Truyện ngắn Thanh Tịnh trong dòng truyện ngắn trữ tình Việt Nam 1930-1945 - 11


Là cậu bé lần đầu tiên đến trường đi học thì phải tỏ ra vẻ người lớn thế này:

“- Mẹ đưa bút thước cho con cầm.”


(Tôi đi học)


Các chị em phụ nữ khi gặp nhau thì tất phải chuyện trò rôm rả về chuyện chồng con, sinh nở, chuyện cơm ăn áo mặc hằng ngày. Vợ chồng nói chuyện với nhau thì phải tình cảm, dịu dàng. Mẹ chồng con dâu thì rõ ra thứ bậc, nề nếp gia phong, con dâu phải thưa gửi với mẹ đàng hoàng:

“- Thưa mẹ giỗ ông con.”

Và mẹ chồng khi cho phép con dâu về thăm quê thì phải:

“- Thôi cho mợ một hào để đi đò. Và nhớ chớ để em ngồi nhìn xuống mặt nước.”

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 98 trang tài liệu này.

(Quê mẹ)

Trong ngôn ngữ của vị sư già và chú tiểu thì phải dùng nhiều những từ ước lệ, cổ điển, họ nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ đẹp như thơ:

Truyện ngắn Thanh Tịnh trong dòng truyện ngắn trữ tình Việt Nam 1930-1945 - 11

“- Con đã hái hoa bên rừng thu về đấy phải không?”

“- Bạch sư cụ, sáng nay nhân qua suối Nguyện hái hoa con lại thấy trên dải sông Tương thuyền của đám ngư phủ đang đua nhau chèo xuôi về cuối núi.”

“- Bạch sư cụ và rừng mai sau triền núi Thệ hôm nay cũng trổ hoa trắng cả trời.”

“- Con vào đóng cửa lại chẳng mây trời sắp bay lạc vào am.”


(Một đêm xuân)

Trong truyện ngắn của mình, Thanh Tịnh cũng thường sử dụng rất thành công ngôn ngữ miêu tả và ngôn ngữ độc thoại nội tâm hay phân tích, diễn tả nội tâm con người. Không chỉ đối với Phương, Duyên là những cô gái gặp duyên phận dở dang mới có những đoạn độc thoại nội tâm thành công mà ngay cả với những nhân vật có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, tuy không giàu có gì như cô Thảo, cô Hoa, ông cùng sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật này: “Cô Hoa thở dài yên lặng. Cô biết mẹ cô nghèo, làm lụng luôn tay và không đủ nuôi đàn em dại. Và theo tục lệ thì chỉ đẻ con so là về nhà mẹ thôi. Chứ cô sinh đẻ đã mấy lần cô cũng qua nhờ mẹ cả. Nói nhờ là nhờ công thôi, chứ tiền bạc về cơm nước cô phải tự liệu lấy” (Con so về nhà mẹ). Hay như vị sư già trong Một đêm xuân : “Sư cụ nghĩ ngay đến muôn gia đình đang ăn Tết và ánh sáng đèn dội rực toả lên mây. Sư cụ còn nghe trong tưởng tượng những tiếng pháo xa xa nổ dòn như những chuỗi cười đêm Tết”.

Thanh Tịnh miêu tả rất tốt những rung động nho nhỏ của con người trước tình yêu, trước cảnh vật, trước tình cảm mẹ con, vợ chồng, quê hương, làng xóm. Không người đọc nào lại không thấy xúc động trước những câu văn như thế này: “Cô Hoa phần nhớ chồng, phần thương con liền đưa vạt áo nâu lên chặm nước mắt” (Con so về nhà mẹ), “… Và từ đó dòng sông Viên phẳng lặng, đồng làng Mỹ Lý vắng teo, trai bạn đi, lòng Hương bơ phờ như cảnh vườn hoang chờ gió lạ” (Quê bạn), “Nói xong thầy Trưu quay lưng đi ra cửa thật nhanh để giấu hai hàng lệ đã tràn trề trên má, trong lúc cô Duyên đứng chơi vơi nhìn theo với cặp mắt đẫm lệ


và với tấm lòng tan nát” (Bên con đường sắt),… Hoặc diễn tả cái cảm giác tinh khôi, nguyên sơ của một cậu bé bắt đầu cắp sách tới trường dự buổi học đầu tiên của cuộc đời: “Hằng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường” (Tôi đi học).

Sử dụng ngôn ngữ hài hước, trào phúng nhẹ nhàng cũng là một thế mạnh của Thanh Tịnh. Đây là một điểm riêng của phong cách trữ tình Thanh Tịnh. Nếu văn Thạch Lam nhẹ nhàng trầm lắng, hướng người đọc tới những rung động tinh tế của tâm hồn con người; văn Hồ Dzếnh buồn hiu hắt, mang nhiều âm hưởng lịch sử, quá khứ; văn Thanh Châu sang trọng, tài hoa; văn Xuân Diệu lãng mạn, tình tứ thì văn Thanh Tịnh trữ tình, dí dỏm. Cái cảnh ông tả diễn ra ở đình làng trong ngày lễ rước thần trong truyện ngắn Ra làng dễ khiến người đọc mỉm một nụ cười thú vị : “Họ khề khà nói rất sẽ và rất ít, vì họ chỉ sợ mất thì giờ ngồi nói chuyện gẫu, và sợ nhất là mất những thức ngon nóng hổi sắp trên bàn… Bao nhiêu tâm lực họ đều thâu vào đôi mắt để tìm thức ăn và để biết gắp đồ ăn ngon trước mọi người… Những cái thìa gặp nhau trong bát canh, những đôi đũa chạm nhau trên đĩa thịt bò tái, những cái húp ừng ực, những cái nghiến dẻo dang hợp lại làm thành một điệu âm nhạc không tên nhưng lại có tuổi”, hoặc là khi nghe một em bé học thuộc bài theo kiểu học vẹt: “Rắn là một loài bò… ê… a… Rắn là một loài bò… Sát không chân… ê sát không chân” (Tình thư).


KẾT LUẬN


1. Mặc dù có số lượng truyện ngắn không nhiều, và chủ yếu chỉ trong giai đoạn 1930-1945, nhưng Thanh Tịnh đã để lại dấu ấn khá đặc biệt trong lòng người đọc. Ảnh hưởng nhiều bởi Thạch Lam, có phong cách gần gũi với Hồ Dzếnh, Thanh Châu, Ngọc Giao… nhưng truyện ngắn của Thanh Tịnh vẫn có những nét đặc sắc riêng, có ảnh hưởng riêng trên văn đàn thời kỳ đó và cả các giai đoạn sau này. Đó không phải là điều mà bất cứ nhà văn nào cũng làm được, cho dù số lượng tác phẩm của họ có thể nhiều hơn rất nhiều. Có những nhà văn, tác phẩm của họ có thể rất có tiếng vang, được bạn đọc đón nhận hồ hởi ngay khi vừa xuất bản, nhưng nó lại chỉ có ý nghĩa vào thời điểm đó, giai đoạn đó. Sức ảnh hưởng của tác phẩm, của tác giả không tới được với những thế hệ sau. Người ta chỉ đánh giá nó với những giá trị trong một thời điểm lịch sử nhất định. May mắn thay, hay chính bởi sức sống ngầm mà tự thân các tác phẩm đã khẳng định vị trí, giá trị của truyện ngắn trữ tình giai đoạn 1930-1945 nói chung và truyện ngắn của Thanh Tịnh nói riêng. Truyện ngắn trữ tình 1930-1945 đã không bị quên lãng sau hơn nửa thế kỷ, văn mạch của nó vẫn tiếp tục chảy qua dòng thời gian và ảnh hưởng tới truyện ngắn đương đại đầu thế kỷ XXI này, thậm chí là ảnh hưởng mạnh mẽ. Sự xuất hiện thành công của


các nhà văn có phong cách trữ tình như Nguyễn Ngọc Tư, Mai Ninh, Linh Vang… những năm vừa qua đã chứng minh điều đó. Đó là mới chỉ kể đến những nhà văn có số lượng truyện ngắn theo phong cách này xuất bản nhiều và giành được thành công, còn những nhà văn có một hoặc một vài truyện ngắn theo bút pháp trữ tình đã xuất bản lẻ tẻ, chưa thành bộ, thành tập nhưng cũng ít nhiều gây được sự chú ý như Phạm Thị Ngọc Liên, Trần Thuỳ Mai… chúng tôi chưa có điều kiện đề cập đến. Phải chăng, nói như nhà nghiên cứu văn học Bùi Việt Thắng: có lẽ xã hội đương đại với đầy những phức tạp, những xu hướng phát triển nhiều chiều, đã khiến con người tìm tới những mảnh đất riêng tư hơn, đi vào cuộc sống nội tâm nhiều hơn ? Điều đó có lẽ đã khiến cho những tác phẩm văn học đi vào khám phá đời sống tâm hồn bí ẩn của con người được đón nhận và quan tâm ngày một nhiều hơn.

2. Dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945 với các đại biểu của mình là Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Ngọc Giao, Thanh Châu… đã tạo nên những thành công riêng được ghi nhận trên văn đàn giai đoạn cùng thời và cả các giai đoạn sau này. Cùng với truyện ngắn hiện thực, truyện ngắn lãng mạn, truyện ngắn trữ tình đã góp phần tạo nên sự thành công rực rỡ của truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn cho rằng giai đoạn 1930-1945 là giai đoạn hoàng kim của văn học Việt Nam hiện đại. Trải qua các biến cố thăng trầm của lịch sử xã hội, văn mạch của dòng truyện ngắn trữ tình vẫn tiếp tục phát triển cho tới ngày nay, dù trong quá trình phát triển của nó, do ảnh hưởng của lịch sử, của xã hội, đã có lúc nó gần như chững lại, hoặc có lúc nó chỉ phát triển một cách yếu ớt với số nhà văn, tác phẩm ít, mỏng. Ảnh


hưởng của nó dù là vô thức hay ý thức cũng đã tạo cho nền văn học đương đại Việt Nam những tác phẩm gây được nhiều chú ý, được độc giả đón nhận và quan tâm. Sự thành công của một số nhà văn trẻ hiện nay đang đi theo phong cách này đã chứng tỏ điều đó. Cùng với thời gian, các nhà văn theo phong cách trữ tình đã đóng góp nhiều tác phẩm giúp cho nền văn học Việt Nam ngày một thêm phong phú, đa dạng.

3. Với bút pháp nghệ thuật trữ tình tinh tế, cùng với sự hài hước, dí dỏm riêng biệt, Thanh Tịnh đã tạo cho mình một dấu ấn riêng biệt trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945 và đã có ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà văn trẻ thế hệ sau.

Ông đã thành công trong việc phân tích, miêu tả đời sống tâm hồn của con người, đặc biệt là người nông dân, một việc mà không nhiều các nhà văn Việt Nam quan tâm tới. Ông không đứng từ trên nhìn xuống để miêu tả, không đứng từ ngoài nhìn vào để quan sát, bình luận, mà ông như hoà nhập vào với người nông dân để phân tích, để khám phá đời sống nội tâm bí ẩn của họ. Với một đất nước sống chủ yếu bằng nông nghiệp như Việt Nam, hình ảnh người nông dân đã được văn học nói tới nhiều với rất nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng quý như: cần cù, chịu khó, trung thực, yêu nước,… nhưng đời sống tâm hồn của người nông dân thì vẫn là một mảnh đất riêng, bí ẩn mà văn học còn chưa khai thác được nhiều. Thanh Tịnh đã viết về những người dân làng quê hồn hậu mà tinh tế với một sự hiểu biết và thông cảm sâu sắc. Đó cũng chính là điều đã khiến truyện ngắn của ông tuy không phản ánh nhiều về hiện trạng xã hội đầy rối ren như nhiều tác phẩm hiện thực khác cùng thời nhưng vẫn đầy tính nhân văn, nhân bản.


Tác phẩm của Thanh Tịnh cũng đã được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông từ lâu nay, đó là truyện ngắn Tôi đi học. Và với nhiều người, cái cảm giác lần đầu tiên đi học cũng luôn trở lại khi họ đọc truyện ngắn đầy cảm xúc hồn nhiên, trong sáng này. Đây có lẽ là một phần thưởng xứng đáng và là niềm hạnh phúc lớn đối với nhà văn.

Cùng với sự hiện diện của không gian làng Mỹ Lý, Thanh Tịnh đã mang đến cho nông thôn Việt Nam một không gian yên bình, đẹp đẽ và thơ mộng với những con người hiền lành, chất phác, bình dị mà vẫn đầy lòng nhân ái, đầy lãng mạn. Đọc truyện ngắn Thanh Tịnh, người ta có thể liên tưởng tới không gian xứ Provence qua tập truyện ngắn Thư viết ở cối xay gió của nhà văn Pháp Alphonse Daudet. Những “bức thư” của Daudet đã gợi lại những truyền thuyết, những chuyện có thật hay hoang đường, với cảm xúc nồng nhiệt và chất phác. Người ta tìm thấy lại ở đó mùi của hương thảo, tiếng hát của ve sầu, tiếng sáo trúc… Qua làng Mỹ Lý hay xứ Provence, người đọc dường như cảm thấy thêm yêu quê hương xứ sở mình. Đó cũng chính là điều mà các nhà văn, Daudet cũng như Thanh Tịnh muốn hướng người đọc tới thông qua tác phẩm của mình.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Antônốp, Viết truyện ngắn, NXB Văn nghệ, H, 1956.


2. M.Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du, H, 1992.

3. M.B.Khrapchencô, Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, NXB Tác phẩm mới, H, 1979.

4. N.A.Gulaiep, Lý luận văn học, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1987.

5. Compton’s 99 - Encyclopedya American, CD Rom, TLC Multimedia Inc, Electric Library (đĩa CD Từ điển Bách khoa toàn thư Mỹ)

6. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, H, 1992.

7. Nhiều tác giả, Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế giới, 2004.


8. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, H, 1992.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/10/2023