Thực Trạng Các Quy Định Của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng Và Các Văn Bản Hướng Dẫn Thi Hành Về Hành Vi Cạnh Tranh Không Lành Mạnh Của Ngân Hàng Thương

gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005). Như vậy, chủ thể thực hiện hành vi CTKLM liên quan đến chỉ dẫn thương mại theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 rộng hơn so với Luật Cạnh tranh. Và do đó, sẽ có hai khả năng xảy ra liên quan đến chủ thể thực hiện hành vi khi tiến hành áp dụng pháp luật:

Thứ nhất: Chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về CTKLM thuộc đối tượng điều chỉnh của cả Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ hai: Chủ thể tuy vi phạm các quy định pháp luật về CTKLM, nhưng chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ, không thuộc đối tượng được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh.

Như vậy, với phạm vi đối tượng áp dụng như quy định trong Luật Cạnh tranh sẽ tạo nên tình huống cùng là hành vi CTKLM nhưng có thể được xử lý bởi hai văn bản pháp luật khác nhau. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải xác định rõ bản chất của hành vi cũng như các yếu tố liên quan để áp dụng pháp luật cho chuẩn xác.

Đối với trường hợp thứ nhất, có thể áp dụng nguyên tắc về mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành để xử lý, theo đó, trong quan hệ giữa các đạo luật khác trong nước, thì Luật Cạnh tranh là luật chuyên ngành, vì vậy được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản pháp luật cùng điều chỉnh một hành vi cạnh tranh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có một vấn đề chung được đặt ra đó là tính chất chuyên ngành của Luật Cạnh tranh sẽ dần mất đi khi các đạo luật về kinh tế ngành khác sẽ có quyền căn cứ vào nội dung của Luật Cạnh tranh mà cụ thể hoá một hành vi cạnh tranh nào đó trong điều kiện của ngành kinh tế đó. Điều này sẽ dẫn đến một hệ quả là nếu không được "cập nhật" thì mức độ tác động và phạm vi ảnh hưởng của Luật Cạnh tranh sẽ giảm đi cùng với sự gia tăng các quy định hành vi CTKLM trong các

đạo luật về kinh tế ngành, đặc biệt là trong những trường hợp đối tượng áp dụng của đạo luật kinh tế ngành đó rộng hơn đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh, như trường hợp vừa nêu liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ [38]. Bên cạnh đó, nếu các đạo luật kinh tế ngành đó, khi có sự thay đổi các dấu hiệu nhận dạng thì cũng sẽ tác động đến sự nhận diện hành vi CTKLM được các quy định của pháp luật chống CTKLM quy định trong Luật Cạnh tranh. Đây là một vấn đề cần hết sức lưu tâm khi NHNN đang trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng hiện nay.

2.1.2. Thực trạng các quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của ngân hàng thương mại

2.1.2.1. Các quy định chung

Trước khi Luật Cạnh tranh ra đời năm 2004, nội dung pháp luật cạnh tranh được quy định tản mạn trong rất nhiều văn bản pháp luật theo từng lĩnh vực, từng ngành nghề kinh doanh. Nằm trong bối cảnh chung đó, Luật Các Tổ chức tín dụng năm 1997 (sửa đổi năm 2004) cũng dành Điều 16 quy định về hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, các tổ chức hoạt động ngân hàng được hợp tác và cạnh tranh hợp pháp, nghiêm cấm các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp, gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống các TCTD và lợi ích hợp pháp của các bên.

Các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp bao gồm: Khuyến mại bất hợp pháp; thông tin sai sự thật làm tổn hại lợi ích của TCTD khác và của khách hàng; đầu cơ lũng đoạn thị trường tiền tệ, vàng, ngoại tệ và các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp khác. Tuy nhiên, các quy định của Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997 (sửa đổi năm 2004) về cạnh tranh vẫn còn những hạn chế. Cụ thể như quy định chưa rõ ràng, chi tiết về biểu hiện của các hành vi, nhất là về hành vi CTKLM, hành vi lũng đoạn thị trường hoặc tập trung kinh tế… Điều này sẽ ẩn chứa những bất ổn cho thị trường ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.

Luật các Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2010, thay thế Luật các Tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng số 20/2004/QH1. Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 không chỉ thể hiện sự cải cách hành chính trong hệ thống ngân hàng, khắc phục tồn tại, hạn chế của luật hiện hành, mà còn hướng đến mục tiêu cao hơn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có quan hệ tín dụng với TCTD, bảo vệ sự an toàn của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Luật các TCTD năm 2010 cũng đã cụ thể hóa nhiều quy định của Luật Cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng nhằm bảo đảm tính phù hợp giữa luật chung và luật chuyên ngành, bảo đảm hoạt động kiểm soát, quản lý các hành vi cạnh tranh trên thị trường một cách tốt nhất. Điều này được thể hiện ở các điểm sau đây:

Thứ nhất, trước khi Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 ra đời, thực tế đã tồn tại sự không thống nhất giữa Luật Cạnh tranh với pháp luật ngân hàng trong cách tiếp cận vấn đề cạnh tranh. Cụ thể, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã dự liệu hai nhóm hành vi liên quan đến cạnh tranh cần được kiểm soát chặt chẽ, bao gồm các hành vi hạn chế cạnh tranh (Chương II) và các hành vi CTKLM (Chương III). Trong khi đó, vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng lại được tiếp cận bằng khái niệm cạnh tranh hợp pháp và cạnh tranh bất hợp pháp. Hay nói cách khác, pháp luật ngân hàng hoàn toàn không đề cập những hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm thực hiện, mà chỉ liệt kê một số hành vi CTKLM điển hình trong lĩnh vực ngân hàng, dưới một cách gọi khác là “hành vi cạnh tranh bất hợp pháp”. Vấn đề này tuy không ngăn cản việc áp dụng trực tiếp các quy định của Luật Cạnh tranh về những hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm, nhưng lại có thể tạo nguyên cớ cho một số TCTD tìm cách liên kết với nhau thông qua hình thức “độc quyền nhóm” để gây thiệt hại cho các TCTD khác và cho khách hàng [39]. Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của ngân hàng thương mại theo pháp luật Việt Nam - 7

ra đời đã có sự thay đổi thuật ngữ “cạnh tranh bất hợp pháp” thành “hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh”. Sự phân biệt hành vi hạn chế cạnh tranh, CTKLM là phù hợp và hoàn toàn thống nhất với quy định của Luật Cạnh tranh.

Thứ hai, Luật Cạnh tranh đã quy định rõ trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Cạnh tranh với quy định của luật khác về hành vi hạn chế cạnh tranh, CTKLM thì áp dụng quy định của Luật Cạnh tranh. Điều đó có nghĩa là, việc xác định hành vi hạn chế cạnh tranh, CTKLM được quy định theo hướng mở là các luật chuyên ngành được quy định các tiêu chí xác định hành vi hạn chế cạnh tranh, CTKLM phù hợp với đặc thù ngành. Do vậy, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 giao cho NHNN quy định cụ thể về các hành vi hạn chế cạnh tranh, CTKLM và hình thức xử lý các hành vi này như hiện nay là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng. Tuy nhiên, việc quy định các tiêu chí để xác định hành vi CTKLM không phải là chuyện đơn giản, vì nếu không quy định cụ thể, rõ ràng, sẽ tác động tiêu cực đến diễn biến hoạt động của thị trường ngân hàng. Hiện nay, NHNN đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng (dự thảo lần 2 vào tháng 06/2011). Dự thảo Nghị định có những quy định khá chi tiết, rõ ràng về những hành vi CTKLM đặc thù của hoạt động ngân hàng, song vẫn tồn tại nhiều vấn đề còn tranh cãi trong quá trình lấy ý kiến góp ý hiện nay.

Bên cạnh những ưu điểm nổi trội, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 vẫn còn một số bất cập, hạn chế khi quy định về các hành vi CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng như sau:

Một là, Điều 9 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 quy định:

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh

doanh khác theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lý các hành vi này [28, Điều 9].

Theo quy định trên, toàn bộ nội dung của điều luật đều tập trung quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, CTKLM, song Luật các Tổ chức tín dụng 2010 được ban hành vẫn tiếp tục quan niệm “hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng” là không rõ ràng về nội dung điều chỉnh của điều luật. Đây là hạn chế lớn nhất trong quan niệm về cạnh tranh của Luật các Tổ chức tín dụng hiện hành cần được khắc phục, bởi lẽ hợp tác và cạnh tranh là hai thuật ngữ có nội hàm khác nhau. Theo Từ điển Tiếng Việt [41], cạnh tranh là “cố gắng làm hơn những người nhằm cùng mục đích với mình để tới trước hoặc đạt kết quả tốt hơn, hợp tác là “cùng làm những việc chung”. Do đó, quy định “hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng” là không hợp lý.

Hai là, về định nghĩa hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng. Khoản 4 Điều 3 Dự thảo Nghị định về CTKLM trong lĩnh vực ngân hàng quy định:

Hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng là hành vi cạnh tranh của tổ chức và cá nhân có liên quan đến hành vi CTKLM trong hoạt động ngân hàng vì quá chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các TCTD, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác [5].

Với quan niệm này, cũng giống như Luật Cạnh tranh năm 2004, dấu hiệu quan trọng để xác định hành vi CTKLM là “vì quá chạy theo mục tiêu lợi nhuận” mà thực hiện các hành vi vi phạm “chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh nói chung, đạo đức kinh doanh ngân hàng nói riêng vẫn là một cụm từ định tính, gây khó khăn cho việc xác định cơ sở để thực thi các quy định về hành vi CTKLM. Hơn nữa, với định nghĩa này, Dự thảo Nghị định đã thu hẹp quá nhiều hành vi CTKLM. Thực tế cho thấy, việc thực hiện hành vi CTKLM của các chủ thể trên thị trường không phải lúc nào cũng vì mục tiêu lợi nhuận, trong thực tế, để gây khó khăn cho đối thủ cạnh tranh, các chủ thể kinh doanh nhiều khi đã “hi sinh mục tiêu lợi nhuận” của mình để triệt hạ đối thủ, vậy hành vi này có được coi là CTKLM không? Bên cạnh đó, cũng cần xem lại quy định gây thiệt hại cho Nhà nước, bởi lẽ, lợi ích của Nhà nước, của xã hội đã được thể hiện trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các TCTD.

Ba là, để làm rõ và chi tiết hóa các hành vi cạnh tranh đặc thù trong lĩnh vực ngân hàng thể hiện bản chất phù hợp, tương ứng với khái niệm về hành vi cạnh tranh của Luật Cạnh tranh, Luật các TCTD đã trao quyền cho NHNN quy định cụ thể về các hành vi CTKLM và hình thức xử lý các hành vi này. Song về lâu dài, thiết nghĩ việc cụ thể hóa các quy định về hạn chế cạnh tranh, CTKLM bằng một văn bản dưới luật thì việc giải thích sẽ đi quá xa hoặc không truyền tải hết nội dung của Luật là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, các quy định khung về cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng sẽ tạo được ranh giới can thiệp của NHNN đúng với Luật Cạnh tranh. Luật Cạnh tranh đã quy định rõ cơ quan nhà nước không được thực hiện các hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường:

(i) Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; (ii) Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; (iii) Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường;

(iv) Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp [25, Điều 6].

Vì vậy, nếu để NHNN toàn quyền quyết định trong việc quy định cụ thể về các hành vi hạn chế cạnh tranh, CTKLM và hình thức xử lý các hành vi này sẽ rơi vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” thì sẽ rất khó khăn cho việc tạo lập môi trường kinh doanh ngân hàng an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.

Bốn là, một vấn đề chưa được làm rõ trong Luật Cạnh tranh năm 2004 cũng như trong Dự thảo Nghị định, đó là: các hành vi CTKLM được quy định tại Nghị định, và cũng được quy định tại Luật Cạnh tranh 2004, thì trình tự, thủ tục xử lý các hành vi CTKLM có trong Nghị định có được áp dụng như đối với hành vi được quy định trong Luật Cạnh tranh 2004 hay không? Thiết nghĩ, việc áp dụng cũng như xử lý các hành vi CTKLM cần có sự áp dụng thống nhất, đặt trong sự phối hợp với các quy định hiện có của hệ thống pháp luật về cạnh tranh. Cũng như trường hợp áp dụng các quy phạm định nghĩa trong Dự thảo Nghị định để làm rõ và nhận dạng các dấu hiệu về hành vi mà Luật Cạnh tranh năm 2004 không quy định. Từ đó, cũng có thể suy ra những hành vi CTKLM khác được quy định trong Dự thảo Nghị định tuy không được quy định trong Luật Cạnh tranh năm 2004, nhưng cũng sẽ bị xử lý theo các quy định về trình tự thủ tục đối với hành vi CTKLM được quy định trong Luật Cạnh tranh năm 2004.

2.1.2.2. Các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của ngân hàng thương mại

* Hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn: Điều 40 Luật Cạnh tranh quy định chỉ dẫn gây nhầm lẫn là những chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh.

Với việc thiết kế dưới dạng các quy phạm cấm đoán, Luật Cạnh tranh không đưa ra các dấu hiệu để nhận dạng các đối tượng bị xâm phạm này, do đó, phải sử dụng phối hợp các quy phạm định nghĩa trong các văn bản pháp luật hiện hành khác có liên quan để từ đó có cách hiểu thống nhất trong quá trình áp dụng. Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa mới có quy định các dấu hiệu nhận dạng đối với một số chỉ dẫn về tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bao bì. Còn các chỉ dẫn khác trong Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 như biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh đều không được giải thích ở bất cứ văn bản nào trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Trong hoạt động thương mại nói chung, hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn thường liên quan tới sự không rõ ràng về việc nhận dạng nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, ví dụ chỉ dẫn khiến khách hàng nhầm lẫn trong việc xác định xuất xứ hàng hóa. Trong hoạt động ngân hàng, hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn có thể được thể hiện như:

(i) Sử dụng các tên gọi, logo, chỉ dẫn địa lý dễ gây nhầm lẫn với các TCTD nước ngoài, khiến cho khách hàng tưởng nhầm dịch vụ đó do TCTD uy tín hoặc nổi tiếng cung cấp;

(ii) Cung cấp thông tin sai sự thật về các chiến lược trong tương lai với

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/10/2023