Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 2


Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của xã hội hiện đại, những tạp chí, tờ báo Phật giáo ấy đã ít được quan tâm và đề cập đến. Sẽ đáng tiếc, nếu tình hình này cứ kéo dài.

Với số lượng hàng chục tờ báo, báo chí Phật giáo trước 1945 thực sự là một hiện tượng quan trọng trong đời sống tinh thần dân tộc. Có thể qua những tờ báo này giúp ta hiểu được lịch sử và văn học Phật giáo trong giai đoạn quan trọng: nửa đầu TK.XX. Chọn đề tài Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 để nghiên cứu, chúng tôi hy vọng có thể tìm về cội nguồn báo chí Phật giáo, hiểu được văn học và tư tưởng Phật học giai đoạn này, từ đó hy vọng có thể khơi dậy những giá trị tinh hoa của Phật giáo và dân tộc đã được tạo nên từ xưa.

2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ


Từ trước đến nay, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về báo chí Việt Nam trước 1945. Trong đó có không ít công trình đề cập về sự hình thành và phát triển của báo chí Phật giáo. Điều này đã giúp cho chúng tôi rất nhiều ý tưởng, đường hướng để thực hiện đề tài nghiên cứu của mình.

- Năm 1972, Nguyễn Văn Ẩn (Ban Báo chí học, phân khoa VH&KHNV, Viện Đại học Vạn Hạnh) hoàn thành khóa luận tốt nghiệp với đề tài Báo chí tôn giáo tại Việt Nam. Trong chương III [2, tr.23], tác giả nhắc đến quá trình hình thành và phát triển của báo chí Phật giáo giai đoạn 1920-1945 như Pháp âm, Phật hóa Tân Thanh niên, Từ bi âm, Bát nhã âm, Tiến hóa, Duy tâm Phật học, Bồ đề, Viên âm, Tam bảo, Đuốc tuệ, Tiếng chuông sớm. Tác giả cho rằng báo chí Phật giáo những năm 1920-1945 là phương tiện chính của công cuộc canh tân đất nước và góp phần quan trọng vào công cuộc chung này. Giai đoạn này, dù đã có những đáng tiếc xảy ra giữa các báo, như cuộc bút chiến, thậm chí có lúc mạt sát lẫn nhau bằng những lời quá đáng giữa Từ bi âm Tiến hóa về các vấn đề quản lý nội bộ của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, nhưng người ta cũng dễ dàng thông cảm vì đó là những khuyết điểm khó tránh khỏi của báo chí Phật giáo trong giai đoạn đầu. Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến những cuộc trao đổi khá sôi nổi về sự hiện hữu của Tây phương cực lạc, giữa một bên nhận là có Tây phương cực lạc (Từ bi âm) và một bên phủ nhận (Tiến hóa); về vấn đề canh tân Phật giáo giữa Tiến hóa Duy tâm Phật


học; về giáo lý nhà Phật giữa Tiến hóa Viên âm. Tác giả nhận định: các cuộc trao đổi ấy cho thấy đã đến lúc phải thẳng thắn đặt ra nhiều vấn đề của Phật học âm ỉ lâu nay. Tuy nhiên, với những vấn đề này, tác giả chỉ nêu vài ý kết luận khái quát mà không phân tích, dẫn chứng cụ thể.

- Năm 1985, Nguyễn Lang công bố tập 3, cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận ở Paris. Cho đến nay, công trình gồm cả ba tập đã được Nhà xuất bản Văn học (Hà Nội) tái bản lần thứ ba (năm 2000). Trong tập 3, khi viết về phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nguyễn Lang có đề cập đến một số tờ báo và tạp chí Phật giáo, như: Pháp âm, Phật hóa Tân Thanh niên, Từ bi âm, Viên âm, Đuốc tuệ, Tiếng chuông sớm, Duy tâm Phật học, Tiến hóa, Pháp âm Phật học, Tam bảo, Bát nhã âm, Quan âm, Tinh tiến. Về báo chí Phật giáo, tác giả chỉ trình bày tổng quát quá trình hình thành, tôn chỉ hoạt động và những đóng góp chung của các tạp chí, tờ báo Phật giáo đối với Phật giáo và dân tộc nửa đầu TK.XX. Ngoài ra, tác giả còn nhắc đến vài nét những cuộc tranh luận, thảo luận giữa các tạp chí lúc bấy giờ về tư tưởng Phật học và đường hướng chấn hưng Phật giáo. Nhìn chung, theo tác giả đúc kết, sự ra đời của báo chí Phật giáo lúc bấy giờ đã làm Phật học trở nên dễ dàng phổ biến hơn đối với đại chúng. Ai cũng có thể đọc hiểu Phật pháp bằng chữ Quốc ngữ. Cho nên có thể nói sự thành công của báo chí Phật giáo cũng là sự thành công của chữ Quốc ngữ [67, tr.771-772]. Có thể nói Việt Nam Phật giáo sử luận (tập III) là công trình nghiên cứu sâu về báo chí và Phong trào chấn hưng Phật giáo. Tuy nhiên trong công trình này còn một số tạp chí chưa được đề cập đến (Bồ đề, Phật pháp chỉ Niết bàn) và nhất là văn học Phật giáo hầu như chưa được quan tâm nghiên cứu.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 270 trang tài liệu này.

- Công trình Triết học và tư tưởng của Giáo sư Trần Văn Giàu (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1988) đã dành một chương quan trọng cho việc nghiên cứu Phật giáo nửa đầu TK.XX: Phong trào Chấn hưng Phật giáo và các vấn đề tư tưởng triết học mà phong trào ấy đã nêu lên ở nước ta trong thời kỳ lịch sử giữa hai cuộc chiến tranh thế giới [44, tr.320]. Trong chương này, tác giả đã khảo sát nhiều tờ báo, tạp chí Phật giáo nổi tiếng như: Từ bi âm, Viên âm, Duy tâm Phật học, Đuốc tuệ…¸để tìm hiểu tình hình Phật giáo trước 1945. Trong mục Mấy vấn đề tư tưởng cuộc vận động Chấn hưng Phật giáo đã đề ra, Trần Văn Giàu đã chỉ ra những điểm tiến bộ


Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 2

đặc biệt của Phật giáo đương thời thông qua cuộc thảo luận sôi nổi trên báo về Thượng đế, linh hồn, Thiên đường, địa ngục… Có thể nói đây là công trình nghiên cứu sớm nhất, công phu nhất của một nhà nghiên cứu mác-xít về báo chí Phật giáo nửa đầu TK.XX. Trần Văn Giàu đã đánh giá cao tư tưởng yêu nước, khoa học của nhiều tờ báo, tạp chí, sách vở Phật giáo giai đoạn này. Tuy nhiên công trình cũng chưa dành sự quan tâm tới mảng văn học trên báo chí ấy.

- Báo chí Phật giáo với phong trào Chấn hưng Phật giáo (1930-1945), khóa luận tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1994) của Thích Thanh Đạt đã giới thiệu khái quát một số tạp chí, tờ báo Phật giáo và những vấn đề tư tưởng triết học Phật giáo thể hiện qua báo chí Phật giáo thời kỳ 1930-1945. Tuy nhiên, trong phạm vi một khóa luận tốt nghiệp đại học, tác giả chưa có điều kiện sưu tập tư liệu đầy đủ, cũng như chưa phân tích sâu những đặc điểm và giá trị nội dung, nghệ thuật của Phật học và văn học thể hiện trên báo chí Phật giáo lúc bấy giờ.

- Công trình Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 (Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2000) của Huỳnh Văn Tòng đã nêu rõ sự hình thành, phát triển và những đóng góp của làng báo chí Việt Nam trên các lĩnh lực văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam. Trong phần Những tờ báo chuyên biệt, tác giả có đề cập đến quá trình ra đời của tạp chí Pháp âm [116, tr.345], Viên âm [116, tr.339] và báo Đuốc tuệ [116, tr.306], là những tạp chí, tờ báo Phật giáo đầu tiên ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ giai đoạn trước 1945. Ngoài ra, phần phụ lục cuối tập sách với nhan đề Mục lục báo chí Việt ngữ từ 1865-1945, tác giả đã liệt kê hầu như gần đủ những tạp chí, tờ báo Phật giáo trước 1945 và ghi cả thông tin về năm xuất bản, đình bản, như: Từ bi âm (1932-1941), Viên âm (1933-1936), Đuốc tuệ (1935-1939), Tiếng chuông sớm (1935-1936), Duy tân (tâm) (1935-1943), Bồ đề (1936), Bát nhã âm (1936-

1943), Pháp âm Phật học (1937-1938), Tam bảo (1937-1939), Tiến hóa (1938- 1939), Phật pháp chỉ Niết bàn (1941). Đây là công trình nghiên cứu tổng quát về báo chí, trong đó có đề cập chi tiết đến những tạp chí, tờ báo Phật giáo đã ra đời trước 1945. Tuy nhiên, khi khảo sát trực tiếp tư liệu báo chí Phật giáo hiện có, chúng tôi thấy trong công trình này còn có rất nhiều lầm lẫn về năm đình bản một


số tờ báo, tạp chí Phật giáo, như: Từ bi âm (đình bản năm 1945, không phải năm 1941), Viên âm (đình bản năm 1945, không phải năm 1936), Đuốc tuệ (đình bản năm 1945, không phải năm 1939), Tam bảo (đình bản năm 1938, không phải năm 1939), Tiến hóa (đình bản năm 1941, không phải năm 1939). Ngoài ra, tên chủ nhiệm một số tạp chí cũng ghi không chính xác: chủ nhiệm tạp chí Tiến hóa là Đỗ Kiết Triệu, chứ không phải Đỗ Kiết Tuân; tạp chí Duy tâm Phật học, chủ nhiệm là Nguyễn Văn Ân, chứ không phải là Nguyễn Văn An.

- Công trình Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945 (Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000) do Đỗ Quang Hưng chủ biên cũng có phần đề cập đến thời điểm ra đời của báo chí Phật giáo trước 1945. Theo các tác giả (Đỗ Quang Hưng, Dương Trung Quốc, Nguyễn Thành), báo chí Phật giáo Việt Nam ra đời từ phong trào Chấn hưng Phật giáo. Phần phụ lục cuối sách, các tác giả đã thống kê, giới thiệu ngắn gọn về quá trình xuất hiện và hoạt động của một số tạp chí, tờ báo Phật giáo Việt Nam đương thời như: Viên âm, Đuốc tuệ, Quan âm, Tinh tiến v.v..

- Công trình Báo chí ở Thành phố Hồ Chí Minh (100 câu hỏi đáp về Gia Định - Sài Gòn TP. Hồ Chí Minh, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, năm 2007, Trương Ngọc Tường, Nguyễn Ngọc Phan biên soạn) cho biết tạp chí Quốc ngữ Phật giáo đầu tiên được xuất bản ở Sài Gòn là Pháp âm và trình bày khá đầy đủ về diện mạo, nội dung của tạp chí này [121, tr.112]. Ngoài ra, công trình còn cho thấy vai trò của nhà báo Xích Liên (sư Thiện Chiếu) đối với sự nghiệp chấn hưng và sự nghiệp báo chí Phật giáo [121, tr.115]. Có thể nói, dù công trình này không nhấn mạnh nhiều đến báo chí Phật giáo, nhưng các tác giả cũng đã góp phần khẳng định thêm cho chúng ta thấy sự hiện hữu đầu tiên của báo chí Phật giáo Việt Nam giai đoạn trước 1945 và những đóng góp của nhà báo Xích Liên đối với Phật giáo và dân tộc.

- Công trình Lược khảo Báo chí Phật giáo Việt Nam (1929-2008) của Nguyễn Đại Đồng (Nxb. Tôn giáo, 2008) đã cho thấy rõ nét tình hình báo chí Phật giáo Việt Nam từ khi ra đời năm 1929 (theo tác giả) cho đến năm 2008. Phần thứ nhất, tác giả trình bày Báo chí Phật giáo từ khi ra đời đến Toàn quốc kháng chiến (1929-1946) [34, tr.7]. Trong mục này, tác giả đã trình bày khá đầy đủ hoàn cảnh ra đời, nhân sự lãnh đạo, các hoạt động và nội dung khái quát của báo chí Phật giáo


trước 1945. Tuy nhiên, chúng tôi thấy công trình vẫn còn thiếu tạp chí Phật pháp chỉ Niết bàn. Nói chung, công trình đã cho chúng tôi cái nhìn tổng thể, hệ thống, toàn diện về báo chí Phật giáo Việt Nam và tầm ảnh hưởng của báo chí Phật giáo trong đời sống xã hội.

- Công trình Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam (Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938) của Nguyễn Đại Đồng và Nguyễn Thị Minh (Nxb. Tôn giáo, 2008) đã trình bày rõ ràng các hoạt động cụ thể của báo chí Phật giáo trong giai đoạn đầu TK.XX, trong đó có nhấn mạnh vai trò của báo chí đối với phong trào Chấn hưng Phật giáo nói riêng, đối với sự duy trì và bảo vệ nền độc lập dân tộc nói chung. Công trình đã đem đến cho chúng tôi nhiều thông tin hữu ích về báo chí Phật giáo lúc bấy giờ.

- Bên cạnh đó, Nguyễn Đại Đồng còn có các bài: Tạp chí Viên âm”, “Tạp chí Đuốc tuệ” trên tạp chí Nghiên cứu Phật học (2009) và “Tạp chí Duy tâm Phật học” trên nguyệt san Giác ngộ (2011). Cả ba bài viết đều trình bày tổng quát về diện mạo, nội dung của các tạp chí Phật giáo này.

- Những công trình: Việt Nam: Những sự kiện lịch sử (1919-1945) của Dương Trung Quốc (2005), Báo chí Phật giáo tại Việt Nam: Thực trạng và vấn đề (Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội) của Lê Thị Hồng Hạnh (2010),… đã giới thiệu khái quát về nội dung và sự ảnh hưởng của báo chí Phật giáo trong đời sống xã hội. Luận văn Thạc sĩ trên còn cho thấy điểm nổi bật của báo chí Phật giáo hiện nay là làm rõ các vấn đề tín ngưỡng xã hội, tạo điều kiện cho những người đang trăn trở với đức tin có cách nhìn đúng đắn, khách quan hơn về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Bộ phận báo chí này cũng phát huy ý thức, truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế quốc gia vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và sự đoàn kết giữa các tôn giáo.

- Bên cạnh đó, những bài viết trên báo mạng như “Báo chí Phật giáo: Vấn đề hội nhập và phát triển” của Thích Thiện Bảo (2000) đăng trên website daophatngaynay.com giacngo.vn đã đề cập đến vai trò của báo chí Phật giáo trong công cuộc chấn hưng cho đến hiện nay. Khi nói về vai trò của báo chí Phật giáo trước 1945, tác giả chỉ nhấn mạnh đến tạp chí Pháp âm, Từ bi âm, Duy tâm


Phật học, Viên âm và báo Đuốc tuệ. Ngoài ra, tác giả cũng đề cập vài nét đến cuộc tranh luận giữa các tạp chí về vấn đề Thượng đế sáng tạo, vấn đề linh hồn bất tử… Qua bài viết, tác giả nhận định rằng báo chí Phật giáo trước 1945 đã làm sáng tỏ trắng đen, phản bác những luận điểm sai lầm của một số người chưa hiểu rõ về đạo Phật.

Trần Kiêm Đạt (2008) với bài viết “Sơ lược lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam” đăng trên website phattuvietnam.net, cũng đã trình bày khái lược diện mạo một số tạp chí, tờ báo Phật giáo trước 1945. Trong đó, tác giả khẳng định báo chí Phật giáo Việt Nam thực sự khai sinh và phát triển từ khi có phong trào Chấn hưng Phật giáo vào thập niên 1930. Nội dung bài viết phản ảnh thực tế Phật giáo trong từng giai đoạn, đồng thời cũng đề cập đến những cuộc tranh luận giữa các tạp chí, mà tiêu biểu là Duy tâm Phật học Tiến hóa.

Bài viết “Báo xuân Phật giáo xưa” của Nguyễn Ngọc Phan (2012) đăng trên website khoavanhoc-ngonngu.edu.vn đã trình bày những giai phẩm xuân mà báo chí Phật giáo giai đoạn đầu TK.XX từng thể hiện, như Duy tâm Phật học, Đuốc tuệ, Từ bi âm, Bát nhã âm v.v.. Tác giả cho rằng báo chí Phật giáo trong sự nghiệp xiển dương Phật pháp và chấn hưng Phật giáo luôn gắn liền với nhân sinh thời cuộc, bộc lộ những ưu tư trăn trở trước hoàn cảnh mất nước và sự cùng khổ của đồng bào.

Những bài viết qua báo mạng trên ít nhiều cũng đã chỉ ra được vai trò và giá trị của báo chí Phật giáo đối với phong trào Chấn hưng Phật giáo và đối với dân tộc, đồng thời cũng đề cập đến một vài vấn đề mà báo chí đương thời tranh luận sôi nổi. Tuy nhiên, các bài viết chỉ dừng lại ở điểm khái quát sơ lược mà chưa đi sâu phân tích về những tác động tư tưởng nhiều mặt của báo chí.

Nhìn chung, trên thực tế dù đã từng có một số nhà nghiên cứu viết về lịch sử báo chí Việt Nam, trong đó có đề cập đến báo chí Phật giáo, thậm chí có những nhà nghiên cứu đề cập chuyên biệt về báo chí Phật giáo Việt Nam, nhưng các công trình, bài viết ấy mới chỉ dừng lại ở một vài khía cạnh riêng biệt, chưa bao quát hết các tạp chí, tờ báo Phật giáo. Chưa có công trình nào đề cập cụ thể và toàn diện về diện mạo, giá trị và đặc điểm của báo chí Phật giáo giai đoạn trước 1945 trên các lĩnh vực Phật học, văn học, văn hóa tư tưởng, chính trị, kinh tế, xã hội v.v..


ủa những người đi trước, trong luận án này, chúng tôi hy vọng có thể nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm, giá trị của Phật học và văn học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước 1945.

3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU


Với đề tài Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945, chúng tôi muốn giới thiệu một cách hệ thống về báo chí Phật giáo trước 1945. Trên cơ sở đó luận án sẽ trình bày, luận giải những vấn đề Phật học và văn học trên bộ phận báo chí ấy. Về Phật học, luận án sẽ trình bày các phương diện: thế giới quan Phật giáo, tư tưởng đạo đức, quan hệ Phật giáo với dân tộc và đại chúng… Về văn học, luận án trình bày những giá trị đặc điểm nội dung, nghệ thuật của văn học Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn này qua các thể loại thơ, văn xuôi, dịch văn học.

4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU


Đối tượng chủ yếu chúng tôi chọn khảo sát là báo chí Phật giáo Việt Nam trước 1945. Chúng tôi cố gắng khảo sát tất cả những tư liệu có thể tìm được. Hiện nay còn 13 tạp chí và 2 tờ báo là: Tạp chí: Pháp âm (1929), Phật hóa Tân Thanh niên (1929), Từ bi âm (1932-1945), Viên âm (1933-1945), Tiếng chuông sớm (1935-1936), Duy tâm Phật học (1935-1943), Bồ đề (1936), Bác (Bát) nhã âm (1936-1943), Pháp âm Phật học (1937-1938), Tam bảo (1937-1938) (Theo như hình ảnh thì bản tiếng Hoa chỉ đề Tam bảo, nhưng bản tiếng Việt đề là Tam bảo chí, Nguyễn Đại Đồng cũng viết là Tam bảo chí), Tiến hóa (1938-1941), Quan âm (1938-1943), Phật pháp chỉ Niết bàn (1941) và báo: Đuốc tuệ (1935-1945), Tinh tiến (1945).

Các tờ báo, tạp chí này hiện nay đang lưu trữ chủ yếu ở Thư viện Quốc gia (Hà Nội), bên cạnh đó là ở một số chùa và tủ sách tư nhân.

Từ những tờ báo, tạp chí Phật giáo này, chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu đặc điểm, giá trị của tư tưởng Phật học và văn học.

5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU


Để thực hiện đề tài, chúng tôi tiến hành sưu tầm những tác phẩm, bài viết, tờ báo, tạp chí và những công trình từ trước đến nay có liên quan đến mảng báo chí


Phật giáo Việt Nam trước 1945. Đồng thời, chúng tôi cũng sưu tầm tất cả những tạp chí, tờ báo Phật giáo trước 1945. Đây là những tài liệu làm nền tảng cho việc nghiên cứu một cách trung thực và chính xác.

Trong luận án này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu

sau:


5.1. Phương pháp thống kê - phân loại


Dùng các phương pháp bổ trợ này nhằm mục đích thống kê, phân loại những tài liệu có liên quan đến luận án đã sưu tầm được, từ đó góp phần tìm hiểu, thẩm định giá trị đích thực của báo chí Phật giáo trước 1945.

5.2. Phương pháp phân tích - so sánh - tổng hợp


Để đáp ứng nhu cầu của đề tài, luận án sử dụng xuyên suốt các phương pháp chủ đạo: phân tích - so sánh - tổng hợp nhằm tìm ra những đặc điểm về nội dung tư tưởng của các vấn đề Phật học, những giá trị nghệ thuật đặc sắc trong giáo lý nhà Phật cùng những đặc điểm nội dung và giá trị nghệ thuật của thơ ca, văn xuôi đã thể hiện trên báo chí Phật giáo trước 1945. Qua đó chứng minh sự đóng góp đích thực của báo chí Phật giáo đương thời đối với Phật giáo và dân tộc. Trên cơ sở này, luận án còn xác định sự ra đời và phát triển của báo chí Phật giáo trước 1945 đã phát huy được gì cho nền văn hóa, văn học của dân tộc trong chặng đầu hiện đại hóa.

5.3. Phương pháp lịch sử xã hội


Vận dụng thêm phương pháp này để xác định những tiền đề hình thành và phát triển của báo chí Phật giáo trước 1945. Nghiên cứu báo chí Phật giáo trong mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử - xã hội đương thời.

6. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN


Hoàn thành luận án Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945, chúng tôi mong muốn có những đóng góp sau:

- Giới thiệu một cách có hệ thống tình hình báo chí Phật giáo trước 1945. Xác định lại năm ra đời, năm kết thúc, mục đích tôn chỉ, ban biên tập của từng tờ báo, tạp chí Phật giáo.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/09/2023