Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 8


không gian, miên man thời gian từ thuở Đăm San đến thời anh hùng Núp, Tnú, Kpa Kơ Lơng và bao nhiêu tinh hoa núi rừng khác.

Ngày nay, đạo Thiên Chúa, Tin Lành đã phát triển mạnh mẽ ở Tây Nguyên, nhiều người đã bỏ cồng chiêng, xa dần truyền thống văn hóa nghìn đời. Thế nhưng, từ sâu thẳm của ký ức, cồng chiêng vẫn rất thiêng liêng. Trong truyện ngắn Phút chối chúa của Võ Thị Hảo, già Y Prao trong phút hấp hối đã được mục sư đến rửa tội nhưng Y Prao vẫn không thể nhắm mắt bởi tiếng cầu kinh mà ông chỉ muốn được nghe tiếng trống Hgơr. “Tiếng trống mà khi đánh lên vang động khắp bốn phương trời, khiến cho hùm beo giật mình run sợ. Tiếng trống tiễn đưa linh hồn người chết lâng lâng bay về ở với buôn làng của ông Đung bà Đai”[42, tr. 58]. Chúa không cứu vớt được linh hồn của Y Prao mà chỉ có tiếng trống của bản làng mới nhẹ nhàng đưa ông về với tổ tiên. Cái trống mà khi nhìn thấy, “khuôn mặt đau đớn của Y Prao giãn ra, mắt ông ánh lên vẻ âu yếm”. Và khi nó được đánh lên: “từ đuôi mắt ông hai dòng nước chầm chậm lăn, Y Prao nhắm mắt, không đau đớn, bình yên...”[42, tr.58]. Già Pik (Tiếng chiêng buồn- Nguyễn Văn toàn) rất đau buồn về tình trạng “chảy máu cồng chiêng”. Sau khi dồn hết chút sinh lực cuối cùng để giữ lại bộ cồng chiêng cuối cùng của làng, trước khi chết, ông đến nằm dưới một cây cổ thụ để hồi tưởng về tiếng cồng chiêng trong quá khứ, và linh hồn ông đã siêu thoát theo âm thanh thiêng liêng ấy. Có thể nói, âm thanh cồng chiêng đã ăn vào máu thịt của người Tây Nguyên. Dẫu sự biến đổi văn hóa có mạnh mẽ đến thế nào đi chăng nữa thì trong tiềm thức của họ, cồng chiêng vẫn như ngọn lửa nhà rông cứ âm ỉ cháy.

1.6 Lửa trong đời sống Tây Nguyên

Làng, nhà rông, cồng chiêng sẽ không có sự sống và sức sống nếu thiếu lửa. Sự cộng hưởng kỳ diệu giữa ngọn lửa và cồng chiêng giống như sự cộng hưởng kỳ diệu giữa hùng vĩ thác nước và oai linh rừng già, giữa đàn và bà và


rượu cần...Tây Nguyên trường tồn cùng ngọn lửa, bất khuất với ngọn lửa, thắm tình bên ngọn lửa. Thiếu lửa và rừng già con người Tây Nguyên sẽ nhạt nhòa sức sống. Ngọn lửa âm ỉ cháy mãi trong bếp của từng nhà là sự sống hiện diện, bập bùng khi sáng khi tối là thần linh khi ẩn khi hiện trong những đêm kể chuyện ở nhà rông. Ngọn lửa bập bùng trên sân nhà rông là trung tâm của những vòng xoang mê đắm và những chế rượu sóng sánh niềm yêu…Và trong chiến đấu, ngọn lửa đã trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của người Tây Nguyên.

Lịch sử phát triển của loài người gắn liền với lửa. Trong rất nhiều vị thần của các dân tộc trên thế giới thì thần thợ rèn rất được trọng vọng, bởi đó là vị anh hùng khai sáng. Sắt và lửa đã đưa con người từ dã man đến văn minh. Người Tây Nguyên cũng không nằm ngoài qui luật ấy.

Nằm trên độ cao trung bình khoảng bảy tám trăm mét so với mặt biển, khí hậu Tây Nguyên rất lạnh. Càng lạnh hơn nữa khi làng ở đây thường nằm lọt thỏm giữa mênh mông là rừng; cùng với nếp sinh hoạt đốt rẫy làm nương, và điện là một thứ quá xa lạ... nên lửa là phương tiện duy nhất để làm chín thức ăn, sưởi ấm và chiếu sáng. Không chỉ sưởi ấm cơ thể mà nó còn sưởi ấm cho tâm hồn, không chỉ chiếu sáng cho ngôi nhà mà nó còn chiếu sáng cho cả không gian huyền thoại… Lửa đã trở thành tâm linh, thành văn hóa.

Sau gần hai mươi năm lăn lộn với hầu khắp các tộc người Tây Nguyên, nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes đã rút ra một kết luận:“Người Tây Nguyên không thể không có lửa về đêm; chỉ cần thiếu lửa ít lâu là họ sẽ ngã bệnh”[59, tr. 127]. Điều đó giải thích vì sao trong thời gian ở Hà Nội, anh hùng Núp mắc phải một căn bệnh lạ là luôn khó thở và mắt mờ đi, chạy chữa thế nào cũng không khỏi. Chỉ đến khi lên Hòa Bình, trời lạnh, phải đốt lửa hàng đêm, thế là Núp hết bệnh. Lửa không phải là cơm gạo, vậy mà con người Tây Nguyên không thể sống được nếu thiếu nó. Có thể nói không ngoa rằng người

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.


Tây Nguyên rất “nghiện” lửa. Hòa quyện ngàn đời nên dễ hiểu vì sao người Tây Nguyên lại “chung thủy” với lửa đến vậy: “Mời thế nào già Đao cũng không chịu ngồi vào bộ sa lông mới đóng, vẫn còn thơm véc ni trong phòng khách của cơ quan quân sự huyện mà nằng nặc đòi xuống ngồi bên bếp lửa, nói chuyện”[41, tr.185]. Vậy đó, đối với người Tây Nguyên, họ có thể thiếu gạo thiếu muối chứ không thể thiếu lửa và rượu cần. Lửa mang một giá trị đặc biệt. Nó là tâm tư, tình cảm, niềm vui, nỗi buồn, hờn giận, yêu thương…Ngọn lửa bao giờ cũng là trung tâm của mọi sinh hoạt gia đình cũng như cộng đồng. Bếp lửa là “phòng khách” của nhà sàn và nhà rông, là trung tâm của những vòng xoang và các ché rượu. Ngọn lửa giúp con người lấy cái ăn từ rừng. Ngọn lửa soi đường cho con người đến với nhau, sưởi ấm cho con người trong cái buốt giá của núi rừng Tây Nguyên...Và cũng bên bếp lửa trong nhà rông, đêm đêm mọi người ngồi nghe già làng kể chuyện truyền thống hay nghe nghệ nhân kể khan. Xung quanh đống lửa trên sân nhà rông, dân làng đánh cồng chiêng, múa xoang để giao lưu với thần linh, để thể hiện niềm vui được mùa hay chiến thắng kẻ thù, để cầu chúc sức khoẻ cho tuổi già hay tỏ lòng thương tiếc người mất v.v…Ngọn lửa được xem là linh hồn của mọi lễ hội ở Tây Nguyên. Trong ngôi nhà dài có hàng chục gia đình sinh sống, mỗi gia đình được phân biệt không bởi tấm phên hay vách mà là một bếp lửa. Lửa chính là yếu tố vật chất thân thiết nhất đối với con người Tây Nguyên. Từ vai trò to lớn của nó, ngọn lửa đã được linh thiêng hóa, nó trở thành một vị thần đầy quyền năng, hình thành nên tín ngưỡng của con người.

Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 8

Nghệ thuật rất cần sự cô đọng hay kéo giãn của không gian và thời gian để nâng tầm nhìn người đọc; rất cần một chất keo kết dính các chi tiết, tình tiết để tạo tính chỉnh thể; rất cần các biểu tượng để sự thể hiện những giá trị có tính khái quát cao…Trong các tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên, ta thấy lửa thường giữ vai trò ấy. Đất nước đứng lên, tiểu thuyết được xem là đặc sắc nhất


viết về Tây Nguyên của Nguyên Ngọc kể về cuộc trường kỳ kháng chiến của làng Kông Hoa dưới sự lãnh đạo của anh hùng Núp. Ở đó, câu chuyện luôn được “làm nóng” bằng ngọn lửa. Ngọn lửa là một phương tiện đặc biệt được nhà văn dùng để biểu hiện mọi sắc thái cảm xúc của Núp cũng như của dân làng. Trong tiểu thuyết Hơ Giang của Y Điêng, Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh, và những truyện ngắn hay như Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Chớp trên đỉnh Kon Từng của Trung Trung Đỉnh, Người buôn Rê Băk của Khuất Quang Thụy, Phút chối Chúa của Võ Thị Hảo v.v… ngọn lửa bao giờ cũng mang theo những giá trị biểu hiện đặc biệt.

Như trên đã nói, người Tây Nguyên có nhu cầu sống trong thế giới huyền thoại mỗi khi màn đêm phủ xuống (điều này có nguyên nhân của nó, sẽ được đề cập ở phần sau). Thế giới ấy do những câu chuyện thần thoại, những thiên sử thi đem đến. Trước khi câu chuyện bắt đầu, bao giờ cũng vậy, người ta khơi lên một bếp lửa: “Bên bếp lửa bập bùng già Kôi kể lại cho đám thanh niên mới lớn lên những bài khan không hiểu có tự bao giờ về những vị thần núi, thần sông…”[311, tr. 71]. Cái thế giới hư ảo ấy được ngọn lửa làm cho lung linh sắc màu. Ngọn lửa không còn giữ chức năng chiếu sáng mà nó là một “nhân vật” của câu chuyện, nhân vật ấy đồng hành với nghệ nhân dẫn dắt người nghe đi vào thế giới siêu thực. “Đêm bên bếp lửa” là cụm từ mở đầu của sự tái hiện các buổi kể khan của người Tây Nguyên. Tâm hồn người Tây Nguyên khó có thể bay bổng diệu kỳ với những thiên truyện cổ xưa nếu không có lửa về đêm.

Lửa không chỉ làm nên sức sống của thế giới thần thoại, nó còn có giá trị biểu trưng cho sức sống của con người trong thế giới hiện thực. Tính chất của lửa là nóng, và màu của nó là đỏ. Màu đỏ bao giờ cũng gợi lên sự mạnh mẽ, sức nóng bao giờ cũng tạo nên khí thế hùng mạnh. Bởi vậy, văn chương thường dùng hình tượng ngọn lửa để biểu hiện sức sống. Ở Tây Nguyên sự sống được biểu hiện qua ngọn lửa, cho nên lửa không bao giờ tắt trong nhà chung hay nhà


riêng. Ở đâu có lửa là ở đó có sự sống. Trong Nhà rông, hồn của làng, Nguyên Ngọc kể về làng nọ có hai nhà rông, một do dân làng dựng và một do đoàn làm phim tặng. Sau một thời gian, nhà rông tặng không có sự sống vì nó “hoàn toàn không có bếp lửa”. Trong khi đó nhà rông của làng thì “ngay giữa ban ngày, giữa nhà một cái bếp vẫn đang âm ỉ cháy”[27, tr. 68]. Trong Đất nước đứng lên, qua bao nhiêu bom đạn của kẻ thù, qua bao nhiêu lần đói gạo đói muối...Núp và dân làng Kông Hoa vẫn bền bỉ dẻo dai như sợi mây rừng. Sức sống mãnh liệt ấy cũng được biểu hiện qua ngọn lửa: “Ở chính giữa rẫy, một nhúm lửa đốt lên tự bao giờ cháy bập bùng suốt đêm, không bắt lan rộng ra mà cũng không tắt”[26, tr.343]. Là người tiên phong trong phong trào chống Pháp, Núp không bao giờ để cho ngọn lửa tắt trong trong trái tim mọi người: “Lửa cháy hết rồi. Bóng tối trùm lên cả tiếng khóc...Núp chùi nước mắt, đứng dậy đi tìm một bó củi khô cho lửa ăn, lửa sống dậy phừng phừng”[26, tr.347] . Sự phừng phừng của ngọn lửa đã thắp lên niềm hy vọng lớn lao. Ở một chi tiết khác, tin đồn Cách mạng thất bại như con ma gió cuốn phăng niềm tin của dân làng, Núp đã phân tích cho bà con nghe âm mưu thâm độc của kẻ thù và “Những lời nói của Núp như một ngọn lửa cháy bập bùng, không lớn ngọn lắm, nhưng không có cách gì dập tắt nổi”[26, tr.354]. Ngọn lửa của Núp đã xua tan bóng tối, đẩy lùi hơi lạnh, thắp lên niềm tin, tiếp thêm nguồn năng lượng tinh thần cho dân làng tiếp tục vượt qua thử thách trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Cùng với những giá trị tinh thần khác, lửa đã góp phần nuôi dưỡng và dẫn truyền truyền thống bất khuất của dân tộc.

Truyền thống bất khuất của dân tộc đã được ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh. Ngọn lửa đã soi đường cho cụ Mết (Rừng xà nu- Nguyễn Trung Thành) dẫn đám thanh niên xông vào nhà rông chém chết bọn thằng Dục, “xác mười tên giặc ngốn ngang quanh đống lửa đỏ”[26, tr. 162]. Ngọn lửa đã tập hợp dân làng Xô Man đứng lên đồng khởi. Ngọn lửa dẫn truyền sức nóng của lòng căm


thù và tinh thần quật khởi: “Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên!...Đốt lửa lên!...cả rừng Xô Man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng”[26, tr. 162]. Ngọn lửa có giá trị như một ngọn cờ; nó là nơi hội tụ truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa, ý thức đoàn kết và tinh thần cộng đồng của đồng bào dân tộc. Và chính ngọn lửa ấy đã làm cho con người trở nên đẹp hơn, rạng ngời hơn: “Ngọn lửa bốc lên cao, soi sáng từng khuôn mặt. Người già cũng rạng rỡ. Con gái con trai cũng vui tươi… Dưới ngọn lửa sáng rực này, bóng con trai, con gái cao, khỏe mạnh hẳn”[5, tr. 267]. Ngọn lửa rực cháy của truyền thống anh hùng và tinh thần cách mạng đã giúp người Tây Nguyên chiến thắng kẻ thù hùng mạnh. Trong lễ ăn mừng chiến thắng, ngọn lửa dẫn truyền niềm hân hoan đến từng người, và cả không gian cũng rộn ràng trong ánh lửa: “Chúng tôi nhảy nhót cùng lũ thanh niên, con gái quanh đống lửa suốt đêm, rồi hát, rồi đánh đàn dinh goong, đàn ghi ta…Triền sông bập bùng những đống lửa và ánh đuốc”[6, tr. 247]. Bất cứ cuộc vui nào, lửa cũng giữ vị trí trung tâm để khơi dậy niềm khát khao cho mọi người. “Hãy đốt lên một đống lửa” đó là điệp khúc của những bản trường ca Tây Nguyên.

Trong đời sống tình cảm buôn làng, lửa đã gắn kết mọi người lại với nhau. Đặc điểm dễ thấy của người Tây Nguyên là tình cảm của họ rất chân thật nhưng không vồ vập mà như ngọn lửa âm ỉ. Cái yêu cái ghét của họ rõ ràng, phân minh. Điều đáng quí là tình cảm yêu thương luôn bao trùm. Tình cảm yêu thương ấy được ngọn lửa làm cho nồng nàn hơn. Khi Tnú về thăm làng thì “Dân làng lũ lượt kéo tới nhà cụ Mết. Các cô gái dụi tắt đuốc ở cầu thang trước khi bước vào nhà. Cũng có người, các bà cụ cầm cây đuốc còn cháy rực đi thẳng vào soi lên mặt Tnú, nhìn đi nhìn lại thật kỹ rồi ném bó đuốc vào bếp lửa, lửa bốc lên, cháy giần giật”[26, tr. 143]. Ngọn lửa đã soi từng gương mặt thân yêu của dân làng để Núp nhìn thật rõ trước khi chia tay bà con đi tập kết: “Lửa cháy bập bùng soi mặt mọi người, khi sáng khi tối. Lửa soi mái tóc quăn


của Ghíp, lửa soi cái cằm vuông và cặp mắt sáng bok Pa, lửa soi cánh tay Khíp to chắc và đen, cặp mắt Khíp hiền lành, im lặng”[26, tr. 476]. Khi đi xa, ngọn lửa cũng là nỗi nhớ khôn nguôi, gợi thức tình cảm buôn làng: “Chỉ một chút nữa thôi, anh sẽ được ngồi bên bếp lửa nhà sàn ấm cúng, sẽ được nghe tiếng nói ríu ran của các cô gái mong nhớ, tiếng chày giã gạo thân thương...”[27, tr. 34-35]. Lửa đã đem đến sự nồng ấm của tình người Tây Nguyên.

Ở phương diện con người cá nhân, lửa là người bạn tri kỷ. Mọi nỗi niềm của con người đều được gửi gắm vào ngọn lửa. Trước sự tàn bạo của thực dân Pháp, Núp đã bao lần ngồi một mình với lửa. Có khi “Núp đốt lửa ngồi suốt đêm” để nghĩ cách cứu đói cho bà con. Có khi “Núp lẳng lặng đi vào ngồi bên bếp lửa lạnh”[26, tr. 353] để trút nỗi lo trước tin đồn Cách mạng đã thất bại. Khi biết chắc đó không phải là sự thật thì “Anh thấy lửa cháy như trong một giấc mơ” [26, tr. 344]. Tnú (Rừng xà nu- Nguyễn Trung Thành) về thăm làng, không biết nói gì với bà con, chỉ biết “bước tới bếp lửa, đứng lặng hồi lâu”[26, tr. 163]. Hơ Giang (Hơ Giang-Y Điêng) thương chú Ma Đoan ở một mình trong rừng buồn, em cũng buồn theo, nỗi buồn ấy được em gửi gắm vào lửa: “Hơ Giang không thưa lại, em lặng lẽ đến chỗ mẹ quay chỉ. Ngọn lửa ngó vào mặt nó. Nó ngồi im. Nó buồn, ngọn lửa cũng không vui”[7, tr. 126]. Nỗi cô đơn sầu muộn của già Yang (Hình phạt cuối cùng-Thu Loan) về đứa con lạc loài cũng được ngọn lửa sẻ chia: “Già Yang ngồi trầm ngâm bên bếp lửa. Chiếc tẩu to sụ ngậm trên miệng hết thuốc từ lâu nhưng già không để ý. Già chăm chăm nhìn vào bếp, ý nghĩ như còn đâu xa lắm…”[41, tr. 257]. Sự tức giận của Y Túc (Mùa xuân hoa trắng - Nguyên Ngọc) cũng được thể hiện bằng ngọn lửa: “Khi người làng cởi trói cho Y Túc thì lửa đã cháy trong hai mắt anh”[236, tr. 265] v.v...Qua những chi tiết trên, ta thấy ngọn lửa còn là đối tượng để con người gửi gắm nỗi niềm hay giãi bày tâm sự. Điều này xuất phát từ tính cách trầm lặng,


thiên về đời sống nội tâm. Khi có tâm trạng gì, người Tây Nguyên ít tâm sự với người khác mà thường “tâm sự” với lửa.

Truyền thuyết về vua lửa Pơtao Pui như một minh chứng hùng hồn cho giá trị của lửa đối với đời sống con người Tây Nguyên. Pơtao Pui được người Tây Nguyên suy tôn do ông giữ thanh gươm thần được lấy từ miệng một núi lửa. Thanh gươm ấy luôn được cất giữ ở một nơi rất bí mật và chỉ truyền lại cho người ở trong gia đình hay dòng họ. Có được thanh gươm ấy có thể gọi mưa đến khi hạn hán và đuổi mưa đi khi lụt lội. Không có một vị thần lửa như Hephaistos của người Hy Lạp, nhưng những thế hệ vua lửa nối tiếp nhau “trị vì” trong đời sống tinh thần của người Tây Nguyên đã cho thấy rằng lửa không chỉ đơn thuần là một yếu tố vật chất quan trọng trong mọi sinh hoạt của bà con; nó còn là một thiết chế văn hóa đặc thù, mang tính biểu tượng cho truyền thống, cho sức mạnh của dân tộc, cho tinh thần bất khuất, cho sự bền bỉ dẻo dai của tính cách, cho tâm hồn phóng khoáng cao thượng của con người Tây Nguyên.

Lửa cháy là sự sống vĩnh hằng của người Tây Nguyên.

1.7 Bến nước, báu vật của buôn làng

Khi mặt trời vừa nhô lên khỏi dãy núi phái đông, các cô gái Tây Nguyên bắt đầu xếp các quả bầu đen bóng vào chiếc gùi í ới gọi nhau xuống bến nước lấy nước về dùng trong ngày. Buổi chiều, công việc trên rẫy tạm dừng, các cô gái chàng trai, người già, người trẻ từ rừng trở về, ào vào bến nước tắm gội, nô đùa, trò chuyện sau một ngày lao động. Đó là hình ảnh đặc trưng trong chu kỳ sống của con người Tây Nguyên. Nếu nhà rông là không gian trung tâm của sinh hoạt tinh thần cộng đồng thì bến nước là trung tâm sinh hoạt vật chất của dân làng. Không chỉ là vật chất, sự gắn bó máu thịt đã nâng bến nước lên tâm linh, thành văn hóa- văn hóa bến nước.

Lửa và nước là hai yếu tố cơ bản của sự sống con người. Lửa là dấu gạch nối giữa dã man và văn minh, nước là khởi nguồn của sự sống. Lịch sử các nền

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/05/2022