Ngọ (1930), ngài khuyến khích và giúp đỡ cho sư bà Diệu Hương mở ni trường Diệu Ðức.

Năm Tân Mùi (1931), Hòa thượng đứng ra vận động thành lập Hội An Nam Phật học. Một mình ngài tự đi cung thỉnh chư vị Hòa thượng, Thượng tọa có tài đức ra chung lo Phật pháp. Năm Quý Dậu (1933), ngài ủy thác cho HT. Mật Khế, vị đệ tử lớn và xuất sắc nhất của ngài mở một trường Tiểu học Phật học tại chùa Vạn Phước để cho lớp Sa di của các chùa có nơi đến học.

Ngoài vị đệ tử lớn là HT. Mật Khế, còn có một vị đệ tử lớn thọ tại gia Bồ tát giới đã theo học với ngài từ năm 1928 là bác sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám. Tâm Minh vâng lời sư phụ để lo cho Hội An Nam Phật học, lo soạn thảo chương trình


giáo dục thanh thiếu nhi và kết hợp thành lập Đoàn Phật tử tinh tấn tu học. Hạnh nguyện của ngài là làm thế nào để đưa Phật giáo vào lòng dân tộc một cách trong sáng và hữu hiệu. Tuy nhiên, việc làm vừa mới được một đoạn đường thì ngài thọ bệnh.

Ngày 15 tháng 11 năm 1936, ngài cho vân tập tăng chúng lại để nghe ngài giảng kinh Pháp Bảo Ðàn. Hai hôm sau, khi giảng xong phẩm Bát Nhã, ngài đã nhìn từng vị đệ tử để truyền kệ. Vào lúc 20 giờ ngày 17.11.1936, niên hiệu Bảo Ðại thứ 11, ngài im lặng và từ từ đi vào cõi tịnh. Ngài thọ thế 57 tuổi.

Chư Tôn đức Tăng già, quần chúng Phật tử và Hội An Nam Phật học tề tựu về Trúc Lâm Ðại Thánh tự để lo lễ cúng dường cũng như phò nhục thân ngài nhập bảo tháp rất trọng thể.

Ngài là vị đệ tử xuất sắc nhất của Tổ Tâm Tịnh (Khai sơn Tổ đình Tây Thiên Di Ðà). Ngài không những là vị xuất trần thượng sĩ, mà còn là một thi sĩ đã để lại những áng thơ hay, những di bút xuất thần mà các Tổ đình Tường Vân, Từ Quang, Tra Am v.v.. vẫn còn tôn thờ trong hậu tổ hay nơi chánh điện. Những vị đệ tử xuất gia của ngài có: Mật Tín, Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Nhơn, Mật Thể, Diệu Huệ và Diệu Không. Tại gia thì có: Ðại thần Hồ Ðắc Trung, bác sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám và bác sĩ Trương Xướng. Những vị ấy đều đóng vai trò quan trọng trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Những vị Hòa thượng tiêu biểu cho phong trào Chấn hưng Phật giáo Trung Kỳ lúc bấy giờ còn có HT. Phước Huệ. Hòa thượng tên đời là Nguyễn Tấn Giao, sinh năm 1869 tại xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngài xuất gia năm 13 tuổi tại chùa Thập Tháp, theo học với các HT. Châu Long chùa Tịnh Lâm (Phù Cát), HT. Luật Truyền chùa Từ Quang (Phú Yên). Hòa thượng thọ Đại giới năm 1889 và đắc pháp năm 1892 cùng với HT. Luật Truyền. Bước đường hoằng pháp của Hòa thượng bắt đầu từ năm 1894 khi nhận làm trú trì chùa Phổ Quang (Tuy Phước, Bình Định).

Năm 1901, Hòa thượng được triều đình Huế lúc này là vua Thành Thái ban giới đao độ điệp làm Tăng cang chùa Thập Tháp. Năm 1908, Hòa thượng được mời


ra Kinh đô Huế làm chủ lễ cho một khóa giảng kinh tại chùa Trúc Lâm và được thỉnh vào Hoàng cung giảng pháp cho vua, quan cùng hoàng gia. Các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều từng được nghe Hòa thượng giảng kinh và danh hiệu Quốc sư đã được tôn xưng trong hoàn cảnh này.

Chùa Thập Tháp là một trong số các ngôi Tổ đình nổi tiếng của đất Bình Định. Nếu như lúc khởi đầu, ngôi Tổ đình ấy được chú ý nhiều do vị khai sơn là HT. Nguyên Thiều, người có công lớn trong sứ mạng truyền bá Phật giáo ở Đàng Trong thời Nam Bắc phân tranh, hậu bán thế kỷ XVII; thì vào thời hiện đại, Tổ đình Thập Tháp được cả nước biết đến vì sự có mặt của Quốc sư Phước Huệ.

Năm 1920, trong ý hướng đào tạo tăng tài cho sứ mạng hoằng dương chính pháp, HT. Phước Huệ đã đứng ra tổ chức các lớp Phật học tại chùa Thập Tháp và chùa Long Khánh (Quy Nhơn). Chính trong thời gian này, hai thầy Mật Khế (1904- 1935) và Đôn Hậu (1904-1993) đã vào tận chùa Thập Tháp để cầu học.

Từ năm 1930-1937, Quốc sư Phước Huệ thường xuyên ra kinh đô Huế để giảng dạy Phật pháp cho các lớp cao đẳng, trung đẳng ở các chùa Trúc Lâm, Tường Vân, Tây Thiên. Trong số các tăng sĩ từng theo học với Quốc sư, đáng chú ý nhất là HT. Mật Thể (1912-1961), tác giả sách Việt Nam Phật giáo sử lược. Sách này được Quốc sư đề tựa bằng chữ Hán.

Từ năm 1938, với cương vị là Đốc giáo của Phật học đường cấp trung đẳng do Hội Phật học Bình Định tổ chức tại chùa Long Khánh - Quy Nhơn, Quốc sư Phước Huệ đã đóng góp nhiều cho công tác đào tạo tăng tài. Các HT. Thiện Hòa (1907-1978), Thiện Hoa (1918-1973) cũng từng theo học tại đây.

Sư bà Thích nữ Diệu Không, trong lời tựa bản dịch kinh Lăng Già tâm ấn

của mình đã nhắc lại kỷ niệm từng theo học với Quốc sư Phước Huệ.


Bộ Lăng Già tâm ấn tôi học theo cách đây hơn ba mươi năm với HT. Thập Tháp khai dạy ở chùa Trúc Lâm, tỉnh Thừa Thiên vào năm 1932. Lớp Đại học ấy gồm có các vị Hòa thượng, Thượng tọa và cư sĩ Tâm Minh. Được dự thính kinh này, tôi như người mê sực tỉnh, nhờ vậy tôi bỏ được cái tập quán phú quý, ô trược, tiến thân vào con đường đạo [62, tr.7].


Nói chung, sự đóng góp lớn lao của Quốc sư Phước Huệ là ở lĩnh vực giảng dạy, đào tạo lớp hậu học, đúng như nhận xét của Nguyễn Lang: “Khả năng giáo hóa của HT. Phước Huệ rất vĩ đại, vì vậy người đương thời đã tặng cho ông mỹ hiệu “Phật pháp thiên lý câu”, nghĩa là “Con ngựa ngàn dặm của Phật pháp” [67, tr.846]. Hòa thượng viên tịch năm 1945 tại chùa Thập Tháp.

Tại Bắc Kỳ, người khởi xướng phong trào Chấn hưng Phật giáo là HT. Thanh Hanh. Hòa thượng thế danh là Nguyễn Thanh Ðàm, pháp hiệu Thanh Hanh, sinh năm 1840 trong một gia đình thi lễ tại làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Ðông (nay thuộc Hà Nội). Năm lên 7 tuổi, ngài được gia đình cho học chữ Hán. Nhờ có sẵn thiên tư, lại được cha rèn thầy dạy, nên việc học của ngài tiến bộ nhanh chóng.

Năm lên 10 tuổi (1850), ngài đã đến xuất gia với vị Hòa thượng họ Nguyễn ở chùa Hòe Nhai - Hà Nội. Năm 18 tuổi (1858), ngài được về chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang, tiếp tục tu học dưới sự chỉ dẫn của HT. Tâm Viên. Năm 20 tuổi (1860), ngài thọ Cụ túc giới tại Ðại giới đàn chùa Vĩnh Nghiêm. Sau đó ngài vẫn tiếp tục ở lại chùa tu hành nghiên cứu giáo lý. Ngài tu học rất tinh tấn và trở thành một nhân vật rường cột của Tổ đình này.

Năm 30 tuổi (1870), ngài được cử vào tỉnh Ninh Bình giảng dạy Phật pháp cho tăng ni ở các chùa: Phượng Ban, Hoàng Kim, Phúc Tỉnh v.v.. Ðến chỗ nào, ngài cũng chỉ thiết tha một niềm: lấy việc hoằng dương chính pháp, giáo hóa tăng ni làm phận sự. Ngài luôn tâm niệm làm mọi việc lợi lạc cho tín đồ là sứ mệnh của người xuất gia và thời gian làm Pháp sư truyền đạo ròng rã là 30 năm. Tăng ni và thập phương thiện tín, ai cũng được thấm nhuần Phật pháp do ngài truyền trao.

Năm Canh Tý (1900), lúc ngài 60 tuổi, sư huynh của ngài là HT. Thanh Tuyền viên tịch. Ngài trở về Tổ đình Vĩnh Nghiêm và được sơn môn suy cử vào ngôi kế đăng. Từ đó tăng chúng và tín đồ thường gọi ngài là Tổ Vĩnh Nghiêm.

Trong cương vị đứng đầu một ngôi Tổ đình lớn vào bậc nhất Bắc Kỳ, công việc điều hành đa đoan, nhưng ngài vẫn không xao lãng việc hoằng dương chính pháp, đào tạo tăng tài, bồi dưỡng lớp kế thừa. Ngài thường xuyên lui tới trường


Viễn Ðông Bác Cổ ở Hà Nội, tìm tòi tam tạng kinh điển đại thừa, rồi xin phép ban Giám đốc cho đồ chúng đem bút giấy vào sao chép về cho khắc ván, ấn hành nhiều bản. Bước đi tiên phong của HT. Thanh Hanh đã tạo nên phong trào các sơn môn lớn trên đất Bắc đua nhau sao chép và in ấn kinh sách, giúp tăng ni và cư sĩ có tài liệu Phật học tham cứu. Nhờ đó mà các thiền môn có được những bộ kinh quý hiếm như kinh Hoa Nghiêm Sớ Tấu, kinh Ðại Bát Nhã, kinh Ðại Bảo Tích, kinh Duy Ma Cật, kinh Trường A Hàm, luật Tứ Phần Tu Trì, luật Trừng Trị Tục Khắc và các bộ luận về môn Duy Thức với bộ Phụ Giáo Biên v.v.. Các bộ kinh, luật, luận ấy được khắc ván và in, đều có mang lời tựa và lời bạt của Hòa thượng.

Hòa thượng luôn quan tâm đến việc Chấn hưng Phật giáo, quy tụ các sơn môn về một mối. Ngày 05 tháng 12 năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ mới chính thức được thành lập. Hội đã thỉnh cầu HT. Thanh Hanh làm Thiền gia Pháp chủ. Tuy tuổi đời lúc đó đã 94, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng vì ước nguyện mấy chục năm nay của Hòa thượng đã thành sự thật, nên ngài vẫn vui vẻ nhận lãnh nhiệm vụ nặng nề ấy. Trong lễ suy tôn được tổ chức rất long trọng tại chùa Quán Sứ ngày 23 tháng 12 năm 1934, Hòa thượng đã kêu gọi tăng sĩ theo nguyên tắc lục hòa của Phật dạy mà bỏ hết những dị biệt của tông nọ phái kia để dốc lòng chấn hưng Phật giáo.

Sau bao năm tận tụy phục vụ Ðạo pháp, Hòa thượng đã đào tạo được nhiều tăng tài, góp sức cho phong trào Chấn hưng Phật giáo, hòa giải những ý kiến dị biệt, đưa các sơn môn Bắc Kỳ về chung một mái nhà Phật giáo. Công đức của Hòa thượng thật vô cùng to lớn. Ngày mồng 8 tháng 12 năm Bính Tý (1936), Hòa thượng đã viên tịch tại chùa Vĩnh Nghiêm, hưởng thọ 96 tuổi đời, 86 tuổi đạo. Có thể nói, ý nguyện hòa hợp tăng già, hưng thịnh Phật đạo để làm mẫu mực cho đời và hy vọng giải thoát chúng sinh của Hòa thượng vẫn còn sáng mãi.

Ngoài Tổ Thanh Hanh, từ 1932 trở đi, ở Bắc Kỳ cũng xuất hiện nhiều bậc tăng sĩ, cư sĩ đóng góp công sức rất lớn cho phong trào Chấn hưng Phật giáo tại nơi này, như HT. Tuệ Tạng, Mật Ứng, Tố Liên, Trí Hải... cùng các cư sĩ: Nguyễn Năng Quốc, Thiều Chửu, Trần Trọng Kim, Nguyễn Can Mộng, Nguyễn Trọng Thuật, Phan Kế Bính...


Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của một vài vị Hòa thượng tiêu biểu trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam đã cho chúng ta thấy được những cống hiến, hy sinh cao cả của chư vị Tổ sư nửa đầu TK.XX đối với quá trình phát huy Phật giáo và duy trì nền hòa bình dân tộc. Họ đã vì lợi ích chung của nhân dân mà đem cả tinh thần lẫn vật chất của mình để cống hiến, phụng sự cho các Hội Phật giáo, nhằm tạo điều kiện cho các Hội hoạt động truyền bá chính pháp. Vị nào cũng đều hết lòng lo xây dựng, mở trường Phật học để đào tạo tăng tài, hun đúc cho thế hệ tương lai tinh thần vì đạo pháp và dân tộc; đồng thời còn quan tâm in ấn kinh điển cho quần chúng có cơ hội tiếp cận Phật pháp mà nương theo tu tập, làm mọi điều lành. Những tấm gương sáng ấy đã tạo nên trang sử huy hoàng của Phật giáo nửa đầu TK.XX và cả đến ngày nay.

1.2. TÌNH HÌNH BÁO CHÍ PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC 1945


Báo chí Phật giáo Việt Nam ngay từ những năm đầu của TK.XX chưa xuất hiện nhiều. Mãi đến khi có phong trào Chấn hưng Phật giáo vào thập niên 1930, báo chí Phật giáo mới thực sự khai sinh và phát triển. Như nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Tòng đã viết: “Phong trào Chấn hưng Phật giáo với việc thành lập nhiều hội đoàn, tổ chức nghiên cứu Phật giáo, cũng có những tờ báo riêng như Từ bi âm, Đuốc tuệ, Đuốc chân lý, v.v.. [116, tr.295].

Vì báo chí Phật giáo là một trong những phương tiện chính yếu làm lan tỏa tư tưởng chấn hưng Phật giáo, do đó sự phát triển báo chí Phật giáo gắn liền với diễn trình chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam. Những tạp chí Phật giáo lần lượt được xuất bản, đã đóng góp sức mạnh to lớn cho phong trào Chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ. Cho nên, khi đề cập đến báo chí Phật giáo, những nhà nghiên cứu đều lấy mốc thời gian thập niên 1930-1945 làm khởi điểm và phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam làm nền cho hoạt động của báo chí Phật giáo.

Ngoài ra, trong quá trình phục vụ cho việc đẩy mạnh phong trào Chấn hưng Phật giáo, báo chí Phật giáo còn thực hiện nhiệm vụ hoằng pháp, xây dựng nền văn học Phật giáo trong văn học chữ Quốc ngữ. Trong giai đoạn này, giáo lý của Đức Phật được những học giả, nhà nghiên cứu quan tâm truyền bá bằng chữ Quốc ngữ và thậm chí tranh luận rất nhiều trên diễn đàn ngôn luận.


Lịch sử cho thấy, từ sau năm 1929, các Hội nghiên cứu Phật học từ ba miền: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ tiếp nối ra đời, nhằm tu chỉnh những sai lạc trong Phật giáo, do hoàn cảnh lịch sử dưới chế độ thực dân Pháp tạo nên. Ngôn luận cho các Hội Phật học chính là những tờ báo Phật giáo. Lịch sử ra đời và quá trình tiến triển của báo chí Phật giáo lúc này quả thật có ý nghĩa, đã kịp thời nói lên được phần nào giáo nghĩa tích cực, truyền thống tốt đẹp của Phật giáo và dân tộc, góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc Việt Nam.

1.2.1. Báo chí Phật giáo ở Nam Kỳ


Năm 1929, HT. Khánh Hòa kết hợp với HT. Huệ Quang, Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Chiếu đã vận động giới cư sĩ hữu tâm cho ấn hành tạp chí Pháp âm, với số đầu ra ngày 31.8.1929. Trụ sở tạp chí đặt tại chùa Xoài Hột (Mỹ Tho) và được sự ủng hộ, đóng góp của Phật tử tại chùa. Đây là tạp chí Phật giáo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, mục đích chính là kêu gọi tăng ni đoàn kết chấn hưng, học Quốc ngữ để giải quyết nạn thất học trong tăng già.

Nội dung tạp chí gồm có 9 yếu mục. Mục đầu tiên là những lời bày tỏ và lời kêu gọi Phật tử tham gia viết bài, ủng hộ tài chính để tổ chức Thư xã và thành lập Phật học viện để giảng dạy giáo lý. Những mục tiếp theo nói về Phật học, Phật giả, Tự trần, Những điều cần thiết cho người tại gia tín ngưỡng Phật giáo, Phật giáo luân lý học, Ai tri âm đó biết cho ai, Văn uyển và mục cuối cùng là hành trình nhựt ký. Đặc biệt, thông qua mục Tự trần của HT. Khánh Hòa, giúp chúng ta hiểu được những thông tin về đường hướng chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ lúc giờ. Pháp âm chỉ ra được một số duy nhất thì đình bản.

Ngay sau đó, Thiện Chiếu đã vận động xuất bản một tạp chí khác lấy tên là Phật hóa Tân Thanh niên, nhắm tới giới thanh niên trí thức. Nội dung trong tạp chí này gồm tám “yếu mục”: Ai là người lo đời thương đời muốn làm việc cho đời?, Nước ta ngày nay cần phải chấn hưng Phật giáo, Kính cáo các sư cụ, Kính cáo các tín đồ, Phật học vấn đáp, Bài diễn thuyết của ông Lương Khải Siêu tại Phật giáo tổng hội nước Tàu, Một buổi hội nghị tại chùa Linh Sơn, Chương trình chùa của “Phật hóa Tân Thanh niên” sẽ lập. Cụ thể, bài viết của tác giả Huệ Thanh về Một

Xem tất cả 270 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí