Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 19


Trong tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên, lớp người già như bok Pa, cụ Mết, già Kôi, già Dô... là hiện thân của truyền thống, đại diện cho tinh thần và sự trường tồn của cộng đồng. Họ là những nhân vật có sự chuẩn mực của lời nói, chuẩn mực của suy nghĩ và hành động. Thế hệ người già được xây dựng như là biểu tượng về truyền thống lịch sử của quê hương đất nước. Họ đứng giữa cộng đồng như cây cổ thụ vững chãi không sức mạnh nào có thể tàn phá nổi. Họ hiện lên trong tác phẩm như những người giữ ngọn lửa truyền thống anh hùng truyền lại và thổi bùng nó trong lòng con cháu.

Nếu thế hệ người già là những cây cổ thụ thì thế hệ trẻ là những mầm xanh có sức sống dồi dào, vươn lên mạnh mẽ. Tuy còn nhỏ nhưng Tun (Đất nước đứng lên- Nguyên Ngọc) đã tỏ ra là một người giàu bản lĩnh và rất chín chắn. Tun ý thức rất rõ về cuộc chiến đấu của dân làng do Núp lãnh đạo nên luôn xung phong đi đầu trong lao động cũng như chiến đấu. Lớn lên một chút, Tun là một trụ cột của đội du kích Kông Hoa. Tun đã chiến đấu ngoan cường và đã anh dũng hy sinh: “Giữa rẫy, Tun nằm ngửa, mắt nhắm lại như một người ngủ say…Trên bụng, ngay chỗ Tun đeo nịt da đạn, một dòng máu rất nhỏ còn ướt”[26, tr. 464]. Cái chết của Tun khiến ta liên tưởng đến chú Lượm trong bài thơ của Tố Hữu. Sau Núp, Tun là một nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng độc giả. Xá cũng là một hình ảnh đẹp của thế hệ sau trong Đất nước đứng lên. Cũng như Tnú, Xá là đứa bé mồ côi, cha mẹ Xá bị Pháp đánh đến chết. Lòng căm thù giặc Pháp lớn lên từng ngày trong lòng Xá: “Nó đen như một hòn than, tóc bù xù không làm tối được đôi mắt rất sáng. Khi nó nói chuyện Pháp nó như một con beo con, gầm gừ dữ tợn”[26, tr. 365]. Năm mười tuổi Xá đã biết chửi lại Pháp khi bị chúng đánh. Năm mười hai tuổi Xá đã tìm đến Núp để tham gia du kích. Xá lớn lên trong sự dìu dắt của anh Núp và anh Thế. Xá được học hành chu đáo, đủ sức thay thế Núp trong cuộc chiến đấu với kẻ thù hung bạo hơn. Dít và bé Heng trong Rừng xà nu là những cây xà nu con “ngọn xanh rờn, hình mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Làng Xô Man không bao giờ thiếu những con người anh hùng; từ cụ Mết đến Tnú, đến Mai, Dít, Heng...cứ nối tiếp


nhau vững vàng như cánh rừng xà nu che chở cho dân làng. Cũng như các nhân vật thiếu niên anh hùng khác, Dít đã bộc lộ phẩm chất anh hùng ngay từ khi còn nhỏ. Khi bị địch bắt do đem gạo tiếp tế cho bộ đội, chúng bắn uy hiếp nhưng Dít vẫn hết sức bình thản:

Chúng để con bé đứng giữa sân, lên đạn tôm-xông rồi từ từ bắn từng viên một, không bắn trúng, đạn chỉ sượt qua tai, sém tóc, cày đất quanh hai chân nhỏ của Dít. Váy nó rách từng mảng. Nó khóc thét lên, nhưng rồi đến viên thứ mười, nó chùi nước mắt, từ đó im bặt. Nó đứng lặng giữa bọn lính, cứ mỗi viên đạn nổ, cái than hình mảnh dẻ của nó lại giật lên một cái nhưng đôi mắt nó thì vẫn nhìn bọn giặc bình thản lạ lùng [26, tr. 156].

Dít là hiện thân của Mai nhưng có phần hơn chị gái ở sự vững vàng, rắn rỏi. Hình tượng thế hệ trẻ xuất hiện trong tác phẩm như là sự chuẩn bị cho tương lai, cho cuộc chiến đấu lâu dài của dân tộc để thực hiện lý tưởng độc lập. Trong cuộc chiến đấu ác liệt của nhân dân Tây Nguyên, những thiếu niên anh hùng như Kơ Lơng, Tun, Xá, Dít, bé Heng...được tôi luyện và ngày càng dày dạn, vững chãi đủ sức thay thế lớp cha anh. Dù còn nhỏ nhưng mỗi lời nói, hành động của các em đều thể hiện bản lĩnh, khí phách của người Tây Nguyên anh hùng.

Nhân vật thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước là kiểu nhân vật, là cách thể hiện, miêu tả con người anh hùng trong văn xuôi Tây Nguyên nói riêng và trong văn học Cách mạng 1945-1975 nói chung. Sự thể hiện con người anh hùng theo yêu cầu của lịch sử này không tránh khỏi những công thức, khuôn mẫu. Đôi khi ta thấy những Núp, Tnú, Kpa Kơ Lơng, Hơ Giang, Y Kla, Pui Kơ Lớ… không khác nhau là mấy, từ hình thức đến tính cách. Khuynh hướng sử thi đã xây dựng những tính cách điển hình có tính lý tưởng hóa chứ không phải là điển hình từ đời thường. Với cái nhìn hiện tại, đó có thể xem như một hạn chế của văn học Cách mạng. Tuy nhiên với quan niệm “văn học là một vũ khí đấu tranh cách mạng, nhà văn là một chiến sĩ tiên phong, tác phẩm phải xây dựng cho được những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” của thời


kỳ này, thì những nhà văn như Nguyên Ngọc, Vũ Hạnh, Y Điêng, Trung Trung Đỉnh… không thể đi theo một lối khác. Và cũng nhờ vậy mà các tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên đã khắc họa được không khí của một thời hào hùng. Nó cũng làm nên một diện mạo Tây Nguyên trong chiến đấu.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.

*

* *

Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 19


Con người Tây Nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945-2000 mang đầy đủ phẩm chất chung của con người Việt Nam, con người Á Đông. Ngoài ra, họ cũng có những nét đẹp riêng, mang hơi thở của đất trời, sông suối, núi rừng Tây Nguyên. Về hình dáng, người đàn ông Tây Nguyên mang vẻ đẹp mạnh mẽ của những dũng sĩ Đăm San, Khinh Dú; người phụ nữ lại mang vẻ đẹp đầy kiêu hãnh của những nàng H’Bia, H’Nhí trong các trường ca Tây Nguyên. Về phẩm chất, người Việt Nam vốn sống nhân ái, nghĩa tình, nhưng cái nhân ái nghĩa tình của người Tây Nguyên đậm chất nguyên sơ của lối sống cộng đồng. Văn hóa cộng đồng, con người tập thể chi phối mạnh mẽ con người cá nhân, hình tượng con người cộng đồng là hình tượng bao trùm của xã hội Tây Nguyên. Ở đó, con người cá nhân hòa tan trong con người cộng đồng, tiếng nói của cá nhân hòa tan trong tiếng nói cộng đồng. Từ đó, đặc điểm nổi bật của con người Tây Nguyên là họ thường “im lặng như núi rừng”, cái im lặng mang trong mình một khát vọng mãnh liệt về cái đẹp, nên ngôn ngữ giao tiếp linh diệu nhất của họ là âm nhạc. Đời sống âm nhạc phong phú đã làm nên một Tây Nguyên giàu nhựa sống. Đời sống điêu khắc độc đáo đã làm nên một Tây Nguyên đầy màu sắc hư ảo thiêng liêng cho thế giới của các Yàng. Các Yàng luôn đem đến sức mạnh cho con người lao động và chiến đấu. Trong đấu tranh, các thế hệ con người anh hùng Tây Nguyên liên tiếp đứng lên chiến đấu ngoan cường giữ đất giữ làng, giữ cho tiếng cồng chiêng mãi ngân vang cùng sông núi.


CHƯƠNG 3

NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN VĂN HÓA VÀ CON NGƯỜI TÂY NGUYÊN TRONG VĂN XUÔI NGHỆ THUẬT 1945 - 2000

3.1 Không gian nghệ thuật

Sự vật tồn tại bao giờ cũng gắn liền với một không gian cụ thể. Thực thể định vị trong không gian một cách tự nhiên, nhưng điều quan trọng là điểm nhìn, cách nhìn về thực thể đó để có thể xác định vị trí của nó. Sự tồn tại của sự vật trong không gian vừa mang tính tự nhiên, vừa mang tính quan niệm. Không gian như là một phương diện cho sự tồn tại, đồng thời nó cũng là một phương tiện cho sự vận động. Bởi vật chất luôn vận động không ngừng nghỉ trong môi trường của mình. Trong sự vận động ấy, sự vật chịu sự ảnh hưởng không nhỏ của các phần tử cùng tồn tại trong mối liên hệ tất yếu. Và bản chất của sự vật được toát lên không chỉ ở bản thân nó, từ bản thân nó, mà còn từ đặc điểm không gian mà nó tồn tại. Có thể nói, không gian cùng với thời gian là phương thức tồn tại và phát triển của mọi sự vật, và nó luôn mang dấu ấn của phương thức ấy.

Thế giới nghệ thuật là sự khái quát của thế giới hiện thực. Không gian hiện thực là cơ sở của không gian nghệ thuật. Tuy nhiên, không gian trong tác phẩm nghệ thuật là không gian thứ hai, qua sự khúc xạ nhiều tầng của người nghệ sĩ, do đó tính quan niệm về không gian hầu như chi phối tuyệt đối cách xây dựng thế giới nghệ thuật. Nếu không gian hiện thực thiên về tính vật chất thì không gian nghệ thuật thiên về tính tinh thần. Trong thế giới mang tính thẩm mỹ ấy, nhà văn triển khai chủ đề và gửi gắm thông điệp đã được ấp ủ từ lâu trong tư tưởng. Không gian nghệ thuật là phương thức tồn tại của quan niệm thẩm mỹ về thế giới của nhà văn. Nhà văn phản ánh thế giới qua nhân vật. Nhân vật tồn tại trong không gian và bộc lộ tính cách trong một thời khắc cụ thể và thích hợp nhất. Không gian nghệ thuật luôn là một yếu tố quan trọng trong


hành trình đi đến chân lý mà nhà văn muốn vạch ra. Không gian nghệ thuật không chỉ là tấm phông làm nền cho nhân vật hoạt động mà còn chứa đựng “màu sắc” của tư tưởng nhà văn chiếu vào. Do đó, tìm hiểu vấn đề không gian nghệ thuật không chỉ giúp ta cảm nhận một cách sâu sắc thế giới nghệ thuật mà còn hiểu được chiều sâu tư tưởng của nhà văn. “Do gắn liền với điểm nhìn, trường nhìn, môi trường hoạt động, không gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống, đồng thời do gắn với ý nghĩa, giá trị, không gian trở thành ngôn ngữ, biểu tượng nghệ thuật”[229, tr.43]. Trong các tác phẩm văn xuôi nghệ thuật viết về Tây Nguyên; ngôn ngữ, biểu tượng ấy là gì? Nó có giá trị như thế nào trong việc thể hiện vấn đề văn hóa và con người Tây Nguyên? Có thể dễ dàng nhận ra một “màu sắc” riêng về không gian của các tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên. Nó chứa đựng cảm xúc, tâm tưởng của nhà văn; đồng thời nó cũng mang dấu ấn của núi rừng, sông suối Tây Nguyên. Dù có ý thức hay không có ý thức, không gian luôn là một phạm trù thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn, cho nên nó là một cơ sở quan trọng để tìm hiểu giá trị của tác phẩm.

Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên khá phong phú, đa dạng. Đó là không gian hiện thực hầu như chiếm lĩnh: có không gian rộng lớn của núi rừng, có không gian ấm áp của bếp lửa, có không gian mát lành của dòng sông con suối, có không gian thắm tình của nhà rông, có không gian nương rẫy với cuộc sống lao động, không gian chiến trường của cuộc sống chiến đấu…Đó không gian tâm tưởng xuất hiện với tần số thấp do đặc trưng của tác phẩm hiện thực v.v…Dẫu ở khía cạnh nào thì không gian nghệ thuật luôn toát lên đặc trưng văn hóa, con người Tây Nguyên.

Thế giới nghệ thuật là do nhà văn sáng tạo nên. Để có thể xây dựng được thế giới như vậy, nhà văn cần có một vốn sống sâu rộng và một trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Vốn liếng ấy là do tài năng, bản lĩnh và sự trải nghiệm từ


thực tế của nhà văn mà có. Xây dựng thế giới nghệ thuật về Tây Nguyên, hầu hết các nhà văn đều có hàng chục năm cùng sống với người Tây Nguyên, cho nên không gian Tây Nguyên đã ảnh hưởng đến chính bản thân họ. Và hơn ai hết, các nhà văn là người hiểu rõ nhất môi trường ảnh hưởng đến tính cách con người, văn hóa Tây Nguyên như thế nào.

Không gian của các tác phẩm văn xuôi nghệ thuật viết về Tây Nguyên trên những nét chung nhất là một chân trời rộng. Đó chính là sự rộng lớn của đất trời, sông suối, núi rừng Tây Nguyên. Trong các tác phẩm thuộc đề tài chiến tranh cách mạng, vốn luôn muốn tạo ra một “địa hạt tự do” để phù hợp với những con người Tây Nguyên có tư tưởng tự do, các nhà văn xây dựng không gian rộng lớn để cho các nhân vật có điều kiện bộc lộ toàn bộ phẩm chất của mình. Không gian núi rừng, sông suối, nương rẫy…dường như không tạo ra một giới hạn nào đối với những người Tây Nguyên kháng chiến, nhưng lại là một bức tường khó vượt qua đối với kẻ thù. Làng Kông Hoa trong Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, làng Nước Chò trong Lửa rừng của Vũ Hạnh, làng Đê Chơ Rang trong Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh…ở trong một không gian cụ thể. Thế nhưng, làng lại luôn di động trong không gian rộng lớn của núi rừng để có thể đối phó với kẻ thù. Không gian núi rừng bao la ấy là một điểm tựa cả vật chất lẫn tinh thần. Nó như đón lấy bước chân không hề biết mệt mỏi, không hề biết run sợ của những con người anh hùng. Những người anh hùng của Tây Nguyên có phẩm chất của anh hùng sử thi nên không gian cũng mang màu sắc sử thi. Từng dốc núi, từng ngọn thác, từng vực thẳm, từng hang đá, từng gốc cây…đều nhuốm không khí của tinh thần cách mạng: “Qua sông, nó không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh nhất mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình. Nó nói:

- Qua chỗ nước êm thằng Mỹ- Diệm hay phục, chỗ nước mạnh, nó không ngờ” [26, tr. 151].


“Chỗ nước mạnh” là một không gian để thể hiện tinh thần quả cảm của nhân vật Tnú. Với nhân vật Núp, không gian ấy là những con dốc, những hốc cây- nơi đặt mang cung; là rẫy tháng giêng- nơi đặt thần linh dưới sự tồn vong của cộng đồng: “Ngọn gió buổi chiều thổi qua các rừng cây, thổi từ dưới rẫy lên ngọn núi cao, có mang theo cái mùi thơm của lúa chín”[26, tr.313]. Không gian rẫy lúa chín tháng giêng ấy là tất cả niềm tin, sự hy vọng về cuộc trường chinh mà Núp và dân làng Kông Hoa đã lựa chọn. Trong truyện ngắn Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông, không gian nổi bật là những ngọn đồi nơi Kpa Kơ Lơng mai phục để bắn xâu táo, và đặt mìn để tiêu diệt một trung đội giặc: “Kơ Lơng tha thẩn mấy ngày mới tìm được một ngọn đồi trống ven đường. Quyết đánh một trận tiêu diệt, em chôn cả bốn quả mìn sát liện nhau trên đỉnh đồi, cột chung vào một mối dây, rồi bôi đất đỏ đầy người nằm chờ…”[30, tr.256]. Có thể thấy, những chiến công của Núp, Tnú, Kpa Kơ Lơng luôn được diễn ra trong không gian hiểm trở của núi rừng. Sự hiểm trở ấy là điều kiện để người anh hùng bộc lộ phẩm chất. Tạo nên những không gian như vậy, nhà văn Nguyên Ngọc đã thể hiện được tinh thần không đội trời chung với kẻ thù của người Tây Nguyên.

Với tính chất chung về không gian hiện thực, các tác phẩm khác cũng thường lấy không gian rộng lớn của núi rừng để triển khai câu chuyện. Nhân vật Bin cùng với đội du kích Đê Chơ Rang (Lạc rừng- Trung Trung Đỉnh), có những những hang đá kiên cố, những mỏm đá nhấp nhô cùng cây rừng dày đặc như tấm lưới sắt khổng lồ che chở họ khỏi những trận bom thù. Ở tiểu thuyết Lửa rừng của Vũ Hạnh, đội du kích Nước Chò đã xây dựng một bức tường lửa bằng rừng để thiêu cháy một toán lính Pháp. Đội du kích Hơ Giang (Hơ Giang- Y Điêng) hoạt động trong làng, nhưng phía sau của họ là sự mênh mông của rừng.


Cũng là không gian rộng lớn của núi rừng, nhưng tác động lại khác nhau đối với người Tây Nguyên và kẻ thù của họ. Với những kẻ xa lạ với rừng núi, thì núi rừng bao la lại là nỗi kinh hoàng. Nó sẽ đem lại mối hiểm họa khôn lường bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, có thể đó là một hầm chông, một mang cung, một bẫy đá, một con thú dữ…“Nó chạy vô núi. Nó vấp một cái dây. Cái dây đứt “phựt”, bốn cái lao dài, nhọn, sáng phóng ra trúng thằng Pháp ở giữa ngực”[26, tr.435]. Nỗi ám ảnh núi rừng đã làm yếu đi sức mạnh của kẻ thù, và vì vậy mà làm tăng thêm tinh thần chiến đấu cho người Tây Nguyên.

Đặc điểm chung về không gian trong các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng là các tác giả không chủ ý xây dựng ranh giới giữa hai không gian ta và địch. Chỉ ở trong tác phẩm Lửa rừng, tác giả Vũ Hạnh có đề cập đến không gian của trại lính Pháp, đó là không gian chật hẹp, tối tăm, ngột ngạt của đám người hỗn độn: lính người Pháp, lính người Kinh, lính người Thượng. Ngược lại với không gian chật chội, gò bó ấy là không bao la, thoáng đãng của buôn Nước Chò trăm người như một. Không gian trong các tác phẩm như Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông, Mùa xuân hoa trắng của Nguyên Ngọc; Hơ Giang của Y Điêng; Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh không có ranh giới rõ ràng của hai không gian đối nghịch ấy. Sự đối nghịch chỉ toát ra từ thái độ của nhân vật đối với không gian mà mình tồn tại.

Như vậy, nếu không gian rừng núi bao la là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của người Tây Nguyên, thì cũng chính không gian ấy lại tượng trưng cho tinh thần khiếp nhược của kẻ thù. Tình cảm với gắn bó thân thiết với núi rừng của người Tây Nguyên đã làm cho không gian núi rừng đã rộng lớn càng mênh mông hơn. Ta như thấy đội du kích Kông Hoa, Đê Chơ Rang, Nước Chò hoạt động trong một không gian không có giới hạn, và vì thế kẻ thù không biết đâu mà tìm. Ngược lại sự xa lạ, nỗi sợ hãi núi rừng đã làm cho không gian ấy vô cùng chật hẹp, bức bối, nó như cản trở bước chân và tinh thần của kẻ thù.

Ngày đăng: 16/05/2022