không thể tồn tại trong nhà rông. Không khí nhà rông rất linh thiêng và luôn ấm áp tình làng thông qua các lễ hội của làng. Các lễ hội có qui mô làng đều diễn ra ở nhà rông. Trong các lễ hội như vậy, con người hòa nhập tuyệt đối vào không khí nhà rông. Nhà rông uy nghiêm sừng sững như một vị thần khổng lồ đứng canh giữ cho thần dân của mình đắm chìm trong ánh lửa bập bùng huyền ảo trong miền thần thoại, trong tiếng chinh chiêng vang vọng đến tận thuở hồng hoang, trong những vòng xoang mê đắm không còn phân biệt già trẻ gái trai, trong mùi thịt nướng thơm lừng và những ché rượu cần miên man bất tận đưa mọi người vào thế giới “quên”. Quên đi mọi lo toan đói khổ, quên đi phiền muộn, quên đi mọi cách ngăn để chỉ còn lại niềm hạnh phúc nguyên sơ.
Nhà rông như vậy, là nơi hội tụ diện mạo văn hóa Tây Nguyên. Linh thiêng trong việc dựng nhà và lưu giữ báu vật, nhà rông là nơi thực hành tín ngưỡng. Biểu tượng cho sự trường tồn của cộng đồng, nhà rông là nơi giữ gìn luật tục. Hội tụ sức mạnh của làng, nhà rông là nơi truyền khí anh hùng cho trai làng chiến đấu. Trung gian giữa quá khứ và hiện tại, nhà rông là nơi truyền bá giá trị văn hóa truyền thống. Nhịp cầu nối giữa hiện tại và tương lai, nhà rông là nơi tiếp nhận những giá trị văn hóa mới…Làng là “thế giới” của người Tây Nguyên. Thế giới ấy kết tinh ở nhà rông.
1.5 Cồng chiêng, hồn thiêng của núi rừng
Nếu nói nhà rông là hồn của làng thì cồng chiêng là hồn thiêng của núi rừng Tây Nguyên. Không thể hình dung được con người Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên sẽ như thế nào nếu thiếu cồng chiêng. Cồng chiêng là từ của người Kinh, đối với người Tây Nguyên, mỗi tộc người có cách gọi khác nhau, người Jrai, Ê đê, H’rê gọi là ching, người Bana gọi là ching chêng, người Sê đăng gọi là goong chiêng, người Mơ nông gọi goong reng, người K’ho gọi là goong kla, người Chăm H’roi gọi là kcheng v.v… Hầu hết các tộc người ở Tây Nguyên đều có cồng chiêng với rất nhiều chủng loại và số lượng. Dẫu vậy, họ không tự
làm ra cồng chiêng mà đi mua của người Lào, Campuchia, Chăm, Kinh…Tuy nhiên, khi mới mua, nó chưa phải là cồng chiêng thực sự, chỉ khi nào được nghệ nhân thổi vào nó âm thanh của núi rừng, buôn làng thì nó mới sống dậy và có tiếng nói của riêng mình. Tiếng nói của cồng chiêng chính là tiếng nói tâm linh, điệu thức, tiềm thức, niềm tin và cả sự sợ hãi của con người Tây Nguyên. Mỗi tộc người có một không gian tâm linh riêng nên cồng chiêng có một âm sắc riêng. Ta như nghe được cả âm thanh của núi rừng từ đoạn văn của H’Linh Niê:
Hãy lắng nghe trong gió tiếng chinh cheng Bana trầm hùng như dòng Sêsan mạnh mẽ dạt dào tuôn chảy. Chiêng arap Jrai phóng khoáng như đàn ngựa hoang tung vó và rộn ràng khiến chân tay con người muốn lắc lư động đậy. Những chàng trai Sê đăng dây xa tích bạc đeo ống trầu bên hông leng keng cùng nhịp chinh cheng náo nức đưa tâm hồn con người bay lên theo biến tấu diệu kỳ của nhịp điệu bài dân ca Chim Jil đi tắm. Còn mạnh mẽ, ào ạt như những cơn gió thổi qua đồng cỏ cao nguyên là tiếng chinh char Ê đê. Khom xuống mà lắng nghe lời thủ thỉ, bụp xòa, đôi lúc lại lanh lảnh tiếng vòng đồng và các khớp ngón tay gõ lên mặt chinh K’ho, M’nông, Mạ…[24]
Trong mỗi tộc người, tùy theo tính chất của sự kiện, cồng chiêng có một thông điệp riêng. Tại nhà rông hay nhà sàn, khi có tiếng chiêng vang lên là dân làng sẽ biết ở đó có chuyện gì. Gắn bó suốt một đời người nên cồng chiêng đã trở thành gió núi mây ngàn “lang thang" trên khắp núi rừng Tây Nguyên. Trên vùng đất cao nguyên mênh mông gió là mênh mang tiếng chiêng cồng, thâu đêm suốt sáng, suốt cả hai mùa mưa nắng, đậm đặc là mùa “ăn năm uống tháng”. Tiếng cồng chiêng như lời thì thầm của núi rừng, lời giục giã của thác nước, lời thôi thúc mời gọi của suối chảy, tiếng ru da diết của người mẹ, tiếng
Có thể bạn quan tâm!
- Rừng, Bản Nguyn Của Sự Sống Tây Nguyên
- Làng, Môi Trường Văn Hóa Chính Yếu Của Người Tây Nguyên
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 6
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 8
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 9
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 10
Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.
réo rắt của lứa đôi, tiếng nỉ non cho một linh hồn vừa thoát… Tất cả như khuấy động lòng người, xao xuyến một điều gì đó vừa cụ thể vừa mơ hồ, vừa gần gũi vừa xa xăm đến đến tận miền sâu ký ức. Nhiều người đến với Tây Nguyên đã cảm nhận được điều này, nhất là những tâm hồn đa cảm. Có lẽ vì vậy mà trong các tác phẩm văn xuôi về Tây Nguyên, các tác giả đã thể hiện văn hóa cồng chiêng với đầy đủ giá trị, chức năng và cung bậc của nó. Tiếng cồng chiêng đã độc đáo, nhưng nó càng tuyệt diệu hơn trong tác phẩm văn chương nhờ tài năng ngôn ngữ của nhà văn, nhờ vào khả năng truyền cảm của không khí truyện.
Làm sao có thể tái hiện được “không khí” Tây Nguyên nếu không nói đến cồng chiêng? Nó là diện mạo văn hóa nổi bật của từng tộc người và của cả Tây Nguyên. Không phải chỉ ở Tây Nguyên mới có cồng chiêng. Nhưng chỉ có ở Tây Nguyên cồng chiêng mới có sứ mệnh vô cùng lớn lao như vậy. Từ đời sống văn hóa thực tế và từ sự khái quát của các nhà văn, ta thấy tiếng chiêng không chỉ nhằm giao lưu với các thần linh, phương tiện thông tin đến họ hàng bè bạn, mà còn chính là tiếng nói tâm linh, là tâm hồn cao nguyên đầy trữ tình và cháy bỏng khát vọng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Người Tây Nguyên xem cồng chiêng là báu vật thiêng liêng của mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi buôn làng. Báu vật vì tính đa giá trị, đa chức năng của nó. Cồng chiêng trước hết là một thứ tài sản rất quí. Nếu ở các dân tộc khác, sự giàu sang được tính bằng vàng, tiền thì đối với người Tây Nguyên là cồng chiêng. Có nhiều bộ chiêng trong nhà, đặc biệt là chiêng cổ thì gia đình ấy không chỉ giàu sang mà còn đầy quyền uy. Bởi vì người Tây Nguyên quan niệm mỗi bộ chiêng đều có Yàng trú ngụ, chiêng càng lâu năm thì Yàng ấy càng mạnh. Yàng chiêng càng mạnh thì tiếng nói của con người với thần linh càng hiệu lực, vì chức năng lớn nhất của cồng chiêng là giao lưu với thế giới siêu nhiên. Tất nhiên, giá trị của cồng chiêng không chỉ ở khía cạnh vật chất mà quan trọng hơn là ở giá trị tinh thần, tức là ở chức năng làm chiếc cầu nối giữa con người với thần linh. Để có thể
giao tế với thần linh, trước tiên người ta phải thổi hồn cho chiêng, tức “lên dây” cho chiêng, còn gọi là chỉnh chiêng, so chiêng. Người có khả năng chỉnh chiêng không nhiều, mỗi làng thậm chí dăm ba làng mới có một vài người. Những người ấy luôn cho rằng chỉnh chiêng là nhiệm vụ của thần giao phó, phải chăm lo cho chiêng không bị lạc âm, sai âm bởi vì như vậy sẽ sai ý thần. Chỉ khi việc chỉnh chiêng hoàn thành, thì chiếc chiêng ấy mới thật sự có giá trị. Và từ lúc đó, mỗi khi cồng chiêng được tấu lên là con người có thể nghe được những điều không thể nói ra bằng ngôn ngữ, thần linh có thể thấu hiểu được tâm nguyện của con người; con người có thể thấy được những cái vô hình, thần linh có thể nhìn được diện mạo tinh thần của mỗi người, họ tin như vậy. Không gian, thời gian sẽ ngưng đọng khi cồng chiêng vang lên, vạn vật sẽ bị “thôi miên”. Đọc sử thi Đăm san, người ta sẽ nhớ mãi tiếng cồng chiêng: “Đánh lên! Cho tiếng chiêng lòn qua sàn xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng lọt mái nhà vang đến tận chân trời. Đánh cho khỉ quên ôm chặt cành cây, cho ma quỉ cũng quên không hại người ta. Đánh cho chuột quên đào lỗ, cho rắn nằm ngay bờ. Cho thỏ phải giật mình. Cho hươu nai ngừng nghe quên ăn cỏ”(Đăm San). Sử thi Đăm San không chỉ đẹp với lý tưởng anh hùng, với mái nhà “dài như một tiếng chiêng”… mà còn với âm thanh cồng chiêng luôn nâng tầm vóc của người tù trưởng hùng mạnh. Tiếng chiêng luôn vang lên, từ văn học cổ đến văn học hiện đại. Trong truyện ngắn Tiếng chiêng buồn, tác giả Nguyễn Văn Toàn cũng đã đưa tiếng cồng chiêng thành tiếng lòng tha thiết: “Tiếng chiêng lại ngân lên, vang đến tân rừng sâu, làm rừng sâu im tiếng, vang đến tận trời cao, làm những vì sao như mờ đi. Để chỉ còn tiếng chiêng, lúc ồn ào như thác đổ, lúc rào rạt như tiếng mưa, tiếng gió qua rừng, cứ cuộn xoáy vào nhau, tuôn chảy triền miên không dứt”[39, tr.400]. Thủ pháp điệp từ, phép thậm xưng, lối so sánh trùng điệp đã tạo nên dòng âm thanh cồng chiêng cuộn chảy rạt rào trong lòng người đọc.
Cách đây gần hai mươi năm, tôi từ đồng bằng khăn gói lên Tây Nguyên dạy học. Khi ấy khí hậu ở đây rất lạnh. Không khí lạnh lẽo bao trùm trong căn phòng tập thể khi về đêm. Nhưng tôi không tài nào ngủ được bởi tiếng cồng chiêng từ đâu vọng lại, lúc dồn dập, lúc khoan thai, lúc da diết, lúc nỉ non như réo rắt, như gọi mời…Một đêm, hai đêm, đêm thứ ba không chịu nổi sự thôi thúc, tôi vùng dậy đi tìm âm thanh ấy. Hơn năm cây số đường làng lấm lem bùn đất, tôi đã tìm được nơi đã phát ra âm thanh kỳ lạ đó. Trong căn nhà sàn, người ta đang tiễn đưa linh hồn người chết, mấy mươi người ngồi uống rượu cần nhưng không nói với nhau câu nào, chỉ có tiếng nói của cồng chiêng thầm thì, da diết. Và đây là âm thanh cồng chiêng tiễn biệt trong Tượng mồ đen của Thu Loan: “Lời khấn vừa dứt, dàn cồng chiêng nổi điệu pơ thi. Già Loi nghe từ xa vẳng lại những âm thanh não nề. Nghe tiếng cồng chiêng khóc người chết, gió không muốn thổi, chim không muốn bay”[17, tr.109]. Không chỉ trong tang ma, khi làm lễ Pơthi, tiếng chiêng tiễn biệt con người lần cuối: “Tiếng chiêng xoáy vào bóng đêm, trôi lang thang vô tận giữa rừng già, lặn xuống đáy dòng sông Srêpôk sâu thẳm. Âm thanh bing boong ấy không phải là tiếng than khóc, vẫn là tiếc thương, vẫn là níu kéo đấy nhưng lại lịch lãm và trang trọng dành cho sự tiễn biệt vĩnh viễn”[24]. Cồng chiêng nói hộ lòng người nỗi thương tiếc khôn nguôi khi người thân về với ông Đung bà Đai. Cồng chiêng cũng đưa lời cầu khấn của già làng trong các buổi lễ đến với thần linh. Để rồi sau đó cồng chiêng vỡ òa niềm cộng cảm của dân làng trong những vòng xoang sặc sỡ váy áo của các cô gái, trong những khuôn ngực nở nang rắn chắc của các chàng trai.
Là tiếng nói của truyền thống, lời hiệu triệu của tinh thần bất khuất, cồng chiêng thúc giục trai làng vùng lên giết giặc: “Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông! Đốt lửa lên! Tiếng chiêng nổi lên…”[26, tr.162].
Tiếng chiêng đã thay thế tiếng kèn xung trận mà ta vẫn thường nghe khi tái hiện những cuộc chiến ngày xưa. Bằng dũng khí của chàng Đăm San, họ đã cất cao bài ca khải hoàn. Cồng chiêng lại vang lên trong lễ mừng chiến thắng: “Ông già cầm chiếc dùi trở về ụ mối uy nghi phát lệnh…Tôi nắm đuôi khố của Bin, nhảy theo cậu, nhảy theo nhịp điệu kỳ lạ của cồng chiêng. Tất cả những gì đã diễn ra không còn ai nhớ tới nữa…Giờ chỉ có tiếng cồng chiêng và niềm vui cộng đồng”[5, tr.114]. Sức lan tỏa kỳ diệu của cồng chiêng đã biến hiện thực thành siêu thực, xua tan mọi nỗi buồn, cả sự khốc liệt của chiến tranh để chỉ còn lại sợi dây tình cảm cùng sự hoan hỉ nối liền những tâm hồn, gắn kết những trái tim. Cả cộng đồng bừng lên niềm hân hoan bất tận. Ngày Núp trở về, làng S’tơr rộn rã tiếng chiêng đón mừng: “Em rể Núp nhảy lên nhà sàn vác bộ chiêng xuống. Những người mới tới đón ngay lấy chiêng, dùng cùi tay làm dùi, đập háo hức xuống mặt chiêng đồng. Những tiếng bing bong đầu tiên nhỏ và bổi hổi như tiếng thơ cất lên, và những tiếng tiếp theo mạnh hơn loang ra, ngân nga vờn lượn theo nhịp nhảy”[38, tr.510]. Niềm vui của con người đã được cồng chiêng nâng lên thành làn sóng hạnh phúc ầm ào vỗ vào sự thâm u của đại ngàn, vỗ vào tình làng vốn đậm đặc nghĩa nhân.
Không chỉ gắn bó với đời sống cộng đồng, cố kết tinh thần cộng đồng, cồng chiêng còn đi vào tận đáy sâu tâm hồn mỗi cá nhân. Ngay từ mới sinh ra, cồng chiêng dịu dàng cùng lời hát người mẹ đưa trẻ vào giấc ngủ: “Mẹ gõ ching ania (ching cái) con nghe đừng khóc. Mẹ rung teng greng con ngủ. Mẹ cõng con cùng núm ching con bú. Tiếng krach knach vang bay mãi. Âm thanh ching bớt (ching con) ngân vang vào giấc ngủ con”[24]. Khi lớn lên, cồng chiêng khơi dậy những khát vọng lứa đôi: “Ching arap ngân nga bay qua dòng sông Ayun, luồn trong từng thân cây rừng già, quẩn quanh trên mọi nóc nhà sàn. Nghe tiếng ching ấy đã thấy ngứa ngáy, muốn được tay cầm tay bước vô vòng xoang. Suốt dọc đôi bờ sông Ayun, những vạt hoa pnga k’ang vàng chóe
chạy dài, nhảy nhót theo nhịp ching trong nắng vàng và gió ngàn”[20, tr.16]. Đến lúc trái tim thổn thức, cồng chiêng lại nâng đôi cánh của tình yêu: “Tiếng ching dội vang trên mặt hồ, chạy theo những con sóng lăn tăn, gọi vầng trăng mười sáu to như chiếc nong phơi lúa…Quay lại, H’Zen đã đứng bên cạnh từ lúc nào. Tiếng ching rộ lên đón chào, vây bọc lấy hai người ấm áp…”[24]. Khi tình yêu thăng hoa, cồng chiêng lại rộn lên trong ngày cưới: “Người già rạng rỡ nụ cười và thúc giục đánh chiêng gõ trống mừng chàng rễ, mừng làng mình có thêm một người trai khỏe mạnh”[7, tr. 238]. Vậy đó, nếu hạt gạo, củ khoai nuôi dưỡng con người vật chất thì công chiêng là nguồn sữa tinh thần dồi dào nuôi dưỡng tâm hồn người Tây Nguyên. Cồng chiêng đã trở thành nỗi niềm da diết gợi nhớ tình cảm buôn làng.
Người Tây Nguyên thiếu cồng chiêng như cá thiếu nước, cây thiếu rừng, như sự vui mừng thiếu ché rượu… Cồng chiêng không còn là âm thanh của con người mà nó là tiếng vọng của rừng già: “Tiếng cồng vang lên, dòng âm thanh truyền thống bao đời ngọt ngào hòa quyện cùng giai điệu của tình ca Pót, hòa tiếng gió núi thổi từ đầu nguồn, nới có dòng thác Búp”[39, tr.77]. Nó được sinh ra cùng với rừng già: “Đâu đó xa lắm tiếng suối chảy, tiếng chinh chiêng tựa hồ không phải thứ âm thanh ấy của con người mà nó được sinh ra cùng với rừng già. Ôi, rừng già!”[6, tr. 102]. Rừng già có tự khi nào? Cồng chiêng có tự khi nào? Những câu hỏi ấy là không thể giải thích được. Chỉ biết rằng, từ ngàn đời nay, qua bao thăng trầm của lịch sử, âm thanh cồng chiêng không bao giờ ngừng ngân vang, vẫn hòa quyện cùng tiếng suối chảy, tiếng thác đổ, tiếng thú rừng kêu, tiếng hát của các chàng trai cô gái giao duyên, tiếng mẹ ru con, tiếng cầu khấn thần linh để rồi rót vào hồn người tiếng nói của truyền thống, của vẻ đẹp văn hóa dân tộc.
Dù không phải là người bản địa, trong những đêm thanh vắng nghe âm thanh cồng chiêng từ xa vọng tới, lúc dồn dập rộn ràng, lúc khoan thai sâu lắng,
tự nhiên tâm hồn ta cảm thấy bâng khuâng nhung nhớ một điều gì đó. “Tháng Ninh Nông ở Tây Nguyên lạ lùng nhất là tiếng cồng chiêng...Suốt ngày suốt đêm là tiếng cồng chiêng từ sườn núi bên này vang lên, vọng qua sườn núi bên kia, lại dội lại sườn núi bên này vang vọng như tiếng ngân nga của hồn đất, hồn rừng, hồn núi và sông....[26, tr.181]. Tiếng cồng chiêng mang trong mình hồn đất, hồn rừng, hồn núi, hồn sông. Âm thanh ấy đâu chỉ vang lên từ những mảnh đồng trần trụi, nó còn ngân lên từ sự huyền bí của tâm linh, từ toàn bộ đời sống tinh thần và vật chất của cộng đồng. Xa hơn nữa, nó có một sợi dây vô hình nối giữa quá khứ và hiện tại, nối nền văn hóa của một dân tộc với văn hóa của quốc gia.
Đối với người Tây Nguyên trước đây, giá trị vật chất không quan trọng bằng giá trị tinh thần. Không thể chối bỏ giá trị vật chất của cồng chiêng, vì để có nó người ta phải bỏ ra một số lượng tài sản lớn. Nhưng tài sản ấy có nghĩa gì khi nó không được phát huy giá trị tinh thần phong phú và cao đẹp. Cũng vì chưa bị sự trì kéo quá mạnh của vật chất nên tâm hồn người Tây Nguyên rất lãng mạn, bay bổng. Nâng cánh cho tâm hồn ấy là những giai điệu của cồng chiêng. Tây nguyên có một hệ thống lễ hội phong phú. Những lễ hội ấy liệu có còn linh thiêng khi không có cồng chiêng? Trong một năm, người Tây Nguyên bỏ ra một thời gian dài đến ba bốn tháng để chơi. Những cuộc chơi ấy liệu có còn vui khi không có âm nhạc, không có cồng chiêng? Con người Tây Nguyên có nhu cầu sống giữa hai thế giới thực (ban ngày) và ảo (ban đêm). Liệu người Tây Nguyên có đến với thế giới thần thoại được không khi nghệ nhân kể khan không có tiếng đệm của cồng chiêng? v.v…Cồng chiêng là hồn thiêng của núi rừng, nó mang theo tâm thức cá nhân hòa trong tâm thức cộng động, nó là sự cộng hưởng tình cảm, cộng hưởng số mệnh; nó là thực đấy mà hư đấy, gần đấy mà xa đấy. Nó là nương rẫy trĩu hạt, là hương hoa thơm ngát núi rừng, bất tận
.....