Kinh tế Du lịch ở thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh 1986 - 2013 - 4

mại, dịch vụ, giao lưu quốc tế của cả nước) với Hạ Long (trung tâm du lịch, cảng biển, công nghiệp than, điện, giao lưu quốc tế), đường 10 qua Hải Phòng (trung tâm cảng biển, công nghiệp, du lịch), Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình với Quảng Ninh. Hiện nay, đường cao tốc 18B (có đoạn chạy qua địa phận Uông Bí) đã xây dựng xong, là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội với Hạ Long, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế trong toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Vai trò kết nối của Uông Bí góp phần tạo thành chuỗi đô thị phát triển năng động trong mạng lưới đô thị quan trọng của tỉnh Quảng Ninh.

Uông Bí nằm trên bể than của tỉnh Quảng Ninh kéo dài từ Cẩm Phả qua Hạ Long, tới Uông Bí, Đông Triều - Mạo Khê với trữ lượng tương đối lớn (khoảng 1,4 tỉ tấn) và có chất lượng tốt. Tài nguyên đất đa dạng, quỹ đất cho phát triển đô thị và dịch vụ lớn. Tài nguyên rừng ở Uông Bí phong phú, trong đó rừng quốc gia Yên Tử có nhiều loại đặc hữu và quý hiếm. Tài nguyên thiên nhiên được xem là các nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển.

Uông Bí là một mắt xích quan trọng trong hệ thống cảnh quan du lịch và di tích lịch sử của cả vùng từ Côn Sơn- Kiếp Bạc đến vịnh Hạ Long, đền Cửa Ông, Bái Tử Long. Là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của tỉnh Quảng Ninh (Hạ Long và vùng phụ cận, Đông Triều- Quảng Yên- Uông Bí- Vân Đồn, Móng Cái- Trà Cổ) với những khu du lịch ngày càng nổi tiếng: Yên Tử, chùa Ba Vàng, Hang Son, khu du lịch Hồ Yên Trung, thác Lựng Xanh... đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Vị thế địa chiến lược cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó nổi bật là khoáng sản, quỹ đất, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, tạo nguồn lực tự nhiên cho Uông Bí phát triển nền kinh tế đa ngành với một số ngành, lĩnh vực mang tính chuyên môn hóa cao.

Uông Bí nằm ở dải chuyển tiếp giữa vùng đồi núi và đồng bằng ven biển nên khí hậu mang tính chất chuyển tiếp giữa vùng đồi núi Đông Bắc và vùng

đồng bằng châu thổ sông Hồng. Địa hình Uông Bí có sự phân hóa, nhưng do nằm gần biển nên khí hậu tương đối ôn hòa, thuận lợi cho đời sống và sản xuất. Vào mùa hè, nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, bốc hơi mạnh, các loại gió thịnh hành hoạt động thường xuyên hơn với tốc độ lớn hơn. Vào mùa đông, trời nhiều mây, cường độ bức xạ mặt trời giảm, gió mùa Đông Bắc chiếm ưu thế, nhiệt độ không khí và nhiệt độ mặt đất giảm. Các hiện tượng khí hậu thời tiết cực đoan như gió mạnh, bão, lốc có xảy ra nhưng với cường độ không quá lớn, tần suất không quá cao nên ít ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất. Do vị trí địa lí và địa hình nằm trong cánh cung Đông Triều - Móng Cái, có nhiều dãy núi cao ở phía bắc và thấp dần xuống ở phía nam đã tạo cho Uông Bí một chế độ khí hậu đa dạng, phức tạp vừa mang tính chất khí hậu miền núi, vừa mang tính chất khí hậu duyên hải. Căn cứ vào sự phân hóa của các yếu tố khí hậu có thể chia Uông Bí thành bốn tiểu vùng khí hậu: Tiểu vùng khí hậu miền núi, phân bố phía bắc đường 18B, gồm các dải núi Yên Tử, Bảo Đài, nhiệt độ thường thấp hơn trung tâm thành phố Uông Bí khoảng 4 - 6°C, mùa đông lạnh hơn, mùa hè mát hơn vùng thấp, gió mạnh và nhiều mây, mưa nhiều. Tiểu vùng khí hậu thung lũng, nằm dọc đường 18B, ít mưa, mùa hè nóng, mùa đông lạnh, biên độ nhiệt trong ngày và giữa các mùa trong năm lớn hơn các tiểu vùng khác, mùa hè hay xuất hiện giông lốc vào các tháng 7,8, mùa đông hay xuất hiện sương mù trong tháng 1,2. Tiểu vùng khí hậu vùng núi thấp và đồi, phân bố phía nam đường 18B và phía bắc đường 18A, nhiệt độ thấp hơn trung tâm thành phố Uông Bí khoảng 3 - 4°C, mưa nhiều, khí hậu tương đối lạnh vào mùa đông. Tiểu vùng khí hậu đồng bằng ven sông Đá Bạc, vùng thấp phía nam đường 18A kéo dài đến hạ lưu sông Đá Bạc có tính chất khí hậu miền đồng bằng. Mùa hè nhiệt độ cao, mùa đông ấm hơn so với các tiểu vùng khí hậu khác. Gió khá mạnh và độ ẩm tương đối của nhiều tháng trong năm cao hơn các tiểu vùng khác.

Nhìn chung, nền khí hậu của khu vực khá thích hợp với sức khỏe của con người, thuận lợi cho các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, cần lưu ý phòng tránh các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, bão gió để đảm bảo an toàn cho du khách và hạn chế tổn thất cho các công trình văn hóa, du lịch lâu đời.

Hệ thống sông, suối của Uông Bí mang những đặc điểm chung của hệ thống sông suối Quảng Ninh là ngắn và dốc, phân hóa mạnh theo mùa, tốc độ dòng chảy và lưu lượng dòng chảy lớn, đặc biệt vào mùa lũ. Sông lớn nhất và có ảnh hưởng tới chế độ thủy văn của thành phố Uông Bí là sông Đá Bạc. Sông Đá Bạc nằm trong hệ thống sông Thái Bình, là đoạn hạ lưu của sông Kinh Thầy. Phía cuối sông Đá Bạc chia thành sông Bạch Đằng và sông Rút trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ. Sông Đá Bạc chảy qua địa phận tỉnh Quảng Ninh từ Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên có chiều dài khoảng 60km. Hệ thống sông này tạo ra 8 lạch triều lớn nhỏ, chạy theo dọc hướng chính từ bắc xuống nam và nhiều hướng khác, được phát triển theo hình dạng rễ cây rất phức tạp. Trong 8 lạch triều đó có các lạch triều lớn, được gọi là sông Uông, sông Sinh, sông Sến, sông Hang Ma (Phương Nam), chảy theo hướng Bắc - Nam. Đây là các phụ lưu nhỏ đều bắt nguồn từ vùng đồi núi phía Nam dãy Yên Tử - Bảo Đài đổ ra sông Đá Bạc. Sông Uông tiếp nối với suối vàng Danh và kết thúc ở địa phận phường Quang Trung, được gọi là ranh giới của khu vực nước mặn và nước ngọt và có đập tràn dùng cho mục đích sử dụng nước sản xuất điện của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Phía Bắc của thành phố, suối Vàng danh có lưu lượng nước khá lớn, sông Sến, sông Tân Yên đổ về sông Hang Ma. Sông Sinh với chiều dài 15km bắt nguồn từ nguồn núi phía tây bắc Uông Bí chảy qua trung tâm thành phố (giữa phường Yên Thanh, Thanh Sơn và phường Quang Trung). Vào mùa mưa, các hệ thống lạch triều này bị ngọt hóa hoàn toàn, không thể sử dụng để nuôi các loại thủy sản nước lợ (trừ trường hợp sử dụng ao chứa nước lợ lấy từ mùa khô), vì vậy, giai đoạn này chỉ phù hợp cho việc nuôi các loại thủy sản nước ngọt. Sông Đá Bạc nhận nước ngọt từ trên thượng nguồn thuộc phần lưu

của hệ thống sông Thái Bình và một phần nhỏ lượng nước từ trên dãy Yên Tử (vào mùa mưa). Lưu lượng nước từ hai nguồn này không đủ lớn (vào mùa khô) để đẩy nước ngọt lấn ra biển, mà ngược lại thủy triều lại đẩy nước mặn lấn sâu vào trong, làm cho các hợp chất hữu cơ lơ lửng từ thượng nguồn đổ xuống bị đọng lại hình thành nên các barie địa hóa và đưa vào các đầm nuôi khu vực ven sông Đá Bạc, do đó các vùng này rất giàu dinh dưỡng và phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Ngoài hệ thống sông suối, Uông Bí còn có hệ thống ao hồ, đáng chú ý là hồ Yên Trung rộng 50ha, hồ Tân Lập rộng 16ha, hai hồ lớn này có khả năng cung cấp nước cho sản xuất và có thể tổ chức thành những điểm nghỉ ngơi, vui chơi giải trí cho khách du lịch. Tuy nhiên khả năng cung cấp nước của các hồ này rất hạn chế vào mùa khô, vì vậy phải đưa nước hồ Yên Lập từ thành phố Hạ Long về.

Nhìn chung, tài nguyên nước của thành phố tương đối dồi dào, chất lượng tốt, ít bị ô nhiễm. Nguồn tài nguyên này có giá trị lớn trong phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân nhất là hoạt động du lịch.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

Uông Bí có địa hình đa dạng, từ núi trung bình, núi thấp, thung lũng, đến đông bằng và vùng thấp trũng ven sông. Khí hậu vừa mang tính chất khí hậu miền núi vừa mang tính chất khí hậu miền duyên hải. Vì vậy, Uông Bí là vùng đất có tính đa dạng sinh học tương đối cao, đặc biệt là khu vực rừng núi Yên Tử. Thành phố Uông Bí không có lợi thế về biển như các huyện khác trong tỉnh Quảng Ninh nên đa dạng sinh học chủ yếu là đa dạng hệ sinh thái trên cạn và đa dạng sinh học ở khu ngập mặn Yên Thanh, Phương Đông. Thành phố Uông Bí có diện tích rừng khá lớn, năm 1991, toàn thành phố có 13.057ha, chiếm 53,35% tổng diện tích tự nhiên. Nhưng việc phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp, khai thác rừng lấy gỗ và khai thác khoáng sản đã làm cho diện thích rừng tự nhiên bị suy giảm nhanh. Năm 1993, diện tích rừng chỉ còn 7.381ha, chiếm 30,16% giảm 5.676ha (43,47%) so với năm 1991. Từ năm 1994, thực hiện Chương trình 327 (Chương trình khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng),

Chương trình 661, diện tích rừng tăng lên nhanh. Đến năm 2011, diện tích rừng là 12.694,11ha, chiếm 4410,11ha, chiếm 49,53% diện tích tự nhiên, trong đó rừng tự nhiên là 5.935,98ha và rừng trồng là 6.758,13ha. Rừng Uông Bí chủ yếu là rừng nghèo, rừng đạt tiêu chuẩn khai thác không đáng kể, chủ yếu là các loại rừng gỗ, tre, nứa hỗn giao, tuy nhiên vẫn có một số loại gỗ quý hiếm như lát hoa, lim xanh, sến, táu. Ngoài ra, rừng Uông Bí còn cung cấp các loại cây khác có giá trị như song, mây, hèo là nguyên liệu làm đồ mĩ nghệ và những cây cho dầu, cây làm thuốc, cây cho sợi, nhựa thông…

Kinh tế Du lịch ở thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh 1986 - 2013 - 4

Rừng ở Uông Bí có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế

- xã hội, bảo vệ môi sinh khu vực, giữ nguồn nước, tạo cảnh quan, giữ gìn các di tích lịch sử - văn hóa. Vì vậy, cần phải có chính sách đầu tư, khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.

Thực vật ở khu vực Uông Bí tương đối phong phú và đa dạng, bao gồm

1.271 loài, trong đó 1.102 loài tự nhiên và 169 loài cây trồng thuộc 179 họ của 3 ngành thực vật: khuyết thực vật, hạt trần, hạt kín. Hệ thực vật của khu vực (chỉ tính riêng các loài tự nhiên, loài tự nhiên của khu vực có gây trồng, các loài cây trồng bị hoang dại hóa) có 1.102 loài thuộc 162 họ của 3 ngành trên, trong đó có 22 loài quý hiếm. Thảm thực vật tự nhiên của khu vực bao gồm các kiểu thảm đặc trưng cho khí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông khô hơi dài và khí hậu á nhiệt đới ẩm, các kiểu thảm của vùng cửa sông ven biển. Sự phân hóa của các điều kiện nhiệt - ẩm trên nền địa hình của thành phố Uông Bí đã tạo nên các đai thực vật đặc trưng theo độ cao. Ở độ cao dưới 600m, khí hậu mang tính chất chuyển tiếp giữa nhiệt đới ẩm và hơi ẩm với một mùa đông ngắn, kiểu thảm thực vật đặc trưng là rừng kín cây lá rộng thường xanh xen lẫn một số lượng đáng kể các cây rụng lá vào thời kì mùa đông. Ở độ cao trên 600m, khí hậu mang tính chất á nhiệt đới ẩm với kiểu rừng đặc trưng là rừng kín cây lá rộng thường xanh á nhiệt đới ẩm. Vùng cửa sông ven biển trên sông Đá Bạc chịu ảnh hưởng của chế độ nhật triều đều. Tại những khu vực ở trong bãi có độ

mặn thấp, phân bố phổ biến các cây có biên độ muối rộng, chịu được nồng độ muối trung bình như: sú, vẹt tách… Khu vực ven sông phổ biến các cây có biên độ muối hẹp, nồng độ muối thấp như: bần, bình bát, ráng đại…

Dưới tác động tổng hợp của các điều kiện khí hậu, địa chất, địa hình, thủy văn, hải văn, thổ nhưỡng đã hình thành nên thảm thực vật tự nhiên rất phong phú và đa dạng, bao gồm rừng kín cây lá rộng thường xanh á nhiệt đới ẩm trên đất feralit địa đới ở vùng đồi núi, rừng đầm lầy - nước ngọt trên đất nội địa đới ngập nước ngọt, rừng ngập mặn trên đất nội địa đới ngập nước mặn. So sánh với các khu vực lân cận như Cát Bà, Hạ Long và phụ cận, có thể thấy, thực vật khu vực nghiên cứu thuộc vào loại phong phú. Nguyên nhân chính là môi trường sống ở đây rất đa dạng: từ vùng núi khá cao đến vùng đất ngập ven biển, nền đất đa dạng, khí hậu tương đối thuận lợi, ngoài một số diện tích rừng tự nhiên có thành phần loài phong phú, khu vực nghiên cứu còn có sự xuất hiện một số loài cây trồng mới trong các khu dân cư. Hệ thực vật của khu vực (chỉ tính riêng các loài tự nhiên, loài tự nhiên ở khu vực có gây trồng, các loài cây trồng bị hoang dại hóa) có 1.105 loài thuộc 165 họ.

Đa dạng sinh học hệ thực vật là thành tố quan trọng của đa dạng sinh học của một số vùng bằng chính giá trị của từng loài thực vật, đồng thời còn đóng góp bằng sự tổ hợp của chúng hình thành nên các kiểu thảm thực vật, các hệ sinh thái và các dịch vụ hệ sinh thái đa dạng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đa dạng sinh học và kinh tế - xã hội của cộng đồng. Đa dạng thảm thực vật: thảm thực vật ở Uông Bí rất phong phú, đa dạng về thành phần loài.

Rừng đặc dụng Yên Tử nằm trên địa bàn xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, được thành lập theo quyết định số 194/CP, ngày 9-6-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Ngày 26-9-2011, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1671/TTg thành lập Khu rừng quốc gia Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh, thuộc loại khu rừng lịch sử - văn hóa - môi trường. Khu rừng Yên Tử có hệ sinh thái độc đáo, có

tính đa dạng sinh học phong phú với nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm và các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của vùng Đông Bắc Việt Nam. Nơi đây còn là một trong những danh lam thắng cảnh, điểm tham quan du lịch, lễ hội truyền thống của cả nước, đồng thời là một trung tâm Phật giáo Việt Nam.

Khu di tích Yên Tử quản lý có diện tích 2.783ha rừng, trong đó có 2.060,3ha rừng tự nhiên, được bao bọc ba mặt bởi hệ thống núi Yên Tử. Hệ thống núi chính Yên Tử nằm theo hướng bắc nam bắt nguồn từ đỉnh 660m đến đỉnh 908m, nơi có đèo Mật Lộn với hai giông phụ cùng hướng. Giông núi phía tây bắt nguồn từ đỉnh 660m xuôi về hướng Vàng Tân. Giông núi phía đông bắt nguồn từ đỉnh 908m xuôi về suối Bãi Dâu. Trên hệ thống núi chính Yên Tử có đỉnh cao nhất vùng Đông Bắc là đỉnh Yên Tử 1.068m. Địa hình trong khu vực bị chia cắt mạnh bởi nhiều giông núi nhỏ và khe suối, độ dốc trung bình 20 - 25°, nhiều nơi có độ dốc 35 - 40° xen kẽ, đôi chỗ có độ dốc 60 - 70° rất hiểm trở. Hai suối chính trong khu vực là Vàng Tân và suối Giải Oan đều bắt nguồn từ chân núi Yên Tử chảy về hướng nam, góp phần chia cắt địa hình khu vực. Tác động tổng hợp của các điều kiện sinh thái như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng đất,…cùng các yếu tố lịch sử phát triển khu hệ sinh vật đã tạo ra tại khu vực Yên Tử nguồn tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng sinh học cao.

Khu di tích lịch sử Yên Tử có 830 loài thực vật trong 509 chi, của 171 họ thực vật được đánh giá là phong phú về loài, về chi loài thực vật. Rừng Yên Tử hiện nay thuộc vùng phân bố táu mật, sao Hòn Gai, lim xanh, gụ lau, sến mật, hồng tùng, trầu tiên, sú rừng, mai vàng,… Đặc biệt, trong đó có 38 loài thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam cần được ưu tiên bảo tồn và phát triển như: lim xanh, táu mật, lát hoa, thông tre, la hán rừng, vù hương, kim giao…

Thực vật Yên Tử đang có chiều hướng phục hồi tốt, đòi hỏi cần có đầu tư phát triển tài nguyên thực vật, có đội ngũ cán bộ quản lý thông hiểu về kỹ thuật lâm sinh để trồng và bảo vệ. Đầu tư bảo vệ và phát triển Khu di tích lịch sử Yên Tử thông qua đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư cho công tác phục hồi

hệ sinh thái rừng tự nhiên, đầu tư cho công tác tổ chức quản lý bảo vệ rừng và tổ chức lại sản xuất cho nhân dân trong khu di tích và vùng đệm là vấn đề có tính khách quan và cấp bách, có ý nghĩa cao không chỉ về bảo tồn, phát triển tài nguyên mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Khu hệ động vật Yên Tử khá đa dạng. Mặc dù mới chỉ được khảo sát sơ bộ, cũng đã thống kê được 151 loài. Con số này tương đương với khu hệ động vật của nhiều khu bảo tồn thiên nhiên khác. Mặc dù rừng quốc gia Yên Tử có diện tích không lớn, gần đô thị và bị tàn phá mạnh trước đây, nhưng yếu tố đặc hữu của khu hệ động vật khá cao, và cao hơn một số vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trong vùng Đông Bắc Việt Nam. Trong đó, có ba loài đặc hữu là voọc mũi hếch, nhông cá sấu, và ếch ang là những phát hiện mới trong khoa học. Các loài đặc hữu và quý hiếm là đối tượng chính cần được quan tâm bảo vệ tại khu rừng quốc gia sau này. Kết quả khảo sát, nghiên cứu đa dạng sinh học tại khu vực đặc dụng Yên Tử cho thấy nơi đây còn chứa đựng nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Hệ động vật đa dạng và phong phú, trong đó có 23 loài đặc hữu quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam có giá trị cao trong việc bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch. Nguồn tài nguyên sinh vật tương đối đa dạng của Uông Bí đã mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển du lịch sinh thái, góp phần làm phát triển du lịch nhiều loại hình ở mảnh đất này.

Có thể thấy, thiên nhiên đã ưu đãi Uông Bí, tặng cho mảnh đất này những điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng dồi dào. Trong xu thế hội nhập của đất nước, dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có này, Uông Bí đang nỗ lực phát triển đa dạng và phong phú các loại hình du lịch, tạo ra ngành kinh tế du lịch có thể khai thác tối đa tiềm năng của mình. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả cho quá trình phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh.

Xem tất cả 120 trang.

Ngày đăng: 27/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí