Số tiền trốn thuế các bị cáo được hưởng do Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xác định là:
- Nguyễn Thị Hạnh: 2.843.146.787 đồng
- Trần Ngọc Bích: 2.837.949.562 đồng
- Tiêu Văn Tố và Tiêu Thị Nhung 407.644.632 đồng
Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của 26 bị cáo đều là cán bộ nhân viên Hải quan cửa khẩu Mộc Bài.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 282/2004/HSST ngày 31-12-2004, Toà án tuyên các bị cáo Trần Ngọc Bích, Tiêu Văn Tố, Tiêu Thị Nhung về tội “buôn lậu”.
Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với 28 bị cáo khác về tội: “buôn lậu” và tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau đó các bị cáo Bích, Tố, Nhung có kháng cáo.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 750/HSPT ngày 13-5-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân Tối cao xác định các bị cáo Trần Ngọc Bích, Tiêu Văn Tố và Tiêu Thị Nhung chỉ có hành vi đồng phạm về tội “trốn thuế”.
2.2.2.2. Những vi phạm, sai lầm về quyết định hình phạt
Có thể bạn quan tâm!
- Tổng Quan Về Tội Trốn Thuế Trong Pháp Luật Hình Sự Việt Nam Từ Năm 1945 Đến Năm 1999
- Các Căn Cứ Pháp Lý Và Căn Cứ Khoa Học Của Việc Định Tội Danh
- Kết Quả Xét Xử Tội Trốn Thuế Trên Địa Bàn Thành Phố Hà Nội
- Năng Lực Của Người Tiến Hành Tố Tụng Còn Hạn Chế
- Tội trốn thuế theo Luật Hình sự Việt Nam trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn thành phố Hà Nội - 11
- Tội trốn thuế theo Luật Hình sự Việt Nam trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn thành phố Hà Nội - 12
Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.
- Sai lầm trong quyết định hình phạt chủ yếu là do việc định tội danh không đúng dẫn đến quyết định hình phạt không đúng
Đặc biệt trong trường hợp định tội danh nhầm lẫn giữa các tội không có cùng loại hình phạt hoặc có loại hình phạt như nhau nhưng mức hình phạt chênh lệch nhau lớn. Đối với tội trốn thuế và tội buôn lậu trên thực tế hay nhầm lẫn, hai loại tội này không có sự tương đồng về loại hình phạt, đối với hình phạt tù được quy định đối với hai tội này chênh lệch nhau nhiều (tội trốn thuế mức cao nhất là 7 năm tù, tội buôn lậu mức cao nhất là tù chung thân) dẫn đến quyết định sai hình phạt hoặc có sự chênh lệch nhiều về mức hình phạt tù.
Cũng trong vụ Trần Ngọc Bích cùng các bị cáo khác phạm tội “trốn thuế” và “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tòa án cấp sơ thẩm xác định các bị cáo Trần Ngọc Bích, Tiêu Văn Tố, Tiêu Thị Nhung phạm tội “buôn lậu” lên áp dụng hình phạt và mức hình phạt tương ứng với các điều, khoản của tội buôn lậu, xử phạt:
Trần Ngọc Bích 12 năm tù; Tiêu Văn Tố 07 năm tù; Tiêu Thị Nhung 03 năm tù.
Tại bản án hình sự phúc thẩm số 750/HSPT ngày 13-5-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao áp dụng khoản 3 Điều 161 và các điều, khoản, điểm khác của BLHS tương ứng đối với từng bị cáo, xử phạt:
Trần Ngọc Bích 05 năm tù; Tiêu Văn Tố 03 năm tù;
Tiêu Thị Nhung 15 tháng tù.
Trong trường hợp này, hình phạt được áp dụng đối với hai tội đều là hình phạt tù, tuy nhiên mức phạt của hai loại tội này chênh lệch nhau nhiều (tội trốn thuế mức cao nhất là 7 năm tù, tội buôn lậu mức cao nhất là tù chung thân) dẫn đến có sự chênh lệch nhiều về mức hình phạt tù.
- Sai lầm trong đánh giá các căn cứ để cho áp dụng án treo
Theo quy định tại điều 60 BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành: Người phạm tội có thể được hưởng án treo khi có đủ các căn cứ sau:
Mức hình phạt tù: Người bị Tòa án phạt tù không quá ba năm;
Nhân thân người phạm tội: Người phạm tội là người có nhân thân tương đối tốt: Ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; không có tiền án, tiền sự;
Có nhiều tình tiết giảm nhẹ: Phải có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, trong đó có ít nhất một tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS;
Thuộc trường hợp không cần bắt chấp hành hình phạt tù.
Tuy nhiên khi đánh giá căn cứ nhân thân người phạm tội, một số trường hợp Tòa án áp dụng các yếu tố thuộc nhân thân người phạm tội phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của họ, các đặc điểm có quan hệ đến chính sách của Đảng và Nhà nước như: người phạm tội có hoàn cảnh bản thân hoặc gia đình đặc biệt khó khăn, thuộc gia đình có công với cách mạng… mà không phải các đặc điểm nhân thân thể hiện tính chất mức độ nguy hiển của hành vi, đến khả năng tiếp thu giáo dục cải tạo của họ như: không có tiền án tiền sự, thành khẩn khai báo…. Từ đó dẫn đến việc quyết định hình phạt và cho hưởng án treo không đúng.
2.2.2.3. Những vi phạm, sai lầm khác
- Xác định sai số lượng thuế thực trốn
Khi xét xử, nhiều cấp tòa còn sai lầm trong xác định số lượng thuế thực trốn dẫn đến án bị hủy, xử tới xử lui. Vụ án vợ chồng Trần Minh Huệ và Nguyễn Thị Ngọc Thiên bị xử phạt về tội trốn thuế là một ví dụ. Hai bị cáo là chủ cơ sở kinh doanh xe máy Thành Tiên, trong quá trình kinh doanh, vợ chồng Huệ đã mua vào và bán ra gần 916 xe máy các loại nhưng chỉ kê khai nộp thuế 250 xe máy với chênh lệch giữa giá bán hàng và giá mua hàng là hơn 116 triệu đồng. Còn lại 666 xe máy đã bán, vợ chồng Huệ để ngoài sổ sách và không kê khai với mục đích trốn thuế.
Xử sơ thẩm, Tòa tuyên phạt Thiên và Huệ mỗi bị cáo 3 năm án treo về tội trốn thuế, đồng thời buộc hai bị cáo phải nộp số tiền trốn thuế 710.994.442 đồng của 696 xe máy (bao gồm cả 30 xe máy có liên quan trong một vụ án khác).
Xử phúc thẩm, HĐXX đã sửa bản án sơ thẩm về hình phạt tiền và số tiền truy thu thuế. Cho rằng bản án sơ thẩm chưa trừ đi số thuế của 30 xe bị tịch thu, Tòa này buộc hai bị cáo phải nộp số tiền trốn thuế 682.285.185 đồng.
Hai bản án này đều bị giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại. Nguyên nhân là bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã sai lầm trong việc xác định số lượng thuế thực trốn của Thiên và Huệ trong quá trình kinh doanh 666 xe máy. Đối với bản án phúc thẩm xác định số thuế cơ sở kinh doanh xe máy Thành Tiên đã trốn 682.282.185 đồng là không chính xác, không phản ánh đúng số thuế mà cơ sở kinh doanh xe máy Thành Tiên thực trốn vì số tiền 682.285.185 đồng đã bao gồm cả yếu tố xử lý của ngành thuế khi phát hiện cơ sở này vi phạm chế độ tài chính, kế toán. Vì vậy, quyết định giám đốc đã hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để xét xử lại.
- Sai lầm trong việc xác định nguyên đơn dân sự
Trong vụ án Mai Quý Cường phạm tội “trốn thuế”, Cường đã thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư thương mại Hà Hưng, Công ty thương mại Hoàng Loan, Công ty thương mại Hưng Thịnh. Sau khi có chứng nhận đăng ký kinh doanh của các công ty trên, Mai Quý Cường và Nguyễn Thanh Hải đã móc nối với Vũ Hưng Bình giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Trinh, thành phố Hồ Chí Minh, sử dụng tư cách pháp nhân của 03 Công ty: Công ty Hưng Thịnh, Công ty Hoàng Loan, Công ty Hà Hưng để làm thủ tục nhập khẩu 93 xe ô tô các loại đã qua sử dụng từ Hàn Quốc về Việt Nam, qua cửa khẩu Cảng Sài Gòn 3, thành phố Hồ Chí Minh và cửa khẩu Cảng Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Sau khi nhập và tiêu thụ hết số xe trên đã không nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT, chiếm đoạt 13.110.076.734 đồng tiền thuế.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 66/2009/HSST ngày 19, 20 /02/2009 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bị cáo Mai Quý Cường, Vũ Hưng Bình, Nguyễn Thanh Hải phạm tội trốn thuế và buộc Mai Quý Cường phải truy nộp số tiền 11.310.000.000 đồng thuế cho Cục thuế Hà Nội để nộp vào ngân sách nhà nước.
Ngày 23/2/2009 bị cáo Mai Quý Cường kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 2/3/2009 Vũ Hưng Bình kháng cáo cho rằng Bình không có hành vi trốn thuế.
Ngày 2/7/2009 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án số 181/2009/HSPT lý do các bị cáo rút kháng cáo.
Ngày 28/11/2011 Viện kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 32/QĐ-VKSTC-V3 đối với vụ án này. Vì:
Mai Quý Cường sử dụng 3 công ty của Cường (Công ty Hà Hưng, Công ty Hoàng Loan, Công ty Hưng Thịnh) và Công ty Phương Trinh của Vũ Hưng Bình nhập khẩu 93 xe ô tô các loại và làm thủ tục nhập khẩu và kê khai thuế nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 (Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh) và Chi cục Hải quan cảng Phú Mỹ (Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) với số tiền thuế nhập khẩu và thuế GTGT là 13.110.076.734 đồng trong đó:
Nhập qua cảng Sài Gòn khu vực 3 Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh là 41 xe các loại với số tiền thuế nhập khẩu và thuế GTGT là: 8.895.055.573 đồng.
Nhập qua cảng Phú Mỹ Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu 52 xe với số tiền thuế nhập khẩu và thuế GTGT là 4.215.021.161 đồng.
Như vậy, Mai Quý Cường, Nguyễn Thanh Hải, Vũ Hưng Bình đã móc nối, bàn bạc việc nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng từ Hàn Quốc về Việt Nam, không nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT lấy tiền sử dụng vào mục đích cá nhân gây thiệt hại cho nhà nước là 13.110.076.734 đồng. Hiện nay số tiền nợ thuế này đang thuộc sự theo dõi, quản lý của Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 (Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh) và Chi cục Hải quan cảng Phú Mỹ (Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Vì vậy, trong vụ án này hai đơn vị trên phải được tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự
để bảo vệ quyền lợi của đơn vị nhưng lại không được tham gia, không được nhận các quyết định tố tụng để các đơn vị này bảo vệ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của hai đơn vị phải thực hiện nộp khoản tiền thuế nêu trên cho nhà nước theo quy định của Luật ngân sách và Luật quản lý thuế.
Đối với Cục thuế thành phố Hà Nội là đơn vị không liên quan gì đến các khoản thu thuế nhập khẩu và thuế GTGT nêu trên mà chỉ là đơn vị quản lý thuế trên địa bàn thành phố Hà Nội nhưng lại được Tòa án cấp sơ thẩm xác định được tham gia tố tụng trong vụ án này với tư cách là nguyên đơn dân sự;
Như vậy bản án hình sự sơ thẩm số 66/2009/HSST ngày 19,20/02/2009 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án là vi phạm Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự về xác định nguyên đơn dân sự, nên đã không đưa hai đơn vị Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là nguyên đơn dân sự để họ bảo vệ quyền và nghĩa vụ và thực hiện nhiệm vụ thu thuế của các doanh nghiệp do Mai Quý Cường và Vũ Hưng Bình trong việc nhập khẩu 93 xe ô tô các loại nhưng không nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT với số tiền là: 13.110.076.734 đồng để hai đơn vị này nộp cho ngân sách nhà nước theo đúng Luật ngân sách và Luật quản lý thuế.
(Theo Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 32/QĐ-VKSTC-V3 ngày 28/11/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
- Sai lầm trong xác định trách nhiệm bồi thường
Trong các vụ án về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nói chung và trốn thuế nói riêng, việc xác định trách nhiệm bồi thường dân sự cũng gặp phải những vướng mắc nhất định. Vụ án Hà Hữu Hiển và đồng phạm trốn thuế là ví dụ:
Hiển là Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng đã ký với bà Hà Thị Nội hợp đồng liên doanh nội dung thỏa thuận công ty đại diện đứng tên làm hồ sơ trình cơ quan chức năng phê duyệt cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản cát, sỏi tại lòng sông Lô với tỷ lệ góp vốn mỗi bên là 50%. Lợi nhuận thu được, Công ty Việt Thắng được hưởng 10%, số còn lại chia đều cho hai bên là 50/50...
Trong vụ án, Hiển là đại diện Công ty TNHH Việt Thắng, phải có trách nhiệm nộp các loại thuế và phí theo quy định của Nhà nước nhưng đã có hành vi trốn thuế. Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty Việt Thắng phải nộp số tiền thuế hơn 3,3 tỷ đồng là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định truy thu số tiền trốn thuế và phí của công ty để nộp ngân sách Nhà nước với số tiền như trên nhưng đồng thời buộc các thành viên góp vốn phải chịu trách nhiệm về số tiền trên là không đúng với quy định của pháp luật.
* Ngoài ra còn một số thiếu sót, sai lầm khác dẫn đến việc các vụ án bị kháng cáo, kháng nghị, xử đi xử lại nhiều lần như: Việc Tòa án không tuyên truy thu tiền thuế cho cơ quan thuế để nộp ngân sách Nhà nước. Mà theo nguyên tắc một hành vi chỉ bị xử lý một lần, do đó cơ quan thuế không thể xử phạt hành chính để thu hồi số thuế bị trốn.
Chương 3
NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG VI PHẠM SAI LẦM
VÀ CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO VIỆC XÉT XỬ TỘI TRỐN THUẾ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
3.1. Nguyên nhân của những vi phạm, sai lầm trong công tác xét xử tội trốn thuế trên địa bàn thành phố Hà Nội
Các vi phạm, sai lầm trong việc xét xử đối với tội trốn thuế nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, gồm các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản:
3.1.1. Hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, quy định còn chưa đầy đủ
- Quy định tại Điều 161 BLHS còn chưa đầy đủ, chưa đảm bảo việc xử lý hình sự đối với pháp nhân, hình phạt áp dụng đối với tội trốn thuế chưa đảm bảo được mục đích răn đe, trừng phạt về kinh tế. Hiện nay đối với hành vi trốn thuế, thường do pháp nhận gây ra với mức độ trốn thuế nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên pháp luật hình sự nói chung chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân nên vẫn còn bỏ lọt một số lượng lớn đối tượng trốn thuế mà không bị xử lý hình sự. Đồng thời với đó, việc quy định hình phạt tiền là hình phạt lựa chọn giữa phạt tiền và cải tạo không giam giữ nên không đảm bảo mục đích kinh tế đối với loại tội phạm này, do đó cần mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền hơn nữa.
- Quy định còn chưa thống nhất đồng bộ giữa BLHS với các quy định trong Luật quản lý thuế về nguyên tắc xử lý đối với người có hành vi trốn thuế. Luật quản lý thuế năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2012, tại Điều 110 quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế:
1. Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, thời hiệu xử phạt là hai năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện.