Truyện ngắn Vi Thị Kim Bình - 2

số Việt Nam thời kì hiện đại. Cho dù sau Vi Thị Kim Bình còn có một số cây bút văn xuôi nữ dân tộc thiểu số khác, với những sáng tác mới mẻ hơn, hiện đại hơn, thậm chí là hấp dẫn hơn - nhưng Vi Thị Kim Bình vẫn là một cây bút văn xuôi nữ dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp và có một vị trí quan trọng trong sự hình thành và phát triển của văn xuôi dân tộc Việt Nam thời kì hiện đại. Vì vậy, khi nghiên cứu về văn học dân tộc thiểu số Việt Nam đặc biệt ở thể loại văn xuôi không thể không nghiên cứu về cây bút nữ Vi Thị Kim Bình với tư cách như là một nhà văn dân tộc thiểu số tiêu biểu, có nhiều đóng góp đáng khẳng định.

Tuy nhiên, cho đến nay, theo khảo sát của chúng tôi vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên biệt về nhà văn Vi Thị Kim Bình. Chỉ có một số bài báo hoặc những ý kiến nhỏ lẻ trong cả một công trình, bài viết về văn học các dân tộc thiểu số nói chung có đề cập đến tác giả này. Vì vậy, việc tìm hiểu truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn và ý nghĩa khoa học. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang phát triển mạnh mẽ thì vấn đề xây dựng một nền văn hóa vừa hiện đại, tiên tiến nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước thì việc nghiên cứu, khẳng định những đóng góp của các nhà văn dân tộc thiểu số vào sự phát triển chung của văn học Việt Nam hiện đại là việc cần thiết và có tính thời sự.

1.3. Bên cạnh đó, Vi Thị Kim Bình là một trong ba nhà văn Lạng Sơn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có tác phẩm được tuyển chọn giảng dạy trong chương trình nhà trường Phổ thông Trung học cơ sở (phần Văn học địa phương) nên kết quả nghiên cứu này cũng sẽ là một tài liệu quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy văn học địa phương của tỉnh Lạng Sơn nói riêng, đồng thời là một tài liệu tham khảo cho những người nghiên cứu, tìm hiểu về văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại nói chung trong quá trình hình thành, vận động và phát triển của bộ phận văn học đặc sắc này.

Từ những lí do trên chúng tôi đã lựa chọn đề tài: Truyện ngắn Vi Thị Kim Bình làm đề tài luận văn Thạc sĩ của mình.

2. Lịch sử vấn đề

Vi Thị Kim Bình là nhà văn nữ dân tộc thiểu số thuộc thế hệ đầu tiên nên được khá nhiều người nhắc tới trong các công trình nghiên cứu về văn học dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu về sự nghiệp sáng tác của bà cho tới nay chúng tôi thấy vẫn chưa có một công trình nghiên cứu chuyên biệt nào. Qua khảo sát có thể nhận thấy, các nhà nghiên cứu, phê bình đề cập đến trường hợp nhà văn Vi Thị Kim Bình ở hai dạng như sau:

Một là, các bài viết trong các công trình nghiên cứu tổng thể về văn học dân tộc thiểu số. Có thể kể tên các công trình, bài viết tiêu biểu như: Tập tiểu luận Chặng đường mới (1985) của Nông Quốc Chấn; Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (1995), Về một mảng văn học dân tộc (1999), Văn học và miền núi (2002) của Lâm Tiến; Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (1997); Nhà văn các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (1998); Cuối thế kỉ XX nhìn lại (2001) của nhiều tác giả; Văn xuôi Việt nam hiện đại về dân tộc và miền núi (2012) của Phạm Duy Nghĩa;… Trong các công trình nghiên cứu đó, cái tên Vi Thị Kim Bình đều được nhắc đến cùng với tên tuổi các nhà văn dân tộc thiểu số thuộc thế hệ đầu tiên. Các tác giả đã chỉ ra vị trí, những đóng góp cũng như những mặt còn hạn chế của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung trong đó có nhà văn Vi Thị Kim Bình.

Bước đầu đánh giá những đóng góp của nhà văn Vi Thị Kim với nền văn học dân tộc thiểu số ở thời kì đầu, trong tập tiểu luận Chặng đường mới Nông Quốc Chấn – "cây đại thụ văn học dân tộc thiểu số" đã khẳng định: "Vi Thị Kim Bình, hầu như là một cây bút duy nhất trong giới nữ ở miền núi viết thường xuyên về đề tài y tế. Nhân vật chính trong nhiều truyện ngắn của chị thường là bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lí và những người được các thầy thuốc săn sóc. Vừa là thầy thuốc, vừa là nhà văn, Vi Thị Kim Bình cùng những bạn đồng nghiệp đang trấn vùng biên giới Lạng Sơn. Tập truyện ngắn Niềm vui khẳng định bước đầu vị trí văn học của Vi Thị Kim Bình" [9] Nhận xét trên của nhà

thơ Nông Quốc Chấn cho thấy đề tài mà nhà văn Vi Thị Kim Bình phản ánh là đề tài y tế, những nhân vật trong sáng tác của nhà văn gắn bó chặt chẽ với cuộc sống và công việc của bà.

Trong cuốn "Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại" - một trong những công trình đầu tiên nghiên cứu một cách toàn diện về mảng văn học dân tộc thiểu số của Lâm Tiến thì Vi Thị Kim Bình là nữ nhà văn người dân tộc Tày duy nhất trong tổng số 23 nhà văn các dân tộc thiểu số được nhắc đến lúc bấy giờ (tính đến thời điểm nghiên cứu, năm 1993).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

Trong bài "Văn xuôi Lạng Sơn qua một số truyện, ký" in trong Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng số 140 tháng 06/2005, Lâm Tiến cũng đã đưa ra nhận xét về ưu điểm và hạn chế trong truyện ngắn Vi Thị Kim Bình: "Truyện (của Vi Thị Kim Bình) thường diễn ra theo mạch thời gian…thường nặng về kể các sự kiện, các hành động, nhẹ việc phân tích tâm lí, nội tâm nhân vật nên truyện…dễ đi thẳng đến với người đọc, nhưng ít để lại ấn tượng sâu sắc về số phận của các nhân vật…" [49]. Đây là một trong những xét xác đáng về nghệ thuật văn xuôi của Vi Thị Kim Bình.

Trong công trình nghiên cứu "Văn xuôi Việt nam hiện đại về dân tộc và miền núi", Tiến sĩ văn học Phạm Duy Nghĩa cũng nhắc tới hình ảnh con người miền núi trong truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình. Đó là những con người "đi về phía sáng", họ "có hiểu biết, có trình độ, luôn mong mỏi chứng minh chân lí của khoa học, giúp cho tầm nhìn của bà con dân tộc mình vượt thoát khỏi vòng vây chật hẹp của núi rừng" [36, tr. 97]. Bên cạnh đó, tác giả cũng phát hiện ra rằng: "Các nhân vật nữ trong truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình họ không có cảnh ngộ, tâm lí và tính cách riêng, tất cả đều giống nhau về ước mơ và hành động. Trong hạt nhân cấu trúc của nhân vật, cái riêng độc đáo luôn lép vế hoặc là số không bên cạnh cái chung, khái quát" [36, tr. 162]. Và tác giả nhận định: "Đây cũng là đặc điểm chung của văn học một thời" [36, tr. 162].

Truyện ngắn Vi Thị Kim Bình - 2

Có thể nhận ra rằng, các nhận xét về nhà văn Vi Thị Kim Bình trong các công trình nghiên cứu tổng thể về văn học các dân tộc thiểu số thường là những nhận xét ngắn, không phân tích lí giải, chỉ có tính chất điểm qua, khẳng định vị trí và một số đóng góp của Vi Thị Kim Bình trong nền văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.

Hai là, trong một số bài viết cụ thể, trực tiếp về tác giả Vi Thị Kim Bình. Ngay từ truyện ngắn đầu tay Đặt tên Vi Thị Kim Bình đã đạt giải Khuyến khích của tạp chí Văn nghệ Việt Bắc. Nói về sự kiện này, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc đã khẳng định: "Người mở đầu và ghi dấu son đầu tiên cho văn xuôi hiện đại xứ Lạng, chính là nhà văn Vi Thị Kim Bình" [7, tr. 682]. Nhà văn Đặng Tiến Huy, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang trong bài "Bông huệ trắng ở văn nghệ Việt Bắc" viết: "Cô y sĩ trẻ thức suốt đêm viết truyện ngắn Đặt tên và gửi dự thi. Tác phẩm đầu tay này được giải khuyến khích… và đã "Đặt tên" Vi Thị Kim Bình vào làng văn học nước nhà" [7, tr.674]. Nhà văn Cao Duy Sơn cũng ghi nhận : "Với truyện ngắn Đặt tên, tác giả Vi Thị Kim Bình đã ghi tên mình vào dòng văn học Việt Nam hiện đại" [19]. Nhà văn Ngọc Mai (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn) cũng khẳng định: "Truyện ngắn Đặt tên là tác phẩm sinh ra để người Tày có được một nữ văn sĩ đầu tiên, cũng là nữ nhà văn đầu tiên của các dân tộc ít người" [25, tr. 93].

Nói về truyện ngắn Những bông huệ trắng (đạt giải Khuyến khích cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam 1968), nhà nghiên cứu phê bình Dương Lộc Vượng nhận xét: "Truyện được thể hiện bằng một bút pháp giản dị. Một bút pháp với nhiều câu văn ngắn, cô đọng, nhiều lượng thông tin, giàu tính biểu cảm lời thoại nhân vật ngắn gọn. Giọng văn cứ "thản nhiên" kể lại sự việc mà không có lời bình của tác giả" [34, tr. 267]. Và sau này, khi viết về nhà văn nữ dân tộc Tày người Lạng Sơn này, nhà văn Đặng Tiến Huy gọi Vi Thị Kim Bình là "Bông huệ trắng ở văn nghệ

Việt Bắc". Cao Duy Sơn cũng khẳng định, đến truyện ngắn Những bông huệ trắng, Vi Thị Kim Bình đã có một bước tiến về nghệ thuật "Từ bố cục tác phẩm đến ngôn ngữ được tiết chế tối đa, từng chi tiết đều được lựa chọn kĩ và tinh tế" [19].

Có thể nhận ra "thế giới" nhân vật quen thuộc của Vi Thị Kim Bình là những người phụ nữ. Đặc biệt là những nữ bác sĩ và y sĩ, những nữ y tá và hộ lí luôn tận tụy với công việc. Đọc truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình, PGS. TS Tôn Thảo Miên nhận xét: "Là một nhà văn nữ, viết về phụ nữ, Vi Thị Kim Bình tỏ ra khá am hiểu tâm tư, tình cảm của nhân vật. Sự đồng cảm của tác giả đối với nhân vật thể hiện qua từng trang viết khiến người đọc cũng phải bùi ngùi, xúc động" [33, tr. 40]. Chính vì vậy, các nhân vật phụ nữ của Vi Thị Kim Bình được thể hiện rất chân thật, gần gũi như con người bên ngoài cuộc đời.

Năm 1988, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc cho in cuốn “Nhà văn các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại” do Giáo sư Phong Lê chủ biên gồm các bài viết về 16 nhà văn nhà thơ các dân tộc thiểu số, trong đó có bài viết của tác giả Phan Diễm Phương về nhà văn Vi Thị Kim Bình. Tác giả bài viết đã chỉ ra những nét nổi bật về nội dung và nghệ thuật trong sáng tác của Vi Thị Kim Bình. Nhận xét về nhân vật là những nữ bác sĩ và y sĩ, những nữ y tá và hộ lí trong truyện ngắn Vi Thị Kim Bình, tác giả này cho rằng : "Các nhân vật kiểu này không được tác giả thể hiện như những con người với những cảnh ngộ, những đặc điểm tính cách riêng… Vi Thị Kim Bình đã dồn sự quan tâm vào việc thể hiện những phẩm chất chung, đã có hoặc cần có của người thầy thuốc: tận tụy, hi sinh, giàu lòng yêu thương con người…" [20, tr. 62]. Với mục tiêu "mở thêm một con đường để đưa ánh sáng văn hóa, văn minh về với những miền rừng xa xôi, hẻo lánh" [20, tr. 62] nên "các truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình sẽ được viết sao cho thật sáng rõ, giản dị, dễ hiểu để chúng có khả năng tiếp cận với mọi tầng lớp người đọc vùng cao" [20, tr. 62]. Đồng thời Phan Diễm Phương cũng ghi nhận rằng cách viết như vậy là phù hợp với

trình độ chung của đồng bào dân tộc thiểu số khi đó và "Cách viết rõ ràng, suôn sẻ, "dễ đọc" như vậy một thời đã phát huy được tác dụng tích cực của nó" [20, tr. 62].

Dương Lộc Vượng trong bài "Đọc truyện ngắn Những bông huệ của Vi Thị Kim Bình" cũng chỉ ra những ưu điểm cũng như hạn chế về mặt nghệ thuật của tác phẩm. Về ưu điểm có thể nhận thấy "Truyện được thể hiện bằng một bút pháp giản dị… với những câu văn ngắn, cô đọng, nhiều lượng thông tin, giàu tính biểu cảm", "mỗi nhân vật được tác giả soi rọi ở một góc độ khác nhau để tập trung làm bừng sáng lên cái ý chí, cái nghị lực phi thường phải chiến thắng bom đạn, phải chiến thắng kẻ thù" [34, tr. 267]. Bên cạnh đó tác giả cho rằng kết cấu ở cuối tác phẩm có phần thiếu chặt chẽ, nhà văn đã để cho nhân vật nói toạc cái tư tưởng của mình nên lời thoại của nhân vật có phần gượng gạo. Nhưng dù sao tác phẩm vẫn "là một trong những truyện ngắn hay, hấp dẫn của Vi Thị Kim Bình" [34, tr. 268] xứng đáng được nhận giải thưởng Hoàng Văn Thụ.

Ngày 27/10/2012, Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn tổ chức hội thảo “Sự nghiệp sáng tác văn học của các nhà văn: Mã Thế Vinh, Nguyễn Trường Thanh, Vi Thị Kim Bình”, để khẳng định những đóng góp của ba nhà văn đối với văn học nghệ thuật Lạng Sơn và văn học nghệ thuật cả nước. Trong hội thảo có nhiều tham luận khẳng định tài năng nghệ thuật cũng như những đóng góp của nhà văn Vi Thị Kim Bình đối với nền Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Những bài tham luận phát biểu trong hội thảo đã làm nổi bật về con người, sự nghiệp, về giá trị những tác phẩm của Vi Thị Kim Bình. Có thể kể tên 06 tham luận sau:

- Xứ Lạng có ba nhà văn như thế của tác giả Lộc Bích Kiệm.

- Nữ nhà văn Vi Thị Kim Bình “Người mở đầu” của văn xuôi hiện đại Lạng Sơn của Nguyễn Quang Huynh.

- Hương huệ trắng vẫn tỏa thơm của Cao Duy Sơn.

- Tìm hiểu việc xây dựng nhân vật trong truyện ngắn và truyện vừa của nhà văn Vi Thị Kim Bình của Tiến sĩ Hoàng Văn An.

- Bông huệ xứ hoa hồi của Đặng Tiến Huy.

- Cảm nhận về nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn của nhà văn Vi Thị Kim Bình của tác giả Hoàng Thị Kim Vân.

Hầu hết các tham luận đều đánh giá cao vai trò và những đóng góp của nhà văn Vi Thị Kim Bình đối với nền văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn nói riêng và nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại nói chung. Về mặt nội dung, nhà nghiên cứu Lộc Bích Kiệm cho rằng : "Tác phẩm của chị đề cập đến nhiều đề tài, nhưng tiêu biểu và tập trung hơn cả là đề tài miền núi, hình tượng người phụ nữ mới trong lao động đóng góp cho xã hội" [19]. Tác giả Hoàng Thị Kim Vân cũng khẳng định: "Với những câu chuyện đời thường nhẹ nhàng, giản dị mà sâu sắc, truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình luôn chứa đựng những giá trị ngợi ca, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của con người. Đặc biệt chị đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất, những nét vẽ đẹp nhất cho những người phụ nữ với tấm lòng sáng đẹp dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn biết vươn lên vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách để hướng tới tương lai. Cũng chính vì vậy, các tác phẩm của chị luôn neo giữ trong trái tim bạn đọc" [19]. Mỗi tác phẩm của nhà văn Vi Thị Kim Bình đều mang đến cho độc giả cảm nhận những nhân vật và đời sống của họ được tác giả thể hiện trên trang viết rất gần gũi như con người bên ngoài cuộc đời. Vì vậy, "đọc mà như không thấy tác giả, chỉ có nhân vật với những tình huống truyện khiến cho độc giả như được cùng sống, cùng đau khổ, xót thương và nhận về mình tình yêu thương và cảm thông" [19].

Về mặt nghệ thuật, Tiến sĩ Hoàng Văn An cũng đã chỉ ra những ưu điểm cũng như những hạn chế trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Vi Thị Kim Bình. Thành công trong một số tác phẩm của Vi Thị Kim Bình là "kết cấu chặt chẽ, nhiều chi tiết, hình ảnh tốt; Kết hợp kể, dẫn dắt, đối thoại và tả,

chú ý cả nội tâm..., không dễ dãi diễn biến một chiều" [19]. Tuy nhiên, có một điểm rất tiếc là "nhân vật trung tâm chưa trở thành nhân vật "nhớ đời", nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình" [19].

Trong hội thảo, với tham luận của mình nhà văn Cao Duy Sơn cho rằng "Những tác phẩm của chị dù viết ở thời điểm chiến tranh hay hòa bình vẫn nguyên giá trị với cuộc sống hôm nay. Giá trị đó là ở trong mỗi trang viết in đậm dấu ấn lịch sử của đất nước, trong tâm thế của một thế hệ từng sống qua những giai đoạn sôi động và gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, và những ngày đầu xây đắp hòa bình của cả dân tộc. Tinh thần đó đã được nhà văn Vi Thị Kim Bình khuôn lại trong những số phận cụ thể, hoàn cảnh và không gian cụ thể trong những truyện ngắn và bút ký tuy nhỏ bé và giới hạn nhưng vẫn có sức cuốn hút sự liên tưởng, tạo cảm xúc lãng mạn và ấm áp" [19] và tác giả đã khẳng định một cách rõ ràng Vi Thị Kim Bình: "Là cánh chim đầu đàn của làng văn nữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, là nhà văn nữ dân tộc thiểu số đầu tiên viết văn xuôi ở Việt Nam" [19].

Như vậy, sau khi khảo sát chúng tôi thấy rằng, mặc dù xuất hiện khá sớm và là một trong những cây bút nữ dân tộc thiểu số “mở đầu” của văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại đã có những đóng góp thiết thực ở mảng đề tài viết về miền núi nhưng tác giả Vi Thị Kim Bình mới chỉ được một số người quan tâm, viết bài phê bình về tác phẩm của bà, và đó cũng chỉ là những ý kiến đơn lẻ, chưa có tính hệ thống, đánh giá chưa thật toàn diện, đầy đủ. Do đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu truyện ngắn của nhà văn Vi Thị Kim Bình một cách hệ thống và toàn diện nhằm đánh giá một cách công bằng, khách quan về những đóng góp đáng trân trọng của nhà văn nữ dân tộc Tày này đối với nền văn xuôi dân tộc thiểu số nói riêng, với văn học dân tộc thiểu số thời kì hiện đại nói chung là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa khoa học và có tính thực tiễn.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/10/2023