Nguyên theo đạo có thể sám hối trước Chúa, nhưng họ sẽ trở về với rừng khi từ biệt cõi đời. Lễ Bỏ mả tức là nghi lễ giao con người lại cho rừng, trả về lại với mẹ rừng.
Khi sáng tác về Tây Nguyên, các tác giả luôn có ý thức xây dựng bức tranh văn hóa lấy rừng làm nền. Rừng hiện lên khá phong phú, sinh động, hấp dẫn và trong sự gắn bó thiết thân với con người. Dường như rừng không phải là đối tượng miêu tả tồn tại bên ngoài mà luôn đồng hiện trong ý thức nghệ thuật của các nhà văn, bên cạnh ý thức về con người. Bởi vậy rừng luôn là “nhân vật chính” trong thế giới nghệ, nó giữ một vai trò rất quan trọng trong nội dung tư tưởng của tác phẩm. Rừng không phải chỉ như là một phương tiện nghệ thuật để làm nổi bật con người; rừng còn là biểu tượng cho khát vọng tự do, cho sức mạnh vô biên của con người Tây Nguyên. Nhưng cao hơn và quan trọng hơn, rừng là biểu tượng cho sự trong sạch và cao quí mà con người luôn khát khao đạt đến.
Nhưng giá trị cao đẹp ấy sẽ đi về đâu khi rừng Tây Nguyên đã bị tàn phá nặng nề. Người Tây Nguyên chỉ biết “ngơ ngẩn” nhìn rừng thân yêu bị những phương tiện hiện đại tàn phá. Trong truyện ngắn Làng Mô, nhà văn Thu Loan chua xót: “Cánh rừng thâm u xưa kia giờ chói chang nắng, chỉ còn những vạt cỏ dày, những đám cây dại thấp lè tè, không một tiếng động của rừng, nhịp sinh sôi của muông thú, mùi hương của cỏ cây”[41, tr. 274]. Rừng chảy máu, rừng oằn oại cùng những âm thanh thảng thốt của tiếng máy cưa, máy ủi:
- Hỡi lũ làng! Các người phạm tội chết. Ta nghe rừng đang nổi giận ầm ầm kia.
- Không phải đâu già ơi. Người ta ngả cây. Cây đổ đằng đông, đằng tây, cây đổ đằng nam, đằng bắc, cây to cây nhỏ, cây lớn cây bé, chặt tuốt, đổ tuốt [41, tr.274].
Là một người con của núi rừng, nhà văn H’Linh Niê cũng đau đớn nhìn những khu rừng bị chặt phá. Tâm trạng ấy được nhà văn gửi gắm qua nhân vật Y Thoan trong truyện ngắn Chim Kơrao lại hót: “Ông đã đến đó chiều nay. Trông mà xót ruột. Chỉ có trong hai ngày mà gần 6 ha rừng già cổ thụ bị những chiếc rìu chặt đổ nằm ngổn ngang, như vừa qua một trận động đất”[20, tr.53].
Sự xót xa của những nhà văn chỉ thể hiện trên những trang viết, nó làm nhói đau những người yêu rừng, yêu văn hóa Tây Nguyên. Nhưng cuộc sống cứ cuồn cuộn đi tới cuốn phăng rừng Tây Nguyên, biến những dải rừng xanh thẳm và hun hút thành những vạt đất đỏ ngầu trơ trọi gốc cây.
Rừng Tây Nguyên từ Nguyên Ngọc, Vũ Hạnh đến Thu Loan, H’Niê đã biến đổi từ một cây cổ thụ thành cây cao su, cà phê. Từ ông Mết (Nguyên Ngọc), ông Chúp (Vũ Hạnh) quắc thướt, vững chãi, thăm thẳm huyền thoại biến thành thằng Nhí, thằng Gíp (Thu Loan) ốm yếu, xanh xao, đau đáu thị thành. Những nhà văn như Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy… rất bức xúc trước tình trạng tàn phá rừng khốc liệt hiện nay. Qua những trang viết đầy tinh thần trách nhiệm, họ đã chỉ ra rằng, tàn phá rừng chính là tàn phá môi trường văn hóa tồn tại hàng ngàn đời nay ở đây.
Có thể bạn quan tâm!
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 2
- Mối Quan Hệ Giữa Văn Hóa Và Văn Học
- Rừng, Bản Nguyn Của Sự Sống Tây Nguyên
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 6
- Cồng Chiêng, Hồn Thiêng Của Núi Rừng
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 8
Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.
Làm sao để giữ được rừng Tây Nguyên? Đó là câu hỏi, cũng là những trăn trở, những nỗi niềm của các nhà văn để lại trên những trang văn.
1.3 Làng, môi trường văn hóa chính yếu của người Tây Nguyên
Tây Nguyên là khu vực cư trú của nhiều tộc người. Mỗi tộc người quần tụ thành những làng riêng biệt. Làng là những khoảnh đất được cắt ra từ rừng. Làng thường nằm ở ven sông, suối hay trên các triền núi. Nguồn nước tốt là ưu tiên hàng đầu cho việc lập làng. Làng là cách gọi của người Kinh. Các dân tộc bản địa thường gọi là plây. Ngoài ra, người Êđê, Mơnông gọi là buôn, người Jrai gọi là pơlơi, người Bana gọi là kon... Mỗi làng có một khu vực trồng trọt, luân canh rộng lớn nên khoảng cách giữa làng này với làng kia khá xa. Và toàn
bộ đời sống của người Tây Nguyên gói gọn trong không gian buôn làng. Giáo sư Nguyễn Tấn Đắc cho rằng: “Vì chưa có một tổ chức xã hội trên làng nên trong quá khứ, người Tây Nguyên chỉ biết có làng mà không có ý niệm về quốc gia, cho dù ở mức độ thấp và nhỏ bé”[95, tr.256]. Làng là một khối cộng đồng thống nhất bền chặt, chính sự bền chặt ấy là yếu tố quan trọng nhất để người Tây Nguyên tồn tại trước sự dữ dội của tự nhiên, trước sự xâm chiếm lại của rừng. Sự hoang vu lạnh lẽo của rừng, sự nguy hiểm của thú dữ, sự đe dọa của các tộc người khác đã cố kết các thành viên trong làng lại với nhau. Tình cảm buôn làng là một nét đẹp tạo nên một cuộc sống đầy tình thân ái, tạo nên văn hóa làng. Văn hóa Tây Nguyên khởi nguyên từ rừng và tồn tại ở làng. Làng là không gian văn hóa gần như là duy nhất, hiếm có sinh hoạt văn hóa nào vượt khỏi biên giới làng. Làng có một vị trí đặc biệt trong đời sống và trong ý thức của người dân Tây Nguyên. Bởi vậy, nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định: “Đối với người Tây Nguyên, làng là tất cả. Là đất nước, là quê hương, là xã hội, là cộng đồng khắng khít nhất và duy nhất. Con người gắn chặt với làng, hoà tan trong làng, bị đồng nhất và tự đồng nhất mình với làng. Toàn bộ đời sống của con người Tây Nguyên, vật chất và tinh thần, toàn bộ số phận con người đều gắn liền sinh tử với làng”[27, tr.69]. Do đời sống kinh tế tự cấp tự túc, môi trường lao động của người Tây Nguyên chủ yếu là ở trong rừng, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên văn hóa của họ là văn hóa làng. Không gian sống của họ là: sáng lên rẫy, trưa nghỉ tại căn chòi ở rẫy, tối về làng. Khi thu hoạch mùa màng xong, đến mùa “ăn năm uống tháng” thì họ la cà trong làng, hội hè đình đám suốt ngày suốt đêm.
Vẻ đẹp làng được tái hiện khá rõ trong tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên. Những câu chuyện về cuộc sống, chiến đấu của người Tây Nguyên đều xảy ra trong làng. Người đọc sẽ dễ dàng nhận ra đặc trưng của làng Tây Nguyên. Không rải rác như ở Tây Bắc, không theo từng xóm nhỏ như ở đồng bằng; làng ở đây tập trung theo từng cụm nhà ở các sườn núi, ven sông hoặc ven suối. Làng Tơ Trá treo lơ lửng trên sườn núi Ngọc Linh, làng Kông Hoa
nằm dưới chân núi Chư Lây, làng Xô Man nằm ẩn dưới cánh rừng xà nu, cạnh con nước lớn v.v... Hình ảnh làng Tây Nguyên đã in đậm dấu ấn trong lòng người đọc bởi diện mạo riêng của nó: “Những ngôi nhà sàn xúm xít bên nhau, nhìn xa xa như những bầy voi khổng lồ quần tụ bên bìa rừng. Mái nhà rông cao vút lộng gió như con voi đầu đàn đầy dũng khí”[41, tr. 241]. Lấy hình ảnh đàn voi để so sánh những ngôi nhà sàn, đoạn văn đã để lại một dấu ấn riêng trong lòng người đọc. Ấn tượng làng không chỉ ở những ngôi nhà sàn, nhà dài, nhà rông mà nó còn nằm giữa những bức tranh núi rừng tươi đẹp. Trong truyện ngắn Làng Mô của Thu Loan, hình ảnh làng Tây Nguyên hiện lên với những nét đặc trưng: “Làng nằm gọn trong thung lũng, có con suối chảy qua, xung quanh làng là rừng, xa xa, những đỉnh núi mờ xanh bao phủ…Ở làng Mô không có tiếng cãi cọ, chỉ có tiếng gọi nhau ơi ới ra suối lấy nước, tiếng hò hát và giã gạo trong những ngày bỏ mả, những đêm trăng”[41, tr 268]. Vẻ đẹp của tự nhiên là đối tượng yêu thích của nghệ thuật, vẻ đẹp của cuộc sống là đối tượng khám phá của văn chương. Văn xuôi viết về Tây Nguyên không thể không hướng đến vẻ đẹp làng với dáng vẻ rất riêng của nó. Và chính vẻ đẹp ấy mà nhà văn đã khái quát nên nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp gắn liền với cuộc sống buôn làng.
Cuộc sống sinh hoạt làng buôn Tây Nguyên trong những trang văn luôn để lại những cảm xúc ngọt ngào của tình làng nghĩa xóm và thường làm dấy lên những tình cảm yêu thương. Yêu thương vì ta được tiếp xúc với một cuộc sống thật đầm ấm, yên vui, thắm đợm tình người. Và đôi khi cũng xót xa trước nỗi buồn hủ tục.
Ở làng, người ta thường tổ chức những cuộc đi săn đầy lý thú để phục vụ cho các lễ hội, để dân làng sống lại thời nguyên sơ, và để tình cảm cộng đồng càng gắn bó nhau hơn:“Cuộc đi săn sắp được tổ chức…Núi rừng sống lại thời nguyên sơ cùng với những tiếng reo tiếng hú, tiếng chó sủa và ánh đuốc, gợi cho ta cảm hứng tuyệt vời về tự nhiên”[6, tr. 244]. Những cuộc đi săn như vậy luôn nhận được sự tham gia nhiệt tình của mọi thành viên. Sau những cuộc săn bắt ấy, phụ nữ tất bật cùng nhau nấu nướng, thanh niên sửa soạn rượu cần, các cụ già so chiêng (chỉnh thang âm của chiêng) chuẩn bị cho cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Và sau đó là sự thăng hoa của tình làng: “…Những cánh váy hoa nhiều tua cùng với những khuôn ngực rắn chắc, săn mẩy tất bật gùi nước, gùi
củi, gùi niềm vui ào ào quanh những đống lửa…”[6, tr. 246]. Còn gì đẹp hơn một cuộc sống đơn sơ, giản dị nhưng nồng ấm tình người, mặn mà tình làng như thế. Một cuộc sống ít tính toán thiệt hơn, luôn hết mình với nhau, dìu nhau vào tận cùng của niềm vui, để rồi sau đó lại miệt mài nương rẫy. Có thể nói, mùa “ăn năm uống tháng” là mùa mà người Tây Nguyên có một cuộc sống khác hẳn, hoàn toàn xa lạ với sự thiếu thốn trước đó. Điều này cho thấy vì sao người Tây Nguyên sống gắn bó với làng, họ ít khi đi khỏi làng: “Con gái lớn lên lo dệt vải, lấy củi, múc nước, sau đó lo chồng con. Con trai khi lớn bằng cha lo phát rẫy, đan gùi, đi săn bắt, có ai đi xa nhà đâu”[8, tr.30]. Khi phải đi xa, trái tim họ luôn “thắt lại” với buôn làng: “Bây giờ đã cách xa rồi, rừng núi kia ơi! Y Kla tưởng như lòng mình thắt lại. Khói đã về chiều, cánh chim đầu núi, máng nước chênh vênh từ lòng hố thẳm dẫn về chân buôn…Tất cả, tất cả xa cách từ đây, nhớ nhiều lắm, khổ sở cái thân không biết chừng nào”[12, tr.202]. Nỗi niềm của cô gái Y Kla khi phải theo chồng về xuôi cũng chính là tâm trạng chung của người Tây Nguyên, vì toàn bộ cuộc sống của họ gói gọn trong làng. Và chính cuộc sống ấy đã làm nên tình yêu làng thắm thiết: “Cũng vừa lúc này, những gì quen thuộc với buôn làng đến với Hơ Giang, từ con suối, đường rẫy, cây đổ kiến vàng. Những bóng cây trên đường rẫy sau khi đi làm cỏ về cùng bạn bè ngồi thổi kèn đinh tút đinh năm. Cứ từng mùa, từng mùa chúng nó về với Hơ Giang, trói Hơ Giang lại với buôn làng của mình”[7, tr.62]. Không phải chỉ có người Tây Nguyên mới có tình yêu làng, nhưng khác với người Kinh, làng là máu thịt của người Tây Nguyên nên họ không thể bỏ làng của mình. Anh hùng Núp (Gặp lại anh hùng Núp- Nguyễn Khắc Trường), nhạc sĩ Y Dơn (Người hát rong giữa rừng- Nguyên Ngọc), ca sĩ H’Ben (Người về Kông Ch’ro-Nguyên Ngọc), họa sĩ Xu Man (Cuộc đời họa sĩ Xô Man- Trung Trung Đỉnh) đều nhẹ nhàng từ bỏ cuộc sống tiện nghi chốn thị thành để trở về với buôn làng. Vì sao vậy? Vì ở đó là máu thịt của họ, là tình yêu: “Tình yêu
trai gái, yêu rừng, yêu con suối đầu làng, yêu trái núi muôn đời cô quạnh, yêu con nai tơ ra ăn chồi tranh buổi sớm mờ sương…”[26, tr.198]. Đó là kỷ niệm, là sự đùm bọc nhau: “Ở đó có làng Kông Hoa nghèo khổ đốt đi làm lại không biết mấy lần rồi, nhưng cũng ở đó mới có vui, mới có tiếng đờn tơ rưng của Ghíp, tiếng kèn đing nam hòa lẫn với tiếng phụ nữ hát ở rẫy. Ở đó người làng biết thương yêu nhau, đùm bọc nhau. ”[26, tr.341]. Tiếng đờn tơ rưng, kèn đing nam, tiếng cồng chiêng, tiếng suối róc rách, tiếng í ới gọi nhau đi lấy nước vào các buổi sáng của các cô gái… tất cả những âm thanh đó của buôn làng đã trở thành miền ký ức đẹp đẽ của người Tây Nguyên. Âm thanh gợi nhớ của chốn thị thành là tiếng chuông nhà thờ đổ hay tiếng rao đêm; của làng đồng bằng là tiếng mái chèo đuổi cá, là tiếng sáo diều vi vút thinh không; âm thanh da diết của làng miền núi là tiếng cồng chiêng vang vọng đêm đêm, là tiếng chày giã gạo chuyên cần của người phụ nữ mỗi sớm: “Bây giờ anh chợt hiểu ra rằng, hình như cái mà anh nhớ nhất ở làng, nỗi nhớ day dứt lòng anh suối ba năm nay chính là tiếng chày đó, tiếng chày chuyên cần rộn rã của những người đàn bà, cô gái Strá, của mẹ anh ngày xưa…”[26, tr.137]. Vậy đó, người Tây Nguyên có một mối ràng buộc đặc biệt với làng. Làng lọt thẳm giữa mênh mông rừng già. Mà rừng già bao giờ cũng ẩn chứa sự bí ẩn của tự nhiên, sự linh thiêng của Yàng (Thần thiện), sự ghê gớm của Caa (Thần ác) nên con người tồn tại trong ý thức tựa lưng vào nhau, trong sự kết dính đặc biệt với làng. Làng là cả thế giới của người Tây Nguyên. Nói như thế không có nghĩa là người dân không biết gì về cuộc sống của các làng bên ngoài. Trong những hoàn cảnh nhất định, họ cũng biết liên minh giữa các làng trong một vùng cư trú nhất định để tăng thêm sức mạnh. Trong tác phẩm Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, làng Kông Hoa dưới sự lãnh đạo của Núp đã đoàn kết với các làng Đê Ta, Ta Lung, Ba Lang, Hà Ro tạo thành một thế đứng vững chãi trước kẻ thù. Trong Lửa rừng của Vũ Hạnh, buôn Nước Chò đã dựa vào buôn Nước Ràng để có đủ
lương thực trường kỳ kháng chiến với lính Pháp…Tuy nhiên làng vẫn là tổ chức xã hội chung nhất, duy nhất, cao nhất và rõ nét nhất đối với mọi dân tộc Tây Nguyên trước đây.
Nói đến văn hóa làng là nói đến tập quán của làng. Cũng như rất nhiều dân tộc khác, trong các làng vẫn thường tồn tại những tập quán tốt lẫn tập quán xấu. Tập quán tốt là chủ yếu, nhưng cũng không ít tập quán xấu mang tính chất chung của người miền núi. Không giống như Tô Hoài, Cao Duy Sơn, Đoàn Lư… viết nhiều về cuộc sống tối tăm của người Tây Bắc; Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh, Y Điêng…rất ít phản ánh những tục lệ đen của người Tây Nguyên mà chủ yếu nói lên mặt tốt đẹp trong đời sống làng của họ mà thôi. Qua những trang viết của Tô Hoài ở Vợ chồng A Phủ, chúng ta thấy hiện lên một cách khốc liệt những hủ tục của các làng miền núi Tây Bắc dưới thời phong kiến thuộc địa, như tục cho vay nặng lãi, tục cúng trình ma tàn nhẫn… Đọc những sáng tác về Tây Nguyên, chúng ta rất ít thấy những hủ tục tàn nhẫn và cảnh bất công ngang trái của những người có chức quyền gây ra cho người dân. Trong Đất nước đứng lên, Nguyên Ngọc có đề cập sơ lược đến tình trạng cúng bái của người dân Kông Hoa. Trong Mùa xuân hoa trắng, tác giả có nói đến một tập tục trả thù mù quáng. Khi bị xúc phạm, người thanh niên Bana cầm giáo lên ngồi trên một con dốc từ sáng sớm. Người đầu tiên đi qua dốc sẽ bị đâm, nhiều khi đâm trúng cả người thân của mình. Còn trong truyện ngắn Hơ Lan, anh du kích Y Thao bị giặc bắn chết, tập tục lạc hậu của người Ê đê cho rằng những cái chết như của Y Thao là trái tự nhiên, là do bị Yàng phạt nên không được đưa vào nhà để liệm.
Khác với những tác phẩm viết trước năm 1990 với cảm hứng ngợi ca, các tác phẩm viết từ những năm 1990 trở về sau với khuynh hướng phê phán nên đã phán ánh nhiều hơn những tập tục lạc hậu của người Tây Nguyên. Phạm Minh Mẫn trong truyện ngắn Người của buôn làng phản ánh tục chôn chung của
người Jrai: “Nếu bếp nào có người chết, khi mai táng người ta phải mở nắp quan tài cũ để chèn thêm xác mới vào. Nhiều trường hợp vì quan tài hẹp, xác cũ chưa kịp tiêu hủy, những người khỏe mạnh phải đứng trên thi thể người mới chết nhấn xuống…”[41, tr.285]. Truyện ngắn Du kích núi Đănghil của Hoàng Ngọc Châu cũng đem đến cho người đọc biết tục sinh đẻ lạc hậu K’Ho: “Con ma lai rất thích ăn máu của người đàn bà sanh, nên phải che cái chòi ngoài rẫy hoang cho người đàn bà sinh để con ma lai không vào nhà được”[39, tr.90]. Vì sinh ngoài chòi rẫy không ai chăm sóc nên rất nhiều bà mẹ đã qua đời sau khi sinh. Vấn nạn ma lai cũng là nỗi kinh hoàng ở các buôn làng Tây Nguyên. Kpuih Vêl (Anh hùng cuối vận lên ngàn- Nguyễn Ngọc Tấn) vì một câu nói vô tình mà dân làng kết tội ông là ma lai. Cả làng kéo đến đập phá tan tành nhà Puih Vêl: “Cái tin Puih Vêl là con ma lai lan ra như lửa cháy tranh khô lúc gió to. Cả làng rầm rầm kéo đến…Vợ con Vêl ôm nhau run như con chim chưa biết bay bị hất ra khỏi tổ”[41, tr.361]. Ma Lai là máu và nước mắt. Đến tận hôm nay nó vẫn không thôi chảy trên những buôn làng Tây Nguyên.
Bên cạnh những tập tục lạc hậu ấy, những trang văn viết về Tây Nguyên đem đến cho chúng ta nhiều phong tục lạ của các làng. Tục nối dây (chuê nuê) được biết đến nhiều nhất. Trong sử thi Đăm San, người anh hùng Đăm San lấy cô H’Nhi và H’Bhi là vì tục nối dây. Và cũng nhờ lấy hai cô gái này mà Đăm San trở thành một tù trưởng giàu mạnh, có nhiều chiêng núm chiêng bằng. Tuy nhiên đó là trong thời của sử thi. Trong cuộc sống hiện đại, bên cạnh những ý nghĩa tích cực, tục nối dây đã đem đến cho con người biết bao điều trái khoáy, phiền muộn, như một thanh niên phải lấy một phụ nữ có năm bảy đứa con, một cô gái phải lấy một ông già, thậm chí ba chị em phải tiếp nối lấy một người chồng già: “Rơ mah H’Đênh lấy hắn không phải vì tình yêu mà vì hai chị cô đã lấy hắn và đã qua đời. H’Đài, chị cả của H’Đênh chết vì ăn phải quả độc. H’Lim lấy hắn thay chị rồi chết sau khi sinh hai đứa con sinh đôi. Thế là