- Trình bày một cách có hệ thống, tường minh về các vấn đề chủ yếu của Phật học và văn học trên báo chí Phật giáo trước 1945.
Luận án có thể góp phần vào việc tìm lại giá trị của báo chí Phật giáo trước 1945, những đóng góp của báo chí Phật giáo đối với đời sống tinh thần của dân tộc.
7. CẤU TRÚC LUẬN ÁN
Ngoài phần Dẫn nhập, luận án gồm 3 chương:
Chương 1: Phong trào Chấn hưng Phật giáo và báo chí Phật giáo Việt Nam trước 1945: Trình bày khái quát về phong trào Chấn hưng Phật giáo và tình hình báo chí Phật giáo Việt Nam trước 1945 (từ trang 11 đến trang 55).
Chương 2: Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước 1945: Trình bày thế giới quan Phật giáo, tư tưởng đạo đức Phật giáo, vấn đề Phật giáo đối với dân tộc và đại chúng, nhằm rút ra những giá trị cơ bản của Phật giáo giai đoạn này (từ trang 56 đến trang 124).
Chương 3: Văn học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước 1945: Trình bày khái quát về mảng văn học trên báo chí Phật giáo, phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật của thơ và văn xuôi trên những tờ báo ấy (từ trang 125 đến trang 204).
Có thể bạn quan tâm!
- Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 1
- Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 2
- Hoạt Động Của Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo
- Những Thành Tựu Chung Của Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo
- Tình Hình Báo Chí Phật Giáo Việt Nam Trước 1945
Xem toàn bộ 270 trang tài liệu này.
Đề tài luận án là “Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945”. Luận án phải đặt từ “Văn học” trước là để cho phù hợp với mã ngành Văn học Việt Nam, nhưng trong khi triển khai thì Phật học (chương 2) được trình bày trước Văn học (chương 3). Làm như vậy vì trên báo chí Phật giáo, tư tưởng Phật học là vấn đề trung tâm, quan trọng nhất, phải nghiên cứu Phật học (chương 2) trước rồi mới đến Văn học (chương 3). Văn học vẫn là vấn đề đi sau tư tưởng và chủ yếu là phương tiện truyền bá tư tưởng Phật học.
Cuối luận án là phần Kết luận (từ trang 205 đến trang 207), Danh mục báo chí Phật giáo (trang 208), Thư mục tài liệu tham khảo (từ trang 209 đến trang 218) và Danh mục các công trình của tác giả đã công bố (trang 219). Người viết có chuẩn bị thêm phần Phụ lục (từ trang 220 đến trang 258), giới thiệu một số hình ảnh báo chí, tổng danh mục thơ và văn trên báo chí Phật giáo trước 1945.
Chương 1
PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO
VÀ BÁO CHÍ PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC 1945
1.1. PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO TỪ CUỐI THẬP NIÊN 1920 ĐẾN 1945
1.1.1. Tình hình Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX
Đầu TK.XX, sau khi bình định được Việt Nam, Pháp thực hiện chính sách nâng đỡ, tạo điều kiện cho đạo Công giáo phát triển. Chính quyền Pháp vì muốn loại trừ ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo, nên đã quyết tâm loại bỏ chữ Hán mà thay bằng chữ Pháp [84, tr.474].
Lúc bấy giờ, kinh sách Phật toàn là chữ Hán, do vậy dân chúng học tiếng Pháp hoặc ít học không đọc được kinh điển. Từ đó, tín đồ không thấu hiểu giáo lý của Phật và đây là tiền đề khiến người dân cách xa dần đạo Phật, khiến đạo Phật ngày càng suy vi. Đạo Phật đã suy đến mức toàn quốc không có một ngôi trường Phật học nào cho người dân đến tham học [51, tr.20].
Thực dân Pháp đã cố tình loại trừ dần văn hóa dân tộc và thay vào đó là văn hóa của phương Tây. Các khái niệm yêu nước, trung quân, đạo đức tôn giáo, phong tục tập quán, tín ngưỡng… đều bị phê phán là lạc hậu, lỗi thời. Đạo Phật hầu như bị gạt ra ngoài lề của đời sống xã hội đương thời. Dẫu biết rằng cả nước Việt Nam lúc bấy giờ, mỗi làng đều có chùa thờ Phật, thậm chí có làng có đến ba ngôi chùa. Thế nhưng, những ngôi chùa đó chỉ là nơi dành riêng cho phái nữ, những bà cụ… mỗi tháng vào những ngày Rằm, mồng Một đến chùa lễ Phật. Đạo Phật thời kỳ đã trở thành một tôn giáo tiêu cực, chán đời, mê tín dị đoan. Người dân tôn kính Đức Phật như một bậc Thượng đế toàn năng có quyền ban phước giáng họa.
Cụ thể là chính quyền thực dân thực hiện chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo như: kiểm tra đời sống sinh hoạt của tăng chúng trong chùa, những chùa nào muốn xây dựng, sửa chữa thì phải xin giấy phép và được chính quyền cấp giấy phép mới được xây cất. Chúng dùng chính sách hủ hóa dân tộc ta bằng cách cho phép tự do
hoạt động mê tín dị đoan, nhưng hạn chế con đường giáo dục văn hóa truyền thống của dân tộc. Mục đích của chúng là làm cho dân ta ngu dốt để dễ bề sai khiến, không muốn cho dân tộc ta trở nên lớn mạnh và đạo Phật từ đó cũng bị đồng hóa với những tà thuyết ngoại đạo. Ngoài ra, một số ngôi chùa lớn đã bị chính quyền Pháp phá hủy dần [84, tr.475].
Việt Liên với bài Phật giáo không phải là đạo hữu thần đã ghi rất rõ về sự kiện này:
Nhưng xét cho kỹ, phần đông người mình chưa hiểu cái yếu nghĩa của Phật giáo, cho là một đạo hữu thần, cũng cầu xin, cũng chuộc tội, chẳng khác chi những kẻ ỷ lại thần quyền. Hoặc cho là một đạo hoang đường mê tín, chứa những việc huyễn hoặc dị đoan, không hiểu Phật giáo có một cái triết lý rất thâm thiết. Trải qua bao nhiêu thế kỷ đã bị chôn sâu trong cái não mê tín của bọn ngu dân và bị khuất sau tấm lòng lợi dụng của một hạng tín đồ vô học... Nếu chẳng chấn hưng Phật giáo, chỉnh đốn Phật giáo lại, thì Phật giáo cũng như các tôn giáo khác, sẽ theo một công lệ đào thải mà tiêu diệt trước khi thế giới đại đồng [E, số 2, tr. 6-8].
Thời gian bị kìm hãm kéo dài cho đến năm 1920, giới tăng sĩ và trí thức trong nước mới có cơ hội đứng ra hô hào, phát khởi phong trào Chấn hưng đạo Phật Việt Nam. Từ đó, báo chí Phật giáo mới có cơ hội ra đời và được phổ biến rộng rãi khắp nơi, đồng thời các kinh sách Phật giáo, nhờ phương tiện in ấn tiên tiến nên cũng được xuất bản và lưu hành nhiều hơn.
Nhờ sự khởi sắc từ những thập niên đầu TK.XX mà sau này, việc đào tạo tăng ni tại Việt Nam dần dần trở nên có quy củ. Hệ thống giáo dục được hình thành và đi theo thứ bậc từ hệ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đến đại học.
Quả thật, giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX, dù đất nước bị chia làm ba kỳ, dưới ba hình thức cai trị khác nhau, nhưng sự thống nhất về dân tộc, văn hóa và tôn giáo lúc bấy giờ vẫn được duy trì và gìn giữ. Sự hiện diện của đạo Phật xuyên suốt từ Bắc chí Nam đã là một yếu tố góp phần to lớn, nhằm đối kháng với việc chia cắt đất nước để cai trị theo chủ trương của người Pháp. Hơn nữa, dù chịu ảnh hưởng
mạnh của quá trình Âu hóa, nhưng Phật giáo Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ qua phong trào Chấn hưng Phật giáo.
Ðạo Phật trong giai đoạn kháng Pháp nửa đầu thế kỷ XX đã gắn kết với quần chúng, đã hòa chung với lòng yêu nước của muôn dân, thể hiện bằng mục đích Tu là tìm hạnh phúc cho tha nhân và góp phần thực thi sứ mệnh đem lại hòa bình cho quê hương đất nước. Lúc này có nhiều vị tăng sĩ đã cởi áo cà sa để khoác chiến bào, hòa mình cùng dân tộc đấu tranh chống Pháp, đã có nhiều vị hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc.
1.1.2. Nguyên nhân dẫn đến phong trào Chấn hưng Phật giáo
Đầu TK.XX, sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), nền kinh tế tư bản lâm vào cuộc khủng hoảng. Giai đoạn 1920-1930, khủng hoảng kinh tế bắt đầu và kéo dài, các đế quốc tăng cường chính sách bóc lột ở các nước thuộc địa. Đông Dương trở thành nạn nhân trong chính sách khai thác tàn nhẫn của Pháp. Việt Nam cũng lâm vào tình trạng khốn khổ, “một cổ hai tròng” - vừa phát xít Nhật và vừa thực dân Pháp đè nặng lên đôi vai người dân thuộc địa, dẫn đến mâu thuẫn và phân hóa giai cấp trong xã hội Việt Nam. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực trong đời sống từ kinh tế, chính trị, văn hóa và cả tín ngưỡng tâm linh.
Nhờ tiếp thu những trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản qua các tân thư, tân văn của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi cùng cuộc vận động cách mạng ở Trung Quốc; các thuyết về nhân đạo, nhân quyền của những nhà khai sáng Pháp thế kỷ XVIII như J. Rousseau, S. Montesquieu, F. Voltaire mà các trí thức yêu nước Việt Nam đã có sự thay đổi sâu sắc về tư tưởng. Bên cạnh đó, tấm gương Nhật Bản nhờ Duy Tân mấy chục năm mà đánh bại đế quốc Nga đã làm tăng thêm niềm tin của các nhà trí thức yêu nước Việt Nam. Phong trào Duy Tân ở Việt Nam phát sinh từ những nguyên nhân trên. Mục đích của phong trào là xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, giàu mạnh. Hình thức hoạt động của phong trào Duy Tân ở Việt Nam diễn ra vừa công khai, vừa bí mật nhưng khá toàn diện, phổ biến rộng khắp 3 miền của đất nước.
Chính những biến động lịch sử đó đã tác động mạnh mẽ vào phong trào Chấn hưng Phật giáo thời kỳ này. Nhiều nhà nho chí sĩ đã đánh giá cao vai trò của Phật giáo đối với sự phát triển của xã hội, sự tự cường của dân tộc. Trong bối cảnh đó, báo chí Quốc ngữ có khuynh hướng duy tân ra đời như: Nông cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh tân văn (1907), Đăng cổ tùng báo (1907), Đông Dương tạp chí (1913), Nam phong tạp chí (1917), An Nam tạp chí (1926), Phụ nữ tân văn (1929)… Những tờ báo này đã góp phần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” như khẩu hiệu của phong trào Duy Tân đầu TK.XX. Chính những tờ báo này cũng góp phần thúc đẩy cho phong trào Chấn hưng Phật giáo diễn ra nhanh chóng và phát triển mạnh trong đời sống xã hội.
Các nhà cách mạng tiêu biểu của phong trào Duy Tân, trong đó có Phan Chu Trinh đã từng nhận định rằng Phật giáo hưng thịnh thì đất nước cũng sẽ hưng thịnh. Có thể nói Phan Chu Trinh là người đặt niềm tin rất lớn vào sự đóng góp của một nền Phật giáo phục hưng đối với nền hòa bình dân tộc, cho nên ông thường hô hào việc chấn hưng đạo Phật để hỗ trợ cách mạng. Trong một buổi diễn thuyết, ông đã từng nói:
Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo, chúng ta không biết cương cường xả thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy: quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu; nào bị cướp sáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư? [67, tr.750].
Giai đoạn giữa năm 1935, có nhiều bài viết trên báo Tràng an lấy tên là H.T luận bàn về Phong trào Phật giáo chấn hưng. Tác giả đã cho rằng có ba nguyên nhân của sự phục hưng Phật giáo, đó là do lòng tự ái của dân tộc, niềm khát ngưỡng một lý tưởng để theo và do nạn kinh tế khủng hoảng.
Thế nhưng lại còn có ý kiến cho rằng phong trào Chấn hưng Phật giáo ra đời là do ý đồ mỵ dân của thực dân Pháp: chúng muốn đẩy dân ta đắm chìm trong tín ngưỡng mê tín của tôn giáo, để họ quên đi sự chống đối ngoại bang. Theo Nguyễn
Lang, sự nghi ngờ đó được xuất phát từ hai sự kiện: thứ nhất là do việc Nhà nước bảo hộ đã dễ dàng ký giấy cho phép thành lập các Hội Phật giáo; thứ hai là do có một vài người được xem như là “người của chính quyền” đã hoạt động trong các Hội Phật giáo, như Trần Nguyên Chấn trong Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, Nguyễn Năng Quốc và Lê Dư trong Hội Phật giáo Bắc Kỳ [67, tr.762]. Nhưng các sĩ phu yêu nước ngay từ đầu đã không nghĩ như thế, các học giả có uy tín như Nguyễn Lang [67], Trần Văn Giàu [44] đều thẳng thắn bác bỏ quan điểm sai trái ấy.
Huỳnh Thúc Kháng trên báo Viên âm, Phan Khôi trên báo Tràng an đã gạt bỏ ra ngoài những quan điểm sai lầm về Phật giáo và phong trào Chấn hưng Phật giáo. Các vị đã đưa ra ý kiến tán đồng với quan điểm của Phan Chu Trinh khi cho rằng, chấn hưng Phật giáo là một việc làm có ích cho quốc dân như đã dẫn ở trên.
Đặc biệt, Huỳnh Thúc Kháng vừa phát biểu ý kiến tán đồng vấn đề chấn hưng Phật giáo trên tạp chí Viên âm, vừa khuyên Viên âm nên cố gắng:
Viên âm hãy gắng lên. Người ta nói khoa học với tôn giáo không cùng đi với nhau, là nói ở xứ văn minh nào kia, chứ ở xứ khai thông chậm trễ dân trí mơ mù như xứ ta, tôn giáo còn là phương thuốc chữa bệnh chung cho người mình có hiệu nghiệm. Huống là cái thuyết từ bi cứu khổ, độ tha, giác tha và nhân quả luân hồi của Phật giáo thông cả các giai cấp trong xã hội, mà ai thực hành theo có bổ ích cho chúng sanh không phải là ít, chưa nói đến “Niết bàn” là chỗ thượng thừa cao xa kia [D, số 3].
Những quan điểm trên cho chúng ta hiểu được, phong trào Chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam đã nhận được sự đồng tình của nhiều chí sĩ yêu nước đầu TK.XX.
Nhìn rộng ra châu Á, phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh chung của phong trào Chấn hưng Phật giáo ở các nước châu Á: Tích Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… nhằm khôi phục lại các giá trị của Phật giáo, phát triển Phật học.
Bắt đầu từ cư sĩ David Hewavitarane, người Tích Lan, sau này xuất gia thành đại đức Dharmapala. Để chấn hưng Phật giáo, Dharmapala đã thành lập Hội Đại Bồ đề Ấn Độ và xuất bản tạp chí Bồ đề, thành lập các trung tâm Phật học và tu viện
Phật giáo. Dharmapala thường hun đúc tinh thần chấn hưng Phật giáo của tín đồ Phật giáo Ấn Độ bằng những lời kêu gọi trong mỗi thời thuyết pháp ở Ấn Độ: “Phật giáo ở Ấn Độ đã bị truy phóng một thời gian dài 800 năm. Ngày nay, họ đã và đang quay trở về Tổ quốc. Tất cả chúng ta hãy thức tỉnh siêu vượt chế độ, giai cấp và tín điều, với mục đích duy nhất của Hội Đại Bồ đề là đem giáo lý của Đấng Phật đà tặng mọi người dân Ấn Độ” [64, tr. 201].
Năm 1908, đại đức Dharmapala đã viết thư liên lạc với cư sĩ Dương Nhân Sơn ở Trung Quốc để mời cộng tác và từ đó phong trào lan rộng nhanh chóng.
Tại Trung Quốc, cư sĩ Dương Nhân Sơn đã đứng lên thiết lập Kỳ Hoàn Tịnh xá, triệu tập những học giả nghiên cứu Phật học bằng Hán văn, Anh văn và Pali. Tiếp đó, năm 1912, HT. Thái Hư lập Phật học viện Vũ Xương, ra tạp chí Giác xã năm 1918, sau đổi thành Hải triều âm, làm tiền đề cho nhiều Phật học viện ra đời. Các hiệp hội Tăng Giáo dục, Phật giáo Hợp Tiến, Phật giáo Tổng hội, Phật giáo Liên hiệp, Phật giáo Cư sĩ lâm... liên tiếp ra đời khắp mọi nơi.
Những hoạt động tích cực để chấn hưng Phật giáo của các nhân vật Phật giáo xuất chúng từ Tích Lan, Ấn Độ, Trung Quốc đã tác động đến các nước ở châu Á khác như: Miến Điện, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam v.v.. Phong trào đổi mới Phật sự từ các nước này cũng được diễn ra nhanh chóng và có hiệu quả. Có thể nói, phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ từ phong trào Chấn hưng Phật giáo Trung Quốc, đặc biệt là những tư tưởng cải cách Phật giáo của HT. Thái Hư.
Mặt khác, ở Việt Nam đầu TK.XX, do nhiều nguyên nhân về kinh tế, văn hóa, xã hội và tư tưởng đã xuất hiện nhiều phong trào tôn giới mới. Những phong trào tôn giáo này bắt nguồn từ Phật giáo, từ tín ngưỡng dân gian, hoặc từ “Tam giáo” (Phật - Lão - Nho) rồi cải biên, trong đó có đạo Cao Đài do các ông Ngô Minh Chiêu (1878-1930), Lê Văn Trung (1875-1934), Phạm Công Tắc (1893- 1959),… thành lập năm 1926; Phật giáo Hòa Hảo do ông Huỳnh Phú Sổ (1920- 1946) thành lập năm 1939,… Sự phát triển của các tôn giáo đương thời đã tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ đối với Phật giáo. Đây cũng là nhân tố tác động đến sự ra đời của phong trào Chấn hưng Phật giáo.
Ngoài những nguyên nhân từ quốc tế, nguyên nhân chính trị - xã hội và tôn giáo trong nước, sự ra đời của phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam còn do những nguyên nhân nội tại trong giới Phật giáo. Trước đó và ngay cả giai đoạn này, có lúc có nơi, sự suy giảm uy tín của Phật giáo đối với dân chúng khá rõ.
Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận của giới tăng sĩ đã đi sai lạc con đường chính pháp, không chuyên tâm tu hành mà chỉ chuyên lo “ứng phó” đạo tràng để thu tài vật, lợi dụng tín ngưỡng dân gian để cầu danh cầu lợi cho bản thân. Cư sĩ Khánh Vân đã trực tiếp lên án tình hình này trên tạp chí Duy tâm Phật học số 18 năm 1926: “Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, nhập sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại luyện bùa học ngải, luyện roi thần, khi lên ông, lúc gặp bà, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thực ra lợi dụng lòng mê muội của thiện nam, tín nữ, rộng túi tham vơ vét cho sạch sành sanh”.
Cư sĩ Thanh Quang cũng nói về tình trạng này trên báo Đuốc tuệ bằng những lời lẽ phê phán gay gắt: “Đau đớn thay xứ ta, những hạng xuất gia vào chùa phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lãnh đám này, mai lãnh đám kia; cũng tràng hạt, cũng cà sa, thử lật mặt trái của họ ra mà xem thì có khác nào người trần tục” [F, số 178-179, tr.3-5].
Rõ ràng, vấn đề “tha hóa đạo đức” của một bộ phận trong giới tu sĩ đã làm ảnh hưởng đến sự suy đồi của Phật giáo. Điều đó đã khiến cho nhiều nhà lãnh đạo Phật giáo, người có tâm huyết với Phật giáo trăn trở, lo lắng. Sư Thiện Chiếu, nhà trí thức trẻ đầy nhiệt huyết không thể ngồi yên, đã mạnh dạng chỉ trích trên tờ Đông Pháp thời báo số 532, ra ngày 14.1.1927: “Xét lại tăng giới hiện thời ở nước ta mà nhất là ở Nam Kỳ, phần nhiều không chuyên tâm về đường học vấn, kẻ hảo tâm thời lo độc thiện, có khi lạc vào cái chủ nghĩa yếm thế nên không biết nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; mình đã chẳng biết thời làm sao truyền bá ra cho người khác biết được?”.
Nhìn chung, trước bối cảnh trong và ngoài nước như thế, nhiều tăng sĩ cùng nhân sĩ trí thức yêu nước có nhiệt tâm, có tín tâm với đạo Phật đã tìm mọi cách chấn hưng Phật giáo để khôi phục lại truyền thống tín ngưỡng, đạo lý và phong tục tập quán của dân tộc, đồng thời qua đó đoàn kết tập hợp lực lượng để chống Pháp,