Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 6


H’Đênh phải ưng hắn”[6, tr.255]. Dù chưa thật phong phú những các trang văn cũng đã đem đến cho người đọc những cảm nhận riêng về tục lệ này.

Hôn nhân của người Tây Nguyên cũng có nhiều điều thú vị. Dù được thể hiện qua văn học, nhưng các nhà văn đã tái hiện rất sát với thực tế. Có thể do phong tục nên không thể hư cấu được chăng? Với truyện Hơ Giang, tác giả Y Điêng đã đem đến cho chúng ta biết một điều lạ trong phong tục hôn nhân của người Ê đê, đó là con cô con cậu có thể lấy nhau: Hơ Giang, con của cô, lấy Ma Soa, con của cậu. Khi nhà gái rước chàng rễ về nhà mình, cứ mối lần đi qua một khu rừng hay một con suối thì đám thanh niên làng của chàng trai sẽ chặn đường không cho đi để đòi nhà gái các món lễ vật: “Nếu Ma Năng tán thành cho trai làng này một con gà mái ấp thì chúng tôi sẽ cho người làng tôi đi qua khu rừng. Bằng không chúng tôi lại kéo về thôi”[7, tr.233]. Lần thứ hai họ đòi con dê đực và ché rượu, cứ thếKhi làm lễ cưới “ trai thì chân trái, gái chân phải đè lên chiếc rìu sắt [7, tr.237-238]. Chiếc rìu sắt tượng trưng cho sự chắc chắn, vững bền. Với hành động ấy, họ mong cho tình cảm đôi lứa luôn bền vững. Tuy nhiên, hôn nhân ở đâu cũng vậy, nhiều khi đôi lứa phải chia tay nhau. Đối với nhiều dân tộc văn minh thì phải ra tòa để ly hôn, đối với các dân tộc Tây Nguyên thì rất đơn giản. Trong truyện ngắn Làng bên kia sông, Phạm Đức Long viết: “Khi bắt chồng bắt vợ, được gia đình ưng thuận, được già làng cho phép thế là làm lễ cưới nhau. Khi bỏ nhau, già làng chỉ cần bắt hai người cầm căng hai đầu một sợi dây, rồi dùng dao cắt đứt đôi là xong”[41, tr. 247- 248]. Đây là một điều thú vị trong quan niệm về hôn nhân của người Tây Nguyên.

Người Tây Nguyên trong truyền thống có tục cà răng căng tai. Cà răng căng tai là dấu hiệu của một con người trưởng thành, có bản lĩnh. Dù rất đau đớn nhưng phải làm, bởi nếu không sẽ bị người làng khinh bỉ. Nhân vật BDên là một cô gái rất đẹp, nhưng khi “cô cười phô cái lợi đỏ vì cô đã cà hết dãy


hàm răng trên, theo phong tục, nên nom cô cứ ngồ ngộ thế nào”[5, tr.106]. Phạm Kim Anh trong truyện Chung dòng máu đỏ cũng phản ánh điều này: “Bà Haly đuổi theo nắm lấy tay, kéo ông ra trước mọi người…Bà tươi cười để lộ hai hàm răng cà sát tận lợi”[39, tr.74]. Tục kết nghĩa anh em cũng là một phong tục khá đẹp của người Tây Nguyên: “Đồng bào Ê đê ở vùng này có tục kết bạn. Đã kết bạn thì không bao giờ phản lại bạn.”[8, tr. 104]. Câu chuyện kết nghĩa của nhân vật Bình trong tiểu thuyết Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh thật ấn tượng. Bình là bộ đội chính qui, sau trận đánh bị lạc đồng đồng đội. Anh lạc vào đội du kích làng Đê Chơ Rang. Để có thể cùng sống và chiến đấu với đội, già Phới đã yêu cầu Bình ăn thề bằng cách đưa cho Bình một gộc củi đỏ rực và hỏi: “Anh Bìn! Anh có dám cho lửa ăn chỗ đùi này không?”. Bình không thể từ chối. Sau buổi ăn thề để kết nghĩa ấy, Bình trở thành người của làng.

Có thể thấy bao điều kỳ thú trong những buôn làng bé nhỏ của người Tây Nguyên. Ở đó có tình yêu thương mộc mạc, chân thành. Ở đó có sự tương trợ nhau một cách vô tư trong cuộc sống. Ở đó có sự thăng hoa của tình làng trong mùa lễ hội. Ở đó có bao nhiêu phong tục độc đáo. Cũng không thiếu những câu chuyện đau lòng từ hủ tục. Nhưng bao trùm nhất vẫn là những mối quan hệ tốt đẹp chan hoà giữa người với người. Tính cộng đồng đã trở thành nếp sống truyền thống, chi phối hành vi ứng xử của mọi người, mọi gia đình. Nó cũng trở thành chuẩn mực đạo đức, nhân cách mà mọi thành viên trong cộng đồng tuân theo và hướng tới. Như vậy có thể thấy rằng, cộng đồng làng là một tổ chức thống nhất bền chặt. Trong đó mỗi cá nhân luôn là một thành viên gắn bó mật thiết với cộng đồng. Ý thức, hành vi con người cộng đồng chi phối mạnh mẽ cá nhân. Điều này là cơ sở tạo dựng tính ổn định bền vững của đơn vị làng ngay cả trong đời sống hiện đại, dù có nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp đã bị phai nhạt ít nhiều.

1.4 Nhà Rông, hồn của làng


Tây Nguyên hùng vĩ và thơ mộng là rừng, duyên dáng và trữ tình là làng, uy nghi và kiêu hãnh là nhà rông. Giữa núi rừng trùng điệp, giữa những mái nhà sàn nhỏ nhắn, khiêm nhường; nhà rông nổi bật lên sừng sững hiên ngang giữa làng như một chàng trai khổng lồ trong các bản trường ca bất tận. Mái nhà hình lưỡi rìu cao vút uyển chuyển và thâm trầm, nhẹ nhàng và sâu lắng, xôn xao và lặng lẽ cùng bao thế hệ con người kiên trì bám đất, bám rừng. Cột nhà, sàn nhà vững chãi cùng với bếp lửa không bao giờ tắt, cùng với những ché rượu cần không bao giờ vơi, cùng với những bản trường ca miên man năm tháng đã ôm ấp tình người Tây Nguyên với ngôi làng thân yêu của mình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.

Nếu làng ở vùng đồng bằng có Đình thì làng ở vùng Tây Nguyên có nhà Rông. Nhà Rông là ngôi nhà chung hay ngôi nhà làng của các dân tộc ở phía bắc Tây Nguyên. Tùy theo mỗi tộc người, nhà rông có các tên gọi khác nhau: người Bana gọi là Rông, người Xê đăng gọi là Jơng, người Giẻ triêng gọi là Ưng v.v...Khi lập làng mới, công việc đầu tiên là dựng nhà rông, những người già của làng sẽ chọn đất, thường là trên một bãi đất đẹp ở giữa làng. Và công việc cất nhà rông được tiến hành nhanh chóng trong vòng một tuần với những lễ thức hết sức thiêng liêng. Sống giữa đại ngàn hùng vĩ, cũng như nhiều thứ khác, nhà rông được làm bằng nguyên liệu tốt nhất trong rừng: cột nhà, sàn nhà làm bằng gỗ quí, vách phên là cây lồ ô, mái lợp bằng tranh săng, dây buộc bằng song mây; và chỉ bằng một dụng cụ duy nhất là cái rìu, tuyệt đối không dùng một cây đinh nào, cũng không cần đến đục, cưa, bào. Trước khi đi kiếm gỗ quí, cả làng không đi làm ba ngày, người ngoài không được vào làng; trên đường vào rừng nếu nghe tiếng chim bồ chao, tiếng mang tác, thấy rắn bò qua đường, cành cây rơi trước mắt… là điềm xấu, đoàn người phải quay về chờ hôm sau đi lại. Trước khi dựng nhà rông, già làng làm lễ chọn đất nền. Già làng đến nơi đất chọn khấn xin Yàng. Khấn xong già làng bỏ xuống bãi đất ấy bảy hạt gạo. Sáng hôm sau nếu còn đúng bảy hạt tức là Yàng đã đồng ý. Sau khi đã chọn được


Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 6

đất, họ làm lễ dựng nhà rông. Dựng xong thì làm lễ ăn mừng nhà rông mới, đây là một nghi lễ trong đại bậc nhất của mỗi làng. Khi đã có nhà rông thì làng mới ra làng, tức nhà rông sẽ thổi hồn vào làng, làng mới trở thành văn hóa. Nhà rông được xem là linh hồn của làng bởi vai trò to lớn của nó trong cộng đồng làng. Trong bút ký Nhà rông, hồn của làng, Nguyên Ngọc viết:

Nhà rông, đấy là nơi diễn ra toàn bộ đời sống cộng đồng. Nơi ngay từ tấm bé, đứa trẻ đã được theo cha hay mẹ đến dự những buổi tụ hội cả làng quanh bếp lửa, ở đó những thế hệ con người Tây Nguyên truyền cho nhau, từ đời này sang đời khác, tiếp nối không ngừng kinh nghiệm sống và làm người giữa chốn rừng núi vừa bao dung vừa dữ dội và khắc nghiệt này: cách đi săn con thú trong rừng, cách tỉa lúa trên rẫy, cách sống với rừng và với người… [27, tr.70].

Người Tây Nguyên có tính cộng đồng rất cao. Tính cộng đồng ấy chủ yếu được thể hiện dưới mái nhà rông. Sự thân thiết, gắn bó của dân làng với nhà rông còn hơn cả đình hay chùa của người Kinh vì tính đa chức năng, nhưng quan trọng hơn là trầm tích huyền ảo đầy linh thiêng của nó.

Đến những buôn làng ở bắc Tây Nguyên chúng ta có thể gặp những ngôi nhà sàn tuềnh toàng của dân làng, nhưng nhà rông thì bao giờ cũng uy nghi, bề thế. Nó là biểu tượng cho sức mạnh và sự phát triển của cộng đồng trong ngôi làng. Các tộc người ở Tây Nguyên có nhà rông đều coi đây là nơi linh thiêng, nơi con người có thể tiếp xúc với các vị thần bảo hộ làng thông qua các nghi lễ, lễ hội chung của làng.

Nhà rông xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên. Trong hiện thực cuộc sống, nhà rông là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của buôn làng, của đời người. Nhận ra tầm quan trọng của nhà rông, các nhà văn thường khai thác tối đa không gian nhà rông để phản ánh cuộc sống


chiến đấu và sinh hoạt của người Tây Nguyên, qua đó mà gửi gắm một thông điệp, khái quát một vấn đề nhân sinh hay một giá trị văn hóa nào đó. Mà cũng không thể không nói đến nhà rông khi viết về Tây Nguyên. Không gian nghệ thuật phải lấy điểm tựa từ không gian hiện thực. Nhiều khi, hai không gian ấy thống nhất với nhau, nhất là những tác phẩm mang tính hiện thực. Các sự kiện trong truyện về Tây Nguyên đều diễn ra ở buôn làng, mà nhà rông là hồn của làng nên không gian nhà rông được khái quát với rất nhiều ý nghĩa.

Nhà rông trong thực tế đã rất đẹp, khi nó trở thành hình tượng văn học thì cái đẹp ấy được tôn lên rất nhiều. Các nhà văn thường có cảm hứng đặc biệt khi miêu tả nhà rông. Nhà rông hiện lên trên những trang văn với dáng vẻ uy nghi của nó: “Mái nhà rông cao vút như con voi đầu đàn đầy dũng khí”[41, tr.241]. Uy nghi nhưng cũng đầy vẻ trữ tình: “Nhà rông cao lớn, đẹp đẽ, đúng kiểu: toàn thân như một nét nhạc, một tiếng chim vút lên giữa rừng, chỉ chực bay lên, uy nghi mà nhẹ nhõm, trang nghiêm mà gần gũi”[27, tr. 11]. Hình ảnh ngôi nhà rông với mái hình lưỡi rìu cao vút cùng những nét chạm trổ khéo léo sừng sững ngay đầu làng hoặc giữa làng là niềm tự hào của dân làng.

Nhà rông là trái tim của làng, là hồn làng nên phải luôn có người canh giữ. Nhà rông là nơi ngủ bắt buộc của thanh niên chưa vợ trong làng, vì đó là lực lượng xung kích sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ làng. Không phải ngẫu nhiên mà hành động bắn thằng Pháp chảy máu của Núp lại diễn ra ở nhà rông: “Chúng nó đi vào nhà rông hết rồi....Con cọp tới gần rồi. Một bước nữa thì nó thấy Núp. Cái mũi súng của nó hỉnh lên, đánh hơi. Núp chỉ còn thấy cái bụng nó. Pựt! Núp bắn rồi”[26, tr. 241]. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng, nó đánh dấu một bước chuyển biến lớn trong nhận thức của người Kông Hoa về kẻ thù của mình. Cũng như vậy, cụ Mết (Rừng xà nu) dẫn thanh niên của làng chém bọn thằng Dục ngay tại nhà ưng: “Tiếng cụ Mết ồ ồ: “Chém! Chém hết!” Cụ Mết, đúng rồi, cụ Mết đứng đấy, lưỡi mác dài trong tay. Thằng Dục nằm


dưới lưỡi mác của cụ Mết”.[26, tr. 161]. Nhà rông là nơi bất khả xâm phạm đối với người Tây Nguyên, họ thà chết chứ không để mất nhà rông, bởi vì mất nhà rông là mất làng, là cộng đồng bị tiêu diệt. Sức mạnh của thanh niên làng Xô Man, Kông Hoa, Đê Chơ Rang, Rê Băk… là sức mạnh của ý chí cộng đồng hun đúc từ truyền thống được truyền lại qua những đêm dài kể chuyện của già làng. Tại nhà rông, Bok Sung (Đất nước đứng lên- Nguyên Ngọc) không biết bao nhiêu lần kể chuyện gươm ông Tú cho thanh niên làng nghe để khơi dậy tinh thần đoàn kết và bất khuất trước kẻ thù. Cũng trong ngôi nhà rông, cụ Xớt (Người dũng sĩ sưới chân núi Chư Pông) thường xuyên kể cho thanh niên làng nghe về “cuộc đời” của quê hương. Tại nhà rông, cụ Xớt đã trao cho Kpa Kơ Lơng những bí mật về mũi tên A-kam gia truyền để anh trả thù cho dân tộc v.v...Ai cũng biết nhà rông là biểu tượng của uy quyền tuyệt đối, là biểu hiện linh thiêng nhất của cộng đồng dân tộc, là truyền thống bất khuất hội tụ trong sự huyền bí tâm linh được truyền qua ngọn lửa không bao giờ tắt ở nơi đây. Vì vậy, những hành động có tính chất bước ngoặt: Núp bắn Pháp chảy máu, cụ Mết chém thằng Dục, cụ Xớt trao mũi tên A-kam gia truyền cho Kpa Kơ Lơng… diễn ra ở nhà rông như là sự tiếp nối của sức mạnh truyền thống, sức mạnh của truyền thuyết Gươm ông Tú, của những sử thi Đăm San, Xinh Nhã, Đăm Di, Khinh Dú... đêm đêm vẫn sống dậy trong nhà rông. Hành động ấy diễn ra ở nhà rông cũng có ý nghĩa biểu hiện cho dũng khí và lòng yêu chuộng tự do của cộng đồng làng. Dấu ấn của người anh hùng Tây Nguyên được soi sáng bởi ngọn lửa nhà rông. Văn hóa nhà rông là cội rễ, là ngọn nguồn của mọi thắng lợi của dân làng, giúp họ tồn tại và phát triển không ngừng trong môi trường có phần khắc nghiệt của tự nhiên.

Nhà rông không chỉ là nơi truyền bá và thực hành những giá trị văn hóa truyền thống, nhà rông còn là nơi dân làng tiếp nhận những giá trị văn hóa mới. Tại nhà rông những đêm mưa to gió lớn, bok Sung thường kể cho con cháu


nghe những câu chuyện về núi, rừng, trời, đất, sông, nước...Nhưng cũng tại nhà rông, Núp giảng giải cho dân làng nghe về về bản chất xảo quyệt của kẻ thù, về cuộc kháng chiến của dân tộc, về vị lãnh tụ kính yêu, về Đảng, về Chính phủ. Tại nhà ưng, cụ Mết đã bao lần kể cho dân làng nghe câu chuyện bi tráng của anh Tnú như là một truyền thuyết của làng Xô Man. Và cũng tại nhà ưng, Tnú đã kể cho dân làng những câu chuyện đánh giặc của anh trong ba năm đi lực lượng. Có một sự vận động tiếp nối không ngừng diễn ra ở nhà rông. Tất cả đã chứng minh rằng, sự bảo lưu hay biến đổi văn hóa làng chủ yếu diễn ra ở nhà rông.

Nhà rông là sự kết tụ truyền thống bất khuất của dân làng, nó cũng là nơi để người ta thể hiện nghĩa tình với nhau. Núp đã biết tận dụng không khí nhà rông để thức tỉnh dân làng Đê Ta không đi xâu cho Pháp, phân tích kỹ cho làng Ba Lang hiểu âm mưu thâm độc của Pháp trong việc chúng phát súng cho dân làng. Ngọn lửa nhà rông có sức truyền mạnh mẽ tình cảm dân làng được kết tụ từ ngàn đời, nó khơi dậy tinh thần dân tộc cùng ý thức tự do. Tư tưởng đoàn kết của Bok Hồ được Núp thực hiện thành công là nhờ vào sự kiên trì của anh, nhưng quan trọng hơn là nhờ vào “khí thiêng” của nhà rông.

Trong buổi chia tay với dân làng để ra Bắc tập kết, nhà rông là nơi Núp và dân làng lưu luyến tiễn biệt nhau: “Hôm nay ngồi trong nhà rông, lũ làng vui một bữa tiễn Núp và Thế. Ngày mai sớm hai người đi rồi. Núp muốn nói chuyện nhiều nhưng không biết nói gì. Anh Thế cũng vậy. Núp nhìn Ghíp, bok Pa, Xíp, Du, bok Sung, bok Sring…[26, tr. 476]. Sau thời gian đi tập kết ra Bắc, ngày anh hùng Núp trở về, dân làng mừng vui khôn xiết, và sau đó làng tưng bừng mở hội tại nhà rông: “Khi mọi người ăn uống xong, kéo nhau đến nhà rông để đốt lửa, nhảy múa nữa, thì đã nửa đêm; nhưng không ai muốn ngủ. Đêm hôm sau, cả làng lại đến nhà rông, nhưng không hát, không múa, mà nghe Núp kể chuyện mười một năm đi xa của mình”[38, tr. 512]. Nhà rông là nơi dân


làng Hà Tam chào đón ông Núp về thăm: “Ông Núp kéo tôi lên nhà rông. Chỉ một lúc sau, bà con ở các nhà nghe tin ông Núp về, cũng lục tục kéo đến. Chào hỏi xôn xao...Một đống lửa đốt lên giữa nhà”[27, tr.11]. Cũng như ngọn lửa không bao giờ tắt trong nhà rông, tình cảm của đồng bào biểu hiện đẹp nhất là ở không gian nhà rông. Có thể nói nhà rông, qua những trang văn, là không gian thực sự quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn người, trong việc hình thành bản chất tốt đẹp cũng như khí phách hiên ngang của người dân Tây Nguyên.

Trong tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên, chúng ta không thấy bóng dáng của điều xấu xuất hiện trong nhà rông, nếu có thì đó là việc nghiêm trị những ai vi phạm luật tục, như trai gái quan hệ trước hôn nhân dẫn đến có thai: “Hội đồng già làng ngồi quanh chiếc ché Tuk lớn trong gian nhà khách Ama Lâm (Ở vùng Nam Tây Nguyên không có nhà rông mà chỉ có nhà dài, gian khách của nhà dài có chức năng như nhà rông). Nét mặt ai nấy đều căng thẳng ưu tư. Cũng phải thôi, lần đầu tiên trong buôn có chuyện trai gái vụng trộm khiến củ sắn phải mọc chồi, củ khoai đã nhú lên, cái lưng con gái đã cong vào”[24]. Và hình phạt cho tội ấy là chụp lên đôi trai gái cái bao vẽ mặt heo, chỉ hở hai con mắt và miệng rồi bắt bò tới ăn cám heo trong máng, sau đó đuổi vào rừng. Thường sau hình phạt như thế này, người ta sẽ chọn cái chết. Nhà rông cũng là nơi hội đồng già làng trừng phạt tội trộm cắp bằng cái chết, vì trong các tội, ăn cắp là tội nặng nhất. Nhí (Làng Mô- Thu Loan) dù là con trai của già làng, nhưng vì mắc phải tội ăn cắp nên bị giải đến nhà rông để làng trị tội: “Họ trói tay Nhí lại rồi khiêng đi, tiếng chinh chiêng nổi lên trầm trầm buồn bã. Dân làng cúi đầu đi theo. Không ai nói với ai. Họ đi về thượng nguồn sông Ayun, nơi ấy thác gầm gào, nơi ấy mọi rác rưởi bị cuốn phăng đi để nguồn nước mãi mãi trong sạch.”[41, tr. 265]. Có thể nói, không gian nhà rông là nơi thanh lọc tâm hồn con người, làm cho con người trở nên tốt đẹp hơn đối với bà con thân tộc; và trở nên gan góc mạnh mẽ hơn trước kẻ thù. Cái xấu

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/05/2022