Những Thành Tựu Và Tồn Tại Của Hoạt Động Du Lịch Tỉnh Bình Thuận Giai Đoạn 2001 – 2008

2.4. NHỮNG THÀNH TỰU VÀ TỒN TẠI CỦA HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2001 – 2008

2.4.1. Những thành tựu của hoạt động du lịch Bình Thuận giai đoạn 2001 - 2008

2.4.1.1. Du lịch Bình Thuận ngày càng thu hút đông du khách

Lượng du khách đến Bình Thuận liên tục tăng từ 469.000 lượt khách năm 2001 lên đến 2.105.780 lượt khách năm 2008, tăng 4 lần năm 2001. Tỷ lệ du khách quốc tế chiếm khoảng 12% tổng lượng khách đến qua các năm. Thành quả trên phản ánh khả năng thu hút du khách của du lịch Bình Thuận ngày càng lớn, tạo sự phát triển lâu dài và ổn định cho ngành kinh tế mũi nhọn này của Tỉnh.

2.4.1.2. Doanh thu tăng liên tục trong giai đoạn 2001 – 2008

Sự gia tăng lượng du khách đến Bình Thuận với số ngày lưu trú và mức chi tiêu bình quân của mỗi du khách ngày càng tăng dẫn đến sự gia tăng doanh thu từ hoạt động du lịch. Năm 2001 nguồn thu từ hoạt động du lịch đạt 178 tỷ đồng, đến năm 2008 đạt 1.210 tỷ đồng, tăng 7 lần trong 8 năm vừa qua, tốc độ tăng doanh thu bình quân trong giai đoạn này là 30%.

2.4.1.3. Hoạt động du lịch thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tăng quy mô các khu du lịch

Từ chỗ chỉ tồn tại một vài loại hình du lịch xuất phát từ hoạt động giải trí, nghỉ dưỡng của người dân địa phương, các loại hình du lịch Bình Thuận ngày càng được đa dạng hóa. Bên cạnh lợi thế của du lịch Bình Thuận là du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng ven biển, các loại hình du lịch thể thao trên biển, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, tham quan các di tích lịch sử ngày càng phát triển, làm phong phú thêm cơ cấu sản phẩm du lịch Bình Thuận. (Phụ lục 2.1)

2.4.1.4. Quản lý nhà nước về hoạt động du lịch ngày càng hiệu quả


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.

Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, song với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ ngành du lịch mà công tác quản lý hoạt động du lịch dần dần đi vào ổn định và hiệu quả không ngừng tăng lên. Cơ cấu tổ chức quản lý Nhà nước về du lịch ngày càng chặt chẽ, có

sự phân nhiệm rõ ràng về chủ thể và đối tượng quản lý, đội ngũ cán bộ quản lý không ngừng tăng lên về mặt số lượng và nâng cao trình độ quản lý. Việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn được duy trì thường xuyên nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của hoạt động du lịch.

Vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Bình Thuận trong giai đoạn 2001-2020 - 11

Tính hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước thể hiện ở sự phát huy những tác động tích cực của hoạt động du lịch như góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Thuận, đảm bảo sự an toàn cho du khách. Đồng thời công tác quản lý nhà nước cũng giảm thiểu những tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch như : nạn ô nhiễm môi trường, nguy cơ tầm thường hóa các tài nguyên xã hội nhân văn, sự mất công bằng về hưởng thụ tài nguyên du lịch, các hình thức giải trí không lành mạnh.

Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch kết hợp với các cơ quan ban ngành tăng cường thực hiện công tác an ninh, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm … Hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về du lịch đã góp phần tạo môi trường tốt để thu hút đầu tư du lịch và hoạt động tham quan của du khách.

2.4.1.5. Công tác quảng bá, tuyên truyền du lịch ngày càng được chú trọng và mang lại hiệu quả nhất định.

Thành quả nổi bật từ năm 2006 đến năm 2008 là công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch kết hợp với Sở Thông tin và Truyền thông duy trì công tác tổ chức các lễ hội văn hóa và những buổi biểu diễn nghệ thuật với quy mô lớn và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam. Qua đó, hình ảnh du lịch Bình Thuận có cơ hội đến với nhân dân cả nước và thế giới. Nổi bật có các lễ hội như Lễ hội “Hội Tụ Xanh” nhân kỷ niệm 10 năm ngày Du lịch Bình Thuận, và các lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm đã trở thành những nét văn hóa đặc trưng của Bình Thuận. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tuyên truyền và giúp đỡ các doanh nghiệp du lịch Bình Thuận tích cực tham gia các hội chợ triển lãm du lịch trong và ngoài nước như Hội chợ triển lãm của Tỉnh nhân kỷ niệm 30 giải phóng Bình Thuận, Hội chợ triển lãm Du lịch Quốc tế ITE 2006 tại thành phố Hồ Chí Minh, … và thường xuyên phối hợp với các cơ quan ban ngành như Sở Kế

hoạch và Đầu tư, Sở Công thương Bình Thuận tổ chức các hội thảo nhằm đưa ra những biện pháp phát triển du lịch của tỉnh.

Các hình thức quảng cáo như in ấn phẩm giới thiệu khái quát về Bình Thuận, thiết kế trang web về du lịch, tổ chức các sự kiện văn hóa có liên quan đến du lịch cũng được khai thác triệt để nhằm tăng hiệu quả quảng bá về du lịch. Nhờ những nỗ lực không ngừng của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong lĩnh vực quảng bá về du lịch, hình ảnh du lịch Bình Thuận ngày càng hiện rõ dần trên bản đồ du lịch Việt Nam.

2.4.2. Những tồn tại của hoạt động du lịch Bình Thuận giai đoạn 2001 - 2008

2.4.2.1. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch còn thấp, chủng loại sản phẩm du lịch còn đơn điệu.

So với giai đoạn 1995 – 2000, chất lượng và tính đa dạng của sản phẩm du lịch Bình Thuận đã có những bước cải thiện đáng kể. Song, nếu so với các địa phương du lịch biển khác trong nước thì khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch Bình Thuận còn nhiều hạn chế.

Hiện nay, phần lớn sản phẩm du lịch của Tỉnh chỉ tập trung khai thác các tài nguyên du lịch sẵn có, đầu tư vào các cảnh quan thiên nhiên thành những khu du lịch sinh thái, các khu nghỉ dưỡng ven bờ biển. Du lịch Bình Thuận rất thiếu những sản phẩm nhân tạo với quy mô lớn, mang những đặc trưng riêng, đặc biệt là những sản phẩm du lịch độc đáo đáp ứng nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng của du khách có thu nhập cao. Những sản phẩm du lịch nhân tạo như sân khấu nhạc nước, các sân khấu biểu diễn ca nhạc hiện đại, trung tâm thể thao tiêu chuẩn quốc tế, các spa cao cấp vốn rất quen thuộc với du khách ở các thành phố du lịch như Hạ Long, Nha Trang thì những sản phẩm ấy lại hoàn toàn chưa có trong danh mục sản phẩm du lịch Bình Thuận. Bình Thuận cũng rất giàu tiềm năng về một số loại hình du lịch thể thao chinh phục địa hình như leo núi, lặn biển, và du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh ... có thể mang lại nguồn thu lớn, nhưng hiện nay chưa được đầu tư nghiêm túc để có thể trở thành thế mạnh của du lịch Bình Thuận. Các dự án du lịch có quy mô lớn đầu tư vào những sản phẩm du lịch hiện đại thì đang triển khai, tốc độ thi công chậm.

Chính sự đơn điệu trong chủng loại sản phẩm du lịch Bình Thuận làm hạn chế số ngày lưu trú và nhu cầu chi tiêu của du khách, từ đó làm hạn chế khả năng tăng doanh thu từ hoạt động du lịch.

2.4.2.2. Chất lượng nguồn lao động còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của hoạt động du lịch.

Thị trường du lịch trong và ngoài nước ngày càng phát triển, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm du lịch phải nâng cao chất lượng các yếu tố đầu vào, trong đó có nguồn nhân lực. Song, đây lại là một hạn chế lớn của du lịch Bình Thuận.

Như luận văn đã phân tích ở ở mục 2.2.4, thực trạng về nguồn nhân lực du lịch Bình Thuận hiện nay đang thiếu về số lượng, kém về chất lượng, tốc tộ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn kém xa tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động du lịch. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ của Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bình Thuận trong năm 2008, trong số 10.000 người lao động trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch thì số người lao động đã qua đạo tạo chỉ chiếm 27,75%. Trong số này, người lao động trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chỉ chiếm 3,4%.

Với tập quán kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, hầu hết các chủ doanh nghiệp đều kinh doanh du lịch xem du lịch lĩnh vực dễ kinh doanh, chuyên môn nghiệp vụ đơn giản, cách đào tạo phổ biến là người đi trước truyền đạt kinh nghiệm cho người đi sau, chủ doanh nghiệp du lịch không chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực. Phần lớn người lao động trực tiếp phục vụ du khách như nhân viên lễ tân, nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn … chưa được trang bị có hệ thống những kiến thức cơ bản về chyên môn nghiệp vụ du lịch nên thường gặp lúng lúng trong lúc tác nghiệp. 95% đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chưa đủ tiêu chuẩn được cấp thẻ hướng dẫn viên. Sự hạn chế về trình độ ngoại ngữ và những kiến thức về văn hóa, lịch sử địa phương khó đem lại sự hài lòng cho du khách, nhất là du khách quốc tế.

2.4.2.3. Tiến độ triển khai các dự án du lịch còn nhiều bất cập

Phần lớn các dự án du lịch hiện nay đều có quy mô nhỏ, vốn đầu tư bình quân cho mỗi dự án chỉ khoảng 35,7 tỷ đồng. Tốc độ triển khai các dự án còn chậm do vướng mắc khâu đền bù giải tỏa và cả sự yếu kém về năng lực tài chính của các nhà

đầu tư. Trong đó có rất nhiều nhà đầu tư thuê đất với lý do xây dựng khu du lịch nhưng thực chất họ chờ giá đất lên rồi “sang tay” cho nhà đầu tư khác để kiếm lời. Thực trạng này làm gia tăng ảo trong việc thu hút vốn đầu tư du lịch. Trong thực tế, số vốn giải ngân chỉ chiếm khoảng 24% số vốn đăng ký.

Hạn chế của công tác quy hoạch du lịch cũng gây nên sự mất công bằng trong hưởng thụ tài nguyên du lịch của các tầng lớp dân cư. Phần lớn những công trình du lịch chất lượng cao được xây dựng trên những cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp của Bình Thuận thì chỉ có những du khách có thu nhập cao mới có khả năng chi trả, còn đa số người lao động địa phương thì rất ít khi có cơ hội tiếp cận với những công trình du lịch này. Một điển hình của tình trạng này là khu resort Mũi Né hiện trở thành nơi lưu trú của rất đông du khách quốc tế, bãi biển đồi dương tại trung tâm thành phố Phan Thiết trước đây là không gian thư giãn của người dân địa phương thì nay đã phải nhường chỗ cho hàng loạt các nhà hàng, khách sạn.

2.4.2.4. Hoạt động kinh doanh du lịch còn mang tính tự phát cao

Bắt đầu phát triển từ năm 1995, sự phát triển hoạt động kinh doanh du lịch Bình Thuận ban đầu chưa nằm trong tổng thể không gian quy hoạch du lịch của Tỉnh. Phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, mà chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu và gìn giữ uy tín của mình trên thị trường, càng không quan tâm đến tác động kinh tế - xã hội của hoạt động kinh doanh du lịch. Những hành vi xã hội thiếu văn minh phát sinh từ hoạt động du lịch như hàng hóa hóa các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc, “chèo kéo”, “ép giá” du khách, không công khai giá cả để lợi dụng nâng giá bán sản phẩm, lừa lọc những du khách thiếu thông tin để trục lợi bất chính vẫn đang rất phổ biến. Các hiện tượng như ăn xin, trộm cắp trên đường phố và trong các khu du lịch vẫn còn tồn tại, gây tâm lý bất an cho du khách. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu du lịch ngày càng gia tăng.

Một hạn chế lớn nữa của du lịch Bình Thuận là người dân địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Đa số họ còn có thái độ thờ ơ, chưa hình thành ý chí quyết tâm đưa Bình Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Có thể xem tâm lý thờ ơ của người dân địa phương là một sự lãng phí về tài nguyên du lịch. Tinh thần thái độ tích cực phục vụ

của người dân địa phương là một yếu tố tạo nên chất lượng du lịch, và vì thế nó cũng tác động mạnh mẽ đến tâm lý du khách.


KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Quá trình phân tích trong chương 2 của luận văn đã thực hiện được những vấn

đề sau :

Một là, giới thiệu khái lược về đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận có ảnh hưởng đến sự phát triển hoạt động du lịch, trên cơ sở đó đã phân tích được những thuận lợi và khó khăn chủ yếu của du lịch Bình Thuận.

Hai là, phân tích hiện trạng hoạt động du lịch Bình Thuận thời gian qua với số liệu minh chứng cụ thể từ năm 2001 đến năm 2008. Đó chính là tiền đề để đi sâu phân tích về thực trạng về vai trò của hoạt động du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Với những thành quả đã đạt được, hoạt động du lịch Bình Thuận đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề có liên quan, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Thuận.

Ba là, đánh giá những thành tựu đạt được và những mặt còn tồn tại trong quá trình phát triển của du lịch Bình Thuận giai đoạn 2001 - 2008, làm cơ sở để đề ra những giải pháp nhằm nâng cao vai trò của hoạt động du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận.

CHƯƠNG 3


NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA DU LỊCH ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020

3.1. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN DU LỊCH BÌNH THUẬN

ĐẾN NĂM 2020


3.1.1. Quan điểm phát triển du lịch Bình Thuận


Để đảm bảo sự thành công trong việc phát huy vai trò của hoạt động du lịch với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận, cần quán triệt các quan điểm sau đây :

3.1.1.1. Quan điểm tổng thể


Thứ nhất, phát triển du lịch Bình Thuận phải nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Hoạt động du lịch Bình Thuận phải phù hợp với cơ cấu, thể chế kinh tế nước ta và cải thiện đời sống nhân dân, tất cả nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Thứ hai, phát triển du lịch Bình Thuận phải thống nhất với chiến lược phát triển du lịch của cả nước và nằm trong quy hoạch tổng thể của Bình Thuận. Điều này được thể hiện thành những nội dung cụ thể sau :

Sự phát triển của du lịch Bình Thuận là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược phát triển của du lịch cả nước. Do đó, quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch Bình Thuận cũng phải thống nhất với mục tiêu, quan điểm phát triển du lịch của cả nước.

Phát triển du lịch Bình Thuận phải nằm trong quy hoạch tổng thể của Bình Thuận. Đó là khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của Tỉnh, trong đó có tiềm năng du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình

Thuận, tiến tới thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Thứ ba, phát triển du lịch Bình Thuận phải có sự kết hợp của các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp du lịch và các tầng lớp dân cư. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác. Vì vậy, phải phát huy đầy đủ vai trò và trách nhiệm của tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch như chính quyền địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư, đảm bảo kết hợp hài hòa lợi ích của người lao động, nhà nước và doanh nghiệp du lịch.

3.1.1.2. Quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội và gìn giữ các tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên xã hội nhân văn.

Thứ nhất, phát triển du lịch Bình Thuận phải góp phần làm cho lực lượng sản xuất của Bình Thuận cũng như cả nước phát triển cao, quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với lực lượng sản xuất; đảm bảo sự phát triển bền vững; đời sống văn hóa, tinh thần không ngừng được nâng cao.

Thứ hai, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích kinh tế từ du lịch. Tài nguyên du lịch là tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Vì vậy, việc khai thác, sử dụng và quyền thụ hưởng giá trị từ nguồn tài nguyên này phải thu hút được sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Hoạt động du lịch phải nhằm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân.

Thứ ba, phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cụ thể là :

Phát triển du lịch bền vững là vấn đề mang tính chiến lược trong quá trình phát triển của du lịch Tỉnh. Phát triển du lịch phải đảm bảo kết hợp mục tiêu tăng trưởng kinh tế với giữ gìn và tôn vinh các bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đa dạng hóa các loại hình sản phẩm và du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận trong cơ chế thị trường kết hợp với sự quản lý của chính quyền địa phương nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch, đảm bảo sự phát triển ổn định và lâu dài.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/09/2022