Người Phụ Nữ Và Những Cuộc Chiến Vẫn Còn Nhức Nhối

đang ngày càng tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, những thành tựu to lớn do công cuộc đổi mới đem lại đang mở ra những cơ hội và thách thức cho người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh đó, để đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, nghiên cứu về giới ở Việt Nam đã có những bước phát triển mới.

Ý thức về giới một cách tự giác đã ăn sâu vào tâm thức của các nhà văn nữ và tạo nên âm hưởng nữ quyền trong văn học. Hình tượng người phụ nữ với những giá trị phẩm chất cũng như giá trị tinh thần vốn xưa nay thường được nhìn nhận, đánh giá dưới đôi mắt của nam quyền, thì giờ đây đã được nhìn nhận bằng đôi mắt của chính họ - những người phụ nữ. Nếu như ở Trung Quốc, lớp nhà văn nữ sinh ra vào thập kỉ 70 xuất hiện khá nhiều và tác phẩm của họ gây ấn tượng; ở Pháp thập kỉ 90 của thế kỉ trước chứng kiến giới văn chương nữ đã sánh vai nam giới; ở châu Phi từ những năm 80 trở đi, một thế hệ thứ hai các cây bút nữ đã xuất hiện tạo ra một hiện tượng xâm lấn, đôi khi có tính lật lại trật tự trên văn đàn; ở Nga văn xuôi nữ mạnh dạn cất tiếng nói về bản thân vào những thập niên 80-90; thì ở Việt Nam từ sau những năm đổi mới và đặc biệt là từ thập kỉ 90 trở đi, văn xuôi nữ đã thực sự chiếm ưu thế trên văn đàn. Từ năm 1986 đến nay, nền văn học Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng tác giả lần tác phẩm, nhất là tác phẩm của các tác giả trẻ. Sự góp mặt của hàng loạt cây bút nữ thực sự tài năng như Phạm Thị Hoài, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Đỗ Hoàng Diệu, Phong Điệp, Di Li, Nguyễn Ngọc Tư,... đã mang đến cho văn đàn những tiếng nói mới mẻ. GS Phương Lựu đã nhận xét: “Đây là hiện tượng tốt đẹp, đánh dấu một phương diện phát triển của văn học” [25].

3.2. Xác lập một lối viết nữ

Nếu như trước đây, văn xuôi viết về người phụ nữ thường theo hướng phê phán hay ngợi ca từ cái nhìn đạo đức, chỉ sử dụng nhân vật nữ để chuyển tải một

quan niệm, tư tưởng thì trong văn xuôi thời kỳ đổi mới, việc xem phụ nữ như một khách thể thẩm mỹ độc lập, như một thế giới riêng đầy bí ẩn và hấp dẫn cần được khám phá và lý giải đã trở thành một trào lưu văn học mới. Có thể nói, chưa bao giờ người phụ nữ lại giành được sự quan tâm lớn của đông đảo người cầm bút như hiện nay. Thậm chí, chỉ nhìn qua tên tác phẩm, người đọc cũng có thể phần nào thấy được thế giới phụ nữ qua cái nhìn của nhà văn hôm nay đa dạng và đa sự đến nhường nào. Bằng kinh nghiệm của bản thân, các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn nữ thoải mái phô bày đời sống của người phụ nữ ở tầng sâu bản thể. Họ đem đến cho văn học những trải nghiệm mới, những hiểu biết mới về người phụ nữ. Thông qua những trang viết đầy nữ tính, các nhà văn nữ đã trình bày những quan niệm độc đáo về đời sống và về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Âm hưởng nữ quyền đã in dấu đậm nét trong văn xuôi nữ Việt Nam đương đại, đặc biệt là từ sau năm 1986.

Như chúng tôi đã từng đề cập trong phần giới thiệu tổng quan tình hình nghiên cứu về phái tính và nữ quyền ở các nước phương Tây, vào khoảng giữa thế kỷ XX, trong khi trường phái nữ quyền Anh – Mỹ thời kỳ này chú trọng đến nền văn chương của chính nữ giới với việc đề cao người đọc, người viết là nữ giới và về nữ giới thì các nhà phê bình nữ quyền luận Pháp lại chú ý đến vấn đề cấu trúc luận. Ở đó, họ tìm kiếm những cách thức khả thể cho cách viết của nữ giới, đặt trọng tâm vào một lối viết “thân thể” với những đặc trưng chỉ nữ giới mới có, để phân biệt với nam giới. Thuật ngữ “Écristure féminine” (lối viết nữ) được coi là diễn ngôn chính thức của nữ giới trong thời kỳ này mà đại biểu là Hèlène Cixous. Điểm trọng tâm trong lý thuyết của Cixous là mối quan hệ giữa giới tính và diễn ngôn, để từ đó hình thành nên một phong cách riêng của nữ giới hay còn gọi là một lối viết nữ. Hèlène Cixous khẳng định rằng trong nhiều thế kỷ qua, người phụ nữ hoàn toàn vắng bóng trong hoạt động diễn ngôn. Họ không được bộc lộ lời nói, suy nghĩ của mình, không được tạo ra các mối quan hệ tương tác để hình thành nên sự giao tiếp với các cá thể xã hội. Vì vậy, thế giới bên trong của nữ giới hoàn toàn khép kín và

họ cũng bị cấm vận với cuộc sống xã hội. Hèlène Cixous cũng thẳng thắn cho rằng sự ngây thơ của người phụ nữ đồng nghĩa với sự ngu dốt khi những tri thức đời sống và khoa học hoàn toàn kín bưng trước con mắt của họ.

Ở Việt Nam, Tạp chí Văn học và ngôn ngữ ra ngày mồng 3 tháng 3 năm 2012 từng có cuộc phỏng vấn một số cây bút trẻ về việc có hay không khái niệm gọi là dòng văn học nữ tính hay lối viết nữ tính. Câu trả lời được chia thành hai “phái” khá dứt khoát là (thể hiện đậm nét ở mục đích viết, phương thức diễn đạt, nghệ thuật xây dựng tác phẩm, quan niệm và cách cảm nhận về thế giới con người,…) và không (bởi cho rằng nếu khi định danh như vậy thì cũng đồng nghĩa với việc xây dựng giới tính trong văn học).

Chúng tôi cho rằng khi chúng ta tiếp cận tác phẩm của những cây bút nữ đương đại trên một diện rộng thì chúng ta sẽ nhận thấy ngay có một cách viết nữ rất riêng, có những đặc trưng khác hoàn toàn so với nền văn học truyền thống do những cây bút nam thể hiện khi họ chiếm lĩnh gần như hoàn toàn văn đàn thời phong kiến. Một điều chắc chắn mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là khi người phụ nữ đặt bút sáng tác thì trên trang giấy của họ xuất hiện đồng thời cái bóng riêng biệt của nữ giới trong cái bóng lớn của môi trường văn hoá – xã hội. Lối viết nữ được hình thành như là một sự lựa chọn, một phép ứng xử, một kỹ thuật tạo tác văn bản để thể hiện phái tính và nữ quyền. Theo chúng tôi, một lối viết nữ được xác lập là khá rõ ràng và chúng tôi đặt ra cho mình nhiệm vụ là tìm hiểu xem lối viết ấy được thể hiện như thế nào trong các tác phẩm của những nhà văn nữ viết về nữ giới; và những đặc trưng của lối viết nữ ấy khác biệt với lối viết nam ra sao. Trong khả năng nhận thức còn hạn hẹp của mình, chúng tôi xin đưa ra bốn đặc trưng cơ bản của lối viết nữ trong văn học Việt Nam đương đại và coi đó như “hành trình tìm lại bản ngã” của những người phụ nữ, đó là đặc trưng về hình tượng nhân vật nữ qua sáng tác của các nhà văn nữ; Về vấn đề “xét lại” thế giới đàn ông bằng cái nhìn đàn bà; Về không gian, thời gian, xung đột – bức tranh thế giới qua con mắt phụ nữ; Về

ngôn ngữ giọng điệu như một bước đột phá của ý thức phái tính; Và khuynh hướng tự truyện như một mô thức đặc thù của lối viết nữ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 173 trang tài liệu này.

3.3. Hành trình tìm lại bản ngã

3.3.1. Nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà văn nữ

Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu - 10

Ngược dòng lịch sử, chúng ta chứng kiến sự ảnh hưởng sâu đậm của lễ giáo phong kiến Trung Hoa ở Việt Nam trong suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Mặc dù tín ngưỡng dân gian mang tính bản địa ở Việt Nam là Đạo Mẫu và những gì liên quan đến người mẹ trong văn hóa Việt Nam đều rất thiêng liêng; thế nhưng những tư tưởng nặng nề của Tam cương, ngũ thường; Tam tòng, tứ đức thì vẫn còn đeo đẳng và việc đi tìm lại bản sắc của dân tộc mình, của chính mình (đặc biệt là với người phụ nữ) là một hành trình thật gian nan.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống kinh tế xã hội và tư tưởng con người cũng thực sự đổi thay. Trong bối cảnh xã hội mới, vai trò, vị trí của người phụ nữ được thừa nhận, đề cao và khẳng định. Họ tham gia ngày càng đông vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, trong đó có sáng tạo nghệ thuật. Văn học là một lĩnh vực được nhiều người phụ nữ quan tâm bởi trên văn đàn, họ được trải nghiệm, được giãi bày và được sẻ chia. Nếu như ở các giai đoạn văn học trước (giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945 hay giai đoạn từ 1945 đến 1975), ưu thế thuộc về các nhà văn nam như Nam Cao, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu,… thì văn học đương đại phần đông gắn với các tên tuổi như Phạm Thị Hoài, Thuận, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Dạ Ngân, Di Li, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu,… Trong bài viết Truyện ngắn và cuộc sống hôm nay đăng trên Tạp chí văn học số 2 (năm 1994), nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Số lượng các tác giả nữ, lại tỏ ra khá chắc tay trong cái dàn chung, đem đến cho văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng một sinh khí mới cần thiết để thể hiện bề sâu cuộc sống con người hôm nay.

Dõi theo tiến trình của lịch sử văn học, chúng ta có thể nhận thấy hình tượng người phụ nữ đã được xây dựng, đã được đưa vào vị trí trung tâm trong cảm hứng sáng tác của các tác giả ở nhiều thời kỳ, qua nhiều thời đại. Thế nhưng, chỉ khi đến với dòng chảy của văn học nữ đương đại thì hình tượng người phụ nữ mới được đặt ở vị trí trọng tâm, mới bộc lộ những yếu tố bên trong vốn thuộc “phái” mình, và mới xuất hiện với mật độ dày đặc trong văn học. Xét về tính chất, theo chúng tôi, hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của nam giới thường mang tính hình tượng

– biểu tượng; còn nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà văn nữ thường mang tính hình tượng – bộc lộ. Những người phụ nữ như muôn đời nay vẫn thế, họ cần được giãi bày và sẻ chia. Bằng các trang viết của mình, các nhà văn nữ thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến số phận, hạnh phúc và quyền sống của giới mình. Cuộc sống hiện đại với nhiều trắc trở, khó khăn, người phụ nữ còn có nhiều nỗi khổ cần được đồng cảm, còn nhiều nỗi đau cần được sẻ chia. Và họ đã tìm thấy trong văn học nói chung và văn xuôi nói riêng một chỗ dựa cho sự truyền tải thế giới tâm hồn đa cảm của mình thông qua những nhân vật nữ trong tác phẩm. Và có lẽ theo quy luật đồng thanh tương ứng, lúc đầu chỉ là sự xuất hiện của một vài cây bút nữ, rồi những người khác, qua tác phẩm của những người đi trước, tìm thấy một sự đồng cảm nào đó và cũng muốn được cầm bút để trải lòng,… Và cứ như vậy, văn học nữ đương đại nở rộ và tạo thành một dòng chảy. Ở dòng chảy chung đó, họ được tự do phơi mở cái tôi cá nhân của chính mình với những giọng điệu riêng, cách thức riêng. Họ thẳng thắn đối thoại lại những quan niệm cũ về những mẫu hình nữ giới xưa vốn bị đóng khung bằng Tam tòng, tứ đức. Họ mạnh dạn thể hiện sự thức tỉnh ý thức cá nhân, khát vọng cá nhân ở tầng sâu bản thể và khẳng định giá trị sống của mình. Hơn nữa, khi nhà văn nữ viết về phụ nữ, thì cũng có nghĩa họ đang hướng ngòi bút về chính mình. Điều này khiến các nhà văn nữ viết về giới của chính họ thường có cái nhìn sâu sắc hơn, triệt để hơn và thấu đáo hơn. Nhà văn nữ viết nhiều về phụ nữ vì theo đặc trưng tâm lý, họ sống trong sự hướng nội, luôn mong muốn đi tìm sự đồng cảm (điều này khác với nam giới là tâm lý hướng ngoại, thích phân tích và

chiếm lĩnh). Bên cạnh đó, các nhà văn nữ cũng muốn thông qua nhân vật nữ để thể hiện tâm hồn mình, bản thân mình. Điều đó cũng thật dễ hiểu khi nhà văn Lê Thị Huệ bộc bạch một cách khá chân thành nhưng cũng rất quyết liệt trong một cuộc phỏng vấn dành cho 10 nhà văn nữ trong và ngoài nước về vấn đề có một cách viết nữ hay không: “Một trong những lý do tôi cầm bút có lẽ vì đã phải đọc quá nhiều tác phẩm do đàn ông viết. Thưở còn học trung học, tôi thường tự hỏi là tại sao mình phải học đi học lại những câu thơ của Nguyễn Công Trứ “Chí làm trai dọc ngang ngang dọc / Nợ tang bồng vay trả trả vay”. Tôi thấy tôi chẳng dính tí xíu vào trong đấy cả. Nghĩa là tác giả viết những câu thơ ấy cho các độc giả nam của ổng. Tôi là con gái đâu có được xơ múi gì trong bài thơ trên sao lại bắt tôi học thuộc và bình đi bình lại hoài vậy” [151]. Còn với Phạm Thị Hoài thì “cái tôi tác giả” là sự tự giác cao về phái tính: “Đàn ông Việt Nam thường thừa nhận đàn bà Việt Nam lắm đức hạnh, ít nhất là cái đức chịu khó chịu thương. Song họ quên rằng phần lớn cái đức đàn bà ấy, nhất là cái đức chịu khó và cả chịu thương nữa, chỉ là cái khôn của cảnh khó. Nhân vật nữ của tôi bày tỏ rõ ràng khát vọng được ít đức hạnh đi một chút, được chia đều đức hạnh cho đàn ông gánh bớt [6]. Tương tự, Y Ban khẳng định: “Nói chính xác thì tôi đang vẽ chân dung giới mình. Khi tôi đặt bút viết về thân phận một người đàn bà nào đó, tôi đã hoá thân vào họ, kể lại những câu chuyện của họ. Tôi chỉ có một gương mặt. Còn hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm của tôi thì có nhiều gương mặt khác nhau. Tất nhiên các gương mặt ấy có một phần gương mặt của tôi” [148]. Nhà văn Thuận thì tâm sự: “Viết là để khám phá, một tác phẩm là một phiêu lưu để tác giả và người đọc đều tìm thấy cái tôi của mình. Viết không phải để kể chuyện, để tâm sự mà viết để vào vai người khác, để phiêu lưu, để được sống khác, để có thể nói được cho những người không thể nói về mình những điều rất khó nói” [6]. Còn Đỗ Hoàng Diệu thì kiên quyết: “Trước đây và cả bây giờ cũng vậy, tôi nghĩ gì viết nấy. Theo đúng những cái mà tôi có. Cũng có lúc gợn lên ý nghĩ viết thế này ai in, nhưng rồi lại tặc lưỡi: mình viết cho mình. Bố tôi sau khi đọc tập sách (Bóng đè) cũng bảo: “Viết khác đi, viết thế người ta không chấp nhận

được đâu, gây sốc thế đủ rồi”. Tôi nói với bố, cũng là nói với mình: nếu viết khác thì tôi không còn là tôi nữa” [6].

Như vậy, chúng tôi có thể khẳng định rằng người phụ nữ hiện đại viết văn “để được là chính mình” và họ đã viết bằng thái độ tự tin kiêu hãnh khác hẳn. Với những trang viết của mình, họ không còn ao ước “đổi phận làm trai” nữa mà “tấn công” trực diện vào những quan niệm đầy màu sắc nam quyền, tố cáo tình trạng bị “nhào nặn” thành phụ nữ theo những tín điều mà đàn ông đã áp đặt cho mình.

Viết về phụ nữ, bằng cảm quan và lòng trắc ẩn của mình, mỗi nhà văn nữ thường khai thác các nhân vật nữ của mình ở những bình diện tâm lý khác nhau, trong môi trường sống khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau,… nhưng tựu chung lại, họ đều muốn gửi gắm vào đứa con tinh thần của mình một thông điệp mang thiên tính nữ, hay nói một cách cụ thể, đó là những nhân vật nữ mang tính hình tượng – bộc lộ. Những nữ nhân vật sẽ trải lòng sau những trải nghiệm về cuộc sống thường nhật, sẽ bước ra từ những cánh cửa, xó bếp để cho một nửa nhân loại thấy mình và hiểu được mình – những tâm hồn người phụ nữ với tất cả yêu thương, khát khao cháy bỏng, với mong muốn tột cùng và cả những nhu cầu rất “người” chưa từng được văn học quá khứ gọi tên một cách trực diện.

Trong phần viết này, chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu những bộc lộ, bộc bạch của một số tác giả nữ tiêu biểu khi viết về những nhân vật nữ của mình trong cuộc sống đương đại qua ba luận điểm chính: Người phụ nữ và những cuộc chiến vẫn còn nhức nhối, Người phụ nữ và những khát khao hạnh phúc đời thường, Tính dục như một phương thức thể hiện bản ngã.

3.3.1.1. Người phụ nữ và những cuộc chiến vẫn còn nhức nhối

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của nam giới thường mang tính hình tượng – biểu tượng. Và hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh cũng được các nhà văn nam miêu tả với tính chất đó. Đi suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hình ảnh người phụ nữ luôn được các tác giả phác hoạ bằng những nét vẽ dung dị, mộc mạc nhưng luôn

phảng phất hơi thở của những bản hùng ca. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, họ là những người phụ nữ trong các đoàn dân công tải đạn, tải lương ra chiến trường “Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Họ là những người vợ không hề thua kém đức lang quân của mình khi “theo chồng đi phá đường quan”. Họ là những người mẹ sẵn sàng “dành cơm” cho con, cho Đảng “chẳng sợ tù gông chấp súng gươm” và sẵn sàng hy sinh thật anh dũng “Sống trong cát chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hình tượng người phụ nữ còn mang tính biểu tượng một cách rõ ràng hơn bởi sự gan dạ, bởi lòng quả cảm “Em là ai? Cô gái hay nàng tiên/ Em có tuổi hay không có tuổi/ Mái tóc em đây, hay là mây là suối/ Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông/ Thịt da em, hay là sắt là đồng”. Và sau đó, chính nhà thơ Tố Hữu đã tìm thấy lời giải đáp thật giản đơn mà chẳng hề đơn giản bởi “Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung/ Không giết được em người con gái anh hùng”. Với Nguyễn Đình Thi, hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong trên cao lộng gió “vai áo bạc, quàng súng trường” cũng chính là hình ảnh của những nhân vật nữ cụ thể như Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, Chiến trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi. Và sau này, hình ảnh chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi cũng đã ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần “còn cái lai quần cũng đánh”, chị Út Tịch, mặc dù mang bầu bảy tháng, vẫn xông pha giết giặc cứu nước. Chị trở thành nét son chói lọi về hình ảnh người phụ nữ yêu con và yêu nước thiết tha… Và còn rất nhiều, rất nhiều nữa những tấm gương người mẹ, người chị anh hùng như chị Sứ trong Hòn Đất, cô giao liên trong Chiếc lược ngà, mẹ Suốt ở Quảng Bình – Vĩnh Linh, hay thậm chí là người mẹ Tà Ôi trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ,… Họ là những nhân vật mang tính hình tượng – biểu tượng cho người phụ nữ sẵn sàng hy sinh vì đất nước, vì Tổ Quốc.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/09/2023