Tây Nguyên là có đời sống nội tâm ít phức tạp; các nhân vật của văn xuôi Tây Nguyên thiên về hành động chứ không phải là nhân vật tâm lý. Bởi vậy tính cách nhân vật được xây dựng chủ yếu là thông qua hành động của nhân vật đó chứ không phải thông qua những diễn biến tâm lý phức tạp. Nói như thế không có nghĩa là nhân vật không có đời sống nội tâm.
Tương phản là một thủ pháp quen thuộc trong việc thể hiện tính cách nhân vật. Sự tương phản con người tạo ra nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Tác phẩm của Nguyên Ngọc nói riêng và nhiều tác phẩm văn xuôi Tây Nguyên nói chung, ít xây dựng nhân vật phản diện. Trong Đất nước đứng lên, chỉ có nhân vật “giặc Pháp” chung chung. Trong Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông, Kỷ niệm Tây Nguyên cũng vậy. Trong Rừng xà nu thì có “thằng Dục” ác ôn, nhưng Nguyên Ngọc không xây dựng nhân vật này như là một tính cách đối lập. Tác phẩm Hơ Giang của Y Điêng cũng có đặc điểm này. Tính cách của Hơ Giang bộc lộ trong quá trình đấu tranh phá ấp chiến lược chứ không phải trong sự đối lập với Ma Lóa và Y Soa- hai nhân vật được xem là phản diện. Trong Lạc rừng, Người trong cuộc của Trung Trung Đỉnh thì không có nhân vật phản diện nào. Tính cách nhân vật Bin, Phiêng bộc lộ trong mối quan hệ tương quan với đồng đội chứ không phải trong tương phản với kẻ thù. Ở truyện Rơ Mah Tenl- người con của núi rừng, Trung Trung Đỉnh xây dựng nhân vật Pui Bục để gợi lên cuộc đời đầy nước mắt của H’Đênh và nguyên nhân có mặt trên đời của Rơ Mah Ten chứ không phải để làm nổi bật tính cách của Kpá Lới, đối thủ của Pui Bục. Có thể nói, việc không tập trung xây dựng nhân vật phản diện là một đặc điểm nổi bật của văn xuôi viết về Tây Nguyên, điều này rất khác với văn xuôi viết về Tây Bắc hay Nam bộ trước 1975.
Do con người Tây Nguyên là con người cộng đồng, cho nên đặt nhân vật trong mối quan hệ cộng đồng là điều kiện tốt nhất để bộc lộ tính cách. Hiểu rõ đặc điểm này, các nhà văn chú ý xây dựng hình tượng con người cộng đồng,
một mặt, như là điều kiện thiết yếu để diễn tả cuộc sống Tây Nguyên, mặt khác, nó còn như là phương tiện để làm nổi bật những cá nhân tiêu biểu. Tính cách của Núp được bộc lộ qua qua cuộc hành trình chín lần dẫn chín mươi người Kông Hoa chạy lên núi Chư Lây. Trong hành trình ấy, toàn bộ phương diện tình cảm của Núp dành cho dân làng được thể hiện một cách trọn vẹn nhất, và tựu trung lại trong lời nhận xét của bok Pa: “Núp con người tốt…Lũ làng có ai đau, Núp trước tiên đi vô rừng hái cái lá tốt về cho uống mau lành; lũ làng có ai chết, Núp trước tiên vô núi tìm cái cây to về làm hòm…”[26, tr. 224]. Từ những việc nhỏ nhất như lấy gạo cho Ghíp ăn qua cơn đói, cho đến việc một mình đi cứu ba mươi người Kông Hoa, một mình đi vận động các làng đoàn kết một lòng đánh Pháp… đã cho thấy được trái tim của Núp chan chứa tình yêu thương đối với buôn làng, dân tộc như thế nào. Tình yêu thương ấy là động lực để Núp hành động quyết liệt đối với kẻ thù. Trong sự tương phản gay gắt của cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch, tính cách anh hùng của Núp được thể hiện một cách đẹp đẽ nhất qua cuộc trường kỳ kháng chiến, qua sự khắc phục những khó khăn tưởng như không thể vượt qua nổi, qua việc đối chọi với các phương tiện chiến tranh tối tân của người Pháp, qua âm mưu chia rẽ dân tộc của kẻ thù, đặc biệt qua những trận đánh bằng “vũ khí rừng” vô cùng độc đáo… Để tôn vinh tính cách anh hùng của Núp, Nguyên Ngọc đã xây dựng một số nhân vật tính cách khác như bok Pa, bok Sung, Khíp, Tun, Xá xoay quanh nhân vật trung tâm là Núp để làm hiện lên rõ hơn diện mạo của con người Tây Nguyên trong chiến đấu.
Tính cách anh hùng của các nhân vật khác như Tnú, cụ Mết, Kpa Kơ Lơng, Nèn, Y Kơ Bin trong tác phẩm của Nguyên Ngọc; Hơ Giang, Y Thao trong tác phẩm của Y Điêng; Bin, Phiêng, H’Noanh, H’Ngươn trong tác phẩm của Trung Trung Đỉnh v.v…đều được xây dựng theo thủ pháp “tương quan con người” và “tương phản hoàn cảnh” như vậy. Nghĩa là sự đối lập hoàn cảnh là
phương diện chính yếu để nhân vật bộc lộ tính cách chứ không phải qua những tính cách đối lập, tức qua những nhân vật phản diện. Vấn đề đặt ra là tại sao các nhà văn lại xây dựng tính cách anh hùng của con người Tây Nguyên không giống như các nhà văn khác cùng thời? Như trên đã nói, đa số các nhân vật anh hùng Tây Nguyên là những con người có thật. Sự thật của tính cách đã mang nhiều giá trị thẩm mỹ nên nhà văn không cần phải dụng công xây dựng. Hơn nữa, sự rạch ròi dứt khoát trong tình cảm của người Tây Nguyên đã tạo nên hai phía ta và địch rõ ràng. Hễ có địch thì ta đánh, không cần biết kẻ địch ấy có “bộ mặt” như thế nào, như suy nghĩ của H’Ngươn: “Chiến tranh đối với H’Ngươn là cái gì đấy không phức tạp nặng nề. Địch tới đất mình, mình đánh đuổi nó, vậy thôi”[6, tr. 173]. Một lý do nữa không thể không nhắc đến là xã hội cổ truyền Tây Nguyên không có giai cấp đối lập, những cá nhân xấu không có điều kiện tồn tại trong cộng đồng. Những lý do trên có thể là nguyên nhân của việc các nhà văn ít xây dựng nhân vật phản diện, và cũng vì vậy mà càng làm tôn thêm vẻ đẹp chân thật của hình tượng. Nó phản ánh khá sát thực tính cách của con người Tây Nguyên.
Xây dựng tính cách anh hùng là một điểm khá thành công của các tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên, nhưng dẫu sao nó chỉ phản ánh một mặt nổi bật của con người chiến đấu. Trong cuộc sống đời thường, phẩm chất yêu thương, luôn sống hết mình vì người khác và vô cùng thủy chung là những đặc điểm nổi bật của người Tây Nguyên. Ở phương diện này, các tác giả cũng đã xây dựng được rất nhiều nhân vật điển hình.
Có thể bạn quan tâm!
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 19
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 20
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 21
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 23
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 24
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 25
Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.
Chúng ta biết đến một cô gái Tơ Trá nhai từng hạt bắp non mớm cho anh lính bị thương nặng trong truyện ngắn Tháng Ninh Nông của Nguyên Ngọc. Một cô H’Ngươn “nhường suất ăn cho đồng đội là chuyện bình thường vì cô ăn sắn lùi ngon lành”[160, tr.173] trong Đêm trắng của Trung Trung Đỉnh. Một cô H’Gươnl sẵn sàng giao sổ hưu và sổ tiết kiệm cho vợ của anh Thịnh-
đồng đội, cũng là người yêu cũ- để “gùi đỡ cho bác Thịnh gái” nuôi hai đứa con bị dị tật do ảnh hưởng của chất độc da cam trong Cánh rừng tình yêu của Trung Trung Đỉnh v.v… Đặt nhân vật trong mối quan hệ với dân tộc của mình để biểu hiện tinh thần nhân ái, điều đó cũng đã làm nổi rõ phẩm chất đẹp đẽ của người Tây Nguyên. Phẩm chất ấy còn lung linh hơn khi tinh thần nhân ái tỏa sáng cả trong mối quan hệ với tộc người khác.
Một điểm đáng chú ý trong việc xây dựng tính cách nhân vật ở phương diện tình cảm là các tác giả để cho nhân vật hiện lên trong sự đối lập giữa giữa hiện thực khổ đau và quá khứ hào hùng, giữa cuộc sống vật chất nghèo nàn nhưng vẫn luôn giữ gìn những tình cảm tốt đẹp với sự giàu sang nhưng lại quên hết ân tình. Xót xa cho một cuộc sống quá ư nghèo nàn là cảm giác chung của các nhà văn khi trở lại thăm những con người Tây Nguyên đã từng gắn bó với họ. Nhưng trong sự xót xa đó lại làm hiện lên một vẻ đẹp khác của người Tây Nguyên, đó là sự “chung thủy” với tính cách của mình. Y Dơn trong Người hát rong giữa rừng của Nguyên Ngọc vẫn mãi mãi là người hát rong nghèo khổ, sống trong căn nhà còn thua “cái lều chăn vịt dưới xuôi” nhưng chất nghệ sĩ vẫn luôn nồng nàn trong huyết quản. H’Noanh trong H’Noanh- chị tôi của Trung Trung Đỉnh thì già nua, cô đơn trong căn nhà nhỏ của mình nhưng vẫn luôn giữ lấy cái “tình người cao đẹp” mà cô có trong thời tuổi trẻ. H’Riêu trong Rừng già của Trung Trung Đỉnh đã phải chịu biết bao nhiêu sự nghiệt ngã của số phận, phải sống giữa “rừng già” nhưng vẫn luôn hết mình với đồng đội cũ như thời cô còn là một du kích v.v… Sự tương phản ấy rõ ràng là một thủ pháp để làm hiện lên những con người âm thầm và kiên trì giữ lấy “cái hạt ngọc lung linh trong tâm hồn” được tạo dựng từ truyền thống nhân văn của dân tộc mình.
Ngoài phương pháp để cho nhân vật bộc lộ trực tiếp phẩm chất nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, yêu nghệ thuật qua những hành động cụ thể của chính nhân vật ấy trong những mối quan hệ với các nhân vật khác; các tác giả còn
thông qua những suy nghĩ, những nhận xét của nhân vật “tôi- người kể chuyện” để tính cách của các nhân vật hiện lên một cách đa diện hơn. Qua lời nhận xét của nhân vật “Tôi” trong Núp, người già làng của cả Tây Nguyên của Nguyên Ngọc, anh hùng Núp như hiện lên như là sự kết tinh của núi rừng Tây Nguyên: “Ở ông, kết hợp kỳ lạ cao cả và bình dị, trí tuệ và tình yêu, trang nghiêm và hiền hòa, sâu lắng và giản dị. Nhiều lúc ta chợt nghĩ: giá như núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, huyền ảo, thăm thẳm mà thân thiết gần gũi kia, lúc nào đó chợt hiện lên thành hình người, thì chân dung con người đó chính là Núp”[27, tr. 78]. Sự xót xa của nhân vật “Tôi” khi gặp lại Y Dơn trong Người hát rong giữa rừng của Nguyên Ngọc làm toát lên hình ảnh một con người luôn sống trọn vẹn cho nghệ thuật, chẳng màng danh lợi: “Ôi Y Dơn của tôi. Lại vẫn thế sao anh? Vẫn Tây Nguyên đến tận đáy tâm hồn. Vẫn nghệ sĩ lang bạt kỳ hồ đến tận máu thịt. Và vẫn nghèo đến thế suốt đời, công danh chẳng thiết, tiền bạc chẳng xu dính túi…”[27, tr. 47]. Hồi ức của nhân vật “Tôi” trong H’Noanh, chị tôi của Trung Trung Đỉnh cũng làm hiện lên một cô H’Noanh trẻ trung, trong sáng, hồn nhiên đến kỳ lạ: “Chị tôi thuở ấy đâu rồi, cái dáng cao khỏe mạnh và nhanh như con hoẵng, con nai lúc nào cũng cười được, lúc nào cũng vui được, pháo nổ sát bên, chị tôi cười ré.”[6, tr. 273]. Những giây phút tự vấn lương tâm của anh cán bộ “Tôi” trong Tâm sự của già Đao của Nguyễn Ngọc Hòa đã khẳng định tình cảm thủy chung của già Đao cũng như dân làng dành cho “cán bộ người Kinh”: “Dân làng buồn lắm, nhớ tụi bay lắm. Lúc tụi bay đi đứa nào cũng hứa hết Mỹ hết Thiệu sẽ trở lại thăm làng. Vậy mà hết Mỹ hết Thiệu đã biết bao mùa rẫy rồi mà chả thấy đứa nào trở lại cả!”[41, tr. 186] v.v…Nhận xét trực tiếp để bộc lộ tính cách là con đường gần nhất để đến với hình tượng nhân vật, nhưng đây là cách mà ít được nhà văn sử dụng do tính chất “võ đoán” của nó. Tuy nhiên trong tác phẩm văn xuôi Tây Nguyên được các tác giả sử dụng nhiều, nhất là từ phía nhân vật “tôi- người Kinh”. Những nhân vật tôi ấy
thường xuất phát từ những trải nghiệm thực tế rất sâu sắc nên nó vẫn là những cơ sở xác đáng để xây dựng tính cách.
Từ nhân vật có tên đến nhân vật không tên, từ nhân vật chức năng đến nhân vật tư tưởng, từ miêu tả trực tiếp bằng chuỗi hành động đến gián tiếp bằng lời của nhân vật người kể chuyện hay nhân vật khác trong truyện, từ những nét cơ bản nhất đến tính cách đa diện; dù đậm nhạt khác nhau nhưng văn xuôi Tây Nguyên đã để lại nhiều nhân vật gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc, bởi họ mang đặc trưng độc đáo của con người được sinh ra từ núi rừng. Dù chưa phải là một bức tranh nổi bật, nhưng với nghệ thuật xây dựng nhân vật, văn xuôi Tây Nguyên đã có được mảng màu riêng, làm nên những thành công nhất định.
3.4 Ngôn từ nghệ thuật
Nhà văn Nguyên Ngọc nói: “Như ta đã biết, toàn bộ cái gọi là bản sắc tinh túy và sâu xa nhất của một nền văn hóa dân tộc đều lắng đọng trong ngôn ngữ của dân tộc ấy. Và văn hóa lắng đọng trong ngôn ngữ”[197, tr. 9]. Trong các phương tiện nghệ thuật được nhà văn sử dụng trong tác phẩm, ngôn từ là yếu tố gần gũi nhất, bộ lộ rõ nhất giá trị nội dung, để qua đó làm nổi lên bức tranh hiện thực mang đậm dấu ấn văn hóa của vùng đất ấy.
3.4.1 Ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp
Để làm nên một “không khí” Tây Nguyên trong tác phẩm của mình, ngoài không gian, thời gian, nhân vật; ngôn từ nghệ thuật là vấn đề mà các nhà văn quan tâm hàng đầu. Khó có thể sử dụng cách nói của người Kinh để làm nổi bật đặc điểm văn hóa và con người các dân tộc Tây Nguyên, vì vậy nhà văn phải dùng chính cách nói, cách phát âm của người bản địa. Nguyên Ngọc đã từng tâm sự rằng, khi viết những tác phẩm về Tây Nguyên, ông luôn chú ý đến việc sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp. Để tạo được ngôn ngữ mang màu sắc Tây Nguyên, người viết phải nhập vào không khí sinh hoạt, nhập vào hồn dân tộc.
Các dân tộc có số dân đông ở Tây Nguyên có tiếng nói và chữ viết riêng của họ (dựa vào chữ cái la-tinh để ghi âm). Các nhà văn không thể khai thác vốn ngôn ngữ này mà chỉ chú ý đến giọng điệu ngôn ngữ phổ thông qua cách thể hiện của người dân tộc. “Nói đến tính dân tộc, chủ yếu là nói đến đời sống tâm hồn của dân tộc. Sử dụng ngôn ngữ thể hiện cho được bản sắc tâm hồn dân tộc là một việc đòi hỏi nhiều công phu” [173, tr.28]. Có thể nói, việc sử dụng giọng điệu ngôn ngữ của người dân Tây Nguyên trong lời văn là một thế mạnh của nhà văn Nguyên Ngọc và Trung Trung Đỉnh. Điều đó là một yếu tố quan trọng giúp họ thành công trong việc tạo dựng bản sắc văn hóa và đặc điểm con người Tây Nguyên trong tác phẩm của mình. Các tác giả viết về vùng Tây Bắc chỉ thể hiện bản sắc của vùng đất này chủ yếu qua phong tục tập quán, qua cuộc sống lao động, qua cảnh thiên nhiên chứ không có nét riêng về ngôn ngữ. Các nhân vật của họ có cách tư duy và thể hiện qua lời nói không khác người Kinh là mấy.
Có trực tiếp nghe người Tây Nguyên nói, chúng ta mới thấy được nét đặc sắc về ngôn ngữ của Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh trong các tác phẩm Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông, Lạc rừng, Chớp trên đỉnh Kon Từng, Người trong cuộc…Đây là những tác phẩm có ngôn ngữ đậm đặc chất Tây Nguyên nhất trong trong toàn bộ sáng tác về Tây Nguyên (nhờ vậy mà nó là những tác phẩm tiêu biểu nhất). Ngôn ngữ ấy thể hiện ở nhân vật trong truyện và ở cả nhân vật người kể chuyện.
Yếu tố dễ nhận thấy trước tiên về từ vựng là người Tây Nguyên thường sử dụng thán từ trong câu nói của mình. Đây là thói quen có nguồn gốc từ những tiếng hú gọi nhau khi đi săn trong rừng hay những tiếng hú trong các lễ hội. Ngay những dòng đầu tiên trong tác phẩm Đất nước đứng lên, Nguyên Ngọc đã sử dụng cách nói này: “Ơ Mai Du ơi, suốt lúa nhiều có đau tay không? Ngó lên trời kia kìa, cái nắng nó cũng bay với lũ chim phí đẹp chưa?”[26, tr. 219], “Ơ Núp ơi, con cõng gùi gạo này đi. Gấp gấp, gấp gấp! Lần này chắc
cháy cái nhà, chết con heo, mất hột lúa rồi! Giàng ơi!”[26, tr.238], hoặc: “Ô, Núp ơi...Ố, anh Núp!”, “Ố! Ố!Pháp thua rồi, Nhật thua rồi!”[26, tr.254]…Nhân vật của Trung Trung Đỉnh thì hay dùng thán từ “chô cha” “chồ” để biểu thị sự ngạc nhiên: “Chô cha! tui tưởng có một năm đủ lâu hung mà”[5, tr.31], “Chô cha! bắt được nó chớ”[5, tr. 37], “Chồ! Anh ngủ à? Ngủ nhiều dễ sốt hung đó”[6, tr.11] v.v…
Người Tây Nguyên cũng thường cụ thể hoá những cái trừu tượng để dễ gọi tên. Họ qui cái bản chất con người, sự suy nghĩ của đầu óc, sự buồn vui của tâm hồn...về cái cụ thể nhất, đó là cái “bụng”: “Bụng tức thằng Pháp vô cùng. Bụng nó như lửa, nó ác lắm”[26, tr.303]. “Cái bụng của chị Hơ Đông nghĩ trúng nhiều cái bụng của anh em khác”[7, tr. 46]. Hoặc đưa các bộ phận, các vấn đề khác nhau về cùng loại rồi dùng từ “cái” để chỉ chung: “Anh Núp nói với mẹ không thiệt cái miệng đâu. Cái bụng anh muốn đi An Khê, cái chân anh đi An Khê mà cái miệng anh nói với mẹ là anh đi Đê Pô thôi”[26, tr.221], “Mẹ lo lắng: - Con đánh Pháp trong làng được. Con đi nói nhiều làng, cái miệng con còn nhỏ, nói chưa được đâu”[26, tr. 268]. “Cái tai nó đã biết nghĩ rồi. Cái miệng nó nói không đau bụng ai”[7, tr. 59]…Thói quen ngôn ngữ này cho thấy được lối tư duy cụ thể của người Tây Nguyên.
Người Kinh thường gọi đám đông là “tụi”, “bọn” chứ ít khi gọi “lũ” vì lũ thường dùng để chỉ đám đông người xấu như “lũ giặc”, “lũ phá hoại”...Đối với ngôn ngữ của người Tây Nguyên, sử dụng từ “lũ” để chỉ đám đông là chuyện bình thường. Trong Đất nước đứng lên, từ “lũ” xuất hiện 212 lần: “Mẹ chùi nước mắt đi theo lũ làng”[26, tr. 240], “Lũ người nhỏ không biết, chạy ra coi”[26, tr. 225], “Lũ thanh niên ngồi chăm chăm vào đôi mắt sâu và đen của bok Sung”[26, tr. 231]”, “Lũ già làng về đi ngủ cả”[26, tr. 231]...Bằng cái nhìn trực giác, người Tây Nguyên cũng thường dùng từ “ăn” để chỉ những vấn đề tương tự. Có 7 lần Nguyên Ngọc sử dụng cách nói như vậy trong Đất nước