Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 20


Trong mảng truyện về đề tài sinh hoạt đời thường, không gian rộng lớn được thu hẹp hơn. Đó là không gian của buôn làng, nhà rông, nhà sàn, bến nước bếp lửa…Tả cả đều nhuốm màu của tình người cao đẹp. Không gian sinh hoạt trong tác phẩm được toát ra từ không gian hiện thực, nhưng những ranh giới của từng không gian cụ thể như bị xóa nhòa bởi mối liên hệ tình cảm của con người, bởi âm thanh của cồng chiêng, mùi rượu cần, những vòng xoang cùng sắc màu thổ cẩm…như làm đậm đặc không gian. Trong sáng tác của Trung Trung Đỉnh, không gian đặc quánh chất men rượu cần cùng âm thanh của chiếc đinh-yơng, những thứ không bao giờ thiếu trên đôi môi của các chàng trai của cô gái Tây Nguyên: “Chị tôi cầm ống đinh yơng lên phủi bụi. Rồi chị nghiêng đầu thổi. Đêm sâu hun hút gó. Tiếng đinh yơng chập chờn, âm thanh chuyển dần, sáng dần lên tựa hồ chị tôi đang đi trên rẫy lúa lúc chiều về. Tựa hồ tôi đang ngụp lặn dưới sông tìm cá. Tựa hồ bản làng đang náo nức rước Mẹ Lúa về kho…”[6, tr. 274]. Có thể nói, Trung Trung Đỉnh đã tạo dựng được một không gian Tây Nguyên rất riêng, đậm mùi rượu cần và tiếng đinh-yơng, và nhờ đó tác giả đã thể hiện một cách đặc sắc tính cách con người cũng như nhiều giá trị văn hóa Tây Nguyên.

Không gian trong sáng tác của H’Linh Niê cũng đậm đặc âm thanh của cồng chiêng và sắc màu của rất nhiều lễ hội. Mục đích dùng văn chương để truyền bá văn hóa Tây Nguyên đã khiến cho không gian nghệ thuật của H’Linh Niê đôi khi rất gần với không gian hiện thực. Nhưng nhờ khả năng ngôn ngữ của mình, không gian ấy đã có một vẻ đẹp riêng, một sức hấp dẫn riêng. Tiếng cồng chiêng đã đưa không gian buổi lễ hội có vẻ chật hẹp trở thành mênh mông: “Tiếng vang dồn dập của các bài ching chong chóng quay vui vẻ, hay bài mưa đá sầm sập, sầm sập như đang gió đang mưa. Lạ cho tiếng ching Rahde mạnh mẽ như vang xa đến chín tầng trời, bảy tầng đất mời gọi các vị thần linh, mà nghe ra vẫn có sự mềm mại như gió chạy trên cánh đồng cỏ,


trong tiếng lanh tanh của những chiếc ching h’liang, cứ như tâm trạng buồn vui lẫn lộn của tù trưởng Ama Thuột”[24]. Từ không gian hiện thực, nhờ sự độc đáo của nhiều giá trị văn hóa mà H’Linh Niê đã tạo dựng được nhiều sắc màu không gian riêng, in rõ dấu ấn của cuộc sống Tây Nguyên.

Nỗi niềm thường trực trong văn của Thu Loan đó là sự trăn trở về thực trạng biến đổi văn hóa Tây Nguyên. Bởi vậy, đặc điểm không gian nổi bật trong truyện của chị là sự chật hẹp, bức bối của nhà sàn, nhà rông, khu nhà mồ…Khu nhà mồ thì tượng gỗ bị mất cắp: “Gần đây khu nhà mả bị mất cắp chiêng, ghè, tượng…Lạ quá! Chỉ có quỉ mới lấy của cải của hồn ma để người chết không được sung sướng, người sống cũng không được yên thân. Trong làng bao trùm không khí sợ hãi”[41, tr.263]. Nhà rông là nơi xử tội vì vi phạm luật tục: “Ngày hôm sau, ngay trước nhà rông, đàn tế được dựng lên. Hôm ấy tất cả dân làng không ai đi rẫy. Tất cả phải tập trung trước nhà rông chứng kiến hình phạt của làng”[41, tr.259]. Nhà sàn là nỗi niềm u uẩn của người già trước sự thay đổi không thể cưỡng laị được của lớp trẻ: “Người trẻ có nhiệm vụ giữ gìn cái đẹp của làng. Lũ ta già rồi, sắp về cõi atâu hết rồi. Con cháu lớn lên không giữ được gốc thì như cây không mọc trên đất, như sông mất nguồn”[17, tr.101]. Thực trạng văn hóa Tây Nguyên đã làm cho không gian vốn mênh mông và đượm tình của Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh, H’Linh Niê… trở thành không gian u ám, chứa đầy hiểm họa về một nền văn hóa đang bị mất đi trong sáng tác của Thu Loan.

Có thể nói, từ không gian rộng lớn của núi rừng trong sáng tác về đề tài chiến tranh, đến không gian chật hẹp hơn trong sáng tác về đề tài sinh hoạt đời thường ấy vừa mang “màu sắc” của tư tưởng nhà văn, vừa phù hợp với đặc trưng của con người và vùng đất Tây Nguyên. Trong không gian vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính quan niệm ấy; con người Tây Nguyên hiện lên vừa


hào hùng vừa trữ tình, văn hóa Tây Nguyên hiện lên vừa phong phú vừa độc đáo, không lẫn trong bất kỳ dòng văn học nào ở Việt Nam.

Hiện thực dù có rộng lớn đến mức nào đi chăng nữa cũng không thể rộng hơn tâm hồn con người. Bằng trí tưởng tượng, con người có thể đến với rất nhiều chiều không gian khác nhau. Đặc điểm của văn học là không bị giới hạn bởi không gian. Trong bất kỳ tác phẩm văn học hiện đại nào, không gian nghệ thuật luôn tồn tại dưới hai hình thức cơ bản: thực và hư. Điều này sẽ làm cho thế giới nghệ thuật vừa phong phú sinh động, vừa mở ra nhiều chiều cảm nhận, cảm xúc; điểm nhìn nghệ thuật thường xuyên di động, hình tượng hiện lên đa diện và sự hứng thú với tác phẩm sẽ tăng lên đối với người đọc.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.

Không gian tâm tưởng trong tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh ở Tây Nguyên nổi lên không gian miền Bắc. Miền Bắc lúc bây giờ là không gian hòa bình, một không gian lý tưởng đối với những con người Tây Nguyên đang sống trong không khí ngột ngạt của những hang đá: “Tui nói thiệt, tui ưng miền Bắc to đẹp hung. Mai mốt thống nhất tui ưng bắt vợ miền Bắc to đẹp”[5, tr. 32]; trong cơn đói cơm đói muối đến vàng da và phải liên tục chạy lên núi Chư Lây, chạy xuống núi Chư Lây: “Việt Bắc có rừng, có núi cao. Đứng trên núi Việt Bắc, thấy toàn hết đất nước mình, Kinh, Thượng đều thấy rõ. Bok Hồ đứng trên hòn núi đó, chỉ huy cả nước đánh giặc…”[26, tr. 359]. Không gian miền Bắc đã trở thành không gian biểu tượng, nó tượng trưng cho cái đẹp và tự do. Cho nên không gian ấy đem đến những ước mơ cháy bỏng, những động lực mạnh mẽ cho con người chiến đấu. Cùng với không gian miền Bắc, không gian Cách mạng cũng mang biểu tượng sức sống và niềm tin: “Cách mạng như một cơn gió lớn, thổi tới tấp, tràn lan khắp cả miền Tây Nguyên bao la. Qua bao nhiêu ngọn núi, qua bao nhiêu con sông, hàng chục dân tộc đang không có con đường đi, đứng dậy một loạt, tưng bừng chào đón cách mạng như chào đón mặt trời”[26, tr. 252]. Mở ra không gian miền Bắc và không gian Cách mạng, các


Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 20

tác giả đã đem đến một mặt trời mới, soi sáng cho cả vùng trời tăm tối của chiến tranh.

Ngoài không gian miền Bắc, không gian tâm tưởng nổi bật thứ hai là không gian của tinh thần truyền thống được thể hiện qua những câu chuyện cổ. Trong các tác phẩm về đề tài chiến tranh, loại không gian này thường được mở ra khi cuộc chiến đấu lâm vào cảnh khó khăn. Khi đó, tinh thần cách mạng cần thoát lên tầm cao mới để kích thích ý chí chiến đấu. Và các già làng, các thủ lĩnh, bằng câu chuyện truyền thống đã đưa mọi người đến với một không gian mà ở đó tính chất lý tưởng đã nhuộm hồng cả bầu trời đen tối, mở ra trong tâm tưởng mọi người một khoảng trời mới, đầy hứa hẹn. Không gian trong câu chuyện cổ thường mang giá trị thức tỉnh, và quan trọng hơn, nó như một hồi trống thúc giục tinh thần người Tây Nguyên tiến lên phía trước.

Với mảng truyện về cuộc sống đời thường, không gian tâm linh thường là sự hồi ức của con người. Văn xuôi viết về Tây Nguyên phần lớn là truyện ngắn, tính chất “ngắn” của loại truyện này đã khiến các nhà văn khai thác tối đa không gian hồi ức như là một trường nhìn khác, điềm tĩnh hơn về các giá trị văn hóa và tính cách con người. Điều dễ nhận thấy là các nhà văn ít xây dựng không gian tương lai mà chủ yếu là không gian quá khứ đan xen với hiện tại. Thường mỗi khi giông bão đi qua, con người sẽ bình tĩnh hơn để nhìn nhận quá khứ, rồi cảm thấy nuối tiếc vì lỗi lầm hay thờ ơ mà đánh mất những giá trị tốt đẹp. Không gian hồi ức, do đó, như là một sự đánh thức những giá trị tưởng chừng đã ngủ yên dưới lớp bụi thời gian. Trong truyện ngắn Tháng Ninh Nông, Nguyên Ngọc đã dùng không gian hiện thực của làng Tơ Trá như là một phương tiện để mở ra không gian quá khứ. Trong không gian đó, tác giả soi sáng vẻ đẹp của cô gái Tơ Trá thời chiến tranh, và cũng đem đến cho người đọc cảm nhận được một lễ hội vô cùng độc đáo- lễ Ninh Nông.


Không gian hồi ức chứa đầy tâm trạng nuối tiếc cũng được Trung Trung Đỉnh thể hiện trong nhiều tác phẩm như H’Noanh- chị tôi, Rừng già, Rơ Mah Tenl- con người của rừng núi… Ở đó, những con người của rừng già một thời vô tư, đẹp đẽ, trong sáng của thời chiến tranh mà giờ đây, sự phũ phàng của thời gian cùng với sự trớ trêu của cuộc đời đã khiến họ già nua trong cô đơn, như H’Noanh, H’Riêu; thậm chí bị rượu đánh gục như Rơ Mah Tenl… Những thay đổi ấy không phải là sự phủ nhận vẻ đẹp của họ, mà tác giả càng khẳng định nhân cách đáng quí của những con người không vì lợi danh mà đánh mất nhân phẩm. Nó như là một đặc tính của người Tây Nguyên. Ngoài ý nghĩa ấy, không gian hồi ức được mở ra phong phú trong nhiều tác phẩm như Người hát rong giữa rừng của Nguyên Ngọc, Phút chối Chúa của Võ Thị Hảo, Đêm nguyệt thực của Trung Trung Đỉnh, Giếng nước buôn Nui của H’Linh Niê, Nước mắt gỗ của Khuất Quang Thụy, Làng Mô của Thu Loan, Tâm sự của già Đao của Nguyễn Ngọc Hòa…đều mang theo cái nhìn đầy thiện cảm cũng như ý thức ngợi ca các giá trị văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên. Ở đây, truyền thống như là một không gian lý tưởng để các giá trị ấy lan tỏa toàn bộ vẻ đẹp cũng như sức sống mạnh mẽ của nó. Đồng thời, qua đó, các tác giả cũng biểu hiện sự đau xót về các giá trị ấy trước sự biến đổi trong không gian mới, hiện đại nhưng đầy thách thức đối với sự tồn vong của nó.

3.2 Thời gian nghệ thuật

Văn học thuộc loại nghệ thuật thời gian, nghĩa là hình tượng của nó tồn tại trong không gian và mở dần ra theo thời gian. “Thời gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Nếu thế giới hiện thực chỉ tồn tại trong không gian và thời gian, thì cũng như thế, thế giới nghệ thuật chỉ tồn tại trong không gian và thời gian nghệ thuật”[229, tr. 62]. Cũng như không gian, thời gian là yếu tố xác định sự tồn tại của sự vật, và tất nhiên chúng có những mối liên hệ nào đó với


nhau. Sự vật tồn tại trong trong khung thời gian nào sẽ giúp xác lập điểm nhìn để có thể đánh giá đúng đắn về nó. Với thời gian, hình tượng nghệ thuật sẽ dần hiện lên một cách đầy đặn và trọn vẹn. Và cũng chỉ bằng thời gian, ý đồ nghệ thuật của tác giả, nội dung tư tưởng của tác phẩm mới được bộc lộ rõ ràng nhất.

Thời gian trong hiện thực là thời gian tuyến tính. Trong tác phẩm văn học, thời gian có nhiều chiều: quá khứ, hiện tại và tương lai. Thời gian ấy đã giúp cho văn học có ưu thế đặc biệt trong việc phản ánh thế giới so với các loại hình nghệ thuật khác. Cũng như không gian, thời gian trong nghệ thuật là thời gian mang tính quan niệm và là thời gian tâm lý, tâm trạng nên nó có thể trôi đi nhanh hoặc chậm, tác giả có thể dồn nén hay kéo căng thời gian, có thể đảo chiều thời gian bất cứ lúc nào để phục vụ cho những chiều suy tưởng của tác giả, nhân vật và người đọc. Điều này cho phép nhà văn khắc phục sự hạn chế của thời gian vật lý, giúp người đọc đến được với những chiều thời gian có thể rất xa với hiện tại. Tác phẩm nghệ thuât là một chuỗi các biến cố nối tiếp nhau, biến cố càng dồn dập, căng thẳng và bất ngờ thì tính hấp dẫn càng tăng lên. Các biến cố ấy được diễn ra, được cảm nhận qua các mốc thời gian. Trừ các thể loại truyện dân gian, truyện hiện đại thường đan xen nhiều khung thời gian, nhân vật sống trong nhiều lớp thời gian và người đọc liên tục cảm nhận được nhiều “màu thời gian” ứng với diễn biến tâm trạng nhân vật. Như vậy thời gian trong văn học được cảm nhận bằng tâm lý và mang ý nghĩa thẩm mỹ. Nó là một phương tiện nghệ thuật quan trọng, gắn bó mật thiết với không gian, tạo ra không-thời gian vô hạn được miêu tả trong tác phẩm với chức năng tái hiện thế giới trong chiều sâu rộng nhất có thể có. Thời gian trong mỗi thể loại, mỗi giai đoạn, mỗi tác phẩm là khác nhau. Điều đó cho thấy tính quan niệm về thời gian nghệ thuật là khá hiển nhiên. Tuy nhiên, nó vẫn có những điểm chung nhất định. Điểm chung về thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn xuôi viết về Tây


Nguyên giai đoạn 1945-2000 là gì? Nó góp phần như thế nào trong việc làm nổi lên các giá trị văn hóa cũng như tính cách con người Tây Nguyên?

Có thể nhận thấy một điều rằng, những tác phẩm đặc sắc viết về Tây Nguyên như Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông, Lạc rừng… đều có tính chất của một tác phẩm ký, yếu tố sự thực đời sống là chất liệu quan trọng nhất để xây dựng nên những tác phẩm này. Điều đó đã chi phối việc tổ chức thời gian theo trình tự sự kiện xảy xa với tính lôgic của nó. Thời gian trong các tác phẩm trên thiên về thời gian tuyến tính, vẫn có sự giao thoa giữa các chiều thời gian, nhưng chủ yếu các sự kiện xảy ra theo trình tự của thời gian thực tế. Trong Đất nước đứng lên, nhà văn Nguyên Ngọc đã sử dụng rất nhiều trạng từ thời gian cụ thể như “Đêm hôm qua, Núp gùi củi ở rẫy về trễ…”[26, tr. 228], “Tháng trước, Pháp bỏ bom Ba lang…”[26, tr.233], “Mười ngày sau, làng cử Núp và bok Pa đi…”[26, tr.257] v.v…Trong Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh cũng vậy: “Một buổi chiều, khi tôi vừa lơ mơ tỉnh dậy…”[5, tr. 16], “Sau chừng một tuần, tôi được bôi nước mật…”[5, tr.22], “Có tới hai tiếng đồng hồ, hết bom rồi pháo…”[5, tr. 28] v.v…Việc tổ chức thời gian cụ thể như vậy đã góp phần làm rõ ràng câu chuyện, từ đó sẽ tăng thêm sức thuyết phục cho người đọc. Không như mảng truyện ngắn yếu nước vùng Nam bộ trước năm 1975, các nhà văn đã phủ lên thời gian một lớp sương mờ ảo, hoặc tổ chức thời gian phiếm chỉ để có thể vượt qua sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền lúc bấy giờ; các truyện viết về Tây Nguyên là những chuyện xảy ra trong một thời gian nhất định, xác định. Chính điều này đã làm tăng giá trị phản ánh hiện thực của truyện, song song với nó là giá trị tư tưởng cũng tăng lên.

Thời gian hiện tại là thời gian cơ bản ở loại truyện này, nhưng không phải lúc nào cũng theo chiều nhân- quả. Để cho câu chuyện hiện lên một cách sinh động nhất, tác giả dẫn dắt người đọc đến với những điểm nhìn thời gian


khác nhau. Có những truyện, thời gian hiện tại chỉ đóng vai trò dẫn dắt câu chuyện trở về với thời gian quá khứ, như tác phẩm Rừng xà nu, Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông của Nguyễn Trung Thành. Ở đây, thời gian quá khứ chồng lên thời gian hiện tại qua lời kể của nhân vật. Cái uy linh của không gian nhà rông cùng với cái oai phong của các già làng như cụ Mết, cụ Xớt đã thực sự đưa người đọc đến với một chiều thời gian mà ở đó con người luôn hừng hực tinh thần xả thân vì vận mệnh cộng đồng. Thời gian đồng hiện trong các tác phẩm này đã giúp người đọc đến với nhiều không gian khác nhau, tiếp xúc được với nhiều phận đời, cảm nhận được nhiều nét tính cách trong một hình tượng nhân vật; do đó sự suy tưởng về tác phẩm trở nên sâu và đậm hơn.

Thời gian tương lai tuy xuất hiện ít nhưng nó cũng là những điểm nhấn đáng chú ý trong loại tác phẩm này. Đó có thể là tương lai gần, thể hiện sự lo lắng: “Mai mốt, thằng Pháp tới rẫy nó lấy hết hột lúa…”[26, tr. 219], “Mai mốt ở với Pháp chúng khổ nhiều lắm…”[26, tr. 250]. Đó có thể là tương lai xa hơn một chút nhưng lại tràn trề niềm hy vọng về sự tốt đẹp: “Mai mốt anh Thế lên, tôi nói anh thế biết về nói lại huyện, huyện nói lại Bok Hồ…”[26, tr. 432] “Mai mốt thống nhất tui ưng bắt vợ miền Bắc to đẹp…”[5, tr.32]. Thời gian tương lai có khi không được biểu thị bằng những trạng từ thời gian mà qua những nhân vật thuộc thế hệ măng non. Đây chính là những “cây xà nu con” tràn đầy nhựa sống sẽ vươn đến bầu trời cao rộng của cuộc sống tự do sau này. Với họ, một tương lai tươi sáng chắc chắn sẽ đến. Khác với thời gian tương lai của các tác phẩm văn học hiện thực phê phán thường “tối đen như mực”, thời gian tương lai trong văn học cách mạng là một khoảng trời xanh mênh mông.

Nhịp độ thời gian là một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên tính hấp dẫn của truyện. Thời gian trôi đi chầm chậm, đều đều sẽ tạo nên cảm giác nhàm chán đối với người đọc. Để tái hiện cuộc chiến đấu đầy thăng trầm của người Tây Nguyên, các nhà văn đã tạo những nhịp thời gian nhanh chậm khác nhau.

Xem tất cả 222 trang.

Ngày đăng: 16/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí