sàng dâng hiến tuổi xanh cho tổ quốc và sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc đứng lên. Người chiến sĩ trong Những người đi tới biển được Thanh Thảo khắc họa có sức khái quát điển hình từ những nấm mồ yên nghỉ. Đó là những người đồng đội đã ngã xuống nơi cánh rừng Trường Sơn. Sự hy sinh của người chiến sĩ được Thanh Thảo gọi tên thật là xúc động và đã tạc vào thơ ca những tấm bia ngàn đời vinh hiển: “Ngày dân tộc trở về đường số một/ Lòng không nguôi thương những cánh rừng này/ Nơi những đứa con nằm lưng đèo cuối dốc/ Dọc theo lối mòn chìm khuất dưới rừng cây/ Nếu một ngày ta dựng những hàng bia/ Xin hãy để “Nơi đây những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ”.
Hình ảnh nắm cơm cháy trong Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh là một chi tiết giàu sức lay động, gợi cho ta nỗi day dứt về sự hy sinh của người chiến sĩ lái xe tăng. Mẫu cơm “đen chỉ còn một nửa, có dấu tay in lõm vào trong, ngón tay bè của đồng chí lái”, vì: “Các anh ăn nửa bữa trong ngày/ Phần để dành/ Làm ta day dứt mãi”. .
Các trường ca về thời chống Mỹ từ 1975 về sau đã phản ánh sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ ra trận tương đối cụ thể hơn. Hầu hết các trường ca đã xây dựng thành công hình tượng người chiến sĩ nhân dân - một kiểu người lính hoàn toàn mới trong lịch sử dân tộc. Đó là những con người được kết tinh từ chủ nghĩa anh hùng cách mạng dân tộc và bản chất con người xã hội chủ nghĩa; sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ, hy sinh hạnh phúc cá nhân, và đến trước lúc chết vẫn sẵn sàng hy sinh giọt máu cuối cùng cho đồng đội.
Trường ca mô tả hình ảnh người lính đi vào cuộc hành quân vội vã, để rồi khi ngã vào lòng đất vẫn là người trai trẻ: “Thế hệ chúng con đi như gió thổi/ Quân phục xanh đồng sắc với chân trời/ Chưa kịp yêu một người con gái/ Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”. Đó là những người anh hùng hết lòng vì nhân dân, đồng đội: “Sống thì đi mà chết thì nằm/ Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn”; và họ đã nằm lại đâu đấy trong những cánh rừng heo hút hay bên những
vách núi lạnh lẽo, chơ vơ: “Nằm khuất nơi đâu ven rừng đá lạnh/ Trọn đời làm chiến sĩ vô danh” (Đất nước hình tia chớp).
Giang Nam, trong Người anh hùng Đồng Tháp, đã xây dựng hình ảnh anh hùng Huỳnh Việt Thanh sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư để xả thân vì đất nước. Trong chương cuối Ánh chớp đêm giao thừa, nhà thơ đã nhắc nhớ về sự hy sinh như một sự biết ơn thành kính: “Vậy là đã ba mươi năm/ Các anh vĩnh viễn ra đi/ Để lại chiến công/ Để lại niềm vui và nỗi nhớ thương da diết/ Để lại màu xanh cho trời cao, biển biếc/ Cho hàng me đàn trẻ nô đùa”.
Trường ca về thời chống Mỹ đã ghi lại sự hy sinh thầm lặng như một nốt bè trầm xao động tận tâm can. Các nhà thơ đã luôn ám ảnh về những người mãi mãi ở tuổi đôi mươi, ám ảnh về những người trong thời bình hôm nay vẫn cứ tồn tại trong mình di chứng của thời chống Mỹ. Chiến tranh đã để lại quá nhiều đau thương, đó là “cuộc chiến tranh ám ảnh khôn nguôi”.
Ngày nay, chúng ta vẫn biết rằng nhiều ngôi mộ nằm lẫn khuất dọc núi rừng Trường Sơn đang được đồng đội, nhân dân tìm kiếm, qui tập về nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng nào phải là tất cả. Và dù đã về nằm chung với đồng đội ở nghiã trang hay vẫn còn nằm nơi chốn rừng núi thâm u thì quả thật, các anh vẫn chưa bao giờ yên nghỉ bởi các anh vẫn mãi sống trong lòng dân tộc, đêm đêm vẫn “rì rầm trong tiếng đất/ như buổi ngày xưa vọng nói về” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi).
Có thể bạn quan tâm!
- Sức Khái Quát Hiện Thực Về Địa Danh Và Con Người
- Sức Khái Quát Về Người Thực, Việc Thực
- Sức Khái Quát Về Sự Hy Sinh Của Nhân Dân
- Sự Gắn Kết Giữa Tính Chất Sử Thi Và Tính Chất Trữ Tình
- Sự Phức Hợp Và Đa Dạng Về Thể Thơ
- Đến 1980 Thường Mang Giọng Điệu Tâm Sự, Giải Bày, Độc Thoại Nội Tâm.
Xem toàn bộ 223 trang tài liệu này.
Ở thời hậu chiến, cách tư duy và cảm nhận rộng mở, càng về sau càng có biên độ rộng hơn trong diễn đạt; trong cách bày tỏ tâm tư; trong phản ánh… Bảo Ninh đã rất bản lĩnh khi chọn đề tài chiến tranh. Nhà văn đã viết về chiến tranh bằng một ngòi bút trầm tỉnh nhưng thật sự là “nổi lửa”. Trầm tĩnh bởi vì anh cảm nhận Nỗi buồn chiến tranh bằng thời gian hiện tại nhìn về quá khứ để soi rọi, chiêm nghiệm, phân tích nội tâm, đào sâu suy nghĩ của từng nhân vật người lính trong truyện. “Nổi lửa” bởi từ sự thâm trầm ấy, anh nhẹ nhàng bắt sự thật cháy lòng phải tự thốt lên, cất lên những lời chân thực.
Lửa mùa hong áo của Lê Thị Mây là trường ca đầu tiên về thanh niên xung phong, cũng là trường ca của một nhà thơ nữ. Mười hai người con gái trẻ trung của nhiều miền quê đã tụ tập về cung đường Quảng Bình tuyến lửa. Một cung đường có lúc đầy cây đổ, chằng chịt những hố bom rộng hoác, đất đá ngổn ngang, mùi xăng xe, mùi hàng hoá cháy nồng nặc. Mười hai con người nhỏ bé, yếu đuối nhưng lòng quyết tâm thì cao hơn núi. Ở nơi đó có các cô gái chải đầu giặt áo, có cười nói hồn nhiên, có tóc rụng đau lòng, có khao khát nhớ nhung, có tuổi xuân ngọt ngào, có đau thương khi một người bỏ chỗ ngồi hong áo mà ra đi. Các cô gái đã sống đúng nghĩa và trọn vẹn với những năm tháng ngắn ngủi, dù phải tan xương nát thịt để giữ vững mạch máu lưu thông: “Tiểu đội mười hai người/ Một buổi chiều/ mâm cơm/ thừa đũa/ thừa bát/ Nhìn xuống bếp/ thừa một chỗ ngồi hong áo”.
Đã từng là thanh niên xung phong, đã từng qua những nhọc nhằn gian khó, đã từng kề cận cái sống cái chết nên tâm tình Lê Thị Mây vô cùng chân thật. Chị trải lòng mình - một người đồng đội năm xưa - để nói với mười hai cô gái đã nhắm mắt tan vào cát bụi; chưa được làm vợ, làm mẹ thiêng liêng: “Trong bọc áo chị còn kim chỉ, trang nhật ký dở dang/ Chữ liền chữ, đêm liền đêm, ngày liền ngày, sáng bừng lên gương mặt/ Màu mực đừng phai, vết đạn xuyên thời gian dằng dặc/ Ký ức bập bùng mỗi tên núi tên sông”. Chọn môtíp con đường, nhưng Lê Thị Mây có một cách nói riêng không giống với những con đường trong trường ca Mặt đường khát vọng, Những người đi tới biển, bởi con đường trong Lửa mùa hong áo là con đường gắn liền với nhiệm vụ quan trọng của mười hai cô gái thanh niên xung phong.
Cùng viết về những cô gái anh hùng ở ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Trọng Tạo có Trường ca Đồng Lộc, tức Con đường của những vì sao. Sự hy sinh của các cô đã được nhà thơ ghi lại thật xúc động: “Mười chị em ở đâu rồi/ để cho nước mắt khôn nguôi tìm người.../ Cách nhau một lớp đất thôi/ mà xa xôi thế - không lời - lặng im”...
Trong Sông núi trên vai, như mười hai cô gái ngã ba Đồng Lộc, các cô trong đoàn vận tải H 50 đã ra đi vì địa hình chiến đấu khắc nghiệt. Chỉ một chiếc bè nứa nhưng phải chở năm cô gái cùng năm gùi hàng qua sông lũ, giây phút hiểm nghèo bè nặng người đông, tình yêu đồng đội lên tiếng gọi và đạn dược phải được bảo vệ, cô gái tên Hoa đã quyết gieo mình xuống dòng nước cho nhẹ bớt bè: “Những viên đạn đang chờ lên phía trước/ Không thể nào chìm sâu đáy nước/ Em đã gieo mình xuống dòng nước xiết/ Lòng thanh thản nhận về mình cái chết”. Và cô gái đã hy sinh không kịp gửi lại gì ngoài “sợi chỉ bật ra từ miếng vá trên vai trong giây phút cuối cùng, là tín hiệu vô tình thả ngược dòng sông cho bạn bè tìm lại”. Một sự tự nguyện hy sinh cao quý chỉ có ở những con người quả cảm đã được phản ánh chân thực và đầy xúc động.
Trường ca được sáng tác ở những năm sau chiến tranh lại càng phơi bày sự thật về chiến tranh sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn. Có thể kể đến Những cánh đồng dưới lửa của Văn Lê đã miêu tả trần trụi sự đói khát của các anh, kể cả sự thương vong mất mát, người sống làm lễ truy điệu cho nhau trước giờ nổ súng: “Cả tiểu đoàn vừa đi vừa bò mà vào mặt trận/ Ai ngã thì đồng đội đem chôn/ Đến đào huyệt cũng không còn sức nữa/ Người đưa ma cũng chết gục bên đường... Thời gian ấy trước khi ra trận/ Chúng tôi thường truy điệu cho nhau/ Lễ truy điệu của những con người sống/ Để lúc sa cơ bè bạn đỡ buồn rầu”. Nhiều câu thơ trong trường ca làm đau nhói lòng người vì sự tàn ác của chiến tranh: “Thằng bạn thân của tôi cũng ra đi vội vã/ Thân thể trẻ măng bị xé toác từng phần/ Chúng tôi nhặt từng mẫu xương, thớ thịt/ Ráp vào nhau như thể ráp hình/ Rồi chôn bạn giữa cánh đồng cỏ lác/ Chúng tôi buồn mà cây nhẫn tâm xanh” (Những cánh đồng dưới lửa).
Văn Công Hùng, trong Ngựa trắng bay về đã dành một đoạn thơ văn xuôi đầy cảm động để hồi tưởng về sự hy sinh của người con gái phương Bắc: “Tôi lật chiều lật cỏ để tìm em, chỉ gặp biết bao điều bình dị. Ngang dọc những cánh rừng con gái, nào đâu em thức ở phương nào?. Tôi đi nửa giờ xe để đến nơi
ngày xưa em qua bằng một đời con gái. Bạt ngàn cao su rưng rưng nhựa trắng, lại gặp những bóng áo xanh một thời trận mạc...”.
Trường ca Những người lính của làng ra đời hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân (1992
- 1995), Nguyễn Quang Thiều đã ghi nhận sự hy sinh của các anh bộ đội và thay lời người lính để tâm tình cùng mẹ khi ra đi vào cõi nghìn trùng: “Chiến tranh qua rồi/ và mãi mãi con tin/ Con không chết, con chỉ không lớn nữa/ Và con sống suốt đời mười tám tuổi/ Như buổi chiều chào mẹ con đi”. Sự hy sinh của các anh là để dân tộc đứng lên:“Thưa Mẹ!/ Con về với mẹ đây…Chiến tranh đã tắt cuối con đường/Cau vẫn rụng vào những chiều thương nhớ/ Bầy sẻ nâu đã bao mùa sinh nở/ Con đã về, mẹ có thấy con không?
Trường ca ghi lại chi tiết các anh đã yên ngủ trong lòng đất mẹ nhưng ký ức tuổi thơ vẫn sống mãi trong lòng những người ở lại. Những tiếng nô đùa, những trò chơi dân dã, những cánh đồng chiều lộng gió vẫn còn đó nhưng không thể biết các anh đang nằm lại ở chốn nào. Nguyễn Quang Thiều đã trăn trở và bày tỏ trong những vần thơ nhức nhối đau lòng: “Tất cả/ tất cả giờ đây đang ngủ/ Đang ngủ yên/ đang ngủ ở chân trời.../ Chúng tôi chỉ nhớ rằng/ Sau trận đánh/ Tiếng điểm số hàng quân/ Lặng lẽ ngắn dần”.
Hoàng Trần Cương, trong chương 10 (trích Trầm tích) cũng tạo những ấn tương mạnh mẽ về những ngôi mộ chứng nhân một thời bão lửa: “Người đã khuất vẫn cưu mang người đang sống/ Ngôi mộ là chứng nhân/ Những chứng nhân mọc và rụng không bất ngờ với đất/ Đất hiến trao/ Đất lại nhận về/ Lặng im mới dài lâu/ Lặng im là màn đêm ngậm một nửa địa cầu/ Ngôi mộ là ngôi nhà của những linh hồn sống trong đêm...”. Người lính là chứng nhân. Các anh hy sinh để rồi những ngôi mộ của các anh lại tiếp tục là chứng nhân trong thời chiến lẫn thời bình” (Trầm tích).
Ngay cả những người lính một thời gian lao, anh dũng năm xưa, nay sống trong hòa bình vẫn đau đáu vì vết thương chiến tranh vẫn còn âm ỉ: “Nào có hết
được gian truân, cuộc đời người lính/ Nỗi đau xưa cứ âm ỉ trong lòng/ Giấu khóc mà cười, giấu đau mà khóc/ Nỗi niềm nào còn lại với hư không?” (Những cánh đồng dưới lửa - Văn Lê).
Có thể nói, trường ca về thời chống Mỹ đã phản ánh kịp thời sự hy sinh của người lính một cách chân thực. Đọc trường ca, sự tàn bạo của chiến tranh đã được phơi bày. Một số trường ca thời hậu chiến cũng đã phản ánh hiện thực một cách sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn, thể hiện tấm lòng ngưỡng vọng về sự hy sinh cao đẹp của chiến sĩ, nhân dân anh hùng.
Những người tham gia vào cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, ngày nay, dù mất hay còn; dù được khắc tên lên tượng đài Tổ quốc ghi công hay mãi mãi nằm lại nơi chốn rừng gìà âm u, lạnh lẽo; dù thân thể còn nguyên vẹn hay đã gửi lại một phần nơi chiến trận; dù có hạnh phúc tràn trề hay muộn màng thậm chí không có một gia đình, một đứa con để họ an ủi lúc trái gió trở trời... thì tất cả đều là hình ảnh thật sống động về một dân tộc anh hùng. Các nhà thơ đã khắc hình tượng của họ vào những trang thơ ấm nồng nghĩa tình sâu nặng, đặc biệt là ở những trường ca thiên về chất trữ tình trầm lắng. Sau chiến tranh, họ có thời gian chiêm nghiệm để phản ánh bao quát và ngọn nguồn hơn về một thời hào hùng đã qua. Mạch cảm hứng chủ đạo của họ phần lớn là khẳng định sự bất tử của người lính thời chống Mỹ, bày tỏ sự tri ân, nhận thức rõ những điều được-mất của cuộc chiến chống Mỹ. Các địa danh trong trường ca là các địa danh có thực ở ngoài đời. Nơi ấy đã từng hứng chịu bao cảnh bom rơi đạn nổ, biệt ly... Có thể khẳng định, chưa có một thể loại thơ ca nào mà có sức khái quát và phản ánh dịa danh, người thực việc thực sâu đậm như trường ca về thời chống Mỹ.
2.3. Đặc trưng sử thi. Sự gắn kết giữa tính chất sử thi và trữ tình
2.3.1 Đặc trưng sử thi
Tính sử thi là một đặc điểm nổi bật của nền văn học hiện đại Việt Nam, hình thành và phát triển từ sau cách mạng tháng Tám 1945.
Khi bàn luận về tính chất sử thi, Hêghen đã nhấn mạnh rằng: “Nội dung và hình thức của tính sử thi thật sự là toàn bộ quan niệm về thế giới và cuộc sống một dân tộc, được trình bày dưới hình thức khách quan của những biến cố thực tại” [26, tr.573]. Như vậy, tính chất sử thi sẽ bộc lộ ở những tác phẩm chứa đựng những biến cố thực tại mang tầm vóc lớn lao liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc. Từ năm 1960 đến 1975, trường ca viết về đề tài lịch sử dân tộc phát triển mạnh hơn hẳn nhóm đề tài thế sự và đời tư, Do vậy, tính chất sử thi là đặc điểm nổi bật trong trường ca sử thi hiện đại Việt Nam.
Sử thi cổ điển trên thế giới đã xuất hiện rất sớm trong đời sống tinh thần của nhân loại. Ở Việt Nam, thể loại sử thi đã từng tồn tại ở các nền văn học Êđê, Bana, và trong văn học Việt Mường. Trước khi bàn về tính chất sử thi của nền văn học mới, hãy khảo sát đặc điểm của loại sử thi dân gian cổ sơ này. Cụ thể như “Đẻ đất đẻ nước” có đủ bốn yếu tố bắt buộc của sử thi. Thứ nhất, đó là môt tác phẩm tự sự kể lại sự ra đời của trời, đất, mường, dân tộc Mường. Thứ hai, đó là một tác phẩm mang tính lịch sử bởi vì đây là một thí nghiệm giải thích bằng lịch sử về sự hình thành của dân tộc Mường gắn liền với thành tựu của văn hoá. Thứ ba, đó là một tác phẩm mang tính nhân dân sâu đậm. Thứ tư, đó là một tác phẩm kì vĩ, vì từ đầu đến cuối nó nói đến mối quan hệ qua lại giữa thế giới trần linh với thế giới trần gian. [79, tr. 25-26].
“Đẻ đất đẻ nước” thuộc loại sử thi dân gian điển hình của Đông Nam Á. Đây là một tác phẩm hình thành vào giai đoạn liên minh bộ lạc, phản ánh nguồn gốc và sự phát triển của đất nước và dân tộc, đã biểu hiện đúng thực chất của nền văn học Việt Nam cổ xưa. Nếu chiến tranh là yếu tố quan trọng trong trường ca hiện đại, thì ở trong trường ca cổ điển, nó chỉ giữ vai trò thứ yếu.
Thời đại chống Mỹ cứu nước là cái nền hiện thực rộng lớn sôi động chứa đầy những biến cố lịch sử. Trường ca hiện đại phát triển mạnh mẽ, nhất là ở đề tài đấu tranh chống Mỹ; tất yếu trường ca thấm đẩm tính chất sử thi. Bởi, khi
Hêghen cho rằng “thời đại anh hùng sản sinh ra sử thi đã vĩnh viễn lùi vào dĩ vãng” cũng như khi Biêlinxki tuyên bố “sử thi của thời đại chúng ta là tiểu thuyết”, thì điều đó còn có nghĩa là sử thi của các thời đại hoàn toàn không lặp lại nhau, mỗi thời đại đều có “sử thi” riêng của mình. Theo nghĩa đó, nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã nói đến tính sử thi của nền văn học mới” [84, tr.62].
Trên nền hiện thực đấu tranh chống Mỹ ác liệt, các nhà nghiên cứu văn học đã cho rằng đặc điểm sử thi của văn học Việt Nam thể hiện ở chỗ tăng cường tính sự kiện và tính chính luận. Sử thi trở thành một hiện tượng xã hội thẩm mỹ rộng rãi. Điều đó thể hiện ở việc trường ca phát triển mạnh, giàu tính sự kiện, giàu tính triết lý, chính luận. Vũ Văn Sĩ đã viết: “Trong các cuộc hội thảo và tranh luận văn học, thuật ngữ sử thi thường được dùng để khái quát sự phát triển văn học 1945 - 1975 trong sự so sánh với văn học giai đoạn sau đó như là một sự tương phản. Văn học sử thi là văn học của cái chung, cái cao cả. Văn học hậu sử thi là văn học của cái đời thường, cái riêng” [84, tr.73].
Nhưng, văn học sử thi trước 1975, nếu chỉ xem là văn học của cái chung, cái cao cả và cho rằng nó tương phản với văn học hậu sử thi sau 1975 chỉ thiên về cái đời thường, cái riêng thì chưa bao quát. Bởi trong cái chung, cái cao cả vẫn bộc lộ những vấn đề riêng tư. Những nét riêng đời thường vẫn có thể bộc lộ trong cái cao cả, cái chung.
Các trường ca ra đời sau 1990 không phải chỉ phản ánh cuộc sống, tình cảm riêng tư đời thường; mà đa phần; thông qua thủ pháp “hồi tưởng”, các nhà thơ đã gợi nhớ lại cuộc chiến tranh chống ngoại xâm oanh liệt, hào hùng của dân tộc.
Trong nền văn học cổ đại, một tác phẩm sử thi phải có bốn đặc điểm như đã nêu trên [57, tr.25]. Trường ca sử thi hiện đại lại có những khác biệt: