Tăng Cường Đầu Tư Cơ Sở Vật Chất Kỹ Thuật Phục Vụ Đào Tạo Nguồn Nhân Lực Ngành Đáp Ứng Nhu Cầu Thực Hành Kỹ Năng Nghề Du Lịch Cho Người Học


địa phương tham gia hoạt động, nâng cao mức sống, thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương”, nhằm góp phần xây dựng nền kinh tế, phát triển du lịch ở vùng ĐBSCL.

Trong hoạt động đào tạo, nhất là trong hệ thống trường nghề, cần thiết phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch để thực hiện có hiệu quả hoạt động thực hành, thực tập của người học. Việc đào tạo kỹ năng cho người lao động tại các doanh nghiệp du lịch phải được coi là hoạt động cần thiết, tiếp nối với hoạt động đào tạo của các nhà trường và được tiến hành thường xuyên. Mỗi doanh nghiệp có kế hoạch và nội dung đào tạo riêng phù hợp với nhu cầu thực tiễn của mình. Không nên quan niệm rằng, nhiệm vụ của nhà trường là phải đào tạo cho sinh viên có đầy đủ các kiến thức và kỹ năng để khi ra trường họ có thể đáp ứng ngay được tất cả các yêu cầu của doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong quá trình quốc tế hóa hiện nay, nguồn nhân lực ngành du lịch cũng cần phải được trang bị những tri thức, kỹ năng mang tính toàn cầu để đáp ứng sự phát triển của ngành du lịch trong bối cảnh quốc tế hóa, nhất là du lịch vùng có tốc độ giao lưu, hợp tác quốc tế và lượng khách quốc tế ngày càng phát triển như ĐBSCL. Vì vậy, nguồn nhân lực của ngành cần được bồi dưỡng năng lực đa văn hóa và học tập suốt đời. Từ đó, cần phải có những yêu cầu, đòi hỏi về xây dựng chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, kiểm tra đánh giá người học.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh đào tạo sau đại học về du lịch nhằm trang bị những kiến thức sau đại học và nâng cao kỹ năng thực hành nhằm xây dựng đội ngũ những người làm khoa học có trình độ chuyên môn về du lịch. Chất lượng nội dung đào tạo cần được kiểm định ở các cơ quan kiểm định đạt chuẩn quốc tế, tiến tới hệ thống bằng cấp được công nhận tương đương. Ngoài ra, việc tuyển chọn, cử người đi học sau đại học cần được tính toán, hoạch định một cách cẩn thận, khoa học và chính xác để mang lại lợi ích lớn,


tầm nhìn xa nhằm tránh lãng phí. Đặc biệt, cần cân nhắc chính sách xã hội hóa, vừa Nhà nước, địa phương, các doanh nghiệp và gia đình có điều kiện tham gia chính sách này và có những cam kết ràng buộc mang tính pháp lý.

Cần nhận thức rằng việc mở rộng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch với nhiều phương thức khác nhau, có thể đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề trong vùng, ngoại vùng và ngoài nước, đào tạo lại, đào tạo bổ sung tại các doanh nghiệp trong ngành du lịch với nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn, các lớp tập huấn, bồi dưỡng, bổ túc và cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên môn…

4.2.4 Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo nguồn nhân lực ngành đáp ứng nhu cầu thực hành kỹ năng nghề du lịch cho người học

Đơn vị đào tạo cần đầu tư tốt các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị đào tạo theo chuẩn khu vực, trong nước và quốc tế. Có thể kể đến hệ thống phòng thực hành tiêu chuẩn quốc tế cho ngành khách sạn với phòng ngủ, nhà hàng, dịch vụ bổ sung, khu vực lễ tân…; ngành lữ hành với mô hình văn phòng giao dịch, phần mềm giữ chỗ hàng không, phần mềm giữ chỗ khách sạn trong hệ thống phân phối toàn cầu…; phát triển mô hình thực nghiệm công ty trong đơn vị đào tạo nhằm tạo điều kiện cho người học áp dụng kiến thức vào trong tình huống thực tế mô phỏng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.

Tùy theo năng lực, các đơn vị đào tạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo theo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, các đơn vị đào tạo phấn đấu 100% thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục và đào tạo được áp


Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay - 19

dụng hình thức trực tuyến; 70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thưc hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp (blended learning); 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 30% được xử lý trực tuyến ở mức độ 4. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện ở các cơ sở đào tạo cần được thực hiện từ hệ thống quản lý hành chính điện tử, cập nhật các dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý sinh viên, quản lý giảng viên, quản lý giáo án, bài giảng số, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ quản lý điện tử; tích hợp với trang tin điện tử của nhà trường trên môi trường mạng ở tất cả các khóa học. Các cơ sở đào tạo du lịch phải đầu tư xây dựng và hoàn thiện cổng thư viện số (giáo trình, bài giảng, học liệu số) liên thông, chia sẻ với các cơ sở đào tạo khác nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo trong giáo dục, nhất là giáo dục đại học; triển khai hệ thống học tập trực tuyến (E-learning); khai thác, ứng dụng các phần mềm quản lý doanh nghiệp du lịch, khách sạn, lữ hành vào trong quá trình giảng dạy cho sinh viên.

Để nâng cao chất lượng đào tạo cần xây dựng các phòng học đảm bảo các trang thiết bị cần thiết như: loa, âm thanh, máy chiếu…giúp cho việc dạy và học được diễn ra một cách thuận lợi. Bên cạnh đó cần chú ý xây dựng trung tâm học liệu với nhiều loại tài liệu, phương tiện hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Nhất là chú ý đầu tư biên soạn, mua sắm các tài liệu tham khảo, giáo trình chuyên ngành du lịch, các sách lịch sử, văn hóa vùng ĐBSCL, các nghiên cửu quy trình nghiệp vụ phục vụ khách du lịch theo chuẩn quốc tế.

Đơn vị đào tạo khai thác và sử dụng hiệu quả mọi nguồn kinh phí được hỗ trợ; nhất là từ các chương trình hổ trợ cho việc đào tạo nhân lực du lịch cũng như đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.


Thực hiện chiến lược, kế hoạch ngắn hạn (1 – 2 năm), trung hạn (3 – 5 năm) và dài hạn (5 năm trở lên) trong việc mua sắm, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, xây dựng cơ sở vật chất trong các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch ở ĐBSCL.

4.2.5. Phát huy vai trò tích cực chủ động sáng tạo của chính người lao động trong ngành du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đối với đơn vị sử dụng lao động cần phát huy vai trò tham gia làm chủ và quản lý doanh nghiệp của người lao động, đơn vị sử dụng lao động thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, hội thi để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, phát huy sáng kiến, sáng tạo, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người lao động luôn khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Đẩy mạnh tính tiên phong, gương mẫu, ý thức tự giác, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người lao động; làm việc bảo đảm đúng nguyên tắc, kỷ cương trong lãnh đạo, điều hành; tôn trọng, công tâm, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc.

Đơn vị sử dụng lao động cần không ngừng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ cấu tổ chức để tạo môi trường năng động cho sự phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp; tạo tính cạnh tranh lành mạnh trong từng vị trí công việc để người lao động đều có cơ hội phát huy tối đa năng lực của bản thân, từng bước nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng tiêu chuẩn nhân lực du lịch quốc tế.

Đơn vị sử dụng lao động cần chú ý, quan tâm đầu tư mua sắm các trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại để phục vụ quá trình hoạt động du lịch.

Thực hiện tốt chính sách đãi ngộ người lao động chất lượng theo hướng mũi nhọn, tập trung vào các đối tượng chuyên gia, nhà quản lý du lịch giỏi, tạo ra sự khác biệt trong việc đãi ngộ so với các đối tượng tài năng khác; khen


thưởng, tôn vinh tài năng đảm bảo sự bình đẳng, công bằng nhằm khuyến khích nỗ lực phấn đấu của nhiều cá nhân tài năng đến với các tỉnh thành ĐBSCL.

Hiệp hội du lịch và đơn vị sử dụng lao động hàng năm tăng cường giao lưu hợp tác giữa các vùng miền, giữa các quốc gia với nhau, bởi nó không chỉ phát huy được thế mạnh của mỗi vùng miền mà còn giúp thay đổi phong cách, thói quen, tinh thần kỷ luật và đổi mới tiêu chí đánh giá người lao động, tạo mặt bằng chất lượng thống nhất giữa các vùng miền và các quốc gia trong điều kiện kiện hội nhập.

Đối với người lao động, ngoài việc tự giác rèn luyện thể lực để bảo đảm sức khỏe trong quá trình công tác, làm việc thì còn cần phải có thái độ tích cực về nghề nghiệp, nhất là nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp với khách du lịch; kỹ năng liên kết, làm việc nhóm; kỹ năng tổ chức sự kiện, tour du lịch; kỹ năng xử lý tình huống trong công việc; kỹ năng chăm sóc khách hàng; kỹ năng quan sát nhận biết nhu cầu, thái độ khách hàng; kỹ năng làm chủ cảm xúc…), trình độ ngoại ngữ, tin học… Để thực hiện điều này, người lao động có thể tìm hiểu, đăng ký tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn, các buổi/khóa tập huấn, bồi dưỡng do cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch tổ chức.

Người lao động cần cập nhật thường xuyên kiến thức tổng quát về kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử, địa lý, thời tiết của đất nước, của các tuyến điểm có trong chương trình du lịch nhằm phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Đặc biệt, đối với người làm công tác trong ngành du lịch được ví như “đại sứ văn hóa” thì cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, tích cực tuyên truyền, vận động người dân, du khách thực hiện tốt nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc và bảo vệ môi trường.


TIỂU KẾT CHƯƠNG 4


Với mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ĐBSCL phải phấn đấu xây dựng cho được đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh và bền vững, thì việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của vùng là tất yếu.

Để nâng cao chất lượng nguồn đào tạo nguồn nhân lực du lịch ĐBSCL cần quán triệt hai quan điểm chủ đạo như sau: đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển du lịch của vùng; đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch của vùng phải quán triệt quan điểm đồng bộ nhưng có trọng tâm trọng điểm.

Theo đó, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, với sự tham gia và trách nhiệm không phải chỉ của các cơ sở đào tạo, mà của toàn xã hội. Đó là giải pháp nhận thức đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm và sự cần thiết nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch trong các trường trung cấp, cao đẳng, đại học ở ĐBSCL hiện nay; đổi mới nội dung chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch ở ĐBSCL; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch đáp ứng nhu cầu thực hành kỹ năng nghề cho người học; phát huy vai trò tích cực chủ động sáng tạo của chính người lao động trong ngành du lịch ở ĐBSCL.


KẾT LUẬN


1. Trong dự phát triển của ngành du lịch, yêu cầu về đội ngũ nhân lực có kiến thức, giỏi kỹ năng nghiệp vụ là vấn đề cấp thiết đới với cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, đòi hỏi phài nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.

2. Bao gồm các yếu tố cơ bản như: chủ thể của đào tạo, đối tượng đào tạo, nội dung chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, phương pháp đào tạo và môi trường đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực du lịch là sự tác động tích cực, tự giác của chủ thể vào đối tượng đào tạo nhằm trang bị kiến thức nhất định về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kỹ xảo cho người lao động trong ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển ngành và của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nói riêng và sự phát triển của ngành du lịch nói chung. Việc đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch ở Việt Nam hiện nay phải hướng vào phục vụ trực tiếp cho nhu cầu phát triển ngành du lịch của đất nước; đảm bảo số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu, ngành nghề và trình độ đào tạo; và phải thống nhất giữa lý thuyết và thực hành kỹ năng nghề du lịch.

3. Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vẫn được xem là “vùng trũng” về đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Nguồn nhân lực ngành du lịch của vùng vẫn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa hợp lý, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch của vùng còn nhiều hạn chế cần nghiên cứu và giải quyết. Đó là: chất lượng đội ngũ làm công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch còn nhiều hạn chế; hạn chế về nội dung, chương trình, phương pháp trong đào tạo; hạn chế của cơ chế, chính sách trong đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch của vùng.


4. Với mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ĐBSCL phải phấn đấu xây dựng cho được đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh và bền vững, thì việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của vùng là tất yếu. Để nâng cao chất lượng nguồn đào tạo nguồn nhân lực du lịch ĐBSCL cần quán triệt hai quan điểm chủ đạo như sau: đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển du lịch của vùng; đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch của vùng phải quán triệt quan điểm đồng bộ nhưng có trọng tâm trọng điểm. Theo đó, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp: nhận thức đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm và sự cần thiết nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch trong các trường trung cấp, cao đẳng, đại học ở ĐBSCL hiện nay; đổi mới nội dung chương trình, phương thức, hình thức đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch ở ĐBSCL; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch đáp ứng nhu cầu thực hành kỹ năng nghề cho người học; phát huy vai trò tích cực chủ động sáng tạo của chính người lao động trong ngành du lịch ở ĐBSCL, với sự tham gia và trách nhiệm không phải chỉ của các cơ sở đào tạo, mà của toàn xã hội.

Xem tất cả 216 trang.

Ngày đăng: 24/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí