Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 2


phát triển ồ ạt của các công trình thủy điện, ưu tiên mở rộng diện tích các loại cây công nghiệp v.v…đã dẫn đến sự rối loạn trong nhịp điệu của tự nhiên, xã hội ở Tây Nguyên. Trong sự rối loạn của cuộc sống đó, các tôn giáo ở nước ngoài đã nhanh chóng giành lấy một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Tây Nguyên. Hệ quả là rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã bị biến mất. Nghiên cứu vấn đề văn hóa và con người trong văn học cũng là góp phần nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên đang có nguy cơ mai một trước sức tấn công ồ ạt của các dòng chảy văn hóa khác.

Trong thời gian gần đây, Tây Nguyên rất được chú ý cả về chính trị, kinh tế lẫn văn hóa. Về chính trị, càng ngày người ta càng nhận ra tầm quan trọng của Tây Nguyên, vì nó nằm ở vị trí là “mái nhà” của Đông Dương. Về kinh tế, vị thế của cây cà phê, hồ tiêu Tây Nguyên trên thế giới và đặc biệt là sự kiện khai thác bô-xit ở Tân Rai và Nhân Cơ đã hướng sự chú ý của tất cả các tầng lớp xã hội về Tây Nguyên. Về văn hóa, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cũng đã dấy lên một phong trào tìm hiểu Tây Nguyên. Trong phong trào có vẻ ồ ạt đó, đã xuất hiện nhiều cách ứng xử chưa thật đúng với văn hóa Tây Nguyên. Một thực tế khác, những người làm công tác văn hóa (phần lớn là người Kinh) nhiều khi đã không tìm hiểu thấu đáo về đời sống Tây Nguyên nên vô tình họ đã làm nhòa đi màu sắc văn hóa Tây Nguyên. Những điều này đã làm cho những nhà Tây Nguyên thực thụ như Nguyên Ngọc, Nguyễn Tấn Đắc… rất bức xúc. Trước thực tế đó, chọn đề tài này chúng tôi cũng mong góp một tiếng nói của mình để có thể hiểu đúng hơn về Tây Nguyên và có những cách ứng xử phù hợp hơn.

2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ

Như trên đã nói, hiện nay Tây Nguyên là vùng đất thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu văn hóa, của giới văn nghệ sĩ. Nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên, các học giả tập trung sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc. Và họ đã thu thập được một số lượng rất lớn các tác phẩm văn học dân gian Tây


Nguyên, trong đó nhiều nhất là các bộ sử thi. Qua công tác điều tra sưu tầm, có thể nhận thấy rằng nền văn chương bình dân ở Tây Nguyên đa dạng, phong phú không hề thua kém bất kỳ vùng đất nào.

Không như văn học dân gian, không như văn học viết về Tây Bắc; văn học viết ở Tây Nguyên vẫn còn khá khiêm tốn về số lượng tác giả, tác phẩm. Ngoài số ít nhà văn với những tác phẩm gây được tiếng vang, còn lại các nhà văn địa phương cũng viết khá nhiều nhưng chưa đủ sức vươn ra khỏi “biên giới” Tây Nguyên. Nhìn chung, văn học viết về Tây Nguyên ít gây được sự chú ý của giới nghiên cứu. Theo đó, việc nghiên cứu về nó cũng chưa thật sự được quan tâm, mặc dù ít nhiều nó cũng đã tạo ra một diện mạo riêng.

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì đến nay, ở Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu một cách tổng thể về mảng văn học viết về Tây Nguyên. Vấn đề nghiên cứu văn hóa và con người Tây Nguyên trong văn học cũng đang còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, do có một số tác phẩm đã gây được tiếng vang nên cũng có nhiều công trình nghiên cứu về nó ở cấp độ tác giả, tác phẩm. Trong số đó, nghiên cứu về Nguyên Ngọc là nhiều nhất. Những nhà văn như Y Điêng, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Thu Loan, H’Linh Niê thì chỉ có một số bài giới thiệu, bình luận tổng quát in rải rác trên các báo và tạp chí.

Trong khoảng ba mươi bài nghiên cứu về Nguyên Ngọc, chỉ có một số ít bài viết tìm hiểu một cách tổng quát, còn phần lớn các tác giả tập trung phân tích tiểu thuyết Đất nước đứng lên và truyện ngắn Rừng xà nu, qua đó khái quát đặc điểm văn chương Nguyên Ngọc.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.

Nguyễn Đăng Mạnh trong bài Nguyên Ngọc, con người lãng mạn đã khẳng định vẻ đẹp độc đáo trong sáng tác nghệ thuật và quan niệm về con người của nhà văn. Ông cho rằng tâm hồn Nguyên Ngọc bắt rất nhạy những gì dữ dằn, quyết liệt và có một vẻ hoang dã như sự sống thời nguyên thuỷ. Ông nhấn mạnh:


Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 2

Văn của anh cuốn hút người ta không phải bởi chỉ cách trần thuật bằng chính giọng điệu của nhân vật của anh, với thứ ngôn ngữ hết sức hồn nhiên ngây thơ, đầy những hình ảnh ví von rất ngộ nghĩnh, mà bằng cả tâm hồn cũng rất Tây Nguyên...Nguyên Ngọc đích thực là một tri thức của núi rừng, là nhà văn hóa của Tây Nguyên [176, tr.58].

Phong Lê trong một đánh giá khái quát về những tác phẩm tiêu biểu của Nguyên Ngọc đã chỉ ra rằng trong sáng tác của Nguyên Ngọc, “con người gắn bó với đất nước quê hương, gắn với truyền thống cha ông, và truyền cho đất nước sức sống của mình”, “vẻ đẹp con người đã truyền đến cho thiên nhiên, và thiên nhiên góp phần tô điểm con người”[168, tr.32]. Trong bài Nguyễn Trung Thành và những trang viết về miền Nam đất lửa, Phong Lê cũng đã chỉ ra tính chất biểu tượng trong cách miêu tả nhân vật già làng, và “cụ thể, độc đáo, hiện thực khi miêu tả lớp con trẻ như những mạch nối của văn hóa truyền thống” [169, tr. 48].

Trần Đăng Khoa trong bài báo Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định sự thống nhất trong phong cách nghệ thuật của tác giả chính là ở việc thể hiện người thật việc thật, người tốt việc tốt; và nhà văn đã tìm đến một hình thức nghệ thuật phù hợp, nhất quán. Tác giả nhấn mạnh: “Văn Nguyên Ngọc là một dạng văn hay, giản dị, chắt lọc và trong veo” [152, tr. 6].

Nguyễn Văn Long trong những bài viết ngắn về Nguyên Ngọc cho rằng ông sáng tác không nhiều về số lượng nhưng vẫn được độc giả chú ý, “Nguyên Ngọc là một trong số hiếm hoi những cây bút gắn bó và am hiểu Tây Nguyên- một xứ sở vô cùng phong phú và đầy sức hấp dẫn cả thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa độc đáo mà hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn” [42, tr.14]. Tác giả khái quát: “Sự quan tâm hàng đầu đến những vấn đề có ý nghĩa trọng đại lịch sử của dân tộc và cách mạng cùng với niềm say mê những tính cách anh


hùng khiến cho tác phẩm của Nguyên Ngọc mang tính chất hùng tráng lại đậm nét trữ tình và chất lý tưởng”[171, tr.62].

Đỗ Kim Hồi xem Nguyên Ngọc là người đầu tiên trong số những nhà văn cách mạng thành công trên một mảng đề tài mà bốn thập kỷ trước đây đang còn hoàn toàn mới lạ: Tây Nguyên. Ông nói: “Trong ký ức của chúng ta, Nguyên Ngọc sẽ được nhớ như nhà văn của Tây Nguyên, hiểu trên hai nghĩa: người viết hay nhất về Tây Nguyên cho tới hôm nay, và người mà- cũng cho tới hôm nay- những sáng tác về Tây Nguyên cũng làm nên phần hay nhất, tiêu biểu nhất trong sự nghiệp văn chương của mình” [286, tr. 582 ].

Trong lời giới thiệu cuốn Đất nước đứng lên của Nhà xuất bản Giáo dục Giải phóng, có nhận xét: “Qua tiểu thuyết Đất nước đứng lên, Nguyên Ngọc muốn giới thiệu cho người đọc rõ thêm về đất nước, về con người ở vùng núi rừng Tây Nguyên. Đất nước ấy hùng vĩ mà hiền hoà, giàu đẹp và nên thơ. Những con người ở đây yêu nước nồng nàn, cần cù lao động”[26a, tr.4].

Khi Đọc lại Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Trường Lưu cho rằng thành công của việc miêu tả hình tượng Núp là thành công hai mặt: kết cấu nhân vật và tính dân tộc lồng vào trong kết cấu. Hai mặt này cũng xuyên suốt cả hệ thống hình tượng trong tác phẩm. Ông nhấn mạnh:

Nguyên Ngọc đã đi sâu nghiên cứu tính dân tộc của Tây Nguyên, vận dụng những bài dân ca, những câu chuyện dân gian Tây Nguyên đưa vào tác phẩm, tìm hiểu hoàn cảnh dân tộc đã sinh ra một con người như Núp. Trong Đất nước đứng lên, nếu tác giả không nắm vững tính dân tộc của Tây Nguyên thì tác phẩm chỉ có cái lõi của sự việc chứ không có linh hồn Tây Nguyên [173, tr.28].

Hà Văn Thư trong bài viết Con người dân tộc thiểu số qua một số tác phẩm của mấy nhà văn miền xuôi đã nêu lên những nét đặc sắc của con người trong Đất nước đứng lên và kết luận về Nguyên Ngọc: “Thành công của


Nguyên Ngọc theo tôi là do lòng yêu thương thiết tha đồng bào Tây Nguyên mà anh đã gần gũi trong những tháng ngày kháng chiến”[267, tr.44].

Như vậy đa số những bài nghiên cứu đều thừa nhận Nguyên Ngọc đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể trong những sáng tác về Tây Nguyên. Sở dĩ có được thành công này là nhờ những hiểu biết phong phú và sâu sắc về văn hóa và con người nơi đây, như ông đã từng kể: “Tôi đã sống trong các làng đồng bào Ê-đê, được cùng đồng bào đi làm rẫy, làm nương, đi săn, đi bắt cá, cùng ăn, cùng ở, cùng bàn bạc công tác, cùng đi đánh du kích, cùng dự các cuộc vui và được nghe đồng bào kể những sự tích về núi rừng, sông suối, về truyền thống bất khuất lâu đời của dân tộc”[197, tr.59]. Các bài nghiên cứu chủ yếu đánh giá một cách tổng quát sáng tác của Nguyên Ngọc, nếu đi vào phân tích cụ thể từng tác phẩm thì cũng chỉ đi tìm hiểu nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật chứ chưa đi vào nghiên cứu tác phẩm của ông như một giá trị văn hóa, dưới góc nhìn văn hóa. Chưa có công trình nghiên cứu nào xem xét một cách tổng thể có hệ thống vấn đề văn hóa và con người Tây Nguyên trong tác phẩm của Nguyên Ngọc.

Sau Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh cũng có nhiều tác phẩm hay về Tây Nguyên cho nên có một số bài viết có tính chất khái quát về chất Tây Nguyên trong văn của Trung Trung Đỉnh chứ chưa có bài viết nào tìm hiểu sâu về văn hóa Tây Nguyên trong tác phẩm của ông. Nguyễn Xuân Hải nhận xét một cách khái quát về những trang viết của Trung Trung Đỉnh: “Nói đến Trung Trung Đỉnh, bạn đọc nghĩ ngay đến những trang viết đầy ắp hơi thở Tây Nguyên từ thời chống Mỹ cho đến nay”. Nguyễn Ngọc Thiện trong “Tuyển tập văn học dân tộc và miền núi” cũng có nhận xét khái quát: “Là người Kinh, nhưng sống và hoạt động nhiều năm ở Tây Nguyên, do thành thạo tiếng Bana và được đào tạo chu đáo về nghề văn, tác giả đã có được những trang viết sinh động, sắc sảo về cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ nơi đây, những phong tục tập


quán và và các giá trị văn hóa cổ truyền còn được lưu giữ” [42, tr. 39]. Và tác giả cho rằng, với truyện ngắn Chớp trên đỉnh Kon Từng cùng với hàng loạt truyện khác cùng đề tài, đã đưa Trung Trung Đỉnh vào hàng những tác giả tiêu biểu viết về vùng đất Tây Nguyên vài chục năm gần đây. Trong bài viết Nhà văn “Lạc rừng”, Văn Công Hùng khẳng định: từ sau năm 1975 trở lại đây, Trung Trung Đỉnh là người viết thành công nhất về Tây Nguyên, bởi anh có vốn sống, vốn hiểu biết sâu sắc về Tây Nguyên.

Là bậc “trưởng lão” trong làng văn hóa, văn học Tây Nguyên; Nguyên Ngọc đã dành cho Trung Trung Đỉnh những ngôn từ đầy trang trọng, những cảm nhận thú vị. Ông viết:

Trung Trung Đỉnh không viết về Tây Nguyên. Đối với Trung Trung Đỉnh, Tây Nguyên không phải là “chất liệu”, cũng không phải là “vốn sống”…Trung Trung Đỉnh xa lạ với tất cả những thứ đó. Thậm chí đối với anh, Tây Nguyên cũng không phải là “đề tài”, là văn chương, là nghề nghiệp. Sâu xa mà đơn giản hơn nhiều, đối với anh, Tây Nguyên là tất cả. Là cuộc đời anh. Là nỗi ám ảnh, là sự mê hoặc, là cuộc sống, là sự rơi chìm, sự nhấn chìm, trùm lên toàn bộ cuộc đời anh, mê mẩn suốt đời, không cách gì rứt ra được, thoát ra được, cho đến chết [6, tr. 6-7].

Là nhà văn người Ê đê, Y Điêng có khoảng mười tác phẩm văn xuôi về Tây Nguyên, nhưng nghiên cứu về ông thì chỉ có vài bài, trong đó các tác giả đã nhìn thấy những giá trị văn hóa làm nền tảng cho văn Y Điêng. Triệu Lam Châu cho rằng truyện của Y Điêng trong trẻo, tự nhiên như trời đất. Và ông khái quát: “Đọc truyện của Y Điêng, tôi thấy hiện lên biết bao là ánh núi. Ánh núi hiện lên từ tiếng cồng chiêng âm vang cả núi rừng và lòng người. Ánh núi hiện lên từ ánh mắt nao lòng của người con gái Ê đê khi trao chiếc công cho người yêu…”.


Mã A Lềnh nhận xét văn phong Y Điêng:

Truyện dài Hơ Giang với lối kết cấu theo mạch thời gian giản dị truyền thống, không cầu kỳ sắp đặt, không xen cài, không phức tạp hóa những cảnh ngộ, không cố tạo dựng những tình huống bất ngờ, những thử thách quyết liệt. Đó là một bức tranh phẳng, thật thà tựa như những tượng gỗ trong khu nhà mồ của người Tây Nguyên. Lối diễn đạt, giọng điệu nguyên xi như người dân tộc nói, tạo nên hiệu quả đến thẳng với người đọc, không cần suy nghĩ vòng vo, không cần vận nhiều triết tự, không quá ư triết luận về nghệ thuật cao siêu. Đó là con đường ngắn nhất đến với bạn đọc, mà bạn đọc trước hết là dân tộc mình[294, tr. 69].

Khuất Quang Thụy có một thời gian dài sống ở Tây Nguyên. Với tư cách là một người lính, anh chủ yếu viết về những chặng đường của cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Tây Nguyên. Về đề tài văn hóa, con người Tây Nguyên, anh chỉ có một số truyện ngắn, vì vậy nghiên cứu về Khuất Quang Thụy cũng chưa được chú ý. Văn Giá trong Tuyển tập Văn học dân tộc và miền núi có nhận xét khái quát về một vấn đề mà ông cho rằng Khuất Quang Thụy khá thành công, đó là lẽ công bằng của người Tây Nguyên:

Nhà văn đã cố gắng khám phá và định danh cái cá tính ưu trội nổi bật mang ý nghĩa phổ quát của con người Tây Nguyên, đó là lẽ công bằng. Phẩm chất này có lẽ hình thành rất sớm từ thời công xã nguyên thủy, một phẩm chất cộng đồng mà các buôn, plây Tây Nguyên còn giữ được và trong suốt trường kỳ lịch sử những người dân Tây Nguyên luôn coi phẩm chất này như là một giá trị cao nhất trong bảng giá trị tinh thần truyền thống của mình [42, tr.151]


Vốn là một nhạc sĩ, nhưng H’Linh Niê cũng khá thành công trong lĩnh vực văn chương, chị có khoảng hai mươi truyện ngắn về các dân tộc Êđê, M’Nông, Jrai, Bana… Tuy nhiên chưa có cồng trình nào nghiên cứu về văn của chị. Chỉ có Lê Minh Khuê trong lời giới thiệu sách “Gió đỏ” đã nhận xét khái quát về văn hóa, con người Tây Nguyên trong văn của H’Linh Niê:

Bằng lối viết nhẹ nhàng tinh tế, chị kể về những mối tình đôi lứa, về những tình cảm của con người với nhau, về một gia đình, về một buôn làng, về những làng này làng kia với những phong tục tập quán riêng, vẻ đẹp riêng. Con mắt phụ nữ của chị như nhìn thấy nét đẹp run rẩy của lá rừng mùa xuân, nhìn thấy ánh mắt của chàng trai khi yêu, nhìn thấy sự can trường của con người của núi rừng. Đọc truyện ngắn của H’Linh, ta như được du ngoạn qua cả một vùng đất con nhiều bí ẩn [20, tr.197].

Thu Loan là nhà văn sống ở Tây Nguyên khá lâu, chị có nhiều truyện ngắn viết về cuộc sống của người bản địa Tây Nguyên. Tuy nhiên, nghiên cứu về văn xuôi của chị chưa nhiều. Trong chuyên đề Tìm hiểu các sáng tác của nhà văn Thu Loan, nhóm tác giả của Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai cho rằng Thu Loan đã phản ánh sinh động và chân thực hiện thực đời sống văn hóa, đặc điểm con người Tây Nguyên, các tác giả viết:

“Đọc các tác phẩm văn xuôi của Thu Loan, người đọc cảm giác đang sống chính trong không khí của buôn làng, núi rừng Tây Nguyên với những con người dân dã, bình dị. Trong các truyện ngắn của Thu Loan, đâu đâu cũng gặp những con người chất phác, đầy nét nguyên sơ, hoang dã. Đâu đâu cũng ngập tràn không khí Tây Nguyên: rừng đó, núi đó, suối sông đó, làng bản đó”[285, tr.12].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/05/2022