lẫn văn hoá do ảnh hưởng của các chính sách phát triển kinh tế và văn hoá của Nhà nước.
Thôn Tùng Lâu trước đây thuộc xã Tung Chung Phố. Đến năm 2007, do số hộ gia đình tăng nhanh, gây khó khăn cho việc quản lý nhân khẩu nên được tách ra thành thôn Tùng Lâu I và Tùng Lâu II. Năm 2010, một phần lãnh thổ của xã Tung Chung Phố (gồm 775 ha diện tích tự nhiên và 2.139 người) được sáp nhập vào xã Mường Khương đồng thời thành lập thị trấn Mường Khương trên cơ sở xã Mường Khương trong đó bao gồm 2 thôn Tùng Lâu I và Tùng Lâu II.
Luận văn chọn thôn Tùng Lâu II làm địa bàn điền dã và nghiên cứu chính vì thôn Tùng Lâu II là nơi trung tâm của thôn Tùng Lâu cũ, còn thôn Tùng Lâu I chủ yếu là các hộ gia đình mới với địa bàn được mở rộng ra về phía trung tâm thị trấn. Hiện nay, thôn Tùng Lâu II có 107 hộ gia đình với 479 nhân khẩu, trong đó có 98 % người dân ở đây là người Nùng Dín. 1
Đối tượng nghiên cứu : Tri thức của người Nùng Dín về giáo dục trẻ em truyền thống và hiện nay, những biến đổi và nguyên nhân của những biến đổi đó.
Phạm vi nghiên cứu: luận văn chỉ tập trung nghiên cứu những tri thức của người Nùng Dín ở thôn Tùng Lâu về giáo dục trẻ em cùng những biến đổi của nó trong giai đoạn hiện nay.
4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
Ý nghĩa khoa học: đóng góp vào ngành dân tộc học/nhân học những tri thức cụ thể, làm rõ hơn văn hóa của một ngành, một nhóm tộc người – người Nùng. Làm cơ sở tài liệu cho các nhà khoa học sau đó tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu vấn đề này.
Ý nghĩa thực tiễn: Làm cơ sở khoa học để các nhà hoạch định chính sách và cán bộ công tác văn hóa đề ra những chủ trương, chính sách và biện pháp bảo tồn bản sắc văn hóa người Nùng Dín nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung cho phù hợp với tình hình của từng địa phương.
Có thể bạn quan tâm!
- Tri thức địa phương về giáo dục trẻ em của người Nùng Dín ở thôn Tùng Lâu, Xã Tung Chung Phố, Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai - 1
- Tri thức địa phương về giáo dục trẻ em của người Nùng Dín ở thôn Tùng Lâu, Xã Tung Chung Phố, Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai - 3
- Dân Tộc Và Địa Bàn Cư Trú Của Người Nùng Dín Tại Lào Cai
- Đặc Điểm Xã Hội Của Người Nùng Dín Tại Lào Cai
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
1 Theo lời ông Vàng Thung Sáng, trưởng thôn Tùng Lâu II, 2013.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để viết luận văn này tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản trong ngành nhân học là:
- Phương pháp nghiên cứu quan sát tham gia: Tác giả đã thực hiện nghiên cứu điền dã tại thôn Tùng Lâu II trong thời gian 1 tuần (23 – 30/12/2013). Trong quá trình điền dã, tác giả đã ở tại nhà ông Vàng Tờ Phủ - thầy mo thôn Tùng Lâu II, đây là gia đình có 4 thế hệ (ông – bố mẹ - con cháu chắt) và vẫn giữ được nhiều nếp sống truyền thống của người Nùng Dín ở đây. Bằng cách tham gia vào sinh hoạt cũng như các thực hành văn hóa của gia đình để tìm hiểu môi trường văn hóa, môi trường gia đình cũng như phân tích ảnh hưởng của nó đối với việc giáo dục trẻ em. Ngoài thời gian 1 tuần điền dã, trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2015, tác giả đã có nhiều dịp nghiên cứu điền dã trong thời gian ngắn (1- 2 ngày) tại thôn Tùng Lâu I, II, và các thôn người Nùng Dín ở huyện Mường Khương như thôn Na Bủ, Mã Tuyển, Sảng Chải.
- Phương pháp phỏng vấn sâu: Thực hiện một số cuộc phỏng vấn nhóm về vấn đề giáo dục trẻ em trong gia đình cũng như hệ thống trường học, Ngoài ra, thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn sâu với các đối tượng khác nhau (về giới, về lứa tuổi, về nghề nghiệp) để tìm hiểu những thông tin đa chiều và toàn diện.
- Phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua, bảng hỏi: Lập những bảng hỏi cho những nhóm người khác nhau về lứa tuổi để thu thập những thông tin khác nhau, đa chiều về quan niệm, cách thức giáo dục trẻ em. Dựa trên việc tổng hợp những thông tin từ bảng hỏi, phân tích để đưa ra những đánh giá, nhận xét sát thực, chính xác.
Các phương pháp trên cho phép thu thập được nguồn thông tin chính xác và chân thực để trên cơ sở đó, tôi có điều kiện hệ thống hoá những thông tin thu thập được và đưa ra được những kết luận đúng đắn cho nghiên cứu của mình.
6. Bố cục luận văn
Luận văn ngoài phần mở đầu và kết luận có bố cục thành 3 chương với nội dung cơ bản như sau:
Chương 1. Những tiền đề lý thuyết và tổng quan nghiên cứu về người Nùng Dín ở Lào Cai.
Chương 2. Nội dung và phương thức giáo dục trẻ em của người Nùng Dín Lào Cai.
Chương 3. Biến đổi tri thức địa phương trong giáo dục trẻ em của người Nùng Dín Lào Cai hiện nay
Ngoài ra, luận văn còn phần mục lục, tài liệu tham khảo và phụ lục.
CHƯƠNG 1. NHỮNG TIỀN ĐỀ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ NGƯỜI NÙNG DÍN Ở LÀO CAI
1. 1.Những tiền đề lý thuyết và tổng quan về tình hình nghiên cứu
1.1.1. Một số khái niệm cơ bản
- Khái niệm “tri thức địa phương”
Mặc dù đã được nghiên cứu từ lâu, nhưng cho tới nay khái niệm tri thức bản địa hay tri thức truyền thống vẫn chưa được thống nhất. Nói cách khác, tri thức bản địa - tri thức truyền thống được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào các lĩnh vực chuyên môn và theo các mục đích sử dụng thuật ngữ khác nhau.
Năm 1978, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã tiến hành nghiên cứu và lần đầu tiên đưa ra khái niệm “tri thức truyền thống”. Ban đầu, khái niệm này chỉ giới hạn ở một loại tri thức (được coi là truyền thống) là “các hình thức thể hiện văn hóa dân gian” (Expressions of Folklore). Vào năm 1982, “các quy định mẫu dành cho luật quốc gia về bảo hộ các hình thức thể hiện văn hóa dân gian chống lại việc khai thác trái phép và những hành vi xâm phạm khác” đã được WIPO phối hợp với UNESCO soạn thảo và công bố, trong đó có định nghĩa về “các hình thức thể hiện văn hóa dân gian”.
Đến nay thuật ngữ “tri thức truyền thống” không chỉ giới hạn ở “các hình thức thể hiện văn hóa dân gian” mà còn bao gồm các đối tượng khác như tri thức bản địa, kiến thức cổ truyền, kinh nghiệm dân gian… Để thống nhất về cách dùng thuật ngữ, trong Báo cáo về các cuộc khảo sát về sở hữu trí tuệ và tri thức truyến thống (1998-1999), dưới góc độ sở hữu trí tuệ, WIPO đã định nghĩa “tri thức truyền thống” là các sản phẩm văn học, nghệ thuật hoặc khoa học dựa trên truyền thống; sự biểu diễn; các sáng chế; các phát minh khoa học; các kiểu dáng; các nhãn hiệu, tên và biểu tượng; các thông tin bí mật, và tất cả các sáng kiến hoặc sản phẩm sáng tạo khác là thành quả của hoạt động trí tuệ dựa trên truyền thống trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học hoặc nghệ thuật. Cụm từ “dựa trên truyền thống” được hiểu là các hệ thống tri thức, các sản phẩm sáng tạo, sáng kiến và các hình
thức thể hiện văn hóa được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thường thuộc về hoặc gắn liền với một nhóm người cụ thể hoặc vùng lãnh thổ cụ thể nơi nhóm người đó sinh sống, được phát triển thường xuyên để thích nghi với môi trường biến đổi.
Trong “Cẩm nang về tri thức bản địa” (tài liệu dịch), được NXB Nông nghiệp ấn hành năm 2000, một định nghĩa cũng đã được đưa ra: Tri thức bản địa (còn có thể gọi bằng những tên khác như "kiến thức địa phương", "kiến thức kỹ thuật bản địa" hay "kiến thức truyền thống") là kiến thức mà người dân ở một cộng đồng đã tạo nên và đang phát triển dần theo thời gian. Ngoài các khái niệm kể trên, một số nước cũng có các quy định riêng về thuật ngữ tri thức bản địa - tri thức truyền thống.
Ở Việt Nam, vấn đề này cũng được nhiều nhà khoa học thuộc cả hai lĩnh vực
- khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - như Lê Trọng Cúc, Đào Trọng Hùng, Phạm Quang Hoan, Ngô Đức Thịnh… quan tâm. Tuỳ theo cách hiểu của mình, họ cũng đưa ra nhiều kháí niệm với những nội hàm khác nhau.
PGS.TS Lê Trọng Cúc đồng nhất tri thức địa phương với văn hoá truyền thống. Theo ông, “tri thức địa phương được tích luỹ qua kinh nghiệm to lớn nhờ tiếp xúc chặt chẽ với thiên nhiên, dưới áp lực chọn lọc, trong quá trình tiến hoá của sinh quyển và dần dần trở thành văn hoá truyền thống” [24, tr. 231].
GS.TS Ngô Đức Thịnh lại gọi tri thức địa phương là “tri thức dân gian” (Folklore Knowledge) và cho rằng, “đó là kinh nghiệm của con người tích luỹ được qua quá trình hoạt động lâu dài nhằm thích ứng và biến đổi môi trường tự nhiên và xã hội, phục vụ cho lợi ích vật chất và tinh thần cho bản thân” [90, tr. 35].
PGS.TS Phạm Quang Hoan cho rằng:
Tri thức địa phương được hiểu ở các cấp độ khác nhau. Một là, “tri thức địa phương” (hay tri thức bản địa), “tri thức dân gian”, “tri thức tộc người” là toàn bộ những hiểu biết, những kinh nghiệm của một tộc người nhất định được tích lũy, chọn lọc và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vốn tri thức đó phản ánh trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống cộng đồng để mỗi tộc người sinh tồn,
phát triển và thích nghi trước những biến đổi đã và đang diễn ra. Nói cách khác, tri thức địa phương là phương thức ứng xử, là đặc tính thích nghi với những điều kiện sinh thái nhân văn của mỗi tộc người. Cũng có thể coi là bản sắc văn hóa tộc người. Hai là, “tri thức địa phương” là tri thức của các cộng đồng tộc người cùng cộng cư trên một vùng sinh thái hay một vùng văn hóa nhất định. Trong trường hợp này, tri thức địa phương cũng phản ánh xu hướng giao lưu và biến đổi văn hóa hay thích nghi văn hóa giữa các tộc người [42, tr. 87].
Tuy nhiên, trên thực tế, các khái niệm “kiến thức bản địa” (Indigenouse Knowledge), “tri thức địa phương” (Local Knowledge), “tri thức truyền thống” (Traditional Knowledge) và “tri thức dân gian” (Folklore Knowledge) được quan niệm gần như đồng nghĩa và thường được sử dụng hoán đổi cho nhau mà không gây nên sự hiểu lầm. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ sử dụng tri thức địa phương để chỉ những nội dung trên.
Một cách khái quát có thể hiểu: Tri thức bản địa, tri thức truyền thống hay tri thức địa phương là hệ thống tri thức mà người dân ở một cộng đồng tích lũy và phát triển dựa trên kinh nghiệm, đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn và thường xuyên thay đổi để thích nghi với môi trường văn hóa, xã hội.
- Khái niệm gia đình
Có rất nhiều khái niệm về gia đình tuỳ thuộc vào góc độ nghiên cứu, xem xét, hướng tiếp cận, …mà có các khái niệm khác nhau:
Tập thể các nhà khoa học do GS.TS. Trần văn Bính chủ biên có khái niệm về gia đình như sau: “Gia đình là một hình thức cộng đồng người, chủ yếu xây dựng trên quan hệ hôn nhân và huyết thống”.
Liên hợp quốc định nghĩa: “Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội và là môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của mọi thành viên”.
Từ điển bách khoa Việt Nam đưa ra khái niệm: “Gia đình là thiết chế xã hội dựa trên cơ sở kết hợp những thành viên khác giới, thông qua hôn nhân, để thực hiện các chức năng sinh học, kinh tế, văn hoá, xã hội, tín ngưỡng,… là đơn vị kinh tế và là tế bào của xã hội”.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lại khẳng định: “Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt, được hình thành, duy trì và củng cố trên cơ sở hôn nhân và huyết thống”.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2009 khẳng định: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống, hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền lợi giữa họ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình”; “là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Chỉ thị 49/CT-TW ngày 21/02/2005 của Ban bí thư Trung ương Đảng (khoá
IX) cũng đưa ra: “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành , nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, là nơi bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc”.
Trong nghiên cứu xã hội hội học, các nhà nghiên cứu cho rằng: “Gia đình là một nhóm xã hội hình thành trên cơ sở các quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc được nuôi dưỡng tuy không có quan hệ máu mủ. Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lợi (kinh tế, văn hoá, tình cảm…). Giữa họ có những ràng buộc có tính pháp lý được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ đồng thời có những quy định rõ ràng về quyền được phép và những cấm đoán trong quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình”.
Dưới khía cạnh xã hội học và về quy mô các thế hệ trong gia đình, cũng có thể phân chia gia đình thành hai loại:
Gia đình lớn (gia đình ba thế hệ hoặc gia đình mở rộng) thường được coi là gia đình truyền thống liên quan tới dạng gia đình trong quá khứ. Đó là một nhóm người ruột thịt của một vài thế hệ sống chung với nhau dưới một mái nhà, thường từ ba thệ hệ trở lên, tất nhiên trong phạm vi của nó còn có cả những người ruột thịt từ tuyến phụ. Dạng cổ điển của gia đình lớn là gia đình trưởng lớn, có đặc tính tổ chức chặt chẽ. Nó liên kết ít nhất là vài gia đình nhỏ và những người lẻ loi. Các thành
viên trong gia đình được xếp đặt trật tự theo ý muốn của người lãnh đạo gia đình mà thường là người đàn ông cao tuổi nhất trong gia đình. Ngày nay, gia đình lớn thường gồm cặp vợ chồng, con cái của họ và bố mẹ của họ nữa. Trong gia đình này, quyền hành không ở trong tay của người lớn tuổi nhất.
Gia đình nhỏ (gia đình hai thế hệ hoặc gia đình hạt nhân) là nhóm người thể hiện mối quan hệ của chồng và vợ với các con, hay cũng là mối quan hệ của một người vợ hoặc một người chồng với các con. Do vậy, cũng có thể có gia đình nhỏ đầy đủ và gia đình nhỏ không đầy đủ. Gia đình nhỏ đầy đủ là loại gia đình chứa trong nó đầy đủ các mối quan hệ (chồng, vợ, các con); ngược lại, gia đình nhỏ không đầy đủ là loại gia đình trong nó không đầy đủ các mối quan hệ đó, nghĩa là trong đó chỉ tồn tại quan hệ của chỉ người vợ với người chồng hoặc chỉ của người cha hoặc người mẹ với các con. Gia đình nhỏ là dạng gia đình đặc biệt quan trọng trong đời sống gia đình. Nó là kiểu gia đình của tương lai và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại và công nghiệp phát triển.
Mặc dù khái niệm về gia đình diễn đạt có khác nhau tuỳ thuộc ở góc độ nhìn nhận, song xem xét một cách chung nhất, nội hàm khái niệm về gia đình bao gồm các yếu tố sau: là một đơn vị xã hội hình thành trên cơ sở các quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng để thực hiện các chức năng sinh học, kinh tế, văn hoá, tín ngưỡng.…Các thành viên quan hệ với nhau trên cơ sở những định ước, quy định rõ ràng về đạo lý, bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiêm, đối với các việc cần làm, được phép, cấm đoán; có mối liên hệ gắn bó với nhau về tình cảm, quyền lợi, trách nhiệm và có những giàng buộc có tính pháp lý được Nhà nước thừa nhận, bảo vệ (khi xã hội có nhà nước).
- Khái niệm giáo dục
Trong tiếng Anh, từ “giáo dục” được biết đến với từ “education”, đây là một từ gốc Latin được ghép bởi hai từ là “Ex” và “Ducere” – “Ex-Ducere”. Có nghĩa là dẫn (“Ducere”) con người vượt ra khỏi (“Ex”) hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn.