say sưa ca ngợi. Con người Tây Nguyên rắn rỏi, can trường bao nhiêu trước kẻ thù thì lại dịu dàng, tha thiết bấy nhiêu trước đồng bào, trước sông núi quê hương mình. Sự rắn rỏi can trường ấy đã viết nên những khúc ca hào hùng. Sự lãng mạn lại ngân lên những giai điệu trữ tình sâu lắng. Có thể nói nếu giọng điệu hào hùng là ngọn lửa đốt cháy tâm can thì giọng trữ tình là dòng suối tưới mát tâm hồn.
Chúng ta nhìn thấy một làng Kông Hoa đầy lửa và vũ khí, nhưng cũng có một làng Kông Hoa đầy hoa: “Vùng giải phóng từ phía bắc lan vào, lan tới đâu hoa mùa xuân nở tới đó. Buổi sáng đó hoa nở trên núi Chư Lây, đỏ và trắng, chấm phá đây đó trên màu xanh bao la của núi rừng”[26, tr. 469]. Có một Kông Hoa hừng hực khí thế tiến công kẻ thù, nhưng cũng có một Kông Hoa âm thầm chịu đựng: “Con chim pơ-rơ-tơk lại kêu, con chim của quê hương đất nước, núi rừng đó, sao cứ kêu mãi. Mày kêu gì mãi thế, con chim ơi! Lần này khổ lắm rồi nhé! Khổ hung rồi nhé!”[26, tr. 303]. Tưởng như cuộc vật lộn với cái đói và với kẻ thù không còn chỗ cho tâm hồn lãng mạn của Núp, vậy mà nghe tiếng đàn của Ghíp, Núp rộn ràng: “Nghe tiếng đàn, không hiểu sao trong bụng Núp nóng bừng bừng. Thương làng, thương ghíp, thương Liêu…Núp quay sát vào Liêu, nước mắt của Núp chảy qua má Liêu, giàn giụa”[26, tr. 350]. Đời sống tình cảm, tâm hồn của Núp thật tương xứng với phẩm chất anh hùng của anh. Tnú cũng vậy, anh nhìn kẻ thù bằng đôi mắt của “hai cục lửa lớn”, nhưng nhìn người thân bằng ánh mắt chan chứa yêu thương: “Tnú ngẩng nhìn lên, Dít đã ngồi sụp xuống trước mặt anh, hai chân xếp về một bên, đưa tay kéo tấm váy che kín cả gót chân. Tnú bất chợt nghe một luồng lạnh rân rân ở mặt và ngực. Mai! Trước mặt anh là Mai đấy!”[26, tr. 143]. Con người cứng cỏi như cây xà nu lớn của cụ Mết khi thấy vết thương của Tnú lại mủi lòng: “Ông cụ Mết đứng lặng nhìn tấm lưng rộng của Tnú. Những vết thương xưa vẫn còn ngang dọc trên tấm lưng ấy, đã thành sẹo tím. Từ đôi mắt ông cụ lăn ra hai giọt nước mắt
lớn, ông lén trở tay chùi một cách vội vã”[26, tr. 141]. Sự kết hợp hài hòa giữa căm thù và yêu thương, giữa ý chí và tình cảm đã tạo nên những dòng cảm xác đan xen. Qua những câu văn, đoạn văn nhẹ nhàng, sâu lắng, chúng ta thấy các nhân vật anh hùng không hề khô khan, tâm hồn họ luôn dạt dào tình cảm yêu thương buôn làng.
Văn hóa Tây Nguyên đậm chất nhân văn, con người Tây Nguyên luôn dạt dào tình cảm đã làm hiện lên một bức tranh đời sống đậm chất thơ. Những tác phẩm về đề tài sinh hoạt luôn làm nổi lên bức tranh đẹp ấy bằng rất nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau, trong đó giọng điệu trữ tình có một đóng góp không nhỏ. Cảm xúc trân trọng, mến yêu của các nhà văn bộ lộ rõ qua giọng điệu mượt mà, sâu lắng về thiên nhiên, văn hóa và con người Tây Nguyên. Núi rừng Tây Nguyên hài hòa như một bài thơ chính là yếu tố tạo nên chất thơ trong tâm hồn con người: “Sau mùa gặt hái, trời xanh cao vời vợi. Khu rừng nhẹ nhõm hẳn. Suối nước trong veo. Cây hoa a-rinh cánh vàng nhụy đỏ rập rờn bay nhảy với nắng mới…”[7, tr. 9]. Vẻ đẹp của thiên nhiên luôn đem đến cảm xúc tích cực cho con người, mà thiên nhiên Tây Nguyên luôn “hào phóng” ban cho con người sự giàu có ấy của mình. Và vì vậy, văn hóa Tây Nguyên như dòng suối luôn tưới mát tâm hồn con người: “…Điệu đinh buốt của ama kể lể nỉ non trên rẫy mùa suốt lúa. Tiếng đing năm da diết u buồn khe khẽ gọi của người bạn trai thân thiết. Những tiếng chiêng kna sầm sập như mưa rừng trong các lễ hội cúng bến nước, cầu mưa… luôn hiện diện trong tâm hồn chị”[24]. Và vì vậy, con người Tây Nguyên luôn dạt dào tình cảm yêu thương. Trung Trung Đỉnh mỗi khi nói về con người ấy đều bằng một giọng điệu da diết tận đáy lòng: “Chị tôi thuở ấy đâu rồi, cái dáng cao cao khỏe mạnh và nhanh như con hoẵng, con nai lúc nào cũng cười được, lúc nào cũng vui được, pháo nổ sát bên, chị tôi cười ré. Ngày ấy tôi không nghĩ chị có thể già. Ấy vậy mà giờ đây, chị tôi đã trở thành một bà già đúng theo nghĩa ấy. Thời gian thật tàn
nhẫn quá”[6, tr. 173]. Viết về những con người Tây Nguyên đã từng đi qua chiến tranh, Trung Trung Đỉnh thường có một giọng văn man mác buồn như vậy. Cái buồn pha chút nuối tiếc về sự mất dần đi của nhiều giá trị văn hóa Tây Nguyên cũng được thể hiện qua sự lắng đọng của giọng văn: “Và dân trong buôn lác đác theo Chúa. Dần dần cả buôn theo nhau. Lễ rửa tội thay cho lễ thổi tai, lễ gọi hồn thần Lúa…Những ông bà già ngọng nghịu hát thánh ca, và xưng tội bằng tiếng Êđê, Gia rai, Mnông và ngơ ngác nhìn quanh…”[42, tr. 57]. Sự lãng quên tàn nhẫn của cuộc sống văn minh trong thời hiện đại đối với người Tây Nguyên cũng được thể hiện bằng giọng văn đầy xót xa: “Dân làng buồn lắm, nhớ tụi bay lắm! Lúc tụi bay đi đứa nào cũng hứa hết Mỹ hết Thiệu sẽ trở lại thăm làng. Vậy mà hết Mỹ hết Thiệu đã bao mùa rẫy rồi mà chưa thấy đứa nào trở lại cả. Làng bây giờ buồn lắm, vắng lắm, chẳng vui vẻ như ngày xưa nữa đâu…”[41, tr. 186]. Ở đây, nhà văn đã thật sự nhập vai để nói lên tiếng nói của chính người Tây Nguyên, một tiếng nói buồn vọng đến cõi sâu tâm hồn. Có một Tây Nguyên cô đơn, nghèo khổ đang lùi lại phía sau vẻ hào nhoáng của “tấm áo văn minh” mà người ta cố khoác lên nó.
Trong thơ có thể không có chất văn xuôi, nhưng trong những trang văn xuôi đặc sắc thường có yếu tố thơ. Giọng điệu hào hùng và trữ tình là hai mặt không thể thiếu trong tác phẩm văn xuôi có giá trị. Nếu giọng điệu hào hùng đã làm nên một Tây Nguyên mạnh mẽ, can trường; thì bằng sự đồng cảm sâu sắc với tình đất, tình người, giọng trữ tình lại đem đến một Tây Nguyên yêu thương, hiền hòa, sâu lắng, và… cả những nỗi buồn.
*
Có thể bạn quan tâm!
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 22
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 23
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 24
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 26
- Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 27
Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.
* *
Trong tác phẩm văn học, các thủ pháp nghệ thuật không tồn tại một cách riêng rẽ, rạch ròi mà luôn xuyên thấm lẫn nhau nhằm thể hiện nội dung một cách thẩm mỹ nhất. Phẩm chất thẩm mỹ của văn hóa và con người Tây Nguyên
được nhìn nhận như là một phương diện nổi bật của văn xuôi viết về Tây Nguyên. Sự nổi bật ấy không chỉ phụ thuộc vào phẩm chất bên trong của nó mà còn nhờ vào vai trò của các thủ pháp nghệ thuật mà các nhà văn chú ý xây dựng. Không gian nghệ thuật trong các tác phẩm văn xuôi Tây Nguyên bắt nguồn từ không gian hiện thực, đó là không gian núi rừng, buôn làng nhà rông; cùng với không tâm linh của các truyện cổ đã làm nổi không gian đặc trưng của Tây Nguyên. Thời gian cũng được xây dựng với nhiều chiều và tính chất phù hợp cảm quan thời gian của con người Tây Nguyên. Nghệ thuật xây dựng nhân vật được chú ý ở những nét đặc trưng nhất để góp phần làm nổi rõ hình dáng và tính cách của con người Tây Nguyên. Cuối cùng là ngôn từ nghệ thuật, các tác giả đi khá sát với đặc trưng ngôn ngữ đời sống để tạo dựng ngôn ngữ nghệ thuật phù hợp nhất trong việc làm nên bản sắc Tây Nguyên.
KẾT LUẬN
1. Tây Nguyên có một nền văn hóa phong phú và giàu bản sắc dân tộc, có con người mộc mạc, giản dị nhưng ẩn chứa một tâm hồn cao đẹp, phóng khoáng. Những khám phá về dân tộc học của các học giả người Pháp về Tây Nguyên đã lôi cuốn sự chú ý của giới nghiên cứu nhân chủng, dân tộc, văn hóa và các nhà văn. Nguyên Ngọc là người đầu tiên trong số những nhà văn Việt Nam đi khai phá mảnh đất màu mỡ này, cấy trồng trên đó những hạt giống văn chương khỏe mạnh, để rồi đơm hoa kết trái thành những tác phẩm có giá trị. Tiếp nối Nguyên Ngọc, nhiều nhà văn cũng khám phá mảnh đất này để rồi ít nhiều góp những nét bút để vẽ nên bức tranh văn học Tây Nguyên, với thành tựu chủ yếu là văn xuôi. Nếu Tây Bắc không có Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải; nếu Tây Nguyên không có Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh, Y Điêng thì những mảnh đất xa xôi của tổ quốc này sẽ vẫn còn xa lạ với nhiều người. Những trang viết về Tây Nguyên đã đưa người đọc đi hết từ ngạc nhiên
này đến ngạc nhiên khác, và ngạc nhiên thú vị lớn nhất là khám phá được nhiều nét độc đáo về văn hóa và con người Tây Nguyên. Dù là ở phương diện văn học với tính hư cấu rất rõ, dù chưa phản ánh được toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của người Tây Nguyên, dù số lượng tác giả và tác phẩm còn khiêm tốn; nhưng những gì mà các tác phẩm đã khái quát, cùng với thực tế văn hóa ở đây đã chứng minh rằng: đời sống kinh tế không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với đời sống văn hóa. Đời sống kinh tế của các dân tộc ở Tây Nguyên được xếp vào loại nghèo nhất nước; nhưng đời sống văn hóa lại hết sức giàu có, không hề thua kém bất cứ một dân tộc phát triển nào trên đất nước Việt Nam.
2. Tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên dẫu không nhiều về số lượng nhưng cũng đã phản ánh tương đối đầy đủ diện mạo văn hóa Tây Nguyên. Bằng sự gắn bó sâu sắc của mình với Tây Nguyên, các tác giả đã vẽ nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc mới lạ, độc đáo. Cái nền của bức tranh ấy là văn hóa rừng. Rừng đem đến sự sống cho con người cho nên rừng là không gian bất tận, đồng thời rừng cũng là thời gian không cùng. Trên cái nền văn hóa rừng ấy là những đường nét, màu sắc khác nhau của rất nhiều loại hình văn hóa. Qua những trang văn, người đọc có thể bắt gặp một lối sống cộng đồng làng với những câu chuyện về cuộc sống lao động và chiến đấu, với những phong tục tập quán độc đáo, với nhiều hình thức sinh hoạt mang đậm chất nguyên sơ của đời sống cuối thời kỳ nguyên thủy. Người đọc cũng sẽ được tiếp xúc với văn hóa nhà rông với những sự kiện trọng đại nhất của làng diễn ra ở đây. Không bao giờ vắng mặt trong mọi lễ hội, văn hóa cồng chiêng cũng rất nổi bật trong đời sống ở Tây Nguyên. Âm thanh của nó vang vọng khắp núi rừng Tây Nguyên nên nó cũng khá đậm đặc trong những trang văn. Với vai trò to lớn của mình trong đời sống, cùng với cồng chiêng, lửa đã đi vào tâm thức của người Tây Nguyên để rồi hình thành nên văn hóa lửa mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Bên
lửa là nước. Bến nước là hình ảnh gắn bó, thân thương bậc nhất trong đời sống tình cảm. Bến nước là tâm hồn dịu ngọt của con người Tây Nguyên.
Ngọn lửa bập bùng bên ché rượu cần là hình ảnh có tính chất đặc trưng Tây Nguyên. Ta có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh này trong đời sống thực tế và trong văn học. Bức tranh văn hóa Tây Nguyên sẽ trống vắng biết bao nếu thiếu văn hóa rượu cần. Rượu cần đã làm nồng thêm chất Tây Nguyên trong các tác phẩm văn học. Rượu cần và cồng chiêng là trung tâm của lễ hội Tây Nguyên. Lễ hội Tây Nguyên rất phong phú, nhưng các tác giả chỉ đưa người đọc đến với lễ thổi tai, lễ bỏ mả, lễ mừng chiến thắng, lễ cúng bến nước và lễ Ninh Nông… Dù phán ánh không đầy đủ, nhưng qua một số lễ hội, người đọc cũng thấy được tính độc đáo, phong phú và đậm chất nhân văn của lễ hội, nơi bao giờ cũng tựu trung một nền văn hóa. Qua những trang văn, người đọc còn bắt gặp một sinh hoạt văn hóa độc đáo, hiếm có ở những vùng văn hóa khác, đó là văn hóa kể khan. Qua văn hóa kể khan, ta thấy con người Tây Nguyên luôn sống trong hai thế giới thực và ảo. Ảo, nhưng đối với người Tây Nguyên thì thực hơn cả thực. Có lẽ vì vậy mà các dân tộc Tây Nguyên có một gia tài sử thi đồ sộ.
Nói chung, văn hóa Tây Nguyên không chỉ làm người đọc ngạc nhiên mà còn giật mình. Giật mình vì nó giúp ta khám phá ra chính mình, giật mình vì nhận ra nhiều giá trị nhân văn cao đẹp từ nền văn hóa núi rừng, nhận ra biết bao nhiêu điều tốt đẹp ẩn sâu trong tâm hồn của những con người mộc mạc như cây rừng… Giật mình để thấy mình vẫn còn nhiều điều khiếm khuyết mà sự văn minh vật chất đã tạo ra, để thấy rằng những giá trị đích thực mà con người vươn tới không phải là sự giàu sang vật chất, của lắm tiền nhiều, hạnh phúc không chỉ có vậy. Văn minh mà chi khi sự văn minh ấy làm thoái hóa lương tri con người. Văn hóa Tây Nguyên có giá trị thức tỉnh.
3. Tư tưởng chủ đạo của các tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên chính là sự ca ngợi nền văn hóa nhiều sắc màu, ca ngợi con người trung dũng
kiên cường trong chiến đấu, ân tình chủng thủy trong đời thường. Để hiểu rõ hơn vẻ đẹp con người Tây Nguyên, ngoài việc phản ánh những sinh hoạt văn hóa, các nhà văn đặc biệt chú ý đến việc khắc họa tính cách con người. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người Tây Nguyên đã cho dân tộc Việt Nam và thế giới thấy rằng, họ- những con người của rừng- có khả năng chiến đấu để bảo vệ dân tộc và bảo vệ nền văn hóa đặc sắc ngàn đời của mình. Và cũng thông qua công cuộc đấu tranh giữ rẫy, giữ làng, giữ bến nước, giữ mái nhà rông; thông qua cuộc sống lao động và sinh hoạt buôn làng, mọi phẩm chất của người Tây Nguyên được thể hiện một cách sinh động, cụ thể. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, hết lòng vì cộng đồng, vì lẽ phải. Tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” của họ hiển nhiên như cá dưới suối, cây trên rừng vậy. Tất nhiên, không phải chỉ có con người Tây Nguyên mà các dân tộc khác cũng có lối sống mình vì mọi người như vậy. Tuy nhiên, cái riêng của người Tây Nguyên là nó xuất phát từ văn hóa cộng đồng. Chính văn hóa cộng đồng đã tạo ra nét đẹp nhân cách này. Tính cộng đồng của người Tây Nguyên có thể trì kéo đời sống kinh tế nhưng lại là đòn bẩy cho đời sống tình cảm.
Cơ sở của văn hóa cộng đồng là con người tập thể. Do chưa có sự phân chia giai cấp nên trong xã hội Tây Nguyên con người cá nhân rất mờ nhạt. Do đó hình tượng con người cộng đồng được chú ý khắc họa. Con người Tây Nguyên hiện lên với sức mạnh cộng đồng. Chính sức mạnh ấy đã giúp họ vượt qua mọi trở lực trong cuộc sống. Dù ở phương diện cộng đồng hay cá nhân, con người Tây Nguyên cũng thường “im lặng như núi rừng”. Im lặng là một tính cách đặc trưng của con người sống trong môi trường thuần tự nhiên. Cái im lặng của những tâm hồn hồn nghệ sĩ luôn dạt dào cảm xúc. Im lặng và hát để nói. Đó là nét đẹp dễ thương nhất của người Tây Nguyên. Do sống giữa đại ngàn, người Tây Nguyên được những giai điệu của núi, rừng, sông, suối ru từ thuở xa xưa. Chất nghệ sĩ đã thấm vào trong máu. Khai thác tư chất này, các
nhà văn đã có sự bổ sung cần thiết làm hài hoà hình tượng con người Tây Nguyên. Tính cách nổi bật nhất mà Nguyên Ngọc cùng với Vũ Hạnh, Trung Trung Đỉnh, Y Điêng dồn nhiều tâm lực để khắc hoạ, đó là tính cách anh hùng của người Tây Nguyên. Những anh hùng trong thực tế đã được các nhà văn tạc tượng bằng ngôn ngữ để rồi bất tử hóa nó trong lòng nhân dân Việt Nam.
Là một sản phẩm đặc biệt của văn hóa, con người Tây Nguyên hiện lên như là sự kết tinh của núi rừng hùng vĩ và trữ tình. Những con người có thân hình chắc nịch như đá núi, có đôi mắt trong veo như nước suối, có tính cách mộc mạc như cây rừng và hiền như đất bazan… Những con người mà khi tiếp xúc với họ, ta như được trở về với “cái nguyên thủy” tốt đẹp mà bấy lâu nay đã bị “cái tiến hóa” che lấp; không chỉ vậy, nếu không khéo sẽ bị chôn vùi. Vẻ đẹp của con người Tây Nguyên là vẻ đẹp của chất gỗ lim gỗ trắc không cần “nước sơn” mà vẫn luôn lung linh rạng ngời như gương để mỗi một chúng ta có thể soi vào mà nhận diện mình một cách đầy đủ hơn.
4. Nội dung của một tác phẩm không thể là nội dung hoàn chỉnh nếu nó thiếu một hình thức phù hợp. Xem xét giá trị nội dung phải luôn trong mối tương quan tất yếu của các giá trị nghệ thuật. Để làm nổi bật các giá trị văn hóa và tình cách con người, để làm sống dậy không khí Tây Nguyên trong những trang viết của mình, các nhà văn luôn chú ý đến các phương tiện nghệ thuật phù hợp nhất, có vai trò như những chiếc “đòn bẫy” tích cực cho nội dung. Thế giới của các phẩm viết về Tây Nguyên đương nhiên là nằm trong không gian Tây Nguyên. Từ không gian hiện thực đến không gian nghệ thuật phải đi qua một hành trình dài của tư tưởng, của vốn sống, của quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người của nhà văn. Không gian nghệ thuật mà các nhà văn chú ý xây dựng là không gian rừng, làng, nhà rông, nhà sàn. Đây là những không gian mà tự thân nó đã toát lên màu sắc Tây Nguyên rất rõ. Kết hợp với với quan niệm của nhà văn, không gian nghệ thuật có vai trò làm nền cho các giá trị văn hóa