Tổ chức kiểm toán nội bộ trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam - 2


Vì lý do nêu trên, Luận án tập trung nghiên cứu đến mô hình tập đoàn, tổ chức quản lý tập đoàn, kinh nghiệm quốc tế; nghiên cứu KTNB thích ứng với mô hình tập đoàn. Các nghiên cứu của Luận án sẽ bao gồm cả lý luận về KTNB và thực trạng KTNB trong tập đoàn kinh tế của Việt Nam.

3. Mục đích và ý nghĩa nghiên cứu của luận án

a. Mục đích

Mục đích của Luận án là hệ thống hóa các lý luận cơ bản về tập đoàn kinh tế, các lý luận cho tổ chức KTNB trong các tập đoàn kinh tế và nghiên cứu thực trạng tổ chức KTNB trong các tập đoàn kinh tế Việt Nam. Trên cơ sở đó, Luận án nghiên cứu các giải pháp và đề xuất các mô hình hiệu quả của tổ chức KTNB trong các tập đoàn kinh tế Việt Nam.

b. Ý nghĩa

Với mục đích trên, Luận án có ý nghĩa cả trong lý luận và thực tiễn tổ chức KTNB. Cụ thể:

Thứ nhất, Về lý luận: Luận án trình bày hệ thống và toàn diện về tập đoàn kinh tế, các mô hình tập đoàn. Đồng thời Luận án phát triển lý luận về tổ chức KTNB trong các tập đoàn kinh tế, khẳng định tầm quan trọng của KTNB trong tập đoàn kinh tế.

Thứ hai, Về thực tiễn: Luận án mô tả và phân tích thực trạng tổ chức KTNB trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam trên hai mặt là tổ chức công tác KTNB và tổ chức bộ máy KTNB, đánh giá những thành tựu và hạn chế và luận giải các nguyên nhân theo các nội dung của tổ chức KTNB. Trên cơ sở đó, Luận án đề xuất được những quan điểm và giải pháp khả thi trong tổ chức KTNB trong các tập đoàn kinh tế, đóng góp vào việc hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 284 trang tài liệu này.

a. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của Luận án là tổ chức KTNB trong các tập đoàn kinh tế được thành lập theo pháp luật của Việt Nam. Đối tượng nghiên cứu được cụ thể hoá trên các khía cạnh sau:

Tổ chức kiểm toán nội bộ trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam - 2

Một là, Những vấn đề lý luận về tổ chức KTNB trong các tập đoàn kinh tế.


Hai là, Phân tích đánh giá thực trạng tổ chức KTNB trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam có gắn với tổ chức KTNB của các tập đoàn kinh tế của các nước trên thế giới.

b. Phạm vi nghiên cứu

Luận án tập trung nghiên cứu các tập đoàn kinh tế nhà nước trong Đề án Thí điểm thành lập tập đoàn bằng hình thức chuyển đổi hình thức sở hữu và tái cấu trúc hoạt động của các tổng công ty 91.

Phạm vi khảo sát thực tế của Đề tài là các tập đoàn kinh tế của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, các tổng công ty đang trong Đề án Thí điểm xây dựng tập đoàn kinh doanh của Chính phủ. Số liệu của Đề tài dựa trên các niên giám thống kê, các báo cáo tổng kết, các và khảo sát thực tế của tác giả tại công ty mẹ và công ty thành viên của một số tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước trong Đề án Thí điểm hình thành tập đoàn ở Việt Nam.

5. Phương pháp nghiên cứu của luận án

Luận án sử dụng chủ yếu các phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, sử dụng kết hợp các phướng pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Các phương pháp kỹ thuật chủ yếu mà Tác giả sử dụng trong luận án bao gồm: Phương pháp điều tra, khảo sát, phương pháp thống kê, phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp thực chứng, các phương pháp bổ trợ khác.

Dữ liệu được sử dụng trong Luận án bao gốm cả dữ liệu sơ cấp và thứ cấp. Các dữ liệu sơ cấp được thu thập chủ yếu thông qua phiếu điều tra đối với thành viên của các tập đoàn kinh tế bao gồm cả công ty mẹ, các công ty con và công ty liên kết. Dữ liệu này còn được bổ sung bằng phỏng vấn trực tiếp đối với nhà quản lý và kiểm toán viên nội bộ trong các doanh nghiệp này. Ngoài ra, Tác giả còn tiến hành phỏng vấn các chuyên gia trong bộ máy quản lý nhà nước về tài chính kế toán kiểm toán như Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chính phủ. Dữ liệu thứ cấp được thu thập qua các tài liệu, báo cáo khoa học về tập đoàn kinh tế và về kiểm toán nội bộ, báo cáo tổng kết hoạt động của các tập đoàn kinh tế của Việt Nam.

6. Những đóng góp của Luận án

Việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế là một định hướng nhằm tăng cường sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, phát triển bền vững và đạt hiệu quả cho các doanh nghiệp của Việt Nam. KTNB sẽ góp phần không nhỏ


nhằm giúp các tập đoàn đạt được các mục tiêu trên. Chính vì vậy, Luận án có những đóng góp cả về lý luận và giải quyết thực tiễn.

Một là, Về Lý luận: Luận án đã hệ thống hóa lý luận chung về các tập đoàn kinh tế, đề, trên cơ sở đó đã làm rõ lý luận chung về KTNB trong tập đoàn kinh tế. Trong đó, Luận án đã đưa ra các mô hình của KTNB phù hợp với đặc điểm chung của tập đoàn kinh tế. Ngoài ra, Luận án cũng đề cập đến kinh nghiệm tổ chức KTNB của tập đoàn ở một số nước trên thế giới.

Hai là, Về thực tiễn: Luận án đã xem xét các đặc điểm chung của tập đoàn kinh tế trong phạm vi nghiên cứu, trên cơ sở đó nhận diện mô hình tập đoàn kinh tế của Việt Nam. Luận án đã đánh giá thực trạng tổ chức KTNB ở các tập đoàn kinh tế của Việt Nam trên hai mặt là tổ chức công tác KTNB và tổ chức bộ máy KTNB. Trên cơ sở đó Luận án đã phân tích rõ những những kết quả đạt được và những hạn chế của KTNB trong các tập đoàn, làm rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan của các nội dung trên.

Trên cơ sở các nghiên cứu về thực trạng tổ chức KTNB, Luận án đã đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện KTNB trên cả hai mặt là tổ chức công tác và tổ chức bộ máy KTNB. Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh đến việc tổ chức mô hình KTNB phù hợp với mô hình tập đoàn kinh tế đang được vận dụng ở Việt Nam. Những đề xuất mà tác giả đưa ra còn có thể vận dụng cho các đơn vị khác đang trong quá trình hình thành tập đoàn.

7. Bố cục, kết cấu của luận án:

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Luận án gồm 3 chương

Chương 1: Cơ sở lý luận của tổ chức kiểm toán nội bộ trong tập đoàn kinh tế

Chương 2: Thực trạng tổ chức kiểm toán nội bộ trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam

Chương 3: Phương hướng và giải pháp hoàn thiện tổ chức kiểm toán nội bộ trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam


CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA TỔ CHỨC

KIỂM TOÁN NỘI BỘ TRONG TẬP ĐOÀN KINH TẾ


1.1. KIỂM TOÁN NỘI BỘ TRONG TẬP ĐOÀN KINH TẾ


1.1.1. Khái quát chung về tập đoàn kinh tế


1.1.1.1. Bản chất và vai trò của tập đoàn kinh tế

Quá trình phát triển của nền kinh tế thường dẫn tới xu hướng tích tụ, tập trung sản xuất và tập trung các nguồn lực về vốn, lao động và tài nguyên hay sự kết hợp về công nghệ của các công ty đơn lẻ thông qua hình thức liên kết lại với nhau để hình thành tổ hợp các công ty có quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, phạm vi hoạt động rộng. Xu hướng đó đã trở thành tiền đề phát triển của các tập đoàn kinh tế trên thế giới.

Về mặt ngôn ngữ, từng quốc gia có thể dùng nhiều từ ngữ khác nhau để nói về khái niệm tập đoàn kinh tế. Việc sử dụng các từ ngữ khác nhau như vậy phụ thuộc vào lịch sử hình thành và hình thức biểu hiện của từng loại tập đoàn.

Tại Châu Âu và Hoa Kỳ, các tập đoàn được hình thành một cách chính thức từ sau cuộc cách mạng công nghiệp. Trước hết có thể kể đến hình thức "Cartel". Cartel là hình thức tập đoàn kinh tế có liên kết đơn giản nhất xuất hiện đầu tiên ở Hoa Kỳ vào khoảng giữa thế kỷ XIX và sau đó mở rộng sang nhiều nước Châu Âu. Đây là loại hình tập đoàn kinh tế được hình thành bởi sự liên kết của các công ty hoạt động trong cùng một ngành, một lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên cơ sở thoả thuận kinh tế như thống nhất về giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm, phân chia thị trường đầu vào, đầu ra... nhằm tránh cạnh tranh trực tiếp với nhau. Trong Cartel, các công ty tham gia vẫn giữ nguyên tư cách pháp nhân và tính độc lập của chúng, tuy nhiên tính độc lập về kinh tế lại bị hạn chế bởi các hợp đồng kinh tế. Một dạng đặc biệt của Cartel là Syndicate và Trust. Điểm đặc biệt trong hình thức Syndicate là có một văn phòng thương mại chung do một ban quản trị điều hành và tất cả các công ty thành viên đều tiêu thụ hàng hóa của mình qua văn phòng thương mại này. Điều này làm cho các đơn vị thành viên sẽ mất tính độc lập về thương mại và chỉ còn giữ được tính độc lập về sản xuất. Với hình thức Trust, liên kết trong tập đoàn không chỉ ở khâu tiêu thụ mà cả ở khâu sản xuất. Trust bao gồm nhiều doanh nghiệp công nghiệp do một ban


quản trị thống nhất điều hành. Trong hình thức này, các doanh nghiệp thành viên đều bị mất quyền độc lập cả về sản xuất và thương mại. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, các nước đều không khuyến khích độc quyền thông qua các qui định của hệ thống luật pháp. Ví dụ tại Hoa Kỳ đã có nhiều đạo luật chống độc quyền như Đạo luật Serman năm 1890, Đạo luật Clayton năm 1914, Đạo luật của Ủy ban Thương mại Liên bang năm 1914, Đạo luật cải tiến lĩnh vực chống độc quyền Anti-Trust năm 1976. Hơn thế nữa, mô hình Cartel chỉ hoạt động trong cùng một ngành, một lĩnh vực sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy hình thức này đến nay ít tồn tại.

Một hình thức tập đoàn cũng được hình thành rất sớm là "Consortium". "Consortium" là từ gốc Latinh có nghĩa là "đối tác, hiệp hội hoặc hội" được sử dụng để chỉ một tập hợp của hai hay nhiều thực thể kinh tế nhằm mục đích tham gia vào hoạt động chung hoặc đóng góp nguồn lực để đạt được mục tiêu chung. Consortium được xác lập trên cơ sở hợp đồng, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng công ty thành viên tham gia. Mô hình phổ biến của Consortium có thể là tổ hợp của nhiều tổ chức liên kết với nhau nhằm mục tiêu phân chia thị trường hoặc tiến hành một hoạt động kinh doanh nào đó có một công ty lớn đứng đầu. Một ví dụ điển hình của loại hình Consortium là hãng Airbus Industrie một trong những hãng sản xuất máy bay hàng đầu trên thế giới với các thành viên là Aérospatiale – Matra (Pháp) 37,9%, Daimler – Chrysler Aerospace (Đức) 37,9%, và Construcciones Aeronáuticas (Tây Ban Nha) 4.2%. Các thành viên hưởng phần lợi nhuận tương ứng theo tỷ lệ đóng góp [70].

Phù hợp với phương pháp quản lý hiện đại, phát triển kinh doanh và hạn chế rủi ro đồng thời hỗ trợ mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, tại khu vực Bác Mỹ và Châu Âu đầu thế kỷ XX đã hình thành mô hình tập đoàn theo hình thức "Concern". Đây là tập đoàn kinh tế được hình thành bằng cách công ty mẹ đầu tư vào các công ty khác thành các công ty con. Mục tiêu của việc thành lập Concern là tạo tiềm lực tài chính mạnh để phát triển kinh doanh, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới. Chính vì mục đích đó mà Concern trở nên ngày càng phổ biến. Trong Concern, liên kết được thực hiện bằng cách công ty mẹ sẽ điều hành hoạt động của tập đoàn bằng quyền kiểm soát thông qua nguồn vốn đầu tư. Các công ty con chịu trách nhiệm trên phần vốn góp của mình và giữ tính độc lập về mặt pháp lý nhưng hoạt động phụ thuộc vào chiến lược phát triển của công ty mẹ.


Các công ty con trong mô hình này có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực có liên quan, có thể bổ trợ cho nhau trong hoạt động và phân tán rủi ro cho cả tập đoàn.

Sự phát triển cao hơn của các liên kết trong tập đoàn kinh tế dẫn đến sự mở rộng về phạm vi liên kết. Liên kết trong các tập đoàn trước đây chỉ là các liên kết đơn giản theo từng khâu của quá trình kinh doanh thì ngày nay đã phát triển thành các liên kết phức tạp bao gồm cả liên kết về hoạt động sản xuất kinh doanh và liên kết về tài chính. Đây là cơ sở hình thành các tập đoàn kinh tế theo hình thức "Conglomerate". Conglomerate là tập đoàn kinh doanh được hình thành bằng cách thu hút những công ty có lợi nhuận cao nhất và các ngành có hiệu quả hoạt động cao nhất thông qua thị trường chứng khoán. Khác với Concern, mô hình Conglomerate là tập đoàn đa ngành, các công ty thành viên ít có mối quan hệ về công nghệ sản xuất và khâu tiêu thụ nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ về mặt tài chính. Chính vì thế mà mô hình tập đoàn này thường gắn bó chặt chẽ với ngân hàng và tổ chức tài chính.

Tại một số quốc gia phát triển ở châu Á, các tập đoàn cũng hình thành và phát triển từ rất sớm. Ở Nhật Bản, "Keiretsu" là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các tập đoàn kinh tế. Keiretsu là một nhóm các doanh nghiệp độc lập về mặt pháp lý nắm giữ cổ phần của nhau và thiết lập được mối quan hệ mật thiết về nguồn vốn, về nhân lực, công nghệ, cung ứng nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm. Ở Hàn Quốc, tập đoàn thường được gọi là "Chaebol". Chaebol được sử dụng để chỉ liên kết gồm nhiều công ty hình thành quanh một công ty mẹ. Trong Chaebol, các công ty thành viên trong tập đoàn thường nắm giữ cổ phần hoặc vốn góp của nhau và do một gia đình điều hành. Còn theo quan điểm của các nhà kinh tế Trung Quốc, Tập đoàn doanh nghiệp là một tổ hợp kinh doanh tập hợp các doanh nghiệp có liên quan với nhau bởi một công ty mẹ. Công ty mẹ của mỗi tập đoàn doanh nghiệp sẽ hoạt động như là hạt nhân của tập đoàn, còn các công ty con và các doanh nghiệp có liên quan khác đều là các pháp nhân được pháp luật công nhận, chia sẻ tất cả các quyền dân sự có liên quan và chịu trách nhiệm dân sự phát sinh. Những công ty trực thuộc hoặc các đơn vị không phải là pháp nhân sẽ không phải là các thành viên độc lập của tập đoàn. Bản thân tập đoàn doanh nghiệp không phải là các pháp nhân [84, tr 2].

Có thể thấy hiện nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tập đoàn kinh tế, song vẫn chưa có một khái niệm thống nhất về tập đoàn kinh tế. Ở Việt Nam, quan điểm của các tác giả của cuốn "Từ điển Thương mại Anh - Pháp - Việt" về tập đoàn kinh tế: "Một nhóm là một tập đoàn kinh tế và tài chính gồm một công ty mẹ và các


công ty khác mà nó kiểm soát hay trong đó nó có tham gia. Mỗi công ty bản thân nó cũng có thể kiểm soát các công ty khác hay tham gia các tổ hợp khác" [23, tr206]. Quan điểm này thể hiện ba điểm chính: Một là, Cơ cấu tổ chức tập đoàn là một nhóm các công ty trong đó có một công ty mẹ và các công ty thành viên; Hai là, Công ty mẹ liên kết với các đơn vị thành viên bằng cách kiểm soát hoặc tham gia hoạt động với các công ty thành viên; Ba là, Các công ty thành viên có thể kiểm soát và tham gia các công ty khác.

Dưới góc độ pháp lý của Việt Nam, Luật Doanh nghiệp ban hành ngày 29/11/2005 đưa ra khái niệm "Tập đoàn kinh tế là nhóm các công ty có quy mô lớn", trong đó có thể hiểu "nhóm công ty là tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác" [27]. Có thể thấy ngay các văn bản pháp luật của Việt Nam vẫn chưa đưa ra một căn cứ rõ ràng để xác định các tập đoàn kinh tế. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn cho các cơ quan nhà nước và bản thân các tập đoàn trong quá trình xác định mối quan hệ với các cơ quan nhà nước và mối liên hệ giữa các doanh nghiệp thành viên.

Theo các phân tích trên, các quan niệm về tập đoàn kinh tế kể trên có những điểm khác biệt và có những điểm tương đồng nhất định. Sự khác biệt chủ yếu là do khác biệt về phương pháp tiếp cận, điều kiện kinh tế xã hội ở mỗi quốc gia. Các quan niệm trên có thể có những cách diễn đạt khác nhau nhưng đều thể hiện rõ những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất: Tập đoàn kinh tế là sự hình thành mang tính tất yếu khách quan của các quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất của nền kinh tế thị trường như quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu. Các tập đoàn đều có quy mô kinh doanh lớn, phạm vi hoạt động rộng;

Thứ hai: Các tập đoàn thường hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và có lĩnh vực kinh doanh chính. Các ngành kinh doanh khác thường liên quan hoặc là ngành kinh doanh phụ trợ cho ngành kinh doanh chính nhằm tận dụng cơ sở vật chất, tiềm năng, lao động hoặc phân tán rủi ro. Các tập đoàn thường gồm nhiều doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập. Tuy nhiên bản thân tập đoàn lại chỉ mang ý nghĩa là một nhóm các công ty chứ không có tư cách pháp nhân;


Thứ ba: Các tập đoàn có thể có hình thức sở hữu rất đa dạng, có thể là đơn sở hữu, đa sở hữu hoặc sở hữu gia đình. Các tập đoàn phát triển theo xu hướng hiện đại thường theo hướng đa sở hữu nhằm thu hút tối đa các nguồn lực. Trong một số trường hợp do đặc điểm về kinh tế và truyền thống văn hoá, hình thức sở hữu gia đình cũng được hình thành và phát triển;

Thứ tư: Liên kết chủ yếu trong các tập đoàn có thể có nhiều hướng khác nhau, có thể là liên kết về tài chính, liên kết về công nghệ, thị trường và chiến lược kinh doanh. Các liên kết này có thể là liên kết đầu vào hoặc đầu ra của quá trình kinh doanh nhưng đều hướng đến sự gia tăng lợi ích của các bên tham gia. Mục tiêu cụ thể của các liên kết này là tăng cường khả năng tích tụ, tập trung, cạnh tranh và tối đa hoá lợi nhuận. Trung tâm của các tập đoàn là các công ty mẹ, các công ty này có thể hoạt động với chức năng đầu tư tài chính và sản xuất kinh doanh hoặc chỉ thực hiện chức năng đầu tư tài chính.

Trên cơ sở những phân tích trên, theo quan điểm của tác giả có thể đưa ra một khái niệm về tập đoàn kinh tế như sau: Tập đoàn kinh tế là một thực thể kinh tế có quy mô lớn gồm nhiều doanh nghiệp thành viên liên kết với một doanh nghiệp hạt nhân là công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên có tư cách pháp nhân độc lập. Mối quan hệ kinh tế trong tập đoàn dựa trên cơ sở các liên kết được pháp luật thừa nhận. Các liên kết này có thể là liên kết đầu vào hoặc đầu ra của quá trình kinh doanh dựa trên cơ sở liên kết chặt chẽ và gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, các dịch vụ khác và chiến lược kinh doanh nhằm tăng cường tích tụ, tập trung, tăng khả năng cạnh tranh và tối đa hoá lợi ích. Bản thân tập đoàn kinh tế không được coi là một pháp nhân độc lập mà là một tập hợp hay một nhóm các doanh nghiệp thành viên mà mỗi doanh nghiệp thành viên đều có tư cách pháp nhân.

Với cách hiểu về tập đoàn kinh tế như trên, có thể thấy vai trò quan trọng của các tập đoàn trong nền kinh tế quốc dân của mỗi quốc gia cũng như của nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới hiện nay đều chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế. Điều này được thúc đẩy do sự nhận biết toàn diện của các cơ quan nhà nước, các nhà quản lý về vai trò ngày càng quan trọng của các tập đoàn đối với toàn bộ nền kinh tế của quốc gia. Vai trò này thường được xem xét trên những khía cạnh sau:

Thứ nhất: Tập đoàn kinh tế tăng tốc độ huy động vốn thông qua sự chuyển dịch vốn nhanh giữa công ty mẹ và công ty thành viên, giữa các công ty thành viên

Xem tất cả 284 trang.

Ngày đăng: 10/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí