Sức Khái Quát Về Sự Hy Sinh Của Nhân Dân


chờ đợi ngóng trông trong những tháng ngày lam lũ, đói nghèo và ngập trời bom đạn. Mẹ là hiện thân của con cò suốt đời nhẫn nại, lam lũ, tần tảo, chắt chiu, hy sinh. Thương mẹ, hiểu sâu sắc tấm lòng của mẹ nên nhà thơ - người lính Thanh Thảo - mới có cách biểu đạt chân thực về mẹ: “Phải thương lắm mới đi làm cách mạng/ Phải thương nhiều hơn mới giữ nổi lòng tin/ Nhưng phải thương đến tận cùng đớn đau mới làm người mẹ”.

Trường ca về thời chống Mỹ thường xây dựng hình tượng Mẹ là đỉnh cao của mọi thời đại: “Dân tộc tôi khi đứng dậy là người/ Là đứng theo dáng mẹ/… và cứ thế nhân dân thường ít nói/ Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời/ Và cứ thế nhân dân cao vòi vọi/ Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời”. Những người mẹ anh hùng đã đẻ ra nhân dân anh hùng. Chân lý ấy đã được khẳng định: “Chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết/ Từ túp lều lợp lá lợp tranh” (Những người đi tới biển).

Đất nước Việt Nam ta, bất cứ ở nơi đâu cũng không thiếu những bà mẹ sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc những đứa con - cả trai lẫn gái, cả đứa con cuối cùng, cả cháu chắt - khi Tổ quốc cần. “Mẹ là ngọn nguồn tất cả, là vui sướng tột cùng, là tự hào cao độ, là thương nhớ khôn nguôi, là tình yêu vô biên, là ánh sáng dõi theo suốt cuộc đời người lính trẻ” [52, tr.97].

Trong Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh đã miêu tả hình tượng người mẹ cách mạng ngày ngày in dấu chân trên đồng để ra khẩu lệnh cho bao đứa con yêu thương đang làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước: “Những cánh đồng in dấu chân của mẹ/ Cứ ngày ngày ra khẩu lệnh cho tôi”. Đó là hình ảnh đại diện cho biết bao bà mẹ Việt Nam khác trong thời chống Mỹ luôn đồng hành cùng các con.

Những bà mẹ ấy đang làm nhiệm vụ, chia sẻ gian nguy, báo tin giặc hành quân cho đàn con bằng những tín hiệu rất giản đơn nhưng lại góp phần làm nên thắng lợi: “Trận đánh sẽ bắt đầu từ phía sau cánh cửa/ Có dấu vôi mẹ quệt lúc ăn trầu…/ Giặc hành quân: nhìn khăn mẹ trên đầu”. Ngay cả một cây quạt mo


cau trên tay mẹ, một cây ớt, một dây phơi cũng là tín hiệu báo tin của mẹ: “Quạt khép mở trên tay của mẹ/ Thành tín hiệu qua đường/ Cây ớt che miệng hầm/ Chiếc dây phơi kéo cờ khởi nghĩa”.

Dù mẹ ở miền Nam còn chìm đắm trong khói lửa chiến tranh hay miền Bắc tự do, dù thành thị hay thôn quê, rừng núi hay đồng bằng thì vẫn là người mẹ của lòng hy sinh, giàu tình yêu con, thương nước: “Mẹ đi gánh than mẹ thường gánh vã/ Nhem nhuốc cả ngày xanh/… Mẹ đi gánh rạ giữa đồng/ Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió”. Mẹ đã âm thầm một mình với nỗi nhớ con da diết, đầy ắp khiến mẹ không còn biết chứa chất vào đâu. Hữu Thỉnh đã có một cách nói rất riêng không lẫn vào ai bằng câu thơ mang dấu ấn câu hỏi tu từ độc đáo: “Mẹ đang xếp lại cho anh bộn bề giá sách/ Nhưng nhớ thương thì biết xếp vào đâu” (Đường tới thành phố).

Trải qua bao năm tháng kháng chiến với khát vọng hai miền thống nhất, mẹ là nguồn thôi thúc con làm nên chiến thắng. Hình tượng mẹ được chiếu sáng trên bức tường văn học hiện đại, trong trường ca về thời chống Mỹ. Mẹ gánh trên đôi vai gầy cả tuổi xuân, cả bão lửa chiến tranh, cả đói nghèo cơ cực. Hình ảnh Mẹ - với cái đòn gánh tre kĩu kịt trên vai - đã đi vào thơ ca, nhạc họa, điện ảnh, sân khấu... nhưng trên tất cả, đó là hình ảnh người mẹ Việt Nam nhân hậu, anh hùng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 223 trang tài liệu này.

Sau 1980, trong sự hồi tưởng về một thời bom đạn, các nhà thơ thời hậu chiến cũng đã ca ngợi tình yêu gia đình, tổ quốc của người Mẹ. Nguyễn Quang Thiều đã khắc đậm hình ảnh cao đẹp của người mẹ chiến sĩ đang nhớ thương con: “Khi mẹ vun lá khô nhóm bếp/ Là lúc mẹ nhớ con nhiều nhất trong ngày/ Chiều nay con không về buộc trâu đầu ngõ/ Tiếng cọ sừng lác đác hoàng hôn/... Chiều nay lòng mẹ đầy thương nhớ/ Những đứa con đi đánh giặc xa nhà” (Những người lính của làng).

Mẹ đã được các nhà thơ đưa lên tầm cao anh hùng trong lẽ bình thường. Đất nước ta là đất nước của nhân dân, đất nước ấy là của mẹ, sinh ra mẹ. Và mẹ

Trường ca về thời chống Mỹ trong văn học hiện đại Việt Nam - Nguyễn Thị Liên Tâm - 15


lại sinh cho đất nước lớp lớp anh hùng để bảo vệ sự sống còn của đất nước. Từ hình ảnh người mẹ riêng có thực, cụ thể của từng chiến sĩ trong cuộc chiến chống Mỹ, các nhà thơ đã nâng thành hình tượng mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là hình tượng bà mẹ Việt Nam mang tính điển hình trong văn thơ thời chống Mỹ nhưng cũng chính là những bà mẹ thật sự của cuộc đời những năm kháng chiến cam go. Với quan niệm nghệ thuật về con người theo ý thức hệ của giai cấp vô sản, mẹ là người mẹ Tổ quốc, người mẹ nhân dân.

Từ những khúc, đoạn thơ… đã dẫn trên đây, có thể khẳng định, hình ảnh mẹ Việt Nam anh hùng đã được các nhà thơ cảm nhận và miêu tả khá sắc nét trong trường ca về thời chống Mỹ. Mẹ đã đồng hành cùng dân tộc đi vào cuộc chiến đấu không cân sức một cách bền bĩ, kiên trung.

Như vậy, nhìn vào đội ngũ nhân vật của nền văn học cách mạng: “ta thấy ưu thế không thuộc về các nhân vật có cương vị xã hội cao (các nhân vật của lịch sử) như trong sử thi cổ điển mà lại thuộc về các nhân vật bình thường: người mẹ, người vợ, người con gái, người du kích, giao liên, cán bộ vận tải” [6, tr.23].

Cùng đồng hành với Mẹ là sự đồng hành của nhân dân. Cuộc chống Mỹ đem đến cho các nhà thơ có một tầm nhìn cao, một cảm xúc lớn. Họ đã quan sát cuộc sống và con người cao đẹp trong thời chống Mỹ để xây dựng thành những hình tượng đẹp trong trường ca. Đó là lớp sinh viên học sinh ở Huế xuống đường trong Mặt đường khát vọng, anh thợ điện trong trường ca Nguyễn Văn Trỗi, các cô gái vận tải trong Sông núi trên vai, người du kích trong Mặt trời trong lòng đất, anh hùng Huỳnh Việt Thanh trong Người anh hùng Đồng Tháp, hình tượng Bác Hồ trong Theo chân Bác… Tất cả đều là những hình tượng nhân vật được các nhà thơ kiến tạo, lý giải, xây dựng theo cảm quan cách mạng của mình. Vấn đề thời đại, con người, sống chết, lương tâm đều được đặt ra và giải quyết một cách sâu sắc, nhuần nhị. Họ là những anh hùng, họ cũng chính là những con người vô danh mà ta đã gặp gỡ đâu đấy trong cuộc sống diệu kỳ.


Đặc biệt, Mẹ đã sinh ra những người phụ nữ Việt Nam mềm mại, dịu dàng nhưng cũng gan góc, âm thầm chịu đựng hy sinh giống mẹ. Chưa có một đất nước nào trên thế giới mà phụ nữ chịu cảnh góa bụa nhiều đến như vậy: “Mái nhà nào cũng như bén lửa/ Thiếu phụ nào cũng như một lần góa bụa” (Đất nước hình tia chớp). Các nhà thơ đã xót xa khi phải phản ánh đúng hiện thực đau thương ấy, và từ đau thương mà nung nấu ý chí quật cường: “Khi có giặc người con trai ra trận/ Người con gái trở về nuôi cái cùng con/ Ngày giặc đến nhà đàn bà cũng đánh/ Nhiều người đã trở thành anh hùng” (Nguyễn Khoa Điềm - Mặt đường khát vọng).

Trong trường ca Nguyễn Văn Trỗi, Lê Anh Xuân dựa vào nguyên mẫu anh thợ điện Nguyễn Văn Trỗi để xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm. Bên cạnh anh, có người vợ một lòng chung thuỷ, bền bỉ đồng hành cùng cuộc chiến đấu của chồng. Mặc dầu dựa vào truyện ký Sống như Anh của Trần Đình Vân nhưng Lê Anh Xuân đã nói được nhiều điều mà truyện ký chưa nói được.

Đó là cô gái sẵn sàng sống chết vì quê hương Tuy Hòa trong Ở làng Phước Hậu của Trần Vũ Mai. Là những người du kích Đồng Tháp trong Người anh hùng Đồng Tháp của Giang Nam.

Trong Sông núi trên vai, Anh Ngọc cũng đã dựng lại chân dung của các cô gái vận tải ở vùng cực Nam Trung bộ. Bằng trái tim nhạy cảm của một người lính đã từng đặt chân đến vùng đất khói lửa ác liệt này ngay từ những ngày đầu tiếp quản, nhà thơ cảm nhận sâu sắc tâm sự của cô gái Ung Thị Hà; quê ở thôn Bình An, thuộc vùng Tam giác sắt, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Cô đã sống trong mái tranh nghèo mười lăm lần dựng lên mười lăm lần giặc đốt, trong nhà có bảy liệt sĩ. Cô gái quyết rửa thù vì đất đai; mồ mả ông bà, tổ tiên bị dày xéo. Nhà thơ đã để cô tự giới thiệu về mình: “Em là Hà/ Ung Thị Hà/ Quê vùng Tam giác”.

Trường ca cũng đã dựng lại hình ảnh cô gái Pi Thị Bảy, con cháu anh hùng Pi Năng Tắc, da nâu mắt đen thẳm như mắt loài chim két, thề không đội


trời chung với giặc. Cô gái Rắc Lây ấy không biết đi xe đạp, chỉ biết đẩy xe thồ qua đồn bốt giặc nhưng vẫn sẵn sàng gùi cả dãy Trường Sơn đi vào cuộc chiến. Chỉ bằng vài chi tiết, hình tượng Pi Thị Bảy như tạc thành tượng: “Con gái hai mươi lưng hóa thép/ Em gùi cả dãy Trường Sơn”. Những cô gái đã vượt qua mưa bom đạn nổ, vượt qua dông gió của trời. Họ ra đi trong sương mù, leo đồi leo dốc chuyển những hòm đạn DK và đạn cối qua bên kia núi. Giữa cái sống và cái chết, các cô vẫn cao cả nghĩ rằng hãy lấy mái tóc dài con gái của cô để làm cầu cho bạn bè đi sau bước tiếp. Những chi tiết độc đáo ấy đã phản ánh đậm nét về các cô, những con người hiện diện chân thực trên đời.

Nhà nghiên cứu Mã Giang Lân đã nhận định “Từ kháng chiến chống thực dân Pháp đến chiến tranh chống đế quốc Mỹ là những bậc thang đi lên trong nhận thức, tư tưởng, tình cảm của cả dân tộc ta và của mỗi một người cầm bút” [47, tr.334]. Điều này chứng tỏ trường ca có khả năng khái quát cao. Khái quát một giai đoạn lịch sử, khái quát những vấn đề chính yếu của dân tộc, khái quát về một thế hệ yêu nước, quyết bảo vệ tổ quốc đến cùng. Trong trường ca về thời chống Mỹ, dù nguyên mẫu hoặc mô phỏng một phần về người thực việc thực thì tất yếu đều là những điển hình cho thế hệ và thời đại.

Nếu ờ thời chống Pháp, bài thơ nổi tiếng của Chính Hữu khiến người ta không thể quên được hình ảnh “Quê hương anh nước mặn đồng chua, làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” cũng như hình ảnh “nhà trống gửi lại bạn thân cày” để nhận lấy “áo rách vai, quần vài mảnh vá, rét run người, miệng cười buốt giá, chân không giày”... thì ở trường ca về thời chống Mỹ, hiện thực cuộc sống chiến đấu lại càng được mô tả cụ thể hơn. Cảm xúc về đồng đội, chỉ huy, lãnh tụ, nhân dân, gia đình, bè bạn... được in lên bức tường văn học thời chống Mỹ.

Từ hình ảnh “lũ chúng tôi bọn người tứ xứ” trong bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên, anh bộ đội cụ Hồ trong Đồng chí của Chính Hữu, đến hình ảnh các anh Giải phóng quân trong Những người đi tới biển của Thanh Thảo “được ra trận những năm đất nước mình khốc liệt”, hay trong Đường tới thành phố của


Hữu Thỉnh... là một bước tổng hợp mới trong nghệ thuật sáng tạo giữa cụ thể và khái quát, giữa hiện thực và trữ tình. Cứ như thế, hình ảnh nhân dân luôn đồng hành với các anh chiến sĩđã đi vào trường ca thời chống Mỹ nói riêng và thơ ca hiện đại nói chung.

Sau 1990, trong Những cánh đồng dưới lửa, Văn Lê đã kể lại câu chuyện rất thật về người lính: “Chúng tôi/ Những thằng lính trẻ măng ở đồng bằng Bắc Bộ/ Những thằng lính khai man tuổi để sớm được bước vào đời/ Những thằng lính vận quân phục vào người mà vẫn không xóa được phần con nít”.

Hoàng Trần Cương cũng đã hơn một lần nói với mẹ về những điều được - mất, hơn - thua, vốn và lãi trong trường ca Trầm tích: “Mẹ ơi/ Lẽ ra con cũng đã như bao đồng đội/ Khi đất nước mình trận mạc/ Những ngày sống bây giờ/ Dẫu còn phần lấm láp/ Nhưng với con, kể ra là lãi/ Món nợ này con biết trả sao/ Biết trả ra sao”. Nhà thơ vẫn trằn trọc đêm đêm dù cuộc chiến đi qua đã lâu “Những ngày con ở trận đã xa rồi/ Sao mỗi đêm vẫn vật mình thức giấc”…

Chiều sâu và sức rung động của những vần thơ trong trường ca được tạo nên nhờ một phần lớn sự khái quát về người thật, việc thật, địa danh có thật. Đó còn là sự thông hiểu ngọn nguồn, bởi sự nghĩ suy chân tình thấu gan thấu ruột. Đời sống chiến đấu của các anh là cả một chuỗi dài gian khổ mà chỉ những người trong cuộc như các chiến sĩ nhà thơ mới nhìn hết được.

Cùng mạch cảm xúc ngợi ca, Lửa mùa hong áo (ra đời sau 1990) của Lê Thị Mây là sự tưởng nhớ về hình ảnh chân thực của mười hai cô gái thanh niên xung phong. Trong tâm trí của nhân dân, các cô gái bằng xương bằng thịt đã sống và chiến đấu anh dũng, bám đường bất kể ngày đêm. Những ngày đầu đến với tiểu đội, họ là những cô thôn nữ duyên dáng xinh tươi. Yêu quê hương, các cô gái đã sát vai nhau để hòa thành đồng đội: “Mười chín đôi mươi mẹ tiễn vợi làng/ Trăng lật nón/ luỹ tre bom dội/ Liền chị liền em san sát thành đồng đội”.


Những cậu học trò với tuổi thơ mơ mộng trong Trầm tích của Hoàng Trần Cương cũng đối diện với cuộc chiến. Họ hiểu rằng không có độc lập tự do, thì không thể có khung trời riêng cho ước mơ xanh bay lên: Giặc giã đến/ Giằng khỏi tay con cây bút/ Vở học trò phơi trắng cả hàng hiên/... Con nhập vào với lửa/ Giật mình súng đã tràn tay/ Bàng hoàng biết tuổi thơ không về nữa”.

Nối tiếp truyền thống anh hùng của một dân tộc đã từng sống trong những ngày chiến tranh hơn những ngày hòa bình, nhân dân ta đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt xẻ bùi... quyết vượt qua gian lao, vươn tới tự do và hạnh phúc. Cả dân tộc một lòng đồng hành cùng cuộc chiến đấu một mất một còn để bảo vệ đất nước bởi lòng dân đã quyết, trái tim đã nguyền: “Giặc nhốt dân, không nhốt được lòng dân”.

Có thể khẳng định rằng, sức khái quát hiện thực của trường ca về thời chống Mỹ thật sâu sắc bởi văn học thời chống Mỹ có một đặc điểm hết sức nổi bật; đó là cách viết tôn trọng sự thật, cách tả thực theo lôgic của sự “phản ánh chân thực hiện thực”. Và trường ca về thời chống Mỹ đã khái quát rõ nét sự đồng hành của Mẹ, của nhân dân trong cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc; kể cả những hy sinh, mất mát.

2.2.4 Sức khái quát về sự hy sinh của nhân dân

Viết về bất kỳ một cuộc chiến tranh nào; các nhà văn, nhà thơ không thể bỏ qua những hy sinh quá lớn lao mà dân tộc đã chịu đựng. Văn học hiện đại Việt Nam, nhất là trường ca về thời chống Mỹ, cũng đã phản ánh khá chân thực những đau thương mất mát bởi chiến tranh. Tuy nhiên, tùy giai đoạn lịch sử mà các văn nghệ sỹ có cách thể hiện nông hay sâu cho phù hợp với thời cuộc và xu thế lịch sử. Bởi bất kỳ một thắng lợi, một vinh quang nào cũng phải trả bằng mồ hôi, nước mắt. Với chiến tranh, sự mất mát hy sinh đồng nghĩa với máu đổ. Thế nhưng mất mát, hy sinh không thể đi đôi với bi thương, yếu đuối.

Thời kỳ trước 1975, có lẽ văn nghệ sỹ còn e dè khi phản ánh những sự thật trần trụi về những mất mát, hy sinh… hoặc viết theo kiểu cách điệu hóa.


Trường ca Bài ca chim Chơrao là một điển hình. Cái chết của Hùng - cán bộ cách mạng người Kinh - và Rin người dân tộc được khắc họa thành biểu tượng ngọn lửa trong tiếng hát trầm hùng đậm màu sắc sử thi: “Hai dây trói trở thành tro bụi/ Nhưng tim anh hùng vẫn còn đập giữa khói đen”. Cái chết của họ được thắp sáng bằng hình ảnh đối lập có tầm vóc theo khuynh hướng ước lệ, cách điệu hóa hình tượng anh hùng và kẻ thù: “Quân thù kia ơi! Một bầy man rợ/ Bay đừng hòng khuất phục đời ta/ Bay định đốt ta thành hòn than quỳ lạy/ Trong ánh lửa hồng ta xuất hiện một vòng hoa”.

Ở miền Nam, cuộc đấu tranh của thanh niên học sinh thành thị kết hợp với nhân dân lao động từ sau 1972 ngày càng bùng lên mạnh mẽ. Nguyễn Khoa Điềm đã phản ánh không khí sôi sục đó trong Mặt đường khát vọng. Trường ca gần 1400 câu thơ, gồm chín chương (Lời chào, Báo động, Giặc Mỹ, Tuổi trẻ không yên, Đất nước, Áo trắng và mặt đường, Xuống đường, Khoảng lớn âm vang và Báo bão). Chương nào cũng ăm ắp những khát khao, những hoài bão của tuổi trẻ sinh viên học sinh thành thị miền Nam trước cảnh nước mất nhà tan: “Anh em ơi, xuống đường… Ta ra trận bằng màu áo trắng”. Tuổi trẻ đã hy sinh như những anh hùng ngã xuống nơi trận mạc, dòng máu đỏ của họ đã đổ vì độc lập, tự do: “Máu đổ rồi! Máu học sinh sinh viên/ Máu đỏ rực trên nền áo trắng/ Máu càng thắm. Tự do càng chói sáng/ Máu Việt Nam, máu yêu nước tươi hồng”.

Sau năm 1975, Thanh Thảo đã ghi lại cảm xúc của ngày toàn thắng, đã đến với “biển”, đã thay chúng ta gửi lòng nhớ thương, biết ơn trân trọng về những người chiến sĩ đã ra đi mãi mãi không về họp mặt cùng đồng bào, đồng chí: “…Ngày chúng ta toàn thắng/ Đâu những người chúng tôi thân thiết tận tâm can/ Xin nâng chén rượu nhỏ này/ Trong như nước mắt, nóng bừng như tiếng hát/ Gửi nhớ thương về các anh tôi” (Những người đi tới biển).

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” là khẩu hiệu, là mệnh lệnh và cũng chính là lời tâm tình mộc mạc nhưng cứng như thép của các anh. Các anh sẵn

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 17/09/2023