Tổ Chức Hiệu Quả Các Hoạt Động Rèn Luyện Kĩ Năng Chỉ Huy Cho Cán Bộ Cấp Phân Đội Ở Binh Chủng Công Binh


Hai là, Cấp ủy, Ban chỉ huy Lữ đoàn và Cơ quan chức năng cần trú trọng bồi dưỡng các nội dung kiến thức liên quan trực tiếp đến hoạt động chỉ huy phân đội và nhiệm vụ của đơn vị cho cán bộ cấp phân đội

Nội dung bồi dưỡng kiến thức chỉ huy cần bồi dưỡng toàn diện những kiến thức khoa học, nghệ thuật quân sự, kiến thức quản lí, chỉ huy và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ công binh. Trong đó, tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chức trách, quyền hạn, nhiệm vụ của người chỉ huy; các hình thức, quy trình hoạt động chỉ huy giúp cán bộ cấp phân đội hiểu rõ vai trò, công việc cần thực hiện trong hoạt động chỉ huy phân đội.

Trang bị các kiến thức về nhiệm vụ và hình thức chiến thuật bảo đảm công binh, yêu cầu kĩ thuật và nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện bộ đội; tính năng tác dụng của các phương tiện, khí tài, trang bị kĩ thuật được biên chế trong đơn vị, giúp cán bộ cấp phân đội có thể nâng cao hiệu quả trong quản lí, huấn luyện và chỉ huy đơn vị. Bên cạch đó, cần trang bị những nội dung kiến thức trong Tâm lí học, giúp cho cán bộ cấp phân đội có hiểu biết về đặc điểm tâm lí của từng chiến sĩ trong đơn vị, những thế mạnh và hạn chế của tập thể, cá nhân trong các dạng hoạt động và nhiệm vụ cụ thể; hiểu biết về các hiện tượng tâm lí xã hội trong đơn vị (bầu không khí tâm lí, dư luận, tâm trạng, truyền thống tập thể), phương pháp, cách thức tổ chức điều khiển, điều chỉnh các hiện tượng tâm lí theo hướng tích cực và việc tổ chức, bố trí sử dụng lực lượng, phương tiện trong huấn luyện và thực hành bảo đảm công binh nhằm phát huy cao nhất trình độ, khả năng của con người và phương tiện kĩ thuật trong các nhiệm vụ. Qua đó, nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ của phân đội và phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh.

Ba là, Cấp ủy, Ban chỉ huy Lữ đoàn và Cơ quan chức năng cần đổi mới hình thức, phương pháp bồi dưỡng kiến thức chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội

Hình thức và phương pháp bồi dưỡng kiến thức chỉ huy ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả nâng cao trình độ kiến thức chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội. Cấp ủy, Ban chỉ huy Lữ đoàn và Cơ quan chức năng cần thường


xuyên tổ chức hoạt động bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ cấp phân đội qua các hình thức tập huấn, huấn luyện, Hội thi, Hội thao công binh các cấp và tổ chức sơ tổng kết rút kinh nghiệm quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thông qua các hình thức này giúp cán bộ cấp phân đội nâng cao trình độ kiến thức đối với các lĩnh vực của hoạt động quân sự. Song song với đó, cần đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng như: cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới; người có kinh nghiệm, kiến thức bồi dưỡng cho người chưa có kinh nghiệm; phân công rõ ràng việc bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, nhất là kiến thức phục vụ cho hoạt động chỉ huy tránh tình trạng chồng chéo, không rõ ràng, hoặc đùn đẩy trách nhiệm, ủy thác cho các cơ quan, lãnh đạo, chỉ huy cấp trên.

4.4.3. Tổ chức hiệu quả các hoạt động rèn luyện kĩ năng chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh

Lí luận về năng lực chỉ huy cho thấy, kĩ năng chỉ huy là nội dung biểu hiện và có vai trò quyết định đến sự phát triển năng lực chỉ huy; Kết quả nghiên cứu trạng cũng đã chỉ ra, kĩ năng chỉ huy của cán bộ cấp phân đội là nội dung còn thiếu và yếu hơn so với các mặt biểu hiện khác trong năng lực chỉ huy. Đồng thời, đây cũng là nội dung biện pháp có sự thống nhất với kết quả nghiên cứu của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (2001) khi cho rằng: “Người chỉ huy trong thời bình là phải chỉ huy diễn tập nhiều, diễn tập thực binh và tập trận… Từ đó mà rèn luyện kĩ năng, phát triển năng lực chỉ huy và xuất hiện các nhân tài quân sự” [70, tr. 84].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 256 trang tài liệu này.

Trên thực tế hoạt động cho thấy, khi cán bộ cấp phân đội có được kĩ năng chỉ huy tốt sẽ giúp họ có sự thành thạo, thuần thục để xử lí linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả với các tình huống trong hoạt động chỉ huy phân đội công binh. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ huy, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của phân đội và phát triển năng lực chỉ huy một cách hiệu quả, bền vững.

Từ những cơ sở này, có thể khẳng định việc thực hiện nội dung biện pháp trên là khách quan, khoa học và cần thiết.

Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh - 20

Để tổ chức hiệu quả các hoạt động rèn luyện kĩ năng chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội đòi hỏi cán bộ và cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các Lữ đoàn Công binh thuộc Binh chủng Công binh cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:


Một là, Cấp ủy, Chỉ huy các cấp cần chú trọng bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn trong quản lí, chỉ huy phân đội công binh

Công tác bồi dưỡng kinh nghiệm trong quản lí, chỉ huy đơn vị là một nội dung quan trọng và cần thiết để cán bộ cấp phân đội có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của kĩ năng chỉ huy đối với hoạt hộng quản lí, chỉ huy đơn vị. Đồng thời, giúp cho cán bộ cấp phân đội tiếp thu, lĩnh hội những phương pháp tốt, cách làm hay của người chỉ huy cấp trên, của đồng đội và những bài học kinh nghiệm quý giá trong thực hành bảo đảm công binh từ thực tiễn huấn luyện và chiến đấu. Trên cơ sở các nội dung được bồi dưỡng, học tập, nghiên cứu cán bộ cấp phân đội có thể tự đánh giá, tự xác định các nội dung cần được bổ sung, rèn luyện từ đó có kế hoạch tự học tập và rèn luyện khoa học, hiệu quả.

Kết hợp công tác bồi dưỡng kinh nghiệm với giao các nhiệm vụ thực tế có nhiều tình huống khác nhau cho cán bộ cấp phân đội tổ chức phân đội công binh thực hiện nhiệm vụ để kiểm tra, đánh giá trình độ vận dụng các kiến thức, thái độ, kinh nghiệm và sự sáng tạo trong hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội. Thông qua đó rèn luyện kĩ năng chỉ huy và giúp cán bộ cấp phân đội tự nhận biết, tự rèn luyện phát triển kĩ năng chỉ huy cho mình.

Hai là, tổ chức tốt các Hội thi, Hội thao Công binh từ cơ sở đến toàn quân để rèn luyện kĩ năng chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội

Tổ chức tốt các Hội thi, Hội thao Công binh như: thi “Cán bộ quản lí, chỉ huy giỏi”, “Cán bộ huấn luyện giỏi”, Hội thao bắc cầu, ghép phà bảo đảm vượt sông; khắc phục vật cản, v.v... nhằm tiếp tục giáo dục tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm và trang bị tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, rèn luyện, phát triển được các kĩ năng chỉ huy tương ứng cho cán bộ cấp phân đội. Mỗi một hoạt động đều có vai trò riêng trong tổng thể các hoạt động thực tiễn về huấn luyện, quản lí, chỉ huy đơn vị. Tổ chức tốt và nâng cao chất lượng các Hội thi, Hội thao Công binh là nội dung cần thiết và hiệu quả để củng cố, rèn luyện và phát triển kĩ năng chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội công binh.


Tổ chức tốt các Hội thi, Hội thao Công binh cũng là cơ sở để lãnh đạo, chỉ huy các cấp đánh giá chính xác, ghi nhận, biểu dương những những điển hình về phương pháp, tác phong và năng lực huy của cán bộ cấp phân đội; phát hiện kịp thời những hạn chế, yếu kém trong hoạt động chỉ huy nhằm điều chỉnh, bồi dưỡng, rèn luyện và phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội.

Ba là, nâng cao chất lượng Luyện tập, Diễn tập chỉ huy tham mưu và thực hành bảo đảm công binh ở các Lữ đoàn Công binh

Luyện tập và Diễn tập chỉ huy tham mưu cấp Lữ đoàn Công binh và thực hành bảo đảm công binh cấp Đại đội, Tiểu đoàn hàng năm tại các đơn vị công binh là hình thức huấn luyện chiến thuật mang tính tổng hợp cao. Mục đích của luyện tập, diễn tập chỉ huy, tham mưu và thực hành bảo đảm công binh là nâng cao khả năng vận dụng nguyên tắc lí luận đã học vào thực tiễn hoạt động tổ chức chuẩn bị và thực hành chỉ huy bộ đội của cán bộ.

Thông qua Luyện tập và Diễn tập chỉ huy tham mưu cấp Lữ đoàn Công binh và thực hành bảo đảm công binh cấp Đại đội, Tiểu đoàn, người cán bộ cấp phân đội được rèn luyện phương pháp, phong cách chỉ huy, kĩ năng xử lí thông tin, kĩ năng xây dựng kế hoạch bảo đảm công binh, kĩ năng tổ chức và kĩ năng xử lí các tình huống bảo đảm công binh, giúp cho họ phát triển tư duy sáng tạo, hoàn thiện hệ thống kiến thức, kĩ năng và phẩm chất nhân cách theo yêu cầu nhiệm vụ. Có thể nói, Luyện tập và Diễn tập chỉ huy tham mưu và thực hành bảo đảm công binh là nội dung rất cơ bản đánh giá sự phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ công binh các cấp.

Để góp phần nâng cao chất lượng Luyện tập; Diễn tập chỉ huy tham mưu và thực hành bảo đảm công binh cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp phân đội về ý nghĩa, mục đích của Luyện tập, Diễn tập chỉ huy tham mưu và thực hành bảo đảm công binh. Tạo cho họ sự say sưa, hứng thú tinh thần trách nhiệm cao. Với hình thức học tập này, chuẩn bị chu đáo cho cán bộ cấp phân đội cả về kiến thức, kĩ xảo, kĩ năng chỉ huy và tâm lí cũng như sức khoẻ đảm bảo cho luyện tập, diễn tập đạt kết quả tốt.


Ban chỉ đạo diễn tập chuẩn bị các tưởng định diễn tập phải được lựa chọn kĩ, là những cán bộ có bề dày kinh nghiệm luyện tập, diễn tập, đã trải qua thực tiễn chỉ huy lãnh đạo đơn vị. Kết cấu các tình huống luyện tập,diễn tập phải đa dạng, logic thể hiện được nguyên tắc lí luận chiến thuật sát với thực tế chiến đấu, phù hợp với hiểu của cán bộ cấp phân đội và phát huy được tri thức, kinh nghiệm vốn có của từng cấp, từng cán bộ khung diễn tập.

Bố trí cán bộ trong các khung Luyện tập, Diễn tập phải dựa trên cơ sở năng lực của từng người, cán bộ có năng lực cao cùng khung với cán bộ có năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế; Cán bộ có kinh nghiệm, đã tham gia diễn tập nhiều ở cấp phân đội với cán bộ mới ra trường ít tham gia diễn tập. Trong Luyện tập, Diễn tập hết từng giai đoạn mỗi khung tập phải có sự luân chuyển vai tập để tạo điều kiện cho cán bộ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, kèm cặp giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình Luyện tập, Diễn tập.

Có kế hoạch bổ trợ kiến thức, kĩ xảo, kĩ năng chỉ huy cho cán bộ trước khi luyện tập, diễn tập bằng chiếu phim huấn luyện, giới thiệu chiếu lệ, nói chuyện kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu, thực hành các bài tập, động tác nhận nhiệm vụ và tác nghiệp tình huống trên bản đồ.

4.4.4. Phát huy tính tích cực, tự giác trong tự học tập, rèn luyện, phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh

Tính tích cực, tính tự giác của cán bộ cấp phân đội tuy không nằm trong nội dung biểu hiện năng lực huy. Song, tính tích cực, tự giác cùng với trình độ, kĩ năng và phong cách là những cơ sở để tạo nên uy tín của họ trong đơn vị. Đây là nội dung có ảnh hưởng rất mạnh đến sự phát triển năng lực chỉ huy. Mặt khác, các tác động từ bên ngoài, các biện pháp dù có tốt đến đâu nhưng nếu bản thân cán bộ cấp phân đội thiếu đi tính tích cực, tự giác rèn luyện thì cũng không thể phát triển năng lực chỉ huy được. Đồng thời, các tác giả như: Clauzovit (1981); A. Ph. Sramtrenco (1983); F. Michael (2004), đều xác định nội dung biện pháp này để phát triển năng lực chỉ huy của người chỉ huy trong hoạt động quân sự [21], [64], [50].


Thực tế hiện nay, ở một số cán bộ cấp phân đội còn coi nhẹ việc tự học tập, tự rèn luyện và phát triển năng lực chỉ huy, họ mới chỉ hướng tới việc hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch và trong các giờ hành chính, còn trong giờ nghỉ, ngày nghỉ thì lại tự thỏa mãn, khá thờ ơ với việc tự học tập, nghiên cứu, tự rèn luyện, phát triển năng lực chỉ huy cho chính mình. Điều này cần được nhận thức lại và khắc phục triệt để.

Với những cơ sở trên, việc thực hiện nội dung biện pháp về phát huy tính tích cực, tự giác trong tự học tập, rèn luyện, phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội là cần thiết và có vai trò quan trọng hiện nay.

Tính tích cực, tự giác trong tự học tập, rèn luyện và phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố như: nhu cầu, động cơ học tập, rèn luyện đúng đắn, khát khao trở thành người chỉ huy có nhân cách, phong cách tốt, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện và phát triển năng lực chỉ huy thường xuyên là phương thức hiệu quả để mỗi cán bộ cấp phân đội tiến bộ trưởng thành.

Để phát huy tính tích cực, tự giác trong tự học tập, rèn luyện và phát triển năng lực chỉ huy, cán bộ cấp phân đội công binh cần quán triệt và thực hiện tốt một số yêu cầu cụ thể như sau:

Một là, Cán bộ cấp phân đội cần xác định đúng động cơ, mục đích tự học tập và rèn luyện

Mục đích, động cơ tự học tập và rèn luyện phẩm chất, năng lực chỉ huy đúng đắn sẽ định hướng cho tính tích cực tự giác của cán bộ cấp phân đội trong tích lũy hoàn thiện các mặt biểu hiện, các thuộc tính cấu thành năng lực chỉ huy. Động cơ phấn đấu, tự học tập và rèn luyện đúng đắn giúp cho cán bộ cấp phân đội chủ động, tự giác, sáng tạo hơn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời để nắm bắt thông tin, tiếp thu, cập nhật những tri thức, thành tựu mới của khoa học, công nghệ hiện đại. Từ đó, nâng cao trình độ tri thức, kĩ năng, phương pháp chỉ huy trở nên phong phú, vững chắc, có chiều sâu; giúp cán bộ cấp phân đội tự tin hơn trong quá trình huấn luyện, quản lí, chỉ huy phân đội công binh thực hiện nhiệm vụ.


Hai là, Cán bộ cấp phân đội luôn chủ động, sáng tạo trong tự học tập, rèn luyện, phát triển năng lực chỉ huy từ thực tiễn quản lí, chỉ huy phân đội

Cán bộ cấp phân đội công binh cần lập kế hoạch tự bồi dưỡng và cho bản thân và tự giác thực hiện kế hoạch theo những nội dung, yêu cầu từ thực tiễn quản lí, chỉ huy đơn vị. Đồng thời, tự xem xét, đánh giá những nội dung mình còn thiếu, còn yếu để từ đó chủ động học tập, nghiên cứu và rèn luyện những tri thức, kĩ năng cần thiết phục vụ cho công tác quản lí, chỉ huy đơn vị và bảo đảm cho sự tiến bộ, phát triển năng lực chỉ huy của bản thân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực nhiệm vụ vụ của bản thân và phân đội công binh.

Xây dựng phương pháp tự học tập, tự rèn luyện một cách khoa học, hiệu quả, tận dụng thời gian và điều kiện, phương tiện, tài liệu, thiết chế, mô hình học cụ tại đơn vị. Đa dạng hóa các hình thức tự học tập, bồi dưỡng như: học tập kinh nghiệm từ cấp trên, từ những người đi trước, học tập qua sách báo, tài liệu, truy cập mạng, giao ban hội ý hàng ngày, tuần.

Trong hoạt động chỉ huy của cán bộ cấp phân đội đòi hỏi họ phải thường xuyên tự học tập, tự rèn luyện và chủ động thực hiện đúng, đủ các nội dung, kế hoạch, thời gian bồi dưỡng tại chức chuyên ngành, bồi dưỡng cán bộ mà đơn vị tổ chức. Mặt khác, họ phải chủ động tham gia các hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu cải tiến mô hình học cụ huấn luyện, tổ chức huấn luyện ở cấp mình trong từng giai đoạn huấn luyện kĩ, chiến thuật thực hành bảo đảm công binh. Trong hoạt động chỉ huy và huấn luyện, rèn luyện bộ đội phải biết kết hợp thống nhất giữa lí luận với thực tiễn, khắc phục được bệnh giáo điều, lí thuyết suông hoặc bệnh chủ nghĩa kinh nghiệm; áp đặt, chuyên quyền, hành chính mệnh lệnh trong chỉ huy; dập khuân máy móc trong huấn luyện quân sự.

Ba là, Cấp ủy, Chỉ huy các cấp cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ cấp phân đội tự học tập, tự rèn luyện và phát triển năng lực chỉ huy

Cấp ủy, Chỉ huy các cấp thường xuyên định hướng, giáo dục, động viên cán bộ cấp phân đội xây dựng động cơ, thái độ, ý thức trách nhiệm trong tự học


tập, tự rèn luyện phát triển năng lực chỉ huy; nâng cao ý thức tự học, tự rèn năng lực chỉ huy trong thực tiễn chỉ huy, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ cụ thể của người chỉ huy cấp phân đội. Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm chính xác, kịp thời những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động quản lí chỉ huy, kể cả bài học thành công và cả những bài học thất bại.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các Lữ đoàn Công binh cần xây dựng và duy trì môi trường đơn vị có tính kỉ luật, tính dân chủ về mọi mặt. Tạo dựng các điều kiện thuận lợi cho cán bộ cấp phân đội học tập, tham quan, trao đổi kinh nghiệm; cách thức tổ chức tiến hành hoạt động chỉ huy phân đội, quản lí với chất lượng, hiệu quả cao ở đồng chí, đồng đội và ở các đơn vị bạn. Theo kế hoạch công tác tuần, tháng, quý các đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm các hoạt động công tác hành chính quân sự, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; xây dựng chính quy, rèn luyện kỉ luật và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Trên đây là những biện pháp tâm lí - xã hội cơ bản nhằm phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. Mỗi biện pháp đều có cơ sở khoa học, vai trò, vị trí riêng, song các biện pháp là một hệ thống có mối liên hệ, tác động qua lại, tồn tại đan xen, hỗ trợ lẫn nhau và đều hướng đến việc phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh một cách hiệu quả và bền vững. Thực hiện tốt biện pháp này là góp phần thực hiện tốt các biện pháp khác và ngược lại. Trong quá trình thực hiện các biện pháp cần bảo đảm tính đồng bộ, lấy hiệu quả, mức độ phát triển năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh làm thước đo để đánh giá chính xác và điều chỉnh hợp lí.

Ngày đăng: 24/02/2024