Truyện ngắn Thanh Tịnh trong dòng truyện ngắn trữ tình Việt Nam 1930-1945 - 9


một thế giới khác đã mang chút lửa sưởi ấm cho Phương, “Phương cũng không hiểu tại sao, tối hôm nay lòng Phương lại rạo rực tê mê như đống tro tàn men hơi lửa”. Những câu nói vô tình của đứa trẻ thơ đã khiến hai người xích lại gần nhau hơn, khiến tình đời, tình người hoà quyện vào với nhau, “Dưới ánh trăng, gương mặt của Phương trông hồng hồng tươi xinh như bằng sáp. Lòng Thảo hồi hộp sẽ như cánh bướm”. Tình chợt đến, chợt đi. Tất cả cũng chỉ gói gọn trong một chuyến đò mà thôi. Lòng người thiếu phụ trở lại buồn vắng như trước. Nhưng dường như cũng đã có sự thay đổi trong cái buồn vắng của người thiếu phụ. Thời gian trôi qua, đứa con thơ giờ đã khôn lớn, nhưng đêm nào chèo thuyền qua bến Nứa, Phương cũng lại cất tiếng gọi: “Ai về Viễn Trình thì xuống mà về”, dù đáp lại lời cô “chỉ có tiếng chuông chùa Đồng Tâm ngân dài trên mặt nước”. Không gian vẫn như xưa : khúc sông dài từ “chợ lá làng Thiên” đến làng Viễn Trình - một lịch trình bất biến của con thuyền chở khách, tiếng chuông chùa Đồng Tâm, câu gọi mời khách đi đò…, nhưng đồng thời cũng có cảm giác dường như tất cả đã không còn như xưa nữa, bởi thời gian đã thay đổi, và lòng người cũng đã thay đổi. Sự thay đổi đó diễn ra rất âm thầm, lặng lẽ, day dứt. Cái ước mơ, mong ngóng, hy vọng trong câu gọi mời khách của người thiếu phụ ngày một ít dần đi, nhường chỗ cho nỗi khắc khoải vô vọng, đau đớn ngày một lớn dần lên.


CHƯƠNG 3‌

ĐẶC ĐIỂM TRUYỆN NGẮN THANH TỊNH QUA MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT


I. CHẤT THƠ NHƯ MỘT ĐẶC ĐIỂM BAO TRÙM TRUYỆN NGẮN THANH TỊNH

Những truyện ngắn của Thanh Tịnh tràn ngập ý thơ, với một tâm hồn vừa lãng mạn vừa sâu sắc. Một thế giới được tạo dựng lại với sự rung cảm tột độ khi diễn tả. Đúng như Thạch Lam nhận xét, mỗi truyện ngắn của Thanh Tịnh là một bài thơ. Thanh Tịnh có một hồn thơ lai láng, ngọt ngào, man mác trữ tình, “thứ tình êm dịu, nhẹ nhàng, thứ tình của những người dân quê đôn hậu Trung kỳ, diễn ra trong những khung cảnh sông nước, đồng ruộng” (Vũ Ngọc Phan). Truyện của ông trở đi trở lại cái làng Mỹ Lý, nơi có con sông hiền lành lặng lẽ chảy quanh, nơi có những cánh đồng thơm mát và những tiếng hò của bạn gặt, bạn chài vẳng trên sông nước. Bức tranh thiên nhiên trong truyện của ông thật thi vị, thật thơ mộng. Thạch Lam đã thật tinh tế khi viết về ông bằng một hình ảnh: “ Thanh Tịnh đã muốn làm người mục đồng dưới bóng tre thổi sáo để ca hát những đám mây và những làn gió lướt bay trên cánh đồng, ca hát những vẻ đẹp của đời thôn quê”.

1. Làng quê xứ Trung kỳ Việt Nam hiện lên trong truyện ngắn của Thanh Tịnh thật đẹp và yên bình: “Gió thổi trên đồng lúa chín, dạt dào nhẹ và khô. Bên kia đồng tiếng hò đạp nước còn văng vẳng ran lên giữa bóng chiều sắp tắt. Tiếng hò rời rạc và buồn buồn nghe như đàn ve xám thả


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 98 trang tài liệu này.

giọng ngân rền cuối hạ” (Con so về nhà mẹ), “Đường đi khúc khuỷu chạy dọc một mé sông An Cựu và vươn qua nhiều đám ruộng sắn xinh tươi. Gió thổi đều đều trong ngọn cây và rung nhẹ những tia nắng nhạt” (Lầm), “Một buổi chiều vàng rộng mênh mông” (Tình trong câu hát),… Ta có thể cảm được cái thanh bình, cái yên ả của làng quê Việt Nam với những cánh đồng lúa mênh mông, với những luỹ tre xanh ken dày, với những dòng sông yên ả và tiếng hò mái nhì, mái đẩy của bạn chài ngân dài vọng về. Bức tranh cảnh làng quê này càng thêm thi vị vào những đêm có trăng, khi bầu trời đêm chỉ còn trăng ngự trị, khi mà trăng rộng lượng ban phát cái ánh sáng dịu dàng, thanh thơi khiến cho cảnh vật thêm thơ mộng và tâm hồn con người thêm nhẹ nhõm, khoáng đạt, xoá nhoà đi những ưu lo, phiền muộn, vất vả lúc ban ngày: “Phía trước cổng, cách hàng rào tre thưa lá là cánh đồng mênh mông chạy dài đến chân trời xa thẳm. Phía ấy trăng tuôn xuống thảnh thơi và tràn ngập cả con sông đào đang uốn mình vươn qua đồng lúa rộng” (Con so về nhà mẹ), “Ánh trăng êm dịu xuyên qua mấy tàu lá chuối rồi nhẹ toả trên chiếc bàn chúng tôi mấy bóng đen lớn luôn luôn xao động. Mùi hương bên giàn hoa lý bay ra thơm ngào ngạt” (Tình thư), “Mảnh trăng trong lúc ấy đã bắt đầu chiếu ánh sáng dịu dàng qua hàng tre trước cổng” (Quê mẹ), “Ở vùng quê một đêm trăng. Gió thổi đều đều qua ngọn cây và lay nhẹ những tàu lá xám. Trăng sáng, và trời không mây”, “Trời càng khuya trăng càng tỏ. Tiếng nói qua lại dịu dần cho đến lúc câu chuyện thành nhạt nhẽo vô duyên thì ai nấy đều im tiếng. Cảnh vật của trời đêm lặng lẽ bao vây giấc ngủ say sưa của mọi người” (Quê bạn),… Truyện của Thanh Tịnh tràn ngập ánh trăng, nhưng tài tình là ở


Truyện ngắn Thanh Tịnh trong dòng truyện ngắn trữ tình Việt Nam 1930-1945 - 9

chỗ trăng đã được ông thổi hồn người nên nó không chỉ còn là ánh sáng tự nhiên của thiên nhiên nữa. Nó đã mang tâm trạng con người. Trăng trong Ngậm ngải tìm trầm đã không còn vẻ thanh bình, nó mờ ảo, ma quái bao trùm cảnh vật, nó khiến cho lòng người thêm hoang mang, lo sợ trước sự huyền bí, kỳ lạ của núi rừng thượng ngàn mà trí tuệ con người còn chưa hiểu hết được: “giữa một đêm trăng mờ cuối thu, bác Diệm gái bỗng nghe tiếng rú xa xa, đứt quãng rồi kéo dài rất ảo não”, “ánh trăng thu giây bụi vàng nhạt trên mớ tóc dài đen nháy của con người kỳ dị lại làm bác gái giật mình”, “trong bầu ánh sáng nhạt, nhuộm sương khuya”, “con vật quay mình lẳng lặng đi vào phía núi Truồi, rồi biến dần trong ánh trăng xanh nhạt”… Và trăng của tình yêu nam nữ cũng lãng mạn, cũng bâng khuâng, hồi hộp như người trong cuộc : “Mặt phà rộng mênh mông lấp loáng ánh trăng vàng, trăng rất đẹp. […] Trong đám sương mờ óng ả ánh trăng, hai chiếc thuyền lẳng lặng cách xa dần như rẽ quạt” (Tình trong câu hát), “Đêm hôm ấy trăng sáng vằng vặc và trên trời không hề bợn một chút mây” (Rosée)…

2. Thanh Tịnh đã đưa rất nhiều những câu hò, câu ca dao dân gian vào trong truyện ngắn của mình. Ta có thể bắt gặp những câu ca chứa đầy nhạc điệu đó ở đầu, ở giữa hoặc thậm chí ở cuối truyện: “Đi đâu cho thiếp đi cùng / Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam” (Bến Nứa); “Chiều chiều ra đứng cửa sau / Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều” (Quê mẹ); “Tôi đứng đầu giường / Tôi trương mắt ếch / Tôi đây sợ sệt / Tôi đây sợ sệt / Sợ họ gặt hết lúa đồng đi! / Tôi đến đây mót lượng từ bi! / Mót điều nhân nghĩa, chứ mót chi lúa ngài” (Con so về nhà mẹ); “Thuyền ai trôi trước /


Cho tôi lướt đến cùng / Chiều đã về trời đất mung lung / Phải duyên thì xích lại cho đỡ não nùng tiếng sương - Trời một vùng đêm dài không bạn / Mượn gió chiều hỏi bạn ngàn sông / Thân em là gái chưa chồng / Tơ duyên có chắc như dòng nước không? - Tình về Đại Lược / Duyên ngược Kim Long / Đến đây là chỗ rẽ của lòng / Gặp nhau còn biết trên sông bến nào” (Tình trong câu hát); “Rồi mùa toóc rạ rơm khô / Bạn về quê bạn biết mô mà tìm” (Quê bạn);… Bản thân mỗi câu ca đó đã là một câu thơ chứa đựng những tâm tình của lòng người muốn giãi bày, chia sẻ. Ở những chỗ, thời điểm mà ngôn ngữ trực tiếp khó diễn tả được hết tâm trạng con người thì Thanh Tịnh đã dùng những câu ca để thay thế, để nói hộ.

3. Truyện của Thanh Tịnh là những truyện thiên về tình cảm. Ông sử dụng nhiều đoạn văn trữ tình để tả tâm trạng nhân vật. Lúc là cái bối rối, rạo rực của lòng người thiếu phụ cô đơn trước tình mới: “Phương chống cằm vơ vẩn nhìn mấy thửa ruộng chạy dài hai bên bờ sông, lòng hơi thổn thức. Phương cũng không hiểu tại sao, tối hôm nay lòng Phương lại rạo rực tê mê như đống tro tàn men hơi lửa” (Bến Nứa); lúc là cái nao nao buồn của người tu hành trước thời khắc giao thoa của đất trời: “Đoạn sư cụ quỳ trên chiếu cỏ cố thành tâm tụng niệm để quên những chuyện xa xưa. Một sự thầm tiếc thoáng qua lòng, sư cụ đã vội vàng đánh mõ khua chuông để che lấp […] Nhưng một luồng gió lạnh lọt qua khe cửa và thoáng chạy lồng trong chiếc áo rộng tay. Sư cụ miên man nghĩ đến những vụn đời xa cách […] Một luồng máu lạnh như đến tràn ngập trong lòng và bắt sư cụ tê mê một lúc. Sư cụ lo lắng quay vào trong am” (Một đêm xuân); lúc lại là cái xao xuyến, bâng khuâng của người thiếu nữ trước tình


yêu đầu đời: “Hơn ba hôm nay giọng hò của Mẫn đã quyến luyến Hương và làm lòng Hương xao xuyến. Hương tự nhiên thấy buồn buồn khó tả. Mỗi lần giọng hò của Mẫn ngân lên không, như tiếng chuông rền, hay tản mát ra xa như dòng Hương cuộn, Hương lại thổn thức và có cái cảm giác hơi lạ: là chừng đã sống với Mẫn đâu từ kiếp xa xưa” (Quê bạn)… Đặc biệt là cách ông mô tả tâm trạng một cậu bé lần đầu được đến trường với những câu văn mượt mà cảm xúc, đọc một lần thấy nhớ mãi: “Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng […] Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp” (Tôi đi học).

4. Bên cạnh những đoạn văn trữ tình miêu tả trực tiếp tâm trạng nhân vật, Thanh Tịnh cũng hay dùng cảnh để tả tình người. Truyện của ông thường mang một nỗi buồn mênh mang, bâng khuâng. Trong những câu chuyện đó, nhất là trong các truyện tình buồn, Thanh Tịnh thường lấy mưa gió, giá lạnh, ánh trăng cuối thu, mùa đông… để làm cảnh tả tình người: “mưa luôn ngày đêm/ dòng mưa đêm lạnh ngắt/ bản nhạc mùa đông/ lạnh như cắt thịt/ giữa đêm lạnh/ giữa đêm mưa tầm tã/ giữa đêm mưa lạnh cóng” (Am cu ly xe); “mưa tầm tã/ tiếng mưa rì rào/ những dòng mưa chi chít/ nước mưa xối mạnh/ dòng mưa chảy tràn trên mặt/ mùa đông năm sau/ ánh sáng xanh rờn của mảnh trăng cuối thu/ mảnh tăng hạ tuần/ mặt trăng lúc ấy đã lẩn hình trong đám mây đen” (Bến Nứa);… Cái đêm cô


Duyên gặp lại thầy sếp ga Trưu trong Bên con đường sắt là một đêm mưa gió dầm dề giữa mùa đông lạnh, và sau cái đêm vừa gặp gỡ lại vừa ly biệt đó lại tiếp tục là “những đêm mưa gió dầm dề, lạnh lùng và mãnh liệt”. Nếu không gian trong truyện của Thạch Lam thường là không gian chiều chạng vạng thì không gian trong truyện của Thanh Tịnh thường là không gian đêm trăng đêm mưa. Và điều làm nên sự riêng biệt cho truyện ngắn của Thanh Tịnh là không gian tâm tưởng của nhân vật thường là không gian của sự hồi tưởng, hồi nhớ quá khứ. Nhân vật hoặc người kể chuyện dường như đứng ở hiện tại mà nhớ về quá vãng với những hồi ức xa xăm tốt đẹp dường như không bao giờ còn trở lại nữa.


II. CÁCH LỰA CHỌN ĐỀ TÀI, XÂY DỰNG CỐT TRUYỆN


Nằm trong mạch truyện ngắn trữ tình nên truyện của Thanh Tịnh cũng xoay quanh những đề tài quen thuộc của các nhà văn cùng phong cách. Ông viết nhiều về các đề tài sinh hoạt, phong tục chốn làng xóm, hương thôn miền Trung - nơi ông đã sinh thành - những ký ức luôn đeo đuổi ông trong suốt cuộc đời. Ở đó, ông để cho ngòi bút của mình được thoải mái tung hoành kể và tả về thiên nhiên, về tập tục, về sinh hoạt đời thường của làng và người dân làng. Khảo sát chỉ qua một số truyện đã thấy ông dùng rất nhiều những từ, cụm từ riêng biệt, đặc trưng của chốn nông thôn này. Từ tên truyện: Quê mẹ, Quê bạn, Ra làng, Làng, Một làng chết, Bến Nứa, Con so về nhà mẹ, Am cu ly xe,… đến nội dung thì đầy rẫy các từ, cụm từ chỉ địa danh hoặc các phương ngữ: xóm chợ lá làng Thiên,


thuyền, bến, cô lái đò, làng Viễn Trình, chợ Thiên, làng Mỹ Lý, làng Duyên Hải, chân đồng làng, làng Đồng Yên, chùa Đồng Tâm, mợ, cậu, ngày kỵ, khới, ra làng, xã thuyền, hương thơ, đình, am, miếu, ôn mệ, mõ, chị xâu, nằm nơi, lót ổ, nằm bếp, cúng khẫm tháng, rinh, nghiễn chuyện, sông An Cựu, lạch, ôn, mắc việc,… Khoảng 60 năm sau thời của Thanh Tịnh - Thạch Lam, tức là vào những năm đầu thế kỷ XXI này, văn đàn Việt Nam cũng xuất hiện một nữ nhà văn trẻ đi theo phong cách trữ tình với những truyện ngắn viết về các đề tài nông thôn miền quê Nam bộ - những hồi tưởng về quá khứ được nghe kể lại hay đó chính là những ký ức mà tuổi thơ chị đã trải qua. Đó là Nguyễn Ngọc Tư với Dòng nhớ, Chợ nổi Cà Mau, Qua cầu nhớ người, Nước chảy mây trôi, Lý con sáo sang sông, Đất Mũi phù sa, Tháng chạp ở rạch Bộ Tời,… Nếu Thanh Tịnh là nhà văn của làng Mỹ Lý, của chốn hương thôn miền Trung thì cũng có thể gọi Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của miệt vườn Nam bộ. Như vậy là văn mạch của dòng truyện ngắn trữ tình thời 1930-1945 vẫn tiếp tục chảy và ảnh hưởng tới các nhà văn trẻ ngày nay.

Không bị lệ thuộc bởi những sự kiện, biến cố bên ngoài giàu xung đột, giàu kịch tính, những điểm “gút” đột ngột làm đảo ngược, thay đổi tình thế như các nhà văn hiện thực, Thanh Tịnh - giống như các nhà văn trữ tình khác, chọn cốt truyện tâm lý (Phan Quốc Lữ) - loại cốt truyện chỉ chú ý tới những cơn thăng trầm trong cảm xúc của nhân vật, tức là những sự cố, những trạng thái tâm lý nhân vật. Vì thế, trong truyện của ông, cái gây ấn tượng nhiều cho người đọc chính là những trạng thái cảm xúc của

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/10/2023