Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 21


Trong nhịp thời gian căng thẳng của giây phút hệ trọng như lúc Núp chờ bắn thằng Pháp ở nhà rông, hay đêm tối giữa rừng sâu Núp chờ để cứu ba mươi người Kông Hoa bị Pháp bắt trong Đất nước đứng lên, giây phút Kpa Kơ Lơng chờ giật sợi dây mìn trong Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông, giây phút Tnú nhìn thằng Dục đánh vợ con anh trong Rừng xà nu, giây phút Hơ Giang bị giặc bắt trong Hơ Giang v.v…; tính cách anh hùng của nhân vật được bộc lộ rõ nhất. Cùng với việc kéo căng, tác giả cũng dồn dồn nén thời gian để thu ngắn khoảng cách giữa hiện thực và nghệ thuật, để tái hiện cả một cuộc đời trong một vài dòng trần thuật, như cuộc đời của Kpa Kơ Lơng, Tnú, Y Kơ Bin, Bin. Chỉ có dồn nén thời gian như vậy, nhân vật mới có thể hiện lên trọn vẹn nhất.

Trong mảng truyện về sinh hoạt đời thường được viết ở giai đoạn 1975- 2000, thời gian nghệ thuật được biểu hiện một cách sinh động và phong phú hơn. Dường như độ chín văn chương cùng với những tư tưởng nghệ thuật mới đã giúp các nhà văn có được sự nhuần nhuyễn trong việc tổ chức kết cấu tác phẩm. Trong những truyện có tính chất hồi ức như Tháng Ninh Nông, Người hát rong giữa rừng của Nguyên Ngọc; H’Noanh, chị tôi, Rơ Mal Tenl, người con của núi rừng của Trung Trung Đỉnh v.v…; thời gian không còn là phương tiện chuyên chở hiện thực mà nó như một mắc xích của các tình tiết, chi tiết để tổ chức nên chỉnh thể nghệ thuật. Điểm nhìn nghệ thuật thường xuyên được thay đổi theo sự đảo chiều liên tục của thời gian. Thời gian quá khứ đồng hiện trong thời gian hiện tại để làm nổi bật các sắc thái khác nhau của tâm lý nhân vật. Trong truyện Tháng Ninh Nông, thời gian quá khứ chính là thời gian vàng son nhất để nhân vật bộ lộ sức xuân tươi đẹp của cô gái Tơ Trá, đó cũng là thời gian lý tưởng của đời sống lễ hội độc đáo của tộc người sống chênh vênh trên sườn núi Ngọc Linh. Ở truyện Người hát rong giữa rừng, cảm xúc dạt dào nhớ thương về nghệ sĩ Y Dơn của tác giả được liên tục bộc lộ qua rất nhiều điểm nhìn thời gian. Từ thời gian hiện tại, tác giả (cũng là nhân vật tôi- người kể


chuyện) đưa người đọc ngược về quá khứ xa, rồi gần dần, gần dần đến hiện tại. Khung thời gian hiện tại-quá khứ-hiện tại ấy là một thủ pháp quen thuộc để khắc họa nhân vật, và nhờ đó mà tính cách nhân vật hiện lên một cách đầy đặn nhất. Ở đây, phẩm chất nghệ sĩ của Y Dơn được hình thành từ dòng máu nghệ sĩ của cha mình- ông Y Tam, và cả mẹ nữa- bà Hlum. Quay ngược thời gian đến tận ngọn nguồn để khẳng định, đó là một đặc điểm của văn phong Nguyên Ngọc. Khi muốn kết luận điều gì, Nguyên Ngọc thường dựa vào những cơ sở xác đáng, cho dù cơ sở ấy ở vào một khung thời gian xa lắc nào đó, ông cũng làm sống nó dậy để kết luận của mình có được bề dày thuyết phục. Có lẽ do vậy mà tác giả có xu hướng khai thác thời gian quá khứ với vẻ đẹp nguyên sơ của văn hóa và con người Tây Nguyên trong sự gắn kết với không gian nguyên sơ của núi rừng trong rất nhiều tác phẩm viết sau năm 1975. Trung Trung Đỉnh cũng có xu hướng như vậy. Cảm giác chung về vấn đề thời gian của nhà văn trong tập truyện Đêm nguyệt thực là sự nuối tiếc thời gian của quá khứ mà ở đó cuộc chiến khốc liệt đã làm bộc lộ toàn bộ vẻ đẹp của con người Tây Nguyên. Phương tiện thường được nhà văn sử dụng để di chuyển điểm nhìn thời gian từ hiện tại về quá khứ là chiếc đinh yơng. Phần lớn nhân vật nữ của Trung Trung Đỉnh đều thổi đinh yơng. Âm thanh đinh yơng đưa tâm trạng nhân vật chìm đắm trong thời gian quá khứ. Một quá khứ thường đối lập gay gắt với hiện tại. Hiện tại thì “Chị tôi nằm cuộn khoanh bên ghè rượu, trong tấm dồ hoa nhàu nát, bên cạnh là cây đàn đinh yơng xộc xệch, già nua và cô độc”[6, tr. 272]. Còn quá khứ thì “…Chị tôi dần dần trẻ lại. Trẻ lại lúc hai mươi tuổi. Trên lưng gùi đạn. Trước ngực cây đinh yơng. Tiếng chị cười. Tiếng chị hát…”[6, tr. 275]. Dù thời gian hiện thực có vô tình và nghiệt ngã như thế nào đi chăng nữa, thì những con người như H’Noanh, Rơ Mal Tenl, H’Piar vẫn luôn giữ bên mình những tháng ngày êm đẹp của quá khứ. Thời gian quá khứ như là chất kích thích giúp họ đủ nghị lực để sống với hiện tại đầy buồn đau, cô đơn. Tái hiện


thời gian quá khứ, Trung Trung Đỉnh cũng muốn trở về với tất cả sự tốt đẹp còn lưu giữ trong trong miền ký ức mà chính nhà văn đã trải qua trong những tháng ngày cùng sống với người dân Tây Nguyên.

Với ý thức quảng bá và giữ gìn văn hóa Tây Nguyên rất rõ, H’Linh Niê trong rất nhiều tác phẩm như Tìm về bến nước, Long lanh giếng nước buôn Nui, Serepok sáng nay yên tĩnh, Chuyện tình Ama Thuột, Pơthi mênh mang mùa gió, Dòng sông tóc…tác giả đã dùng thủ pháp thời gian đồng hiện để dẫn dắt người đọc trở về thời kỳ mà sức sống của các giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên mạnh mẽ nhất, sức lan tỏa của nó là sâu xa nhất. Nhìn chung, trở về thời gian quá khứ là một phương thức quan trọng và hữu hiệu trong việc phán ánh các giá trị văn hóa cũng như phẩm chất của con người Tây Nguyên. Bởi vì chỉ có ở trong không- thời gian ấy, vẻ đẹp lung kinh của nó mới được phát lộ trọn vẹn.

Ở phương diện văn hóa, thời gian hiện tại mang theo nỗi lo sợ về sự mai một các giá trị truyền thống tốt đẹp của người Tây Nguyên. Nếu trong thời gian quá khứ, văn hóa Tây Nguyên đẹp đẽ bao nhiêu, thì hiện tại lại chất chứa nhiều mối hiểm họa bấy nhiêu đối với cồng chiêng, rượu cần, bến nước, nhà rông v.v…: “Bọn thằng Hiêng, thằng Bliet, thằng Ksor Hạo bây giờ làm ăn khá, uống bia, bỏ rượu cần”[6, tr.93], “Những bộ chiêng quí ông bà cha mẹ đã đổi bằng trâu, bằng voi và bằng máu nay được mang đi bán đồng nát”[39, tr. 57]. Dùng thời gian hiện tại và tương lai để lên tiếng cảnh báo, đó là cách phản ứng của các nhà văn hóa Tây Nguyên trước sự tấn công ồ ạt của công cuộc “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, của những cách giữ gìn văn hóa sai lầm và của các nền văn minh khác đang xâm chiếm.

Kết hợp với không gian, thời gian nghệ thuật trong văn xuôi viết về Tây Nguyên giai đoạn 1945-2000 được tổ chức một cách uyển chuyển, được tái hiện một cách đa dạng: có thời gian tuyến tính, thời gian đảo chiều, có thời gian

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.


hiện tại, quá khứ, tương lai; có thời gian đồng hiện, thời gian nhiều tầng; có thời gian trôi đi chậm chạp của sự chờ đợi; có thời gian căng thẳng của giây phút hệ trọng v.v…Không gian và thời gian nghệ thuật trong các tác phẩm văn xuôi viết về Tây Nguyên mang nhiều giá trị biểu hiện và ý nghĩa khác nhau, trong đó yếu tố thể hiện giá trị văn hóa hóa và tính cách con người Tây Nguyên đã chi phối mạnh mẽ cách tạo dựng của nhà văn.

Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 21

3.3 Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Nhân vật văn học là con người (con vật, đồ vật được nhân cách hóa) được miêu tả trong văn học bằng phương tiện văn học. Nhân vật là phạm trù trung tâm của văn học vì con người là đối tượng miêu tả chủ yếu của văn học. Nhân vật là đối tượng hướng đến của văn học, đồng thời là phương tiện để nhà văn phản ánh và khái quát hiện thực.

Nhân vật văn học được sáng tạo ra, hư cấu ra là để khái quát và biểu hiện tư tưởng, thái độ đối với cuộc sống, ca ngợi nhân vật là ca ngợi đời, lên án nhân vật là lên án đời. Xót xa cho nhân vật là xót xa đời. Do vậy tìm hiểu nhân vật là tìm hiểu cách hiểu về cuộc đời và con người, là tìm hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả đối với con người” [229, tr. 26].

Xây dựng nhân vật văn học, nhà văn thường xuất phát từ một nguyên mẫu nào đó mà họ gặp trong đời sống, và nhân vật ấy hiện lên trong tác phẩm như thế nào là tùy thuộc vào quan niệm của người sinh ra nó: “Con người trong truyện cũng chính là quan niệm nghệ thuật về con người thông qua tính cách, hành động, sự kiện diễn biến trong thời gian”[229, tr.37]. Nhà văn tạo ra cho nhân vật một vóc dáng, một tâm hồn và một phận đời bình yên hay giông bão, tùy thuộc vào chức năng của nhân vật ấy trong tác phẩm. Hình tượng nhân vật văn học được nhận biết qua nghệ thuật miêu tả của tác giả. “Trong nghệ thuật, sự miêu tả nhằm đạt một lúc hai mục đích: vừa gợi ra khách thể, sự vật hiện diện


trước mặt, vừa gợi ra sự cảm thụ, cách nhìn chủ quan đối với chúng”[229, tr. 28]. Về hình dáng nhân vật, sự miêu tả không giống như họa sĩ vẽ chân chung mà chỉ là những nét ký họa. Về tính cách, không bao giờ tác giả miêu tả trực tiếp mà thông qua ngôn ngữ, hành động, quan hệ…của nhân vật ấy. Nhân vật bao giờ cũng hiện ra theo cách hình dung của mỗi người đọc. Điều này cho thấy vì sao một nhân vật cụ thể trong một tác phẩm lại có nhiều cách cảm nhận, đánh giá có thể rất khác nhau.

Nhân vật văn học hiện lên trước hết là một nhân cách định hình qua chuỗi sự kiện, mang ý nghĩa như một phạm trù tư tưởng, đạo đức xã hội. Nhưng nhân vật không tồn tại độc lập với nhà văn, nhân vật phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của nhà văn nên nó còn là một phạm trù nghệ thuật thẩm mỹ. Trong quan niệm thẩm mỹ ấy, dĩ nhiên nó có quan hệ mật thiết với tư tưởng đạo đức xã hội, nhất là khi tư tưởng ấy chi phối mạnh mẽ sự sáng tạo của nhà văn. Tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật trong khuôn khổ thể hiện văn hóa và con người Tây Nguyên cần đặt trong mối quan hệ hai chiều ấy.

Sức sống của một nhân vật phụ thuộc vào tính cách độc đáo của nhân vật, vào những bước thăng trầm mà nhân vật trải qua, vào tư tưởng mà nhân vật chuyển tải...Những điều đó lại phụ thuộc vào tài năng nhà văn. Một nhà văn tạo được phong cách là nhà văn đem đến cho đời một nhân vật gây được ấn tượng mạnh, trường tồn với thời gian như Thúy Kiều, Chí Phèo… trong văn học Việt nam; như AQ, Đông Ki Sốt trong văn học thế giới… Xây dựng được nhiều nhân vật độc đáo cũng là dấu hiệu của một nền văn học lớn mạnh. Văn xuôi Tây Nguyên so với các vùng miền khác đã có được một diện mạo riêng nhưng chưa phải là một gương mặt nổi bật. Tuy nhiên, các tác giả, đặc biệt là Nguyên Ngọc, đã xây dựng được những nhân vật có sức sống mạnh mẽ trong lòng người đọc như Núp, cụ Mết, Tnú, Kpa Kơ Lơng...Sự thành công của đời văn Nguyên Ngọc không thể không gắn với những nhân vật này. Những nhân vật


của Y Điêng, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy…tuy không để lại nhiều ấn tượng trên văn đàn, nhưng cũng đóng góp không nhỏ trong việc tạo nên diện mạo, bản sắc của con người và văn hóa Tây Nguyên.

Nhân vật văn học được cảm nhận trước hết là ở hình thức của nhân vật ấy. Hình thức nhân vật luôn mang đặc điểm nhân chủng của tộc người, và của môi trường sống. Nhà văn bao giờ cũng cố gắng xây dựng nhân vật sao cho toát lên được đặc điểm ấy. Ở phương diện này, Nguyên Ngọc là người thành công nhất. Xuất phát từ vốn sống phong phú với người Tây Nguyên, hiểu và vô cùng yêu mến những con người của rừng núi, Nguyên Ngọc chỉ bằng những nét ký họa đã làm hiện lên con người Tây Nguyên không lẫn vào bất cứ con người ở vùng miền khác. Qua những tác phẩm như Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Người dũng sĩ dưới chân núi Chư Pông, Mùa xuân hoa trắng, Kỷ niệm Tây Nguyên, v.v…con người Tây Nguyên hiện lên với vẻ đẹp của những chàng dũng sĩ trong sử thi. Điểm chung trong việc miêu tả hình dáng nhân vật của Nguyên Ngọc là tập trung chú ý ở vầng trán rộng, đôi mắt sáng, cánh tay vững chãi và đặc biệt là khuôn ngực vạm vỡ, vóc dáng quắc thước để qua đó làm toát lên tính cách mạnh mẽ, cương nghị của nhân vật. Kơ Lơng có “vầng trán rộng và bằng, bình tĩnh và kiên định”[30, tr. 247], Khíp thì “tóc xoăn lên, trán cao”[26, tr. 393]. Núp có “cặp mắt sáng chọc thẳng vào bóng tối”[26, tr. 234], bok Pa có “con mắt như lưỡi mác mới mài” [26, tr. 408]. Bà tay của Núp “gân guốc, khi nói, cả nói với mẹ, đưa lên đưa xuống chắn chắn, mạnh như hòn đá sắc ném xuống mặt nước”[26, tr. 271], Khíp có “cánh tay to như chân con cọp”[26, tr. 393]. Trong những đặc điểm hình thức của người Tây Nguyên, ấn tượng nhất là bộ ngực. Nhân vật anh hùng của Nguyên Ngọc thường có một bộ ngực của những lực sĩ, từ thanh niên cho đến ông già, cụ Mết có bộ “ngực căng như một cây xà nu lớn”[228, tr.139], ngực KBin “gồ ghề như tảng đá lớn”[30, tr. 264], Y Kơ Bin thì “bộ ngực căng như tấm ván, bộ ngực chắc như một cây


gỗ lim già”[30, tr. 327-328]. Bộ ngực vạm vỡ đi liền với vóc dáng quắc thước, bok Pa “bây giờ quắc thước lạ” [26, tr. 408], cụ Xớt “đã ngoài tám mươi mà lưng vẫn đứng thẳng, cả người quắc thước như một ngọn núi đá” [30, tr. 248], cụ Mết “vẫn quắc thước như xưa” [26, tr. 139]. Từ những đặc điểm hình dáng trên, chúng ta thấy hiện lên những con người Tây Nguyên đầy mạnh mẽ, vững chãi, có sức vóc cao lớn, sẵn sàng đối chọi với bất cứ kẻ thù hung bạo nào. Hình thức nhân vật luôn mang theo ý đồ biểu hiện của nhà văn. Với mục đích biểu hiện tinh thần bất khuất của người Tây Nguyên, Nguyên Ngọc đặc tả những nét có thể bộc lộ rõ nhất tính cách anh hùng. Nhưng tác giả không để mục đích ấy chi phối sự miêu tả của mình, trước hết ông tôn trọng vóc dáng thực để tăng tính hiện thực cho những câu chuyện và con người có thực như Núp, cụ Mết, Kpa Kơ Lơng; sau đó mới hư cấu thêm để phục vụ cho việc xây dựng hình tượng điển hình. Xây dựng những nhân vật như vậy, Nguyên Ngọc đã thành công trong việc đem đến một diện mạo chung về con người Tây Nguyên, đồng thời nó cũng góp phần rất lớn vào việc thể hiện tư tưởng của nhà văn trong các tác phẩm.

Các nhà văn như Y Điêng, Trung Trung Đỉnh, Võ Thị Hảo, Khuất Quang Thụy H’Linh Niê…cũng xây dựng được những nhân vật có tính đặc trưng của con người Tây Nguyên, nhưng là đặc trưng ở tính cách, còn hình dáng thì chưa tạo được những nét riêng, nhất là những nhân vật nam. Bin trong Lạc rừng hiện lên là một anh du kích hồn nhiên, nhanh nhẹn, thương người và dũng cảm; thế nhưng hình dáng của anh khá mờ nhạt: “Tôi thấy anh ta cũng đóng khố cưỡi trần, nét mặt cương nghị, từng trải nhưng non tơ và hiền hậu”[5, tr.8]. Y Tiếp trong Chuyện người buôn Tría của Y Điêng là một đội trưởng sản xuất cương nghị, quyết đoán, quán xuyến tốt công việc, nhưng về hình dáng thì dễ lẫn trong rất nhiều thanh niên khác: “Người khỏe mạnh, chắc chắn, cái miệng thì hiền khô, chỉ có con mắt sáng con chim phí cũng phải thua”[8, tr. 33]. Già Kôi trong


Người buôn Rê Băk của Khuất Quang Thụy cũng là một người già làng uy nghiêm, nhưng hình dáng của già không nổi bật như tính cách: “Ông già nhiều tuổi nhất buôn Rê Băk, có mái tóc trắng như mây và giọng nói vang như chiêng”[34, tr. 69] v.v…Ở nhân vật là nữ, việc miêu tả hình dáng được các nhà văn chú trọng miêu tả nước da và đôi mắt. Chỉ cần hai điểm ấy cũng đã toát lên được dáng vẻ riêng của các cô gái của núi rừng. Vẻ đẹp ấy cũng thể hiện tính quan niệm rất rõ của nhà văn. Những cô gái Tây Nguyên dịu dàng nhưng cũng đầy mạnh mẽ, vì họ là sản phẩm của cuộc sống lao động.

Hình thức và tính cách là hai mặt luôn xuyên thấm lẫn nhau trong một con người, đặc biệt con người là nhân vật văn học thì điều này càng rõ hơn. Chỉ riêng mặt hình thức các nhân vật, đặc điểm con người Tây Nguyên hiện lên khá rõ.

Một con người hiện diện trong cuộc đời bằng hình thức không lẫn lộn với bất cứ ai, nhưng lại tồn tại trong ý thức người khác bằng tính cách độc đáo. Tính cách là sự tổng hợp của cá tính với đặc điểm lịch sử- xã hội mà cá nhân ấy tồn tại. Mỗi con người đều có một cá tính, nhưng chỉ có những cá tính nổi bật mới tạo nên được tính cách. Mỗi nhân vật xuất hiện trong tác phẩm đều có một chức năng, nhưng không phải nhân vật nào cũng là nhân vật tính cách. Một tác phẩm tạo được tiếng vang là một tác phẩm xây dựng được những tính cách độc đáo, nổi bật, không lẫn với bất cứ ai. Sự phong phú của tính cách làm nên sự phong phú của thế giới nghệ thuật. Đích đến của việc miêu tả hình thức chính là sự thể hiện tính cách. Xây dựng tính cách nhân vật là nhiệm vụ trọng yếu để chuyển tải nội dung tư tưởng của nhà văn. Phong cách nghệ thuật của một nhà văn bộc lộ trong rất nhiều yếu tố của hình thức và nội dung, trong đó tạo dựng tính cách độc đáo là biểu hiện rõ nhất của tài năng.

Xuất phát từ đặc điểm của dòng văn học cách mạng 1945-1975 mà Nguyên Ngọc là một cây bút tiêu biểu, xuất phát từ đặc điểm của con người

Xem tất cả 222 trang.

Ngày đăng: 16/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí