Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 2

Văn Tố, Hoa Bằng, Nguyễn Tường Phượng, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Nguyễn Triệu, Lê Văn Phúc…

+ Văn phê bình: Người viết sẽ nhấn mạnh vào vai trò vị trí các bài phê bình tác phẩm mới của các cây bút tiêu biểu: Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Hoàng Thiếu Sơn, Phạm Mạnh Phan…

+ Văn sưu tầm dịch thuật: Chúng tôi tập trung vào phần sao lục, trích dịch, hiệu đính các tác phẩm văn học cổ.

2.2. Mục đích nghiên cứu:

Luận án đi vào khái quát một cách hệ thống về diện mạo của bộ phận văn học trên Tri tân tạp chí. Từ đó, tìm hiểu đặc điểm về nội dung và hình thức của các thể loại Văn trên Tri tân.

Đồng thời, xác định vai trò, vị trí, sự đóng góp cũng như mặt hạn chế của Văn trên Tri tân và lí giải sự hình thành, suy vong của các thể loại văn học Việt Nam những năm 40 của thế kỷ XX.

Luận án khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa báo chí và văn học trong quá trình hiện đại hóa văn học và vai trò của tạp chí Tri tân đối với đời sống báo chí, văn chương, học thuật nửa đầu thế kỷ XX cũng như nội lực của nền văn học dân tộc.

2.3. Nhiệm vụ nghiên cứu:

Để hoàn thành mục đích nghiên cứu, luận án sẽ tiến hành giải quyết các nhiệm vụ cơ bản sau:

Khảo sát, thống kê một cách chi tiết cụ thể về mảng văn qua hơn 5000 trang văn bản Tri tân.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

Trên kết quả khảo sát, luận án sẽ phân tích lí giải nguyên nhân xuất hiện, quá trình hình thành, hưng thịnh và suy vong của các thể Văn trên Tri tân. Từ đó, khái quát sự vận động của các thể văn trên Tri tân trong sự so sánh đối chiếu với văn trên các báo, tạp chí trước và cùng thời với Tri tân.

Định vị vai trò của mảng Văn trên Tri tân nói riêng và tạp chí Tri tân trong đời sống báo chí và văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 2

3. Giới thuyết khái niệm Văn

Trong quá trình tiếp cận Tri tân, chúng tôi nhận thấy: Đặc điểm riêng của tờ tạp chí này là chất khảo luận văn học nổi lên như một điểm nhấn làm cho khuôn diện của tạp chí Tri tân không lẫn, không nhòa vào bất cứ một khuôn diện nào khác. Là một tạp chí văn hóa, Tri tân là địa hạt thuận lợi cho các nhà văn, nhà nghiên cứu thể nghiệm. Tạp chí dành sự ưu ái cho các bài khảo cứu về văn hóa, văn học, lịch sử dài kỳ; các bài

nghiên cứu, nhất là các bài phê bình tác phẩm mới; tiểu thuyết lịch sử; các bài ký khảo cứu và các vở kịch lịch sử…

Khi sử dụng khái niệm Văn (mà không phải là văn học hay văn chương), chúng tôi đã cân nhắc tìm hiểu công phu về vấn đề này để lựa chọn và đưa ra quyết định cuối cùng. Trước hết, Văn là một phạm trù rộng, một khái niệm đa nghĩa, đa sắc thái. Theo Hán ngữ đại từ điển, Văn có 27 nghĩa, trong đó quá nửa nét nghĩa tồn tại trên cả hai bình diện: Tác phẩm văn học và quan niệm văn chương. Như vậy, nội hàm khái niệm Văn mở rộng từ văn lý thuyết mang tính lý luận (văn nghiên cứu, dịch thuật) đến văn sáng tác (các thể loại văn học); từ khái niệm văn bản văn học (với tư cách là một ngành khoa học ngữ văn chuyên nghiên cứu tác phẩm văn học) đến văn chương (Nghĩa rộng là tác phẩm văn nói chung, bao gồm cả triết học, chính trị, lịch sử, quân sự, văn học…, nghĩa hẹp hơn là tác phẩm văn học, nghệ thuật ngôn từ, thường chỉ tác phẩm thơ). Do đó, luận án không sử dụng khái niệm văn chương hay văn học để thay thế bởi cái lõi của các thuật ngữ này đều nằm trong và bị bao ở khái niệm rộng hơn, bao trùm hơn là Văn. Hơn nữa, một dấu hiệu đặc thù của nền văn học trung đại Việt Nam là tình trạng văn – sử bất phân, với tinh thần “phục cổ”, Tri tân đã thực hiện sứ mệnh khai quật những di sản văn hóa, văn học cổ, cho nên biên độ của khái niệm Văn sẽ được mở rộng hơn, phù hợp hơn với đối tượng, phạm vi, mục đích nghiên cứu của luận án.

Đề tài dựa trên cơ sở lý thuyết về phương thức sáng tác và thể loại văn học làm căn cứ để phân loại, phân tích, nhận định, đánh giá những ưu thế và hạn chế của mảng Văn trên Tri tân. Do vậy, khái niệm Văn được chúng tôi sử dụng trong luận án có ý nghĩa bao quát toàn bộ những vấn đề thuộc về văn nghiên cứu phê bình, sưu tầm dịch thuật, văn sáng tác, văn khảo cứu về các đề tài lịch sử, văn hoá, tôn giáo, địa lý, dân tộc, triết học… Đồng thời khái niệm này có ý nghĩa khu biệt với khái niệm văn báo chí. Nghĩa là những bài mang tính thời sự chính trị (trong mục Thời đàm,Tin vắn hàng tuần) hay những trang mục quảng cáo trên tạp chí không thuộc phần khảo sát của luận án.

Như vậy, luận án sẽ khảo sát trực tiếp mảng văn chương sáng tác trên Tri tân (trong mục Tuỳ hứng, truyện ngắn, du ký, kịch, tiểu thuyết); văn khảo cứu phê bình, sưu tầm dịch thuật (trong chuyên mục Sử liệu sống, chuyện thơ, giai thoại văn học, phê bình tác phẩm mới, dịch thơ Ta, dịch thơ Tây…). Tuy nhiên, trong khi phân loại và nghiên cứu để khái quát đặc điểm của các thể văn trên Tri tân, chúng tôi cũng dựa theo tiêu chí nguồn gốc, đề tài, thể loại.

4. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện nhiệm vụ mà đề tài đặt ra, luận án sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu và các thao tác sau:

4.1. Phương pháp nghiên cứu văn học sử

Đây là phương pháp chủ đạo xuyên suốt quá trình nghiên cứu của luận án. Sử dụng phương pháp nghiên cứu này, người viết đặt Tri tân trong bối cảnh lịch sử sinh thành, tồn tại, tiếp diễn của tạp chí trong lịch sử báo chí và văn học nửa đầu thế kỷ XX (nhất là những năm 40). Vận dụng phương pháp này chúng tôi phục dựng diện mạo phần văn trên Tri tân một cách có hệ thống. Từ đó, luận án phân tích đánh giá về vai trò, vị trí của tác giả, tác phẩm, đặc biệt về các thể loại loại văn học trên tạp chí Tri tân.

4.2. Phương pháp so sánh

Đây cũng là một phương pháp nghiên cứu quan trọng. Đối chiếu đồng đại và lịch đại với một số báo và tạp chí trước hoặc cùng thời với Tri tân để từ đó, nhìn nhận đối tượng như một bộ phận trong tính chỉnh thể cũng như quá trình vận động liên tục của nó.

4.3. Phương pháp tích hợp - liên ngành

Luận án sử dụng phương pháp này với mục đích nhìn nhận đối tượng trong mối liên hệ giữa văn học với lịch sử, chính trị, văn hóa, triết học, báo chí… nhằm xem xét đối tượng một cách đa chiều, soi chiếu trên nhiều phương diện khác nhau

4.4. Thao tác thống kê - phân loại:

Thao tác này là cơ sở, giúp người nghiên cứu có những đánh giá, nhìn nhận chính xác và khách quan từ những số liệu thống kê, phân loại cụ thể về các thể loại, tiểu loại văn học trên Tri tân.

4.5. Thao tác phân tích - tổng hợp

Thao tác này được vận dụng một cách thường xuyên trong quá trình nghiên cứu. Phân tích tác phẩm, sự hình thành, phát triển, thoái trào của các thể loại văn học sẽ làm cơ sở cho việc tổng hợp thành những vấn đề cần đạt được trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu. Phương pháp tổng hợp sẽ nhằm quy nạp các vấn đề đã nghiên cứu một cách tổng quát sau khi đã luận giải chi tiết. Với cách nhìn khái quát đó, công trình nghiên cứu sẽ có diện mạo đầy đủ và sâu sắc hơn.

5. Đóng góp mới của luận án

Về mặt tư liệu: Luận án là công trình đầu tiên phục dựng, nhìn nhận đánh giá hệ thống và toàn diện về mảng Văn trên Tri tân tạp chí, góp một tư liệu thực sự có ý nghĩa cho chuyên ngành văn học sử.

Về mặt lý luận: Luận án góp phần lí giải sự hình thành, phát triển, thậm chí suy vong của các thể loại văn học hiện đại Việt Nam trên cơ sở lý luận về thi pháp thể loại.

Về mặt thực tiễn: Khẳng định giá trị của bộ phận văn học trên tạp chí Tri tân đối với đời sống văn học nửa đầu thế kỷ XX.

Định vị vai trò của Tri tân tạp chí trong quá trình sinh thành, diễn tiến của báo chí và văn học nửa đầu thế kỷ XX.

Nghiên cứu Văn trên Tri tân tạp chí, nhất là đối với mảng văn khảo cứu, phê bình hay các thể loại, thể tài văn học như tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử, du ký thực sự giúp ích cho công việc học tập và giảng dạy các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học cận hiện đại Việt Nam.

6. Cấu trúc của luận án

Ngoài phần: Mở đầu, Kết luận, phần nội dung luận án có bốn chương: Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu Văn trên Tri tân tạp chí.

Chương 2: Tri tân tạp chí trong sự hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam những năm 1940-1945.

Chương 3: Văn sáng tác trên Tri tân tạp chí.

Chương 4: Văn khảo cứu, phê bình và sưu tầm dịch thuật trên Tri tân tạp chí.

PHẦN NỘI DUNG‌

Chương 1‌

TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VĂN TRÊN TRI TÂN TẠP CHÍ

Tri tân là một tạp chí ra đời và phát triển trong một bối cảnh đặc biệt. Tình hình chính trị trên thế giới diễn ra những biến động dữ dội, chứa đựng các mâu thuẫn chồng chéo, phức tạp. Thế chiến lần thứ hai bùng nổ cùng với sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít… đã tạo nên tâm lý hoang mang, bất ổn trong nhân loại, nhất là đối với các dân tộc thuộc địa.

Ở trong nước, những năm 40 của thế kỷ XX, không khí chính trị cũng bức bối, căng thẳng; tình hình văn hóa, tư tưởng thì bộn bề, đa tạp; đời sống báo chí và văn học bị kiểm soát ngặt nghèo... Trước tất cả khó khăn, thách thức ấy, Tri tân tạp chí vẫn vượt qua và đứng vững để hoàn thành sứ mệnh: “Xây dựng một nền văn hóa chân chính cho nước nhà” (Lời Phi lộ).

Theo dõi lịch trình nghiên cứu về Tri tân tạp chí và những vấn đề có liên quan đến việc tìm hiểu, nghiên cứu về bộ phận văn học trên tạp chí Tri tân từ trước tới nay, chúng tôi tập hợp, tiếp nhận và đánh giá thành tựu của những công trình đi trước trên ba phương diện:

Thứ nhất, đặt Tri tân tạp chí trong những công trình nghiên cứu về báo và tạp chí nửa đầu thế kỷ XX, luận án xác định vai trò của báo chí nói chung và tạp chí Tri tân nói riêng đối với lịch sử báo chí và nền văn chương hiện đại.

Thứ hai, đặt Tri tân tạp chí trong những công trình nghiên cứu về văn học, luận án nhấn mạnh đến mối quan hệ gắn bó, tương tác không thể tác rời giữa báo chí và văn học.

Thứ ba, từ những công trình trực tiếp nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn về Tri tân tạp chí, chúng tôi phân tích, đánh giá những vấn đề có liên quan mật thiết đến đề tài, những vấn đề còn tồn tại. Từ đó, luận án nêu lên vấn đề mà đề tài sẽ tập trung nghiên cứu và giải quyết.

1.1. Tri tân trong những công trình nghiên cứu về báo, tạp chí nửa đầu thế kỷ XX.‌

Không phải là một hiện tượng đột hiện trong văn học Việt Nam, có thể khẳng định, tạp chí Tri tân ra đời do nhu cầu bức thiết của lịch sử văn học và lịch sử dân tộc. Ở phần này, chúng tôi đặt tạp chí Tri tân trên nền phát triển của lịch sử báo chí nói chung để thấy Tri tân đã kế thừa báo chí đi trước trên hai phương diện: Sự phát triển của

báo chí từ khởi thủy đến trước khi Tri tân ra đời và sự phát triển của văn học trên báo chí từ tờ báo Quốc ngữ đầu tiên (Gia Định báo, 1865) đến khi tạp chí Tri tân ra đời.

Báo chí Việt Nam xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX và thực sự dành được địa hạt, nguồn sống riêng từ những năm 20 của thế kỷ XX. Trong rất nhiều điều kiện, nguyên nhân thúc đẩy sự ra đời của nền báo chí tiếng Việt, cần phải khẳng định nguyên nhân có ý nghĩa tiên quyết là do âm mưu xâm lược và đồng hóa của chính quyền thực dân. Song, người Việt Nam (nhất là người trí thức) với tinh thần dân tộc, với niềm tự tôn, tự hào về truyền thống, đặc biệt với bản lĩnh của mình đã nắm lấy cơ hội, xoay chuyển tình thế, âm thầm xây dựng một nền báo chí tiếng Việt tồn tại độc lập, song hành với báo chí tiếng Pháp.

Khi nghiên cứu về Lịch sử báo chí Việt Nam, các ông Huỳnh Văn Tòng, Hồng Chương, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thành… dù có những cách lập luận và dẫn giải khác nhau song tựu chung lại các nhà nghiên cứu đều thống nhất khẳng định vai trò, vị trí của báo chí đối với văn học, đặc biệt là về mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa báo chí và văn học. Báo chí là cái nôi nâng đỡ, tạo đà cho văn học phát triển và văn học làm cho khuôn diện và đời sống báo chí thêm phong phú, đa sắc. Hơn nữa, sự ra đời và phát triển của báo chí Việt Nam đã đánh dấu một bước trưởng thành của nền quốc văn Việt Nam.

Tác giả Huỳnh Văn Tòng trong công trình Lịch sử báo chí Việt Nam, từ khởi thuỷ đến năm 1930 (1973) đã sớm xác định vai trò của báo chí Việt Nam trên cả hai phương diện: chính trị và văn học. Về phương diện văn học, ông đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của báo chí trong việc khai sinh, truyền bá, thúc đẩy chữ Quốc ngữ phát triển. Bởi đó là điều kiện thuận lợi mở ra cơ hội tiếp xúc với những chân trời tri thức mới và dần dần hiện đại nền văn học nước nhà: “Chính báo chí là phương tiện duy nhất lúc bấy giờ đã cho phép nhà văn phổ biến trong dân chúng nền văn học mới, nền văn học chữ Quốc ngữ cùng với những tư tưởng, những học thuyết Tây phương (…). Tuy nhiên trên thực tế, những nhà trí thức Việt Nam lúc bấy giờ đã biết lợi dụng chính sách tuyên truyền văn hóa của người Pháp để phục vụ và làm cho hoàn hảo nền văn học nước nhà còn ở trong tình trạng phôi thai” [188, 119].

Mặc dù Nam Kỳ được coi là cái nôi đầu tiên của báo chí và chữ Quốc ngữ, nhưng Bắc Kỳ lại là địa hạt để báo chí trưởng thành, lớn mạnh đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ ươm mầm cho nền văn chương hiện đại Việt Nam. Hầu hết báo chí miền Bắc giai đoạn trước năm 1930: “Chỉ chú trọng vào vấn đề văn chương, khảo cứu lịch

sử, nhờ đó góp phần tích cực vào văn học” [188, 184]. Đến giai đoạn sau (1940-1945), có thể thấy mảng văn chương hoài cổ là đặc thù của báo chí miền Bắc. Bởi so với Nam Kỳ, chính quyền thực dân đã áp đặt một quy chế chính trị chặt chẽ, thu hẹp quyền tự do của nhà văn, nhà báo ở Bắc Kỳ. Cho nên, ký giả miền Bắc không được phát biểu ý kiến cởi mở như ở Nam Kỳ, họ chỉ còn một cách quay về với các di sản tinh thần trong quá khứ qua việc tìm kiếm, thu lượm, sưu tầm, giới thiệu các bài văn cổ. Đây là một điểm khả thủ để lí giải vì sao, trong sự tăng tốc của báo chí và văn học hiện đại, lại định vị một dòng riêng luôn tìm về văn hóa, văn học quá khứ. Đồng thời, việc tìm nguồn ấy cũng chính là vùng đất sống cho các tờ báo, tạp chí sinh tồn trong thời điểm chính trị nhạy cảm như Nam phong, Thanh nghị, Tri tân…

Tiếp thu ý kiến của ông Huỳnh Văn Tòng, tác giả Đỗ Quang Hưng thêm một lần nữa khẳng định về mối quan hệ mật thiết giữa báo chí với văn học, nhà báo với nhà văn:

Trong cuốn Nhập môn văn học Việt Nam, M. Durand và Nguyễn Trần Huân đã nhìn nhận báo chí từ một bộ phận của tiến trình văn học và được coi là một chương của bộ sách này, với ý nghĩa như một thể loại, một động lực của văn học. Vấn đề cũng không chỉ là phương tiện. Một thời gian dài gần như tất cả các sáng tác văn học, kể cả dịch thuật đều đăng tải trên báo chí (…) Vấn đề còn là, khi văn chưa tách khỏi báo (giữa thập kỷ 30 về trước) thì phần lớn các nhà văn đều phải đi từ nghề báo [79, 234-235].

Điểm khác biệt của báo chí Việt Nam so với báo chí phương Tây là ra đời trước và tạo nên nền văn học hiện đại. Điều đó cũng lí giải vì sao nhiều tờ báo không hề có chủ trương về văn học, nghệ thuật nhưng chính những chuyên mục “ngoài lề” đó lại luôn có sức thu hút độc giả.

Chẳng hạn như Gia Định báo (1865), tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ ở Việt Nam do Soái phủ Nam Kỳ - ông Ernest Potteau khởi lập, sau đó chuyển cho Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm vai trò chính. Đây cũng là tờ công báo của chính phủ thuộc địa, có cấu tạo gồm hai phần: Phần chính đăng các công văn, nghị định, thông tư, những tài liệu chính thức của chính phủ Pháp và những tin tức trong nước. Phần phụ đăng những bài nghiên cứu về lịch sử, thơ, truyện cổ tích… Tuy nhiên, phần phụ lại được số đông độc giả quan tâm chú ý nhiều hơn. Mặc dù là tờ báo ra đời vì mục đích chính trị nhưng Gia Định báo lại góp phần xây dựng căn bản cho báo chí nước nhà và hướng tới mục tiêu tạo dựng một nền quốc văn độc lập. Vai trò khởi đầu của tờ báo này có ý nghĩa đặt nền móng cho báo chí và văn học nước nhà.

Một tờ báo lớn như Đông Dương tạp chí trong quá trình tồn tại cũng dần dần dịch chuyển và thay đổi khuynh hướng cho phù hợp với tâm lí của độc giả. Nếu như ở giai đoạn đầu, Đông Dương tạp chí (từ số 1 đến số 85, ra ngày 15/05/1913- 31/12/1914) chủ yếu tập trung đăng tải tin tức, thời sự, mảng văn chương còn mờ nhạt thì đến giai đoạn sau (từ số 86 đến số 102, ra ngày 10/01/1915- 31/12/1916) bản báo lại chú trọng đến việc đăng tải mảng văn chương, học thuật. Đặc biệt hơn, đến Đông Dương tạp chí, văn phong tiếng Việt đã: “Bắt đầu được cấu kết có mạch lạc trôi chảy. Có thể tạm gọi là thời kỳ khởi đầu của nền văn học chữ Quốc ngữ” [188, 92].

Cũng như vậy, với các tờ báo chủ trương về kinh tế (Nông cổ mín đàm, 1901- 1924), tôn giáo (Vì chúa, ra đời 1936) thì chuyên mục: “Văn uyển (vườn văn), thậm chí trang văn học, trang tiểu thuyết (dịch, sáng tác) thường kỳ trở nên một chuyên mục câu khách” [79, 235]. Nếu báo chí Việt Nam sản sinh ra nền văn học hiện đại Việt Nam thì tương quan lại, văn học chính là điều kiện cần thiết cho vận mệnh sinh tồn của một tờ báo.

Bùi Đức Tịnh khi tìm hiểu Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ mới (1865-1932), (2002, tái bản lần 2) cũng đã xác định báo chí như một bộ phận của nền văn học hiện đại Việt Nam. Cho nên khi nghiên cứu các thể loại văn học mới (truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ) ông rất quan tâm đến báo chí với tư cách là môi trường thúc đẩy sự sinh sôi, nảy nở của các thể loại văn học: “Sở dĩ cần quan tâm nhiều đến báo chí là vì đó là bộ môn tiền phong của nền văn học mới. Đồng thời, đó cũng là môi trường để nảy sinh và phát triển của tất cả các bộ môn khác như tiểu thuyết, thơ, văn nghị luận, phê bình…” [185, 13].

Ngay từ khi tìm hiểu về những tờ báo đầu tiên, ông cũng đã khẳng định vai trò của chúng đối với văn học. Với Gia Định báo thì việc: “Truyền bá thứ chữ viết dùng mẫu tự La Tinh để ghi âm thanh của tiếng Việt cần được lưu tâm đến khi nghiên cứu những bước đầu của nền văn chương hiện đại” [185, 29]. Với những tờ như Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn một mặt: “Để thực hành sứ mạng giúp đồng bào văn minh tiến bộ hơn”, mặt khác, “Góp công xây dựng nền quốc văn mới trong giai đoạn chuyển tiếp từ văn chương cổ điển sang văn chương hiện đại” [185, 35].

Báo chí càng phát triển phong phú thì càng phân hóa phức tạp. Có thể hình dung lược trình của nền báo chí tiếng Việt như sau:

Lúc đầu báo chí ra đời do nhu cầu thống trị và xâm lăng văn hóa của chủ nghĩa thực dân nên mang tính chức năng. Chính quyền thực dân dùng báo chí chủ yếu nhằm

Xem tất cả 185 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí