Nghệ Thuật Miêu Tả Tâm Lí, Tính Cách Nhân Vật Qua Độc Thoại Nội Tâm

Trong truyện ngắnNgười bệnh là một cô gái xa lạ, nhìn bề ngoài Đẹp là một "cô gái có một nét đẹp tự nhiên, cuốn hút" [7], nhưng lại có số phận của kẻ "hồng nhan bạc mệnh". Đẹp vào Viện một mình trong tình trạng nguy kịch bị sót rau và nhiễm trùng. Hình ảnh cô gái với "cặp mắt mơ màng nhìn vào khoảng xa xăm, đôi môi hé mở hơi nhếch ra như nở một nụ cười chua chát" [7] luôn ám ảnh người thầy thuốc. Tuy các bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng cô vẫn không qua khỏi. Đẹp đã chết một cách đau đớn, tủi hận và cô đơn vì trót tin lời đường mật của một gã sở khanh. Cô ra đi đầy tức tưởi với "đôi mắt khép nửa chừng như còn đợi một ai đó. Cô hé đôi môi như muốn nói một điều gì và hối tiếc xót xa. Hai giọt nước mắt như hai giọt sương đọng lại trong khóe mắt từ từ lăn ra" [7]. Phải chăng đó là những giọt nước mắt nức nở cuối cùng mà cô gái khóc thương cho số phận mình và đầy tủi hận với kẻ bạc tình, xấu xa?

Có thể thấy, nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật của nhà văn Vi Thị Kim Bình có những nét đặc trưng riêng và có tác dụng lớn trong việc thể hiện tính cách và phẩm chất của nhân vật. Hầu hết các nhân vật trong tác phẩm của nữ nhà văn này đều thể hiện một vẻ đẹp khỏe mạnh, chân thật, mộc mạc, hồn nhiên, tự nhiên - một vẻ đẹp đậm màu dân tộc và miền núi. Và đây cũng là một thành công của nữ nhà văn này.

3.2.2.2. Nghệ thuật miêu tả nhân vật qua hành động

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy: ngoài việc sử dụng thủ pháp khắc họa ngoại hình nhân vật, cây bút nữ Vi Thị Kim Bình còn rất hay sử dụng thủ pháp miêu tả hành động của nhân vật để thể hiện bản chất cũng như tính cách của nhân vật. Đây là một điểm mạnh của cây bút nữ dân tộc Tày này nhưng đồng thời cũng là một nhược điểm trong việc xây dựng, khắc họa hình tượng nhân vật trong sáng tác của nhà văn (chú ý nhiều đến miêu tả hành động, ít chú ý đến việc khai thác đời sống nội tâm của nhân vật)

Nhân vật trung tâm trong truyện ngắn Vi Thị Kim Bình hầu hết là người miền núi chân chất, hồn nhiên, trong sáng. Khi xây dựng hình ảnh những con người miền núi ấy, nhà văn thường chú ý miêu tả hành động của nhân vật hơn là đi sâu vào ngóc ngách tâm hồn của nhân vật. Những hành động ấy thường mang đậm những nét riêng của tính cách con người miền núi vốn rất thẳng thắn, bộc trực và tự nhiên.

Trong truyện ngắn Đặt tên, thông qua hồi tưởng của anh bộ đội tên Hùng về ân nhân đã cứu mình trong chiến dịch biên giới, người đọc đã phần nào hình dung được những phẩm chất cao đẹp của những người phụ nữ dân tộc thiểu số qua hành động cụ thể của Lê. Khi chứng kiến cảnh anh bộ bị thương đang rét run lên cầm cập, nước mắt Lê trào ra lăn trên gò má trắng hồng. Rồi "cô gạt nước mắt, chạy vội về, quên cả gánh củi. Mọi người chẳng ai để ý đến cô. Chợt lúc sau cô mang đến cho anh một chiếc chăn bông mới tinh" [7]. Chỉ bằng một hành động bỏ gánh củi, chạy như bay về nhà mang tấm chăn bông mới tới, ta cũng có thể thấy được tấm lòng nhân hậu của cô gái Tày kia. Chiếc chăn bông đó là chiếc chăn mới cưới của Lê. Mang chiếc chăn mới cưới của mình ra để đắp cho một anh bộ đội bị thương mà cô chưa từng quen biết có nghĩa là Lê đã vượt qua những rào cản luật tục của dân tộc mình. Không chỉ như vậy, người con gái Tày giàu lòng yêu thương đó còn thức bao đêm ròng để chăm sóc cho anh và "khi đỉnh núi còn chìm trong sương mờ bồng bềnh, cô gái đáng quý ấy đã trèo đèo vượt suối đến nhà ông lang lấy thuốc cho anh. Về đến nhà cô lại nấu cháo bón cho anh. Rồi cô giã thuốc, thay băng" [7]. Bằng những nắm lá thuốc rừng và tấm lòng nhân hậu của mình, cô đã cứu được anh. Sau này, hòa mình vào cuộc chiến đấu của cả dân tộc, Lê đã trở thành một nữ cứu thương "băng mình qua lửa đạn để chuyển những thương binh từ trận địa ra ngoài" [7]. Một sự tình cờ, anh chiến sĩ bị thương năm nào được cô chăm sóc lại là người chứng kiến những giây phút cuối cùng của người con gái Tày dũng cảm và

nhân hậu ấy. Trong những giây phút cuối cùng đó, tác giả cũng chỉ miêu tả những hành động cho thấy sự cố gắng vượt bậc của Lê: "...Lê đang bò từ từ, bỗng nhiên nằm im không nhúc nhích... Một phút, hai phút, rồi ba phút trôi qua... Lê đã cử động... Lê co một chân lên, hai tay đang giơ băng cuốn vào chân... Lê đã bò tiếp đến chỗ đồng chí thương binh. Sau khi băng tạm vết thương cho đồng chí, Lê cõng trở về" [7]. Lúc đầu Lê còn cố gắng cõng anh thương binh, nhưng đến khi đôi chân khuỵu xuống cô đã "dùng hết sức còn lại để dìu đồng chí thương binh đi" [7]. Nhưng một quả đại bác nổ gần đấy, Lê đã hi sinh trong tư thế của người chiến sĩ quân y. Không một lời giới thiệu về cá tính, con người nhân vật, không một dòng miêu tả suy nghĩ nội tâm, nhân vật chỉ có những trang miêu tả hành động nhân vật, nhưng thông qua những hành động đó bản chất tốt đẹp, phẩm chất sáng ngời của nhân vật đã được bộc lộ một cách thật rõ nét, đầy xúc động.

Ta còn gặp trong tác phẩm của Vi Thị Kim Bình một y sĩ Vân (Niềm vui) "Ngồi hàng giờ, mắt ghé sát miệng những ông đã rỗng cả hai lá phổi, động một tẹo là ộc máu ra..." [5]. Rồi ngày ngày, ngoài việc chăm sóc thuốc men cho bệnh nhân, chị còn giúp đỡ chị em hộ lí giặt quần áo, đổ bô, đổ ca cho bệnh nhân. Chị không ngần ngại việc gì dù khó khăn nhất, bẩn thỉu nhất. Khi thấy bệnh nhân phàn nàn nhà vệ sinh bẩn, buổi trưa chị đã tranh thủ gánh đôi thùng sắt tây han gỉ đến thẳng nhà vệ sinh một mình vừa múc phân vào thùng vừa kẽo kẹt gánh đi đổ. Hành động đó của Vân đã khiến những bệnh nhân vô cùng kính phục chị. Với tinh thần trách nhiệm và tấm lòng thực sự thương yêu người bệnh, Vân đã dành rất nhiều thời gian để chăm sóc những bệnh nhân, từ việc nấu cháo, cắt tóc, vá quần áo chăn màn đến việc tìm hiểu tâm tư sở thích của từng bệnh nhân. Những việc làm tuy nhỏ nhưng ẩn chứa rất nhiều yêu thương của chị đã khiến cho bệnh nhân lúc nào cũng cảm thấy là mình như đang sống trong tình thương yêu, sự đùm bọc của người chị, người mẹ trong gia đình.

Y tá Nhình trong truyện ngắn Một ngày nghỉ, y tá Xuyến trong Chuyện bà Sử là những cô y tá thôn bản hết lòng vì bệnh nhân. Bằng những hành động của mình, họ đã góp thêm công sức đưa đồng bào dân tộc thoát khỏi những quan điểm bảo thủ, lạc hâu. Một ngày nghỉ của y tá Nhình đã diễn ra trong cảnh chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân để đón một em bé ra đời khỏe mạnh, cứu một người mẹ thoát khỏi cái chết và chăm sóc chạy chữa cho một em bé bị viêm phổi nặng. Dành hết thời gian cho bệnh nhân, Nhình đã không kịp chia tay với người chồng mới cưới của mình trước khi anh lên đường trở về cơ quan công tác.

Xuyến (Chuyện bà Sử) cũng là cô y tá giàu tình thương, có trách nhiệm với công việc. Bằng việc chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, cô đã góp phần vận động, tuyên truyền bà con dân tộc còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu có một cách nhìn mới mẻ về khoa học, tin tưởng vào y học hiện đại. Đối với những người dân miền núi trình độ hiểu biết còn thấp kém, Nhình hiểu rằng chỉ có cách chữa cho họ khỏi bệnh thì họ mới tự hiểu và thay đổi nhận thức. Đó là việc làm thiết thực nhất để có thể đưa ánh sáng văn hóa, văn minh về với những miền rừng núi xa xôi, hẻo lánh. Chính vì vậy, khi thấy đứa cháu ngoại của bà Sử bị viêm phổi nặng mà bà lại không cho tiêm vì cho rằng cháu mình đã giờ tận số theo lời của bà "then", Xuyến đã lập tức tiêm cho cháu bé rồi nghĩ cách đưa cháu đến bệnh viện huyện để thở bình ô xy. Mặc cho bà Sử khóc lóc, gào thét, van lạy, "Xuyến bế cháu bé sang nhà cô... nhờ hai thanh niên đi xe đạp thay nhau kèm cô, đưa cháu bé lên huyện" [7]. Những hành động nhanh nhẹn và kịp thời đó của Xuyến đã cứu được đứa trẻ đồng thời cho thấy tình thương và tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc ấy.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

Quyết định mổ để cứu anh công nhân nhà máy điện bị trúng bom Mĩ của bác sĩ Tâm trong truyện ngắn Những bông huệ trắng là hành động cho thấy sự quyết đoán của người thầy thuốc trong những trường hợp cứu người

khẩn cấp. Khi tiến hành ca mổ, mỗi người thầy thuốc đều thấy tim mình đập mạnh hơn, gấp hơn. Khi bác sĩ Tâm đang "thận trọng kéo lên từng đoạn ruột" [7] của bệnh nhân thì đèn vụt tắt do máy bay địch tới. Lập tức, bác sĩ Tâm "một tay đặt lên đoạn ruột nạn nhân xem còn thở không, một tay cầm chiếc panh cặp chặt mạch máu" [7]. Những hành động đó cho thấy sự nhanh nhạy trong việc giải quyết tình huống của các y, bác sĩ ở đây. Rồi việc lợi dụng pháo sáng của địch để tiếp tục ca mổ, tự hiến máu của mình để truyền cho bệnh nhân khi máu dự trữ trong kho bị hỏng hết do mất điện... bác sĩ Tâm và kíp mổ đã cứu sống được bệnh nhân. Những nỗ lực, cố gắng của họ đã được đền đáp bằng sự sống của bệnh nhân. Hành động nhanh nhạy, khéo léo của những người chiến sĩ áo trắng kia đã làm bừng sáng phẩm chất cao đẹp "lương y như từ mẫu" của họ.

Truyện ngắn Vi Thị Kim Bình - 12

Trong truyện ngắn Chiếc khăn quàng màu xanh, khi phát hiện ra lũ lụt đang tràn đến và nước dâng lên rất nhanh, Quang không kịp nghĩ gì, "Quang lao từ đầu xà này sang góc xà bên kia. Anh tìm cách để vượt ra ngoài. Anh dỡ ngói... cắt dây điện rồi tụt xuống nước. Buộc tủ lại cho khỏi trôi, bảo vệ tài liệu. Quang nhặt mấy tấm ván bắp bìa ghép chặt vào ba chiếc giường cá nhân tạo thành chiếc mảng. Lấy cột ăng ten ti vi làm sào, Quang bơi ra ngoài" [7]. Với những hành động nhanh nhẹn đó, Quang đã tạo cho mình một chiếc mảng để đi cứu mọi người. "Quang tìm cách kéo họ vào mảng và đưa họ vào một căn nhà gác gần đó. Anh lại lao mảng ra đi"

[7] mặc dòng nước đang chảy xiết tạo ra những dòng xoáy ác liệt. Hành động nhanh nhẹn và dũng cảm ấy của Quang đã cứu sống bao con người thoát khỏi dòng nước lũ...

Tóm lại, khi đọc truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình, người đọc có thể thấy được phẩm chất, tính cách của nhân vật đã được tác giả khắc họa chủ yếu thông qua việc miêu tả các hành động cụ thể của nhân vật. Tính cách người miền núi thường rất thật thà, thắng thắn, bộc trực nên thường bộc lộ

tình cảm của mình ở ngay những hành động cụ thể, ít khi bằng những lời nói hay những suy tư dài dòng, phức tạp. Đây cũng là một nét đặc thù trong tính cách của con người miền núi. Họ là những người nói ít, làm nhiều, hành động là chính; họ là những người luôn sẵn sàng hi sinh vì người khác, không tính toán, so đo nhiều. Có lẽ vì thế chăng mà khi khắc họa tính cách nhân vật, nhà văn Vi Thị Kim Bình đã rất chú trọng đến việc miêu tả hành động cụ thể của họ.

3.2.2.3. Nghệ thuật miêu tả tâm lí, tính cách nhân vật qua độc thoại nội tâm

Như đã biết, độc thoại nội tâm là một trong những phương tiện quan trọng mà các nhà văn thường sử dụng để khắc họa một cách chính xác nhất những diễn biến tâm lí, tính cách nhân vật. Độc thoại nội tâm là "khái niệm chỉ phát ngôn của nhân vật, trực tiếp phản ánh quá trình tâm lí bên trong, là kiểu độc thoại thầm, mô phỏng hoạt động suy nghĩ – xúc cảm của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó" [15].

Có hai dạng độc thoại nội tâm: độc thoại nội tâm hướng nội và độc thoại nội tâm hướng ngoại. Đôc thoại nội tâm hướng nội là những độc thoại nội tâm mà thông qua đó con người tự bộc lộ cách nhìn, cách đánh giá của mình với những con người xung quanh, đối với xã hội đồng thời cũng làm rõ hơn quan hệ, trình độ nhận thức, kinh nghiệm sống của nhân vật. Nhờ vào kiểu độc thoại nội tâm này, con người bên trong của nhân vật hiện lên một cách chính xác, sinh động.

Như đã trình bày ở trên, trong các truyện ngắn của mình, nhà văn Vi Thị Kim Bình chủ yếu dùng thủ pháp miêu tả ngoại hình và hành động nhân vật, nhưng bên cạnh đó, tác giả cũng đã chú ý đến việc khắc họa tâm lí nhân vật thông qua việc miêu tả độc thoại nội tâm. Một số truyện ngắn như: Đốm sáng, Một ngày nghỉ, Trở về, Khanh, Những bức thư nằm trong trang nhật kí, Lỡ hẹn, Mối tình nghiệt ngã, ... nhà văn Vi Thị Kim Bình đã chú ý sử dụng thủ pháp nghệ thuật này.

Ví dụ như trong truyện ngắn Đốm sáng, vì ái ngại cho hoàn cảnh của Tâm, một cô gái Tày xinh đẹp nhưng bị mù từ nhỏ, bác sĩ Duyên đã đồng ý nhận Tâm vào viện để chữa mắt cho cô. Từ lúc Tâm vào viện cũng là lúc mà "Duyên phải suy nghĩ, lo lắng, tính toán gay gắt nhất" [29]. Là một bác sĩ trẻ, mới có hai tư tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm nên nhiều khi cô giật mình, thấy mình quá liều khi nhận Tâm vào viện. Duyên đã phải đấu tranh nội tâm rất nhiều trong quyết định có mổ cho Tâm không? Hồi còn học ở trường Duyên đã gặp một bệnh nhân như thế. Không phải Duyên tự ti nhưng cô nghĩ: "thầy giáo của mình mổ, bệnh nhân nhìn thấy, nhưng đấy là bậc thầy của mình mổ, còn mình?" [29]. Những câu hỏi cứ xoáy sâu trong lòng cô bác sĩ trẻ. Cuối cùng, được sự động viên của lãnh đạo bệnh viện, Duyên đã mổ thành công, đem lại ánh sáng cho Tâm. Những suy nghĩ, lo lắng cũng như những đấu tranh nội tâm quyết liệt của Duyên đã cho thấy lương tâm và trách nhiệm của một người thầy thuốc luôn nghĩ đến dân tộc mình, luôn mong mỏi đem lại ánh sáng cho bà con dân tộc mình.

Y tá Nhình trong truyện ngắn Một ngày nghỉ đã có những đoạn độc thoại với chính bản thân mình để đấu tranh giữa lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc với hạnh phúc cá nhân. Lẽ ra, trong ngày nghỉ cuối tuần, Nhình sẽ được đoàn tụ với người chồng mới cưới đã xa nhau gần một năm trời do anh công tác ở trên tỉnh. Nhưng chưa kịp ăn trọn bữa cơm với chồng Nhình phải sang đỡ đẻ cho bệnh nhân. Cô hi vọng sản phụ đẻ dễ để cô có thể được về nhà trước chín giờ tối. Nhung không may, sau khi đẻ xong, sản phụ lại bị băng huyết. Sau 5 tiếng vật lộn để giành lại sự sống cho sản phụ từ tay thần chết, sản phụ đã tỉnh, nhưng đấy mới chỉ là bước đầu vì huyết vẫn còn ra, chưa cầm dứt được, mạch của bệnh nhân vẫn còn nhanh. Một bên là người chồng đi xa hàng năm mới về đang chờ ở nhà, một bên là một bệnh nhân đang nguy kịch. Nhình cảm thấy khó xử, cô bồn chồn lo lắng: "Làm thế nào bây giờ? Chẳng lẽ mình lại bỏ về ư?...Bây giờ đã mười hai giờ khuya rồi. Còn anh ấy thì sao? Chắc anh ấy

đang nóng lòng đợi mình? Hay mình về vậy? Không, không thể được, không ai có thể chăm sóc sản phụ hơn mình trong lúc này. Ở lại, ở lại!" [7]. Những ý nghĩ ấy như một tiếng gọi thôi thúc cô và cô quyết định ở lại đến khi bệnh nhân qua cơn nguy hiểm. Đến lúc thấy bệnh nhân đã ổn định, cô có thể về được thì cũng đã ba giờ sáng.

Sáng hôm sau, gia đình một em bé hai tuổi bị sưng phổi nặng gọi cô đến khám. Cô lại lập tức chuẩn bị thuốc men đến đó. Khi tiêm mũi tiêm thứ nhất, thấy em có tiến triển tốt cô rất sung sướng. Nhưng muốn em bé qua khỏi cơn nguy kịch phải tiêm đủ ba mũi, mỗi mũi cách nhau ba tiếng. Cô bồn chồn suy nghĩ: "Thế thì về nhà làm sao được? Đem em bé đến trạm xá ư? Không được, em yếu quá, đường đi tới trạm xá bốn cây số. Ở đây ư? Ba giờ anh ấy phải ra bến xe rồi, liệu mình có về kịp không? Buồn quá! Anh ấy về chẳng đúng lúc. Nhưng nghề thuốc có khi nào định trước được thời gian đâu?" [7]. Những câu hỏi liên tiếp được đưa ra trong tâm trí của cô y tá trẻ cho thấy sự đấu tranh tư tưởng quyết liệt: "Bây giờ là tám giờ. Mười một giờ tiêm một lần nữa, rồi hai giờ chiều tiêm một lần nữa... Khi ra về..." [7]. Cô nhắm mắt lại không dám nghĩ nữa. Cô đang hỏi bản thân xem nên làm thế nào trong tình huống này. Nếu ở lại tiêm cho em bé thì cô sẽ không kịp về để tiễn chồng ra xe về đơn vị, nhưng nếu không được tiêm thuốc đủ liều thì em bé không thể nào sống được. Trước mắt cô là một đứa trẻ đang thoi thóp, tính mạng của nó đang nằm trong tay cô. Sau một hồi tự vấn bản thân, cuối cùng tình thương và tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc đã chiến thắng, cô đã quyết định ở lại để chữa cho đứa trẻ. Như vậy, có thể thấy vừa là nhà văn đồng thời vừa là một thầy thuốc tận tụy với bệnh nhân nên Vi Thị Kim Bình đã khắc họa diễn biến tâm lí của y tá Nhình một cách chân thực, sinh động và tinh tế. Qua đó, nhà văn muốn khẳng định, ngợi ca những người thầy thuốc có tinh thần trách nhiệm với người bệnh, tận tuỵ phục vụ và hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/10/2023