Tổ chức kiểm toán nội bộ trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam - 5


hợp cả hai loại hình kiểm toán trên và hình thành một loại hình kiểm toán mới hướng tới mục tiêu của quản lý nhiều hơn; đó là kiểm toán liên kết (Intergrated audit).

Loại hình kiểm toán thứ nhất là kiểm toán tài chính. Với loại hình này đối tượng của KTNB là báo cáo tài chính và báo cáo kế toán quản trị. Kiểm toán báo cáo tài chính và báo cáo kế toán quản trị là việc kiểm tra, xác nhận tính trung thực và tính hợp lý của các báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị cũng như xem xét sự phù hợp giữa báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị với các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán và yêu cầu quản lý. Mục tiêu tổng quát của kiểm toán báo cáo tài chính có thể hiểu là việc xác nhận rằng báo cáo tài chính có được lập trên cơ sở chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành hay không, có tuân thủ pháp luật liên quan, có phản ánh trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu hay không. Mục tiêu kiểm toán tài chính còn giúp cho đơn vị được kiểm toán thấy rõ những tồn tại, sai sót để khắc phục nhằm nâng cáo chất lượng thông tin tài chính của đơn vị. Mục tiêu này được đề cao khi KTNB tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính. Mục tiêu kiểm toán báo cáo kế toán quản trị nhằm khẳng định mức độ phù hợp của thông tin, tính kịp thời và đầy đủ của thông tin phục vụ cho việc quản trị nội bộ đơn vị. Nội dung của kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị thường gồm hai nội dung chủ yếu sau: Kiểm tra và xác nhận tính kịp thời, đầy đủ, khách quan và tin cậy của báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị trước khi được phê duyệt và công bố; Kiểm tra và đánh giá các báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị, đưa ra những kiến nghị và tư vấn cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo sự hợp lý và hiệu quả.

Loại hình kiểm toán thứ hai là kiểm toán hoạt động. Trong suốt những năm 1960, có một xu hướng mạnh mẽ sử dụng thuật ngữ kiểm toán hoạt động thay thế cho thuật ngữ KTNB. Sở dĩ như vậy là do người ta muốn nhấn mạnh sự khác biệt cơ bản giữa công việc của KTV bên ngoài với KTVNB. Các KTV bên ngoài chú trọng vào việc xác nhận và bày tỏ ý kiến đối với các báo cáo tài chính và các hoạt động kiểm soát hoạt động tài chính còn KTNB chú trọng vào việc tăng cường hiệu năng của quản lý và hiệu quả của hoạt động kinh doanh. Trong nhiều năm, kiểm toán hoạt động chỉ giới hạn ở việc kiểm soát tài chính sau đó phát triển theo hướng điều tra, xác minh, đánh giá đối với tất cả các hoạt động khác kể cả hoạt động phi tài chính. Ngày nay trong rất nhiều tổ chức, cả đơn vị lợi nhuận và phi lợi nhuận, các KTVNB đều tự nhìn nhận công việc của mình đã vượt xa những hoạt động tài chính kế toán đơn thuần. Quan điểm này được A. P. Alvarez thể hiện rất rõ từ những năm 1970 trong những


nghiên cứu của ông. Theo ông, kiểm toán tài chính không phải là điểm mấu chốt nhằm tăng khả năng sinh lợi và phát triển ý tưởng kinh doanh của nhà quản lý. KTVNB cần nghĩ tới các chính sách, thủ tục, chi phí, doanh thu, lợi nhuận theo quan điểm của nhà quản lý thì tốt hơn là chỉ đánh giá đến thông tin ghi nhận những vấn đề trên. Kiểm toán cần quan tâm đến quá trình thực hiện, kết quả thực hiện chứ không chỉ thông tin phản ánh quá trình và kết quả thực hiện [63, tr17-25]. Peter A. Pyhrr cũng đưa ra quan điểm tương tự với quan điểm trên. Trong nghiên cứu của mình ông khẳng định: "

Kiểm toán hoạt động được thực hiện ngay khi các KTV bên ngoài kết thúc kiểm toán báo cáo tài chính để xem xét tìm cách giải quyết nguyên nhân liên quan tới một nghiệp vụ và sau đó đề xuất phương án để thực hiện những nghiệp vụ đó tốt hơn. Kiểm toán tài chính thực hiện kiểm tra độ tin cậy thông tin về lợi nhuận thì kiểm toán hoạt động thực hiện kiểm toán với mục đích làm gia tăng giá trị và lợi nhuận của công ty…[67, tr9]

Trong lĩnh vực công, Kiểm toán Nhà nước của Canada đã đưa ra quan điểm về kiểm toán hoạt động như sau: Kiểm toán hoạt động là kiểm tra, xác nhận và đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực của các hoạt động, các tác nghiệp, các chương trình dự án của doanh nghiệp, và các đơn vị thành viên dưới sự kiểm soát của nhà quản lý và báo cáo cho các cá nhân có liên quan về kết quả của việc đánh giá, đồng thời đưa ra những kiến nghị để cải tiến. Nội dung của kiểm toán hoạt động xoay quanh ba khía cạnh đó là tính kinh tế (Economy), tính hiệu quả (Efficiency) và hiệu lực (Effectiveness) nhằm đưa ra những biện pháp để cải tiến hoạt động. Có thể xem đây là những tiêu chuẩn quan trọng dùng để xem xét kết quả của hoạt động được kiểm toán. Vì vậy, trong một số trường hợp người ta còn gọi loại kiểm toán này bằng thuật ngữ đơn giản là kiểm toán 3E.


Kinh tế

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 284 trang tài liệu này.


Đầu vào Quá trình

Tổ chức kiểm toán nội bộ trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam - 5

thực hiện

Kiểm toán hoạt động


Hiệu lực


Đầu ra

Hiệu quả


Sơ đồ 1.1: Mối quan hệ giữa các yếu tố của kiểm toán hoạt động


KTNB hiện đại có xu hướng chú trọng nhiều hơn vào kiểm toán hoạt động. Kiểm toán hoạt động được thực hiện với cả các hoạt động tài chính và các hoạt động phi tài chính. Nội dung của kiểm toán hoạt động có thể là kiểm toán việc huy động, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả và tiết kiệm, kiểm toán hiệu quả của các giai đoạn sản xuất kinh doanh, kiểm toán tính hiệu quả và tiết kiệm của việc thực hiện các chính sách nhân sự,… Kiểm toán hoạt động có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như kiểm toán chức năng, kiểm toán tổ chức hay kiểm toán chuyên đề đặc biệt. Kiểm toán hoạt động có thể do KTVNB tiến hành nhưng cũng có thể do các KTV bên ngoài thực hiện.

Như vậy có thể thấy có những điểm khác biệt cơ bản của kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động do KTVNB thực hiện: Thứ nhất là về mục tiêu kiểm toán: Kiểm toán báo cáo tài chính chú trọng đến việc thẩm tra và xác nhận những thông tin ghi nhận được trong quá khứ còn kiểm toán hoạt động thì quan tâm đến hiệu quả và hiệu năng tức là hướng đến tương lai; Thứ hai là về cơ sở dẫn liệu liên quan đến hai loại hình kiểm toán: Kiểm toán tài chính có cơ sở dẫn liệu liên quan tới báo cáo tài chính trong khi đó kiểm toán hoạt động có cơ sở dẫn liệu liên quan đến các hoạt động; Thứ ba là người nhận báo cáo về kết quả kiểm toán: Kiểm toán tài chính có người sử dụng thông tin từ báo cáo chủ yếu là bên ngoài đơn vị tổ chức được kiểm toán còn kiểm toán hoạt động hướng chủ yếu tới đối tượng sử dụng thông tin là nhà quản lý bên trong đơn vị; Thứ tư là tính độc lập của chủ thể kiểm toán: Kiểm toán tài chính đòi hỏi chủ thể kiểm toán phải độc lập với khách thể kiểm toán còn đối với chủ thể tiến hành kiểm toán hoạt động chỉ cần độc lập với các hoạt hoạt động được kiểm toán; Thứ năm là kỳ kiểm toán: Do báo cáo tài chính thường lập theo niên độ, hoặc quý do đó kiểm toán báo cáo tài chính thường được tiến hành theo quý hoặc năm trong khi kiểm toán hoạt động có thể tiến hành cho cả một thời kỳ có thể ngắn hơn hoặc dài hơn. Nhìn chung, KTNB thực hiện kiểm toán tài chính được coi là kiểm toán hướng tới kế toán và thông tin tài chính (accounting oriented internal audit) còn kiểm toán hoạt động hướng tới kiểm toán quản lý (management oriented internal audit).

So sánh trên giữa hai loại hình kiểm toán cho thấy việc thực hiện riêng biệt từng loại hình kiểm toán trong điều kiện đòi hỏi về tính minh bạch của thông tin và tính hiệu quả của hoạt động đều được coi trọng. Vì vậy, KTNB có thể thực hiện kiểm toán liên kết. Kiểm toán liên kết là việc kết hợp các loại hình kiểm toán trên theo những mục tiêu được chú trọng. Trên cơ sở đánh giá độ tin cậy của thông tin, chất


lượng của hệ thống kiểm soát nội bộ, KTNB tiến hành đánh giá thành tích và hiệu quả của hoạt động, thành tích và hiệu quả của hoạt động kiểm soát cũng như thành tích và hiệu quả của hệ thống thông tin quản lý. Trong các tập đoàn kinh tế, nơi mà các nhân viên thông thường có ít cơ hội được liên hệ trực tiếp với các nhà quản lý cao cấp, thì chỉ có KTVNB là một trong số ít được trao đổi trực tiếp với nhà quản lý. Nhà quản lý sẽ cần ý kiến của KTNB cả về chất lượng thông tin cả về tư vấn hoạt động và đề xuất các kiến nghị thích hợp. Điều này đòi hỏi hoạt động kiểm toán liên kết càng cần được chú trọng đối với các tập đoàn kinh tế

Nếu xét theo mục tiêu tiến hành kiểm toán, có thể xem xét đến ba loại hình kiểm toán sau đây: Kiểm toán thông tin, kiểm toán quy tắc, kiểm toán hiệu quả-hiệu năng. Kiểm toán thông tin là loại hình kiểm toán hướng đến việc đánh giá độ tin cậy của thông tin. Với loại hình kiểm toán này, các thông tin được đánh giá thường hướng đến là các thông tin lượng hóa được. Kiểm toán quy tắc hay còn gọi là kiểm toán tuân thủ là loại hình kiểm toán để xác định các hoạt động đã thực hiện có tuân thủ với các hợp đồng, các chính sách của nhà quản lý hoặc luật pháp hay quy định hiện hành hay không. Kiểm toán tuân thủ được thực hiện với phạm vi rất rộng. Hình thức kiểm toán này có thể là việc đánh giá mức độ tuân thủ các quy định về luật pháp của cơ quan nhà nước, có thế là tuân thủ các điều khoản trên các văn bản pháp lý như các hợp đồng, các cam kết và cũng có thể là đánh giá mức độ tuân thủ các chính sách nội bộ của doanh nghiệp. Với nội dung kiểm toán này, KTVNB phải thực hiện các công việc chủ yếu là kiểm tra tính tuân thủ của pháp luật nói chung và các quy định về tài chính kế toán nói riêng của Nhà nước, kiểm tra việc thực hiện các điều khoản của các hợp đồng, kiểm tra việc tuân thủ các quy chế hoạt động, các quyết sách của Hội đồng quản trị, của Ban giám đốc, kiểm tra quy trình thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp... Loại hình kiểm toán thứ ba là kiểm toán hiệu quả-hiệu năng. Kiểm toán hiệu quả-hiệu năng liên quan đến việc đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu hoạt động với nguồn lực sử dụng để tạo ra chúng, đánh giá kết quả với mục tiêu đặt ra. Kiểm toán hiệu quả-hiệu năng ngày càng trở nên quan trọng trong môi trường kinh doanh biến động không ngừng hiện nay.

Căn cứ vào chu kỳ tiến hành kiểm toán, KTNB thực hiện ba loại kiểm toán là kiểm toán định kỳ, kiểm toán bất thường và kiểm toán thường xuyên. Kiểm toán định kỳ là công việc kiểm toán thực hiện kiểm tra, theo dõi và xem xét để đưa ra đánh giá, nhận xét và kết luận về các báo cáo tài chính, các hoạt động kinh doanh, hoạt động


kế toán hay hoạt động kiểm soát theo từng khoảng thời gian, từng thời kỳ nhất định. Khoảng thời gian đó có thể là tháng, quý hoặc năm. Việc tiến hành kiểm toán theo từng thời kỳ nhất định sẽ tạo ra khả năng phát sinh sai phạm trong thời gian ngừng kiểm toán. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt thời gian và không gian, KTNB của đơn vị cấp trên thực hiện đối với đơn vị cấp dưới thường được thực hiện định kỳ. Kiểm toán bất thường là việc thực hiện các cuộc kiểm toán không dự định trước, theo yêu cầu của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Kiểm toán bất thường được thực hiện khi phát sinh các vấn đề cần được kiểm tra ngay. Kiểm toán thường xuyên là công việc kiểm tra, theo dõi và đánh giá về thông tin tài chính, hoạt động kinh doanh, hoạt động kế toán, hoạt động kiểm soát một cách thường xuyên liên tục. Việc thực hiện kiểm toán thường xuyên liên tục sẽ giúp doanh nghiệp ngăn ngừa, phát hiện và sửa chữa kịp thời và hiệu quả các sai phạm. Tác dụng của kiểm toán thường xuyên được các nhà quản trị nhận thức rất rõ nhưng không phải bao giờ người ta cũng đề xuất kiểm toán thường xuyên vì thực hiện loại hình kiểm toán này thường tiêu tốn một khoản chi phí không nhỏ trong doanh nghiệp. KTNB là chủ thể kiểm toán có điều kiện thực hiện tốt nhất đối với loại hình kiểm toán này.

Căn cứ vào mối quan hệ giữa thời điểm tiến hành kiểm toán và thời điểm phát sinh nghiệp vụ, các loại hình KTNB được thực hiện thường bao gồm kiểm toán trước (tiền kiểm), kiểm toán hiện hành và kiểm toán sau (hậu kiểm). Tiền kiểm có thể được coi là loại hình kiểm toán được sử dụng với mục đích chủ yếu là ngăn ngừa các khả năng có thể xảy ra dẫn đến kết quả không tốt trong hoạt động kinh doanh, hoạt động kế toán. Loại hình kiểm toán này bao gồm các những biện pháp phòng ngừa được áp dụng trước khi một nghiệp vụ hay một hoạt động phát sinh. Loại hình này thường được thực hiện chủ yếu với các dự toán, các báo cáo khả thi, các phương án thực hiện hay các dự toán ngân sách cho từng hoạt động cụ thể. Chính vì vậy loại hình kiểm toán này còn được gọi với một tên khác nữa là Kiểm toán phòng ngừa. Kiểm toán hiện hành là loại hình kiểm toán được tiến hành đồng thời với thời điểm phát sinh nghiệp vụ. Kiểm toán đồng thời tạo tính chuyên môn hóa trong công việc và tạo hiệu quả trong thực hiện kiểm toán. Mọi điều chỉnh của khách thể được kiểm toán được tiến hành ngay, do đó những điều chỉnh này có thể là điều chỉnh quá trình thực hiện và thậm chí là mục tiêu hoặc phương thức thực hiện. Hậu kiểm là việc thực hiện kiểm toán sau khi các nghiệp vụ các giao dịch được ghi nhận và tổng hợp lên báo cáo tài chính. Trong trường hợp này, kiểm toán được thực hiện chủ yếu với mục đích đánh giá tính trung thực, hợp lý, hợp pháp của thông tin, tính hữu dụng và tính đầy


đủ của thông tin. Xu hướng của KTNB hiện đại đã thúc đẩy sự phát triển của các loại hình tiền kiểm và kiểm toán hiện hành hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Xét theo mối liên hệ của các cách phân loại kiểm toán, về bản chất kiểm toán tài chính là loại hình kiểm toán kết hợp giữa kiểm toán thông tin và kiểm toán quy tắc. Kiểm toán hoạt động là sự kết hợp của kiểm toán hiệu lực quản trị nội bộ, hiệu năng quản lý và hiệu quả hoạt động. Kiểm toán tài chính thường được thực hiện dưới hình thức hậu kiểm còn kiểm toán hoạt động có thể thực hiện theo hình thức tiền kiểm hoặc kiểm toán hiện hành. Khi tiến hành kiểm toán thường xuyên, KTNB thực hiện kiểm toán hoạt động là chủ yếu, khi tiến hành kiểm toán định kỳ, KTNB có thể thực hiện cả kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động. KTNB thực hiện đầy đủ các lĩnh vực kiểm toán khác nhau gồm kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động. Kiểm toán tài chính là loại hình kiểm toán có lịch sử phát triển lâu đời so với kiểm toán hoạt động, tuy nhiên KTNB hiện đại cho rằng kiểm toán hoạt động mới là lĩnh vực cần được ưu tiên của loại hình kiểm toán này. Xu hướng này đã tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về hoạt động của KTNB của các quốc gia từ kiểm toán tài chính sang kiểm toán hoạt động. Mặc dù cả kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động đều thực hiện chức năng chung của kiểm toán là xác minh và bày tỏ ý kiến nhưng mức độ ưu tiên với các chức năng này cũng khác nhau. Kiểm toán tài chính hướng đến chức năng đầu tiên là chức năng xác minh còn kiểm toán hoạt động hướng đến chức năng bày tỏ ý kiến nhiều hơn. Để thực hiện chức năng của mình, KTVNB tiến hành thu thập bằng chứng làm cơ sở cho kết luận kiểm toán. Các phương pháp kỹ thuật được KTNB sử dụng bao gồm cả phương pháp kiểm toán chứng từ và phương pháp kiểm toán ngoài chứng từ.


1.2. TỔ CHỨC KIỂM TOÁN NỘI BỘ TRONG TẬP ĐOÀN KINH TẾ


1.2.1. Nội dung tổ chức kiểm toán nội bộ trong tập đoàn kinh tế

Trước khi làm rõ về tổ chức KTNB, trước hết cần có cách hiểu rõ ràng về thuật ngữ "tổ chức”. Đứng trên các góc độ nghiên cứu khác nhau sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau đối với thuật ngữ "tổ chức". Có thể hiểu tổ chức là "sự sắp xếp một cách có hệ thống để thực hiện một nhiệm vụ hay một chức năng chung" [13, tr622]. Một cách hiểu khác về thuật ngữ tổ chức là "tập hợp người được tổ chức theo một cơ cấu nhất định để hoạt động vì lợi ích chung" [56, tr1662]. Theo các tác giả của Từ điển Bách khoa Việt Nam: "Tổ chức là hình thức tập hợp, liên kết các thành viên


trong xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích của các thành viên, cùng nhau hành động vì mục tiêu chung" [14, tr455]. Có thể thấy, các khái niệm khác nhau kể trên đều hướng đến phương thức tổ chức và các mắt xích quan trọng của tổ chức là từng cá thể trong hệ thống. Thuật ngữ "tổ chức" nhiều khi được đồng nhất với thuật ngữ "công tác tổ chức". Thực tế cho thấy cách hiểu và cách dùng như vậy đã làm cho thuật ngữ tổ chức mang nghĩa hẹp là quá trình hành động để tạo ra tổ chức và xây dựng hoạt động trong tổ chức. Cũng có một cách nhìn nhận theo nghĩa hẹp về "tổ chức" là: "tổ chức là để chỉ một thực thể có tổ chức như một công ty, một tập đoàn hay một nhóm nào đó được kết hợp lại từ các bộ phận nhỏ hơn" [53, tr104]. Cách nhìn rộng hơn về thuật ngữ "tổ chức" là:"một cách thức trong đó các nỗ lực làm việc của cá nhân được giao phó và kết hợp trong bất kể một doanh nghiệp hay một thực thể kinh tế có tổ chức nào để đạt được các mục tiêu đặt ra. Theo một nghĩa nào đó, đây là khái niệm có thể được áp dụng cho phương thức mà một cá nhân đơn lẻ tự tổ chức công việc của mình, theo phạm vi rộng hơn khái niệm này có thể được áp dụng khi có nhiều người cùng tham gia với cùng mục tiêu hoạt động" [53, tr104]. Nhìn nhận những điểm chung từ các quan điểm trên có thể thấy tổ chức là mối liên hệ giữa các yếu tố trong một hệ thống. Các yếu tố trong một hệ thống có thể là cá nhân hay mục tiêu hoạt động, phương thức hoạt động. Nếu không tồn tại "công tác tổ chức", hệ thống sẽ trong tình trạng tan rã. Tổ chức có thể được hiểu là mối liên hệ giữa các yếu tố trong một hệ thống theo trật tự xác định. Các yếu tố ở đây có thể được cụ thể hóa dựa trên đối tượng, phương pháp và bộ máy. Như vậy, khi nói đến khái niệm tổ chức, có thể đề cập đến hai mặt của khái niệm này là "tổ chức công tác" và "tổ chức bộ máy". "Tổ chức công tác" là quá trình hành động, tạo lập tổ chức cùng với quá trình vận hành hệ thống, tác động vào đối tượng theo mục tiêu xác định. "Tổ chức bộ máy" sắp xếp các yếu tố trong một hệ thống theo trật tự xác định nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Khi gắn khái niệm về "tổ chức" với hoạt động KTNB trong tập đoàn kinh tế, có thể hiểu tổ chức KTNB là tập hợp, sắp xếp các yếu tố của KTNB nhằm hướng tới các chức năng cơ bản của KTNB là kiểm tra, xác nhận, đánh giá và tư vấn do các KTVNB có trình độ nghiệp vụ tương xứng thực hiện dựa trên cơ sở hệ thống pháp lý đang có hiệu lực cho các đơn vị thành viên trong tập đoàn. Các yếu tố của KTNB vẫn dựa trên cơ sở chung của kiểm toán là đối tượng kiểm toán, các phương pháp kiểm toán (kiểm toán cân đối, kiểm toán đối chiếu, đối chiếu lôgíc, đối chiếu trực tiếp, kiểm kê, thực nghiệm và điều tra... ) và bộ máy kiểm toán. Trong kiểm toán, vấn đề quan trọng là


cần kết hợp các yếu tố này theo một trình tự khoa học, phù hợp với đối tượng và khách thể kiểm toán trong từng thời kỳ cụ thể. Việc kết hợp các yếu tố này sẽ không giống nhau theo từng cuộc kiểm toán khác nhau và phù thuộc rất nhiều và quyết định của chủ thể kiểm toán. Hiệu quả của từng cách thức kết hợp các yếu tố cũng khác nhau tạo nên tính nghệ thuật trong tổ chức KTNB. Tổ chức kiểm toán cũng cần và có thể khái quát các cách kết hợp theo trình tự khoa học chung giữa các yếu tố trong tổ chức kiểm toán. Từ đó, tổ chức KTNB trong tập đoàn kinh tế có thể phân chia thành hai nội dung cơ bản là tổ chức công tác KTNB và tổ chức bộ máy KTNB.

Tổ chức công tác KTNB hướng đến mục tiêu là tạo ra mối liên hệ khoa học và nghệ thuật giữa các phương pháp kỹ thuật của kiểm toán mà KTNB áp dụng nhằm thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận, đánh giá và tư vấn của kiểm toán. Tổ chức công tác KTNB có thể được thực hiện căn cứ vào yêu cầu thực hiện chức năng kiểm toán theo từng đối tượng, loại hình kiểm toán, khách thể kiểm toán và thời gian tiến hành kiểm toán các liên kết trong tập đoàn. Các yếu tố cấu thành phương pháp kiểm toán bao gồm kiểm toán cân đối, kiểm toán đối chiếu trực tiếp, đối chiếu logíc, kiểm kê, thực nghiệm và điều tra sẽ trở thành nhận thức của người thực hiện kiểm toán và cơ chế hoạt động của các phương tiện cấu thành bộ máy kiểm toán.

Tổ chức bộ máy KTNB gồm cả con người và phương tiện chứa đựng các yếu tố của kiểm toán để thực hiện chức năng KTNB. Tổ chức bộ máy KTNB hướng đến mục tiêu là tạo ra mối liên hệ qua lại của con người và phương tiện theo một trật tự xác định. Tổ chức bộ máy KTNB với những mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động linh hoạt nhằm thích ứng với đặc điểm của đối tượng và khách thể kiểm toán trong các cuộc kiểm toán cụ thể. Đặc biệt, đối với KTNB trong tập đoàn kinh tế tổ chức bộ máy luôn đỏi hỏi đảm bảo cơ chế hoạt động linh hoạt.

Lý thuyết hệ thống cũng chỉ ra mối liên hệ lôgíc giữa yếu tố, phân hệ và hệ thống. Đó là mối liên hệ giữa cái riêng và cái chung và chúng có thể chuyển hóa cho nhau song sự bao gồm của cái riêng trong cái chung vẫn phải được tôn trọng trong tổ chức bộ máy kiểm toán nói riêng cũng như trong mọi hệ thống tổ chức nói chung. Ngoài ra, theo nguyên lý chung của tổ chức bộ máy, bộ máy kiểm toán có thể được tổ chức theo phương thức trực tuyến - tham mưu hoặc phương thức chức năng và có thể chọn loại hình tập trung hay phân tán tùy qui mô và địa bàn hoạt động, tuy khả năng và phương tiện điều hành. [28, tr214].

Xem tất cả 284 trang.

Ngày đăng: 10/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí