tắc này đòi hỏi khi quyết định hình phạt Tòa án phải cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đặc điểm nhân thân người phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để chọn loại hình phạt và mức hình phạt cụ thể được quy định trong luật phù hợp với mức độ nguy hiểm của tội phạm, đạt được mục đích của hình phạt.
Nguyên tắc này nó được thể hiện trong luật và trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Trong luật hình sự, nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong quyết định hình phạt đối với tội trốn thuế được thể hiện trong các quy định của Phần chung (các quy định về hệ thống hình phạt và các điều kiện áp dụng các hình phạt cụ thể; các quy định về Quyết định hình phạt tại Chương VII và các điều luật khác tại Phần chung BLHS) và Phần tội phạm tại Điều 161 về tội trốn thuế. Trong áp dụng pháp luật, nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với tội trốn thuế đòi hỏi Tòa án phải cân nhắc đầy đủ các căn cứ quyết định hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS, các đặc điểm nhân thân của người phạm tội trốn thuế để từ đó làm cơ sở cho Tòa án quyết định hình phạt và mức hình phạt đúng đắn đối với người phạm tội cụ thể.
2.1.2.3. Căn cứ quyết định hình phạt
Khi quyết định hình phạt nói chung và quyết định hình phạt đối với tội trốn thuế nói riêng Tòa án phải căn cứ vào những căn cứ cụ thể được quy định trong BLHS, dựa vào đó giúp cho việc quyết định hình phạt được chính xác, tránh tùy tiện, là cơ sở để quyết định hình phạt đối với bị cáo tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xảy ra trên thực tế.
Các quan điểm của các nhà khoa học hiện nay về căn cứ quyết định hình phạt tương đối giống nhau.
Theo Điều 45 BLHS năm 1999, những căn cứ Tòa án phải tuân thủ khi quyết định hình phạt là: Các quy định của bộ luật hình sự; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội; các
tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đây là những căn cứ chung có tính chất nguyên tắc, bắt buộc trong mọi trường hợp đối với Tòa án khi quyết định hình phạt.
- Các quy định của Bộ luật hình sự:
Khi quyết định hình phạt, trước hết Tòa án phải căn cứ vào các quy định của BLHS để lựa chọn loại hình phạt và mức hình phạt cụ thể để áp dụng cho người phạm tội, bao gồm cả các quy định Phần chung và Phần các tội phạm.
Trong đó các quy định của Phần chung bao gồm những quy định có tính chất nguyên tắc chung cho quyết định hình phạt, cho từng loại hình phạt; có tính nguyên tắc chung đối với những trường hợp được áp dụng các biện pháp tha miễn. Một số quy định của Phần chung như: Cơ sở của trách nhiệm hình sự (Điều 2); nguyên tắc xử lý (Điều 3); mục đích của hình phạt (Điều 27); căn cứ quyết định hình phạt (Điều 45); các quy định về tổng hợp hình phạt; chuẩn bị phạm tội (Điều 17); phạm tội chưa đạt (điều 18)…; các hình phạt (Điều 28)…; miễn trách nhiệm hình sự (Điều19; Điều 25); án treo (Điều 20)…
Có thể bạn quan tâm!
- Các Tình Tiết Tăng Nặng Theo Khoản 3 Điều 161 Blhs
- Tổng Quan Về Tội Trốn Thuế Trong Pháp Luật Hình Sự Việt Nam Từ Năm 1945 Đến Năm 1999
- Các Căn Cứ Pháp Lý Và Căn Cứ Khoa Học Của Việc Định Tội Danh
- Những Vi Phạm, Sai Lầm Về Quyết Định Hình Phạt
- Năng Lực Của Người Tiến Hành Tố Tụng Còn Hạn Chế
- Tội trốn thuế theo Luật Hình sự Việt Nam trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn thành phố Hà Nội - 11
Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.
Căn cứ vào các quy định của Phần các tội phạm, về khung hình phạt chính và hình phạt bổ sung áp dụng cho từng loại tội phạm. Đối với tội trốn thuế khi quyết định hình phạt Tòa án cần căn cứ vào Điều 161 BLHS. Căn cứ vào các khoản trong Điều luật ta có thể xác định được tội trốn thuế có thể phải chịu các loại hình phạt nào, và những khung hình phạt nào.
Tuy nhiên trên cơ sở định tội danh, Tòa án căn cứ vào các quy định của Điều 161 BLHS để xác định được khung hình phạt cần áp dụng đối với người phạm tội trốn thuế; Sau đó dựa vào các quy định của Phần chung của BLHS Tòa án xác định có thể áp dụng được biện pháp tha miễn như miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt hay cho hưởng án treo hay không…, mà Tòa án chưa thể quyết định được loại hình phạt và mức hình phạt cụ thể. Để lựa chọn loại cũng như mức hình phạt Tòa án phải dựa vào các căn cứ còn lại.
Căn cứ vào các quy định của BLHS trong quyết định hình phạt chính là sự bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quyết định hình phạt.
- Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội
Để có thể quyết định loại hình phạt và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi pháp luật cho phép, Tòa án phải xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cụ thể. Tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được xác định bởi tổng thể các dấu hiệu thuộc CTTP, mà dấu hiệu quan trọng nhất là giá trị, ý nghĩa của quan hệ xã hội bị tội phạm xâm phạm; đối với tội trốn thuế đó là các quan hệ về trật tự quản lý kinh tế. Điều này khi quy định từng tội phạm cụ thể nhà làm luật đã căn cứ vào để xây dựng khung chế tài. Tuy nhiên, để áp dụng hình phạt cụ thể đối với tội phạm cụ thể trong phạm vi khung chế tài ấy Tòa án quyết định phải tương xứng với tính chất nguy hiểm của từng loại tội phạm.
Mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là đặc tính về lượng của mỗi tội phạm cụ thể. Đối với tội trốn thuế nó cho phép phân biệt mức độ nguy hiểm cho xã hội trong những trường hợp phạm tội khác nhau.
Khi quyết định hình phạt nói chung và quyết định hình phạt đối với tội trốn thuế nói riêng Tòa án cần phải xem xét đồng thời cả tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, và phải dựa vào những tình tiết dấu hiệu thuộc mặt khách quan và chủ quan sau: - Tính chất của hành vi phạm tội như: thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội… Hành vi trốn thuế có tính chất thường xuyên, cấu kết với nhiều người, có sự tổ chức phải quyết định hình phạt nặng hơn đối với hành vi trốn thuế thông thường; - Tính chất và mức độ của hậu quả đã gây ra hoặc đe dọa gây ra. Hành vi trốn thuế, ngoài việc làm thất thu nguồn ngân sách nhà nước thì nó có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra những hậu quả khác ảnh hưởng đến kinh tế,văn hóa, giáo dục…. người phạm tội trốn càng nhiều thuế thì loại hình phạt và mức hình phạt phải nghiêm khắc
hơn…; - Mức độ lỗi, tội trốn thuế luôn được thực hiện với lỗi cố ý, nhưng hành vi được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp bao giờ cũng nguy hiểm hơn cố ý giám tiếp và hình phạt áp dụng cũng phải khác về loại hoặc mức hình phạt trong phạm vi khung chế tài; - Các tình tiết như hoàn cảnh, thời gian, địa điểm phạm tội… cũng có ý nghĩa quan trọng đến việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi…
- Nhân thân người phạm tội
Trong luật hình sự, nhân thân người phạm tội được hiểu là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của họ. Nhân thân tội phạm không phải là yếu tố CTTP, nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định TNHS đối với người phạm tội. Căn cứ vào những đặc điểm của nhân thân người phạm tội đảm bảo cho hình phạt đã tuyên đạt được mục đích trừng trị và giáo dục, cải tạo người phạm tội.
Khi xét xử tội phạm nói chung và trốn thuế nói riêng Tòa án cần xem xét đến các đặc điểm nhân thân của tội phạm trong các ba nhóm cơ bản là: - Những đặc điểm nhân thân có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội như: phạm tội lần đầu hay có tiền án, tiền sự; tái phạm thường hay tái phạm nguy hiểm; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hay không; tự thú, hối cải, lập công chuộc tội hay ngoan cố…; - Những đặc điểm nhân thân có quan hệ đến các đối tượng chính sách của Đảng, Nhà nước như: người có công với đất nước, người thuộc gia đình liệt sĩ, nhân sĩ, trí thức có tên tuổi; người phạm tội là người làm nghề tôn giáo…; - Những đặc điểm phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội như: người già yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi…
Nhân thân người phạm tội là một nội dung phản ánh tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đồng thời là một căn cứ độc lập mà Tòa án phải xem xét để quyết định hình phạt.
- Những tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự
Khi quyết định hình phạt Tòa án phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS. Các tình tiết này làm cho những trường hợp phạm tội cụ thể của một tội phạm nói chung và tội trốn thuế nói riêng khác nhau về mức độ nguy hiểm. Những tình tiết này có ý nghĩa lượng hình để tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt trong một khung hình phạt nhất định chứ không có tính chất bắt buộc như tình tiết định tội và định khung hình phạt. Do đó khi xét xử Tòa án phải xác định tội danh và khung hình phạt trước, sau đó mới đến các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS.
Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS nói lên tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, của nhân thân người phạm tội; tất cả các tình tiết này đã có trong hai căn cứ trên. Việc quy định cụ các tình tiết này tại Điều 46 và 48 BLHS giúp cho Tóa án tránh tùy tiện khi cân nhắc tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi và cân nhắc đặc điểm nhân thân người phạm tội, đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng các tình tiết này trong các trường hợp cụ thể, đảm bảo nguyên tắc công bằng. Trong một phạm vi khung hình phạt nhất định, những tình tiết này cho phép cá thể hóa hình phạt.
Không phải tất cả các tình tiết được nêu tại điều 46, và 48 BLHS đều có thể là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ TNHS. Chỉ những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS không được điều luật về loại tội đó quy định là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt mới có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng TNHS đối với tội đó.
Đối với tội trốn thuế tình tiết tái phạm có thể không được coi là tình tiết tăng nặng TNHS trong trường hợp người phạm tội thuộc khoản 2 Điều 161 BLHS, bởi theo khoản này thì tái phạm được coi là tình tiết định khung tăng nặng. Tuy nhiên, nếu người phạm tội có tình tiết tái phạm nhưng thuộc khoản 3 của Điều luật thì tình tiết này lại được áp dụng là tình tiết tăng nặng TNHS.
Khi quyết định hình phạt đối với tội phạm nói chung và tội trốn thuế nói riêng ngoài các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điều 46 BLHS Tòa án có coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ và ghi rõ trong bản án. Tuy nhiên đối với tình tiết tăng nặng TNHS thì Tòa án chỉ có thể áp dụng các tình tiết được quy định tại Điều 48 BLHS để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bị cáo.
2.2. Kết quả xét xử tội trốn thuế trên địa bàn thành phố Hà Nội
2.2.1. Kết quả đạt được trong công tác xét xử tội trốn thuế
Theo số liệu của thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong vòng 5 năm từ 2010 đến 2014 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thụ lý 20 vụ/ 34 bị cáo, đã đưa ra xét xử 10 vụ / 15 bị cáo. Cùng với sự tăng lên về số vụ là sự tăng lên về số bị can, bị cáo được thụ lý và đưa ra xét xử; điều này cho thấy tình hình tội trốn thuế ngày càng xảy ra nhiều hơn cả về số lượng vụ án và số lượng bị can cũng như mức độ tinh vi của tội phạm (xem bảng 2.1).
Trong đó Tòa án áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với 08 bị cáo (chiếm 53,34%); Không bị cáo nào bị áp dụng hình phạt tiền; Phạt tù đối với 05 bị cáo (chiếm 33,33%), cho hưởng án treo đối với 02 bị cáo (chiếm 13,33%) cho thấy loại tội phạm này trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra mới mức độ ít nghiêm trọng, tuy nhiên với xu thế tăng dần về số vụ và bị can cũng như mức độ nguy hiểm nên Tòa án cũng nghiêm khắc hơn đối với loại tội phạm này: Các năm 2010 đến năm 2012 các bị cáo chỉ bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, đến năm 2014 có 7 bị cáo thì 04 bị cáo bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn, 02 bị cáo cho hưởng án treo và 01 bị cáo bị phạt cải tạo không giam giữ (xem bảng 2.2).
Tổng số tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong 5 năm từ 2010 đến 2014 Tòa án Hà Nội đã thụ lý 454 vụ/ 706 bị can; trong đó số vụ tội phạm trốn thuế là: 20 vụ/ 34 bị can chiếm 4,40% số vụ; chiếm 4,81% số bị can
So với các tội phạm kinh tế nói chung thì tỷ lệ trung bình tội trốn thuế
Tòa án Hà Nội đã thụ lý chiếm khoảng 2,08% vào năm 2010, tỷ lệ này tăng lên 2,74 % vào năm 2011; 6,49 % vào năm 2012: 7,02% vào năm 2013 và 7,45 % năm 2014 (xem bảng 2.3). Cho thấy trong nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội trốn thuế có xu hướng tăng lên về số vụ và số bị can được thụ lý.
Nguyên nhân dẫn đến tội phạm trên là do có sự thông đồng giữa một số cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế với một số cán bộ thuế và một phần do sự tắc trách của một số cán bộ và cơ quan quản lý thuế. Trong các vụ án có liên quan đến tội trốn thuế phần nhiều liên quan đến các cán bộ của cơ quan thuế phạm các tội như "tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" hay tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Đồng thời cũng do sự cấu kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với các "công ty ma" - thành lập với mục đích buôn bán hóa đơn, đã tiếp tay cho các doanh nghiệp sử dụng các hóa đơn khống để trốn thuế, do đó trong vụ án trốn thuế thường có tội phạm “mua bán trái phép hóa đơn”.
2.2.2. Những vi phạm, sai lầm trong công tác xét xử tội trốn thuế
2.2.2.1. Những vi phạm, sai lầm về định tội danh
Sai lầm trong việc định tội danh không phải là sai lầm chủ yếu; tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng xác định các căn cứ định tội không đúng dẫn đến việc định tội sai, hoặc việc áp dụng điều luật giữa một số tội có dấu hiệu hành vi giống nhau ở một số đặc điểm dẫn đến định tội danh nhầm lẫn giữa các tội:
- Xác định không đầy đủ đối tượng chịu thuế dẫn đến việc xác định số tiền thuế thực trốn không đúng nên định tội danh thiếu căn cứ
Đối với trường hợp cá nhân, hộ gia đình phải nộp thuế do cho thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Như vụ án Đỗ Tòng Tuy, Viện
kiểm sát cho rằng ông Tuy là người ký hợp đồng và nhận tiền thuê nhà nên ông Tuy là người có nghĩa vụ nộp thuế và phải chịu tội vì đã trốn hơn 243 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, thuế môn bài và thuế GTGT. Tuy nhiên, cơ quan pháp luật chưa làm rõ diện tích nhà của gia đình ông Tuy cho thuê là tài sản chung của 6 người trong gia đình thì tiền cho thuê không phát sinh riêng đối với một mình ông Tuy nên việc quy kết ông Tuy “nhận tiền” thì phải chịu tội là không có căn cứ pháp luật. Vì khi làm rõ “cá nhân có tài sản cho thuê”, những người khác trong gia đình ông Tuy cũng là đồng sở hữu tài sản sẽ là những người phải nộp thuế. Khi đó, số thuế mỗi người phải nộp sẽ giảm xuống nên không đủ căn cứ truy tố về tội trốn thuế.
- Nhầm lẫn giữa tội trốn thuế và tội buôn lậu
Chẳng hạn vụ Trần Ngọc Bích cùng các bị cáo khác phạm tội “trốn thuế” và “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngày 23/3/2003 cơ quan điều tra phát hiện trái cây trên xe nhiều hơn so với tờ khai nhập khẩu nên đã kiểm tra xe ô tô tải chở trái cây cho Nguyễn Thị Hạnh – chủ doanh nghiệp tư nhân “Hạnh Phúc” từ cửa khẩu Mộc Bài. Quá trình điều tra cơ quan điều tra làm rõ việc chủ hàng nhập trái cây từ Campuchia về Việt Nam là gia đình bà Võ Thị Nhan (gồm các con bà Nhan là Tiêu Văn Tố, Tiêu Thị Nhung và em dâu là Trần Ngọc Bích) đã thỏa thuận với Nguyễn Thị Hạnh bao thuế nhập khẩu trái cây qua cửa khẩu Mộc Bài. Qua đối chiếu sổ sách ghi chép và tờ khai hải quan thể hiện số trái cây thực nhập từ 5/2002 đến 23/3/2003 là:
Tổng số hàng trái cây thực nhập: 876.938 kg
+ Số tiền thuế nhập khẩu phải nộp: 6.621.873.923 đồng
+ Số trái cây đã kê khai nộp thuế nhập khẩu: 78.050 kg
+ Số tiền thuế nhập khẩu Hạnh đã nộp: 473.006.528 đồng
+ Số tiền đã trốn thuế: 6.148.867.395 đồng